Đại sư Hám Sơn sinh ngày mười hai tháng Mười âm lịch, thuộc thời Minh Thế Tông, niên hiệu Gia Tĩnh năm thứ hai mươi lăm (nhằm ngày năm tháng Mười Một năm 1546, Tây lịch). Ngài được sinh ra tại huyện Toàn Tiêu, thuộc Châu Phủ Chúc Trừ, cách Nam Kinh khoảng ba mươi dặm về phía Tây (hiện nay thuộc tỉnh An Huy). Cha ngài tên là Thái Ngạn Cao. Mẹ ngài họ Hồng. Gia đình thuộc hàng sĩ thứ. Mẹ ngài là một Phật tử thuần thành, thường đến chùa dâng hương lễ bái cầu nguyện Đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Một đêm nọ, bà nằm mộng thấy Đức Bồ Tát dẫn một đứa bé trai đến nhà. Thấy đứa bé kháu khỉnh dễ thương, bà liền đưa tay ôm nó vào lòng. Tỉnh dậy, bà liền thọ thai. Khi sinh ra, thân ngài được bao bọc bởi một màng trắng như lụa.
Ngay từ khi còn nhỏ, mẹ ngài thường ẵm ngài đến chùa lễ bái. Bà cũng bỏ tiền ra đắp tô tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, cũng như bố thí rất nhiều tiền bạc cho những người nghèo trong vùng. Lòng tín thành Phật pháp của bà đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất gia tu học của ngài sau này.
Vào ngày ngài vừa đầy năm, khách đến nhà chúc mừng tấp nập, nhưng chẳng may hôm đó tự nhiên ngài bị cảm nhiệt, thân thể nóng ran, hơi thở thoi thóp. Các thầy thuốc trong vùng được mời đến cứu chữa, nhưng ai cũng đều thúc thủ bó tay.
Thấy sinh mạng của con đã hết phương cứu chữa, sống chết chỉ còn trong lằn tơ kẽ tóc, nên mẹ ngài quyết định bồng con đến chùa Trường Thọ, cầu xin Đức Bồ Tát Quán Thế Âm cứu giúp cho. Bà khấn nguyện rằng nếu ngài thoát chết, bà sẽ cho ngài quy y Tam Bảo, xuất gia làm tăng sĩ. Lạ lùng thay, sau khi cầu nguyện xong thì bệnh tình của ngài bỗng từ từ thuyên giảm, rồi khỏi hẳn. Từ đó, mẹ ngài càng tin tưởng vào sự gia trì của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngày nào bà cũng ẵm con đến chùa, chân thành lễ bái, xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.
Ngay từ nhỏ, ngài đã thích ngồi yên lặng trầm tư một mình, chứ ít khi chơi đùa cùng những đứa trẻ đồng lứa nên ông nội ngài thường gọi đùa cháu là “thằng Cột Gỗ”. Tuy nhỏ, nhưng ngài đã có những ý nghĩ lạ lùng về sự khổ đau, vui buồn, hợp tan của nhân sinh thế thái và thường đặt ra những câu hỏi mà người trong gia đình không ai có thể trả lời.
Năm ngài lên bảy tuổi, một hôm từ trường về nhà, ngài thấy người chú ruột nằm chết trên giường, gia đình đang khóc lóc xung quanh, nên ngạc nhiên hỏi:
- Mẹ ơi, chú bị làm sao vậy?
Mẹ ngài không biết giải thích thế nào cho đứa con nhỏ nên nói quanh:
- Chú con đang ngủ mê đó, chốc nữa sẽ dậy.
Ngài cảm thấy có điều gì lạ lùng nên đến bên cạnh chú, cố đánh thức ông ta dậy nhưng vô hiệu. Lúc đó, cô của ngài đau lòng bật lên khóc nức nở:
- Trời ơi! Ông nỡ lòng nào lại bỏ tôi mà đi như vậy. Nghe thế, ngài hoài nghi và hỏi mẹ:
- Thưa mẹ, thân chú nằm đây nhưng chú lại đi đâu? Bà mẹ đành thở dài đáp:
- Chú con đã chết rồi!
