Năm Gia Tĩnh thứ ba mươi sáu (1557), ngài cùng cha mẹ đến Kim Lăng (Nam Kinh) để gặp Hòa thượng Tây Lâm, trụ trì chùa Báo Ân. Vừa trông thấy hòa thượng, ngài đã quỳ xuống đảnh lễ rất cung kính. Hòa thượng quan sát tướng mạo ngài hồi lâu, rồi vui mừng nói với cha mẹ ngài:
- Vợ chồng thí chủ thật rất may mắn có được một đứa con trai cốt khí phi phàm như thế này.
Mẹ ngài bèn thưa:
- Kính bạch Hòa thượng, chúng con mong ngài thương tình dạy dỗ cho nó được thành tài.
Hòa thượng Tây Lâm bảo:
- Thí chủ cứ an tâm, bần tăng tuy đạo hạnh thô thiển, nhưng sẽ tận tâm dạy dỗ cho nó. Tương lai, nếu có duyên lành, nó sẽ còn gặp các bậc danh sư khác chỉ dạy thêm. Phật giáo sau này phát triển được là nhờ nơi thằng bé này đây.
Nghe thế, cha mẹ ngài đều hết sức vui mừng. Tuy ngài muốn xuất gia thọ giới sớm nhưng lúc đó vì thấy ngài tuổi còn nhỏ, nên Hòa thượng Tây Lâm chưa cho chính thức cạo tóc mà chỉ nhận cho ngài làm thị giả hầu cận. Từ đó, ngài theo hầu Hòa thượng Tây Lâm rất cung kính, chuyên cần. Một hôm, Hòa thượng Tây Lâm đến chùa Tam Tạng thăm một người bạn là Pháp sư Vô Cực. Khi ấy, Pháp sư đang giảng kinh Pháp Hoa và có quan Anh võ Đại học sĩ là Triệu Đại Châu cũng đang tham bái học hỏi. Cả hai thấy ngài đi theo hầu Hòa thượng Tây Lâm nên hỏi:
- Sư huynh tìm đâu ra được thằng bé khôi ngô vậy? Hòa thượng Tây Lâm hỏi lại:
- Quý vị thấy thằng bé này thế nào?
Triệu Đại Châu quan sát tướng mạo ngài một lúc rồi đáp:
- Theo sự quan sát của tôi thì tương lai thằng bé này rất tốt, nó sẽ là một người làm được những chuyện vĩ đại.
Tuy nhiên, ông không biết ngài có ý muốn trở thành tăng sĩ hay không nên đặt câu hỏi:
- Cậu bé thích làm quan hay làm tăng sĩ?
Không đợi ngài trả lời, ông nói tiếp:
- Này cậu bé, làm quan to thì tận hưởng vinh hoa phú quý, quyền cao chức trọng, còn làm tăng sĩ thì phải chịu đựng khổ cực muôn vàn và chẳng có nhà cửa, tiền bạc chi hết. Ta thấy ngươi có cốt cách thông minh nên khuyên ngươi hãy chăm chỉ học hành để thi cử ra làm quan lớn thì hơn.
Nào ngờ, cậu bé mười hai tuổi lại đáp:
- Thưa quý vị, con chỉ muốn làm Phật thôi.
Nghe thế, cả Pháp sư Vô Cực lẫn Triệu Đại Châu đều giật mình. Triệu Đại Châu quan sát ngài một lúc nữa rồi nói với Hòa thượng Tây Lâm:
- Thằng bé này khí khái lắm, tiền đồ của nó thật không thể hạn lượng. Ngài nên tận lực dạy dỗ cho nó.
Lúc đó đã đến giờ giảng kinh nên Pháp sư Vô Cực lên tòa giảng. Ngài ngồi yên, chuyên tâm chú ý lắng nghe. Sau buổi giảng kinh, Triệu Đại Châu hỏi ngài:
- Này cậu bé, ngươi có hiểu gì về lời giảng của Pháp sư Vô Cực không?
Đây là một câu hỏi rất khó đối đáp, vì nếu ngài trả lời là hiểu rõ thì không phải là lời nói chân thật, còn nếu trả lời là không hiểu thì khác gì tự bảo rằng mình căn cơ thấp kém, có thể khiến cho Hòa thượng Tây Lâm mất mặt, nên ngài đã đáp:
- Tuy con không hiểu hết những đạo lý thâm sâu, nhưng con cảm thấy tâm mình khế hợp với lời giảng của Pháp sư Vô Cực.
Triệu Đại Châu gật gù hỏi tiếp:
- Như thế nghĩa là gì? Ngài khẳng khái đáp:
- Tuy con muốn nói nhưng không thể diễn đạt được.
Thấy ngài trả lời rất thành thật nên mọi người đều hoan hỉ và mừng cho Hòa thượng Tây Lâm có một học trò giỏi.
