Năm 1572, niên hiệu Long Khánh thứ sáu, Hoàng đế Mục Tông lâm bệnh qua đời. Thái tử Chu Dực Quân mới mười tuổi lên ngôi, tức vua Minh Thần Tông, đặt niên hiệu là Vạn Lịch. Trước khi qua đời, vua Long Khánh nhờ quan Tể tướng Trương Cư Chánh, thầy dạy học cho Thái tử Chu Dực Quân, phụ giúp con ông trông coi việc triều chính. Ngoài ra, ông cũng trối trăng cho vợ là bà Lý Thái hậu, phải dạy dỗ cho ông vua trẻ này nên người và tạm thời lo việc nhiếp chính triều nội.
Cũng vào năm đó, ngài quyết định rời Kim Lăng để đi du phương tham học. Khi ngài ngỏ ý lên đường, chư tăng trong chùa đã khuyên:
- Hiện tại, Phật pháp mỗi ngày một suy vi. Chúng ta có trọng trách phải phục hưng Phật pháp. Biết thầy là người có chí, tương lai có khả năng xiển dương Phật pháp nên chúng tôi khuyên thầy chớ lãng phí thời gian đi vân du đây đó.
Ngài liền đáp:
- Bần tăng vì đại sự nhân duyên nên mới đi tham phương hành cước, tìm cầu thiện tri thức để học hỏi thêm chứ đâu phải đi du lịch.
Sau đó, ngài cùng thầy Tuyết Lãng quyết định đi Lô Sơn. Cả hai rời Kim Lăng, qua sông Trường Giang, đến Bá Dương, Hồ Khẩu, rồi tới núi Thạch Chung, nơi danh sĩ đời Tống là Tô Đông Pha thường trú ở. Lô Sơn còn được gọi là Khuông Sơn hay Khuông Lô, là nơi có nhiều thắng cảnh danh vang khắp thiên hạ. Thi sĩ Lý Bạch đời Đường có làm bài thơ “Quán Lô Sơn bộc bố thủy” được danh sĩ xưa nay tán thán. Ngoài phong cảnh non xanh nước biếc, vào đời Hán Minh đế, Lô Sơn còn là một trung tâm Phật giáo quan trọng nên xưa nay người xuất gia thường lui tới rất nhiều. Lô Sơn có ba ngôi chùa lớn là Tây Lâm, Đông Lâm và Đại Lâm. Ngoài ra còn có năm đại tùng lâm như Hải Hội, Tú Phong, Vạn Sam, Tây Hiền và Quy Tông. Trong chùa Hải Hội còn lưu trữ bức thư pháp trứ danh của danh sĩ Triệu Tử Ngang1 đời nhà Nguyên, ca tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Ngoài ra còn có bia đá tạc hình năm trăm vị A La Hán do Hòa thượng Tâm Nguyệt tự tay khắc chạm. Cũng tại nơi đây còn có tám mươi quyển kinh Hoa Nghiêm do thầy Phổ Siêu tự lấy máu viết kinh. Lại nữa, Lô Sơn còn là thánh địa của tông Tịnh Độ do Đại sư Huệ Viễn2 sáng lập.
1 Triệu Mạnh Phủ (1254 – 1322): là một học giả, họa sĩ, nhà thư pháp nổi tiếng Trung Quốc thời nhà Nguyên.
2 Huệ Viễn (334 – 416): là một cao tăng Trung Hoa đời nhà Tấn. Ngài được xem là Sơ Tổ của tông Tịnh Độ và pháp môn tu của ngài là niệm Phật Tam Muội (samadhi).
Đường vào Lô Sơn có hai lối. Một là đi từ Cửu Giang, tiến vào từ phía Bắc. Hai là đi từ Nam Khang tiến vào núi từ phía Nam. Hai ngài chọn con đường vào núi từ phía Nam nên đi thuyền đến thẳng bến Nam Khang, rồi theo đường bộ tiến vào địa phận Lô Sơn. Đi được một lúc thì hai ngài gặp một người thợ săn. Người này thấy hai thầy tăng trẻ đang mải miết đi nên chặn lại và cho biết địa thế Lô Sơn quanh năm bị mây mù bao phủ nên có rất nhiều cọp sói hung dữ giết hại du khách. Ngay cả những thợ săn chuyên nghiệp còn không dám lên núi một mình, hà huống là hai tăng sĩ trẻ. Nghe nói như thế, vì không đủ ý chí, sợ cọp beo hại mạng nên hai ngài đành phải thối lui. Nhờ người thợ săn chỉ dẫn, cả hai bèn đổi hướng đi về phía Tây Nam, đến núi Thanh Nguyên ở Cát An (ngọn núi này cùng với núi Nam Nhạc ở Hồ Nam là hai trung tâm chính của Thiền tông, do đệ tử của Lục Tổ sáng lập3). Sau này, mỗi khi nói đến chuyện này, ngài vẫn xấu hổ, tự nhận là lúc đó công phu còn non nớt, không đủ cương quyết.
3 Hai vị Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng và Thanh Nguyên Hành Tư là hai môn đệ được truyền tâm ấn của Lục Tổ Huệ Năng, hai ngọn đuốc sáng của Thiền tông Trung Hoa đời nhà Đường.
Vì vậy, lúc tuổi già, ngài trở lại Lô Sơn, cư trú tại đảnh Ngũ Nhũ4 trong một thời gian dài. Ngài có viết bài thơ “Nhớ Lô Sơn” như sau:
“Xa nhớ Lô Sơn, Năm núi già
Mây trắng che mù muôn gốc tùng
Trăng treo lơ lửng, Bóng ao hồ
Nước chảy ầm ầm như chuông đổ.”
