Phật dạy đệ tử tu pháp xuất thế1, chỉ có hai loại diệu hạnh là tự lợi và lợi tha. Lợi tha gọi là tu phước. Tự lợi gọi là tu huệ. Bồ Tát phát tâm, cần cầu đạo Bồ Đề vô thượng2. Bồ Tát tuy biết pháp tánh là lặng lẽ không tịch, mà chẳng xả bỏ các hạnh hữu vi3. Biết các pháp vốn không tịch tức là tự lợi. Không xả bỏ các hạnh hữu vi gọi là lợi tha. Từ trên chư Phật Tổ, chưa có ai chẳng từ hai hạnh này mà được xuất ra khỏi sanh tử. Đức Thế Tôn muôn kiếp tinh cần tu bao khổ hạnh khó hành.
1 Đệ tử tu pháp xuất thế: ý nói người xuất gia.
2 Đạo Bồ Đề vô thượng: là sự giác ngộ và tỉnh thức của một vị Phật, xuất phát từ sự hiểu biết toàn triệt, không còn phân biệt tự lợi hay lợi tha, xem hữu vi cũng là vô vi.
3 Chẳng xả bỏ các hạnh hữu vi: ở lại cõi ta bà vì hạnh nguyện cứu độ chúng sanh.
Chúng ta từ bao kiếp dài lâu, lặn hụp trong biển sanh tử, đầu xuất đầu mất, xả thân thọ thân, không thể nghĩ bàn, đều là sống hư chết phí, thì làm sao có một chút gì là hạnh môn chân thật! Nếu có hạnh chân thật thì quyết sẽ không như mặt mũi đời nay4. Sao không thống niệm, mà hồi quang phản chiếu, dũng mãnh tự suy ngẫm!
Đời nay thiền nhân do túc duyên5 may mắn, sớm đã thoát tục, mãi rời biển khổ, lại được an cư tại danh sơn, nơi đạo tràng thù thắng vi diệu mà chư Tổ thường thuyết pháp. Đây là duyên lành muôn kiếp khó gặp. Chính là đói gặp tiệc vua, bệnh gặp dược vương. Tự phải biết mình may mắn vô ngần, rồi tận suốt cả đời, xả bỏ thân mạng, làm các việc công đức, thì vượt trội trăm kiếp ngàn đời thường sống vô tích sự. Thiền nhân hãy tin lời của lão nhân; từ rày về sau, phát tâm bất thối, trì chí dũng mãnh can cường, tận hết sức lực, lượng hết tài năng, biện một mảnh tâm khăng khít6, nhậm duyên7 tùy nguyện8, nhịn tâm nhịn phiền9, nhẫn khổ nhẫn lao, thì sẽ có một ngày thành tựu công đức, tức sống đời hữu ích. Thiền nhân tự bảo thân yếu thần suy, không thể lãnh nhận công tác. Cổ nhân quý tại tâm lực cường, nguyện lực lớn10, chứ không kể tại sắc thân khỏe hay không khỏe. Nay tuy có ít bệnh, không quá khổ đau. Nếu tạo nghiệp ác, đọa nơi ba đường dữ, thì có cầu như hôm nay bệnh ít, thân tâm phiền não ít, hay muốn gieo lợi ích trong ruộng phước, cũng chẳng được.
4 Không như mặt mũi đời nay: không có những nhân duyên như trong đời này.
5 Túc duyên: đủ duyên.
6 Khăng khít: chặt chẽ, không thể tách rời, ý nói nhất tâm bất loạn.
7 Nhậm duyên: tùy duyên.
8 Tùy nguyện: ý nói tu theo hạnh nguyện.
9 Nhịn tâm: tâm thức rộng mở nên khoan dung, kham nhẫn; nhịn phiền: vì lòng kham nhẫn, vì hạnh nguyện nên vượt trên mọi phiền não hay cảm thọ khổ của thế gian.
10 Nguyện lực lớn: chỉ hạnh nguyện lớn lao là giải thoát.
Phật bảo chúng sanh phải nhớ các nỗi khổ nơi địa ngục mà phát tâm Bồ Đề, tức là bây giờ phải nên tự thúc đẩy, phát khởi tinh tấn. Cổ đức bảo rằng thà chết mà có pháp, còn hơn sống mà chẳng có pháp, xả bỏ thân mạng này, làm những diệu hạnh đó; ví như chiếc thuyền Bát Nhã11 có thể đạt đến bờ giác. Câu nệ chi mà không cố gắng cưỡng ý chí12, để phụ bạc bỏ phí cuộc đời này! Đã đến núi báu, lại trở về tay không. Sao không tiếc thay!
Nếu thường an tâm nơi vô sự, tức là tâm Không13. Tâm Không tức thần chẳng suy. Thần chẳng suy tức thân không lao nhọc. Đó là diệu hạnh vô tác14. Gặp duyên tức là tông thú tu hành15, quyết không để công việc thường ngày xoay chuyển. Nơi nơi đều thành tựu môn đại giải thoát. Xin hãy suy gẫm cho kỹ!
11 Chiếc thuyền Bát Nhã: chỉ giáo pháp của đạo Phật, là giáo pháp của trí huệ Bát Nhã đưa người tu đến bến bờ giải thoát.
12 Cưỡng ý chí trong đạo Phật là tiết chế tham và sân (tức tham ái và chấp ngã), là luôn tỉnh thức, quán sát để giữ tâm thanh tịnh, không chạy theo vọng tưởng, tham ái.
13 Tâm Không: tâm trụ ở tánh Không, nghĩa là tâm thấy được tánh Không của tất cả các pháp nên không trụ ở pháp nào, tức không có gì trói buộc, vắng lặng.
14 Vô tác: là một trong ba cánh cửa đưa tới giải thoát – Không, vô tướng và vô tác. Vô tác là không cần có gì phải làm, chỉ cần an trú trong bản tánh tự tâm của mình.
15 Gặp duyên tức là tông thú tu hành: mọi nhân duyên gặp phải đều là cơ duyên để tu hành.