Chu Nguyên Chương, người sáng lập triều Minh, xuất thân là một chú tiểu ở chùa Viên Giác tại tỉnh An Huy. Sau khi gia nhập vào Minh giáo do Hàn Sơn Đồng lãnh đạo chống lại triều đình nhà Nguyên, Chu Nguyên Chương đã trở thành một trong những thủ lĩnh quan trọng của nhóm này. Khi Hàn Sơn Đồng tử trận, các thủ lĩnh Minh giáo tranh giành ngôi vị lãnh đạo, mỗi người xưng hùng xưng bá một nơi. Chu Nguyên Chương nhận thấy Minh giáo, một tôn giáo khởi xướng từ Ba Tư, còn quá mới mẻ và không thích hợp với quần chúng Trung Hoa, nên ông đã quay về kêu gọi sự hợp tác của quần chúng, nhất là giới Phật tử. Nhờ thế, ông lật đổ nhà Nguyên, sáng lập nên triều Minh, trở thành Minh Thái Tổ.
Minh Thái Tổ lên ngôi, đóng đô ở Kim Lăng (tức Nam Kinh ngày nay). Trong những năm đầu triều Minh, Phật giáo phát triển rất mạnh, chư tăng được tôn sùng. Đích thân nhà vua thường vân tập đại chúng, giảng kinh, thuyết pháp. Vì lúc đó kỹ thuật ấn loát đã phát đạt nên vua đã cho in ấn bộ Đại Tạng kinh1, gồm 636 hòm với hơn 6.331 quyển để ở chùa Tường Vân tại Kim Lăng (Nam Kinh). Vua còn khuyến khích quần chúng tu học và đích thân truyền giới cho một số tăng sĩ. Theo sử liệu, trong hai năm đầu (1373 – 1375), đã có hơn một trăm ngàn tăng sĩ được thọ giới.
1 Đại Tạng kinh: chỉ kinh điển Phật giáo, ý nói toàn bộ kinh sách.
Khi xếp đặt lại cơ cấu tổ chức trong nước, vua thấy triều đình nhà Tống, nhà Nguyên, vì chỉ lo tập trung quyền hành ở kinh đô, chểnh mảng các nơi khác mà sụp đổ nên vua bèn phong cho các con em làm phiên vương cai trị ở những nơi yếu địa như các nước Tần, Tấn, Yên, Tề, Sở, Thục, Hán, Lương. Mỗi người được chuyên quyền trong nước riêng của mình và có binh lính để làm phiên tì che chở cho nhà vua. Vua lập con trưởng Chu Nguyên Tiêu làm Thái tử nhưng Thái tử Tiêu mất sớm, con của Chu Nguyên Tiêu là Chu Kiến Văn được lập làm Thái tôn. Vì Thái tôn còn bé, vua sợ sau khi vua mất, các công thần có thể chuyên quyền hiếp chế nên tìm kế vu hãm bọn họ; các tướng giỏi đã theo vua từ trước như Giám Ngọc, Hữu Đức, Phùng Thắng, đều lần lượt bị giết. Đối với các quan văn, vua cũng có ý nghi kỵ. Mỗi khi bề tôi dâng biểu chương trong có chữ gì vua nghi là có ý nhạo báng mình thì cũng bị tru di tam tộc, làm liên lụy hàng vạn người lương thiện. Cũng vì thế, một số quan văn, võ tướng đã lập phe nhóm nổi lên chống lại triều đình, khiến nhà vua lại mất công mang quân đi đánh dẹp. Thấy quốc gia đang đi vào vết xe nội chiến, một số tăng sĩ đã lên tiếng khuyên can nhà vua nên thay đổi đường lối cai trị. Minh Thái Tổ biết rõ tiềm lực hùng hậu của Phật giáo nên thay vì nghe theo lời khuyên bảo của các vị chư tăng đại đức này, vua lại ban hành một số sắc lệnh để khống chế và kiểm soát Phật giáo. Vua cho lập ty Tăng lục để giám sát tình hình Phật giáo trong cả nước. Đứng đầu ty Tăng lục này là một vị thiện sĩ, nhận địa vị quan chức trong triều đình. Trung tâm hành chính của ty Tăng lục đặt tại chùa Thiên Giới và Báo Ân tại Nam Kinh.
