Đ
ỗ đại học, Thêm hạnh phúc vô cùng. Đã qua rồi giai đoạn cực nhọc đầy lo lắng. Bao nhiêu kì vọng tốt đẹp về cuộc sống ở môi trường mới khiến nó cười nói suốt ngày.
Phòng ở kí túc xá rộng, ở thưa chỉ có ba người: Nó, chị Cẩm và chị Thùy - toàn sinh viên sắp ra trường. Tha hồ có không gian yên tĩnh và có người để hỏi han kinh nghiệm học tập. Nó cảm thấy đây là thời hoàng kim của mình.
Chị Cẩm học diễn viên, khá hợp với Thêm, mỗi lần nói chuyện đều cười hết cỡ. Nhưng chỉ với chị Thùy nó mới có thể tâm sự được chuyện thầm kín của mình. Tưởng rằng quá khứ đã nằm yên nơi xa lắc với những nỗi buồn cũ kĩ. Thế mà không hiểu sao cứ ngồi cùng Thùy, Thêm lại dễ đồng cảm đến vậy. Chuỗi ngày đã qua cứ tự nhiên tua lại như một cuốn phim trong đầu nó, trên miệng nó.
Chị Thùy cũng học biên kịch giống Thêm, lại là đồng hương. Chị mất mẹ khi còn học cấp ba, giờ đem cả bát hương lên kí túc xá thờ cúng. Là sinh viên năm thứ ba nhưng trước đó chị đã đạt nhiều giải thưởng văn học lớn trong nước. Điều đó, Thêm vừa mến, vừa phục. Chưa đầy một tháng sống với nhau, ruột gan Thêm đã phơi bày hết cho chị. Từ chuyện tình đơn phương thầm kín với một anh bạn cùng lớp đến chuyện bị oan ức hồi học cấp ba. Lâu lắm rồi nó mới có được một người bạn gắn bó, để sống chân thành và cởi mở hết độ. Nhưng Thêm hơi buồn và khó hiểu vì sao chị Cẩm và chị Thùy rất hay ngấm ngầm mâu thuẫn với nhau.
Chị Thùy có một tủ sách khá to. Lần nào Thêm mượn chị cũng thành thực nói:
- Chị mới làm mất chìa khóa, chưa phá được cửa tủ em ạ. Thế thì thôi. Thêm vui vẻ thông cảm và chờ chìa khóa của chị. Bao nhiêu ý tưởng dồn chứa trong đầu óc thôi thúc Thêm viết. Được truyện nào nó đưa ngay cho chị duyệt hộ. Chị luôn chỉ phán duy nhất một câu:
- Hay. Nhưng chị chả biết nhận xét đâu.
Thêm cũng không đòi hỏi hơn. Chị đọc, vậy là đã có sự chia sẻ. Tới năm thứ hai nhà trường mới dạy viết kịch bản, mà Thêm thì muốn viết được ngay. Muốn tập viết dần trong những ngày đầu khóa học rỗi rãi. Nhưng chưa bao giờ nó được biết một kịch bản phim như thế nào, phải cần và không cần những gì. Mà nó lại không muốn bó tay chờ theo quỹ đạo chậm chạp. Nó muốn tự học.
- Chị Thùy, cho em mượn một kịch bản phim nhé!
- Chị chả có cái nào ở đây cả. Cho đi hết rồi.
- Thì em mượn kịch bản chị đang viết cũng được.
- Chị phải giữ bản quyền chứ.
- Em có ăn cắp đâu. Chỉ muốn biết cách thức viết kịch bản như thế nào thôi. Hay chị bày cho em cũng được.
- Chưa tập bò đã lo tập chạy. Vội gì. Năm thứ hai đằng nào các thầy chả dạy.
