1. Hiểu thêm về sức hút của thương hiệu trên Facebook
Trước đây, người ta thường lấy lượt Like (thích) để làm thước đo cho sức hút của một trang thương hiệu. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể nào biết được liệu rằng có đến hơn nửa trong số đó thực sự quan tâm đến thương hiệu của bạn hay không?
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, những người Like (thích) Fanpage của một thương hiệu nào đó thường có xu hướng mua hàng từ thương hiệu này. Tuy nhiên, họ thích trang của bạn không phải chỉ đơn giản là để mua hàng. Họ thích bạn vì họ muốn biết thêm nhiều hơn về bạn, muốn cập nhật kịp thời những tin tức liên quan tới sản phẩm, dịch vụ của bạn. Hay đơn giản là họ đã có những trải nghiệm thật tốt khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của bạn ngoài đời thực và họ muốn được tương tác với bạn nhiều hơn trên các trang mạng xã hội. Dù thế nào đi chăng nữa, hiểu được lý do người dùng nhấn Like một doanh nghiệp trên mạng xã hội là điều mà các Marketer nên chú trọng.
Trên Facebook, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều người quan tâm đến các thương hiệu khác nhau. Vậy thì lý do mà họ muốn follow các thương hiệu này là gì? Hãy thử đặt mình vào vị trí của người dùng và tự hỏi bản thân mình muốn gì, bạn sẽ hiểu được điều khách hàng cần khi theo dõi một trang thương hiệu.
- Chúng ta tò mò với một thương hiệu mới?
Khi bạn bè của chúng ta có tương tác (like, share, comment) trên trang Facebook của một thương hiệu nào đó, chúng ta cũng sẽ nhìn thấy hành động này. Và phản ứng tò mò trỗi dậy để rồi quyết định nhấn vào xem điều gì đã thu hút bạn bè mình đến vậy. Chỉ bằng vài hình ảnh bắt mắt, nội dung hấp dẫn mang lại cảm xúc tích cực cho người xem, thương hiệu này đã khiến chúng ta chú ý, chúng ta muốn tìm hiểu thêm về nó. Thế là Like.
- Chúng ta muốn cập nhật kiến thức, tin tức mỗi ngày?
Chúng ta làm về truyền thông, chúng ta yêu thích đồ công nghệ, sẽ có những trang cộng đồng được tạo ra nhằm mục đích chia sẻ kiến thức, thông tin hữu ích cho người dùng. Thế là Like. Hay như việc chúng ta thích xem phim cổ trang Trung Quốc, đem lòng yêu mến các soái ca, chúng ta cũng không thể nào nhắm mắt làm ngơ với các trang tin tức giải trí để nắm rõ được lịch chiếu, các tin tức họp báo, các lễ trao giải của idol…
- Chúng ta đang tìm kiếm offer, khuyến mãi?
Người dùng như chúng ta khá nhanh nhạy, không muốn bỏ lỡ một lợi ích nào đó từ thương hiệu mà mình thích. Và chúng ta hiểu rằng sẽ có nhiều dịp để các thương hiệu tung ra các chương trình khuyến mãi, mã coupon hoặc những đặc quyền mà chỉ các thành viên mới có. Việc nhận thông tin, các offer khuyến mãi qua trang Facebook Fanpage sẽ nhanh hơn và tiện hơn rất nhiều so với việc thường xuyên phải ghé qua cửa hàng hoặc các cơ sở offline.
- Chúng ta muốn tìm những giây phút thư giãn, giải trí?
Không thể phủ nhận được việc xả stress của các page hài giải trí, các page truyện tranh, hài nhảm… là rất lớn. Những page này thường có lượt tương tác rất cao, ví dụ Tuyết Bích Collection, Beatvn, Trắng TV, Ghiền Mỳ Gõ TV, Thăng Fly Comics… Chỉ cần một câu nói hài hước, bỗng nhiên trở thành một trend hay.
- Chúng ta muốn bày tỏ thắc mắc, muốn phản hồi?
Trước và sau khi sử dụng một sản phẩm dịch vụ nào đó, chúng ta thường có rất nhiều những thắc mắc muốn giải đáp. Việc tiếp cận thông qua Facebook tạo điều kiện để chúng ta có thể kết nối với thương hiệu và dễ dàng hơn trong việc giao tiếp, xóa bỏ ngại ngần.
- Chúng ta muốn thể hiện sự trung thành với thương hiệu?
Chúng ta thường tìm đến các kênh Social Media của thương hiệu mình thích để follow, và tận hưởng các dịch vụ đi kèm sau khi có trải nghiệm tốt về sản phẩm, dịch vụ đó ở ngoài đời thực. Ngoài những ưu đãi, quà tặng, hay những tin tức cập nhật về thương hiệu thì hầu hết chúng ta like trang fanpage đó nhằm thể hiện sự ủng hộ cho một tên tuổi mà mình đã đặt niềm tin.
