À
ơi… mẹ ngủ cho ngoan... con cò mà đi ăn đêm đậu phải ơ cành mềm lộn cổ xuống ao… ờ ờ… con cò, con vạc, con nông… ừm… con cò, con cáy, con công… con cò gù gù mặt sông đêm ngày… à ơi, à ời…
Tiếng ru khàn khàn của thằng Nghị vang lên, chẳng ra đầu ra cuối, đoạn nọ lắp vào đoạn kia, nhưng không phải bỡn cợt. Nó đang huy động trí não về những câu hát ngày xưa mẹ đã ru, cố nhớ các bài ca dao cô giáo dạy, hoặc nghĩ ra từ ngữ, vần điệu thật êm, thật ngọt để ru mẹ ngủ. Bên cạnh thân hình đen trũi, còm nhom của cậu bé mười tuổi này là dáng vóc phụ nữ đẫy đà. Đôi mắt người lớn ấy liu riu, cảm nhận bàn tay nhỏ xinh xoa lưng, vuốt tóc. Cái bàn tay cố xoa sao cho nhẹ nhàng, đều đặn với tất cả sự ân cần, nâng niu.
Thơi vẹo xương sườn bê vào chiếc giành ọp ẹp chất lưng lửng cục than to, cục than nhỏ. Mặt cô bé nhọ nhem mà bừng đỏ phần do đi nắng, phần có lẽ vui vì đã làm được việc có ích. Nhìn dáng như cái dãi khoai ấy khó ai tin nó có thể vác cái giành kia loanh quanh ngoài bãi than, chầu chực bên vệ đường chờ các xe tải đi qua suốt buổi sáng để nhặt nhiều than rơi thế, rồi khệ nệ đi gần cây số về nhà. Đặt bịch giành xuống, cô bé suýt ngã dúi. Nó lảo đảo giữ thăng bằng rồi đứng thở dốc. Cổ nổi gân định nói, nhưng mím chặt môi khi thấy anh đưa tay ra hiệu “xuỵt”. Mắt hoa, nên lúc đầu nó không để ý mẹ nằm kia. Thơi nhón chân đến bàn tu một hơi hết nửa bình nước. Vài giọt rớt ướt chiếc áo đã sũng mồ hôi. Thơi vuốt mái tóc bết xòa vào mắt thì thào:
- Anh nấu cơm, em đi lấy giành nữa nhá.
Người mẹ xoay người khiến Nghị cuống quýt “à ơi…”, tay lại đều như chiếc máy xoa. Chờ cho mẹ nằm im, Nghị kéo Thơi ra hiên nói khẽ:
- Chiều anh lấy cho. Em vào thay quần áo kẻo bố về thì chết. Thơi ngước đôi mắt đen láy lên nói:
- Em vừa gặp bố ngoài đường. Nghị hoảng hồn:
- Hả? Sao lại để bố nhìn thấy?
- Không sợ. Lúc em nhào tới nhặt than thì một chiếc xe máy phanh kít, suýt đâm. Em giật mình thấy bố, quay đi luôn. May, bố mải dụi mắt vì bụi nên chưa nhận ra. Bố còn cáu “trẻ con nhà ai thả rông thế này, nguy hiểm quá!”
Thơi nhe chiếc răng sún cười hồn nhiên. Nghị vẫn chẳng thôi lo lắng:
- Bố không nhận ra thật chứ? Thơi vênh mặt khẳng định:
- Thật! Em đi lấy thêm nhá!
Cô bé chực với lấy cái giành để không bên góc nhà thì bị anh giữ lại:
- Hôm nay đủ rồi. Giờ vào lau người. Lần sau nhớ đeo khẩu trang đấy.
Thơi phụng phịu nhưng vẻ nghiêm nghị của anh khiến nó không dám cãi, đành thất thểu vào nhà lấy bộ quần áo sạch đi thay.
