Phật dạy:
- Từ bỏ cha mẹ, xuất gia tu đạo; liễu ngộ chân tâm, đạt đến bổn tánh, giải pháp vô vi1, gọi là sa môn2, thường hành hai trăm năm mươi giới.
1 Vô vi: là những pháp thường còn, không sinh không diệt, là chân tánh của tất cả các pháp, ngược lại với pháp hữu vi, là những gì tương đối, do nhân duyên hợp thành, những gì thuộc về hình tướng biến đổi do nhân duyên.
2 Sa môn (Samana): là cách gọi một tu sĩ Phật giáo phát nguyện xuất gia theo con đường giác ngộ, đoạn trừ phiền não, và từ đó hoằng pháp độ sinh.
Lại bảo:
- Đoạn tham dục tẩy trừ ái chấp, nhận thức nguồn tự tâm3; đạt được lý thâm sâu của Phật, mà ngộ pháp vô vi4.
3 Nhận thức nguồn tự tâm: giác ngộ được tâm thanh tịnh.
4 Ngộ pháp vô vi: giác ngộ được thật tánh vô ngã vô thường của mọi sự vật, hiện tượng.
Lại bảo:
- Cạo bỏ râu tóc, mà làm sa môn, lãnh thọ Phật pháp; bỏ tiền tài riêng tư ở thế gian, chỉ cầu biết đủ; ngày ăn một buổi, mỗi đêm ngủ dưới một gốc cây; cẩn thận chớ xoay trở lại. Khiến người bị ngu si che mờ, đều do ái và dục. Những pháp như thế, Phật dặn dò rõ ràng; chẳng ngoài việc nhắc nhở chư sa môn, lúc vừa xuất gia, hạnh đầu tiên phải hành là xa rời dục lạc. Hậu thế tử tôn, thân tuy xuất gia, mà tâm lại say sưa nơi năm món dục; không biết sao phải hành pháp viễn ly5, và đạo nào là đạo xuất khổ não, chỉ miên man hôn mê, mà không tự giác6; lại giả bộ phục sức oai nghi, dối trá hiện tướng oai đức; ngoài thì dối người, trong thì khi tâm mình; che đậy lỗi lầm mà chẳng biết tự giác. Người muốn cầu chân tâm chánh niệm thật hiếm có. Kinh Tịnh Danh nói rằng trực tâm là đạo tràng7.
Như thường có chí cầu pháp xuất ly, phải lấy trực tâm làm đệ nhất nghĩa. Trân trọng!
5 Viễn ly (viveka): là pháp tu cách ly khỏi mọi sự xao động dẫn đến phiền não của thế gian. Pháp tu viễn ly có ba pháp: 1) Thân viễn ly (Kaya Viveka, là sống độc cư trong cả bốn oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm để tu tập đạt trạng thái thân an tịnh); 2) Tâm viễn ly (Citta Viveka, là tu tập để đạt trạng thái tâm dứt đoạn phiền não, tức tâm vắng lặng, thanh tịnh tuyệt đối); 3) Viễn ly sanh y (Upadhi Viveka, là sự đoạn dứt nơi nương sanh các cảm thọ. Viễn ly sanh y xảy ra khi một người nhập diệt Niết Bàn).
6 Không tự giác: không tụ tập để tự mình giác ngộ.
7 Trực tâm là đạo tràng: trực tâm là nền tảng để thấy được chân tướng của sự vật, hiện tượng, giác ngộ chánh pháp. Có bốn biểu hiện của trực tâm: 1) Không che giấu, không chướng ngại; 2) Không nói khác đi dù mất đi thân mạng; 3) Chỉ trách mình, không trách tha nhân; 4) Tin vào chánh pháp hay chân lý đúng đắn.