Ngài lấy làm lạ nên hỏi tiếp:
- Thưa mẹ! Chết là thế nào và chú chết rồi thì sẽ đi về đâu? Mẹ ngài chẳng biết phải trả lời như thế nào nên im lặng. Ngài khởi tâm nghi hoặc, nên cứ suy nghĩ mãi về việc này. Ít lâu sau, ngài theo mẹ đến thăm bà dì thứ hai vì bà ta vừa sinh một đứa con. Thấy đứa bé đỏ hỏn nằm trên giường, ngài hỏi mẹ:
- Thưa mẹ! Em bé này ở đâu mà đến? Mẹ ngài trả lời:
- Ở trong bụng dì của con chứ ở đâu. Ngài thắc mắc:
- Làm sao em bé này lại chui vào bụng của dì được? Mẹ ngài bèn vỗ đầu ngài, bảo:
- Thằng ngốc! Ngày trước con cũng chui từ bụng mẹ ra chứ ở đâu?
Nghe thế, ngài lại khởi tâm nghi hoặc và cứ suy nghĩ mãi về việc con người từ đâu sinh ra và khi chết thì đi về đâu.
Năm 1553, đời Gia Tĩnh thứ ba mươi hai, ngài lên bảy tuổi. Vì sức khỏe yếu, thường ốm đau bệnh hoạn nên ngài được cả gia đình hết sức nuông chiều, do đó ngài sinh tật lười biếng. Tuy đã được gửi đi học ở trường làng, nhưng mỗi tháng ngài thường trốn học nghỉ ở nhà cả nửa tháng. Thấy việc dạy bảo không nghiêm dẫn đến chuyện học hành bê tha của con nên mẹ ngài bàn với cha ngài cho gởi con đi học tại trường ở làng bên, cách nhà một con sông.
Vì con sông ngăn cách, việc đi lại khó khăn, nên ngài phải trú tại nhà người bà con bên ngoại, mỗi tháng chỉ được về thăm nhà một lần. Thật ra vì thương con, muốn tập cho con tính độc lập, tự biết lo học hành, nên mẹ ngài mới cắn răng gởi con đi học xa như vậy.
Lúc ấy, vì vẫn là trẻ con, cuộc sống xa nhà như vậy là một khó khăn lớn, nên ngài chỉ muốn trở về nhà. Một hôm, nhân lúc về thăm nhà, ngài không muốn trở lại trường nữa nên nài nỉ mẹ cho phép ở lại nhà thêm vài ngày. Bình thường, mẹ ngài rất thương con nhưng lần này vì ngài không muốn đi học nên bà tỏ thái độ, xách roi đánh đuổi ngài ra tận bờ sông. Đến nơi, thấy ngài không chịu lên thuyền, bà nổi giận nắm đầu ngài xô xuống sông rồi bỏ về nhà mà không thèm quay đầu lại. Thấy vậy, bà ngoại ngài liền dẫn ngài về nhà xin lỗi mẹ. Vừa thấy ngài, mẹ ngài liền mắng:
- Đồ lười biếng cứng đầu, không chịu qua sông đi học, trở về nhà làm chi?
Nói xong, bà lại lấy chổi đánh đuổi ngài thể như không còn chút tình lưu luyến gì nữa. Ngài vừa khóc vừa chạy tránh roi của mẹ. Mẹ ngài vừa đánh vừa mắng:
- Mày là con trai mà động một chút đã khóc thì sau này làm sao mà khá cho được?
Lúc đó, ngài thấy mẹ mình quá nghiêm khắc nên không còn dám nghĩ đến việc bỏ học về nhà nữa mà đành lên đò qua sông đi học. Sau khi ngài qua sông, mẹ ngài mới khóc sướt mướt. Bà ngoại ngài thấy thế ngạc nhiên, bèn hỏi:
- Tại sao lúc thằng bé trở về nhà chơi thì con lại vừa đánh vừa chửi mắng nó, muốn nó phải đi. Nay nó đã đi rồi, sao còn khóc lóc gì nữa?
Mẹ ngài bèn thưa:
- Thưa mẹ, có người mẹ nào mà lại không thương con mình, nhưng chỉ vì muốn nó cắt đứt tình cảm luyến ái gia đình để chăm chỉ học hành, nên bất đắc dĩ con mới phải làm như vậy. Nó là con trai, phải lo học hành để trở thành người hữu dụng sau này, chứ đâu thể lười biếng ở nhà với cha mẹ mãi được. Xưa nay, bao thiếu nhi hư hỏng cũng chỉ vì sự nhu nhược của người trong gia đình, nên con đành phải đối xử với nó như vậy, mong rằng tương lai nó sẽ khá.