Khi ấy, Hòa thượng Tây Lâm đã bảy mươi lăm tuổi. Tuy mắt vẫn còn sáng, tai vẫn còn thính nhưng khi giảng giải kinh điển, khí lực của ngài không bằng người trẻ tuổi. Do đó, Hòa thượng Tây Lâm giao trách nhiệm dạy bảo ngài cho các đệ tử lớn có đức hạnh và trình độ học vấn cao. Hòa thượng Tây Lâm chỉ gián tiếp khuyến tấn, nhắc nhở ngài đi đúng trên con đường chánh pháp mà thôi. Theo thời gian, việc học hành của ngài mỗi ngày một tiến bộ. Ngài rất thông minh nên vừa học xong bài gì liền hiểu rõ ngay, Hòa thượng Tây Lâm bèn khuyên ngài nên học Nho giáo trước khi nghiên cứu kinh điển Phật giáo, để có đủ kiến thức về pháp thế gian. Hai năm sau, thấy ngài đã có đầy đủ căn bản, Hòa thượng Tây Lâm mới chọn thầy Tuấn Công, đệ tử lớn của Hòa thượng, dạy ngài về kinh Pháp Hoa. Chỉ trong vòng bốn tháng, ngài học thuộc lòng bộ kinh này. Đối với những bộ kinh thông thường khác, chỉ trong một thời gian ngắn, ngài cũng học thuộc hết. Hòa thượng Tây Lâm thấy vậy bèn bảo đại chúng:
- Thằng bé này thiên tánh rất thông minh lanh lợi. Tương lai nếu được gặp minh sư chỉ điểm, nó sẽ trở thành bậc long tượng đại khí.
Thật ra, đạo hạnh và học vấn của Hòa thượng Tây Lâm dư sức để dạy dỗ cho đứa bé mười bốn tuổi, nhưng Hòa thượng thường khiêm tốn bảo rằng mình không đủ sức giáo huấn chu toàn cho ngài để khuyến khích ngài chịu khó tìm thầy học hỏi thêm chứ đừng ỷ lại nơi Hòa thượng.
Năm ngài được mười bảy tuổi, Hòa thượng Tây Lâm cho mời những học giả danh tiếng quanh vùng về chùa dạy thêm cho ngài những môn học của Nho giáo như Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử, Ngũ Kinh, và văn chương, thi cú, điển nhạc của các bậc danh nhân từ xưa đến nay. Nhờ thiên tánh thông minh sáng suốt nên ngài học rất nhanh, có thể xuất khẩu thành chương, đặt bút viết thành thơ, văn vẻ của ngài vừa gọn gàng, uyển chuyển, vừa trong sáng, thâm sâu. Sau khi hoàn tất bài văn “Giang Thượng Thiên”, danh tiếng của ngài nổi bật khắp vùng, các bậc học giả đều khen ngợi và người đương thời xem ngài như là bậc tài hoa trẻ tuổi bậc nhất miền Kim Lăng.
Thời bấy giờ, Minh Thế Tông, hiệu Gia Tĩnh (trị vì từ năm 1522 đến năm 1567) là một vị vua rất say mê truyện thần tiên nên phong trào học hỏi Đạo giáo phát triển mạnh mẽ khắp nơi. Nhà vua tin dùng các đạo sĩ và rất thích uống các loại thuốc trường sinh bất tử nên từ trong triều chính cho đến ngoài dân gian, ai nấy đều đua nhau học đòi tu đạo luyện đơn. Phong trào này lan rộng đến nỗi ngay tại các chùa, tăng sĩ cũng mời các quan triều đến chùa thuyết giảng về Đạo giáo cho mọi người. Vì đa số các vị quan này được thăng quan tiến chức cũng nhờ biết hành lễ theo Đạo giáo, nên hầu hết thanh niên lúc đó đều đua nhau học đòi làm lễ sinh, tham dự vào những buổi lễ của Đạo giáo. Sự bành trướng của Đạo giáo lan rộng khắp nơi, các đạo sĩ đi đến đâu là quan quân phải theo hầu đến đó.
Nên nhớ, dưới thời nhà Minh, các chùa không hoàn toàn là một cơ sở tôn giáo thuần túy mà còn là những trung tâm giáo dục trực thuộc triều đình. Muốn xây chùa phải xin giấy phép, có sắc phong triều đình mới được xây. Tiền xây cất cũng do triều đình xuất quỹ chu cấp, do đó nó hoàn toàn thuộc vào công quỹ và điền sản quốc gia. Chư tăng trong chùa bị giám sát bởi các quan thuộc bộ Lễ. Khi nào chùa cần thầy trụ trì thì bộ Lễ sẽ ra những bài thi khảo hạch chư tăng ở trong chùa. Vị tăng nào đạt tiêu chuẩn cao nhất sẽ được phong làm phương trượng trụ trì. Bài khảo hạch về Phật giáo cũng không khác bài khảo của các học giả Nho giáo bao nhiêu. Văn được viết theo lối văn tám câu, trong đó cũng trích dẫn những câu thơ vịnh sắc sảo. Chủ đề được rút ra từ các kinh điển như Kim Cang, Thủ Lăng Nghiêm và các kinh điển khác. Ba ngôi chùa lớn tại Nam Kinh như Linh Cốc, Thiên Giới và Báo Ân đều là những trung tâm giáo dục lớn nhất trong vùng, mỗi chùa có khoảng hàng ngàn người đến học. Dĩ nhiên chùa không chỉ huấn luyện tăng sĩ mà còn dạy dỗ thêm cả các học trò của Đạo giáo và Nho giáo nữa. Phần lớn các học trò này đều nuôi mộng lên kinh đô dự thi để được bổ nhiệm làm quan, do đó trong chùa, tăng sĩ, đạo sĩ và học trò gần như không có sự khác biệt bao nhiêu. Việc dạy dỗ Đạo giáo trong các chùa chiền Phật giáo lúc đó phản ảnh sự tương dung giữa hai tôn giáo do sắc lệnh nhà vua, muốn mang Phật giáo và Đạo giáo hợp nhất tại một nơi để dễ bề kiểm soát. Muốn thọ giới thành tăng sĩ, hay tu luyện thành đạo sĩ, hoặc đi thi để làm quan, thí sinh đều phải được khảo hạch theo tiêu chuẩn định sẵn của triều đình. Sau đó, nếu muốn hành nghề tăng sĩ hay đạo sĩ, họ đều phải mua giới điệp (giấy phép hành nghề) của triều đình. Lúc đó, Đạo giáo thịnh hành lắm, nên phần lớn học sinh được chấm điểm lên lớp cũng nhờ biết tuân cách làm lễ theo Đạo giáo hay viết những bài văn ca tụng Đạo giáo.
