10 LỜI KHUYÊN DÀNH CHO HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO CỦA DOANH NGHIỆP
“Không chịu đổi mới, không có khả năng cạnh tranh – đó là thách thức của thiên niên kỷ mới. Chúng ta cần nhiều nhân lực có đầu óc sáng tạo hơn để thúc đẩy năng lực cạnh tranh. Xã hội hãy thôi khuyến khích việc bắt chước dập khuôn và cung cấp các động cơ khích lệ để tạo ra sản phẩm độc đáo.”
Stan Shih
Chủ tịch & Giám đốc Điều hành Tập đoàn Acer
Sáng tạo là nền tảng của thành công trong kinh doanh dù ảnh hưởng của nó đôi khi không rõ ràng. Nhiều thành tựu ngày nay từng khởi đầu từ một ý tưởng đổi mới của một doanh nhân đầy sáng tạo. Khái niệm tiếp thị đa cấp của Amway; quảng cáo máy tính cá nhân dành cho gia đình của hãng máy tính Apple; thiết kế đồng hồ đeo tay như một mặt hàng thời trang được ưa chuộng của công ty đồng hồ Thụy Sĩ Swatch; nhượng quyền kinh doanh thực phẩm của hãng McDonalds; bán hàng qua Internet của Amazon.com; danh sách còn tiếp tục kéo dài nữa. Giờ đây, những điều này đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta, nhưng ở thời điểm ban đầu tất cả đều khởi nguồn từ những đổi mới.
Các công ty thành công đạt được và duy trì sự tăng trưởng và lợi nhuận ấn tượng thường có văn hóa doanh nghiệp dung dưỡng sự sáng tạo ở mọi cấp độ. Bước đầu tiên của sự đổi mới là sáng tạo. Sáng tạo bắt đầu từ việc coi trọng người lao động ở mọi cấp như một cá nhân có suy nghĩ chứ không chỉ là công cụ thao tác lao động.
Nhiều công ty thành lập các trung tâm sáng tạo và đổi mới của riêng mình để thúc đẩy tính sáng tạo trong tổ chức của họ. Chẳng hạn, công ty đa quốc gia DuPont đã thành lập Trung tâm Sáng tạo và Đổi mới DuPont. Một minh chứng cho sự thành công của trung tâm này là chính các nhân viên đã tự thành lập nên Mạng lưới Tư duy Sáng tạo DuPont Oz. Mạng lưới này có nhiệm vụ đào tạo chính họ và những cá nhân khác biết cách sáng tạo, đổi mới và ứng dụng kiến thức được trang bị để giải quyết các vấn đề hiện hữu trong công việc.
Ngày nay, các công ty đang tận dụng sức mạnh của Internet để thúc đẩy năng lực đổi mới của chính họ. Vượt qua ranh giới đổi mới của mỗi nhân viên, được gọi là Đổi mới mở rộng.
Đây là một thuật ngữ do Henry Chesbrough đề xuất trong cuốn sách Open Innovation (Tạm dịch: Đổi mới mở rộng). Ông định nghĩa khái niệm này như sau: Đổi mới mở rộng là một nguyên tắc mới nhằm tạo ra và thu lợi nhuận từ sự sáng tạo của con người. Nó đào sâu khai thác trí tuệ đám đông để thu hút các ý tưởng và giải pháp từ các chuyên gia bên ngoài, người tiêu dùng, nhà cung cấp và công chúng nói chung.
Có hai loại đổi mới mở rộng chính:
1. Huy động sáng kiến mở rộng: là loại hình kêu gọi và tìm kiếm nguồn cung ứng từ các nhóm người đông đảo, chưa xác định bên ngoài tổ chức để thực hiện một công việc của tổ chức. Loại hình đổi mới này có hình thức một hoạt động quảng bá, một cuộc thi hoặc một lời kêu gọi công chúng đóng góp các ý kiến phản hồi và các ý tưởng.