Từ khi rời nhà sống ở nhà người bà con để đi học, ngài dần dần trở thành học trò xuất sắc. Thời đó, các trường học thường do vài ông đồ già trông nom, dạy dỗ học trò các kiến thức căn bản như đọc và viết thôi. Muốn mở mang kiến thức, học trò phải đến chùa học hỏi thêm, vì chỉ nơi đó mới có các vị tăng học vấn thâm sâu dạy dỗ. Hôm đó, ngài theo chúng bạn đến chùa học hỏi và nghe được tiếng tụng kinh của chư tăng:
“… Phật bảo Vô Tận Ý: Này thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh bị bao khổ não, được nghe danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm mà nhất tâm xưng danh hiệu của Bồ Tát. Bồ Tát Quán Thế Âm tức thời quán sát những âm thanh đó, thì những chúng sanh kia đều được giải thoát khổ não. Người thường trì tụng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, nếu gặp nạn lửa lớn, lửa chẳng đốt cháy được, vì do oai thần lực của Bồ Tát. Nếu bị nước lớn cuốn trôi, xưng danh hiệu Bồ Tát, liền được đến chỗ cạn...”.
Ngài vừa nghe đọc như thế mà tâm thần đã rung động như người mê chợt tỉnh nên hỏi một chú tiểu về đoạn kinh.
- Xin sư chú cho biết đó là kinh gì vậy. Chú tiểu bèn đáp:
- Đó là phẩm Phổ Môn trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nói về hạnh nguyện cứu độ chúng sanh của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Ngài hỏi tiếp:
- Hạnh nguyện cứu độ chúng sanh của Bồ Tát Quán Thế Âm là như thế nào?
Chú tiểu kia không thể giải thích rõ ràng, nên đáp:
- Tôi không biết rõ lắm, nhưng trong kinh có đoạn giải thích như sau, để tôi tụng cho anh nghe thêm: “Nếu có trăm ngàn vạn ức chúng sanh vì tìm vàng bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, san hô, hổ phách mà vào nơi biển cả, giả sử gió thổi thuyền kia đến nước quỷ La Sát, trong đó nếu chỉ có một người xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì chúng nhơn kia đều được giải thoát khỏi nạn quỷ La Sát. Do nhân duyên đó, nên gọi là Quán Thế Âm. Nếu có người sắp sửa bị hại, mà xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì đao kiếm của kẻ muốn hại liền bị gãy đoạn, nên người kia được giải thoát. Nếu trong ba ngàn đại thiên quốc độ, đầy cả quỷ Dạ Xoa, La Sát, muốn đến não hại1, nghe người xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì các ác quỷ kia không dám dùng mắt dữ mà nhìn, hà huống gia hại. Lại nữa, nếu người có tội hay vô tội, bị cầm tù xiềng xích, mà xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì xiềng xích liền bị đứt đoạn, khiến được giải thoát…”.
1 Não hại: làm tổn hại do giận dữ.
Khi ấy, tuy tuổi còn nhỏ nhưng trí huệ của ngài đã phát triển vượt hẳn chúng bạn. Nghe phẩm Phổ Môn, tuy không am tường hết ý nghĩa, nhưng ngài cũng hiểu đôi chút, nên xin một bản kinh đem về nhà tụng niệm. Nếu có chỗ nào không hiểu, ngài thường đến chùa hỏi thầy trụ trì giảng dạy thêm cho. Vị sư trụ trì thấy ngài tuy nhỏ tuổi mà thích tụng đọc kinh điển, nên cũng hết lòng chỉ dạy. Ông còn kể thêm cho ngài nghe về sự tích các đại cao tăng như Đường Huyền Trang qua Ấn Độ thỉnh kinh, Đạt Ma Tổ Sư ngồi thiền xoay mặt vào vách chín năm, v.v…
Từ đó, mỗi khi học hành xong có thời gian rảnh rỗi, ngài lại tụng đọc kinh điển. Đối với những lời kinh thâm sâu vi diệu, không thể hiểu nghĩa, ngài thường tự học thuộc lòng từng chữ. Ví như phẩm Phổ Môn, không ai bắt buộc, mà ngài lại tự học thuộc lòng. Nếu có ai hỏi duyên cớ, ngài đáp rằng vì nghe chư tăng dạy bảo tụng niệm phẩm Phổ Môn thì có thể cứu khổ thế gian, nên tự dụng công học thuộc mà thôi.
