Gần đây các thiếu niên ở khắp nơi, thường tự bảo có chí tham thiền. Song lúc tương kiến đối đầu1, tôi nhận thấy họ đều là những kẻ điên đảo2. Họ gìn giữ vọng tưởng làm thệ nguyện3, dùng sự làm biếng giải đãi làm công phu khổ nhọc, dùng phô trương ngã mạn làm hạnh cao, dùng môi lưỡi giỡn chơi làm cơ phong, dùng chấp ngu si4 làm sự hướng thượng, dùng việc phản bội Phật Tổ làm tự thị5, dùng trí huệ ranh manh làm diệu ngộ6.
1 Tương kiến: gặp nhau; đối đầu: đối nghịch, đấu với nhau; ở đây ý nói gặp nhau đối đầu hay đối chất về quan điểm.
2 Điên đảo: xáo động, mê lầm, nhiều vọng tưởng.
3 Gìn giữ vọng tưởng làm thệ nguyện: xem những vọng tưởng là lý tưởng sống, nghĩa là chấp những vọng tưởng là thật.
4 Chấp ngu si: sự chấp trước do mê lầm.
5 Tự thị: tự tôn, tự xem mình hơn người.
6 Dùng trí huệ ranh manh làm diệu ngộ: do vô minh mà chấp những hiểu biết khéo léo, hư huyễn của thế gian là trí huệ thật.
Thế nên, mỗi khi vào tùng lâm, thân nghiệp không thể nhập vào đại chúng, và miệng ý không thể hòa với mọi người. Buông lung tình ý, chẳng tu ba nghiệp, mà cho lễ bái tụng niệm là hạ liệt7, cho hạnh môn (công việc trong chùa) là thấp kém, cho Phật pháp là oan gia, cho văn lượm lặt làm tri kiến của mình. Tuy họ có khả năng khởi công phu khán thoại đầu, nhưng lại đem tâm tầm cầu giác ngộ8. Ngồi trên tấm bồ đoàn chưa vững, ngủ gật chưa tỉnh, mộng cũng chưa thấy chính mình, mà cống cao tự phụ9, rồi viếng thăm chư thiện tri thức, thuyết huyền thuyết diệu, trình ngộ trình giải, và đưa câu cú chưa hạ lạc (liễu ngộ)10, hàm đồ11 cầu ấn chứng. Nếu có phước duyên, gặp minh nhãn thiện tri thức, được đập vỡ khuôn sáo sai lầm, thì đó là điều may mắn. Nếu không may mắn, chỉ gặp những kẻ với tay khua đàn, tu thiền mù, thường dùng ấn giả đóng dấu12, rồi bị ném xuống hang hố ngoại đạo, khiến bị đọa lạc trăm ngàn muôn kiếp, không có cơ may ngoi đầu lên được13.
7 Hạ liệt: thấp kém, không thanh cao.
8 Theo Phật giáo, sự tham cầu hay tầm cầu, kể cả tham cầu sự giác ngộ, đều là chướng ngại ngăn trở sự giác ngộ hoàn toàn, vì người tu hành muốn thật sự giải thoát thì phải lìa bỏ tham ái và chấp ngã.
9 Cống cao tự phụ: tự cao/tự đại và ngã mạn.
10 Câu cú chưa hạ lạc (liễu ngộ): ý nói đó chỉ là những lời lẽ thuyết pháp, chưa phải là sự chứng ngộ thật sự bằng công phu tu tập của bản thân.
11 Hàm đồ: tùy tiện, vội vã. thiếu căn cứ.
12 Ý nói ngộ nhận rằng mình đã chứng đắc, giác ngộ.
13 Ý nói một khi đã ngộ nhận thì cơ may nhận ra được con đường đúng để đi là rất khó.
Chẳng đáng thương lắm sao! Những kẻ hậu bối ngu si này tự làm mất chánh nhân14 vì gặp nạn tà độc. Nếu gặp được Lâm Tế hay Đức Sơn, chắc cũng không thể cứu giải mê chấp cho họ. Thật đáng thương thay! Bệnh trạng của thiền môn là tại chỗ này15. Xin hãy xem rõ, từ xưa cổ nhân quyết không phải như thế. Tổ Bá Trượng hầu Mã Tổ, và thường ra đồng làm ruộng, cùng hành công án “Chạm vào cái xuổng” và “Vịt trời”16 để nghiệm công phu chân thật.
14 Tự làm mất chánh nhân: tự làm mất cơ hội nhìn thấy thật tánh của mình.
15 Ý nói căn bệnh nan giải, khó cứu chữa của pháp môn thiền là sự mê chấp hay tri kiến sai lầm.