2. Huy động sáng kiến chuyên gia: là một chiến lược trong đó công ty đưa các chi tiết về một vấn đề hoặc tình huống cụ thể cho một nhóm người được tuyển chọn theo tiêu chí đặc biệt, ví dụ nhóm các chuyên gia, để tìm ra các giải pháp khả thi. Quá trình này thường được tiến hành dưới hình thức một cuộc thi. Hình thức này thường được sử dụng để tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề phức tạp hơn. Tôi đã tham gia với vai trò giám khảo trong cuộc thi Innovation Challenge (Tạm dịch: Thử thách sáng tạo), cuộc tranh tài quy mô lớn nhất trên toàn thế giới nhằm khuyến khích các học viên MBA đưa ra sáng kiến. Các công ty lớn muốn thu hoạch các ý tưởng từ họ nhằm mục tiêu tìm ra các giải pháp sáng tạo mới mẻ sẽ tài trợ cho cuộc thi.
Dựa trên nghiên cứu của tôi về những công ty đổi mới thành công, tôi đã biên soạn hệ thống phương pháp của họ thành một bản hướng dẫn đơn giản, dễ ứng dụng vào thực tế để bạn có thể khám phá cách thức phù hợp và triển khai áp dụng cho tổ chức của mình. Tôi đặt tên tài liệu này là: Hướng dẫn đổi mới dành cho doanh nghiệp sáng tạo (tập hợp các chữ cái đầu của hướng dẫn sẽ tạo thành từ INNOVATIVE).
Hướng dẫn dưới đây tập trung vào yếu tố con người, lấy nhân viên làm trung tâm. Hãy khai thác sức mạnh của Internet, bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu có thể, như một phương pháp khôn ngoan để mở rộng phạm vi của sự đổi mới.
HƯỚNG DẪN ĐỔI MỚI DÀNH CHO DOANH NGHIỆP SÁNG TẠO
1. Tạo ra các Giải thưởng Sáng tạo.
2. Nuôi dưỡng sức sáng tạo của nhân viên.
3. Thông báo kết quả của các đề xuất đã tiếp nhận.
4. Tổ chức lễ hội sáng tạo gia đình thường niên.
5. Đánh giá cao mô hình vay mượn ý tưởng kinh doanh.
6. Dành thời gian hạ nhiệt.
7. Đào tạo kỹ năng sáng tạo cho nhân viên.
8. Triển khai giải thưởng sai lầm của tháng.
9. Định kỳ đánh giá kết quả sáng tạo.
10. Khuyến khích tự do hiệp hội.
1. Tạo ra Giải thưởng Sáng tạo
Được ghi nhận là một trong những yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ nhất đối với bất kỳ cá nhân nào. Tạo ra Giải thưởng Ý tưởng hay nhất của tháng áp dụng trên phạm vi toàn tổ chức. Theo các kết quả nghiên cứu, những ý tưởng hay nhất thường đến từ những người lao động ở tuyến đầu.
Có trường hợp một người công nhân đi ngang qua một dây chuyền lắp ráp ô tô và thấy có điều gì đó kỳ lạ. Dây chuyền đó đã hoạt động được hơn một năm và hàng trăm, nếu không nói là hàng nghìn người, đã đi qua mà không ai nhận thấy điều bất thường. Đó là toàn bộ dây chuyền lắp ráp bằng rô bốt được thắp sáng hoàn toàn bằng đèn trần! Không giống như con người, rô bốt không cần ánh sáng khi hoạt động sản xuất. Với phát hiện thực tế này, người công nhân đã tiết kiệm cho doanh nghiệp hàng ngàn đô-la tiền điện mỗi tháng. Công nhân đó đã nhanh chóng trở thành người đoạt Giải thưởng Ý tưởng hay nhất của tháng.
Linus Pauling – chủ nhân giải thưởng Nobel đã nói rằng để có được một ý tưởng hay, bạn phải có rất nhiều ý tưởng mới mẻ trước. Số lượng ý tưởng là rất quan trọng vì chúng có xu hướng tích hợp chéo với nhau để tạo những ý tưởng tuyệt vời và có tính ứng dụng thực tế cao. Hãy khuyến khích dòng chảy ý tưởng vô tận – càng điên rồ bao nhiêu, càng hiệu quả bấy nhiêu vì chúng rất hữu ích trong việc phá vỡ các mô hình và hệ tư duy hiện hữu. Việc tạo ra Giải thưởng Ý tưởng hay nhất của tháng mà không đề cập đến tính thực tiễn của chúng là một cách tuyệt vời để những luồng ý tưởng phun trào trong tổ chức của bạn.