4 Ngũ Nhũ Phong: là đỉnh núi nằm ở phía Bắc của dãy núi Thiếu Thất, một ngọn núi ở phía Tây của núi Tung Sơn. Tương truyền, Đức Bồ Đề Đạt Ma, sư tổ của Thiền tông từ Ấn Độ, đã từng quay mặt vào vách thiền định trong chín năm ở trong một động đá trên đỉnh Ngũ Nhũ Phong. Sau khi khai ngộ, ngài đã sáng lập pháp môn Thiền tông. Ngài cũng là vị trụ trì đầu tiên của chùa Thiếu Lâm nổi tiếng được Hiếu Văn đế cho xây dựng sau đó.
Hai ngài trèo non lội suối suốt mấy tháng mới tới núi Thanh Nguyên. Núi này nằm tại Giang Tây, cách tỉnh Cát An về phía Đông Nam khoảng ba mươi dặm. Tuy núi không cao lắm, nhưng có nhiều danh lam thắng cảnh, chùa viện trang nghiêm, rừng cây rậm rạp. Trước cửa núi có tấm bảng đề chữ “Thanh Nguyên Sơn”, do Văn Thiên Tường, một nhân vật lịch sử đời Nam Tống tự tay viết. Chùa viện trên núi Thanh Nguyên do đệ tử thọ y bát của Lục Tổ Huệ Năng là Thiền sư Hành Tư sáng lập. Là thiền sinh, lẽ dĩ nhiên hai ngài phải đến chiêm bái Tổ đình. Tuy nhiên, lúc ngài cùng thầy Tuyết Lãng đến núi thì cảnh tượng hiện tại so với thời xưa thật khác xa. Chùa viện hư hoại, mái nóc tan hoang; tượng Phật mục nát chẳng ai hương khói. Đa số tăng sĩ đều để tóc dài, cử chỉ nhìn qua chẳng phải tăng cũng chẳng phải tục. Hai ngài đứng trước thềm chùa mà lòng thất vọng ê chề, buồn vì Phật pháp suy đồi nên đau lòng rơi lệ. Cả hai không nỡ ngồi nhìn một thắng địa nổi tiếng của Thiền tông bị hư hoại tan hoang như thế, nên phát tâm trùng tu kiến lập lại. Thật ra, tăng chúng tại đây chẳng phải vì nhiễm hồng trần mà hành sự như người thế tục, nhưng chỉ vì núi Thanh Nguyên hẻo lánh xa xôi, trải qua bao đời, tông chỉ Phật pháp dần dần thất truyền, khiến kẻ tu hành không còn biết rõ tinh hoa ý nghĩa của Thiền tông nữa, thì làm sao giữ được tâm xuất gia? Dù phát tâm phục hưng Phật pháp nhưng vì hai ngài còn quá trẻ, hô hào kêu gọi chẳng ai hưởng ứng. Cả hai đành tìm đến vị quan cai quản vùng đó trình bày tự sự, nhấn mạnh địa vị quan trọng của núi Thanh Nguyên trong lịch sử Phật giáo, cùng tuyên dương công đức của Thiền sư Hành Tư. Lời nói lưu loát của hai ngài khiến vị quan chỉ huy địa phương động tâm, nên ông phái quân sĩ đến hỗ trợ hai ngài trùng tu lại chùa chiền. Do lời thuyết phục của ngài, có hơn bốn mươi vị tăng phát tâm cạo tóc, thực hành hạnh tăng sĩ trở lại. Ngài bèn viết lại những điều lệ, quy củ thiền môn, tu sửa điện đường mái ngói, khiến ngôi cổ tự ngàn năm dần dần phục hồi sinh hoạt.
Khi chùa Thanh Nguyên đã được phục hưng, hai ngài bèn trở lại chùa Báo Ân, nghỉ ngơi, để chuẩn bị cho chuyến vân du kế tiếp. Trong chuyến du hành ngắn ngủi vừa qua, ngài nhận thấy Phật pháp tại nhiều nơi, bên ngoài tuy còn danh tiếng nhưng bên trong đã thực sự suy đồi thấy rõ. Ngài cũng biết ý chí của mình còn kém, sợ hổ sói, không dám lên núi Lô Sơn, nên phát nguyện lên miền Bắc, đến những nơi hoang vu quanh năm tuyết phủ, để rèn luyện thêm ý chí. Mùa đông năm đó, ngài chuẩn bị hành trang đi lên miền Bắc. Thầy Tuyết Lãng thấy vậy lo lắng bảo:
- Miền Bắc khí hậu rất lạnh, bây giờ lại nhằm vào mùa đông. Sức lực của sư đệ lại không được khỏe, ta sợ sẽ không chịu nổi gió mưa sương tuyết đâu.
Ngài bèn đáp:
- Hiện tại mới chính là lúc đệ phải lên miền Bắc. Muốn làm việc lớn thì việc đầu tiên là phải chịu khổ cực để nung đúc ý chí, rèn luyện thân tâm, xả bỏ thể xác, thì tương lai mới mong trở thành đại pháp khí.
Thầy Tuyết Lãng lại khuyên:
- Nhưng muốn du hành thì miền Nam, đất Ngô Việt cũng có rất nhiều cảnh non xanh nước biếc, sao khổ nhọc ra Bắc làm chi?