Trong thời gian này, sức khỏe của ngài thường yếu kém do ảnh hưởng của bệnh trạng thuở ấu niên cùng cuộc sống khắc khổ ở chùa viện và dụng công học hành quá mức. Tuy vượt xa các bạn đồng học về văn chương thơ phú, nhưng ngài lại không thích những điều huyền hoặc của Đạo giáo nên ít khi tham dự các buổi lễ của tôn giáo này. Khác với các bạn đồng học chỉ chú trọng vào Nho giáo, ngài thường chú trọng nhiều về những tư tưởng Phật học, thậm chí nhiều lúc còn muốn “tẩy trừ những tập khí của Nho học” trong lúc làm thơ văn. Hầu hết bè bạn đồng học với ngài đều có chí hướng muốn tiến thân trên con đường khoa cử, nên họ đã khuyến khích ngài bước chân vào con đường quan lộ lợi danh. Họ bảo: “Huynh là bậc tài hoa xuất sắc nhất trong nhóm của chúng ta. Nếu đi thi, chắc chắn huynh sẽ đỗ trạng nguyên. Tài trí của huynh nếu không đem ra giúp quốc gia thì thật đáng tiếc”. Tuy bị thuyết phục như thế nhưng ngài vẫn không thích con đường quan lộ này mà chỉ hướng về Phật pháp mà thôi.
Vào lúc đó có Thiền sư Vân Cốc (1500 – 1575), trụ trì núi Thê Hà, vốn là pháp hữu của Hòa thượng Tây Lâm. Hai vị thường giao thiệp với nhau rất thân thiết. Hòa thượng Tây Lâm rất kính trọng học thức uyên bác cùng đạo hạnh tu hành của Thiền sư Vân Cốc, nên mỗi lần Thiền sư xuống núi ghé thăm thì Hòa thượng thường mời Thiền sư ở lại chùa Báo Ân cả tháng. Những khi hai vị đàm luận về thiền đạo, viết lách, giảng giải kinh sách, ngài thường đứng hầu bên cạnh, nên thâu thập được rất nhiều kiến thức. Thiền sư Vân Cốc cũng biết đến thiên tư thông minh sáng suốt của ngài nên rất mực thương yêu. Ông thường đưa cho ngài xem các bộ truyện của lịch đại Tổ sư cùng truyện của các vị cao tăng, và nhắc nhở ngài nên tự nghiên cứu thiền cơ, ngộ rõ tâm địa1 để đến nơi diệu xứ2. Nhờ lắng nghe lời chỉ dạy ân cần của Thiền sư Vân Cốc mà lần nọ, khi đọc quyển Trung Phong Quảng Lục do Thiền sư Trung Phong Minh Bổn (1263 – 1323) ở đời Nguyên viết ra, ngài đã thâm nhập yếu chỉ thiền cơ, nên vui mừng tự bảo: “Đây mới chính là điều hợp ý với tâm mình nhất”. Từ đó, ngài quyết tâm xả bỏ mọi tri kiến thế gian để tu học, thâm nhập Phật pháp.
1 Tâm địa: bản tâm thanh tịnh hay thật tánh của tâm.
2 Đến nơi diệu xứ: ý nói chứng ngộ Niết Bàn.
Năm mười chín tuổi, ngài thỉnh cầu Hòa thượng Tây Lâm cho phép xuống tóc, chính thức xuất gia. Quyết định này vạch rõ ý định của ngài là từ bỏ tất cả sở học thế gian để nhất tâm dụng công tu đạo và chuyển từ nghiên cứu kinh điển (Học) qua việc tu thiền (Hành), vì đây mới là nền tảng, cốt tủy của đạo Phật. Sau khi xuất gia, ngài đốt hết tất cả thơ văn thi kệ, dẹp bỏ sở học Nho giáo, bắt đầu chuyên tâm nhất ý tu hành. Ngài biết Phật pháp thâm sâu vi diệu mà căn cơ của mình còn non kém, chưa thể lĩnh hội yếu chỉ tu đạo, nên ngài không dám dụng tâm bồng bột để nhập đạo. Ngài bèn khởi đầu bằng pháp môn Tịnh Độ, chuyên tâm niệm Phật để giúp tự tâm thanh tịnh, làm nền tảng cho căn bản chứng đắc sau này. Từ khi bắt đầu tu tập, ngày đêm ngài cố gắng chuyên tâm nhất ý niệm Phật không ngừng. Từ sáng đến tối, nhất cử nhất động, ngài đều chuyên tâm niệm Phật. Lúc đầu, chưa thể dứt đoạn vọng tưởng, thỉnh thoảng cũng bị lơ đãng nhưng ngài không hề nản chí, vẫn công phu tu tập. Dần dần, theo thời gian, bốn chữ “A Di Đà Phật” từ từ hiện rõ trong tâm, giúp ngài tẩy trừ mọi tạp niệm. Sau nhiều tháng niệm Phật không ngừng, một đêm nọ, ngài đang ngồi trên tấm bồ đoàn bỗng nhập mộng lúc nào không biết. Trong mộng, đột nhiên ngài thấy có một luồng ánh sáng tỏa ra từ phương Tây chiếu thẳng vào tịnh thất của mình. Ngài giật mình nhìn kỹ thì thấy trong đó có Đức Phật A Di Đà trang nghiêm hiện thân tướng hảo quang minh đứng trong hư không. Tuy