Ngoài ra, cũng có rất nhiều người like một trang Facebook của một thương hiệu nào đó nhưng dường như không tương tác gì thêm. Có thể họ cũng đã đọc cập nhật trên Newsfeed hoặc thậm chí là sử dụng mã giảm giá nhưng không có bất kỳ một bình luận hay giao tiếp gì. Đừng lo lắng, đối với những khách hàng “tàu ngầm” như thế chúng ta phải có một kế hoạch marketing thật độc đáo và dài hạn. Lúc này, người điều hành trang phải là một người hiểu biết, nhẫn nại và có đôi chút hài hước thì mới dần “lôi kéo” được những vị khách khó tính như vậy.
Và hãy nhớ rằng, Facebook vẫn không ngừng phát triển mỗi ngày và thường xuyên thay đổi thuật toán. Các thương hiệu sẽ không dễ dàng gì để tiếp cận với người dùng như trước đây, do đó việc nắm bắt kịp thời các thay đổi của Facebook sẽ khiến cho chúng ta có thể uyển chuyển biến đổi mình để không bị lạc hậu theo thời gian.
2. Fanpage là một nguồn tài nguyên
Fanpage Facebook là một khái niệm không còn quá xa lạ với người dùng Facebook cũng như các nhà truyền thông mạng xã hội. Fanpage là nơi giúp các doanh nghiệp có thể quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ cũng như thương hiệu của mình tới khách hàng thông qua các bài đăng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Doanh nghiệp và khách hàng cũng có thể tương tác với nhau thuận tiện và dễ dàng hơn thông qua nó. Ngoài ra, độ lan tỏa của Fanpage cũng rất rộng, bằng cách chạy quảng cáo chúng ta sẽ tiếp cận đến một số lượng lớn khách hàng tiềm năng, điều mà Profile cá nhân và Group không làm được. Không những thế, Fanpage còn giúp doanh nghiệp gây dựng niềm tin về sản phẩm, dịch vụ trong lòng khách hàng. Vậy hãy cùng đi sâu vào tìm hiểu xem, chúng ta có thể khai thác được những gì từ Facebook Fanpage nhé!
Như các bạn đã biết, Facebook thay đổi giao diện thường xuyên, hiện tại người dùng có thể tạo Fanpage, tạo Group, tạo quảng cáo và sự kiện rất nhanh chóng và dễ dàng.
Sau khi tạo xong Fanpage bạn có thể sử dụng nó ngay, tuy nhiên, chúng ta cần phải biết cấu hình một Fanpage sao cho nó có thể hoạt động được tốt hơn.
2.1 Cấu hình một trang Fanpage
Một trang Facebook bao gồm rất nhiều phần và nhiều chức năng khác nhau. Dưới đây là cấu hình cơ bản của một trang Fanpage:
- Ảnh đại diện: Như các bạn đã biết, trong một trang Fanpage thì ảnh đại diện là ảnh nhỏ nhất nhưng lại là bức ảnh đập vào mắt người dùng đầu tiên khi ghé thăm trang của bạn. Bởi vì sao? Trong thiết kế UX (trải nghiệm người dùng) của một website, điểm nhìn của người đọc bao giờ cũng đi từ góc bên trái sang phải, từ trên xuống dưới, theo hình chữ F. Đây là hành vi điển hình của người dùng. Đó là lý do vì sao mà hầu hết các thương hiệu lớn thường đặt logo hay những thứ liên quan đến thương hiệu của mình làm ảnh đại diện Facebook.
Ảnh đại diện nên được đặt ngay ngắn, không bị xô lệch, méo mó và luôn là hình vuông. Kích thước tối thiểu được Facebook khuyến nghị là 180 pixels, tuy nhiên, để ảnh hiển thị chuẩn nhất, chúng ta nên chọn kích thước 900x900 pixels là vừa đẹp.
- Ảnh bìa: Bức ảnh sẽ đập vào mắt người dùng tiếp theo đó là ảnh bìa. Đây là bức ảnh bao trọn toàn bộ phần đầu trang. Bố cục, nội dung ảnh bìa sẽ thể hiện tốt nhất những gì thương hiệu bạn đang làm, nó sẽ cho người dùng thấy ý nghĩa mà thương hiệu của bạn mang lại.
Bạn không cần giữ nguyên ảnh bìa như ảnh đại diện, bạn có thể thay đổi nó theo thời gian, theo mùa, theo tháng, theo quý, theo năm, theo dòng sự kiện... tùy bạn. Đây có thể là những thông báo, những event, những chương trình khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm mới… tóm lại là những thông tin cập nhật mới nhất giúp người dùng không bỏ lỡ cơ hội nhận lợi ích.
