B
uổi sáng ngày 28 tháng Sáu thi môn Ngữ văn. Sáng ngày 29 tháng Sáu thi môn Toán, buổi chiều thi tiếng Anh. Hiệu trưởng sợ có người không rõ, nên dùng giấy đỏ viết lịch thi, dán ở bảng thông báo trước lầu.
Toàn bộ trường tiểu học trong khu vực chia ra làm tám cụm thi, trường tiểu học phố Tân Hoa là một trong số đó. Các em học sinh sắp tốt nghiệp của trường tiểu học phố Tân Hoa rất may mắn, chỉ mất không đến một ngày trước lúc thi đã đến trường của người ta để xem phòng thi, xem chỗ ngồi.
Sáng ngày 27, thầy dạy Toán đến lớp, dặn dò cẩn thận các học sinh của thầy “những điều cần biết khi thi”. Gặp phải những đề rất khó, làm không ra thì phải làm thế nào, khi tâm lý hoảng loạn phải làm thế nào, phát hiện đề thi có vấn đề phải làm thế nào, khi kiểm tra lại bài phải làm thế nào... Phàm là từ lúc phát đề đến lúc thu bài từng phút từng giây, những vấn đề có thể xảy ra đều không thể ngờ được, hơn nữa phải nghĩ ra các biện pháp đối phó, tất cả đều buộc phải ghi nhớ.
“Còn một chuyện nữa.” Thầy Trương nhìn ra ngoài cửa với một vẻ kỳ lạ, bí ẩn, đi tới khép cửa lại, “còn có một chuyện, coi như là bí mật giữa chúng ta”.
Thầy dường như có chút rất tùy ý, giống như đang kể một câu chuyện cười, nói ra mấy kiểu “tiểu xảo” trong kỳ thi mấy năm trước. Ví dụ như, có trường bảo học sinh đồng loạt khoanh một vòng tròn nhỏ trên đề thi, bởi vì các bài thi của cùng một trường thi sẽ đánh dấu số thứ tự, ngộ ngỡ giáo viên của trường đó may mắn chấm bài thi này, thế thì sẽ “cân nhắc” hơn. Sai sửa thành đúng đương nhiên là không thể, nhưng luôn có biện pháp “thủ hạ lưu tình”. Đáng trừ một điểm thì trừ nửa điểm, đứa trẻ này có lẽ sẽ vào được trường trọng điểm, đây không chỉ là vinh dự của riêng học sinh, mà cũng là vinh dự của cả trường học, là vinh dự của giáo viên trường này. Đánh dấu cũng không được lộ liễu quá, có trường dùng dấu “phân chim”, để mỗi học sinh mang theo “bút xóa”, chấm một dấu “phân chim” lên đầu bài thi.
Thầy giáo Trương xòe hai bàn tay: “Đáng tiếc những biện pháp đó đều bị người khác nhìn ra. ‘Vỏ quýt dày có móng tay nhọn’ mà! Đâu có dễ dàng để cho anh giở trò gian trá chứ.” Thầy lại một lần nữa nhìn trộm ra ngoài cửa sổ, tin chắc rằng không có ai, mới đổi giọng nói: “Chúng ta đâu có ngốc như vậy, chúng ta có biện pháp hay hơn. Lần này toàn bộ học sinh của lớp thống nhất dùng bút bi mực xanh để viết. Nhớ kỹ, là màu xanh này.”
Trong tay thầy giơ cao một cây bút bi có cán trong suốt, bước lên bục giảng, giễu qua một lượt trước mặt học sinh. “Nhớ kỹ cả chưa? Nếu có bạn học sinh nào không có, buổi chiều lập tức đi mua, cửa hàng văn phòng phẩm đối diện trường có bán. Nhưng tuyệt đối không được nói ra ngoài, đến bố mẹ các em cũng không được nói. Nhớ kỹ nhé!”. Thầy vung nắm tay, làm ra tư thế hăm dọa.
Học sinh cả lớp rất hưng phấn, ai nấy đều quay ngang quay ngửa trên ghế, giống như đã được uống một viên thuốc trợ tim vậy.