Ông Đà làm báo trên tỉnh, lúc nào cũng tự hào gia đình mình nề nếp. Người vợ ngoan hiền chăm hai đứa con đẹp như thiên thần. Hè năm ngoái, hai anh em được bố dắt đi khoe khắp cơ quan. Anh véo má Nghị, chị thì thơm chụt mặt Thơi. Mắt bố rạng rỡ như khi được mẹ thắt caravat và nói thầm điều gì đó. Nên làm sao có thể để bố nhìn thấy vẻ mặt lam lũ vừa rồi của Thơi được. Bố sẽ buồn biết bao, nhất là lúc này mẹ thì ốm nặng, bố phải gánh mọi công việc lớn trong nhà. Bởi vậy, chúng luôn cố giữ phong độ hồi mẹ vẫn bình thường.
Bà Thảnh bị tâm thần gần năm nay. Công việc thiết lập phần mềm máy tính vốn căng thẳng, sau những cơn đau đầu kinh niên là một đợt thức năm đêm liền để hoàn thành công việc cần gấp của công ty, liên tiếp là trận cảm nặng do trúng gió độc khiến bà quỵ hẳn. Khi tỉnh lại, bà như biến thành người khác. Lúc nào cũng ngơ ngác tựa trên mây, hỏi gì đều không biết. Ngoài việc đi ra đi vào thì bà ngồi thẫn thờ nhìn vô định ra hiên. Nắng gắt hay mưa xối xả vẫn chỉ chung một vẻ mặt ấy.
Ban đầu, ông Đà đưa vợ tới bệnh viện. Khám xét, chụp chiếu đủ công đoạn, rồi nhận được kết quả là bà Thảnh bị bệnh hoang tưởng do rối loạn thần kinh tiền đình, cần nằm lại để theo dõi và tiêm thuốc. Nhưng cứ khi bác sĩ xuất hiện với màu áo trắng và chiếc xilanh trong tay là bà lại hốt hoảng hét lên điên dại. Ông Đà xót vợ, muốn để ở bệnh viện chữa trị thì bị các con ngăn cản kịch liệt. Chúng không muốn xa mẹ nửa bước, không muốn để mẹ trong phòng bệnh lạnh lẽo. Hơn nữa, ông thấy bà ấy ngoài lúc ngơ là lúc tỉnh, nếu để ở nhà thi thoảng vẫn làm được việc vặt nên đưa bà về điều trị, ở đây bệnh bà càng như tăng hơn. Nghe lời nhiều người, ông Đà đã cúng bái, đã thuốc nam, thuốc bắc, đã bắt mạch, bấm huyệt, châm cứu. Nhưng chẳng ăn thua, sau cùng đành tặc lưỡi bó tay.
Dạo này, bà Thảnh mệt hơn, nằm liệt nhiều hơn. Ông đưa bao nhiêu tiền bà đi chợ đều mua bằng hết. Năm trăm ngàn, hai trăm ngàn hay năm mươi ngàn, với bà chỉ để đưa người ta và họ dúi vào tay mình cái gì thì cầm cái đó. Có lần bà lặc lè khuân về một bao tải gà đã làm sẵn, nhét tủ lạnh đầy ụ không hết, phải đem cho hàng xóm. Nhưng ông Đà vẫn đưa cho vợ tiền. Càng thương, càng đưa nhiều, rồi càng xót xa.
Lần ấy, ông sai Nghị ra chợ tìm mẹ vì thấy đi lâu quá. Nghị đã chứng kiến mẹ lê la hết hàng này đến hàng khác, đưa người ta ít đồ ăn, hay bộ quần áo trẻ con, nhăn nhó khẩn khoản:
- Bác làm ơn gửi giúp em cái này cho cháu. Khổ, nhà nghèo không có gì ăn phải để nó đi ở. Tiền đây, bác thêm vào cho cháu khỏi đói rách. Con bé yếu ớt, hay ốm lắm.