trong mộng nhưng tâm ngài vẫn sáng suốt và biết đây là duyên may hiếm có nên ngài vội quỳ xuống đảnh lễ. Với tâm chí thành cung kính, ngài khởi tâm cầu mong được thấy Đức Bồ Tát Quán Thế Âm cùng Đức Bồ Tát Đại Thế Chí. Tâm vừa khởi, ngài đã thấy Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí hiện nửa phần thân trên, đứng bên tay trái và tay phải của Phật A Di Đà. Ngài vui mừng khôn xiết vội quỳ xuống đảnh lễ thì giật mình tỉnh dậy. Nhìn qua cửa sổ về phía Tây, ngài vẫn còn thấy nền trời có sắc vàng đỏ tỏa lan khắp nơi, tự nhiên ngài thấy thân tâm mình trở nên thanh tịnh, nhẹ nhàng không thể diễn tả. Từ đó, ngài chứng được nhất tâm, mỗi khi chí thành niệm Phật thì hình ảnh Tây Phương Tam Thánh thường hiển hiện ra trước mắt ngài. Ngài mừng rỡ biết là mình đã đi đúng đường, nhờ công phu chí thành niệm Phật, khiến có duyên lành được chư Phật và chư Bồ Tát hiện thân cảm ứng. Ngài cũng biết rõ rằng bất cứ người nào, dù căn cơ thô lậu thấp kém đến đâu, nếu đã phát tâm kiên trì niệm Phật, niệm đến chỗ nhất tâm bất loạn, thì chắc chắn sẽ thấy rõ chư Phật, chư Bồ Tát, cùng cảnh giới Tây Phương Cực Lạc. Nhờ thấy điềm lành lúc khởi đầu này mà ngài tin rằng mình sẽ thành tựu đạo nghiệp trên bước đường tu hành về sau. Từ đó, trong suốt cuộc đời tu hành, ngài luôn tu trì pháp môn niệm Phật như là điều căn bản chính yếu song song với việc tu tập các pháp môn khác, như thiền quán.
Mùa đông năm 1564, Pháp sư Vô Cực được chư tăng cung thỉnh giảng về cuốn Hoa Nghiêm Huyền Đàm (do Quốc sư Thanh Lương, Tổ sư đời thứ tư của tông Hoa Nghiêm chú giải). Ngài chăm chú ngồi nghe giảng kinh, đến lúc Pháp sư Vô Cực giảng đến Thập Huyền Môn3, Hải Ấn Tam Muội4 thì chợt liễu ngộ pháp giới viên dung vô ngại5, nên ngài quyết chí nhập pháp môn này. Vì ngưỡng mộ đức hạnh tu hành của Quốc sư Thanh Lương, vị Bồ Tát suốt đời giảng kinh Hoa Nghiêm, nên ngài tự đặt tên hiệu của mình là Trừng Ấn và phát nguyện trong tương lai sẽ đến cảnh giới Thanh Lương5 để tu hành.
3 Thập Huyền Môn: mười cánh cửa mở ra tất cả sự mầu nhiệm, có nghĩa là mười pháp môn huyền diệu để đi đến chánh pháp.
4 Hải Ấn Tam Muội: phương pháp chánh định để tâm phẳng lặng như gương. Khi không bị đủ thứ lăng xăng lộn xộn phủ đầy, tấm gương – là tâm ta – phản chiếu chân thật tự tánh của mọi sự vật, không phân biệt.
5 Viên dung vô ngại: “viên dung” chỉ tất cả phẩm chất của tâm Chân Như, của trí Bát Nhã hay tâm Bồ Đề (bản tâm vốn thanh tịnh, tỉnh thức và giác ngộ) – không thấy có gì phải tri kiến, không thấy có vấn đề hay xem là vấn đề với mọi pháp; “vô ngại” chỉ khả năng tiếp nhận vô tận, không còn chướng ngại tất cả các pháp. Đối với người tu đạo Phật, vô ngại là nhân, viên dung là quả – vì không còn chấp trước thì vô ngại, và vô ngại thì viên dung.
5 Vì ngài Thanh Lương thường giảng kinh Hoa Nghiêm tại núi Ngũ Đài, nên người sau thường gọi núi đó là cảnh giới Thanh Lương.
Kể từ khi liễu ngộ pháp giới viên dung vô ngại, ngài không còn đắm chấp vào việc gì cả, trong tâm chỉ có ý niệm xuất ly thế gian. Khi Pháp sư Vô Cực nghe ngài lấy hiệu là Trừng Ấn6, ông vui mừng nói: “Nghe con lấy đạo hiệu này, ta đã biết con quyết chí đi vào cửa Phật. Ta thật vui mừng và có lời khuyên con từ đây về sau nên tự tinh tấn mà hành trì”.
6 Khi xuất gia, ngài được ban cho pháp hiệu là Đức Thanh. Chữ “Đức Thanh” nghĩa là dùng thanh để tạo đức. Chữ “thanh” ở đây cũng có ý nói về cảnh giới Thanh Lương ở núi Ngũ Đài, hay pháp giới lưu ly thanh tịnh.
Cuối năm 1565, vào đêm giao thừa, ngài cùng các huynh đệ đang bận rộn lo việc sắp đặt, đón tiếp tín chúng trong vùng đến chùa lễ Phật thì đột nhiên một chú tiểu vội chạy đến gọi ngài:
- Sư phụ muốn gặp sư huynh gấp.