Ngài đáp:
- Chúng ta có tập khí xấu, chỉ thích sống nơi cảnh an nhàn ấm áp chứ không chịu dụng công khó nhọc. Muốn khống chế tâm thức và nghiệp lực, đệ nghĩ phải tìm đến những nơi khó khăn khổ nhọc để tu hành. Ý nguyện của đệ đã quyết, xin huynh chớ khuyên thêm.
Thầy Tuyết Lãng vốn chỉ thích nghiên cứu kinh luận chứ không coi trọng phần thực hành nên về sau trở thành một vị giảng sư nổi tiếng. Ngài Hám Sơn lại chú trọng vào phần thực hành nên một thân một mình đi lên cảnh giới Thanh Lương tại núi Ngũ Đài để tu tập.
Năm 1572, ngài mang bình bát, một mình đi bộ ra đất Bắc. Khi đến Dương Châu, tuyết rơi phủ kín lối đi. Vì không thể tiếp tục tiến bước nên ngài phải tạm dừng chân ở đó. Đường xa mệt nhọc, lại gặp tuyết sương nên chẳng bao lâu ngài nhuốm bệnh nặng. Tuy thế, ngài cho đó là cơ duyên tốt để rèn luyện ý chí nên không lo buồn. Dù bệnh nặng, ngài vẫn ra đường đi khất thực. Thời đó, Phật pháp đã suy vi, các tăng sĩ ít ai giữ gìn giới luật, nên dần dần đã mất đi sự tín nhiệm của dân chúng. Nhiều người cho rằng các tăng sĩ chỉ là những kẻ làm biếng, không chịu làm lụng, nên chẳng mấy ai phát tâm cúng dường. Ngài đi khất thực cả ngày mà chẳng được gì nên đành nhịn đói. Sáng hôm sau, ngài tiếp tục đi khất thực và được bố thí một ít thức ăn. Từ đó, ngài lên đường vừa đi vừa khất thực. Có nơi được cúng dường, có nơi không, nhưng ngài vẫn thản nhiên tự tại, không lo, không buồn, không màng đói khát. Ngài có viết bài kệ:
“Ủy nhiệm hình cho ta
Ta ký thác tâm cho
Một thân đều đầy đủ
Muôn vật chẳng hệ trọng
Tà áo bay trong gió
Mây trắng cuồn cuộn trôi
Đứng lên trên cánh hạc
Lập lờ như rồng bay
Lang thang trong hoàn vũ
Đến trú tại núi rừng
Mặc cà sa đỏ tím
Sương tuyết chẳng thấm vào.”
Ngài tiếp tục đi về hướng Bắc, vừa đi vừa khất thực. Đến tháng Bảy năm đó thì đến Bắc Kinh. Đây là một thành phố nguy nga tráng lệ, tường thành cùng lầu các cao vút, cây cảnh được trồng ngăn nắp, dân chúng đi lại tấp nập, nhưng không phải là nơi dụng công cho một tăng sĩ trẻ như ngài nên đi cả ngày mà chẳng khất thực được gì. Đến tối, ngài đành ngủ tạm tại chùa Di Giáo tại Hà Khê. Hôm sau, ngài tiếp tục đi khất thực thì gặp lại một người bạn thuở thiếu thời là Uông Bá Ngọc hiện đang nhậm chức Tả ty mã tại đây. Xưa kia, ông này rất phục tài ngài, và thường khuyên ngài nên lên kinh đô ứng thí để ra làm quan, hầu có chút danh phận. Ông biết ngài đã xuất gia nhưng lâu rồi không nghe tin, nay gặp ngài ở kinh đô, ông mừng rỡ thỉnh ngài về nhà tiếp đãi.
Ngài tạm trú tại nhà Uông Bá Ngọc vài ngày để dưỡng sức rồi đến chùa Tây Sơn, tham vấn Pháp sư Yết Ma Ha Trung, một vị sư đạo cao đức trọng, để học hỏi thêm. Pháp sư rất vui mừng gặp được một tăng sĩ trẻ tuổi có học vấn uyên bác, nên giữ ngài lưu lại đó qua mùa đông. Trong thời gian này, ngài được nghe Pháp sư Yết Ma Ha Trung giảng kinh Pháp Hoa, Duy Thức học5 và Sớ Sao Diệu Tông. Sau đó, ngài lại thỉnh Pháp sư thuyết cho ngài nghe thêm về Nhân minh, Tam chi, Tỷ lượng6. Một hôm nọ, khi tuyết ngưng rơi, mặt trời vừa ló dạng thì có một chú tiểu đến gõ cửa phòng thưa:
5 Duy Thức học, hay Duy Thức luận, là bộ luận của Duy Thức tông, một trong hai học thuyết nền tảng của Phật giáo Đại thừa (học thuyết còn lại là Trung Quán luận của Trung Quán tông).
6 Nhân minh, Tam chi, Tỷ lượng: với quan điểm dạy hành giả tư duy đúng đắn để có nhận thức đúng đắn và diễn đạt tư duy đúng đắn đó bằng lời lẽ thuyết phục. Nhân minh học Phật giáo bao gồm hai phần: phần Nhận thức luận và phần Tam đoạn luận (còn gọi là Tam chi). Phần Nhận thức luận lại được chia làm ba, ứng với ba nguồn gốc khác nhau của nhận thức: nhận thức trực tiếp gọi là hiện lượng, nhận thức gián tiếp gọi là tỷ lượng và nhận thức lấy lời dạy của chư Phật làm chuẩn gọi là thánh giáo lượng.
- Bạch thầy! Có một vị khách tăng muốn đến tìm thầy.