2. Nuôi dưỡng sức sáng tạo của nhân viên
Để nuôi dưỡng sức sáng tạo của nhân viên trong công ty, khả năng nhận ra khi nào quy tắc tốt trở thành các quy tắc xấu, cùng tầm nhìn xa, sự sáng tạo và trí tưởng tượng để thách thức sự thoái hóa là một yêu cầu thiết yếu. Các thủ tục rườm rà, quan liêu mà công ty đã sử dụng trong quá khứ có thể trở thành rảo cản đối với sự sáng tạo.
Điều hành để vận dụng và khai thác tiềm năng đổi mới bên trong nhân viên của bạn quan trọng hơn nhiều so với việc quản trị cấu trúc tổ chức và quản lý các thiết bị hoặc phần cứng thuộc sở hữu của công ty. Trao quyền là một công cụ đầy sức mạnh. Jan Carlzon đã có thể chuyển đổi SAS (Hãng hàng không Scandinavian Airlines) từ một tổ chức tập trung quan liêu, kinh doanh thua lỗ thành một công ty lấy khách hàng làm trung tâm, bằng cách trao quyền điều hành cho các nhân viên tuyến đầu. Anh ta đã đúc kết ra thuật ngữ Khoảnh khắc sự thật để mô tả từng khoảnh khắc tiếp xúc của các nhân viên với khách hàng. Họ được khuyến khích giải quyết vấn đề tại chỗ bằng chính khả năng tài tình, uyển chuyển của mình. Sự trao quyền sáng tạo này đã biến SAS thành một trong những hãng hàng không có hiệu suất hoạt động đứng đầu ở châu Âu.
3. Thông báo kết quả của các đề xuất đã tiếp nhận
Nghiên cứu chỉ ra rằng các hòm thư đề xuất và các hình thức tiếp nhận phản hồi khác từ nhân viên vốn không hiệu quả bởi họ cho rằng ban quản lý không coi trọng các đề xuất mà họ gửi một cách nghiêm túc. Vấn đề này được giải quyết thành công bằng cách giao cho ban quản lý có trách nhiệm trả lời phản hồi trong một khung thời gian xác định. Nếu nhân viên không nhận được bất kỳ phản hồi nào trong thời gian quy định, thì đề xuất đã gửi sẽ được phê duyệt tự động và đưa vào triển khai thực hiện. Điều đó gây dựng nơi các nhân viên sự tin tưởng để tiếp tục phản hồi cho ban quản lý, và ban quản lý sẽ tiến một bước dài trong quá trình thu nhận sự tín nhiệm.
Dựa trên các số liệu công bố trong Báo cáo thường niên quốc gia về hệ thống Kaizen Teian9 của Nhật Bản, công ty Idemitsu Kosan đã nhận được 1.073.256 ý tưởng trong một năm và trở thành nhà vô địch với trung bình 118,3 ý tưởng/năm/nhân viên. Có được kết quả này là nhờ việc thực hiện thông báo kết quả đề xuất của nhân viên cho chính họ và từng bước triển khai các đề xuất đó ở bất cứ nơi nào khả thi.
9 Kaizen Teian: Được ghép từ hai từ Kaizen (cải tiến) và Teian (đề xuất) là từ dùng để chỉ đề xuất cải tiến của người lao động
4. Tổ chức lễ hội sáng tạo gia đình thường niên
Trong mọi tổ chức, luôn có những tài năng ẩn giấu chưa có cơ hội thể hiện. Một lễ hội sáng tạo gia đình được tổ chức hàng năm sẽ mang đến cơ hội tuyệt vời để phát hiện những tài năng mới. Tính sáng tạo sẽ nở rộ trong một bầu không khí vui vẻ và tự do. Thay vì chi một đống tiền để thuê các nghệ sĩ giải trí chuyên nghiệp, hãy phân bổ số tiền này cho các nhóm nhằm thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo điên rồ theo ý thích riêng của họ. Mỗi đội phải tính toán hiệu quả và kế hoạch sử dụng ngân sách. Các kết quả sáng tạo sẽ được tập hợp trong một sân chơi cùng với các trò chơi và hoạt động lễ hội khác. Chương trình cũng khuyến khích các thành viên nấu và phục vụ các loại đồ ăn. Hầu hết mọi hoạt động đều được thực hiện trong nhà, ngoại trừ việc xây dựng các gian hàng, tán che và cơ sở hạ tầng cơ bản cho các lễ hội.