Nghe thế, ngài linh tính như có điềm gì không may sẽ xảy đến nên vội chạy đến phòng phương trượng. Đến nơi, ngài thấy Hòa thượng Tây Lâm đang nằm trên giường, xung quanh có đầy đủ các huynh đệ tụ tập. Thấy ngài đến, Hòa thượng Tây Lâm liền bảo:
- Các con có biết vì sao hôm nay ta gọi các con đến đây không?
Ngài cùng các huynh đệ nhìn nhau, lắc đầu. Một thầy thưa:
- Bạch sư phụ! Phải chăng chúng con đã phạm lỗi gì? Hòa thượng Tây Lâm lắc đầu đáp:
- Chẳng phải thế! Các con có biết năm nay ta đã được bao nhiêu tuổi không?
Mọi người im lặng vì không biết ý thầy mình muốn gì. Hòa thượng Tây Lâm nhìn các học trò rồi bảo:
- Năm nay ta đã được tám mươi ba tuổi rồi và chẳng bao lâu nữa sẽ về cõi Phật.
Các vị tăng nghe xong hốt hoảng:
- Sư phụ uyên thâm Phật pháp, thân thể vẫn còn mạnh khỏe, sao lại bảo sắp viên tịch?
Hòa thượng Tây Lâm khoát tay:
- Uổng cho các con làm người xuất gia mà vẫn chưa hiểu rõ lý sanh tử. Ta đã sống tám mươi ba năm, thế độ hơn tám mươi người nhưng đến nay thì ngừng vì trong số các con, không ai có thể kế thừa y bát của ta cả.
Ngưng giây lát, Hòa thượng Tây Lâm vẫy tay gọi ngài đến gần rồi bảo:
- Thằng bé này là niềm hy vọng kế thừa sự nghiệp của ta đây, nhưng ta tiếc không thể chờ đợi nhìn xem nó thành tựu đạo nghiệp được.
Ngài liền quỳ xuống thưa:
- Xin sư phụ chớ vội đi quá sớm. Hòa thượng Tây Lâm đáp:
- Ta chỉ là người dẫn con vào cửa đạo thôi. Từ đây về sau, con phải tự quyết tâm tu hành.
Nói xong, Hòa thượng Tây Lâm xoay đầu lại bảo đại chúng:
- Thằng bé này tuy còn nhỏ nhưng huệ căn thâm sâu, ý chí tu hành vững, có tri kiến như các bậc lão thành. Sau khi ta mất, mọi việc lớn nhỏ trong chùa đều phải để cho nó quyết định. Chớ khinh thường nó tuổi nhỏ mà không nghe lời của nó. Thôi các con hãy lui ra.
Các huynh đệ đều gật đầu vâng lời, rồi từ từ bước ra khỏi phòng, duy chỉ còn ngài ở lại hầu thầy mình cho đến sáng hôm sau. Đến ngày mồng bảy tháng Giêng, Hòa thượng Tây Lâm chợt ngồi dậy đắp y, đi đến tìm chư đệ tử để cáo biệt. Các đệ tử thấy Hòa thượng đến đều kinh ngạc:
- Xin sư phụ hãy bảo trọng sức khỏe, chớ quá lao nhọc lo lắng.
Hòa thượng Tây Lâm mỉm cười không đáp, rồi thong thả đi bách bộ quanh chùa, vừa đi vừa niệm Phật. Ngày hôm sau, Hòa thượng gọi từng đệ tử vào phòng, phó chúc hậu sự. Thấy bệnh tình Hòa thượng thêm nặng, ngài nấu thuốc, tự tay đem đến giường dâng cho thầy mình. Thấy vậy, Hòa thượng Tây Lâm lắc đầu bảo:
- Đại hạn của ta sắp đến, dùng thuốc có lợi ích gì? Chớ làm phiền đại chúng. Hãy nhờ họ lên chánh điện tụng kinh.
Nói xong, Hòa thượng liền nhắm mắt, tiếp tục cầm xâu chuỗi niệm Phật. Thấy thế, ngài không dám làm trái lời dạy cuối cùng của thầy mình, nên gọi các huynh đệ đến phòng phương trượng, đồng thanh niệm Phật. Đến ngày thứ năm, bệnh trạng của Hòa thượng Tây Lâm càng thêm trầm trọng, sức khỏe suy yếu, không thể ngồi dậy được, nhưng tay vẫn lần tràng chuỗi liên tục, miệng vẫn niệm: “Tất cả pháp hữu vi, đều như mộng ảo, như sương như sấm chớp, phải quán sát như thế. Phật thuyết kinh này xong, trưởng lão Tu Bồ Đề cùng các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc7, Ưu bà di, tất cả thế gian, Trời, người, A Tu La, đều vui mừng hớn hở, tin thọ phụng hành…”. Âm thanh tụng niệm của Hòa thượng Tây Lâm càng lúc càng nhỏ và yếu ớt, cho đến lúc không còn nghe tiếng, nhưng tay vẫn còn lần tràng chuỗi. Suốt đời, Hòa thượng Tây Lâm luôn luôn trì niệm kinh Kim Cang, cho đến lúc lâm chung, ngài vẫn còn trì niệm kinh này.
7 Ưu bà tắc: (cận sự nam) là một trong bốn chúng đệ tử làm thành giáo đoàn Phật giáo, tức là những Phật tử nam giới đã phát nguyện quy y Tam Bảo và thọ giữ năm giới.
Sau khi Hòa thượng Tây Lâm viên tịch, ngài đóng cửa phòng ba tháng, không tiếp xúc với ai, chỉ chuyên tâm nhất chí tụng niệm hồng danh chư Phật. Đại chúng biết ngài thương mến Hòa thượng Tây Lâm nên không ai làm phiền ngài cả.