Nhưng chỉ vài phút sau thầy lại vội vã chạy vào, bước vào lớp là nói luôn: “Không được rồi, không thể làm thế. Hiệu trưởng nói, kỳ thi này quy định nghiêm ngặt hơn các năm trước, phát hiện thấy một trường nào gian lận, thì điểm số của học sinh trường đó đều bị trừ hết! Chúng ta thôi đi, vẫn không nên mạo hiểm như thế.” Thầy vẫy vẫy tay: “Chuyện ban nãy coi như thầy chưa từng nói.” Rồi lại bực bội bất bình hừ một tiếng: “Thầy không tin thành tích điểm số của lớp mình lại kém lớp khác.”
Học sinh cả lớp lại nhất loạt cười ha ha. Thầy Trương gãi gãi đầu, cũng cười theo, để lộ hàm răng đều tăm tắp.
Buổi chiều không đi học. Cô Hình tuyên bố các em không động đến sách vở nữa, hoàn toàn nghỉ ngơi thư giãn. Kim Linh chấp hành mệnh lệnh này không chút câu nệ, kiên quyết không thèm để ý tới kiến nghị đọc thêm sách của Hủy Tử. Em từng thử xin Hủy Tử cho em mở ti vi, nhưng sau khi bị khước từ thì không kiên trì nữa, tự mình lấy bút và giấy ra vẽ, bôi hồ dán lên phần trang phục của nhân vật hoạt hình, sau đó lại lấy phấn màu nghiền thành bột rồi thổi phủ lên. Em tự mình kinh ngạc sửng sốt khen đẹp, tán thưởng, rồi gọi điện thoại kể cho Dương Tiểu Lệ về phát minh này.
Hủy Tử nghĩ bụng, vẫn là một đứa trẻ, không lo lắng chút nào cả!
Bà ngoại đến, mang cho Kim Linh bốn cái bánh nếp và bốn cái “bánh chưng Gia Hưng” mua trên phố. Bà ngoại không đi xe đạp đôi, nguyên nhân là tim ông ngoại không được khỏe, không dám lao lực. Hủy Tử nói: “Tim bố đang không khỏe, mẹ còn đến làm gì?”. Bà ngoại nói: “Mẹ đến đưa đồ! Bánh nếp ăn vào sẽ “cao” (高), bánh chưng ăn vào sẽ “trung” (中), “cao trung” (高中), “cao trung” mà! Mang đến điềm lành cho con trẻ. Lúc nhỏ khi con lên trung học, đều ăn bánh nếp và bánh chưng mới thi đỗ. Con quên rồi à?”.
Hủy Tử nói: “Con không quên. Nhưng hiện nay đã là thời đại vi tính rồi mà.”
Bà ngoại bĩu môi: “Thời đại vi tính thì làm sao?”.
Hủy Tử giơ tay đầu hàng: “Được được được, nghe lời mẹ.” Bà ngoại của Kim Linh có lúc rất hiện đại, nhưng có lúc lại rất cổ hủ, rõ ràng chính là một hợp thể kỳ quặc, càng dây dưa với bà thì càng hồ đồ, nên tốt nhất là đình chiến.
Bà ngoại trước khi đi còn dặn dò thêm một lần nữa: “Nhớ đấy! Sáng mai nhớ bảo mẹ cháu hấp bánh chưng cho cháu ăn!”.
Kim Linh trả lời rất rành rọt: “Cháu không quên đâu!”.
Bà ngoại rất hài lòng, cho rằng lần này Kim Linh sẽ không xảy ra vấn đề gì, trường trung học trọng điểm không thể thoát khỏi tay em.
Hủy Tử nói với Kim Linh: “Xem nhé, tiếp theo sẽ là bà nội con gõ cửa.”
Quả nhiên, lời vừa mới dứt, giọng nói của bà nội đã vang lên khiến cả lầu đều nghe thấy: “Kim Linh đâu? Bà mang óc heo đến cho cháu đây!”.