- Phần giới thiệu: Phần này sẽ cung cấp cho người dùng những thông tin về doanh nghiệp của bạn như địa chỉ, số điện thoại, email, website, giờ mở cửa… Nếu bạn có một website, đừng ngại ngần giới thiệu với người dùng, bạn có thể sẽ có được một lượng truy cập website rất tốt dành cho các chiến dịch marketing sau này. Ngoài ra, Facebook còn cung cấp thêm bản đồ để người dùng có thể tiện tra cứu đường đi, việc này sẽ góp phần củng cố thêm niềm tin cho khách hàng. Phần giới thiệu không khác gì một trang hồ sơ doanh nghiệp và nó có khả năng nói cho mọi người biết về thương hiệu của bạn mà không làm họ rối tung lên với quá nhiều chi tiết. Hơn nữa, Google đánh giá rất cao các Fanpage có đầy đủ rõ ràng các thông tin số điện thoại, địa chỉ liên hệ, tối ưu phần giới thiệu sẽ rất tốt cho SEO.
Hiện tại, bạn có thể kể một câu chuyện về doanh nghiệp của mình để giúp người dùng hiểu rõ hơn về thương hiệu của bạn trong phần TIN, phần này sẽ được hiển thị ngay bên dưới ảnh bìa.
- Call to Action (CTA): Bạn có thể thêm Call To Action cho Fanpage của mình bằng cách nhấn vào Thêm nút ở thanh điều hướng ngay bên dưới ảnh bìa. Tùy vào mục đích bạn muốn khách hàng làm gì mà sẽ có những Call To Action thích hợp.
- Dòng thời gian (Timeline): Đây là nơi bạn sẽ đăng tin bài hàng ngày, cũng là nơi mà bất cứ ai khi vào Fanpage đều nhìn thấy bài đăng của bạn. Không giống như Profile có thể tùy chỉnh người xem được bài viết hay như Group bí mật thì chỉ những thành viên mới xem được bài viết, tất cả bài đăng trên Fanpage đều được công khai.
- Bài viết đã ghim (Pinned Post): Thông thường, người dùng phải kéo hết dòng thời gian mới đọc được hết tất cả các bài viết của bạn. Tuy nhiên, bây giờ bạn có thể ghim bài post, thông tin nào bạn cho là quan trọng nhất lên vị trí chính giữa của trang để có thể thu hút sự chú ý của người dùng (Chỉ duy nhất một bài được ghim). Chúng sẽ ở nguyên đó cho đến khi nào bạn gỡ chúng xuống. Điều này giúp cho khách hàng không bỏ lỡ những thông báo quan trọng từ thương hiệu của bạn. Ghim là cách thức hiệu quả để làm nổi bật các sự kiện giảm giá, thông báo, hay các chiến dịch khuyến mãi.
- Thanh công cụ: Bạn có thể lựa chọn, cấu hình và tùy chỉnh trang Fanpage của mình bằng các tùy chọn trên thanh công cụ. Từ bảng quản trị này, bạn có thể hiểu hơn về cộng đồng của mình để có thể cập nhật nội dung và thiết kế cho trang Facebook sao cho phù hợp.
- Tabs: Bạn có thể thêm các mục phụ mà cộng đồng của bạn có thể nhấp chuột để tương tác cùng thương hiệu bằng cách chỉnh sửa trong mục Mẫu và Tab ở phần Cài đặt. Ngoài các tab chính đã có trên trang chủ, bạn có thể thêm các tab khác như là Sự kiện, Ghi chú, Ưu đãi, Đánh giá, Cửa hàng, Dịch vụ… Tùy mục đích sử dụng mà bạn có thể lựa chọn những tab bạn cảm thấy hữu ích cho cộng đồng của mình nhất.
2.2 Tiếp cận với các chức năng quản trị
Facebook cho phép bạn nhìn thấy được chi tiết những hoạt động trên trang Fanpage của mình thông qua nhiều tính năng quản trị. Trước khi tung ra trang Fanpage của bạn, hãy dành thời gian khám phá ra mọi tính năng quản trị và học cách sử dụng chúng. Dưới đây là năm vai trò của một Fanpage và chức năng của chúng.
Bạn là Admin, bạn có thể share quyền cho người khác để làm ở những vị trí khác nhau trong một trang như Biên tập viên, Người kiểm duyệt, Nhà quảng cáo, Nhà phân tích hay thậm chí là Admin như bạn. Tuy nhiên, một bầu trời chỉ cần có một mặt trời, để tránh rủi ro, hãy tự mình làm chủ.
