Đức Phật thiết giáo, chú trọng về lý dứt sanh tử, thông tới cõi u minh1, đạt đến tình thức loài quỷ thần2, độ tận tất cả chúng sanh, dẹp trừ tất cả khổ não. Vì vậy bảo rằng từ bi làm duyên. Gieo duyên với chúng sanh khổ não. Nếu chúng sanh không bị khổ não kịch liệt, thì không thể thấy lòng từ bi quảng đại, do đó mà xuất ra giáo lý Du già3. Du già nghĩa là tương ưng, tức bảo rằng tâm và cảnh hòa hợp như một. Song, giáo có hiển và mật. Hiển tức là chỉ thẳng bản nguyên tâm thể của chúng sanh, khiến họ liễu ngộ, để thoát khỏi sự ràng buộc ràng rịt của sanh tử. Lại nữa, chư Phật ấn tâm là dùng thần chú để gia trì, khiến chúng sanh mau thoát các khổ não kịch liệt. Do đó mới thiết lập quy thức độ sanh.
1 Thông tới cõi u minh: soi sáng nghĩa lý của sống và chết, từ đó giác ngộ.
2 Đạt đến tình thức loài quỷ thần: chỉ ra để giáo hóa những chúng sanh còn loại nhận thức nhiễm ô, còn ngã chấp, phân biệt.
3 Du già (Yoga): là triết thuyết có nguồn gốc từ Ấn Độ. Yoga có nghĩa là sự xứng hợp, tương quan, hay là sự tương ưng, hợp nhất không giới hạn giữa tâm và cảnh, chủ thể và đối tượng, hay bản thân và chân lý tuyệt đối.
Chân ngôn4 vốn từ bộ Quán Đảnh, để phá trừ u minh và cứu vớt các vong hồn lưu lạc. Khởi đầu do tôn giả A Nan, vào một buổi tối nọ, đang ngồi thiền trong rừng, thì thấy quỷ vương hiện ra trước mặt, cầu khai mở pháp thí thực, cùng chú nguyện thức ăn nước uống, để tế độ hà sa chúng sanh. Nhân duyên này xuất phát từ thần tăng Tây Vực, rồi lưu truyền qua cõi Chấn Đán5. Từ đó, ngài Tam Tạng Bất Không6tuyên dương mật ngôn. Trước đó, đời vua Lương Võ Đế, khi hoàng hậu Hy Thị mạng chung bị đọa làm thân rắn mãng xà7, hiện hình cầu cứu độ, nhà vua đã thỉnh Hòa thượng Chí Công, vân tập chư đại đức sa môn, soạn ra văn nghĩa đàn tràng Thủy Lục, u hiển linh kỳ, tức thông ba cõi, thấu tới loài tình thức. Từ đó đến nay, tăng đồ nương theo nhân này, làm Phật sự Du già. Đến đời vua Hồng Võ (Chu Nguyên Chương), vua lập quy chế, dùng ba khoa Thiền, Giảng, Du già để độ tăng; dùng ba bộ kinh Lăng Nghiêm, Lăng Già, Kim Cang của Phật Tổ để khảo hạch8 chư tăng giảng pháp và hành thiền; dùng diệm khẩu thí thực9, văn sao tân tế để khảo hạch chư tăng hành pháp Du già. Nếu đậu một trong những điều kiện thi đó, thì mới được làm tăng. Ngày nay ở vùng Nam bộ, chùa Thiên Giới theo thiền, chùa Báo Ân theo giảng pháp, chùa Năng Nhân theo Du già. Nơi nơi đều tôn thủ chế độ của quốc gia. Song, kể từ đó, pháp này dần dần theo thế tục mà sinh lắm điều tệ hại. Họ dám phá luật nghi, xem như trò chơi, làm mất đi bổn hoài10 độ sanh của Như Lai. Biết chư hiếu tử11 thương mến thân bằng quyến thuộc, nên Ngài thuyết ra chân ngôn mật chú, để diễn bày tâm ấn của chư Như Lai; thuyết một bài kệ bèn biến địa ngục thành cõi Tịnh Độ; tuyên một lời, khiến vạc dầu trở thành ao sen; pháp âm12 vang khắp chốn, khiến tội đều tiêu diệt; nghe tiếng chuông bèn trở về quê quán, thì sao lại cho là việc nhỏ! Bỏ mất ý chỉ đó, mà làm những việc vô ích, khiến tự tổn hại, cứ vẫn chưa tỉnh!
