Pháp Cẩm tự bảo tánh nhiều sân hận. Lão nhân vì thế mà chỉ dạy phương tiện để điều phục, tức là pháp môn nhẫn nhục.
Đại sư Vĩnh Gia có dạy:
- Thầy của ta được thấy Phật Nhiên Đăng1 nhiều kiếp, do vì làm tiên nhẫn nhục. Do đó, biết rõ nhẫn nhục là diệu hạnh thành Phật bậc nhất. Vì thế, Thầy của ta, tức Phật Thích Ca, sanh sanh thế thế, bị Đề Bà Đạt Đa2 phỉ báng hãm hại, cho đến đời nay cũng dùng bao cách phá hoại Phật pháp, chẳng có việc gì mà không dám làm. Đề Bà Đạt Đa đã giết hại thân mạng tiền thân của Phật chẳng phải là một. Song, trong pháp hội giảng kinh Pháp Hoa, Đức Phật lại thọ ký cho ông ta, rằng: “Ta được ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, công đức thù thắng vi diệu, đều nhờ thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa hỗ trợ mà thành tựu. Đây chẳng phải do yếu hạnh nhẫn nhục sao!”.
1 Phật Nhiên Đăng (hay Nhiên Đăng Cổ Phật) là vị Phật thứ tư trong danh sách hai mươi tám vị Phật. Theo Phật giáo Đại thừa, Phật Nhiên Đăng là vị Phật đại diện cho chư Phật trong quá khứ, Phật Thích Ca là vị Phật thời hiện tại và Phật Di Lặc tượng trưng cho chư Phật thời vị lai. Theo truyền thuyết Phật giáo, Phật Nhiên Đăng (tức tiền thân của Phật Thích Ca) được gọi là “tiên nhẫn nhục” khi ngài bị vua Ca Lợi (là tiền thân của Tôn giả Kiều Trần Như trong thời Đức Phật Thích Ca) chém đứt từng bộ phận thân thể, nhưng nhờ hạnh nhẫn nhục, ngài đã không khởi sanh oán hận mà còn tỏ lòng biết ơn và tâm nguyện mai sau nếu tu thành Phật, sẽ độ cho vua Ca Lợi cũng giác ngộ như ngài.
2 Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) là anh em chú bác của Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhatta). Âm mưu sát hại Đức Phật Thích Ca của Đề Bà Đạt Đa thường được lý giải trong kinh sách là do mối quan hệ nhân quả giữa Đề Bà Đạt Đa và Đức Phật từ vô lượng kiếp, và chỉ có hạnh nhẫn nhục xuất phát từ lòng từ bi và trí tuệ mới có thể chuyển hóa các mối quan hệ nhân quả, chấm dứt sanh diệt.
Phật lại bảo:
- Xưa kia, lúc bị vua Ca Lợi cắt đứt thân thể, ta không thấy có tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu còn có tướng ngã, chúng sanh, thọ giả3 thì chắc có lẽ Phật Nhiên Đăng sẽ không thọ ký cho ta.
Do đó, quán xem tất cả chúng sanh, sanh tử khổ não tràn đầy, đều do có bản ngã. Thành tựu đạo Bồ Đề vô thượng, trang nghiêm phước huệ, đều do vô ngã mà đạt được. Do ngã địch đối với vật nên sanh thị phi. Thị phi sanh khởi tức thương ghét lập ra. Thương ghét lập rồi thì thêm nhiều vui buồn giận tức. Tự tánh vẫn đục thì tâm địa hôn mê. Tâm địa hôn mê thì các việc ác sanh trưởng. Các việc ác sanh trưởng thì các khổ hội tập. Các khổ não hội tập thì sanh tử dài lâu. Tất cả đều do chấp ngã mà ra. Cái ngã này thật rất lợi hại, giống như quân binh giữ thành trì nghiêm ngặt, không thể phá dễ dàng.
3 Trong kinh sách Phật, có bốn loại thể tướng hay bốn loại tâm thức (tứ tướng), đó là: 1) Ngã tướng (tâm còn chấp ngã); 2) Nhân tướng (tâm thương ghét, chưa bình đẳng); 3) Chúng sanh tướng (chưa có mong muốn giải thoát khỏi sanh tử); 4) Thọ giả tướng (tâm thức còn vọng động, chưa ngộ được pháp vô sanh nên vẫn còn tri kiến, mong cầu). Nếu còn bốn tướng thì gọi là phàm phu, thoát khỏi bốn tướng thì gọi là Bồ Tát.