Thật ra, ngài học phẩm Phổ Môn vì có chủ đích. Số là ngài biết mẹ mình tuy rất thành tín tụng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, nhưng bà chưa hề biết đến hạnh nguyện của Bồ Tát được trình bày trong phẩm Phổ Môn như thế nào.
Nhằm báo đền ân sâu của từ mẫu, ngài cố học thuộc phẩm Phổ Môn và chờ dịp để kể cho mẹ nghe.
Lần nọ, nhân dịp về thăm nhà, ngài theo mẹ đến chùa lễ bái. Lễ xong, ngài thưa với mẹ:
- Thưa mẹ! Mẹ có bao giờ nghe nhắc đến quyển kinh nói về hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm không?
Mẹ ngài ngạc nhiên bảo:
- Mẹ chưa từng nghe ai nói đến. Ngài bèn thưa tiếp:
- Nếu vậy, mỗi khi lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm, mẹ niệm thế nào?
Mẹ ngài đáp:
- Suốt đời, mẹ chỉ biết niệm bảy chữ chân ngôn “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát” mà thôi.
Ngài vội thưa:
- Thưa mẹ! Bảy chữ chân ngôn này tuy hàm ý bao la vi diệu vô cùng, nhưng vẫn chưa bằng phẩm Phổ Môn. Để con tụng cho mẹ nghe.
Nói xong ngài liền xướng tụng:
“… Chúng sanh bị khổ ách, vô lượng khổ bức thân, Quán Âm diệu trí lực, năng cứu khổ thế gian, đầy đủ sức
thần thông, rộng tu trí phương tiện2, các cõi nước mười phương, không cõi nào chẳng hiện, bao loại chư ác thú, địa ngục quỷ súc sanh, sanh già bịnh chết khổ, từ từ được diệt tiêu. Chân quán thanh tịnh quán, quảng đại trí huệ quán, bi quán cùng từ quán, thường nguyện thường chiêm ngưỡng, vô cấu thanh tịnh quang, huệ nhật phá chư ám, năng phục nạn gió lửa, sáng khắp chiếu thế gian, bi thể giới sấm chớp, từ ý diệu mây to, ban mưa pháp cam lồ, diệt trừ lửa phiền não. Kiện tụng nơi cửa quan, sợ hãi trong quân trận, niệm nhớ Quán Âm lực, các oán đều thối tán. Diệu Âm Quán Thế Âm, Phạm Âm Hải Triều Âm, vượt hơn thế gian âm, vì thế phải thường niệm, niệm niệm chớ sanh nghi, Quán Âm bậc tịnh thánh, nơi khổ não tử ách, làm nơi chỗ nương tựa, đầy đủ mọi công đức, mắt từ nhìn chúng sanh, biển phước tụ vô lượng, phải nên thường đảnh lễ…”.
2 Rộng tu trí phương tiện: ý nói chư Phật dùng nhiều phương tiện khác nhau để độ sinh, giáo hóa chúng sanh, tùy theo căn cơ, nhân duyên, tùy đối tượng mà dùng phương tiện phù hợp.
Tụng xong, ngài giải thích ý nghĩa của từng câu trong kinh, y như lời dạy của vị hòa thượng trụ trì. Mẹ ngài yên lặng lắng nghe mà nước mắt chảy ròng ròng. Đợi ngài giải thích xong, bà mừng rỡ ôm chầm lấy đứa con trai:
- Con đã học được kinh này ở đâu vậy? Ngài thưa:
- Thưa mẹ, con thường đến chùa nghe chư tăng tụng niệm ngày đêm, nên mượn quyển kinh này về học thuộc lòng để đọc cho mẹ nghe.