Để dễ bề khống chế, sau đó nhà vua còn phân chia Phật giáo ra làm các tông phái như Thiền (tu theo Thiền tông), Giảng (giảng kinh thuyết pháp), Giáo (nghiên cứu kinh giáo và cúng bái) và Mật (tu theo Mật tông). Lúc đầu, Thiền tông là tông phái mạnh nhất nhưng vì các thiền sư thường hay khuyên can vua và nói thẳng, không sợ hãi thế lực nên vua không thích và có ý muốn loại trừ. Mật tông xuất phát từ Tây Tạng vốn là quốc giáo của triều Nguyên (Mông Cổ) nên ngay từ những năm đầu, nhà vua đã cố gắng kiềm chế phái này.
Vua sai ty Tăng lục kiểm duyệt những bộ kinh chú hợp pháp để làm lễ. Những bài kinh chú không thích hợp với luật lệ đương triều đều bị loại bỏ và những bộ chú quan trọng của Mật tông cũng không được phép ấn hành. Lúc đầu, nhà vua ủng hộ các tăng sĩ giảng kinh (Giảng), nhưng sau thấy họ có ảnh hưởng đến quần chúng nên triều đình chuyển qua nâng đỡ phe Giáo tông, tức là các tăng sĩ chuyên đọc kinh và làm những việc tế lễ, phóng sanh, cầu tiêu tai giải nạn, hay lễ cầu cho thân bằng quyến thuộc được siêu sanh. Mặc dù rất thịnh hành, nhưng tông Tịnh Độ không được chấp nhận chính thức trong những tông phái của Phật giáo vào triều Minh, vì nhà vua rất sợ tông phái chiếm đa số quần chúng này bành trướng thế lực. Vua đã ban chiếu giới hạn tầm hoạt động của tông phái này ở một số tỉnh miền Tây ngạn. Nhà vua còn phân biệt rõ ràng giữa các tăng sĩ thọ trì giới luật tại giới đàn và tăng sĩ thuộc hạng cúng bái (Giáo tông), tức những người mua giới điệp từ triều đình để hành nghề. Các vị tăng thuộc hạng thầy cúng này thường sống chung với quần chúng Phật tử, đôi khi lại có gia đình nên được gọi là “Phó Ứng tăng”.
Theo sử liệu, số giới điệp hành nghề tăng sĩ được bộ Lễ bán ra cho các “Phó Ứng tăng” vào năm 1440 là hai mươi ngàn. Qua đến năm 1487, số giới điệp tăng lên hai trăm ngàn. Về sau, khi cần tiền, triều đình cho in giới điệp bừa bãi rồi cho bày bán, đổi chác ở nơi chợ búa. Vì thế, tiềm lực của Phật giáo đã bị suy đồi rõ rệt. Theo thời gian, số tăng sĩ thuộc hạng chỉ lo cúng bái được sự ủng hộ của triều đình, dần dần đã chiếm quá nửa số tăng lữ trong nước.
Ngoài ra, cũng trong chính sách kiểm soát Phật giáo, triều đình đã cho ghi vào sổ bộ tên tuổi của tất cả tăng sĩ trong toàn quốc. Các khách tăng đến chùa đều được hỏi han danh tánh cùng tuổi tác trong sổ bộ Tăng lục. Nếu không có tên trong sổ thì sẽ bị quan quân bắt bỏ ngục ngay. Nhờ thế mà triều đình kiểm soát được những phần tử chống đối ẩn náu nơi chùa chiền. Các chùa viện, cùng đất đai, cũng bị kiểm tra và biến thành các trung tâm giáo dục, đào tạo học giả, quan lại, cũng như tăng sĩ. Phần lớn chương trình huấn luyện bao gồm cả Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo, nên có nhiều vị tăng hành động và ăn mặc như các đạo sĩ, dần dần thực lực của Phật giáo cũng ít nhiều bị suy tổn. Nhờ việc kiểm soát qua giới điệp và lập những luật lệ khống chế tăng sĩ này mà triều đình đã kiểm soát quần chúng Phật tử một cách đắc lực và hiệu quả.
