1. Các loại đối tượng mục tiêu quảng cáo Facebook
Năm 2017, Việt Nam có khoảng 52 triệu người dùng Facebook, với các công cụ phân tích và lựa chọn đối tượng mạnh mẽ, bạn hoàn toàn có thể nhắm mục tiêu những người phù hợp với doanh nghiệp, shop của mình dựa trên những gì bạn hiểu về khách hàng của mình. Các đối tượng Facebook dựa theo yêu cầu của bạn được chia làm ba loại: đối tượng tệp lõi, đối tượng tùy chỉnh và đối tượng tương tự.
1.1 Đối tượng tệp lõi - Core audience
Facebook cho phép nhà quảng cáo lựa chọn thủ công đối tượng của mình dựa trên các đặc điểm như nhân khẩu học, tâm lý, hành vi, độ tuổi, giới tính, sở thích, tình trạng quan hệ. Và đây chính là đối tượng tệp lõi mà bạn hướng đến để hiển thị nội dung quảng cáo trên Facebook. Loại “đối tượng này có thể tạo lập bằng cách chỉnh sửa, khoanh vùng ở mục Đối tượng trên trình duyệt quảng cáo.
1.2 Đối tượng tùy chỉnh
Facebook cho phép nhà quảng cáo kết nối với những người đã biết thông qua danh sách liên hệ có sẵn, các đối tượng đã từng tương tác thông qua Facebook, Instagram, Website của doanh nghiệp. Loại đối tượng tùy chỉnh này có thể tạo lập bằng cách tải lên danh sách liên hệ hoặc tạo lập thông tin đối tượng thông qua mục đối tượng của trình duyệt quảng cáo.
1.3 Đối tượng tương tự
Facebook cho phép sử dụng thông tin về khách hàng của bạn để tìm những người giống họ trên Facebook dựa trên những đặc trưng tương tự từ tệp khách hàng đó. Khi xây dựng tệp đối tượng có những đặc trưng cơ bản và gần như giống nhau với những khách hàng cũ, cơ hội để bạn có những khách hàng tiềm năng từ quảng cáo Facebook sẽ lớn hơn rất nhiều.
2. Target đối tượng căn bản trong quảng cáo Facebook
Quảng cáo trong nhóm quảng cáo của bạn có khả năng hoạt động tốt hơn nếu được hiển thị cho những người có nhiều khả năng quan tâm đến sản phẩm dịch vụ của bạn nhất. Khi bạn chia nhỏ mục tiêu nhắm đến từng nhóm người cụ thể, bạn có thể tùy chỉnh hình ảnh và văn bản của mình để quảng cáo mang tính cá nhân nhiều hơn và hấp dẫn hơn với đối tượng bạn đang tiếp cận. Và sau đây là các tùy chọn đối tượng khi bạn nhắm quảng cáo.
Vị trí
Chỉ là một cửa hàng nhỏ lẻ muốn tiếp cận tới người dân ở xung quanh khu vực hay thậm chí là một brand mới ra mắt và muốn tiếp cận tới cả cộng đồng thì vị trí địa lý chính là vấn đề bạn đang quan tâm.
Khi target theo vị trí địa lý, có một số vị trí bạn muốn nhắm mục tiêu nhưng không nằm trong danh mục của Facebook, khi đó bạn có thể target bằng cách thả ghim trên bản đồ vị trí địa lý mà bạn muốn phân phối quảng cáo rồi chọn ranh giới vòng ngoài (bán kính +km). Hãy nhớ, bạn cần thả ghim trước khi chọn ranh giới vòng ngoài.
Sở thích
Tùy chọn sở thích giúp bạn khoanh vùng và tiếp cận với khách hàng mục tiêu với tỷ lệ cao hơn từ các mối quan tâm mà người dùng liệt kê, các hoạt động, chức danh công việc của họ, trang họ thích, cộng đồng mà họ tham gia. Tuy nhiên cách xác định này không hoàn toàn chính xác khi người dùng cập nhật không đúng trạng thái hay thói quen “like dạo” khiến việc target theo sở thích có thể bị sai lệch.
Khi trang đạt trên 100.000 likes, Facebook sẽ chuyển trang vào mục sở thích và quản trị viên có thể nhắm trang như một sở thích của người dùng.
Bạn có thể nhắm đến các fan của trang và cả những người thể hiện sự quan tâm yêu thích tới trang với những hành động đã thực hiện như nhắc đến, tag, check in mặc dù những người này không phải là fan của trang đó.
Ví dụ: Nếu bạn đang làm spa, thẩm mỹ viện bạn có thể nhắm target đến những người có sở thích spa, thẩm mỹ, làm đẹp hoặc nhắm sở thích tới các trang thẩm mỹ có lượng like trên 100.000 để tiếp cận tới các đối tượng đó biến họ thành khách hàng tiềm năng của bạn.