Nói rồi bà khóc nức nở. Xóm chợ chả lạ gì bà. Thấy thằng Nghị đứng đằng xa, bác chủ hàng vẫy lại:
- Thế đứa nào đây? Bà Thảnh lắc đầu:
- Không biết. Con bé nhà em chăm ngoan, chỉ phải cái đói không dám kêu. Bác làm ơn cho nó ăn khỏi tội nghiệp.
Người bán hàng lén trả Nghị số tiền mẹ nó vừa đưa, rồi ra hiệu để Nghị dắt mẹ về. Bà Thảnh lù rù bước theo cái nắm tay rất chặt của con trai, vừa đi vừa thút thít. Mặt Nghị bình thản, nhưng lòng ào lên nỗi buồn như nước cuộn khi thủy triều dâng.
Về nhà, bà thất thần, rồi đứng phắt dậy gói con vịt trong tủ lạnh, chạy ra. Ông Đà chặn lại, hỏi:
- Đi đâu? Bà bảo:
- Mang đi cho con. Khổ, đi ở nhà người ta làm gì được miếng nào ra hồn.
Mắt sọng đỏ, Ông Đà ôm chặt kệ bà giãy giụa thế nào, con vịt trong tay rơi bịch xuống đất. Ông chỉ vào hai anh em Nghị:
- Con chúng mình đây cơ mà. Bà lắc đầu:
- Vớ vẩn! Con đang đi ở cho nhà người ta.
Thơi nghe thế òa khóc. Nghị dắt vội em ra ngoài, bạnh mồn, chun mũi pha trò, rồi nói:
- Em khóc là bố mẹ không nín được, nhà mình biến thành biển đấy.
Thơi lại cười.
Tiền bố đưa mua than, mua rau, Nghị bàn với Thơi đút lợn. Thỉnh thoảng chúng đi nhặt hoặc vớt than trôi. Mỗi dịp mưa xuống rau muống mọc đầy ngoài bờ dậu, cứ ra hái, cần gì mua nữa. Rau ngót thì sang nhà bà Cải xin, mùng tơi leo ngổn ngang bên nhà bác Giồng, bác nhổ đi không hết; lại còn rau lang ngoài bãi non ơi là non nữa. Bố vẫn nai lưng kiếm tiền, mẹ ốm càng tốn tiền hơn. Hồi trước, mẹ dạy “Nếu không tiết kiệm thì bán nhà cũng chẳng đủ tiêu”. Giá bố tin chúng ta đã lớn mà đưa cả tiền mua thức ăn thì chắc sẽ dành được khoản khá lớn để “hỗ trợ” bố khi cần thiết. Sau này, bố không cần thì cả nhà sẽ có nhiều tiền ăn mừng mẹ khỏi bệnh. Dứt khoát mẹ sẽ khỏi, ân cần chăm bẵm chúng như xưa. Hai anh em tin vậy.
Thấy em gọi ầm, Nghị chạy ngay vào bếp. Trên nền nhà lát gạch hoa là lổn nhổn những con ốc. Nghị tìm cái bao dứa, phân trần: “Sáng, mẹ đi chợ mua đấy”. Rồi chúng hì hụi nhặt ốc vào bao. Có con chui xuống gầm tủ, phải khều mãi mới ra.
Thơi giật mình thấy mẹ đã dậy từ bao giờ, đang ngửa cổ nôn thốc nôn tháo xuống giếng. Nghị hoảng hốt giật cái khăn trên giây phơi chạy tới lau mồm cho mẹ và dìu bà vào nhà.
Nhìn đống đồ ăn mẹ nôn lềnh bềnh trên mặt giếng đang lan ra ngấm dần xuống. Thể nào bố biết cũng phải tát giếng. Bố bận thế mà thuê người thì tốn nhiều tiền. Nghĩ vậy, Thơi cố kéo từng gầu nước đổ đi. Mẹ vẫn bảo nếu cố gắng con sẽ làm được nhiều điều kì diệu. Một tiếng nói vô hình thúc giục trong lòng khiến đôi vai nhỏ ấy không thôi gồng lên bởi hết gầu nước này đến gầu nước khác.