Cũng với mục đích chia rẽ tông phái, các tăng sĩ được triều đình cấp áo cà sa với những màu sắc lòe loẹt khác nhau. Trong cuốn Hám Sơn Lão nhân Tự sự Niên phổ, Đại sư Hám Sơn đã viết rằng hầu hết tăng sĩ lúc đó đều thích đắp những bộ cà sa màu sắc rực rỡ, thêu hình lòe loẹt, chẳng khác nào y phục của các đạo sĩ. Kể từ năm 1372, triều đình còn ban nhiều sắc lệnh liên quan đến những hoạt động tôn giáo. Số tăng lữ và tự viện bị giới hạn. Theo sắc lệnh, những ai dưới hai mươi tuổi không được phép thọ giới làm tăng sĩ, và muốn vào tu tại các tự viện, phải được cha mẹ và triều đình cho phép. Sau ba năm huấn luyện, muốn thọ giới, những vị Sa di phải vào kinh đô để được khảo hạch bởi các quan triều. Nếu thi rớt, họ sẽ bị đuổi về làm thường dân. Các tự viện nổi tiếng cũng biến thành các trung tâm kiểm soát tăng sĩ: chùa Thiên Giới là trung tâm chính giám sát những tăng sĩ tu theo Thiền tông, chùa Báo Ân trông coi tăng sĩ thuộc hạng “Giảng sư”, chùa Năng Nhân chuyên trông coi tăng sĩ thuộc hạng “Giáo tăng”, tức tu sĩ chuyên cúng bái.
Năm 1418, triều đình ban sắc lệnh là vào mỗi năm, mỗi tỉnh chỉ được truyền giới cho ba mươi người, và mỗi huyện chỉ được hai mươi người. Nếu không có sự chấp thuận của triều đình, không ai được quyền xây thêm chùa nữa.
Những tăng sĩ phạm luật này sẽ bị đuổi về làm thường dân hay bị đày làm lính lao công tại những vùng biên giới (vì xây chùa ở Lao Sơn là bất hợp pháp, cho nên ngài Hám Sơn bị bắt hoàn tục và làm lao công ở miền Lĩnh Nam vào năm 1596). Tuy nhiên, việc thi hành những sắc lệnh này thay đổi tùy thuộc vào mỗi niên đại của triều Minh, tùy theo hoàn cảnh chính trị trong triều, tùy theo sự tranh chấp phe phái, và tùy theo việc áp dụng của các quan lại địa phương (ngài Hám Sơn bị đày đi lao động tại miền Lĩnh Nam nhưng lại được các quan địa phương che chở, không bắt đi lao động mà vẫn cho hoằng pháp).
Khi Minh Thái Tổ qua đời, Thái tôn Kiến Văn lên ngôi, lấy hiệu là Huệ Đế. Vua Huệ Đế lo rằng các phiên vương đóng quân quanh kinh đô có thể làm nguy cho triều đình, nên mưu việc tước trừ các phiên vương. Nhân dịp những người này về triều chầu vua, Huệ Đế vu cáo cho họ tội tạo phản và bắt xử tử. Vua nước Yên vốn là con thứ hai của Minh Thái Tổ, giỏi dùng binh và có nhiều tướng sĩ, thấy vậy bèn cử binh làm phản, gọi binh ấy là binh “Tĩnh Nạn”. Vì khi xưa Minh Thái Tổ đã cho giết hết các tướng sĩ giỏi, nên lúc đó triều đình không có quan võ nào có thể chống cự được nữa. Yên Vương kéo binh vào kinh đô, giết Huệ Đế rồi lên ngôi hoàng đế hiệu là Thành Tổ.
Việc cướp ngôi này đã bị giới nho sĩ và quan lại lúc đó phỉ báng dữ dội, nên vua ra lệnh cho tru di tam tộc hết các quân thần của triều vua trước, làm liên lụy đến rất nhiều người. Biết lòng dân miền Nam oán hận, vua bèn dời đô về Bắc Kinh, vốn là kinh đô cũ của nhà Nguyên. Sau khi về đây, vua Thành Tổ không muốn dùng các nho sĩ nữa mà chỉ tin dùng các hoạn quan. Khi xưa, Minh Thái Tổ đã cho khắc vào bia để ở cung môn cấm hoạn quan tham dự việc triều chính, nhưng vua Thành Tổ vì không tin nho sĩ nên đã dùng hoạn quan trong những việc triều chính. Để theo dõi mọi sự việc của dân chúng, vua lập ra Đông xưởng giao cho hoạn quan chỉ huy để bắt bớ và thủ tiêu mọi thành phần tình nghi có xu hướng chống lại triều đình. Về sau, hoạn quan dần dần đắc dụng, thao túng chính quyền, làm cho việc nội trị nhà Minh trở nên hủ bại. Khắp nơi cường hào ác bá thi nhau hà nhiễu, vu hại trăm họ, nhân dân đều ta thán.