4 Chân ngôn (mantra) được tin là chứa đầy những ý nghĩa thâm sâu và năng lực huyền diệu, làm cho trí tuệ khai thông, dẫn đến sự giác ngộ.
5 Chấn Đán: là tên người Ấn Độ gọi nước Trung Hoa trước kia.
6 Bất Không Kim Cương (705 – 774): là một học giả Ấn Độ, là một trong ba vị cao tăng truyền bá Mật tông Phật giáo sang Trung Quốc.
7 Vua Lương Võ Đế (502 – 550): là nhà vua rất sùng đạo Phật của Trung Hoa, là người có công xây dựng nhiều chùa chiền. Vào thời của nhà vua, đạo Phật được xem là quốc giáo. Vua Lương Võ Đế cũng được biết đến qua một giai thoại liên quan đến hoàng hậu Hy Thị. Hoàng hậu Hy Thị được vua sủng ái nên sanh tâm tánh hẹp hòi, tham lam. Khi mạng chung, bà bị đọa thành loài mãng xà và báo mộng xin nhà vua cứu giúp. Vua Lương Võ Đế đã cùng với các vị cao tăng thời bấy giờ soạn ra bộ Lương Hoàng Sám và lập đàn tràng thành tâm sám hối cho hoàng hậu Hy Thị. Nhờ tâm thành kính của vua và sự thanh tịnh của chư tăng đạo cao đức trọng, ngay khi đàn tràng đang diễn ra thì Hy Thị hiện ra báo tin rằng đã được sanh lên cõi Trời.
8 Khảo hạch: hay khảo thí, có nghĩa là cho đối chất hay đối đáp để đánh giá trình độ công phu tu tập của thiền sinh hay người tu.
9 Thí thực: là nghi thức chẩn tế của Phật giáo Đại thừa, theo đó người làm lễ thí thực, trước thỉnh Phật và Bồ Tát chứng minh, sau đó thỉnh các chân linh, vong linh và cô hồn về thọ nhận phẩm vật. Ý nghĩa của thí thực là hương hoa phẩm vật trần gian, nhờ Phật lực gia trì mà biến thành cam lồ khiến cho các vong linh được no đủ. Do đó, người làm lễ thí thực phải có thân, khẩu, ý thanh tịnh, tương mật mới nhập vào cảnh giới nhất tâm. Tâm cảm được Phật lực mới đem lại lợi ích cho việc siêu độ thân nhân quá vãng, cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.
Diệm khẩu: ngạ quỷ.
10 Bổn hoài: hoài bão tâm nguyện ngay từ ban đầu.
11 Chư hiếu tử: những người con có hiếu.
12 Pháp âm: âm thanh Phật pháp.
Sở tăng nọ vì muốn học Du già, nên theo Tuyết Lãng cùng chư đại đức, nghe giảng kinh luận, bèn hiểu ý chỉ độ sanh của Như Lai, cùng nơi quy hướng13. Bùi ngùi vì pháp môn này ngày càng lưu hành thậm tệ, nên lấy quyển văn nghi thức Thủy Lục mà soạn lại khoa nghi14, và tùy thời mà sửa đổi; phân điều chiết lý, chương chương rành rẽ, khiến cho những ai cầu nguyện, vì thân bằng quyến thuộc, tận khởi tâm thành, thì được cảm ứng. Ngoài ra, sa môn Thích tử15 cũng triển chuyển được tâm bi và khởi lòng chí thành để làm lợi ích cho chúng sanh, hầu mong không quên mất bổn ý của Như Lai. Soạn tập xong, thì Thầy tịch mất. Môn nhân chúng ta, phải nên kế thừa chí nguyện của Thầy, mà khắc bản này để lưu truyền, giúp người làm Phật sự tránh khỏi sai lầm, phiền hà về những thuật thần bí. Những ai có ý chí khẩn thiết tinh thành và hiếu tử vì từ thân trong đời hiện tại, mỗi mỗi phải tận tâm cầu đạt thần minh cảm ứng, thì công đức này không phải là ít ỏi. Hôm nay do lời thỉnh cầu, tôi vì diệu hạnh, và vì những vị có tâm làm lợi ích cho quần sanh, mà viết lời tựa cho pháp Du già, hầu mong người người đều biết bổn hoài ý chỉ của Phật để lại.
13 Quy hướng: hướng tâm về, quay về (ví dụ: quy hướng Tam Bảo, quy hướng về Phật pháp).
14 Khoa nghi: nghi thức cúng, phép cúng.
15 Sa môn Thích tử: người xuất gia học đạo theo họ Thích, đệ tử của Phật.