T
ất cả những hoạt động marketing dành cho thương hiệu, kể cả online hay offline đều cần phải có một định hướng và những chiến lược cụ thể, các hoạt động trên trang Facebook thương hiệu của bạn cũng như vậy. Trước hết, bạn cần xác định mục tiêu bạn hướng tới là gì, bạn muốn đạt được điều gì thông qua trang mạng xã hội này và để đạt được mục tiêu thì bạn có định hướng, cách thức hoạt động như thế nào. Nó cũng giống như việc bạn đầu tư thời gian để lập kế hoạch tiếp thị và quảng cáo cho chiến dịch Facebook của mình trước khi bạn bắt tay vào thực hiện những hoạt động đầu tiên cho chiến dịch đó.
Thoạt nhìn, Facebook trông có vẻ chỉ đơn thuần là hình ảnh và những con chữ , nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Đối với trang thương hiệu của bạn, Facebook là phương tiện giúp bạn xây dựng nội dung mà mọi người vừa muốn tiếp thu, vừa muốn chia sẻ với người khác. Hầu hết các nhà kinh doanh sử dụng Facebook như một công cụ hỗ trợ tiếp thị để tương tác với khách hàng, để bán hàng hay tăng khả năng nhận thức về thương hiệu của họ, và nội dung chính là cách giúp bạn đạt được những điều đó. Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về cách xây dựng nội dung truyền cảm hứng cho hành động của cộng đồng Facebook.
1. Xây dựng chiến lược nội dung Facebook
Thực tế, có rất nhiều thương hiệu lập tài khoản Facebook mà không hề có ý niệm về mục đích sử dụng chúng. Cũng giống như blog, trang web hay tài khoản Twitter, để đăng tải nội dung lên trang Facebook bạn cần phải có một kế hoạch cụ thể. Nếu bạn đăng tải các chủ đề, nội dung một cách ngẫu nhiên thì kết quả nó mang lại đôi khi sẽ không như bạn mong đợi, thiếu nhất quán và khó hiểu.
Facebook thường xuyên thay đổi các quy định đối với tài khoản cá nhân cũng như trang thương hiệu của bạn. Nếu bạn sử dụng Facebook vào việc tiếp thị nhưng không đúng cách, không có kế hoạch cụ thể hoặc không nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ khiến cho tài khoản cá nhân hay trang thương hiệu của bạn phạm phải luật của Facebook và rất có thể bị xử phạt hành chính. Khi việc điều hành một trang thương hiệu không tốt, bạn sẽ để lại ấn tượng xấu cho chính bạn với tư cách là người làm tiếp thị và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng trang thương hiệu của mình. Do vậy, hãy dành thời gian để lên kế hoạch trước khi bắt đầu. Nếu bạn sở hữu một trang thương hiệu trên Facebook nhưng nó hoạt động chưa thực sự hiệu quả, hãy xây dựng lại từ đầu với một bản kế hoạch chiến lược cụ thể.
Công việc đầu tiên bạn cần làm khi xây dựng một trang thương hiệu trên Facebook đó chính là việc xác định được mục tiêu cuối cùng của mình. Bạn sẽ hy vọng đạt được điều gì khi lập một trang Fanpage? Nếu không xác định được mục tiêu, bạn sẽ không thể xây dựng được kế hoạch nội dung phù hợp cho nó.
Đối với phần lớn các trang thương hiệu, mục tiêu cơ bản của họ là xây dựng một cộng đồng để quảng bá, nhằm tăng lượt truy cập vào trang web chính của doanh nghiệp và tăng doanh số bán hàng. Sau khi đã xác định được mục tiêu, công việc tiếp theo của bạn đó chính là xây dựng kế hoạch cho kiểu nội dung tương ứng.
Nói như vậy không có nghĩa là bạn muốn hướng tới việc bán hàng thì tất cả các bài viết đều đăng tải nội dung là bán hàng, bạn nên lồng ghép cả những bài đăng khác nữa để tránh nhàm chán cho người xem. Hãy đăng các nội dung vừa để đáp ứng mục tiêu bán hàng vừa tạo được cảm xúc cho người xem.