Phần lớn các hoạn quan đều thích chuyện thần tiên nên các phe phái Đạo giáo được dịp phát triển mạnh mẽ, những điều mê tín dị đoan dần dần trở nên thịnh hành. Cuối đời nhà Minh, các phe nhóm đạo sĩ này đã trở thành một thế lực chính trị rất mạnh. Đa số vua chúa đều mê say những điều huyền hoặc mà xao lãng việc triều chính, để cho quan lại tham nhũng từ trên xuống dưới. Nội chính đã hư, ngoại hoạn2 lại gấp, do đó nhà Minh bắt đầu đi đến tàn cuộc.
2 Ngoại hoạn: sức ép từ bên ngoài, địch bên ngoài.
Vua Thế Tông, hiệu Gia Tĩnh (trị vì từ năm 1522 đến năm 15673) là người sùng tín Đạo giáo, dành hết thì giờ trong cấm cung để bào chế thuốc tiên và hành lễ Đạo giáo mà xao lãng việc triều chính. Năm 1536, ông ta ra lệnh hủy phá các tượng Phật trong hoàng cung và tại kinh đô, và thay bằng các đền thần tiên để cho các quan lên đồng nhập cốt. Ông mất vì uống “thuốc tiên”. Khi vua Mục Tông, niên hiệu Long Khánh (trị vì từ năm 1567 đến năm 1572), lên ngôi thì Phật giáo được hưng thịnh trở lại. Phần vì vua thấy cha mình theo đạo thần tiên mà chết nên lo bài trừ các hủ tục này, phần khác vì vua có vợ (Lý Thái hậu) là tín đồ Phật giáo thuần thành, thường khuyên vua nên lo chấn chỉnh đường lối cai trị trong nước, nên vua kiềm chế được các hoạn quan, chỉnh đốn triều chính (tuyển dụng người tài, sử dụng nho sĩ thay vì hoạn quan). Đến đời vua Thần Tông, niên hiệu Vạn Lịch (trị vì từ năm 1572 đến năm 1620), Phật giáo phát triển rộng rãi cũng nhờ công phu hoằng pháp của các ngài Hám Sơn, Đạt Quán (Tử Bá), Liên Trì và Ngẫu Ích.
3 Có nơi ghi là 1521 – 1567.
Đạo Phật khi truyền vào Trung Hoa tuy có nhiều tông phái nhưng từ xưa, chư đại Tổ sư đã sớm biết dung hội Thiền tông, Tịnh Độ tông, Mật tông, Giáo tông, Luật tông làm một, nên Phật giáo Trung Hoa càng ngày càng khởi sắc. Tiêu biểu là ngài Vĩnh Minh Diên Thọ4, một vị đắc đạo từ Thiền tông nhưng lại chủ trương tu Tịnh Độ. Đến đời Minh, mặc dù triều đình có ý chia rẽ tông phái để dễ bề cai trị, nhưng tư tưởng “đại tiểu, tánh tướng, hiển mật5, thiền tịnh6” lại được dung thông, hợp nhất và phát dương rộng rãi qua cuộc đời tu trì Thiền - Tịnh song tu7 của ngài Hám Sơn.
4 Vĩnh Minh Diên Thọ (904 – 975) là Tổ đời thứ sáu trong mười ba vị Tổ của tông Tịnh Độ Phật giáo Trung Hoa vào đời Tống. Ngài được người đời truyền tụng là hóa thân của Phật A Di Đà.
5 “Hiển” chỉ chủ trương “trực chỉ nhân tâm” của Thiền tông, chỉ thẳng bản nguyên tâm thể của chúng sanh để người tu giác ngộ; “mật” chỉ Mật tông hay Chân Ngôn tông, dùng thần chú để hành trì.
6 Ý nói không phân biệt Phật giáo Đại thừa hay Tiểu thừa, thật tánh hay chỉ là biểu hiện bằng hình tướng, Thiền tông, Mật tông hay Tịnh Độ tông, có nghĩa là có thể áp dụng uyển chuyển cả hai pháp môn Thiền và Tịnh Độ.