Kim Linh và Hủy Tử nhìn nhau cười, cười đến mức gập cả bụng.
Bà nội không hiểu gì cả: “Cười cái gì thế? Đem óc heo đến không đúng sao? Ăn não bổ não, các cụ nhà ta đã dạy thế rồi? Lời của các cụ có câu nào không đúng?”.
Kim Linh nói: “Bà nội, cháu không bảo bà nói sai, chỉ là cháu ăn óc heo vào rồi cũng ngốc như heo, thế thì làm thế nào?”.
Bà nội vỗ tay: “Ai da, sao bà không nghĩ ra nhỉ? Thế phải mua đầu cá mới đúng.”
“Cá cũng không thông minh lắm đâu ạ.”
Bà nội cười híp mí cốc nhẹ lên đầu Kim Linh một cái: “Con quỷ con này! Lại trêu bà rồi. Ai có thể thông minh hơn Kim Linh nhà ta? Đừng nói là ăn óc heo, ăn cỏ cũng có thể mọc ra châu báu ấy chứ!”.
Buổi tối lúc ăn cơm, khẩu vị của Kim Linh rất tốt, óc heo bà nội mang tới, chỉ mình em đã ăn hết một nửa. Những thứ này vốn dĩ Hủy Tử không biết phải nấu thế nào, vẫn là Kim Diệc Minh gợi ý, dùng cách nấu lẩu của mùa đông, dùng nước canh đun sôi lên, lại nhúng thêm rất nhiều đồ ăn nữa. Kim Linh nói óc heo mềm và ngậy như đậu phụ vậy.
Tám giờ, Hủy Tử giục Kim Linh lên giường đi ngủ. Lúc này Kim Linh mới có chút hoảng loạn, lúc đánh răng còn bóp nhầm sữa rửa mặt của Hủy Tử thay vì kem đánh răng, khi đi tắm còn quên tắm người, chỉ gội mỗi đầu không, làm nước lên láng cả sàn nhà tắm.
Hủy Tử dùng ánh mắt chất vấn nhìn Kim Linh: “Kim Linh, con làm sao thế?”.
Kim Linh gượng cười, nói: “Không sao đâu mẹ, con chỉ là nghĩ đến vài chữ dễ viết sai thôi.”
Hơn 9 giờ, Hủy Tử đến phòng Kim Linh xem sao, Kim Linh vẫn còn mở to mắt suy nghĩ. Vừa nhìn thấy Hủy Tử bước vào, em đã yêu cầu: “Có thể cho con một viên thuốc ngủ không?”.
Hủy Tử nói: “Uống thuốc ngủ không tốt, ngày mai sẽ chóng mặt.”
Kim Linh khẽ nói: “Con cứ tưởng con sẽ không sợ, thực ra trong lòng vẫn lo lắng.”
Hủy Tử ngồi xuống bên cạnh giường, cầm bàn tay mềm mại, đẫm mồ hôi của con gái lên nắm chặt trong tay mình, nói: “Không sao đâu, thực sự thi trượt cũng chẳng sao, mẹ biết con đã cố gắng hết sức rồi. Về sau vẫn còn có cơ hội, chẳng phải ba năm sau con còn thi vào phổ thông trung học sao, đúng không?”.
“Thật sự không sao ạ?” Kim Linh mắt không chớp nhìn chằm chằm vào mặt Hủy Tử.
“Thực sự không sao.”
“Mẹ có cho rằng con là đứa trẻ ngoan không?”.
“Đương nhiên.” Hủy Tử nhẹ nhàng hôn lên mặt Kim Linh, “mẹ luôn cho rằng con là một đứa con ngoan, là một đứa trẻ rất ngoan, rất hiểu chuyện, rất được mọi người yêu quý.”
Kim Linh thở dài một hơi, hài lòng lật người, lẩm nhẩm:
“Mẹ, mẹ đừng đi, mẹ ngồi cạnh con, nắm tay con nhé...”
Còn chưa nói hết câu, khoang mũi Kim Linh đã có tiếng ngáy khe khẽ.