Nhưng rồi với thái độ cầu thị của Thêm và sự thân thiện giữa hai chị em, Thùy miễn cưỡng đồng ý:
- Ừ, hôm nào lấy kịch bản về, vừa nộp hết cho thầy xong. Hôm sau, chị Thùy đi trại sáng tác ba ngày. Đọc hết sách, vừa rỗi và buồn, Thêm muốn viết kịch bản vô cùng. Nó nhìn chăm chú vào đống sách trên bàn học của Thùy. Nó đi tới cầm xem quyển họa báo kế đó. Chợt nó nhìn thấy tập tài liệu to có chữ “Kịch”, những chữ phía sau bị che khuất. Tò mò và đoán biết đó là quyển sách đang cần. Chần chừ một lúc, nó khẽ lôi quyển sách ấy ra. Trước mắt nó hiện rõ dòng chữ: “Kịch bản văn học Cuốc xe đêm của Bùi Thạc Chuyên”.
Bàng hoàng, Thêm thừ người ra, vừa mừng, vừa buồn. Nó chạy ra hiệu photocopy chụp một bản y thế rồi trả quyển sách về vị trí cũ. Đọc kịch bản mà đầu óc nó toàn nghĩ mông lung đâu đâu. Cứ thấy một nỗi chua chát dâng lên trong lòng.
Thùy về, Thêm vẫn vui vẻ như thường. Ngầm hiểu một phần con người chị nhưng nó chả có quyền nói gì cả.
Trưa hôm sau, Thêm vừa thay quần áo vừa vui vẻ nói chuyện với Cẩm, thì nó phát hiện ra tờ giấy lạ đặt trên bàn học. Chăm chú vào đó và mắt nó tối sầm lại.
“Thêm!
Có chuyện này chị muốn nói với em suốt từ lúc về tới giờ. Việc quá tế nhị! Chị em mình sống với nhau còn dài. Vả lại dù sao trong phòng chị cũng có chút quan tâm tới em hơn. Thứ nhất em cùng nghề. Thứ hai, mà cũng chẳng có thứ hai. Vì em học hành chắc hơn người kia, thế thôi. Nhưng đến hôm nay chị thực sự buồn. Chị rất lạnh lùng với Cẩm bởi có lần bất hòa vì lí do rất đơn giản (có điều chị cấm kị các điều cấm kị) là lấy, lục đồ của người khác tự tiện.
Chị nhớ rõ và có thói quen nhớ rất rõ mọi thứ mình để dù có lúc trông bừa bãi, ngổn ngang.
Việc đến đây thì em hiểu rồi chứ!
Em đã làm chị không tin nữa. Chị tưởng em phải hiểu các mối quan hệ. Khi chị học năm thứ nhất thì ở phòng bốn linh tám. Phòng này có hai chị học biên kịch. Hai chị lúc đầu ghét chị lắm vì tên chị trước khi vào trường mọi người đã biết. Thế mà chị đã cải biến sự ghen ghét ganh tị ấy bằng thái độ khiêm tốn nhẫn nhịn để học hỏi. Hai chị ấy không hề cho chị mượn kịch bản. Chị cũng không hỏi sồn sồn lên như em. Việc gì người ta tự nguyện làm thì người ta thích hơn đúng không em?
Em có ý chí tiến thủ, chị biết và quý lắm. Nhưng đừng lộ liễu. Chị nói thật lòng. Ai chả có lòng ích kỉ. Ai chẳng sống cho mình. Nếu không thế thì những cố gắng của em để làm gì? Chị cảm ơn em vì em cũng tốt với chị. Nhưng nếu sống mà không để lại chút gì cho mình thật là rồ dại. Vả lại em đã đủ thuyết phục để chị hết lòng vì em chưa? Nghĩ đi phải nghĩ lại.
Nói gì em cũng đã biết! Chị chẳng giả dối để hại ai cả. Thế là được. Còn ki bo thì cũng là nguyên tắc. Chẳng nhẽ bao thành quả, công sức tìm kiếm hoặc những gì mình ấp ủ lại phơ phớ đưa cho người khác. Điên à! Em thế được chăng?
Em tự tin lắm! Nhưng những gì em thể hiện lại làm chị nghi ngờ. Chị cũng mong có một người gần gũi trong nghề, có suy nghĩ như mình, hiểu mình. Nhưng từ lúc đi trại sáng tác về thì chị hiểu: Cứ yêu và tin những cái đã có chứ đừng hi vọng ở cái kì vọng. Ví dụ đừng kì vọng ở em!