Chưa kịp bước ra khỏi phòng, ngài thấy một vị hòa thượng để tóc dài, đắp y vải bố, vừa tiến vào cửa vừa bảo:
- Này sư đệ, tôi đã đến.
Vừa gặp vị tăng này, ngài cảm thấy như đã quen biết từ lâu rồi nhưng không sao nhớ nổi danh tánh. Thấy ngài ngập ngừng bỡ ngỡ, vị tăng kia bèn giở nón ra nên ngài mới nhận ra đó là vị tăng bị bệnh thuở xưa ở chùa Thiên Giới, tức thầy Diệu Phong. Ngài vui mừng kêu lớn:
- Sư huynh đã đến.
Thầy Diệu Phong hất tóc ra đằng sau, bảo:
- Huynh để tóc dài, sư đệ không thể nhận ra ư? Ngài bật cười đáp:
- Bản lai diện mục7 của sư huynh tại nơi đây. Làm sao cải đổi được.
7 Bản lai diện mục (hay bổn lai diện mục): chân tánh hay thật tánh xưa nay.
Nói xong, cả hai nắm tay vui cười hàn huyên tâm sự, rồi đàm luận suốt ngày đêm. Ngài cười bảo thầy Diệu Phong:
- Sư huynh cải trang như vầy, vậy mặt mũi thiền cơ ở chỗ nào?
Thầy Diệu Phong đáp:
- Thiền cơ tùy chỗ hiện. Tóc ta dài như vậy vì bấy lâu ở trong núi thẳm tu hành, chứ chẳng phải nhàn rỗi để tóc dài chơi. Tham thiền là phản chiếu vào tự tánh, nếu nhập vào cảnh giới của thiền thì thân thể còn không nghĩ biết đến, hà huống chi việc để tóc dài nhỏ nhoi.
Ngài nói:
- Mừng cho sư huynh tinh tấn tu hành, treo ba ngàn phiền não đằng sau tóc gáy. Tiếc rằng vọng trần của tiểu tăng đến nay vẫn chưa đoạn dứt.
Thầy Diệu Phong bảo:
- Huynh vốn là người miền Bắc, khi đi vào Nam thì sinh bệnh. Sư đệ là người miền Nam nay đến phương Bắc, không biết sức khỏe thế nào?
Ngài đáp:
- Lúc trước tại Dương Châu gặp bão tuyết nên nhuốm bệnh nặng, may nhờ chư Phật gia hộ nên được lành. Chẳng biết sư huynh ra Bắc có việc chi?
Thầy Diệu Phong đáp:
- Hoàng tử Sơn Ấm vừa xây một ngôi chùa lớn ở Hà Đông, muốn nhờ huynh đến kinh đô thỉnh giúp một bộ Đại Tạng kinh nên huynh đành phải xuống núi. Phần sư đệ đến đây để làm gì?
Ngài đáp:
- Đệ đặc biệt tới đây tầm cầu thiện tri thức, hầu mong biết phương thức dẹp trừ vọng tưởng.
Thầy Diệu Phong bảo:
- Tốt lắm! Từ khi xa cách, chẳng ngày nào mà huynh không nhớ đến sư đệ. Tiếc rằng lúc ấy chưa xếp đặt được mọi chuyện, tưởng sẽ không có duyên gặp lại, nào ngờ tương hội nơi đây. Nếu đệ không chê huynh bất tài, thì huynh nguyện sẽ giúp sư đệ mang y bát và lo việc nấu nướng để chúng ta đi tìm cầu các vị thiện tri thức.
Ít hôm sau, ngài có việc đi ngang Tây Thành nên ghé viếng Pháp sư Phiên Dung, một bậc thiện tri thức để cầu chỉ dạy, nhưng Pháp sư Phiên Dung chẳng nói lời nào, chỉ nhìn thẳng vào mắt ngài một lúc lâu. Ngài hiểu ý chắp tay cung kính vái chào rồi ra về. Chiều hôm đó, ngài đến gặp Pháp sư Tiếu Nham8 vốn là bậc tăng sĩ hoằng pháp lợi sanh, độ được vô số người. Pháp sư tuổi ngoài sáu mươi, râu tóc bạc phơ, thần sắc trang nghiêm trầm lặng. Vì biết công hạnh của Pháp sư nên lúc đến, ngài rón rén bước vào, im lặng chờ đợi Pháp sư ban pháp nhũ9. Khi ấy, tuy đang nhập định, nhưng Pháp sư vẫn biết nên từ từ mở mắt ra hỏi:
8 Tiếu Nham Đức Bảo là vị Tổ đời thứ hai mươi tám của tông Lâm Tế.
9 Pháp nhũ: là dòng sữa pháp, hàm ý là lời dạy của pháp sư có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu khiến cho người nghe pháp lớn mạnh tâm đạo.
- Ngươi từ đâu đến đây?
Tuy tuổi ngoài sáu mươi, nhưng âm thanh của Pháp sư Tiếu Nham vang xa như tiếng đại hồng chung. Nghe thế, ngài vội cúi mình đảnh lễ:
- Bạch pháp sư! Đệ tử từ miền Nam lên đến đây. Pháp sư quát hỏi:
- Có nhớ rõ đường đi không?
Nhờ thông minh nên ngài hiểu đây chẳng phải hỏi về đường lộ bình thường, mà hỏi về đường lộ của nhân sinh, nên ngài thưa:
- Bạch pháp sư! Đường lộ vừa đi qua, liền quên mất. Con đã từng tùy duyên gặp chúng nên được an lành, sao Pháp sư còn cố chấp như người thế tục?