Ngoài ra, bạn có thể xem được những thông tin, những dữ liệu báo cáo về Fanpage trong một khoảng thời gian nhất định (một tuần, một tháng, một quý) và có thể truy xuất dữ liệu khi cần thiết.
2.3 Tối ưu hóa Fanpage
Tối ưu hóa Fanpage không chỉ mang lại trải nghiệm cho người dùng tốt hơn mà nó còn khá hữu ích cho việc SEO sau này. Ở phần trên, chúng ta đã hiểu được mình cần phải cấu hình những chức năng cơ bản gì của một Fanpage, tiếp theo là những yếu tố khá quan trọng bạn cần phải tối ưu:
- Đặt tên cho Fanpage: Cái tên có một ý nghĩa rất quan trọng đối với thương hiệu. Một cái tên hay, ý nghĩa và dễ nhớ sẽ khiến bạn thu hút được một lượng lớn công chúng quan tâm đến trang của bạn và giúp bạn có thể dễ dàng bán sản phẩm, dịch vụ hơn. Tùy từng mục đích sẽ có những tên trang thích hợp với bạn. Ở cuốn Facebook Marketing 2.0 của MediaZ đã đưa ra nguyên tắc đặt tên trang cho Fanpage, dưới đây là tổng hợp 3 cách đặt tên trang, các bạn có thể tham khảo.
Đặt tên trang theo từ khóa: Tên trang này thường xuất hiện kèm theo từ khóa về sản phẩm, công dụng của sản phẩm hay đối tượng mục tiêu của sản phẩm dịch vụ (Ví dụ: Chăn ga gối bốn mùa, Trái cây nhà Méo, Hàng nhật nội địa…). Với những cái tên đặt theo kiểu này người dùng Facebook nhìn vào sẽ hiểu được luôn bạn đang cung cấp dịch vụ gì hay bán sản phẩm gì. Nhược điểm của cách đặt tên này là vấn đề bảo hộ thương hiệu, bởi sẽ có rất nhiều bên đặt tên trùng lặp với bạn, điều này sẽ gây nên sự nhầm lẫn cao cho khách hàng và sẽ rất khó khăn khi xảy ra tranh chấp. Hoặc kịch bản hiển nhiên có thể sẽ xảy ra đó là, khách gọi ai thì người đấy dạ, lộc của ai thì người đấy hưởng. Tuy nhiên, nếu chưa ai sử dụng từ khóa này, bạn là người khám phá ra, bạn làm tốt, khách hàng sẽ nhớ đến bạn đầu tiên. Một gợi ý cho bạn đó là nên lập ít nhất 2-3 trang tương tự nhau.
Đặt tên trang theo thương hiệu: Nếu không sử dụng được cách trên, bạn nên dùng chính tên sản phẩm, thương hiệu của mình để đặt cho trang. Điều này sẽ giải quyết được vấn đề trùng lặp mà vẫn tạo ra được sự khác biệt (Ví dụ: MediaZ, MagixBow, Happyness…). Tuy vậy, với những thương hiệu mới, thoạt nhìn, người dùng sẽ không thể hình dung ra thương hiệu của bạn bán sản phẩm, dịch vụ gì. Cách này chỉ thực sự tốt nếu thương hiệu của bạn ngoài đời thực đã rất nổi, đã có sẵn công chúng mục tiêu hoặc bạn phải chuẩn bị được một ngân sách lớn để chạy với mục tiêu khách hàng “Nhận thức” thương hiệu.
Đặt tên trang kết hợp cả hai cách trên: Đây là trường hợp được khuyến khích thực hiện nhiều nhất, đặc biệt là trong giai đoạn mới bắt đầu xây dựng trang thương hiệu. Ví dụ, Toko - Đồ lót hàng hiệu xuất khẩu hay Beemart - Thế giới đồ làm bánh. Cách này vừa đảm bảo bạn vẫn có điểm khác biệt, vừa giúp khách hàng hiểu bạn hơn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tuy nhiên, bạn nên cố gắng hạn chế số lượng chữ để nó không bị xuống dòng thứ hai khi hiển thị trên bảng tin di động của người dùng, dưới mười chữ là phù hợp nhất.
- Sử dụng URL tùy chỉnh cho trang của bạn: Thay vì một dòng chữ cái và số má lộn xộn được tạo ngẫu nhiên, bạn có thể tùy chỉnh đường dẫn URL đẹp hơn và dễ nhớ hơn cho Fanpage của mình bằng cách vào phần Giới thiệu và chọn chỉnh sửa phần Tên người dùng. Ở đây, tên người dùng phải có ký tự “@” ở đằng trước, gồm tối thiểu 5 ký tự và không chứa dấu cách. Hãy chọn một cái tên không trùng lặp, dễ nhớ, mang tính lâu dài có liên quan đến thương hiệu càng tốt. Một URL dễ nhận biết đồng nghĩa với việc dễ tối ưu hóa công cụ tìm kiếm và mọi người sẽ dễ nhớ địa chỉ đó hơn.