Dỗ mẹ ngủ xong, Nghị ra giúp em tát giếng. Anh múc mười gầu thì em múc năm gầu. Dây gầu thả xuống sâu hơn, hai anh em thấm mệt hơn, có lúc chực lăn quay ra, nhưng rồi vẫn gượng đứng dậy được. Lúc sau, Nghị tát nốt giếng để Thơi vào nấu bữa trưa. May sao, khi bố về mọi chuyện đã ổn thỏa. Hai anh em thở phào ngồi trước mâm cơm dọn sẵn.
Thơi hãnh diện khoe với Nghị “Em nhặt rau thấy con sâu to ơi là to mà không hét lên như mọi bận nữa nhá. Siêu không?” Nghị gật gù tán thưởng. Ông Đà ngồi vào mâm nhìn đĩa rau muống luộc đỏ quạch, bát nước mắm cùng tỏi, chanh, đĩa trứng rán vón thành từng cục chỗ sống, chỗ cháy do Thơi ngoáy không đều khi đổ trứng vào chảo mà rớt nước mắt. Người vợ thông minh của ông giờ lơ đơ ngồi kia chả ra người, chả thành ngợm, để hai đứa con có mẹ mà vẫn bơ vơ, cui cút. Ông thì bận, cố mấy cũng không thể lo toan hết được. Đành cải biến sự biến bằng sự biến nữa. Ông thông báo:
- Chiều nay nhà mình có khách.
- Ai vậy bố? - Hai anh em háo hức hỏi.
- Cô Phán.
Chúng im lặng. Sự nhạy cảm đủ để chúng hiểu cô gái cùng cơ quan bố đến làm gì. Bụng đói nhưng nhìn bát cơm chúng không muốn ăn nữa. Rồi anh động viên em bằng ánh mắt khích lệ. Hai đứa cố và cơm, cố nhai, cố tỏ ra ngon lành, bởi lúc này chỉ biết vin vào chân lí: “Ngoan ngoãn trời sẽ phù hộ.”
Ông Đà ăn xong, quếnh quáng xem lại chút tài liệu trước khi chợp mắt nghỉ trưa. Nhưng tai ông tràn ngập tiếng nói thì thào của thằng con trai:
- Mẹ ăn tiếp đi nào!
Ông hé mắt nhìn qua khe cửa, ở chiếc giường của gian bên, Nghị bưng bát cơm đầy thức ăn khéo léo đút cho mẹ. Bà Thảnh mải vân vê con búp bê. Còn Thơi quỳ sát lưng mẹ say sưa chải mái tóc suôn dài và khéo léo tết một đuôi sam đều thoai thoải. Tiếng Nghị reo khẽ:
- Mẹ giỏi quá, hết rồi!
Thơi lúc lắc mái đầu ngắm nghía khen mẹ xinh, rồi bảo:
- Mẹ ngồi chơi ngoan. Con bận một chút nhé!