Pháp sư mỉm cười bảo:
- Nhưng ta đã biết chỗ của ngươi sắp đến.
Ngài thành khẩn lễ bái rồi đứng qua một bên, thỉnh vấn Pháp sư ban cho những lời dạy bảo. Được Pháp sư Tiếu Nham ban vài lời khai thị hướng thượng xong, ngài liền cáo biệt.
Ít hôm sau, ngài rủ thầy Diệu Phong cùng đi Ngũ Đài. Chẳng ngờ, lúc đó thầy vẫn chưa xếp đặt công việc thỉnh Đại Tạng kinh xong, nên thầy bảo ngài hãy đi trước rồi thầy sẽ đến sau, vì nếu có duyên với nhau, thì nhất định sẽ gặp lại vào một ngày nào đó. Vì đã quen với cuộc sống du phương đơn độc, nên dẫu thầy Diệu Phong không cùng đi, ngài chẳng do dự, lập tức khởi hành đi Ngũ Đài.
Núi Ngũ Đài thuộc miền Bắc Trung Hoa, địa thế rất cao. Mỗi năm, đến tháng Tư băng tuyết mới bắt đầu tan, nhưng đến tháng Chín thì trời lại bắt đầu rơi tuyết. Nơi đây vào mùa hạ, khí trời vẫn còn lạnh nên thường được gọi là cảnh giới Thanh Lương10.
10 Lương: lạnh, mát mẻ.
Có hai lý do khiến ngài muốn đến núi này. Thứ nhất, núi Ngũ Đài là một trong bốn ngọn núi nổi tiếng nhất của Phật giáo Trung Hoa (ba núi kia là Nga Mi ở Tây Xuyên, Cửu Hoa ở An Huy, và Phổ Đà ở Chiết Giang). Trên núi Ngũ Đài có hơn một trăm ngôi chùa lớn nhỏ, Phật tử khắp nơi thường xuyên tới lui đảnh lễ. Thứ hai, Bắc Đài của núi Ngũ Đài được xưng tụng là đỉnh Thanh Lương, vốn là nơi Quốc sư Thanh Lương Trừng Quán tu tập và thuyết giảng kinh Hoa Nghiêm tại đó. Lúc thiếu thời, ngài đã từng hành thiền, thâm nhập vào cảnh giới tuyết sương giá lạnh như cảnh tượng khí hậu ở Ngũ Đài nên ngài quyết tâm đi đến đó. Nhớ lại lúc xưa, khi đến chân núi Lô Sơn, vì thấy dấu chân cọp sói khắp nơi nên thối tâm, chẳng dám lên núi, nên lần này ngài cương quyết vừa đi vừa nhớ đến công ơn của Pháp sư Thanh Lương thuở trước. Ngài đi khắp nơi trong núi, gặp chùa viện nào cũng dừng ở đó tham cầu học với các vị thiện tri thức, nên tâm tịnh thân sáng.
Núi Ngũ Đài hùng vĩ, chùa viện to lớn, tăng chúng tu hành rất đông. Mỗi buổi sáng, ngài thường du ngoạn lên những đỉnh núi cao như đỉnh Diệp Đẩu tại Bắc Đài. Một hôm, ngài nhìn thấy một ngọn núi cao hùng vĩ, mây trắng bay lưng chừng, phảng phất như chỗ tu hành của các tiên nhân, nên hỏi một chú tiểu:
- Ngọn núi kia cũng thuộc dãy Ngũ Đài chăng? Chú tiểu đáp:
- Đó là núi Hám Sơn, tức Long Môn của núi Ngũ Đài. Hôm nào rảnh rỗi, sư huynh nên đến đó chơi.
Vừa nghe thế, tự nhiên như có một lằn ánh sáng lóe chớp trong tâm khiến tâm thần rung động, ngài bèn hỏi:
- Tại sao núi này lại gọi là Hám Sơn? Chú tiểu kia đáp:
- Sở dĩ núi có tên như vậy vì truyền thuyết xưa kia nói rằng sau khi thống nhất sáu nước, Tần Thủy Hoàng lên ngôi hoàng đế ra hiệu lệnh cho thiên hạ ai ai cũng phải phục tùng. Từ các danh nhân sĩ phu đến loài cầm thú, ngay cả cỏ cây côn trùng, núi non sông ngòi, không có vật chi mà không nghe hiệu lệnh của ông. Tần Thủy Hoàng muốn cầu làm tiên nhân, sống mãi không chết, nên đi về hướng Đông tìm thuốc trường sinh. Trong khi đi, gặp nước cản thì ông quất roi vào đá biến đá thành cầu, gặp núi ngăn thì ông quất roi vào núi khiến núi cũng phải mở đường lộ cho ông đi. Không ngờ khi đi qua ngọn núi này, ông lại dùng roi quất, nhưng núi này chẳng hề nhúc nhích. Quất lần thứ hai, núi cũng đứng vững như tiền. Tần Thủy Hoàng chẳng biết làm sao, đành phải đi theo đường vòng quanh núi. Cứ theo truyền thuyết này, người sau đặt tên cho ngọn núi kia là Hám Sơn, tức ngọn núi ngu ngốc.