Lưu ý: Chỉ Quản trị viên mới có quyền thay đổi tên người dùng và bạn chỉ có thể quay lại thay đổi URL một lần duy nhất mà thôi. Do vậy, hãy lựa chọn thật sáng suốt!
- Tối ưu từ khóa cho Fanpage: Facebook cũng chính là một website. Hãy khéo léo sử dụng từ khóa thích hợp trong từng phần của Fanpage, ví dụ như phần Mô tả, Giới thiệu, Our story hay thậm chí là các bài post… việc tối ưu từ khóa trên Fanpage sẽ khiến trang của bạn tăng thứ hạng trên Google.
- Tạo cửa hàng trên Fanpage: Nếu doanh nghiệp của bạn kinh doanh sản phẩm, hãy tạo một gian hàng ngay trên Fanpage của mình, để trưng bày các sản phẩm mà bạn đang bán bằng cách vào phần Cài đặt, chọn mục Mẫu và Tab, sau đó nhấn vào Thêm Tab rồi chọn Cửa hàng.
Khi đó, trên trang chủ sẽ hiển thị mục Cửa hàng, bạn chỉ cần chọn vào đó và làm theo hướng dẫn là xong.
Việc công khai giá của sản phẩm sẽ khiến khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định hơn là việc phải vào inbox hay liên hệ hotline để hỏi giá. Nhiều người rất ngại việc trao đổi giá qua inbox, giá hợp với túi tiền thì không sao, nhưng vượt ngưỡng cho phép thì lại không biết từ chối thế nào.
- Tạo chatbot trả lời tự động trên Fanpage: Sự ra đời của Chatbot giúp cho các quản trị viên Fanpage tương tác với người dùng một cách tự động, tiết kiệm thời gian hơn và thân thiện hơn. Hiện nay có rất nhiều nền tảng hỗ trợ việc tạo chatbot miễn phí dành cho các doanh nghiệp, nhà bán lẻ, các trang tin tức vì vậy mà việc tạo chatbot không còn quá khó khăn nữa. Ví dụ: Chatfuel.com, Messnow.com, Manychat.com, Harafunnel… Đây là các nền tảng miễn phí và rất dễ sử dụng, bạn chỉ cần bỏ chút thời gian ra tìm hiểu ắt sẽ thành công.
3. Mục đích của việc xây dựng thương hiệu trên Fanpage
Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng, tại sao phải xây dựng thương hiệu trên Fanpage nữa khi mà tôi đang có một tài khoản cá nhân rồi, phải không? Tuy nhiên, Fanpage và Profile có rất nhiều khác biệt lớn đó là Fanpage có rất nhiều quy định cụ thể bạn bắt buộc phải tuân theo để tránh trở thành nơi rải tin rác, tin bẩn cho người dùng.
Mục đích chính của Fanpage Facebook chỉ là quảng bá cho một thương hiệu. Mục tiêu của hầu hết các thương hiệu là thu hút nhiều Profile cá nhân like Fanpage của mình nhất có thể nhằm truyền tải thông điệp tới số đông người dùng một cách hiệu quả nhất. Hơn nữa, việc thông qua một mẩu tin cập nhật để tiếp cận được tới nhiều người chi phí sẽ rẻ hơn so với truyền thông kiểu truyền thống. Vì vậy mà mục tiêu lớn nhất của các thương hiệu đó là làm cho trang Facebook của họ giàu tính tương tác nhất có thể.
Không giống như Profile cá nhân, độ lan tỏa của Fanpage là rất lớn, chưa kể đến việc bạn có thể trả tiền để tăng độ nhận diện thương hiệu khi dùng Fanpage, còn Profile thì không. Sau khi thương hiệu đã tích lũy được một lượng fans và lượng người theo dõi nhất định thì việc tương tác sẽ diễn ra rất đa dạng. Ngoài những người đã Like Fanpage ra thì bạn bè của họ cũng có thể tiếp cận đến thương hiệu của bạn thông qua những lần người dùng tương tác với bài đăng trên Fanpage. Do vậy mà thương hiệu của bạn sẽ có cơ hội tiếp cận tới mọi người gấp nhiều lần hơn, từ đó nhận thức về thương hiệu cũng sẽ lớn hơn.
Nếu trang thương hiệu của bạn chia sẻ những nội dung có ý nghĩa, và mang lại nhiều ưu đãi đặc quyền hấp dẫn thì không khó gì để người dùng có thể tự động tương tác với bạn và giới thiệu với người khác về thương hiệu. Gây dựng được một cộng đồng quảng bá cho thương hiệu của mình (marketing truyền miệng) chính là mục tiêu tiếp theo của Fanpage.