7 Thiền - Tịnh song tu: có nghĩa là áp dụng uyển chuyển cả hai pháp môn Thiền và Tịnh Độ. Đây là cách tu của Thiền sư Hám Sơn. Ngài Hám Sơn phát khởi tín tâm tu đạo thâm sâu là do sự trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, nên sau này dẫu lĩnh hội nghĩa lý thâm sâu của đạo Phật trong lúc thiền định, nhưng ngài Hám Sơn vẫn tiếp tục trì niệm hồng danh Phật A Di Đà.
Theo tiểu sử, cơ duyên khiến ngài Hám Sơn phát khởi tín tâm tu đạo thâm sâu là do sự trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, rồi được Phật A Di Đà cùng Quán Thế Âm, Đức Đại Thế Chí hiện thân cảm ứng. Sau này, dẫu lĩnh hội yếu chỉ Thiền tông qua những lần ngộ đạo trong lúc thiền định, nhưng ngài Hám Sơn vẫn tiếp tục trì niệm hồng danh Phật A Di Đà. Tư tưởng và phương thức tu hành Thiền - Tịnh song tu của ngài đã có sức ảnh hưởng lớn lao đối với quần chúng Phật tử từ triều Minh cho đến hiện tại.
Thật thế, chính ngài và ba vị danh tăng Liên Trì, Đạt Quán, Ngẫu Ích đã thổi những luồng sinh khí và phát khởi hướng đi mới mà Phật giáo thời Minh mới được phục hưng mạnh mẽ sau những năm dài bị đình trệ hủ hóa kể từ đời Tống. Ngoài ra, chính nhờ nỗ lực của các ngài mà tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” được phát khởi cho đến ngày nay. Bàn về cuộc đời tu hành, dẫu gặp hoàn cảnh nào, dù vinh quang sung sướng hay tù đày khổ ải, ngài Hám Sơn vẫn luôn giữ vững lập trường hoằng dương chánh pháp. Được sinh ra tại huyện Toàn Tiêu, tỉnh An Huy, cuộc đời của ngài đã trải qua bốn triều vua vào thời Minh mạt, song song với sự suy vi của Phật pháp lúc đó.
Nhờ sự khuyến khích của mẹ ngài, một Phật tử thuần thành, ngài được vào chùa tu học từ năm mười hai tuổi, và được chính thức xuất gia vào năm mười chín tuổi dưới sự giáo huấn của Hòa thượng Tây Lâm tại chùa Báo Ân. Sau khi bổn sư viên tịch, ngài quyết chí đi tham phương tìm đạo, đến cảnh giới Thanh Lương ở núi Ngũ Đài tu hành. Nhờ nỗ lực cá nhân, sau bao năm tu khổ hạnh trong băng tuyết giá lạnh tại núi Ngũ Đài, ngài liễu đạo chân thường.
Với lòng mong mỏi có một minh quân Phật tử ủng hộ Phật pháp, ngài cho tổ chức pháp hội cầu thái tử cho triều đình dưới sự bảo trợ của Lý Thái hậu. Vì nhân duyên phức tạp đó, ngài bị lôi kéo vào vòng tranh chấp lập ngôi vị thái tử, tức “tranh Quốc bổn”, giữa vua Thần Tông và Lý Thái hậu, để rồi bị triều đình bắt hoàn tục và lưu đày xuống miền Nam trong suốt mười tám năm dài. Tuy hình tướng là thường dân, nhưng tâm nguyện và bản hạnh của ngài vẫn là tăng sĩ, khiến cho đa số quan lại vùng Quảng Đông đều kính phục. Thay vì ngược đãi ngài theo lệnh triều đình thì họ lại cho phép ngài tự do đi lại để hoằng dương chánh pháp, điển hình là việc phục hưng lại Tổ đình Nam Hoa ở Tào Khê.
Sau khi được triều đình ân xá, ngài đắp y cà sa, chính thức trở lại cuộc đời tăng sĩ; và sau nhiều năm hoằng pháp lợi sinh, ngài an tường thị tịch và để nhục thân tại chùa Nam Hoa. Hiện nay, nhục thân bất hoại của ngài được đặt bên cạnh nhục thân của Lục Tổ Huệ Năng cho các Phật tử đời sau chiêm bái.