Thay vì một lễ hội gia đình, IBM tổ chức Sự kiện cải tiến hàng năm kể từ năm 2001 để khai thác khả năng sáng tạo của các nhân viên và những người bên ngoài được lựa chọn ở khắp nơi trên toàn thế giới. Các ý tưởng giành chiến thắng có thể tiếp tục nhận được tài trợ để phát triển. Kinh phí trung bình hàng năm để phát triển các ý tưởng trong danh sách chọn lựa là 100 triệu đô-la.
5. Đánh giá cao mô hình vay mượn ý tưởng
“Ý tưởng không được tạo ra ở đây” là một hiện tượng phổ biến ở nhiều tổ chức lớn. Khuynh hướng phủ nhận các ý tưởng và sự cải cách từ bên ngoài tổ chức luôn tồn tại. Khuynh hướng này đặc biệt bị đẩy lên cao trong trường hợp một nhân viên làm việc trong gara sửa xe khám phá ra một biện pháp cải cách đánh động toàn bộ bộ phận nghiên cứu và phát triển, bao gồm đội ngũ chuyên viên trình độ cao, được đào tạo bài bản, với mức lương khủng và một ngân sách hoạt động lớn.
Nhà sản xuất tiên phong của dòng máy photocopy Rank Xerox gặp rắc rối lớn khi các công ty Nhật Bản như Canon có thể sản xuất và bán các máy móc tương tự như vậy với chi phí thấp hơn nhiều so với Xerox. Trên thực tế, giá bán máy fax của Canon thậm chí còn thấp hơn chi phí sản xuất máy fax của Xerox. Doanh số đang tụt giảm nhanh chóng và Xerox đã rất nỗ lực để tìm ra giải pháp. Xerox đã tiên phong khai phá khái niệm “định chuẩn” (benchmarking). Đây thực chất là một phương pháp nghiên cứu thực tiễn tốt nhất của các tổ chức khác và xem liệu có thể áp dụng những gì thu được để vận dụng vào tổ chức của chính họ không. Chiến lược “copycat” (vay mượn ý tưởng kinh doanh của các công ty đã thành công để phát triển mô hình tương tự) này đã cứu Xerox một cách hiệu quả khỏi thảm cảnh trước mắt và tạo điều kiện để Xerox tiếp tục con đường phát triển của mình.
Sam Walton, người sáng lập Wal-Mart, chuỗi siêu thị bán lẻ lớn nhất ở Hoa Kỳ đã tóm lược thành công của ông là nhờ việc lặp lại giống hệt các hoạt động tốt nhất của các cửa hàng khác. Ông nói: “Hầu hết mọi thứ tôi đã làm, tôi đều sao chép ý tưởng từ ai đó.”
Tập đoàn đa quốc gia Rayool công khai khuyến khích việc vay mượn ý tưởng một cách cởi mở. Họ tạo ra hai giải thưởng nội bộ cho người sao chép ý tưởng và người khởi phát ý tưởng trong tổ chức. Phần thưởng là cúp kỷ niệm và giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận dành cho “kẻ đánh cắp ý tưởng” viết: “Tôi đánh cắp ý tưởng của ai đó và đang khai thác, vận dụng ý tưởng đó.” Người khởi xướng ý tưởng này nhận được một chứng nhận có nội dung: “Tôi có một ý tưởng tuyệt vời và tôi đang sử dụng nó.”
Ghi chú: Tôi đã phát triển quy trình 7 bước đổi mới các mô hình vay mượn ý tưởng để tối ưu hóa thành công bằng cách giảm thiểu rủi ro, thời gian và tài nguyên thông qua một biện pháp cải tiến giúp rút ngắn thời gian định hướng theo kết quả có thể đo lường đi kèm. Nếu bạn muốn biết thêm về quy trình này, vui lòng gửi email cho tôi đến địa chỉ [email protected] với tiêu đề “Copycat” để nhận một bản sao miễn phí: “Đổi mới hình thức vay mượn ý tưởng: Con đường đạo đức bất bại để sáng tạo lợi nhuận.”
6. Dành thời gian hạ nhiệt
Đôi khi một ý tưởng được tán thành quá nhiệt tình bởi những người có mặt tại cuộc họp chứa đựng rất nhiều nguy cơ. Đáng lo nhất là cuộc họp có thể bị định hướng theo lối suy nghĩ một chiều nào đó.
