(Thay cho phần hậu kỳ)
K
hoảng những năm 1980, tôi từng viết văn học cho thiếu nhi, đăng hai tác phẩm trên cùng một kỳ tạp chí “Thiếu niên văn uyển”. Đăng xong, còn sợ những tác giả khác bất mãn vì tôi chiếm diện tích quá nhiều, một bài dùng tên thật, một bài dùng bút danh. Đến nay nhớ lại, sự cuồng nhiệt đó có một chút không thể tin nổi. Khi đó trẻ tuổi, tuổi trẻ chính là không nghe nổi những lời khen ngợi, độc giả yêu thích, biên tập ngợi khen, lại có thêm vài giải thưởng nhỏ, tinh thần hừng hực như nhiệt kế ở nhiệt độ cao, hớn hở đi lên. Nhưng đáng tiếc nóng nhanh thì nguội cũng nhanh, nói không viết là không viết ngay, hơn mười năm sau không dính dáng gì tới văn học thiếu nhi, hoàn toàn trở thành kẻ ngoài cuộc.
Năm 1996, con gái tôi thi lên trung học. Là một người mẹ, tôi và con đã cùng nhau trải qua một cuộc đại chiến lên cấp có thể coi là kịch liệt, bi thảm. Kỳ thi kết thúc, bụi trần lắng đọng, khi chỉnh lý đống tài liệu ôn tập và đề thi mẫu chất như núi trong nhà, trong lòng tôi cảm thấy thật chua xót: Những đứa trẻ của chúng ta từng bước bước vào đời một cách gian nan như vậy sao? Chúng buộc phải qua cửa, chém tướng, giết chóc đến mức tử thi chất chồng trong đồng ngoài nội, máu chảy thành sông như thế, mới có thể có được một “tấm bằng” của xã hội này sao?
Cứ như thế, tôi mất khoảng 20 ngày, viết cuốn sách “Em muốn làm con ngoan” này. Đối với một người tuổi đã trung niên và bộn bề việc nhà như tôi, đây cơ hồ là một loại tốc độ điên cuồng không thể tưởng tượng nổi. Không phải bản thân tôi đang chạy, mà là chữ nghĩa của tôi, nhân vật của tôi, câu chuyện của tôi đang dẫn dắt tôi đi thật nhanh. Những điều viết ra là cuộc sống của con gái tôi, cuộc sống của gia đình tôi, cuộc sống trong trường học con gái tôi. Nội dung quá quen thuộc, thực sự không cần sắp đặt, không cần tưởng tượng, chỉ cần ngồi xuống trước bàn, vô số cảnh tượng sinh động sẽ tranh nhau ào ạt tuôn trào khỏi ngòi bút, có một loại cảm giác sung sướng khoái trá muốn ngừng mà không ngừng được.
Sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết, lại xuất bản với một tốc độ nhanh nhất, đại để cũng trong vòng một tháng. Hãy nhớ là đầu tháng Mười hai tôi mới quyết định viết cuốn sách này, dịp Tết vừa qua, một cuốn sách đẹp đẽ đã được gửi đến trên tay tôi. Con gái tôi đọc trước tiên. Nó muốn tự xem mình như thế nào, đọc liền ba bốn lần, vừa đọc vừa toét miệng cười, một mình vui sướng. Sau đó, trong những trường hợp khác nhau, tôi bắt đầu nghe thấy bọn trẻ sửng sốt than thở cùng một câu: “Kim Linh thật là giống mình! Sao cô có thể biết được chuyện của con?”.
Tôi đương nhiên không biết chúng. Nhưng tôi biết con gái tôi. Con gái của tôi là một trong số hàng ngàn hàng vạn “chúng”.
Tôi viết xong câu chuyện của con gái tôi, đương nhiên cũng tức là viết xong câu chuyện của “chúng”.
Con gái tôi hiện đã học năm thứ ba đại học. Mấy hôm trước nó gọi điện từ nước ngoài về, yêu cầu tôi gửi qua cho nó mấy cuốn tiểu thuyết thiếu nhi của tôi, bạn cùng phòng của nó muốn đọc. Những đứa trẻ đã thoát khỏi vòng vây thi cử trùng trùng này, những đứa trẻ đã trưởng thành thành người lớn này, chúng vẫn muốn ôn lại niềm vui đọc tiểu thuyết của thiếu nhi.
Niềm vui đi cùng lo lắng đau buồn, nói một cách khác, niềm vui và suy ngẫm, đây là yêu cầu mà tôi tự đặt cho mình khi viết tiểu thuyết thiếu nhi. Không thú vị là không được, nhưng chỉ thú vị không càng không được, phải khiến cho văn chương và nhân vật của tôi ở lại trong tâm trí của bọn trẻ, rất nhiều năm sau vẫn có thể nhớ được một phần, khi chúng nhớ về thời thơ ấu, trong lòng luôn có một cảm giác ấm áp và cảm động.
Lúc nào tôi cũng tự hỏi bản thân: Mình có làm được không? Tôi biết tôi đang cố gắng, tôi đã tôn kính trẻ em như tôn kính Thượng đế, chưa từng đánh giá thấp trí tuệ và năng lực của chúng. Tôi cố gắng đuổi kịp những bước đi phía trước của bọn trẻ, giống như Khoa Phụ vất vả đuổi theo mặt trời. Như thế, bọn trẻ tiến bộ rồi, tác phẩm của tôi cũng tiến bộ theo.
Vẫn cần cố gắng nữa. Niềm vui của việc viết lách cũng nằm trong sự cố gắng này.