Tớ rất thích khi trời có tuyết. Bông tuyết bao phủ mọi thứ, khiến con phố khu nhà tớ trở nên hoàn toàn mới mẻ. Tuyết rơi báo hiệu dịp nghỉ đông sắp đến, tớ sẽ không phải đi học và còn được ngồi xe trượt tuyết đi chơi.
Tớ nhớ khoảnh khắc lần đầu tiên có nhìn thấy tuyết. Mẹ vẫn thường đặt tớ vào trong xe đẩy dẫn đi dạo ba vòng quanh khu nhà để thưởng thức không khí trong lành, ngày nào cũng vậy. Đầu tiên mẹ mặc đồ cho tớ này... mặc nữa, mặc mãi... cảm giác như phần mặc đồ không bao giờ kết thúc ấy! Đến lúc gần xong tớ còn phải đội thêm mũ, khăn choàng, rồi bao tay... Sau khi đã đóng bộ, tớ mới được đặt vào xe đẩy trong khi cái lạnh lấm tấm trên mặt. Và hành trình lại bắt đầu, như mọi ngày: Công viên nhỏ gần nhà, con đường nhỏ lát gạch mà mẹ đẩy xe qua.
Nhưng ngày hôm đó, khi mà mẹ và tớ ra khỏi nhà thì mọi thứ đã hóa thành màu trắng. Cái gì vậy? Trắng, màu trắng ở khắp nơi... tớ biết rồi! Đó là món sữa. Ừ, món sữa ngon lành mà tớ thích uống ấy. Chỉ có điều tớ không biết làm sao mà sữa tràn hết ra ngoài đường được. Ông trời làm đổ sữa ư?
Hãy đoán xem:
• Bông tuyết hình thành như thế nào?
• Tại sao mọi người thường rải muối trên đường và vỉa hè vào mùa đông, khi trời đổ tuyết?
• Cách tạo nên một quả cầu tuyết.
BÔNG TUYẾT HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
Tuyết rơi vào mùa đông. Ở trên cao thật cao, cách xa mặt đất, hơi nước bị nhiệt độ thấp làm đóng băng, hình thành nên những tinh thể pha lê trong suốt. Những tinh thể này lơ lửng trong không trung, bị những hạt bụi và nước li ti bám xung quanh. Nhẹ vậy, một tinh thể lớn dần lên, khi đã đủ lớn và đủ nặng, nó rơi xuống mặt đất và chúng ta nhìn thấy một bông tuyết.
Quan sát bông tuyết dưới kính lúp
Đằng ấy cần có:
• 1 miếng vải đen
• 1 chiếc kính lúp
• Bông tuyết
1 - Đặt miếng vải vào ngăn đá tủ lạnh trong vài giờ.
2 - Lấy miếng vải ra khỏi ngắn đá tủ lạnh và đặt nó lên thành của sổ để bông tuyết bám lên trên đó.
3 - Lấy miếng vải vào phòng và quan sát bông tuyết dưới kính lúp. Đằng ấy nhận thấy điều gì?
Tớ thấy rằng:
Không có bông tuyết nào giống nhau mặc dù tất cả các bông tuyết đều có 6 cánh.
Tìm hiểu thêm...
Kích thước và hình dạng của một bông tuyết tùy thuộc vào nhiệt độ. Trời càng lạnh thì bông tuyết càng nhỏ. Khi trời rất lạnh và nhiệt độ xuống sâu dưới 0ºC, các nhánh của một bông tuyết gần như không có, khi đó bông tuyết giống như một chiếc nhụy hoa, hình lục giác, khi nhiệt độ tiến tới gần bằng 0ºC thì các nhánh sẽ xòe ra.
TẠI SAO MỌI NGƯỜI THƯỜNG RẢI MUỐI TRÊN ĐƯỜNG VÀ VỈA HÈ VÀO MÙA ĐÔNG, KHI TRỜI ĐỔ TUYẾT?
Tuyết và muối
Đằng ấy cần có:
• 2 cái tách có kích cỡ bằng nhau
• Muối
• Tuyết (hoặc đá bào)
1 - Cho vào mỗi tách một lượng tuyết (hoặc đá bào) bằng nhau.
2 - Cho một ít muối vào một tách. Tách còn lại để nguyên.
3 - Quan sát sự tan chảy của tuyết (hoặc đá bào) trong mỗi tách.
Tớ thấy nè:
Khi cho muối vào tuyết (đá bào), nhiệt độ đóng băng của nó giảm xuống đến 0ºC, có khi còn thấp hơn, bởi thế tuyết tan nhanh hơn.
Muối rải lên tuyết trên đường phố và vỉa hè để làm tan băng, đồng thời ngăn tuyết đóng thành băng.
Tìm hiểu thêm...
Ở một số nơi trên thế giới, tuyết rơi không có màu trắng. Tuyết nhiều màu có thể xuất hiện khi trong không khí có những phân tử của vật chất màu - chúng lơ lửng trên không và bám vào các bông tuyết đang rơi xuống. Đó là lý do tại sao có tuyết đỏ ở nước Ý, vì trên bông tuyết có bụi đỏ từ tro bụi núi lửa; những người chăn cừu dọc rặng núi Ural (nước Nga) còn từng nhìn thấy tuyết màu tím; tuyết màu xanh lá cũng đã từng xuất hiện ở một số vùng núi ở châu Âu. (Tuy nhiên, một số loại tuyết màu được cho là do ô nhiễm môi trường mà ra.).
CÁCH TẠO NÊN MỘT QUẢ CẦU TUYẾT
Quả cầu tuyết của tớ
Đằng ấy cần có:
- 1 cái hũ không, có nắp vặn
- Nước đun sôi
- Một ít dung dịch glycerin (Có bán ở các hiệu thuốc)
- 1 bức tượng đồ chơi, nhỏ
- Kim tuyến
- Keo dán nhựa
1 - Dán bức tượng lên mặt trong của nắp hộp.
2 - Cho kim tuyến vào hũ.
3 - Rót nước đun sôi vào hũ, nhưng không được rót đầy.
4 - Thêm một ít glycerin vào hũ (nó sẽ làm “tuyết rơi chậm hơn).
5 - Quét keo quanh thành nắp hũ và vặn chặt lại. Lật ngược hũ, thế là đã có một quả cầu tuyết rồi!