Thiền nhân Chân Ngộ sanh trưởng tại Lô Lăng, chán vợ con mà xuất gia; thích hạnh viễn ly, chí hướng danh sơn1, tham tầm tri thức. Huyễn nhân2 dùng nghiệp huyễn, chọn đến Lãnh Hải. Vừa đến tham tầm, thiền nhân lại từ biệt qua Phổ Đà lễ thầy Quán Âm, thọ kệ chúc phó của Phật Tỳ Xá Phù, rồi lại đến Ngũ Dương. Huyễn nhân nơi đạo tràng huyễn hóa, làm Phật sự như huyễn3, khai thị chư huyễn chúng, thuyết pháp môn như huyễn. Thiền nhân lễ bái cầu pháp4. Huyễn nhân lại y5 tam muội như huyễn6, mà thuyết tất cả chư pháp như cảnh giới mộng huyễn, bảo:
1 Chí hướng danh sơn: có chí hướng lìa xa thế giới tiện nghi, ẩn tu trên núi cao.
2 Huyễn nhân: người huyễn học, nghĩa là dựa theo tánh huyễn của sự vật, hiện tượng mà tu học, giác ngộ chánh pháp.
3 Làm Phật sự như huyễn: thấy được vạn pháp là như huyễn, có sanh có diệt thì không bám chấp trong mọi việc làm.
4 Cầu pháp: phát tâm tu học theo chánh pháp.
5 Y: y theo.
6 Tam muội như huyễn: là pháp môn Tam Muội (thiền định) để thấu ngộ rằng mọi pháp đều như huyễn nên tự tại, vô trụ, không còn trói buộc với mọi hình tướng, không dính chấp.
- Lành thay Phật tử! Hãy suy nghĩ chín chắn! Tất cả chư Phật y huyễn lực7 mà thị hiện. Tất cả Bồ Tát y huyễn lực mà tu trì. Tất cả nhị thừa y huyễn lực mà trầm không, thủ tịch8. Tất cả ngoại đạo y huyễn lực mà hôn mê. Tất cả chúng sanh y huyễn lực mà sanh rồi tử. Thiên cung tịnh độ y huyễn lực mà kiến lập. Quỳnh lâm bảo thọ y huyễn lực mà bày biện. Giường thiếc trụ đồng y huyễn lực mà thi thiết. Vạc nóng lò than y huyễn lực mà xông lên. Chim chóc rùa cá y huyễn lực mà bay ẩn. Sâu bọ nhện gián y huyễn lực mà sống còn9. Chỗ chứng đắc của ba đời chư Phật, và sự truyền thừa của sáu đời Tổ sư, cũng hoàn toàn không vượt ngoài lưới huyễn10. Tam Muội thiền nhân vừa được mà lại bỏ mất11. Hãy thử suy nghĩ cho kỹ, vì sao bị đọa lạc vào vòng sanh tử12, vì sao nhập vào thai mẹ, vì sao chìm trong ái tình triền phược13, vì sao nguyện xuất trầm luân, vì sao khởi bước du phương, vì sao tầm cầu thiện tri thức, vì sao lê giày đến danh sơn leo lên vùng đất phước? Xuyên tùng lâm vào hệ xã, rồi năm nay đến Nam Hải, năm kế tới Ngũ Đài, năm kế nữa đến Nga Mi, cứ đi khắp hoàn vũ, trải qua bao trần kiếp, cùng tận mười phương quốc độ14 nhiều như số vi trần, thừa sự mười phương chư đại thiện tri thức, mà chẳng thoát khỏi vòng huyễn hóa, vì không phải là nơi cứu cánh chân thật. Lúc mê lầm cho bóng là đầu, không dò dẫm được đường về nhà, mà có thể đạp một cú đứt đoạn được lưới huyễn kết tụ15, thì vô biên lưới huyễn nhất thời đều đứt đoạn. Bao bờ bể huyễn hải, nhất thời đều khô cạn. Vô lượng huyễn nghiệp, nhất thời đốn tiêu. Vô biên huyễn hạnh16, nhất thời bèn đắc được. Vô lượng chúng sanh huyễn hóa, nhất thời bèn độ tận. Đây tức là dùng huyễn để tu huyễn. Vì vậy bảo rằng tâm huyễn hóa của chúng sanh lại phải y huyễn mà diệt. Nếu chưa được như thế, thì phải trải qua ba lần sanh sáu mươi kiếp, tôn Văn Thù làm cha, kính Quán Âm làm mẹ, thờ Phổ Hiền làm thầy, để nương nhờ thân cận những vị này, cầu mong xuất sanh tử. Hãy suy nghĩ cho kỹ! Đây chẳng phải bảo rằng ta vì người huyễn hóa, và lời nói cũng không chân thật. Tham khán! Tham khán!
7 Y huyễn lực: y theo hay nương theo chỗ còn chưa giác ngộ.
8 “Trầm không” là đắm chìm trong cảnh giới Không của định; “thủ tịch” là không rời được cảnh tịch diệt của thiền định, nhất là cảnh tịch diệt của A La Hán; “trầm không, thủ tịch” là hai trạng thái mà các thiền sinh đạo Phật cần tránh. Không trụ vào đâu cả chính là yếu chỉ của Thiền tông.
9 Ý nói chỗ chưa giác ngộ, còn mê lầm của các loài sâu bọ, lại chính là bản năng giúp các loài đó sinh tồn.
10 Các vị Phật, Tổ xưa nay đều giác ngộ ở chân lý tánh Không, nhờ thấy được các pháp đều như huyễn mà giác ngộ.
11 Vừa được mà lại bỏ mất: vừa thấy được chân lý tánh Không (“vừa được”) mà lại mất chánh niệm (“bỏ mất”), tức không trụ được tâm, chạy theo vọng động.
12 Bị đọa lạc vào vòng sanh tử: chìm đắm, bám chấp vào chuyện sanh, diệt của thế gian.
13 Triền phược: là những thứ trói buộc ngăn sự phát triển hay giải thoát.
14 Mười phương quốc độ: tu hành, tịnh độ mười phương.
15 Đạp một cú đứt đoạn được lưới huyễn kết tụ: ngay lập tức giác ngộ được chân tánh của các pháp là huyễn, sanh diệt theo nhân duyên và không thường còn.
16 Huyễn hạnh: hạnh tu trực tiếp vào tánh như huyễn của sự vật hiện tượng.