Tháng Mười năm đó, Thiền sư Vân Cốc thỉnh năm mươi ba vị cao tăng danh tiếng trong toàn quốc đến chùa Thiên Quốc, khai mở thiền thất trong ba tháng liền. Tuy lúc đó ngài chỉ mới hai mươi tuổi, hạ lạp8 chưa có bao nhiêu nhưng Thiền sư Vân Cốc vẫn cho phép ngài tham dự. Được cơ hội may mắn như vậy, ngài rất vui mừng, nhưng có lẽ lúc đó vì chưa đủ định lực, không biết cách dụng công nên trong ngày đầu, tâm ngài chưa được an. Ngài bèn cầm hương đến phòng Thiền sư Vân Cốc, cung thỉnh khai thị. Thiền sư Vân Cốc bảo ngài hãy tham khán công án9 “Ai đang niệm Phật” để diệt trừ vọng tưởng, ngài bèn nỗ lực hành trì. Lúc đầu, có lẽ vì dụng tâm quá gấp, hay có thể vì không quen ngồi xếp bằng trong thời gian dài nên lưng ngài đau nhức vô cùng, rồi tự nhiên có một mụn nhọt rất to nổi lên phía sau lưng khiến ngài không thể tiếp tục ngồi thiền được nữa. Thấy vậy, ngài bèn đắp y đến trước tượng Hộ pháp Vi Đà, thiết tha cầu khẩn:
8 Hạ lạp, hay tuổi hạ, là một cách thức tính thời gian công đức tu hành của một tu sĩ Phật giáo. Tuổi hạ của một tu sĩ, sau khi thọ giới Tỳ kheo, được tính theo số lần an cư kiết hạ.
9 Công án: là từ dùng trong Thiền tông Phật giáo (phổ biến trong các dòng thiền Lâm Tế, Tào Động), chỉ một phương pháp tu tập thiền định. Công án có thể là một đoạn kinh, một trải nghiệm để chia sẻ, một câu chuyện về một vị sư, một cuộc đàm thoại, vấn đáp... Cũng như phương pháp “khán câu thoại đầu”, các vị thiền sư dùng công án làm phương tiện để giáo hóa và các thiền sinh dùng làm đối tượng quán tưởng trong lúc thiền để đi đến giác ngộ.
- Kính thưa Hộ pháp, mụn nhọt này chắc chắn là do oan nghiệp đời trước gây ra. Con xin phát nguyện sẽ tụng kinh Hoa Nghiêm mười lần để sám hối. Xin Hộ pháp gia hộ cho con được khỏe mạnh để có thể tu hành trong ba tháng thiền thất này.
Đêm ấy, vì quá mệt nhọc nên ngài nằm trên thiền đường mà ngủ, không biết giờ thiền định đã chấm dứt tự lúc nào. Thức dậy, trời đã sáng, ngài quên bẵng đi cái mụn nhọt sau lưng và tiếp tục thiền tập. Một lúc sau, Thiền sư Vân Cốc đến hỏi han bệnh tình, ngài xem lại thì mụn nhọt sau lưng đã tan mất, sức khỏe được bình phục. Đại chúng đều lấy làm lạ. Trong suốt ba tháng thiền thất, ngài nỗ lực tham công án, tâm ngài không khởi một vọng niệm10, luôn luôn giữ vững chánh niệm, không thấy đại chúng xung quanh, lại cũng không biết đến thời khóa công việc hằng ngày. Thấy vậy, đại chúng ai ai cũng tán thán ý chí tu hành của ngài.
10 Vọng niệm: còn gọi là vọng tưởng hay tạp niệm, là những niệm hư vọng do mê lầm, chấp ngã hay tham ái.
Vào thời nhà Minh, Thiền tông ở Giang Nam đã suy đồi rất nhiều. Dù Thiền sư Vân Cốc cố gắng chấn chỉnh thiền cơ nhưng chẳng mấy ai chịu tu tập. Trong chùa có hơn ba ngàn tăng sĩ, thế mà chỉ có mình ngài nỗ lực tu thiền. Sau ba tháng thiền thất, công phu tu tập đã ảnh hưởng đến ngài rõ rệt, lúc nào ngài cũng có cảm giác như còn đang tọa thiền. Đi trên đường phố nhộn nhịp nhưng tâm ngài vẫn tĩnh lặng, thản nhiên, không bị ảnh hưởng gì. Lần này, cùng các vị cao tăng tập thiền, không những ngài tiến bộ về mặt Thiền học, mà danh tiếng tu tập cũng được vang xa11.
11 Bàn về mụn nhọt nổi lên sau lưng, đệ tử của ngài là Pháp sư Phước Chân đã cho rằng đó chính là nghiệp chướng thử thách người tu hành. Nhờ lòng kiên quyết và thần lực của Bồ Tát Vi Đà gia hộ, bệnh trạng của ngài từ từ giảm bớt. Pháp sư Phước Chân đã viết một bài kệ nói về việc này như sau:
“Cầu Vi Đà gia hộ
Nhất tâm khiến linh cảm
Ba tháng thiền như mộng
Chẳng biết việc hằng ngày
Rời thiền đường vào phố
Vẫn như đang ngồi thiền
Chẳng hề thấy một ai
Dụng công thật như thế
Vi Đà chẳng khinh lường.”