Hành vi
Tùy chọn hành vi giúp bạn tiếp cận đến các đối tượng khách hàng tiềm năng của bạn dựa trên hành vi mua hàng trước đây của họ hoặc các thiết bị họ đang sử dụng.
Ví dụ bạn đang bán phụ kiện điện thoại, bạn có thể nhắm quảng cáo tới những người dùng có hành vi là chủ sở hữu điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Điều này làm thu hẹp tập đối tượng hướng đến của bạn và giúp đảm bảo người xem quảng cáo đúng đối tượng và tỷ lệ chuyển đổi cao hơn.
Kết nối
Tùy chọn này giúp bạn kết nối với những người đã thích trang của mình hoặc loại trừ họ để khai thác đối tượng mới.
Ví dụ bạn đang muốn tăng like cho Fanpage, một cách dễ dàng là bạn loại trừ những người đã thích trang cho tệp đối tượng hướng đến.
Thông tin nhân khẩu học
Nhân khẩu học là một trong những tiêu chí giúp bạn phân loại thông điệp quảng cáo và tiếp cận đến những đối tượng phù hợp để sử dụng sản phẩm dịch vụ của bạn.
Sự khác biệt giữa "Số người tiếp cận tiềm năng" và "Số người tiếp cận hàng ngày ước tính" là gì?
Số người tiếp cận tiềm năng là tổng số người trong đối tượng mục tiêu của bạn và bạn có thể tăng hoặc giảm con số này bằng cách nhắm mục tiêu rộng hơn hoặc cụ thể hơn. Số người tiếp cận hàng ngày ước tính cho bạn biết số người thuộc đối tượng mục tiêu của bạn mà bạn có thể tiếp cận vào một ngày cụ thể.
Con số này bạn có thể thấy trong bảng điều khiển “xác định đối tượng” ở bên phải tùy chọn tạo nhóm quảng cáo của mình. Facebook ước tính con số này dựa trên hiệu quả quảng cáo tương tự từ các nhà quảng cáo, số tiền bạn sẵn sàng chi trả. Và vì số nhà quảng cáo và số người trên Facebook thay đổi hàng ngày, thuật toán của Facebook cũng có cập nhật nên đôi khi bạn có thể thấy những con số ở đây thay đổi. Con số này giúp bạn ước tính và xác định số tiền bạn muốn chi tiêu cho quảng cáo chứ không phải là con số chính xác có bao nhiêu người thực sự sẽ xem quảng cáo của bạn khi nó chạy.
3. Cách tạo và sử dụng các loại đối tượng tùy chỉnh
Đối tượng khách hàng tùy chỉnh (Facebook Custom Audiences) là một trong những tùy chọn giúp quảng cáo hiệu quả hơn. Với đối tượng tùy chỉnh bạn có thể nhắm mục tiêu quảng cáo tới những người đã biết, đó là những người dùng thực sự đã có tương tác với doanh nghiệp của bạn.
Ví dụ trên tập đối tượng người dùng đã truy cập vào website của bạn. Khi chạy quảng cáo này bạn sẽ biết chính xác những người dùng đến từ nguồn nào, có nhu cầu gì đang thấy quảng cáo của bạn để từ đó bạn có thể đưa ra thông điệp phù hợp với nhu cầu tiếp cận lại những người này. Việc này giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi cũng như mang đến hiệu quả gấp nhiều lần so với chỉ sử dụng đối tượng tệp lõi thông thường. Nếu như ở mục 2 phía trên là tìm kiếm đối tượng mới trên thị trường thì ở phần này là bạn đang khai thác tập đối tượng đó khi đã biết được nhu cầu của họ.
3.1 Phân loại đối tượng tùy chỉnh
Có năm cách để tạo đối tượng tùy chỉnh từ nhóm khách hàng hiện tại hoặc người đã từng tương tác với doanh nghiệp của bạn trên Facebook hoặc các nền tảng khác. Với mỗi loại bạn có thể chia nhỏ thành các tập khách hàng khác nhau. Bạn càng cụ thể tập khách hàng của mình thì hiệu quả quảng cáo càng tốt hơn.
Hồ sơ khách hàng (Customer List)
Đối tượng tùy chỉnh được tạo bởi hồ sơ khách hàng thông qua các thông tin như địa chỉ email hoặc số điện thoại. Bạn có thể tải lên toàn bộ danh sách hoặc chia nhỏ, phân loại các tập khách hàng khác nhau theo những tiêu chí hay nhu cầu khác nhau, miễn là khách hàng có sử dụng các thông tin liên hệ này trùng với thông tin của họ trên Facebook là bạn hoàn toàn có thể tiếp cận quảng cáo tới họ.
