Học nhân đời Mạt pháp, đa số hướng về những sự tu tập thô phù, mà không đi thẳng đến chỗ chân thật1. Vì vậy, ngay nơi những lời giảng dạy của Đức Phật, chỉ chấp trên danh tự ngôn ngữ2, mà không đạt được tông chỉ cứu cánh, khiến tăng thêm tri kiến, sanh đại ngã mạn. Đây là dùng Phật pháp mà kết thêm cội gốc sanh tử3. Vì lúc mới phát tâm, không khởi bước từ việc sanh tử4, cũng không biết sanh tử là vật chi, cứ bảo rằng chẳng có can hệ gì. Mê mờ đi trong đêm tối, nên không thể thấy được chánh lộ tu hành5. Ngôn từ của Phật dạy đều là pháp xuất ly sanh tử, sao người đời nay ngược lại bị đọa? Việc này chẳng phải lỗi của Phật, mà lỗi tại học nhân không có chánh tri chánh kiến, cùng chưa từng thân cận và được thiện tri thức chỉ điểm6 thuyết phá trừ căn mê lầm. Học nhân Thạch Ngọc với lòng chân thật và nghiệp trong sạch, xưa đã từng tham kiến lão nhân tại ngoài miền Lĩnh Nam. Lão nhân đi về miền Đông, sang Ngô Việt, khắc tân sớ sao Lăng Nghiêm Pháp Hoa. Thạch Ngọc xem lại, tham cứu tinh tường rồi suy ngẫm, nên đắc được yếu chỉ bên ngoài lời nói của lão nhân. Nay lão nhân trở về Khuông Sơn dưỡng già. Ngày nay, Thạch Ngọc có khả năng làm bạn trong không gian u tịch, để tham cứu việc hướng thượng, mà không bị tập khí văn tự làm sở tri chướng7. Thật hay lắm thay!
1 Không đi thẳng đến chỗ chân thật: không xem việc giác ngộ triệt để là tông chỉ.
2 Chấp trên danh tự ngôn ngữ: chấp vào việc tri giải khái niệm, đúng sai trong kinh điển.
3 Dùng Phật pháp mà kết thêm cội gốc sanh tử: sa vào giải nghĩa giáo pháp mà thêm mê chấp, phiền não vào mọi nhân duyên sanh diệt.
4 Không khởi bước từ việc sanh tử: không lấy việc giải thoát khỏi sanh tử làm tôn chỉ.
5 Chánh lộ tu hành: chánh pháp, cụ thể là Bát Chánh đạo.
6 Chỉ điểm: chỉ bày, giúp chỉ ra.
7 Bị tập khí văn tự làm sở tri chướng: hạt giống phiền não hay chướng ngại do chấp chặt vào điều mình biết trong kinh sách.