Nghị bê bát xuống bếp, rồi chuẩn bị sách vở cho giờ học buổi chiều. Thơi bưng chậu nước tới bàn nước. Ông Đà giả vờ nhắm mắt, thi thoảng hé nhìn. Chỉ năm trước, con bé suốt ngày bị mẹ mắng vì lười, bị bố cáu bởi động vào đâu đổ vỡ đấy. Thế mà giờ bàn tay kia rón rén rửa từng chiếc cốc cáu chè, lau bàn ghế sạch sẽ, tinh tươm cố không phát ra tiếng động, sợ bố giật mình thức giấc. Một nỗi nghèn nghẹn dâng lên trong ngực Đà. Bấy nay công việc và bao nhiêu nỗi lo đè nặng làm ông không để ý rằng các con mình đã trưởng thành. Vô thức nhớ lại những đêm có dáng hình gầy nhỏ khẽ khàng đắp tấm chăn mỏng lên bụng vợ ông, khẽ tắt chiếc đèn đỏ, và khoác tấm áo lên lưng ông ngủ gật ở bàn làm việc. Thế mà lúc ấy ông tưởng mình mơ. Sáng hôm sau bận quá, quáng quàng đi làm luôn. Giờ mới hiểu tất cả điều kì diệu ấy là sự thực. Nhà cửa không có người đàn bà chăm nom vẫn tươm tất đâu vào đấy. Bé Thơi lặc lè bê chậu nước ra sau khi đã hoàn thành bộ cốc chén sạch bóng. Ông Đà nhìn theo dáng con gái mà nhòa nhoẹt nước mắt. Thảnh không như xưa nhưng nhờ bà mà ông có những “hòn vàng” kia, không gì có thể thay thế được. Nhà ông vẫn ấm cúng, vẫn gọn gàng, sạch sẽ đấy thôi. Vợ đẹp, con ngoan chẳng suy suyển. Ông là trụ cột có thể nản lòng trong lúc này được chăng? Thế mà ông đã định nhắm mắt đưa chân nhờ vả cô gái vẫn thương thầm nhớ trộm mình. Cố nén mà ông không khỏi không rung lên theo tiếng nấc. Cho tới khi Thơi quay vào, hốt hoảng:
- Ơ, sao bố khóc?
Đà ôm chặt đứa con gái bé bỏng. Bàn tay nhỏ xinh của nó khẽ vuốt vuốt tấm lưng rộng thỏ thẻ an ủi:
- Nín đi! Đừng khóc nào! Ai bắt nạt bố thì nói với con, con cho biết tay!
Nước mắt Đà ngấm vào chiếc áo mỏng của con. Thân hình nó bé nhỏ mà ấm áp quá. Ông bối rối cố gạt dòng nước mắt.
Buổi chiều, cô Phán vẫn đến với một làn đồ ăn chật căng. Nghị, Thơi trong bộ quần áo thơm tho đứng khoanh tay đĩnh đạc: “Chào cô”. Phán không giấu nổi sự ngạc nhiên:
- Anh vẫn chăm sóc được bọn trẻ chu đáo thế này cơ à! Thơi nhẹ nhàng đáp lời thay bố:
- Mẹ cháu chăm đấy. Mẹ cháu vẫn đi chợ, nấu ăn và thương yêu bố con cháu lắm cô ạ.
Cô Phán cười có phần ngường ngượng. Nghị và Thơi vui vẻ giúp cô làm bữa tối. Cơm dù ngon, thịnh soạn nhưng sao Đà thấy vẫn không ngon bằng những đồ ăn ban sáng bé Thơi nấu. Sau đó, không thấy cô Phán đến nữa.
Một hôm, Thơi mở choàng mắt đã nhìn thấy nắng chói chang. Em bật dậy, tự trách mình lười biếng. Định chạy đi mua phở cho mẹ thì nhìn thấy một bát phở đã đậy nắp để sẵn trên bàn. Ai mua rồi nhỉ? Em thắc mắc quay ra. Mẹ đang lúi húi ngoài giếng. Trời ơi, mẹ mà nôn nữa, nhỡ mà lộn cổ xuống đó. Thơi hốt hoảng chạy ra. Nhưng không, mẹ đang giặt quần áo. Ánh mắt mẹ dịu dàng như xưa nhìn em âu yếm. Không còn tia nhìn dài dại mọi hôm nữa. Giọng nhẹ nhàng, mẹ bảo:
- Không ngủ nữa thì dậy ăn sáng đi. Mẹ mua phở cho con rồi đó!
Thơi thấy người mình nóng bừng. Em sững lại. Mẹ đã gọi mình là “con” ư? Mẹ đã tỉnh hẳn? Thơi gọi lạc giọng trong nỗi vui mừng khôn xiết: “Anh Nghị ơi!”. Rồi cô bé cứ ôm chặt cánh tay mát rượi của mẹ không muốn rời.