Bạn có thể tạo hồ sơ khách hàng bằng cách thêm khách hàng từ tệp, sao chép và dán dữ liệu hoặc nhập từ MailChimp.
Lưu lượng truy cập trang web (Website Traffic)
Đối tượng tùy chỉnh là người dùng truy cập vào một hay nhiều website của bạn, bạn có thể nhắm mục tiêu dựa trên những trang web mà họ đã ghé thăm trong vòng tối đa 180 ngày nhờ Pixel Facebook hoặc cũng có thể target khách hàng truy cập web trên 10 lần.
Một ví dụ được thực hiện trong ảnh với mục tiêu người dùng truy cập tới website của một bệnh viện thẩm mỹ trong vòng 30 ngày.
Hoạt động ngoại tuyến
Đối tượng tùy chỉnh ở đây là những khách hàng tham gia Event, tới cửa hàng, bạn cũng có thể tạo đối tượng tùy chỉnh là khách hàng đã tương tác với bạn trong khoảng thời gian nhất định.
Hoạt động trong ứng dụng (App Activity)
Nếu bạn có một ứng dụng mobile bạn cũng có thể tạo đối tượng tùy chỉnh từ những người dùng hoạt động trên ứng dụng của bạn hoặc tương tác với ứng dụng của bạn trong vòng 180 ngày qua.
Tương tác
Đây là cách để tạo đối tượng tùy chỉnh với đối tượng nhắm đến là những người đã từng tương tác với trang Instagram hoặc trang Facebook của bạn như xem video, tương tác trang, mở Canvas. Đối với loại đối tượng này, bạn có thể tạo ra tập đối tượng tương tác trong khung thời gian tối đa lên đến 365 ngày.
Trong từng phân mục nhỏ, bạn lựa chọn các thông số để tạo những đối tượng tùy chỉnh cụ thể nhất. Ví dụ dưới là của Video, bạn có thể lựa chọn những người xem video của bạn trong tối thiểu 3s, 10s, 25%, 50%, 100%.
3.2 Cách tạo đối tượng tùy chỉnh
Đối tượng tùy chỉnh phổ biến nhất cho các cửa hàng online là đối tượng tùy chỉnh tương tác và lưu lượng truy cập trang web, do vậy phần này được tập trung giới thiệu và hướng dẫn cho hai loại đối tượng tùy chỉnh này.
Cách thức thiết lập đối tượng tùy chỉnh dựa vào lưu lượng truy cập trang web (Website traffic)
Bước 1: Tại trình quản lý quảng cáo chọn “Đối tượng” từ trình đơn sổ xuống trong mục công cụ.
Nếu đã có đối tượng tùy chỉnh trước đó, nó sẽ xuất hiện tại đây hoặc bạn có thể tạo đối tượng mới bằng cách click vào “Tạo đối tượng”.
Chọn “Đối tượng tùy chỉnh” rồi chọn “Lưu lượng truy cập trang web (Website traffic)”.
Bước 2: Tại đây bạn có thể tạo ra đối tượng tùy chọn với các lựa chọn sau:
Bất cứ ai truy cập trang web của bạn.
Những người truy cập các trang web cụ thể.
Những người truy cập những trang web cụ thể chứ không phải người khác.
Những người không truy cập trong một thời gian nhất định.
Kết hợp tùy chỉnh.
Với mỗi tùy chọn bạn có thể chọn tên miền, cài đặt khung thời gian từ 1 đến 180 ngày.
Cách thức thiết lập đối tượng tùy chỉnh dựa vào tương tác
Bước 1: Tương tự như trên, tại trình quản lý quảng cáo chọn “Đối tượng” từ trình đơn sổ xuống trong mục công cụ.
Nếu đã có đối tượng tùy chỉnh trước đó, nó sẽ xuất hiện tại đây hoặc bạn có thể tạo đối tượng mới bằng cách click vào “Tạo đối tượng”.
Chọn “Đối tượng tùy chỉnh” rồi chọn Tương tác.
Bước 2: Tại đây bạn có thể tạo ra đối tượng tùy chọn với các lựa chọn sau:
Tạo danh sách những người xem video.
Tạo danh sách gồm những người đã mở hoặc hoàn tất mẫu trong quảng cáo tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Tạo danh sách những người đã mở Canvas của bạn trên Facebook.
Tạo danh sách những người đã tương tác với Trang của bạn trên Facebook.
Tạo danh sách những người đã tương tác với trang cá nhân doanh nghiệp trên Instagram của bạn.
Tạo danh sách những người đã tương tác với sự kiện của mình.