Chị chẳng giỏi giang. Em quá tự tin nên càng sét đoán điều ấy. Em ơi, lửa thử vàng. Đáng ra chẳng nên viết ra những điều này làm gì, nhưng ngồi trên lớp chị nghĩ cảnh phải chịu đựng nhau. Chị giở quyển kịch bản ấy ra và … chị nghi ngờ?
Chị vẫn quý em thôi vì đã trót quý. Nhưng yêu thì đã vĩnh viễn thuộc về ngày hôm qua rồi. Em cạn lắm. Em tưởng những gì em làm là đúng à?
Đừng đòi hỏi người khác quá nhiều vì phải nghĩ đến mình đã thực sự vì người khác chưa, và suy trắng ra: “Giữa những người dưng nếu họ chưa hết lòng, chưa yêu mến mình hết độ thì cũng đừng mưu cầu, đòi hỏi, em nhé!”
Có thể em giận chị, sẽ mất lòng, sẽ nghĩ: Bà ấy tinh vi, thế này thế nọ. Mặc kệ em. Chị cũng chẳng phải chị em. Chị chỉ mong em hiểu nhiều hơn những điều chị viết ở đây. Chỉ biết là chị không tha thứ cho những gì em đã làm, dù nó có xuất phát từ đâu!
Chị giận em và trong chuyện này em lại sai lầm ở một môi trường rồi đấy! Không qua mắt được chị đâu.
Thùy.”
Như bị dội một gáo nước lạnh, Thêm ngồi thừ người. Cẩm xách xô nước vào, thấy lạ hỏi:
- Sao thế em?
Thêm lặng lẽ đưa bức thư cho Cẩm và kể hết mọi chuyện. Đọc xong chị nhẹ nhàng khuyên:
- Im lặng là vàng. Với con người ích kỉ này thì chả còn gì để mình phải tốn nước bọt cả. Có nói đằng giời thì bản chất nó vẫn vậy rồi. Bơ đi, biết bụng thế thôi.
Thêm định viết thư nói hết mọi suy nghĩ của mình, nhưng lại thấy lời chị Cẩm nói đúng. Thôi thì “dĩ hòa vi quý”.
Đi học về gặp nhau Thêm vẫn vui vẻ chào Thùy như thường nhưng mặt chị cứ càu cạu, khinh khỉnh không đáp lại nửa lời. Thêm đành cố coi như không có chị trong phòng, không có chị trước mắt bởi chị muốn vậy. Hôm sau nữa, trước lúc đi ăn trưa, Thùy quay sang nói với Cẩm:
- Cẩm ở nhà trông đồ cho Thùy với nhé!
Thêm ngồi gần đó, mặt sa sầm. Nó hiểu ý chị muốn ám chỉ gì. Cẩm thấy lạ hỏi lại:
- Thùy bảo gì cơ?
- Ở nhà trông đồ cẩn thận cho Thùy với, Thùy đi ăn - Rồi chị ta chạy biến.
Mắt Thêm đỏ sọng rồi giần giật. Nó thấy bức bối và bỏ ra khỏi phòng. Đi lang thang ra đồng cỏ quanh kí túc. Một mình thơ thẩn, nó thấy không thể chịu nổi nữa. Cục tức đã nghẹn cả cổ. Nó òa khóc và lần đầu tiên thấy nhớ nhà vô bờ bến. Nó quyết định viết thư cho Thùy khi không thể tiếp tục im lặng. Nó không phải là kẻ cắp. Tới muộn mới về phòng, Thêm ngồi viết tới khuya.
“Chị Thùy!
Tôi đã định viết ngay cho chị một lá thư sau khi nhận được lời lẽ của chị. Nhưng bạn tôi khuyên: Im lặng là vàng, giải quyết được gì đâu khi người ta đã cạn tàu ráo máng với mình. Không làm điều trái với lương tâm thì chẳng có gì phải nghĩ ngợi cả”. Tôi nghe theo và cố sống cho bình thường.
Nhưng chị ngày càng quá đáng không thể chịu nổi. Và tôi quyết định viết lá thư này để nói rõ tất cả.