Nghe chú tiểu kể thao thao bất tuyệt, ngài có cảm giác như mình có duyên với ngọn núi kia, nên khởi tâm thầm nghĩ: “Sao mình không lấy hiệu trùng với tên của ngọn núi này, để biểu thị cho sự nghiệp hiến thân vì Phật pháp, như núi Hám Sơn, vĩnh viễn kiên cố, bất chấp mọi khó khăn trở ngại, chẳng bao giờ lay động”. Từ đó, ngài lấy hiệu là Hám Sơn. Người sau cũng thường gọi ngài là Đại sư Hám Sơn. Lúc đó cảm hứng, ngài có viết hai câu kệ:
“Chớ theo người nhân thế. Nương đây ngưng vọng tình.”
Sau khi đi thăm viếng và lễ bái các chùa tại Ngũ Đài xong, ngài trở về kinh đô nghỉ ngơi ít lâu rồi lại du hành đến núi Bàn Sơn tại Kế Châu, gần Bắc Kinh. Việc trèo non lội suối đối với ngài đã trở nên bình thường, nên ngài leo một mạch đến tận đỉnh. Lúc đến đỉnh Thiên Tượng Dục, ngài thấy có một vị tăng đang trầm lặng hành thiền trong hang đá, chẳng nói năng chi hết. Hành động im lặng lạ kỳ của vị tăng này khiến ngài bội phục.
Phần lớn các bậc cao nhân ẩn sĩ đều có tính tình lạ kỳ, khi thấy có các du khách đến, họ thường biểu hiện những hành tung kỳ quái, thần bí, hay khoe khoang kể chuyện về công phu tu hành của mình. Vị tăng này không giống như những ẩn sĩ khác, chẳng màng đến sự hiện diện của ngài mà chỉ chăm chú thiền quán. Giống như lúc gặp Pháp sư Tiếu Nham, ngài lẳng lặng bước vào hang động, ngồi tham thiền đối diện với vị tăng kia nhưng vị này vẫn chăm chỉ hành thiền. Sau đó, vị này đứng dậy tự nấu cơm, pha trà, chẳng nói năng hay mời mọc ngài. Thấy vậy, ngài cũng không khó chịu mà tự lấy tách uống trà, tự lấy chén xới cơm cho mình. Ngày này qua ngày nọ, cả hai đều không nói với nhau lời nào, chỉ tham thiền, bổ củi, giã gạo, nấu cơm, pha trà một cách bình thường. Ngài tự biết rằng đây là một cao tăng ẩn sĩ, nên nhẫn nại ở lại để học hỏi. Mỗi tối, ngài theo vị tăng kia đi ra ngoài cửa hang để thiền hành. Đến ngày thứ tám, vị tăng ẩn sĩ mới bắt đầu hỏi ngài:
- Hiền giả từ đâu đến? Ngài vui mừng trả lời:
- Tôi từ miền Nam đến. Vị tăng hỏi:
- Đến để làm gì? Núi này không có gì là kỳ đặc, nước ở đây chẳng phải là nước tiên.
Ngài đáp:
- Chẳng phải vì non nước mà đến, mà chỉ vì muốn học đạo với thầy mà thôi.
Vị tăng bảo:
- Tôi chỉ là người hoang dã, cư trú nơi núi rừng, mặt mũi chỉ bình thường, không có gì kỳ dị.
Ngài nói:
- Xin thầy chớ khiêm nhường. Lúc bước vào cửa hang, tôi đã nhận biết thầy chẳng phải là bậc phàm nhân.
Vị tăng nói:
- Tôi tu tại núi này hơn ba mươi năm, đến nay mới gặp được người tri kỷ. Thầy đã đến đây, vậy hãy nán lại vài mươi ngày rồi hãy đi.
Ngài đáp:
- Chỉ sợ làm phiền thầy thôi. Vị tăng nghiêm trang bảo:
- Chớ lo lắng. Chỉ nên xả bỏ thân tâm, không giữ tạp niệm, không đắm chấp ngoại cảnh nội duyên.
Từ đó, ngài cùng vị tăng ẩn sĩ kia đàm thiền luận giáo, học hỏi được nhiều điều lợi ích. Tối nọ, cũng như thường ngày, ngài theo vị tăng kia ra ngoài hang đi thiền hành. Đột nhiên, trong đầu ngài chợt như có tiếng sấm sét nổ vang, rồi tự nhiên núi sông cây cỏ, trăng sao trời đất, cho đến thân thể của ngài đều như tan biến trong một trạng thái tịch tĩnh kỳ lạ. Trạng thái này kéo dài lâu đến cả năm cây nhang. Từ trước đến giờ chưa bao giờ ngài trải nghiệm được cảnh giới kỳ lạ như vậy. Một lúc sau, ngài từ từ thấy núi sông đất đá, cảnh vật xung quanh đều hiện ra rõ ràng như xưa. Lúc đó, thân tâm của ngài thật khinh an nhẹ nhàng, sung sướng vô ngần. Lát sau, ngài trở vào hang động nghỉ ngơi. Thấy ngài vào, vị tăng kia liền hỏi:
- Hôm nay thầy ngộ được gì mà trở vào sớm quá vậy? Hãy coi chừng kẻo lạc đường đấy.
Ngài liền thuật lại cảnh giới vừa trải qua. Vị tăng kia liền nói:
- Đó chỉ là một trạng thái của sắc ấm11 chứ chẳng phải bản tánh chân thật. Tôi trú nơi núi này hơn ba mươi năm, trừ những khi gió mưa bão tuyết, mỗi tối khi đi kinh hành, đều nhập vào cảnh giới đó. Tuy nhiên, nếu thầy không đắm chấp vào đó, thì nó sẽ không che lấp bản tánh.