Với mỗi tùy chọn, bạn có thể chọn những thuộc tính nhỏ hơn để phân loại và chia nhỏ đối tượng như thời gian xem video, số người tương tác với trang, tương tác quảng cáo, gửi tin nhắn.
Lựa chọn mục tiêu của tệp, đó là bất cứ ai đã truy cập trang của bạn, hoặc đã tương tác với bài viết, hoặc cũng có thể đã gửi tin nhắn cho trang.
Click vào Thêm quy tắc khác hoặc Loại trừ thêm để tạo đối tượng, trong ví dụ là target đến tệp khách hàng đã tương tác với trang MediaZ Book trong vòng 90 ngày và loại trừ nhóm khách hàng đã tương tác với trang MediaZ Book trong 30 ngày gần nhất.
4. Cách tạo và sử dụng đối tượng tương tự - Lookalike (LAL)
4.1 Các cách tạo đối tượng tương tự
Nếu bạn đang muốn tìm cách tiếp cận đến nhiều người hơn giống khách hàng tương tự của bạn, đối tượng tương tự - Lookalike có thể giúp bạn điều này. Nó cho phép bạn sử dụng thông tin đã có để tiếp cận các đối tượng bạn quan tâm thông qua:
Người thích trang
Mở rộng tập khách hàng và tìm kiếm khách hàng tiềm năng bằng cách sử dụng đối tượng tương tự với quảng cáo thích trang. Bạn nhắm đến mục tiêu những người dùng giống với người đã thích trang của bạn nhưng chưa biết gì về trang đó.
Danh sách cơ sở dữ liệu khách hàng
Kết hợp đối tượng tùy chỉnh và đối tượng tương tự cùng nhau để tiếp cận đến những khách hàng tượng tự với tệp khách hàng đã có.
Khách hàng truy cập website
Với tệp khách hàng đã từng truy cập vào trang web của bạn có mã Pixel gắn trên website đó, bạn có thể thu hút thêm truy cập bằng cách tiếp cận đến những người tương tự như những khách hàng nằm trong tệp đó.
4.2 Làm cách nào để tạo đối tượng tương tự?
Bước 1: Lựa chọn phương thức quảng cáo nhắm đến đối tượng tương tự bằng cách truy cập trình quản lý quảng cáo, chọn tab Đối tượng, chọn Tạo đối tượng tương tự.
Bước 2: Chọn nguồn là nhóm khách hàng mà bạn hướng đến từ tệp khách hàng bạn đã lưu hoặc tạo mới nhóm khách hàng tùy chỉnh để chạy đối tượng tương tự dựa trên tập khách hàng đó.
Quay lại ví dụ của ngành spa, thẩm mỹ có thể chạy với tập tùy chỉnh làm nguồn là tệp lưu lượng khách hàng vào trang web dịch vụ nâng mông trong vòng 15 ngày với mục đích tìm ra nhóm đối tượng có quan tâm đến dịch vụ nâng mông hoặc các dịch vụ phẫu thuật cải thiện vóc dáng khác.
Bước 3: Lựa chọn tăng giảm quy mô đối tượng bằng cách sử dụng thanh trượt được giới hạn từ 1 đến 10% tổng dân số quốc gia.
Tính tương tự: Facebook sẽ tìm ra 1-10% người dùng hàng đầu trên Facebook của quốc gia bạn chọn (tỷ lệ tùy theo đối tượng thành quả mà bạn chọn) giống đối tượng nguồn của bạn nhất để hiển thị quảng cáo. Tối ưu hóa đối tượng tương tự của bạn để quảng cáo có thể tiếp cận tới đối tượng chính xác hơn, giống hơn với tệp tùy chỉnh ban đầu.
Chỉ số tiếp cận: Sau khi chạy với quy mô bé, việc tiếp theo chính là tối ưu hóa quy mô đối tượng của bạn bằng cách tăng tỷ lệ %. Facebook sẽ tìm ra tối đa 10% người dùng hàng đầu Facebook tại quốc gia bạn chọn giống với đối tượng nguồn của bạn nhất và hướng tới hiển thị quảng cáo trên tập đối tượng đó.
Lưu ý: Quy mô của đối tượng nguồn tối thiểu là 100 người nhưng chúng tôi khuyên bạn tạo ở mức cao hơn, càng nhiều người trong đối tượng nguồn của bạn, Facebook càng có thể tìm được nhiều người giống họ hơn.
4.3 Tạo quảng cáo với đối tượng tương tự
Đối tượng tương tự của bạn sẽ sẵn sàng để sử dụng cho việc nhắm mục tiêu quảng cáo trong vòng 6 đến 24 giờ. Bạn có thể kiểm tra trạng thái của đối tượng này trong cột Tính khả dụng. Khi có thể sử dụng được, nó sẽ thông báo ở trạng thái “sẵn sàng”.