Lão Tử có bảo:
- Đem nhu thắng cương. Lấy yếu thắng cường bạo. Đây là chỗ hành sơ khởi nhất của hạnh nhẫn nhục.
Chúng sanh nương nhờ vào cái ngã kiến4 khó phá này. Vì vậy, một lời nào trái tai thì không thể nhẫn thọ được; một việc trái ý thì không thể an nhẫn5. Một lạnh một đói cũng không thể chịu nổi. Một niệm dục không thể tẩy tịnh. Tất cả đều không biết phương dược của nhẫn nhục, cứ mãi tăng thêm kiến chấp về bản ngã. Vì vậy, Phật dạy chư đệ tử nên tu hạnh hòa hợp. Lại bảo:
4 Ngã kiến: tức ngã chấp, là tri kiến phân biệt, do vô minh nên chấp cái ngã là thật.
5 Không chấp nhận được sự thật là mọi pháp đều bất như ý.
- Khổ pháp nhẫn, khổ pháp trí.
Lại bảo:
- Vô sanh pháp nhẫn6. Bồ Tát bát địa7 mới đắc được.
Vì vậy, biết rõ sanh khởi pháp nhẫn8, nhẫn đến vô sanh9, tức là thành tựu diệu hạnh viên giác Phật quả. Hạnh nhẫn nhục, há thô thiển sao!
Thế nên bảo rằng làm tất cả mọi việc, đều phải dùng sức nhẫn nhục10; nghĩa là nơi cử tâm động niệm đều là chỗ thử thách tâm nhẫn nhục. Nơi cử chân động bước, phải lấy hạnh nhẫn nhục làm đầu. Nơi xoay xở động tịnh, phải trì nhẫn nhục. Nơi buồn vui giận tức, phải dùng nhẫn để thử nghiệm. Hành được như thế, thì tâm không tán loạn vọng động. Thân không tán loạn vọng tác. Sự không tán loạn vọng hành11. Tình12 không tán loạn vọng phát.
6 Vô sanh pháp nhẫn: trí tuệ đã thấu suốt nghĩa lý của sanh diệt nên không còn phân biệt, chấp ngã.
7 Bồ Tát bát địa: là một cấp bậc đạo hạnh của Bồ Tát.
8 Sanh khởi pháp nhẫn: là hạnh nhẫn nhục đạt được nhờ công phu tu tập bằng cách quán chiếu mọi vọng động (tham ái, mong cầu, …) sanh khởi bên trong.
9 Nhẫn đến vô sanh: hạnh nhẫn nhục đạt đến tâm thanh tịnh, kiểm soát mọi vọng động sanh khởi; không có gì sanh khởi hoặc không vọng động với mọi sanh hay diệt, thì thanh tịnh, tức vô sanh.
10 Dùng sức nhẫn nhục: sức nhẫn nhục trong đạo Phật là sự tinh tấn, tinh cần thực hành hạnh nhẫn nhục một cách đúng đắn.
11 Không vọng hành: không hành theo vọng tưởng.
12 Tình: tình cảm biểu lộ ra bên ngoài. Theo đạo Phật, con người có bảy thứ tình cảm hướng ra bên ngoài (thất tình) là: hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục.
Thế nên Lão Thị bảo:
- Bất tán loạn là hạnh đầu tiên của thiên hạ. Bất tán loạn tức là tên khác của nhẫn, và là hạnh đầu tiên của thiên hạ. Vì thế, nhẫn là hạnh thành Phật bậc nhất. Hành được thì nhẫn nhục thêm lớn và bản ngã lại nhỏ đi. Nhẫn có khả năng che khuất bản ngã và sự vật. Đức tự lợi lợi tha, không ngoài hạnh nhẫn13. Y phục nhu hòa nhẫn nhục là như thế đó.
Thiền nhân cầu pháp ngữ14, nên tôi đề viết: “Hãy lấy nhẫn nhục làm y giáp”.
13 Tự lợi lợi tha: Đạo Phật là đạo tỉnh thức, hướng đến sự hiểu biết toàn triệt – đó là sự hiểu biết thấu đạt được tự giác, cũng là giác tha, tự lợi cũng là lợi tha, lợi tha cũng chính là tự lợi, do đó mong muốn sự giác ngộ cho tất cả chúng sanh, không phân biệt mình hay người, nên cũng không còn ngã chấp, tức là hạnh nhẫn nhục đã bao hàm trong đó.
14 Pháp ngữ: lời giáo hóa.
Thiền nhân nên gắng sức mà hành. Đây chẳng phải là lời lẽ trên đầu môi chót lưỡi, cũng chẳng phải là bày biện tiệc cơm.