11 Sắc ấm: là năm nhóm yếu tố – sắc, thọ, tưởng, hành, thức – tạo thành con người. Năm yếu tố này thường được gọi là năm uẩn (hay ngũ uẩn).
Ngài nghe lời chỉ bảo, đảnh lễ tri ân rồi hai ngài đàm luận rất lâu về những cảnh giới của Thiền.
Khi đó, tại Bắc Kinh, thầy Diệu Phong đã thỉnh được Đại Tạng kinh, chuẩn bị mang vào Hà Đông cho Hoàng tử Sơn Ấm nên có ý muốn tìm ngài đi cùng. Thầy hỏi thăm vị quan họ Uông về chỗ ở của ngài. Vị này biết ngài đi Bàn Sơn nên cho người đến đó tìm kiếm, nhắn tin rằng thầy Diệu Phong đang đợi ngài. Được tin, ngài đành bùi ngùi chia tay vị tăng ẩn sĩ, trở về kinh đô cho đúng hẹn. Vào kinh thành, ngài được vị quan họ Uông ra đón nồng hậu. Ông hỏi:
- Sao thầy đến trễ vậy?
Ngài thuật lại những cảnh giới tu hành trên núi. Vị quan họ Uông vui mừng bảo:
- Như thế là thầy đã trụ núi xong rồi. Ngài lắc đầu bảo:
- Không, đó chỉ là con đường phụ thôi12.
12 Theo Pháp sư Phước Chân, có lẽ kinh nghiệm thiền hành của Đại sư Hám Sơn trong lúc tu trì tại núi Bàn Sơn thật rất nhiều, nhưng khi tự thuật lại trong quyển nhật ký Hám Sơn Lão nhân Tự sự Niên phổ, ngài chỉ nhắc sơ qua vài điểm then chốt như đỉnh Thiên Tượng Dục, vị tăng ẩn sĩ, bổ củi, gánh nước, khất thực trong mùa hè, v.v... Có lẽ đối với ngài, kinh nghiệm thâm nhập vào những cảnh giới của thiền rất quen thuộc, như ăn cơm uống trà, nên ngài không nhiều lời. Tuy thích ở hoang sơn tu hành, nhưng sư phụ không muốn tự tu tự độ. Do đó, nghe tin thầy Diệu Phong tìm mình để vận chuyển Đại Tạng kinh vào Nam, ngài liền xuống núi.
Trước khi lên đường vào Nam, ngài có đến thăm viếng các bạn học cũ nay đã trở thành các danh sĩ nổi tiếng đương thời như anh em Uông Bá Ngọc, Uông Trung Yêm, Vương Thế Trinh (tiến sĩ, làm quan thượng thơ, cũng là thi sĩ nổi tiếng cuối triều Minh), Vương Thế Mậu, Vương Đạo Quán, Vương Đạo Côn, Âu Trinh Bá. Ngài cùng họ làm thi kệ và luận bàn về Xuân Thu Chiến Quốc.
Ngày nọ, ngài đến viếng thăm Vương Lân Châu thì gặp người anh của người này là Vương Phượng Châu, một danh sĩ nổi tiếng đương thời. Ông này thấy ngài chỉ là một vị tăng trẻ tuổi, chẳng có danh phận, đoán trình độ tu học của ngài chắc cũng thô thiển, nên ra mặt trưởng giả ngã mạn, muốn chỉ dạy cho ngài cách làm thơ văn. Thấy vậy, ngài im lặng một lúc rồi đứng dậy bỏ ra về. Hôm sau, nghe anh mình đối xử không tốt với ngài, Vương Lân Châu liền tìm đến:
- Anh của tiểu tử có mắt mà không tròng, mong thầy hãy bỏ qua cho.
Tuy hiểu ý của Vương Lân Châu, nhưng ngài làm ra vẻ không biết:
- Ông nói sao? Sao lại bảo anh ông có mắt không tròng? Vương Lân Châu thưa:
- Tuy anh của tiểu tử có hai mắt nhưng không nhận ra được thầy.
Ngài cười bảo:
- Vậy hai mắt của ông có tinh tường không? Vương Lân Châu thưa:
- Tiểu tử vốn sinh sau học trễ, huệ nhãn chẳng sáng, tri thức nông cạn, nhưng nay đã gặp được thầy.
Ngài cùng ông ta cười vui vẻ. Trở về, ông ta bảo người anh, Vương Phượng Châu:
- Anh đã thua ông Duy Ma Cật13 rồi.
13 Duy Ma Cật: là một cư sĩ ở Ấn Độ vào thời Đức Phật Thích Ca, sống cuộc đời thế tục nhưng hiểu đạo lý thâm sâu và tu theo hạnh Bồ Tát.
Ngày nọ, ngài trú tại nhà của Uông Bá Ngọc, gặp người em của ông này là Uông Trung Yêm. Khi đó, Trung Yêm cũng vừa thi đỗ làm quan nên không biết ngài là ai. Thấy ngài ngồi đọc quyển Tả truyện, Uông Trung Yêm bèn nói:
- Thầy cũng là người biết đọc sách. Anh của tiểu tử vốn là một đại văn hào hiện thời, sao thầy không bỏ quách việc tu hành, chịu theo học với anh ấy vài năm, tương lai biết đâu sẽ trở thành một danh sĩ nổi tiếng.
Ngài mỉm cười bảo ông ta:
- Chí hướng của tôi cùng các ông khác nhau rất xa. Tôi đang đợi anh của ông một ngày nào đó sẽ đến đây dập đầu lễ để cầu yếu chỉ Tây Lai14 đó.