Tệp đối tượng tương tự bạn nhận được sẽ không bao gồm tập đối tượng nguồn bạn sử dụng.
Chọn mục tiêu quảng cáo của bạn trong công cụ tạo quảng cáo và thiết lập đối tượng quảng cáo là đối tượng Lookalike bạn đã tạo. Bạn có thể tùy chỉnh bằng cách thêm tùy chọn nhắm mục tiêu đối tượng tệp lõi trên Facebook ví dụ như độ tuổi, vị trí, giới tính.
5. LTV - công cụ hứa hẹn nhiều tiềm năng
Bạn mới bắt đầu chạy quảng cáo bán hàng và mới chỉ có một lượng khách hàng nhỏ. Việc tiếp tục chạy với đối tượng target căn bản khiến bạn tốn quá nhiều chi phí mà khả năng chuyển đổi rất thấp, để giải quyết vấn đề này thì LTV thực sự là một công cụ hữu hiệu cho bạn để khám phá ra nhóm đối tượng hiệu quả.
Đầu tiên chúng ta cùng tìm hiểu LTV là gì nhé!
LTV là viết tắt của Lifetime Value (giá trị suốt đời của khách hàng). Đó là một công cụ hỗ trợ nhận đối tượng tương tự hiệu quả hơn phương pháp thông thường. LTV liên kết khách hàng dựa trên tần suất mua hàng trong một chu kỳ kinh doanh, số tiền họ chi tiêu mỗi lần mua hàng tính theo USD với doanh nghiệp của bạn thông qua mối quan hệ của họ với bạn. Khi bạn đưa giá trị khách hàng vào đối tượng nhắm đến hệ thống sẽ sử dụng giá trị đó để đánh giá và tìm kiếm khách hàng mới tương tự với khách hàng giá trị cao nhất của bạn.
LTV có ứng dụng như thế nào trong quảng cáo Facebook?
LTV được tạo ra để ứng dụng trong việc tìm đối tượng Lookalike có giá trị Value-based Lookalike Audience.
Ở tệp khách hàng tùy chỉnh bạn tải lên có thêm một cột giá trị, ví dụ như số tiền họ bỏ ra để mua hàng chẳng hạn thì bạn có thể sử dụng tệp hồ sơ khách hàng này như một nguồn giá trị trọn đời của khách hàng. Bằng việc sử dụng LTV, bạn sẽ tạo đối tượng Lookalike nhắm đến đối tượng tương tự và giống nhất với nhóm khách hàng có giá trị cao chẳng hạn. CPC có thể sẽ cao, tuy nhiên bạn sẽ tìm được khách hàng có khả năng tương tác, tỷ lệ chuyển đổi tốt và mua hàng với giá trị đơn hàng khá lớn.
Làm cách nào để tạo được Đối tượng tương tự có giá trị (Value-based Lookalike Audience)?
Bước 1: Truy cập mục đối tượng của trình duyệt quảng cáo, chọn tạo đối tượng tương tự.
Ở phần nguồn thay vì chọn đối tượng phù hợp, bạn click vào “Tạo mới” và click vào “Tạo đối tượng tùy chỉnh với LTV”.
Bước 2: Tải lên tập hồ sơ có khách hàng tùy chỉnh với LTV theo mẫu rồi click vào nút “Tiếp”.
Dưới đây là mẫu tệp tùy chỉnh với LTV có thể sử dụng. Bạn có thể tìm hiểu thêm cách chuẩn bị hồ sơ khách hàng tại link: https://business. facebook.com/business/help/606443329504150.
Lưu ý, cột value đang sử dụng ở đây là số tiền khách hàng đã bỏ ra để mua sản phẩm với đơn vị tính là USD.
Bước 3: Chọn cột mà bạn muốn sử dụng cho giá trị khách hàng và click vào nút “Tiếp”.
Bước 4: Facebook sẽ hiển thị cho bạn xem trước dữ liệu của bạn và cách phân loại nó, bạn có thể thay đổi kiểu dữ liệu, xóa dữ liệu, thay đổi định dạng bằng cách nhấp vào trình đơn thả xuống và chọn loại phù hợp.
Lưu ý: Mọi loại dữ liệu đều yêu cầu một định dạng để có thể sử dụng, nhưng chỉ một số loại yêu cầu phải có chi tiết định dạng. Bạn sẽ chỉ thấy trình đơn thả xuống chọn định dạng nếu cần thiết.
Bước 5: Thực hiện tạo đối tượng tương tự dựa trên đối tượng tùy chỉnh từ LTV.
