Hồi bé, tớ được bà chăm sóc và không phải đi nhà trẻ. Mọi chuyện đang ổn thì đến một ngày bà bị bệnh và phải vào bệnh viện. Bố mẹ tớ nói rằng đó là vì tim bà bị yếu. Mẹ giải thích rằng trái tim đập liên tục ngay cả trong lúc chúng ta ngủ. “Tim bà bị mệt và các bác sĩ phải chữa cho nó một chút”, mẹ đã nói thế.
Tớ bắt đầu tự hỏi trái tim đập thế nào. Có lẽ giống như chiếc đồng hồ lớn đứng ở tiền sảnh cứ kêu tích tắc không ngừng. Ông tớ thường phải lên dây cót, tra dầu và làm sạch nó, bằng không nó sẽ chạy chậm lại. Tớ rất thích chiếc đồng hồ cũ này nên luôn phụ ông lên dây cót, bởi vậy tớ nghĩ: nếu đồng hồ có thể chữa được thì trái tim bà tớ cũng có thể được lên dây cót và làm sạch một chút, và nó sẽ lại đập đúng nhịp.
Hai tuần sau, bà tớ xuất viện trở về nhà và tớ tin là mình nghĩ đúng. Vẫn là bà tớ đây, và bà có một cái đồng hồ nhỏ vừa được chữa khỏi trong lồng ngực.
Hãy đoán xem:
• Vì sao trái tim cần phải đập?
• Cách chế tạo một cái ống nghe y khoa.
VÌ SAO TRÁI TIM CẦN PHẢI ĐẬP?
Tim là một cơ quan được tạo thành bởi các bó cơ, có kích thước bằng một nắm tay. Trái tim gồm có 4 ngăn, thông qua đó máu chảy và truyền đi trong cơ thể chúng ta qua các mạch máu. Nhờ có trái tim máu mới có thể truyền đi khắp cơ thể không ngừng. Nếu sử dụng ống nghe y khoa, chúng ta có thể nghe được tiếng tim đập nhịp nhàng. Cũng có thể nghe tiếng tim đập bằng cách bắt mạch.
Đo nhịp tim
Bạn cần có:
- Đồng hồ bấm giờ
- Một mẩu giấy và một cây bút chì
1 - Duỗi cánh tay lên bàn, nhẹ nhàng dùng ngón trỏ và ngón giữa nhấn vào mặt trong của cổ tay. Đằng ấy sẽ cảm nhận được mạch đập nhẹ.
2 - Nhờ một người giúp canh giờ, ra hiệu bắt đầu bấm giờ và đằng ấy hãy bắt mạch trong đúng một phút. Hãy ghi lại số mạch đập mà đằng ấy vừa đếm được vào mẩu giấy.
3 - Hãy đếm mạch đập của đằng ấy trước và sau khi chơi thể thao xem kết quả thế nào?
Tớ nhận thấy...
Trái tim đập nhanh hơn sau khi vận động, điều này là bình thường vì cơ thể cần nhiều sức mạnh hơn và tim phải bơm máu mạnh hơn.
Tăng nhịp tim
Đằng ấy cần có:
• 2 xô nhựa đựng nước
• 1 hộp sữa bằng bìa các-tông (1 lít)
• 1 li có vạch đo dung tích
• Nước
• Đồng hồ bấm giờ
• 1 hũ da-ua không dùng nữa (dung tích khoảng 150 ml)
1 - Đặt 2 xô nhựa cạnh nhau. Nhờ ba, mẹ giúp đằng ấy đổ đầy 10,5 lít nước vào một xô (để đo lượng nước, đằng ấy có thể dùng hộp sữa hoặc li đo dung tích).
2 - Ra hiệu để người hỗ trợ bấm đồng hồ, bắt đầu đếm giờ, đằng ấy bắt đầu dùng hũ da-ua múc nước từ xô này sang xô kia. Sau 1 phút, người hỗ trợ dùng đồng hồ và đằng ấy cũng ngừng múc nước.
3 - Đo xem đằng ấy đã múc được bao nhiêu nước? Tốc độ múc nước của đằng ấy, liệu có nhanh hơn nhịp tim đập không?
Tớ biết rằng:
Một người trưởng thành có nhịp tim khoảng 60 - 80 nhịp/phút. Ở trẻ em, con số này là khoảng 100 nhịp/phút. Cứ mỗi nhịp trái tim lại bơm đi khoảng 150 ml máu. Nếu trung bình mỗi phút tim đập 70 nhịp thì có nghĩa là nó đã bơm đi khoảng 10,5 lít máu.
CÁCH CHẾ TẠO MỘT CÁI ỐNG NGHE Y KHOA
Máu là một chất lỏng màu đỏ, dính và có vị mặn. Trong máu có hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Một người trưởng thành có khoảng 5 lít máu trong cơ thể. Máu di chuyển từ tim đi khắp cơ thể rồi sau đó trở về tim thông qua hệ thống mạch máu. Nhờ có ống nghe, chúng ta có thể nghe được tiếng tim đập.
Thình - thịch
Đằng ấy cần có:
- 1 ống nhựa hay ống cao su (dài khoảng 50 cm)
- 2 cái phễu nhựa
- Dây thun hay dây buộc
1 - Gắn ống nhựa vào ống phễu, dùng dây thun hay dây buộc để cố định đầu nối lại.
2 - Úp miệng phễu vào tai mình, phễu còn lại hãy úp lên ngực người hỗ trợ (hoặc chính đằng ấy luôn). Đằng ấy có nghe được gì không?
Tớ biết nè:
Khi áp phễu lên ngực, đằng ấy sẽ nghe thấy tiếng thình-thịch. Đó là tiếng tim đập, hoặc cụ thể hơn, nó chỉ ra máu đã chạy qua trái tim như thế nào. Tiếng đập đầu tiên thường lớn hơn, tiếng thứ hai nhẹ hơn.
Tìm hiểu thêm...
Khi bị thương hay làm phẫu thuật, Cơ thể sẽ mất đi một lượng máu lớn, điều đó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi đó, một người khỏe mạnh có thể hiến tặng máu của mình cho người mất máu. Điều này được gọi là truyền máu. Người hiến máu tự nguyện chỉ hiến máu trong trường hợp cứu người mà không đặt bản thân vào tình trạng nguy hiểm về sức khỏe và tính mạng. (Việc xét nghiệm máu của người hiến tặng là rất quan trọng nhằm đảm bảo điều kiện phù hợp về nhóm máu và máu không bị nhiễm bệnh).