Fanpage không đơn thuần chỉ là một website vô tri, vô giác, nó đại diện cho thương hiệu của bạn và được nhân tính hóa. Việc bạn dành thời gian để giải đáp thắc mắc, đăng tin cập nhật và giao tiếp với cộng đồng sẽ khiến Fanpage của bạn “giống người” hơn trong mắt khách hàng. Và hầu hết những doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu thành công sẽ không chỉ chăm chăm đăng bài về sản phẩm, dịch vụ của họ và hét thật to: Hãy mua hàng cho chúng tôi! mà đơn giản chỉ là họ đang giao tiếp với chính cộng đồng của mình, hòa vào cộng đồng một cách nhẹ nhàng và tinh tế.
4. Gia tăng lượt thích trang Fanpage
Giống như phần lớn những thương hiệu khác, bạn cũng rất muốn có nhiều người tương tác trên dòng thời gian của bạn. Vậy phải làm thế nào?
Lưu ý:
- Bạn chỉ có thể mời những ai đang là bạn bè của mình.
- Việc cố toan tính để câu like Facebook không ủng hộ và sẽ có biện pháp cụ thể nếu bạn cố tình yêu cầu người khác like trang của bạn để đổi lấy ưu đãi.
Mời bạn bè like trang của bạn
Đã có bao giờ bạn cảm thấy khó chịu với những lời mời thích Trang của một ai đó, xuất hiện với tần suất dày đặc trên Thông báo của mình chưa? Khi mời bạn bè like trang thương hiệu của bạn, hãy cân nhắc thật kỹ và cẩn thận lựa chọn những người nào sẽ thực sự cảm thấy thích thú khi trở thành một phần của cộng đồng đó.
Ví dụ, một bà nội trợ, thích may vá chưa chắc đã thích tham gia vào một cộng đồng yêu đồ công nghệ, hay một cô nàng có phong cách ăn mặc tomboy không dễ gì sẽ thích một Fanpage bán đồ bánh bèo, dễ thương, diêm dúa cho được. Nếu bạn thường xuyên và ngẫu nhiên mời những người không quan tâm đến thương hiệu của mình like Fanpage như vậy sẽ tạo ra một cảm giác rất khó chịu cho người được mời. Hậu quả nặng nề nhất thường sẽ là bạn chẳng còn nhìn thấy người đó xuất hiện trên Newsfeed của bạn nữa đâu, người này đã Unfriend bạn rồi.
Giải pháp ở đây là bạn có thể lướt qua Profile cá nhân của họ, xem sở thích của họ là gì, họ thường check-in ở đâu, họ quan tâm đến những vấn đề nào và xem họ Like những Fanpage gì… Từ đó bạn có thể dễ dàng quyết định có nên mời người này hay không? Đừng quan trọng hóa vấn đề, hãy chấp nhận rằng không phải ai cũng sẽ like Fanpage của bạn khi bạn mời họ đâu, chỉ đơn giản là họ không thích mà thôi.
Kiếm like từ những người không phải bạn bè của bạn
Nếu việc mời bạn bè like thương hiệu của bạn trên Facebook không hiệu quả, đừng quá lo lắng bạn vẫn có thể thử những cách khác nhau để tăng độ nhận diện cho thương hiệu của mình.
- Sử dụng tài khoản mạng xã hội khác của thương hiệu để thu hút người dùng mới: Hãy khéo léo gợi ý, đưa vào những lợi ích khi trở thành một thành viên cộng đồng Facebook của bạn, họ sẽ tự động like mà không cần bạn phải dùng thư rác để làm phiền họ.
- Khuyến khích cộng đồng chia sẻ: Mặc dù Facebook không ủng hộ việc bạn yêu cầu mọi người phải like trang để có thể nhận ưu đãi, tham gia các sự kiện, cuộc thi. Tuy nhiên, việc mời cộng đồng chia sẻ nội dung mà họ thích thì không vấn đề gì.
- Chèn nút Like và Share lên website của bạn: Nếu bạn muốn mọi người chia sẻ nội dung thì có nghĩa là bạn phải tạo điều kiện để họ có thể chia sẻ. Việc này vừa giúp Fanpage của bạn có thêm thành viên và cũng vừa giúp kha khá người biết đến website của bạn thông qua Facebook.