Tạo Lookalike với tập đối tượng tùy chỉnh bao gồm LTV, bạn đã có tập đối tượng tương tự có giá trị Value-based Lookalike Audience. Sau khoảng 30 phút tải đối tượng, bạn đã có thể dùng để nhắm mục tiêu quảng cáo.
6. Triển khai Pixel Facebook
Khách hàng đã tìm đến website thì ít nhiều họ đã quan tâm đến sản phẩm dịch vụ và lúc này Pixel Facebook thực sự là công cụ tuyệt vời giúp bạn lấy được tệp khách hàng đã truy cập vào website, giúp bạn phân loại tập khách hàng và đưa ra thông điệp quảng cáo phù hợp. Ngoài ra nó còn có thể phân tích, đánh giá hiệu quả của quảng cáo. Bạn có thể sử dụng Pixel Facebook để theo dõi tìm hiểu hành động mà mọi người thực hiện trên trang web của bạn, biết được họ đã vào những trang nào và tiếp cận lại đối tượng đã có quan tâm tới sản phẩm dịch vụ nhưng chưa phát sinh hành động mua hàng.
Lưu ý: Facebook đã cung cấp một mã Pixel duy nhất giúp bạn có thể theo dõi chuyển đổi và lưu cả tệp đối tượng tùy chỉnh, vì vậy nếu bạn chưa hoặc đang gắn mã Pixel cũ thì nên cập nhật làm mới cho website của mình.
6.1 Hiểu hơn về Pixel Facebook
Pixel Facebook là một đoạn mã JavaScript của trang web, cho phép bạn tạo đối tượng, tối ưu hóa và đánh giá chiến dịch quảng cáo của mình. Bằng cách sử dụng Pixel Facebook, bạn có thể tận dụng hành động của khách hàng thực hiện trên website để áp dụng vào chiến dịch quảng cáo trên Facebook được tốt hơn.
Hiểu một cách đơn giản nếu website của bạn là nhà thì Pixel là camera giúp bạn theo dõi hành động của mọi người khi vào nhà bạn, họ là ai, quan tâm đến thứ gì, họ thực hiện hành động gì?
Bạn có thể sử dụng Pixel để:
- Tạo tệp khách hàng tùy chỉnh từ nguồn dữ liệu khách hàng truy cập vào website và chia thành từng nhóm nhỏ có phân loại mục đích khách hàng như vào trang sản phẩm nào, thêm vào giỏ hàng chưa, mua sản phẩm nào để từ đó đưa ra thông điệp quảng cáo phù hợp.
- Tối ưu hóa phân phối quảng cáo đến những người có khả năng thực hiện hành động thông qua sự kiện chuyển đổi, nó giúp đảm bảo quảng cáo được xem bởi những người có nhiều khả năng thực hiện hành động mà bạn muốn họ thực hiện nhất. Tính năng này sẽ được hướng dẫn trong phần quảng cáo Web conversion.
- Pixel Facebook có thể tạo thêm tệp đối tượng tương tự với khách hàng tiềm năng, những người đã từng vào website của bạn để xem sản phẩm.
- Trong trường hợp bạn kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, có nhiều sản phẩm được bán và muốn nhanh chóng tiếp cận lại trên Facebook những người đã vào web xem sản phẩm của bạn thì Pixel Facebook là ứng dụng tuyệt vời dành cho bạn. Nó tạo quảng cáo động liên quan và chạy quảng cáo Facebook dựa trên sản phẩm mà khách hàng vừa có tương tác với nó trên website.
- Pixel có thể đánh giá chuyển đổi giữa các thiết bị thông qua việc đánh giá hành vi của khách hàng khi đang truy cập trên thiết bị nào đó.
- Ngoài ra nó còn thu thập thông tin về khách hàng để nhận diện thông tin chi tiết về đối tượng - những người đã truy cập website của bạn.
6.2 Cách triển khai Pixel trên Facebook.
Tạo Pixel Facebook
Bước 1: Kéo thả trình đơn chọn Pixel, rồi click vào chọn “Tạo Pixel”.
Bước 2: Ở cửa sổ này nhập tên Pixel mà bạn cần tạo. Với mỗi tài khoản quảng cáo, bạn chỉ có thể tạo một Pixel.
Vậy là bạn đã hoàn thành xong bước đầu tiên của việc tạo Pixel cho tài khoản quảng cáo.
Lấy mã và dán mã Pixel facebook lên trang website
Bước 1: Tại cửa sổ tạo Pixel chọn sao chép và dán mã.
Bước 2: Bạn cần cài đặt 2 loại mã bao gồm: mã cơ sở Pixel trên tất cả các trang của website và mã sự kiện trên trang web cụ thể.
Bấm chọn “Cài đặt mã cơ sở pixel”, khi đó sẽ có một đoạn code sẽ được thiết lập và hiển thị tới bạn và làm theo hướng dẫn.