Mẹ ngài nói:
- Lành thay! Cho đến hôm nay mẹ mới được nghe lời dạy của chư Phật. Từ nay mẹ quyết tâm trì tụng và học hỏi những lời Phật dạy này. Con của ta thật giỏi. Bắt đầu từ nay, hằng ngày mẹ con mình sẽ cùng nhau đọc tụng phẩm Phổ Môn này.
Năm lên mười tuổi, trí thông minh của ngài đã vượt hẳn chúng bạn, chỉ đọc sách vài lần đã nhập tâm. Tuy biết con mình giỏi hơn người, nhưng mẹ ngài vẫn thúc giục con phải chăm chỉ học hành.
Một hôm, nhân lúc bà bảo ngài lấy sách vở ra học, ngài liền hỏi:
- Thưa mẹ, con có việc muốn hỏi nhưng xin mẹ chớ trách mắng.
Mẹ ngài nghĩ rằng đây là cơ hội để giáo dục cho con thêm, nên bảo:
- Con cứ nói. Mẹ không phiền trách đâu. Nghe thế, ngài an tâm mạnh dạn hỏi:
- Thưa mẹ! Cả ngày từ sáng đến tối, mẹ bắt con phải học hành, đọc tụng thật nhiều sách như Tứ Thư, Ngũ Kinh3, vậy có lợi ích gì chứ?
3 Tứ Thư, Ngũ Kinh: là chín tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa, do Khổng Tử soạn thảo. Các sách này còn là những tác phẩm văn chương cổ điển của Trung Quốc. Tứ Thư gồm Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử; Ngũ Kinh gồm Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu.
Mẹ ngài bảo:
- Người xưa bảo rằng trong sách vở có cả kho châu báu. Nếu con học cho giỏi thì mai sau sẽ thi đỗ làm quan lớn và sẽ sang giàu.
Nên nhớ xã hội lúc đó rất trọng học vấn vì đó là con đường tiến thân duy nhất. Tục ngữ Trung Hoa có câu: “Tất cả mọi việc đều thấp, chỉ có việc học là cao”. Con nhà dân dã chỉ nhờ việc học mà tiến thân trên đường hoạn lộ và có được danh phận trong xã hội. Với quan niệm đó, mẹ ngài nói tiếp:
- Học giỏi để thi đỗ làm quan, nếu có khả năng thì từ quan nhỏ sẽ dần dần tiến lên chức quan lớn, rồi biết đâu chẳng làm đến Tể tướng. Con có biết không, làm Tể tướng lớn lao uy quyền lắm, chỉ dưới nhà vua, nhưng lại cao hơn muôn người.
Bà tưởng rằng nói đến chức vị Tể tướng sẽ hấp dẫn con mình, nào ngờ cậu bé mười tuổi lại hỏi thêm:
- Thưa mẹ! Được chức Tể tướng rồi thì còn làm gì nữa không?
Mẹ ngài ngập ngừng chẳng biết ăn nói sao vì đối với quyền thế oai phong của chức Tể tướng, bà khó giải thích cặn kẽ cho đứa con mười tuổi hiểu được. Ngoài ra, cả đời bà chỉ ở trong huyện thành nhỏ, ít khi đi xa thì làm sao biết rõ công việc chốn quan trường là như thế nào. Sau một lúc do dự, bà cố đáp:
- Sau khi làm đến Tể tướng rồi thì có thể từ quan về hưu. Nghe thế, ngài bèn than:
- Cả đời khổ cực học hành rồi lo thi cử để làm quan, vậy mà làm quan đến chức Tể tướng rồi lại lo về hưu thì phỏng có ích lợi gì?
Mẹ ngài không biết phải nói gì thêm nên hỏi:
- Nếu không muốn làm quan thì tương lai con muốn làm gì?
Không suy nghĩ, ngài đáp ngay:
- Thưa mẹ, con nhất định tìm việc gì mà làm mãi mãi, chẳng về hưu.
Mẹ ngài nghe thế bật cười bảo:
- Thế thì chỉ có xuất gia làm tăng sĩ mới không từ chức về hưu mà thôi.
Ngài ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao tăng sĩ lại không về hưu? Mẹ ngài đáp:
- Tăng sĩ là đệ tử xuất gia của Phật, phát hạnh nguyện lợi tha, du phương khắp thiên hạ để hoằng pháp độ sanh, không chấp vào nơi ăn chỗ ở. Vì phát hạnh nguyện lợi tha, chỉ lo cho người chứ không lo cho mình, nên đâu bao giờ hết việc đời, cần gì phải tính đến hưu trí.