- Xây dựng kiểu nội dung mà cộng đồng của bạn hay chia sẻ: Chắc hẳn là bạn sẽ thấy bạn bè của mình thường chia sẻ một đoạn video vui nhộn, một bức ảnh gây tranh cãi hay một bài chứa đầy những thông tin hữu ích. Đây chính là những kiểu nội dung mà người dùng muốn xem, muốn đọc. Nếu chỉ chăm chăm đăng tin về sản phẩm, dịch vụ của bạn, lâu dần sẽ rất nhàm chán, thiếu cuốn hút. Hãy làm mới nội dung của mình một cách phong phú và hài hước, hãy cố gắng kết nối với người dùng của mình để thông điệp của bạn được lan tỏa một cách thật tự nhiên.
- Nhất quán: Việc nhất quán trong đăng tải nội dung sẽ tạo cho người dùng một thói quen, mà thói quen thì thường khó bỏ. Đó là lý do vì sao, để xem được từng tập của một bộ phim hay, bạn phải đợi đến đúng thời điểm đó phim mới được phát sóng. Ở đây cũng vậy, hãy tạo ra những nội dung thật hấp dẫn và chất lượng rồi dần dần “mớm” cho những “con mồi” đang “đói khát” ngoài kia, chúng sẽ “ngấu nghiến” miếng bánh của bạn thật ngon lành.
- Đặt thông tin trang Fanpage vào nội dung offline: Nếu bạn mở một cửa hàng riêng, hãy cho khách hàng biết cách để theo dõi thương hiệu của bạn trên các trang mạng xã hội, hãy đưa đường link Fanpage Facebook của thương hiệu lên tờ rơi, áp phích, mặt sau tờ thực đơn, đồng phục, card visit hay thậm chí là trên các biển hiệu của cửa hàng. Điều này sẽ khiến thương hiệu của bạn hiện diện ở khắp nơi mỗi khi khách hàng ghé thăm cửa hàng của bạn.
Cuối cùng, bạn vẫn nên nhớ rằng, khách hàng có quyền lựa chọn thích hoặc không thích Fanpage thương hiệu của bạn, mặc dù có thể họ rất thích thương hiệu của bạn ở ngoài đời thực. Hãy cho mọi người một lý do để yêu thích thương hiệu của bạn, và muốn nhận tin cập nhật từ thương hiệu của bạn mỗi ngày. Hãy tạo ra những thông điệp truyền cảm hứng như sự ủng hộ của thương hiệu vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, điều này sẽ khiến người dùng có thể dễ dàng nhấn “Like” và “Share”.
5. Thích các thương hiệu khác - Nên hay đừng?
Nhiều người thường lo ngại rằng, việc thích các thương hiệu khác sẽ gợi ý cho người dùng chạy sang các thương hiệu đó và sẽ đánh mất đi cộng đồng của mình, nhất lại là thương hiệu của đối thủ. Tuy nhiên, mối lo ngại này là không cần thiết. Một người dùng thường thích các thương hiệu khác nhau, mặc dù trong số đó có vài thương hiệu là tương tự nhau. Như việc một cô gái thường thích đến 4-5 thậm chí là rất nhiều các Fanpage bán quần áo khác nhau, bởi với phụ nữ, quần áo là vô cùng và cứ đẹp, phù hợp với phong cách của họ là họ thích.
Vậy lợi ích của việc thích các trang thương hiệu khác ở đây là gì?
Trong các cuộc thảo luận đang diễn ra ở các trang khác, bạn có thể tham gia bình luận với tư cách là trang thương hiệu của mình. Và bình luận của bạn có thể sẽ truyền cảm hứng để mọi người tìm hiểu và thích trang thương hiệu của bạn. Hơn nữa, like các trang thương hiệu khác, kể cả đối thủ của bạn, đồng nghĩa với việc bạn sẽ nằm trong tầm ngắm của các thương hiệu đó, đây là một tín hiệu tốt. Có thể một lúc nào đó họ sẽ muốn hợp tác với bạn và cùng chia sẻ lợi ích. Ngoài ra, khi bạn đáp lại bình luận hay các câu hỏi của người dùng một cách có hiểu biết, mọi người sẽ nhìn nhận bạn như một chuyên gia và cảm thấy có hứng thú để theo dõi bạn trên Fanpage. Cuối cùng, việc tương tác với một trang thương hiệu khác dưới tư cách là trang thương hiệu của bạn sẽ tạo ra những làn sóng nhẹ nhàng đánh vào nhận thức thương hiệu của bạn tới người dùng. Bởi vì, bạn phải hiểu càng nhiều người nhìn thấy logo của bạn càng tốt. Họ sẽ có niềm tin và thấy bạn dễ tiếp cận hơn nếu logo của bạn xuất hiện trên các trang mạng xã hội.
Lưu ý, bạn phải luôn tuân thủ những quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và tránh không nên đưa đường link dẫn đến trang của bạn trên trang của các thương hiệu khác, trừ khi bạn được mời làm điều đó.