Chính chị đã làm thay đổi những gì là tốt đẹp trong suy nghĩ của tôi với chị. Chưa muộn đâu, chị có thể hủy lá thư này ngay bây giờ để đỡ phải bận tâm vô ích, đỡ mất thời gian và vẫn giữ mãi suy nghĩ, cùng ý tưởng bảo thủ, độc đoán.
Đó là việc của chị. Còn việc của tôi thì tôi vẫn cứ viết. Tôi cũng không tin lắm là chị sẽ muối mặt đọc hết lá thư này.
Chị cao giọng dạy đời mà hầu như chị chẳng mảy may phán xét mình. Chị đã mất cái gì nào? Ai lấy trộm cái gì nào? Chị đã bị tôi hại điều gì ghê gớm nào? Và tôi phạm tội gì mà chị phải phán xét tôi như thế? Đó có là minh chứng cho lòng ích kỷ và sự xấu tính hoàn hảo?
Tôi đã bị chị dội gáo nước lạnh khi đọc được những dòng ấy và tôi không muốn chị phải chịu cái cảm giác sụp đổ như tôi đã chịu. Nhưng thái độ của chị mấy hôm nay như một sự nhạo báng tôi. Trưa nay đi ăn cơm, trước mặt tôi chị còn dặn chị Cẩm: “Cẩm ở nhà trông đồ hộ Thùy với” thì thật xúc phạm. Chị không muốn hòa bình? Một là muốn dìm tôi, muốn tôi chết quách cho rồi, hai là muốn tôi phải nói cho chị một trận? Và tôi chưa chết nghĩa là tôi phải nói.
Chị buồn và mất niềm tin ở tôi khi cầm vào quyển kịch bản.
Thế chị tưởng tôi không thất vọng tràn trề khi vô tình cũng cầm vào nó, không nhận ra bộ mặt thật ích kỉ và giả trá, đầy “nghệ thuật” của chị ư? Chị tưởng mình suy nghĩ sâu sắc và kín kẽ lắm nên vội chê người khác cạn nghĩ? Chị nói “quan tâm” đến tôi, “yêu thương” tôi, mà tất cả tình yêu thương của chị “tử tế” vậy sao?
Bố tôi kể rằng, ngày xưa, khi ông còn đi học, cứ trưa đến nghe thấy tiếng đàn ghi ta bên cạnh ông lại nấp ở cửa sổ để nghe trộm. Một lần bị bắt được, ông sợ quá định bỏ chạy, liền bị người nhạc sĩ ấy giữ lại hỏi:
- Mày làm gì ở đây mà cứ thập thò thế? Định ăn cắp hả?
- Dạ không, thưa thầy, em thấy tiếng đàn của thầy hay quá nên trưa nào cũng đến nghe.
- Thích lắm à?
- Vâng, em mê lắm. Thầy … thầy cho em nghe nhé!
- Có muốn học không, từ trưa mai đến đây?
- Ôi, thế thì còn gì bằng ạ.
Và từ đó bố tôi đã học được nhạc. Đến lúc vào chiến trường ông thầy ấy còn tặng luôn cho bố tôi cả cây đàn ghi ta.
Vừa rồi khi chuẩn bị lên đây nhập học, có một cô bé mới thi đỗ vào trường chuyên. Trường cấp hai của tôi là một trường hẻo lánh và phong trào học tập không mạnh bằng một số trường khác. Nên trước và sau tôi chưa có ai thi đỗ vào trường chuyên trừ cô bé ấy. Nó là kẻ thù của cháu họ tôi và tôi cũng không ưa nó. Nhưng nó đã đến nhà tôi hỏi mượn tài liệu, quy cách, chương trình học… nghĩ rằng ngày xưa mình phải khổ sở thế nào để tìm được những tài liệu này, giờ nó lạ nước lạ cái chả lẽ lại bắt nó, chịu để yên khi biết nó vất vả cực nhọc như mình ư, trong khi mình có thể giúp được? Phải để nó tiến hơn mình chứ. Những tài liệu ấy thực ra bây giờ không cần cho mình nữa nhưng lại rất cần cho nó - một người ít nhiều có tài, có chí hơn cháu mình. Và tôi đã cho nó cả một chồng sách nào giáo khoa, nào là chép tay... để rồi vui vẻ nhận lấy lời trách móc của cháu tôi: “Cô ấy không cho cháu mà lại cho đứa giời ơi …”. Đấy là quan niệm của tôi. Còn với suy nghĩ của chị thì như vậy là “rồ dại”!