Nghe vậy, ngài vui mừng đáp ngay:
- Nếu như vậy thì con chỉ muốn làm tăng sĩ mà thôi. Thấy con mình nói thế, mẹ ngài liền nạt:
- Thằng ngu! Xuất gia đâu phải chuyện dễ. Phải có duyên phận và phước đức lắm mới làm được như thế.
Ngài ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao làm tăng sĩ lại cần có phước đức? Mẹ ngài đáp:
- Đương nhiên là phải cần duyên phận và phước đức mới có thể xuất gia được. Đường quan lộ tuy trắc trở, hiểm nạn nhưng vẫn còn dễ, chứ xuất gia tu hành để giải thoát, thành Phật, thành Tổ thật khó khăn gấp trăm ngàn lần. Trên thế gian này, có thiếu gì người thi đậu, làm quan hay làm Tể tướng, nhưng đã có mấy ai tu hành thành Phật, thành Tổ đâu. Mẹ nghĩ rằng con không nên ăn nói xàm bậy như vậy mà mắc tội vọng ngữ.
Nghe vậy, ngài bèn cương quyết thưa:
- Thưa mẹ! Con tự biết mình cũng có được đôi phần phước đức, có thể xuất gia tu hành, nhưng con chỉ sợ mẹ không đành lòng để cho con xuất gia mà thôi.
Vừa nghe vậy, mẹ ngài đột nhiên toát mồ hôi như linh cảm được điều gì đó. Bà thầm nghĩ: “Không lẽ thằng con trai của tôi lại muốn đi tu thật sao?”. Là một Phật tử thuần thành, suốt đời chân thành lễ bái, bà nhớ ngay đến lời nguyện sẽ cho ngài xuất gia năm xưa, nên bà nghiêm nghị bảo:
- Này con! Một ngày nào đó, nếu duyên phận đã định và con có đủ phước đức để xuất gia làm tăng sĩ thì chắc chắn mẹ sẽ giúp cho con được như ý nguyện. Tuy nhiên, lúc này, thời cơ chưa thuận tiện, con hãy giữ kín chuyện này giữa mẹ và con thôi.
Một ngày nọ, vào lúc ngài được mười một tuổi, đang chơi đùa trước sân nhà thì có vài vị tăng khất thực đi qua. Vì đã từng đến chùa học hành cũng như được mẹ hun đúc ý niệm xuất gia, nên ngài có cảm tình đặc biệt đối với các tăng sĩ. Ngài thấy tuy các vị tăng này đắp y giống như chư tăng ở các chùa lân cận, nhưng không hiểu sao trên gương mặt họ lại hiện ra những nét ung dung hoan hỉ khác thường.
Vì không biết phải đối đãi như thế nào nên ngài chạy thẳng vào nhà báo tin cho mẹ biết:
- Thưa mẹ! Có các hòa thượng từ xa đến trước nhà mình, không biết họ muốn gì?
Mẹ ngài chạy ra xem rồi trả lời:
- Đó là những vị du tăng, đi khuyến hóa chúng sanh. Thấy bà từ trong nhà bước ra, các vị du tăng liền để nón và hành lý xuống, rồi cung kính chắp tay chào:
- Nam Mô A Di Đà Phật! Xin nữ thí chủ từ bi bố thí cho vài chén cơm.
Mẹ ngài cung kính chắp tay đáp lễ:
- Xin thỉnh quý thầy vào nhà dùng cơm.
Nói xong, bà liền dẫn họ vào nhà khách, rồi cung kính pha trà, cúng dường cơm nước. Ngài đứng bên cạnh xem xét từng cử chỉ của chư tăng, từ việc họ chắp tay cung kính tụng niệm trước khi dùng cơm, đến những cử chỉ hành động thư thả nhẹ nhàng của họ trong khi ăn. Họ ăn uống một cách chậm rãi, ung dung, ý thức từng cử chỉ một. Ngài quan sát họ một cách thích thú như vừa tìm được điều gì đó mới lạ. Dùng cơm xong, họ cung kính chắp tay cáo từ để tiếp tục lên đường. Ra đến cửa, họ còn chắp tay cảm ơn. Thấy thế, mẹ ngài vội thưa:
- Xin quý thầy chớ cảm ơn. Thấy họ đã đi xa, ngài hỏi mẹ:
- Tại sao mẹ không nhận lời cảm ơn của các khách tăng kia? Mẹ ngài trả lời:
- Con nên biết rằng chư tăng đến hóa duyên là tạo phước cho gia đình mình. Nếu mẹ nhận lời cảm ơn của họ thì phước đức sẽ mất hết.