Điều này đặc biệt đúng nếu người khởi xướng ý tưởng giữ vị trí cấp cao. Robert Townsend trong cuốn sách của mình Down the Organization (Tạm dịch: Cơ cấu tổ chức theo chiều dọc từ trên xuống) đã viết rằng: “Nếu mọi người tán thành một ý tưởng nào đó một cách quá dễ dàng thì có lẽ ý tưởng đó gần như đã được định sẵn là kết quả của cuộc họp.” Ông vua thép vĩ đại Andrew Carnegie luôn thực thi chính sách tạm hoãn đưa ra quyết định cuối cùng và dành một khoảng thời gian hạ nhiệt để kiểm tra và đánh giá lại ý tưởng nếu tất cả mọi người đều tán thành ý tưởng đó. Bằng trải nghiệm, ông nhận thấy rằng các ý tưởng ban đầu thường không phải là các ý tưởng xuất sắc và luôn có thể tìm được một giải pháp tốt hơn sau quá trình phản biện.
7. Đào tạo kỹ năng sáng tạo cho nhân viên
Các chuyên gia sáng tạo như Edward de Bono tin rằng sáng tạo là một kỹ năng có thể đào tạo được. Trong thực tế, tất cả chúng ta khi sinh ra đều sẵn có tính sáng tạo. Chính các yêu cầu tuân thủ chuẩn mực xã hội đã bóp nghẹt sự sáng tạo đó. Chúng ta có thể thổi bùng ngọn lửa sáng tạo thông qua hoạt động đào tạo nhờ những hiểu biết về não bộ trong một thập kỷ qua đã nhiều hơn so với kiến thức thu được của toàn bộ nền văn minh nhân loại trước đó. Có những kỹ thuật cụ thể giúp bạn khai phá sức sáng tạo vốn có trong mình. Năm bước và ba kỹ thuật chính để sáng tạo được nêu trong cuốn sách này sẽ giúp bạn giải phóng quyền năng sáng tạo trong bạn. Đào tạo kết hợp với văn hóa sáng tạo sẽ phát huy tốt nhất năng lực của nhân sự trong tổ chức.
Chú thích
• Nếu bạn quan tâm đến việc cùng tôi tổ chức một hội thảo sáng tạo/đổi mới cho tổ chức của bạn, vui lòng gửi email cho tôi với tiêu đề: “Workshop” tới địa chỉ DrYKK@ mindbloom.net
• Nếu bạn muốn đăng ký nhận bản tin điện tử miễn phí thuộc tập san đổi mới kinh doanh, vui lòng gửi email đến địa chỉ [email protected] với tiêu đề: “BID”.
8. Triển khai giải thưởng sai lầm của tháng
Quyết định đúng đắn là cơ sở tạo dựng thành công trong kinh doanh. Nhưng để đưa ra các quyết định chính xác đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Mà kinh nghiệm chỉ có thể thu được từ các trải nghiệm sai lầm. Do đó, văn hóa khoan dung với các sai lầm cũng là một phần nền tảng thiết yếu của thành công trong kinh doanh. Thêm vào đó, phạm sai lầm cũng là một phần của văn hóa đổi mới.
Có một câu chuyện về một kỹ sư cao cấp của IBM đã phạm sai lầm gây tổn thất tới 20 triệu đô-la. Anh ta đã chuẩn bị tinh thần và chờ đợi ông chủ Tom Watson đưa ra hình phạt trong buổi triệu tập. Cuối cùng, viên kỹ sư đó cũng được triệu tập để gặp ông chủ. Sau khoảng thời gian chờ đợi dài đằng đẵng, vị kỹ sư đã chuẩn bị đón nhận điều tồi tệ nhất. Trong khi đó, Tom không hề đề cập dù chỉ đôi chút đến sai lầm của anh ấy. Tất cả những gì ông làm là tóm tắt thông tin về một dự án mới cho vị kỹ sư và yêu cầu anh tiếp quản chỉ đạo thực hiện dự án. Viên kỹ sư không thể kiềm chế nỗi lo lắng của mình thêm nữa và đã hỏi ông chủ khi nào anh ấy phải chấm dứt công việc. “Sa thải anh chỉ vì một trải nghiệm tiêu tốn 20 triệu đô-la ư? Không đời nào!” chính là phản ứng tức thời của ông Watson. Sau đó, vị kỹ sư này đã tiếp tục làm việc để trở thành một trong những nhân viên quan trọng nhất của IBM.