Tìm đến thẻ <head></head> trong mã trang web hoặc tìm mã tiêu đề trong nền tảng web hoặc CMS của bạn để paste đoạn code này hoặc nhấn tiếp theo để nhập email chuyển nội dung mã cơ sở này tới coder của bạn. Họ sẽ làm thay bạn.
7. Giới thiệu về Overlap (độ trùng chéo) của đối tượng
Tại sao chúng ta cần xử lý độ trùng chéo đối tượng khi target quảng cáo?
Đối tượng bị trùng chéo là một yếu tố dẫn đến hiệu quả phân phối nhóm quảng cáo của bạn bị kém đi. Các nhóm quảng cáo của cùng một nhà quảng cáo sẽ tham gia một cuộc đấu giá (do mục tiêu nhắm đến đối tượng giống nhau nên bạn sẽ tham gia tự đấu giá với quảng cáo của chính mình) và Facebook sẽ xem xét nhóm quảng cáo nào có lịch sử hoạt động tốt sẽ được ưu tiên và ngăn các nhóm quảng cáo khác đang cạnh tranh để hiển thị. Điều này sẽ làm tăng chi phí và dẫn đến việc sử dụng ngân sách không hiệu quả.
Làm sao để biết các tập đối tượng có bị trùng chéo hay không?
Bạn có thể kiểm tra các đối tượng của mình có bị trùng chéo hay không qua công cụ do Facebook cung cấp với các bước sau:
Bước 1: Đi tới đối tượng của bạn.
Bước 2: Chọn hộp bên cạnh các đối tượng bạn muốn so sánh (tối đa 5 đối tượng).
Bước 3: Click vào “Hành động” và chọn “Hiển thị đối tượng trùng lặp”.
Đối tượng đầu tiên bạn chọn trước sẽ là “Đối tượng được chọn”, các đối tượng khác chọn sau là “Đối tượng so sánh”. Bạn có thể thay đổi các đối tượng đã chọn bằng cách chọn đối tượng mới từ góc phải phía trên của màn hình hiển thị.
Báo cáo về đối tượng trùng chéo chỉ hữu ích khi tập đối tượng gồm 10.000 người trở lên, vì vậy khi chọn đối tượng để so sánh hãy tính toán để chọn tập đối tượng phù hợp.
Công cụ này sẽ hiển thị số lượng người “chồng chéo” và tỷ lệ % của nó. Giả sử bạn có đối tượng gồm 16.000 người (tạm gọi là đối tượng A) so sánh với đối tượng gồm 1.200.000 người (tạm gọi là đối tượng B) thì có 5.120 người thuộc cả hai đối tượng A và B. Đối tượng B chồng chéo đối với đối tượng A là 32%. Nếu ta chuyển đổi vị trí của hai tệp đối tượng thì % chồng chéo sẽ thay đổi.
Giải quyết vấn đề này như thế nào?
Khi xảy ra việc này ta có thể:
- Một số nhóm quảng cáo đang nhắm mục tiêu đối tượng rất giống nhau, để có thể đạt hiệu quả tốt hơn bạn có thể cân nhắc tới việc hợp nhất các nhóm quảng cáo bị chồng chéo thành một và chi ngân sách thực hiện lớn hơn.
- Nhắm lại mục tiêu của tệp khách hàng bằng cách tận dụng các tính năng theo vị trí, độ tuổi, giới tính, sở thích, hành vi để đảm bảo mỗi nhóm quảng cáo có một đối tượng cụ thể và riêng biệt.
Hợp nhất và điều chỉnh là những cách giải quyết vấn đề trái ngược nhau, hoặc làm cho tập đối tượng lớn hơn hoặc làm cho tập đối tượng nhỏ đi. Lựa chọn tốt nhất sẽ khác nhau tùy vào từng trường hợp cụ thể. Các nhóm quảng cáo đủ khác biệt, có thể nhắm đến các đối tượng khác nhau để bạn có thể đặt các giá thầu khác nhau cho các nhóm quảng cáo đó thì bạn nên thử tiếp tục tách biệt và điều chỉnh dựa trên các tính năng mà Facebook đã cung cấp. Nếu không, bạn hãy tìm đến giải pháp hợp nhất và kết hợp tăng ngân sách của chúng.
8. Phân loại đối tượng
Nếu xét theo quy mô thị trường, độ chi tiết về đối tượng, ta sẽ có các nhóm đối tượng sau:
Nhóm đối tượng cấp I
Quy mô lớn, đối tượng đưa ra dựa trên những đặc điểm dự đoán nên có thể đúng, có thể sai.
Ví dụ với sản phẩm thời trang nữ bạn có thể dự đoán tập khách hàng với cấp độ rộng nhất, lớn nhất về đối tượng và nó có thể là nữ, Việt Nam, tuổi 16+.