14 Yếu chỉ Tây Lai, hay ý chỉ Tây Lai, là thuật ngữ dùng để chỉ ý chỉ của Thiền tông.
Nghe thế, người em không vui nên thuật chuyện này lại cho anh mình. Nghe xong, Uông Bá Ngọc bật cười bảo:
- Em không biết đâu, thầy Hám Sơn Trừng Ấn là người học cao biết rộng, ngay như ta đây còn phải học hỏi với thầy. Khi xưa, thầy là bậc văn hay chữ tốt nhất thành Kim Lăng, nhưng hoài bão lập chí của thầy rất xa nên coi thường danh vọng đấy thôi. Ta chắc thầy sẽ trở thành bậc cao tăng của nhà Phật, không thua các thầy Đại Huệ (thiền sư nổi tiếng, trụ trì chùa Kim Sơn vào đời Nguyên), hay thầy Trung Phong (thiền sư nổi tiếng, tu tại núi Thiên Mục, đời Nguyên) đâu.
Hôm sau, Uông Bá Ngọc mời ngài cùng thầy Diệu Phong đến nhà dùng cơm. Chủ khách vui vẻ trò chuyện thì Uông Bá Ngọc bảo:
- Tiểu tử có một câu hỏi, xin thầy giảng giải cho. Ngài đáp:
- Xin Tư Mã Công hãy nói, chớ ngại. Uông Bá Ngọc bảo:
- Tiểu tử nhận thấy hiện nay Phật pháp rất suy vi. Không biết thầy có nhận rõ điều này chăng?
Ngài đáp:
- Tâm tôi như lửa đốt. Uông Bá Ngọc bảo:
- Tiểu tử nhận biết ý chí của thầy không phải thường, tương lai chắc sẽ làm được việc lớn, nhưng dám hỏi sao thầy vẫn đi dạo chơi non nước, mà không tự nỗ lực tu hành để chấn hưng Phật pháp?
Ngài bật cười đáp:
- Chắc Tư Mã Công chưa rõ cho lắm. Chỉ vì muốn xiển hưng Phật pháp nên tôi mới đi viễn du hành cước đó thôi.
Uông Bá Ngọc ngập ngừng hỏi tiếp:
- Thầy nói thế nghĩa là gì? Ngài đáp:
- Vì đại sự nhân duyên nên tôi mới đi tham bái các vị thiện tri thức, hầu mong được học hỏi sở tu sở ngộ của họ, để một ngày nào đó dẹp trừ vọng tưởng, minh tâm kiến tánh15, có đủ trí tuệ sáng suốt để chuẩn bị cho việc hoằng pháp trong tương lai, chứ chẳng phải đi du ngoạn non nước.
15 Minh tâm kiến tánh được xem là tông chỉ của Thiền tông, nghĩa là tâm được soi sáng thì thấy được chân tánh.
Uông Bá Ngọc bảo:
- Thì ra thế, tiểu tử có mắt mà không tròng nên không biết, nhưng thiển nghĩ sở học của thầy rất cao, hiện nay đã mấy ai có thể chỉ dạy cho thầy?
Ngài lắc đầu bảo:
- Tư Mã Công chớ quá lời. Tôi chỉ là kẻ đến sau học muộn. Thiên hạ danh sơn đầy cả, long ẩn lẫn hổ phục. Tôi dập đầu bái kiến họ, chẳng biết có nhập được vào cửa đạo không nữa, sao dám vọng chấp tự tôn tự đại?
Thầy Diệu Phong cũng lên tiếng:
- Sư đệ chớ quá khiêm tốn coi khinh sở học của mình. Uông Bá Ngọc cũng gật đầu bảo:
- Lời thầy Diệu Phong rất đúng. Ngoài thầy Diệu Phong ra, chẳng ai có thể kết bạn ngang với thầy được.
Ngài lắc đầu bảo:
- Xin Tư Mã Công chớ nói quá lời. Thầy Diệu Phong là bậc huynh trưởng chứ chẳng phải bạn hữu ngang hàng. Xưa kia, giữa đại chúng, thầy Diệu Phong đã làm được những việc không mấy ai chịu làm nên tôi rất bái phục, xin làm bậc pháp hữu để cùng tu hành.
Uông Bá Ngọc nói:
- Nghe nói hai ngài sẽ vận chuyển Đại Tạng kinh về miền Nam, tiểu tử xin nguyện được cúng dường ít công đức.
Biết thầy Diệu Phong phải vận chuyển Đại Tạng kinh vào miền Nam nên Uông Bá Ngọc cúng dường thầy Diệu Phong hai đạo để giúp thầy mướn người và xe ngựa.
Mùa thu, tháng Tám, hai ngài vượt bến Mạnh Tân, xuôi Nam, đến nơi vua Vũ Vương16 duyệt binh khi xưa. Ngài viết kệ:
16 Vũ Vương (1110 – 1043 TCN): là vị vua sáng lập triều đại nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Chu Vũ Vương nổi tiếng trong lịch sử vì đã lật đổ Trụ Vương tàn bạo của nhà Thương, và thành lập triều đại lâu dài nhất của Trung Hoa. Ông cùng Chu Văn Vương, Nghiêu, Thuấn, Đại Vũ và Thành Thang thường được Nho giáo học giả nhắc đến như là hình tượng những đại minh quân hiền minh trước thời kỳ nhà Tần.
“Phiến đá trơ trọi cạnh bờ sông
Nơi xưa chư hầu từng hội họp
Vua trị quốc cùng đồng trời đất
Nên cùng sông Hoàng chẳng đoạn lưu.”