Một câu chuyện khác liên quan đến Henry Ford. Một trong những phó chủ tịch đã mắc một lỗi lớn liên quan đến hàng tồn kho, làm thất thoát của công ty hơn 1 triệu đô-la, số tiền đó rất lớn ở thời điểm năm 1920. Dự đoán mình sẽ bị sa thải, vị phó chủ tịch đã đệ đơn từ chức. Henry Ford đọc lá đơn và xé ngay lập tức. “Anh nghĩ rằng tôi sẽ sa thải anh sau những gì vừa xảy ra đúng không?” Ông hỏi. “Tôi vừa đầu tư 1 triệu đô-la vào việc đào tạo anh!” Vị phó chủ tịch đã ở lại và giúp biến Ford Motors thành một công ty ô tô có lợi nhuận dẫn đầu.
9. Đánh giá kết quả sáng tạo bằng các công cụ đo lường
Khoản tiết kiệm hoặc doanh thu có được từ ý tưởng đổi mới có thể định lượng được. Trong ví dụ về Giải thưởng ý tưởng hay nhất, giá trị của ý tưởng tiết kiệm điện năng bằng cách tắt đèn chiếu sáng trên dây chuyền lắp ráp bằng rô bốt có thể đo lường một cách dễ dàng.
Hãng hàng không American Airlines đã tiết kiệm hơn nửa triệu đô-la nhờ ý tưởng đơn giản của một tiếp viên hàng không tuyến đầu. Ý tưởng của cô là cung cấp cho hành khách hạng nhất hai lon trứng cá muối 100gram chứ không phải một lon 200gram như thông thường bởi cô quan sát thấy loại thực phẩm này thường bị lãng phí. Ý tưởng này giúp tiết kiệm tới hơn nửa triệu đô-la trong mức tiêu thụ 3 triệu đô-la hàng năm của hãng hàng không.
Không phải sự sáng tạo nào cũng đều đo lường được, nhưng việc định lượng giá trị của các ý tưởng sáng tạo bất cứ khi nào có thể là việc nên làm. Bởi điều đó đóng vai trò như một liều thuốc tinh thần đối với các nhân viên. Tất nhiên, một phần của giá trị có được nhờ hoạt động sáng tạo nên được phân phối trở lại dưới dạng các chính sách khuyến khích ý tưởng.
10. Khuyến khích tự do hiệp hội
Những cuộc trò chuyện bình thường giữa các nhân viên là vũ khí hiệu nghiệm để tạo ra những đột phá công nghệ. Hai kỹ sư vừa hoàn thành việc thiết kế máy móc của máy in laser mới cho hãng HP. Họ đang uống cà phê thì các đồng nghiệp khác tham gia cùng. Tất cả cùng trò chuyện về loại máy in mà họ mơ ước. Tựu chung lại, mọi người đều muốn có một chiếc máy in màu với độ phân giải ít nhất là 200 điểm trên mỗi in-xơ (1in-xơ = 2,54cm). Hai kỹ sư phát triển trăn trở về ý tưởng đó. Họ tạo ra một kết nối giữa cách thức hoạt động của bình pha cà phê và mực in. Kết quả là họ đã tạo ra một vụ nổ mực trong tầm kiểm soát và phát minh ra máy in phun. Điều này sẽ không xảy ra nếu không có cuộc trò chuyện bên máy pha cà phê.
Những phát kiến đột phá tình cờ như vậy không thể xảy ra nếu thiếu đi tương tác với tập thể. Trên thực tế, đây dường như là cơ chế đổi mới hiệu quả nhất và được áp dụng rộng rãi ở Thung lũng Silicon.
Nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo là điều cần thiết để các công ty và tổ chức tiếp tục tồn tại và phát triển khi chuyển giao sang thiên niên kỷ tiếp theo. Hãy luôn nhớ rằng một hệ thống tồi luôn tiềm tàng nguy cơ hủy hoại một con người tài hoa. Ngược lại, một hệ thống tiến bộ sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để tính sáng tạo và khả năng tạo lợi nhuận nở rộ như hoa mùa xuân.
Hãy ghi chép tóm lược quá trình khai trí sáng tạo của bạn tại đây
................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
Phần trống dành cho bạn ghi chép bất kỳ ý tưởng hay cảm hứng nào nảy sinh trong quá trình đọc chương này.