Đối tượng cấp II
Được tạo thành bằng cách thu hẹp đối tượng từ nhóm đối tượng cấp I thông qua độ tuổi, khu vực, sở thích hoặc giới tính.
Ví dụ được đưa ra để thu hẹp từ case study trên là nữ, Việt Nam, 22+ - dành cho dân công sở, hoặc nữ, Hà Nội, 16+ - dành cho người ở khu vực Hà Nội.
Đối tượng cấp III
Thu hẹp đối tượng cấp II bằng cách kết hợp hai hoặc nhiều điều kiện để đưa ra nhiều đặc điểm chính xác về đối tượng. Trong nhân khẩu học Facebook cung cấp thì tuổi, giới tính, hành vi về thiết bị truy cập, kết nối và khu vực là chuẩn xác nhất vì có thể thu thập bằng thông tin khai báo, thói quen truy cập trên thiết bị, IP của khu vực địa lý nào. Còn thông tin sở thích, ngôn ngữ là những trường mang tính chất tham khảo để tạo ra các bản sao, phân khúc nhỏ hơn trong cấp độ đối tượng.
Ví dụ như tập đối tượng nữ, Việt Nam, 22+, sở thích thời trang, hành vi sử dụng smartphone (có khả năng chi trả), thích phunutoday.
Với giai đoạn đầu triển khai từ chưa có bất cứ thứ gì, bạn sẽ chỉ có thể triển khai ở ba cấp độ đối tượng. Chỉ sau một thời gian có một số lượng khách hàng nhất định bạn mới có thể triển khai nhắm mục tiêu vào cấp độ đối tượng thứ IV - đối tượng tùy chỉnh.
Đối tượng cấp IV
Đây là cấp độ đối tượng chuẩn xác nhất, là những người mua hàng của bạn, những người đã tương tác với nội dung quảng cáo của bạn hay những người vào website của bạn. Trong cấp độ này sẽ có nhiều cấp nhỏ hơn theo số người có thể tồn tại trong nhóm đối tượng.
- Những người vào website của bạn (để thu thập nhóm người này yêu cầu bạn phải gắn mã Pixel từ tài khoản của bạn vào website).
- Tải lên số điện thoại những người đã mua hàng.
- Tải lên email những người đã mua hàng hoặc email bạn thu thập từ nguồn tương đương.
- Những người đã tương tác với bài của bạn (nên sử dụng đối tượng này nếu hàng hóa của bạn có thể mua lại nhiều lần và hạn chế trong trường hợp ngược lại).
Đối tượng cấp V
Tạo tệp đối tượng tương tự với các đối tượng cấp IV thông qua Lookalike audience với số điện thoại, email, lưu lượng truy cập website, tương tác. Việc này có thể mở rộng được quy mô mà vẫn giữ được tích lũy độ chính xác về đối tượng tăng dần theo thời gian.
Nếu bạn có điều kiện, hãy làm quảng cáo thương hiệu trước với các cấp độ đối tượng I, II, III sau đó mới đến quảng cáo chuyển đổi sản phẩm với cấp độ đối tượng tăng dần.
Nếu nhà không có điều kiện nhưng có quan hệ, hãy tìm tới nhóm IV, mua dữ liệu nhóm IV và chạy với mức độ cụ thể của đối tượng giảm dần.
Một ví dụ được đưa ra cho mặt hàng mỹ phẩm nữ. Đầu tiên, thử nghiệm với đối tượng nữ, Hà Nội, thích mỹ phẩm nhưng chuyển đổi không cao (nhóm III) và concept mới được đưa ra. Không đặt mục tiêu chuyển đổi mà chuyển hướng mục tiêu sang người dùng thích trang với mẫu quảng cáo like trang hoặc comment để nhận thông báo ngày duy nhất trong tháng mỹ phẩm sale đồng loạt tới 30% - hình ảnh là tất cả sản phẩm hấp dẫn giới nữ nhất. Với mẫu này cộng với các bài đăng hướng dẫn trang điểm luôn kêu gọi người thích trang thì chi phí trên người thích trang từ trên 1000đ/lượt thích giảm xuống còn một nửa. Sau khi thu thập được khoảng 10000 thích trang mới, mỗi tháng bạn triển khai chiến dịch tiếp theo ưu đãi mỗi ngày với những bạn nữ đã thích trang. Freeship khi mua trên 300k - nhắm mục tiêu quảng cáo tới những người thích trang mới nhìn thấy - nhóm cấp độ IV. Lúc đó người dùng đã tin cậy trang thì việc mua sản phẩm là không quá khó với những sản phẩm thiết yếu như son, nước tẩy trang.