Trong khi hai năm trước, tôi tin rằng chị cũng chả đồng tình với hai chị cùng phòng đã không cho chị mượn kịch bản. Nhưng giờ chị lại phản bội điều ấy để theo gót sự ích kỷ. Sao chị lại giống các bà mẹ chồng thời phong kiến thế? Chịu khổ và bắt người sau cũng phải khổ y vậy!
“Ai chẳng có lòng ích kỷ” và phải giữ những điều riêng tư cho mình. Thế thì sao không chui vào mồ cho xong. Những điều bí mật của mình lúc ấy có chăng giời biết. Tôi thấy hợp, thấy quý thì chả tiếc nhau thứ gì. Tâm hồn tôi, quá khứ tôi và điều gì được coi là bí mật của tôi, tôi đã mở toang để gắn bó với chị, để chị chả còn lạ gì. Thế mà tôi vẫn là tôi đấy chứ. Và nhờ cách sống ấy tôi được biết bao nhiêu tình cảm của những tâm hồn đồng điệu, cũng như có được nhiều bạn thân.
Chị tưởng với cái kịch bản bé xíu đã dựng thành phim rồi mà lại không phải của chị viết, tôi sẽ trở thành thiên tài và không cần sự cố gắng gì nữa sao? Xin chia vui với sự sợ hãi đó. “Những gì mình đã dày công tìm kiếm, mình ấp ủ lại phơ phớ đưa cho người khác. Điên à! Em thế được chăng?” Tôi đã thế đấy chị Thùy ạ. Tôi đã điên dưới con mắt của chị. Những tác phẩm đầu tay quá non nớt của tôi nào có để chị không biết. Bao nhiêu suy nghĩ của tôi, tôi đã tin và kể hết… để rồi nhận ra sự giả dối. Vâng hoan nghênh “chị chẳng giả dối để hại ai”. Thế thì tôi cũng chả lấy cái gì của chị cả. Chả lục đồ cấm của chị (thư từ, nhật kí, tiền nong…) để mà ân hận với lương tâm. Thực tình tôi chưa rõ cái quyển kịch bản được mọi người xem phim rồi lại là đồ cấm, vật báu của chị, và tôi sờ vào là một trọng tội không thể tha thứ nổi. Nghĩa là cứ phải khó chịu, cay ca, cạnh khoé, đáng bị chém đầu.
Tôi chả dám qua mặt chị bởi vì mọi việc làm của tôi còn có con mắt giám sát đầy linh thiêng của mẹ chị ngồi trên kia. Tôi tin bà hiểu hơn chị. Bởi thế tôi mới mượn để xem qua. Tiếc là sự thân ái của chị là giả dối trong tác phẩm chứ nó không xuất phát từ một cái tâm của người viết.
Tôi chả bao giờ cần chị phải nghĩ đẹp cho tôi nếu như chị thấy vậy là điều nỗ lực chật vật, là nỗi bất hạnh cho chị. Tôi vẫn mãi là tôi, cũng như chị, chả làm hại ai và có khi còn hơn chị: Chả muốn dìm ai! Những lời khuyên của chị, chị cứ giữ lấy, cứ ấp ủ; nếu cần, mua khung về treo!
Thêm” Ngẩng lên, giường bên cạnh chị Thùy vẫn chưa ngủ, đang ngồi đọc sách. Thêm bước tới, lạnh lùng đưa cho chị lá thư vừa viết xong. Nó buông màn đi ngủ. Nhưng càng nhắm, mắt như càng căng ra.
Đêm lặng. Lúc sau nó nghe thấy tiếng thở dài. Mở mắt, ánh điện đã tắt từ bao giờ. Ngoài cửa sổ, vầng trăng non nhìn nó mỉm cười. Màu trắng bạc ngập phòng, chảy tràn nơi giường nó, giường chị; vô tình ôm trọn lấy họ.