Dưới đây là một số ý tưởng về các kiểu mục tiêu kèm theo gợi ý nội dung tương ứng giúp bạn đạt được kết quả tốt nhất trên trang Facebook thương hiệu:
- Tăng doanh số bán hàng
Bạn nên tạo động lực để khách hàng mua mà không nhất thiết phải là một lời chào mời, chẳng hạn:
● Một trong số khách hàng của bạn mới được xuất hiện trên truyền thông nhờ sử dụng sản phẩm của bạn, vậy bạn hãy chia sẻ câu chuyện đó.
● Khi sản phẩm bạn bán có chứa những thành phần tốt cho sức khỏe, bạn hãy giới thiệu chúng và chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm để sống khỏe.
● Bạn có phải là nhà cung cấp những dịch vụ tư vấn liên quan đến kinh doanh? Nếu đúng là thế thì bạn hãy sử dụng trang Facebook cho việc chia sẻ bí quyết và cách thực hiện dịch vụ để mang lại kết quả tốt nhất. Như vậy, bạn không phải đang bán hàng mà là đưa ý tưởng về việc bán hàng vào tâm trí của mọi người.
- Tăng số lượng thành viên cộng đồng
Những nội dung mang tính tương tác luôn thu hút mọi người đến với trang thương hiệu của bạn. Khi họ cảm thấy có hứng thú và tin tưởng bạn, họ sẽ muốn chia sẻ bạn với người thân của họ. Điều này có thể giúp bạn tăng số lượng thành viên của cộng đồng và có cơ hội tăng doanh số bán hàng.
- Gia tăng lượng follow trên tài khoản hoặc trang thương hiệu
Nếu bạn muốn nhiều người đăng ký nhận bản tin từ bạn hoặc trang thương hiệu của bạn thì hãy cho họ thấy giá trị mà họ sẽ nhận được khi theo dõi bạn.
- Xây dựng nhận thức về thương hiệu
Khi bạn chia sẻ tin tức và thông tin cập nhật liên quan đến thương hiệu của mình, nó sẽ xuất hiện ở News Feed của những ai đang là fan của thương hiệu. Khi họ like hay bình luận trên các bài đăng công khai của bạn thì hoạt động này của họ cũng sẽ xuất hiện trên Newsfeed của bạn bè và người thân họ trên Facebook. Bạn nên tạo ra những bài viết khiến mọi người muốn chia sẻ nội dung của nó, như vậy sẽ giúp thương hiệu của bạn có cơ hội tiếp cận với nhiều người hơn.
- Gây dựng năng lực
Với mục tiêu này, bạn sẽ sử dụng Facebook của bạn để chia sẻ những thông tin xác thực và để lại những lời khuyên cho mọi người. Cách làm này đặc biệt hữu ích cho việc bán sách, cung cấp dịch vụ và sản phẩm chứa nhiều thông tin hay quảng bá blogs.
- Nhận phản hồi
Bạn hãy sử dụng Facebook để tạo các bình chọn, đặt câu hỏi, tìm kiếm lời khuyên cho khách hàng khi họ sử dụng sản phẩm và dịch vụ của bạn. Lúc này, bạn sẽ phải chuẩn bị một tâm lý sẵn sàng vì rất có thể bạn sẽ cảm thấy đau lòng khi câu trả lời của khách hàng quá trung thực.
- Tăng lượng truy cập
Bạn nên cung cấp đường link dẫn tới các bài viết trong blog hay trang web và mở một vài cuộc thảo luận xoay quanh các chủ đề này.
- Đặt ra nhiều mục tiêu
Phần lớn các thương hiệu đều đặt ra nhiều mục tiêu cho trang Facebook của họ. Bạn cũng có thể tổng hợp và lựa chọn nội dung phù hợp để phục vụ nhiều mục đích khác nhau, tuy nhiên bạn nên chú ý đừng chia sẻ quá nhiều đường link dẫn bởi rất có thể khách hàng sẽ cho đó là tin rác và nhanh chóng bỏ qua chúng.