Tuy chẳng hiểu lý lẽ trên, nhưng ngài vẫn gật đầu và tự nghĩ: “Phải chăng vì khuyến khích chúng sanh làm phước mà các chư tăng phải cực khổ đi du phương hành khất như vậy”. Từ đó, hình ảnh chư tăng ung dung tự tại với nụ cười hoan hỉ đi hóa duyên, tạo phước luôn hiển hiện trong tâm tư ngài, nên ngài phát khởi ý chí nhất quyết xuất gia.
Năm ngài lên mười hai tuổi, khác với bạn bè đồng lứa chỉ biết đùa giỡn, ngài quyết chí xuất gia, nên thường chăm chỉ đi chùa tụng kinh, niệm Phật. Thấy con trễ nải học Tứ Thư, Ngũ Kinh cho việc khoa cử mà chỉ lo đi chùa tụng kinh, nên cha ngài lo lắng vô cùng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông nảy ý định tìm con gái nhà khuê các để hỏi vợ cho con hầu ngăn chặn ý tưởng xuất gia của nó. Đối với phong tục tập quán lúc đó, việc tìm vợ sớm cho con trai không phải là điều bất thường. Vì là gia đình đại phú, nên việc cầu hôn cho ngài rất dễ dàng, nhiều gia đình quanh vùng đã ngỏ lời ưng chịu ngay. Tuy nhiên, khi vừa hay tin, ngài đã tỏ thái độ kiên quyết khước từ và cho gia đình biết rõ ý định xuất gia của mình.
Theo quan niệm “tam cương, ngũ thường” lúc đó thì con cái không có quyền cãi lại ý kiến của cha mẹ, nhưng nhờ sự tán trợ của mẹ ngài nên cha ngài đành phải miễn cưỡng ngưng việc cầu hôn. Mẹ ngài đã nói: “Làm quan hay hòa thượng đều do duyên phận chứ không thể cưỡng ép. Thằng con mình do Bồ Tát Quán Thế Âm trong mộng bồng đến. Biết đâu nó chẳng có duyên phận với Phật. Tuy nuôi con, nhưng chúng ta phải để cho nó tự lập chí. Ông đừng cưỡng ép nó quá rồi có chuyện gì hối hận chẳng kịp”. Cha ngài chẳng đối đáp được, nên đành phải đồng ý.
Một hôm, ngài nghe các tăng sĩ trong chùa nói với nhau rằng tại chùa Báo Ân ở Kim Lăng có một hòa thượng đạo cao đức trọng tên là Tây Lâm thường thuyết pháp độ sinh, học trò theo học rất đông. Nghe thế, ngài vui mừng khôn xiết nên xin cha cho phép đến chùa Báo Ân ở Kim Lăng để học hỏi thêm. Biết rõ ý của con mình là muốn xuất gia chứ chẳng phải học hành gì thêm, nên cha ngài cố tình bỏ lơ, không cho phép. Khi ấy, tuy chỉ mới mười hai tuổi nhưng ngài đã cương quyết hướng về cửa Phật. Thấy cha làm ngơ không đáp ứng, ngài đóng cửa phòng, nhịn ăn nhịn uống, nhất định không nói năng với ai, cho đến khi đạt được mục đích xuất gia của mình. Người trong nhà lo lắng không biết cớ sự gì cả. Lúc đó, thấy cơ duyên đã đến, mẹ ngài bèn lên tiếng trợ giúp và nói rõ việc đã phát nguyện trước Đức Bồ Tát như thế nào, nên gia đình đành chấp nhận cho ngài được toại ý. Tháng Mười năm đó, ngài cùng cha mẹ đi từ Toàn Tiêu đến Kim Lăng để diện kiến Hòa thượng Tây Lâm.