Hủy Tử không dám đi, cô nắm chặt bàn tay nhỏ của con gái, cảm nhận được nhịp tim và hơi ấm của con gái. Cô nghĩ đến ba năm sau thi vào phổ thông trung học, sáu năm sau thi vào đại học, Kim Linh còn cần cô, dựa dẫm cô như thế này không? Khi đó, bàn tay của con gái đã to hơn cả bàn tay của mẹ, mẹ muốn cầm cũng không cầm nổi nữa rồi?
Lại nghĩ, khi đó, con đường đi học sẽ như thế nào? Rộng mở hơn hay chật hẹp hơn? Con trẻ còn phải bỏ ra bao nhiêu vất vả bao nhiêu nỗ lực nữa mới có thể chiếm một vị trí trên con đường đó!
Hủy Tử cứ nghĩ ngợi mãi như thế, ngồi tựa bên giường Kim Linh suốt một đêm. Trong lúc đó, Kim Diệc Minh mấy lần nhón chân bước vào nhìn cô, cô đều xua tay bảo anh không được lên tiếng.
“Để con ngủ một giấc ngon lành đi.” Cô thì thào không thành tiếng.
6 giờ sáng tỉnh dậy, Kim Linh đã quên mất sự căng thẳng và lo lắng tối qua, lại hoạt bát vui vẻ như một chú chim non. Hủy Tử lấy sách Ngữ văn đưa Kim Linh đọc thuộc lòng thử mấy bài, em đọc liền một hơi từ đầu đến cuối, không ngắc ngứ một chút nào. Hủy Tử rất hài lòng, cho rằng Kim Linh đã ngủ rất ngon, dồi dào sức lực.
Kim Linh ăn xong bánh nếp và bánh chưng bà ngoại mang cho, Hủy Tử tiễn em xuống lầu. Hủy Tử nói: “Mẹ chỉ đưa con đến cổng trường nhé. Trước đây lúc mẹ thi lên trung học, bà ngoại cũng chỉ đưa mẹ đến cổng trường thôi.”
Kim Linh cau mặt nói: “Thậm chí con còn chẳng muốn mẹ tiễn con một bước cơ. Đâu có cần thiết đâu.”
Hủy Tử vờ như không nghe thấy, nắm chặt tay Kim Linh không rời.
Khi đi qua cửa hàng đồ ăn vặt trong ngõ, bà chủ cười hì hì chào hỏi: “Hôm nay Kim Linh thi trạng nguyên phải không? Bác phải đợi ăn kẹo mừng của Kim Linh mới được.”
Kim Linh cũng vui vẻ nhận lời: “Được ạ!”, vừa nói vừa vẫy tay gọi con mèo vàng đang đi tới.
Đi ra khỏi ngõ mới phát hiện, khắp phố đều là học sinh đi thi và bố mẹ đi cùng. Bọn trẻ đều xách theo một chiếc túi đựng đồ dùng học tập và thẻ dự thi, nhẹ nhàng thoải mái, ngó đông ngó tây. Phụ huynh bên cạnh xách theo bình nước, cầm đồ ăn sáng, trên tay còn khoác khăn bông, trong tay còn cầm quạt giấy, khuôn mặt đầy vẻ tư lự lo lắng không che giấu nổi. Còn có những nhà cả nhà đều đến đưa tiễn, bố mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại, thực sự là một đội ngũ đưa tiễn hùng hậu. Có những nhà đi đường xa sợ không đến kịp, bèn bỏ tiền bắt taxi tới. Trên đường tiếng xe cộ tiếng người nói, ồn ào vô cùng.
Giữa đám người, Kim Linh thấy Thượng Hải và Dương Tiểu Lệ đầu tiên. Đã lâu chưa gặp, em phấn chấn như thể đã xa nhau lâu lắm mới gặp lại, cao giọng gọi tên hai người, vùng khỏi tay Hủy Tử chạy tới. Hủy Tử ngăn Kim Linh lại theo lý trí, vì cô nhìn thấy mẹ của các bạn ấy đang tranh thủ chút thời gian cuối cùng, dặn dò con họ mấy lời quan trọng.