Thời ấy, không những Thiền tông đã suy vi mà tựu trung đa số tăng sĩ các tông phái Phật giáo khác cũng không mấy ai giữ gìn giới luật nghiêm cẩn. Phần lớn chư tăng chỉ chú trọng đến vấn đề cúng tế, cầu xin hay các nghi thức rườm rà, vay mượn từ Đạo giáo. Đa số còn ăn mặc quần áo lòe loẹt, thêu hoa dệt lá như các đạo sĩ hay người thế tục, chứ chẳng mấy ai chịu mặc y áo nâu sòng. Riêng cá nhân ngài lại chỉ thích mặc tăng y bình thường mộc mạc, khiến mọi người lấy làm kỳ lạ.
Năm Gia Tĩnh thứ bốn mươi lăm (1566), một tai họa xảy đến với chùa Báo Ân. Vào ngày mười tám tháng Hai, trong một trận mưa to, chùa bị sét đánh trúng. Hơn một trăm bốn mươi phòng ốc điện đường đều bị cháy rụi, chỉ có ngôi tháp chín tầng được che bởi ngói đá láng trơn và thiền đường là không bị hư hoại. Vì chùa Báo Ân được xem là công sản của triều đình, nên bất cứ việc gì xảy ra trong chùa, quan quân đều có thể bắt tội. Vì vậy, dẫu là bị thiên tai, nhưng quan phủ chẳng thể không nghi ngờ là có người đốt, nên ra lệnh bắt giam mười tám vị tăng có trách nhiệm để điều tra. Tăng chúng trong chùa sợ vạ lây, bỏ trốn đi rất nhiều. Trong chùa chỉ còn lại vài chục người, ai ai cũng sợ hãi, chỉ có riêng ngài vẫn thản nhiên điều hành tăng chúng và đem thức ăn đi thăm nuôi huynh đệ. Trong suốt mấy tháng liền, mỗi ngày ngài phải đi bộ hơn hai mươi dặm để đem thức ăn chay đến nhà tù. Sự kiện một tăng sĩ còn trẻ, lặng lẽ thăm nuôi huynh đệ khi những người lớn tuổi bỏ trốn trách nhiệm khiến quan phủ nể nang, kính phục. Sau khi điều tra, triều đình biết rõ chùa cháy là vì sét đánh nên hạ lệnh cho thả mười tám vị tăng đó ra.
Chùa bị hư hoại, ngài phát nguyện phục hưng lại đạo tràng và nói với các bạn: “Đại sự nhân duyên, nếu không phải là người có phước đức trí huệ vẹn toàn, thì không thể phục hưng lại đạo tràng này nổi. Chúng ta hãy xả mạng tu hành thì mới mong thực hiện được chí nguyện này”. Mọi người đều đồng ý, nhưng hoàn cảnh trong chùa lúc đó rất bi đát, khó khăn. Khi xưa, Hòa thượng Tây Lâm là người giữ gìn giới luật cẩn thận, không giữ tiền bạc chi hết nên chùa không có tiền. Ngay cả chi phí tang lễ cho Hòa thượng, chùa cũng còn phải vay mượn tiền bạc của Phật tử. Nhớ lại di chúc của Hòa thượng Tây Lâm, mọi người đều xem ngài như là người có quyền quyết định những việc quan trọng trong chùa, nên ngài phải đứng ra dàn xếp trang trải nợ nần. Vì chùa bị cháy, Phật tử kéo đi chùa khác, tiền bạc túng thiếu, thực phẩm hao hụt, chư tăng phải sống trong các túp lều tranh đơn sơ không đủ che gió lạnh. Đa số tăng chúng thấy khổ sở quá bèn dần dần bỏ đi nơi khác nên chùa chỉ còn lại vài chục vị sư già. Ít lâu sau, vị tân trụ trì, có lẽ phần vì đau yếu, sợ hãi, hậu quả của việc tù đày, phần vì buồn lo nên cũng qua đời, do đó chùa không còn ai cai quản nữa.
Thấy hoàn cảnh bi đát như thế, ngài bèn thỉnh Thiền sư Vân Cốc làm trụ trì để dạy dỗ cho tăng chúng. Phần ngài thì lo đi khắp nơi quyên góp tiền bạc để trang trải nợ nần cho chùa. Vì trong chùa chỉ còn vài chục vị tăng già nua lớn tuổi chứ không có những người trẻ, nên để đào luyện thêm tăng sĩ, ngài bèn sáng lập một trường học miễn phí, chủ yếu dạy dỗ huấn luyện các thiếu niên và Sa di trẻ. Tổng cộng có trên một trăm năm mươi Sa di và năm mươi thiếu niên đến học. Vì nhân duyên ràng buộc này, ngài phải bỏ thời giờ xem lại những cuốn sách văn chương sử học của thế gian để giảng dạy cho họ. Tuy hết sức bận rộn, nhưng ngài vẫn dành thời giờ thực hành Thiền - Tịnh song tu và thấy tiến bộ rõ rệt.
Đầu năm 1567, Minh Thế Tông uống linh đơn trường sinh bất tử thế nào lại trúng độc lăn ra chết, triều đình cho mở cuộc điều tra. Hàng trăm đạo sĩ bỏ kinh đô trốn chạy vào rừng núi, phong trào dân chúng tu tập theo trào lưu Đạo giáo suy sụp một cách nhanh chóng. Hoàng đế Mục Tông lên ngôi, niên hiệu Long Khánh. Nhà vua ban hành ngay một số chính sách mới, trong đó có việc cấm không cho các đạo sĩ tham gia vào triều chính và thay đổi đường lối thi cử, bỏ đi các nghi thức cúng tế theo hình thức của Đạo giáo. Năm đó, vì tài chính khó khăn nên trường học của ngài được dời về chùa Cao Tọa (phía Nam thành phố Nam Kinh). Từ năm 1569 đến năm 1570, trường lại được dời về chùa Kim Sơn, cách thành phố Nam Kinh khoảng bốn mươi dặm về phía Đông.