6. Tạo sự kiện trên Facebook
Khi bạn tạo sự kiện thông qua Facebook, bạn sẽ có cơ hội mời những người thích trang thương hiệu của bạn tham gia. Sự kiện trên Facebook chỉ hoạt động tốt nhất khi bạn đã sở hữu được một cộng đồng đủ mạnh, đủ gắn kết. Vậy sự kiện là gì?
- Sự kiện có thể là ngày hội giảm giá
- Hội thảo gặp gỡ, các cuộc thi tổ chức online
- Những hoạt động giao lưu trên mạng xã hội
- …
Hiện nay việc tạo sự kiện trên Facebook cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần chọn mục Sự kiện ngay phía trên của ô nội dung bạn sẽ đăng bài
Sau đó thêm ảnh và điền đầy đủ các thông tin cần thiết như ngày giờ, địa điểm và mô tả chi tiết cho sự kiện…
Các sự kiện có thể có phí hoặc không, hãy xác định những ai có thể tham gia vào sự kiện và có thể mời người khác đi cùng. Và khi trang sự kiện được tạo, bạn có thể mời bạn bè, chia sẻ hoặc đăng sự kiện lên trang thương hiệu và gửi lời mời thông qua tin nhắn.
Hầu hết mọi người sẽ tò mò có nhiều người đến tham dự sự kiện hay không, hãy cân nhắc đến lựa chọn hiển thị danh sách khách mời trong khi tạo sự kiện.
Ở đây, mọi người có thể thấy những ai quan tâm đến sự kiện của bạn, những ai đã tham gia và cả những ai đã được mời.
Nếu không muốn có một sự kiện đầy những lời từ chối thì chúng ta không nên lạm dụng nó và liên tục tạo ra quá nhiều sự kiện. Hãy gửi lời mời cho những sự kiện thực sự ý nghĩa mà bạn biết sẽ nhận được nhiều phản hồi tích cực.
TÓM TẮT CHƯƠNG 1
● Những người Like (thích) Fanpage của một thương hiệu nào đó thường có xu hướng mua hàng từ thương hiệu này. Tuy nhiên, họ thích trang của bạn không phải chỉ đơn giản là để mua hàng. Họ thích bạn vì họ muốn biết thêm nhiều hơn về bạn, muốn cập nhật kịp thời những tin tức liên quan tới sản phẩm, dịch vụ của bạn. Hay đơn giản là họ đã có những trải nghiệm thật tốt khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của bạn và họ muốn được tương tác với bạn nhiều hơn. Dù thế nào đi chăng nữa, hiểu được lý do người dùng nhấn Like một doanh nghiệp trên mạng xã hội là điều mà các Marketer nên chú trọng
● Fanpage Facebook là một nguồn tài nguyên giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm dịch vụ của mình, tương tác với khách hàng một cách hiệu quả, có thể tiếp cận được lượng lớn khách hàng tiềm năng thông qua chạy quảng cáo. Và cả việc Fanpage còn giúp doanh nghiệp gây dựng niềm tin về sản phẩm, dịch vụ trong lòng khách hàng
● Các cấu phần của Facebook với tên thương hiệu, ảnh đại diện, ảnh bìa, phần giới thiệu, call to action, timeline, pinned post, thanh công cụ, tab cùng với các chức năng quản trị được trình bày trong phần SETTING
● Tên trang có thể đặt theo từ khóa về sản phẩm, dịch vụ về công dụng của sản phẩm hay đối tượng mục tiêu của sản phẩm. Một cách nữa là đặt tên trang theo tên thương hiệu, điều này sẽ giải quyết được vấn đề trùng lặp và tạo ra được sự khác biệt, đặc trưng riêng của bạn. Hoặc là tối ưu hơn là bạn kết hợp cả 2 cách trên
● Thích các trang thương hiệu khác là điều bạn nên làm bởi bạn có thể tham gia bình luận với tư cách thương hiệu của mình, truyền cảm hứng để mọi người tìm hiểu và thích trang thương hiệu của bạn. Thêm nữa, việc like cả trang đối thủ đồng nghĩa với việc bạn sẽ nằm trong tầm ngắm của thương hiệu đó. Đây là một dấu hiệu tốt. Đồng thời, việc tương tác với một trang thương hiệu khác dưới tư cách là trang thương hiệu của bạn sẽ tạo ra những làn sóng nhẹ nhàng đánh vào nhận thức thương hiệu của bạn tới người dùng. Bởi vì, bạn phải hiểu càng nhiều người nhìn thấy logo của bạn càng tốt. Họ sẽ có niềm tin và thấy bạn dễ tiếp cận hơn nếu logo của bạn xuất hiện trên các trang mạng xã hội
● Cách tạo sự kiện trên Fanpage