Bỗng phía sau lưng có tiếng xe máy vang lên, Hủy Tử giật thót mình, hoảng hốt kéo Kim Linh sang một bên.
Cưỡi xe máy đi đến là một anh chàng rất đẹp trai chừng 20 tuổi, mặc một bộ đồ màu trắng, đội mũ bảo hiểm màu đỏ. Người ngồi phía sau xe máy mặc chiếc quần lụa áo lụa màu đỏ, đội mũ bảo hiểm màu trắng. Chàng trai dừng xe trước mặt Kim Linh, một chân chống xuống đất, nghiêng chiếc xe mô tô, để người ngồi phía sau xuống xe. Người ngồi phía sau động tác có hơi chậm rãi, chàng trai buộc phải đưa tay ra sau đỡ lấy.
Người đó xuống xe, đứng trước mặt Kim Linh tháo mũ bảo hiểm ra. Kim Linh kêu lớn: “Bà Tôn!”.
Hủy Tử cũng giật bắn người, không ngờ người đó lại là bà Tôn chân chậm tay run. Nhất thời cô vẫn há miệng trợn mắt, chưa bắt kịp tình hình.
Bà Tôn dùng chiếc mũ bảo hiểm gõ nhẹ một cái lên đầu Kim Linh: “Hoảng chưa?”.
Kim Linh cười hì hì nói: “Không hoảng.”
Bà Tôn lại nói: “Không hoảng là tốt rồi. Nhớ kỹ những lời bà nói với cháu hôm nay, gặp những đề không nắm chắc thì phải làm thế nào?”.
Kim Linh vừa muốn trả lời, bà Tôn đã đặt một ngón tay lên môi: “Suỵt! Đừng nói ra, nhớ giữ bí mật.”
Bà Tôn vừa cười vừa nhìn Hủy Tử. Kim Linh cũng quay đầu lại cười với mẹ. Bà Tôn nói: “Mẹ Kim Linh, cháu nên có lòng tin với con gái của mình!”, lại nói: “Kim Linh hãy nhớ nhé, thi xong đến nhà bà, chúng ta bắt sâu cho hoa nguyệt quế nhé.”
Bà lão đội mũ bảo hiểm lên, vịn vào eo chàng trai rồi leo lên xe mô tô. Đúng là một bà lão trẻ trung.
Hiệu trưởng, cô Hình, thầy Trương, cô giáo tiếng Anh... tất cả đều đợi ở cổng trường, để cổ vũ cho mỗi học sinh sắp tốt nghiệp của trường tiểu học phố Tân Hoa khi bước vào cổng. Hiệu trưởng nói: “Thi tốt nhé!”, cô Hình nói: “Phải cẩn thận!”, thầy Trương nói: “Đừng quên soát lại bài!”, cô giáo tiếng Anh không nói gì cả, chỉ cười giơ hai ngón tay, làm dấu biểu thị thắng lợi.
Kim Linh đi qua cánh cổng trường nửa khép nửa mở, Hủy Tử và vô số những phụ huynh khác bị chặn ở bên ngoài cổng. Từng người bọn họ kiễng chân, nghểnh cổ lên, cố hết sức để dõi theo bóng dáng của con em mình. Ánh mặt trời oi bức của giữa mùa hè chiếu lên thân hình những đứa trẻ, tạo thành những tiết tấu vui vẻ cho mỗi bước chân nhảy nhót của các em, hoàn toàn đối lập với những gương mặt người lớn chất chứa lo lắng ngoài cổng kia. Hủy Tử suy nghĩ một cách rất “bệnh nghề nghiệp”, nhân cơ hội này phỏng vấn bọn họ một chút, sẽ có một bài đặc tả không tồi, có thể đăng trên trang nhất cho tạp chí kỳ sau.
Tiếng chuông chuẩn bị lảnh lót vang lên, những đứa trẻ chưa kịp vào phòng thi bắt đầu rảo bước chạy. Hủy Tử thầm nhủ trong lòng: “Chạy đi con, bứt phá nào!”.