Sau một thời gian giảng dạy học trò, ngài giao lại việc này cho các tăng sĩ khác trông nom để chuyên tâm tu hành. Đã từ lâu, ngài vẫn có ý định vân du đó đây để học hỏi thêm với các bậc thiện tri thức, nhưng phần vì bận việc xây dựng lại chùa Báo Ân, phần vì chưa gặp người có cùng ý định du hành, nên tạm đình hoãn. Lúc đó, ngài quen hai vị tăng cùng chung chí hướng vân du cầu học là thầy Tuyết Lãng và thầy Diệu Phong, nên ngài quyết định lên đường đi quyên hóa và học hỏi thêm.
Thầy Tuyết Lãng tục danh Hồng Ân, vốn là học trò của Pháp sư Vô Cực. Năm xưa, thầy theo cha mẹ đến chùa Báo Ân để nghe Pháp sư Vô Cực giảng kinh Pháp Hoa. Tự nhiên tâm ý thầy sáng suốt như người mê chợt tỉnh nên quyết định không trở về nhà, rồi tự cạo đầu xin làm chú tiểu ở chùa. Đương thời, ngài và thầy Tuyết Lãng là bạn chí đồng đạo hợp, thường cùng nhau học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm tu hành. Lúc nghe Pháp sư Vô Cực giảng kinh Pháp Hoa, ngài thường bảo bạn: “Bậc cổ đức bảo rằng tự tánh tâm thông12.
12 Tự tánh tâm thông: bản tánh của tâm là thanh tịnh, thấu suốt.
Nếu chỉ lo xem văn tự13 thì như mở cửa liền rơi chốt”. Thầy Tuyết Lãng gật đầu đồng ý. Sau này, hai người đi vân du trải qua biết bao gian nan khổ cực, nhưng hoài bão phục hưng chùa Báo Ân vẫn trước sau như một.
13 Chỉ lo xem văn tự: nghĩa là chỉ lo đi sâu vào tìm hiểu kinh điển thay vì dành thời gian tu tập để giác ngộ.
Thầy Diệu Phong, người Bạc Châu, đi tham phương học đạo từ Bắc xuống Nam. Lúc thầy đến Kim Lăng, vì chưa quen khí hậu thủy thổ nên ngã bệnh, mụn nhọt nổi lên đầy người, nên ghé chùa Thiên Giới nghỉ ngơi dưỡng bệnh. Thầy vốn là người thích làm việc nên dù thân thể bệnh hoạn nhưng hằng ngày vẫn kiên trì làm công quả, quét dọn lau chùi cầu tiêu. Lúc đó, ngài ghé qua chùa Thiên Giới để tu học. Một hôm, ngài phát hiện cầu tiêu của chùa được chùi rửa rất sạch sẽ. Đây là một điều lạ vì mấy năm trú tại chùa Thiên Giới, ngài ít thấy ai phát tâm làm việc đó. Ngài suy nghĩ: “Vị quét dọn cầu tiêu này chắc phải là người khác thường. Mình nên lưu tâm để ý”. Sáng hôm sau, trong lúc tăng chúng còn đang ngủ, ngài thức dậy thật sớm để xem ai đã quét dọn, nhưng khi đến đó thì ngài thấy chỗ nào cũng đã được quét dọn gọn gàng. Thì ra ngài dậy sớm nhưng người quét dọn kia còn dậy sớm hơn để làm việc đó. Suốt mấy ngày để tâm theo dõi nhưng ngài vẫn chưa phát hiện được ai là người quét dọn cầu tiêu. Ngài tự nhủ: “Người kia càng thần bí chừng nào, mình càng muốn biết chừng đó”. Hôm sau, giữa khuya, ngài thức dậy đi xuống cầu tiêu xem xét, nhưng nhìn quanh, ngài thấy tất cả đều đã được lau chùi sạch sẽ. Sáng hôm sau, ngài đành hỏi thầy tri sự về việc đó. Thầy tri sự đáp: “Công việc quét dọn này do một vị tăng từ xa đến làm. Thân thể của thầy đó không được khỏe, nên ban ngày ít khi ra ngoài, chỉ ở trong phòng dưỡng bệnh”. Ngài lập tức đi tìm gặp vị tăng kia để tỏ lòng thán phục công đức này. Sau khi nói chuyện thân mật một lúc, thầy Diệu Phong vô tình thổ lộ: “Bệnh tật tuy khổ nhưng thực ra không khổ bằng bị đói khát. Bao tháng nay, tôi chẳng mấy khi ăn đủ no”. Thầy vốn là người miền Bắc, thể tạng to lớn, thường ăn rất nhiều so với người miền Nam. Lúc đó, mỗi bữa cơm, khẩu phần giới hạn chỉ có một chén cơm nhạt và ít rau dưa nên thầy Diệu Phong ăn không thể no được. Nghe vậy, từ đó, ngài thường bớt phần ăn của mình cho thầy Diệu Phong dùng, nên tình đồng đạo từ đó càng thêm khắng khít. Ngài ngỏ ý rủ thầy Diệu Phong cùng đi vân du tham học. Thầy vui mừng nói: “Trên đường đi viễn du, huynh sẽ giúp sư đệ mang đồ đạc. Lúc nghỉ ngơi, huynh sẽ phụ nấu cơm nước”. Tuy nhiên, lúc đó thầy Diệu Phong còn bận nên tạm thời chưa thể cùng ngài đi vân du.