16 Công án “Vịt trời”: Bá Trượng đến xin làm thị giả để tham học với Thiền sư Mã Tổ. Bá Trượng theo hầu ngài Mã Tổ đi dạo, thấy một bầy vịt trời bay qua, Tổ hỏi: “Đó là cái gì?”, Bá Trượng đáp: “Con vịt trời”. Tổ hỏi: “Bay đi đâu?”, Bá Trượng đáp: “Bay qua”. Mã Tổ bèn nắm lỗ mũi Bá Trượng kéo mạnh, đau quá Bá Trượng la thất thanh. Ngài Mã Tổ bảo: “Lại nói bay qua đi!”. Nghe câu ấy, ngài Bá Trượng tỉnh ngộ.
Thế nên, Tổ Bá Trượng mới để lại lời răn nhắc: “Một ngày không làm là một ngày không ăn”.
Lại nữa, thầy Dương Kỳ làm tri sự cho ngài Từ Minh; hơn hai mươi năm hành môn17 chấp sự tháo vát, chịu trăm ngàn khổ cực, mà chưa từng nản lòng hay than phiền vì lao nhọc nên đắc được tạng quang minh18 rộng lớn, soi sáng cổ kim. Ngài Lai Dung19 lưng vác gạo, và Tổ Hoàng Mai xay gạo; xem qua cổ nhân, không ai chẳng trải qua bao khổ nhọc mới đạt thành tựu. Làm thế nào mà những kẻ thiếu niên, vừa vào tùng lâm20, liền muốn lấy việc tham thiền làm hướng thượng, chỉ vẽ tòa ngồi, cho là nơi thọ dụng21, chứ không động tay áo, chẳng nhặt một cọng cỏ nhánh cây. Những người bạc phước, tuyệt không có tâm xấu hổ. Dẫu có diệu ngộ, mà chỉ biến thành những điều trơ trẽn, nên không được Trời, người cúng dường. Huống là không chân thật dụng công tu hành, chỉ làm hư tiêu của tín thí, cam đọa trầm luân! Nếu người vì sự sanh tử, phải quán xem Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, nơi ba ngàn đại thiên thế giới, không có một hạt cải vi trần nào mà chẳng phải là nơi xả bỏ đầu mắt tủy não để cầu Bồ Đề22. Phải phát tâm dũng mãnh như thế. Phải xả bỏ tận cùng tánh mạng. Bố thí bộ xương thúi23 cho mười phương, và cúng dường thân sắc cho đại chúng. Nơi tất cả hạnh môn, chuyên cần khổ nhọc tháo vát mà hành. Làm những việc khó làm. Nhẫn những việc khó nhẫn. Trong những hoạt động hằng ngày, nơi cửa ngõ của sáu căn, nhìn xuyên và thấu suốt, thì đắc được pháp giải thoát.
17 Hành môn: tu hành theo môn pháp.
18 Đắc được tạng quang minh: giác ngộ bản tâm thanh tịnh, cũng có nghĩa là thấy được chân tánh của tất cả các pháp.
19 Pháp Dung Thiền sư (594 – 657): là môn đệ của Tứ Tổ Đạo Tín và là người sáng lập thiền phái Ngưu Đầu. Câu nói nổi tiếng của ngài là “Ta lãnh nhận yếu quyết chân chánh của Đại sư Đạo Tín, chỗ sở đắc đều mất sạch”.
20 Tùng lâm: rừng rậm hay rừng già, trong đạo Phật chỉ tự viện hay đạo tràng ở trong rừng.
21 Nơi thọ dụng: chỉ tất cả các pháp hay mọi sự vật, sự việc đang xảy ra trong đời sống hiện tiền. Nơi thọ dụng cũng có nghĩa là chỗ để tu hành, giác ngộ chánh pháp.
22 Cầu Bồ Đề: cầu đạo tỉnh thức và giác ngộ.
23 Bộ xương thúi: chỉ tấm thân tứ đại bất tịnh. Phương pháp quán thân bất tịnh của đạo Phật là quán sát bên trong thân để biết rõ ràng tấm thân tứ đại này không có gì là sạch sẽ thơm tho, từ đó có tâm thức rộng mở hơn, giảm đi sự phân biệt thân mình và thân người, bớt chấp ngã và tăng thêm hạnh nhẫn nhục.
Cổ nhân bảo:
“Thuận theo nhân duyên mà nhập vào24, liền được tương ưng. Dụng tâm như thế, trong ba mươi năm không thay đổi, nếu chưa ngộ đạo, quyết sẽ là người đầu đội trời chân đạp đất”.
24 “Thuận theo nhân duyên” là quán sát mọi nhân duyên với tâm thanh tịnh, không phân biệt, không tri kiến; “nhập vào” là nhìn thấu suốt bên trong thật tánh của sự vật, hiện tượng.
Quý vị! Lão nhân nay yết cáo với chư đồng tham học!