Nhiều người cho rằng ảnh bìa trên dòng thời gian không phải là công cụ bán hàng, tuy nhiên thực tế không hẳn như vậy. Ảnh bìa là một trong những hình ảnh mà mọi người nhìn thấy đầu tiên khi ghé thăm trang thương hiệu của bạn chính vì vậy, nó thực sự là một công cụ bán hàng khá hữu ích mà bạn nên tận dụng. Bạn nên sử dụng ảnh bìa là những hình ảnh mang nội dung có thể truyền cảm hứng khiến khách hàng muốn tìm hiểu về sản phẩm và dịch vụ mà bạn cung cấp.
Bạn nên dành thời gian cho việc tìm hiểu nhu cầu cũng như sở thích của khách hàng trong cộng đồng của mình. Hãy quan sát cách họ tương tác trên các trang mạng xã hội khác hoặc cách họ tương tác với bạn, đồng thời sử dụng các chức năng Insights và phân tích Facebook để xem kiểu nội dung mà khách hàng phản hồi tốt nhất là gì, kiểu nội dung nào thì họ thường có xu hướng bỏ qua nhanh chóng. Khi đã thấu hiểu khách hàng của mình, bạn có thể dễ dàng lên kế hoạch cho những kiểu nội dung mang đến những kết quả tốt nhất. Hãy tham khảo phần tiếp theo của chương này để có một cái nhìn đầy đủ về Insights.
2. Từ Facebook Insights đến Content
Như đã nói ở trên, Facebook có xu hướng phát triển không ngừng, kéo theo đó là những thay đổi về quy định dành cho người dùng. Mặc dù các marketer không hề hứng thú chút nào với những thay đổi này, tuy nhiên họ vẫn ngần ngại việc phải rời bỏ Facebook, bởi đây là nơi quy tụ một lượng khách hàng khổng lồ và đầy tiềm năng. Bất kể Facebook có những thay đổi của Facebook về thuật toán hay quy định dành cho trang thương hiệu thế nào thì các nhà tiếp thị đều không thể phủ nhận lợi ích của việc sử dụng Insights Facebook hoặc bảng phân tích để hiểu thêm về khách hàng hay cộng đồng trực tuyến của mình.
2.1 Thu thập và phân tích thông tin mới nhất về fans thông qua Facebook Insights
Facebook Insights là công cụ hữu ích dành cho trang thương hiệu, nó giúp bạn cập nhật các hoạt động like, unlike và bình luận của cộng đồng khi họ ghé thăm trang của bạn đồng thời giúp bạn tiếp cận và tải về những báo cáo chuyên sâu cho các hoạt động đó. Tính năng hữu ích của công cụ này đó là nó cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về hành vi khách hàng, bạn sẽ biết được họ muốn gì, họ đang làm gì khi ghé thăm trang của bạn. Từ kết quả phân tích đó, bạn có thể triển khai và xây dựng những kế hoạch nội dung phù hợp.
Thông qua Facebook Insights, bạn sẽ nắm bắt được một số nội dung như sau:
● Lượt Like trang mới: Insight sẽ hiển thị cho bạn số lượt thích mới với trang của bạn hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng (có thể phân loại theo khu vực địa lý). Từ đây, bạn có thể tải xuống một bảng tính những số lượt thích trang mới này theo thời gian để đo lường mức tăng trưởng hay tụt dốc của nó.
● Lượng UnLike trang của bạn: Bạn đừng chỉ theo dõi lượt Like mới, những lượt Unlike trang thương hiệu của bạn cũng quan trọng không kém. Điều này sẽ giúp bạn đánh giá được thái độ tích cực hay tiêu cực của cộng đồng đối với trang của bạn. Khi biết được kiểu chủ đề hay nội dung nào đó khiến họ phản ứng tiêu cực dẫn đến Unlike, bạn sẽ biết cách điều chỉnh và chia sẻ những nội dung tạo phản ứng tích cực hơn.
● Lượt Like tự nhiên hay lượt Like do trả phí: Thông thường sẽ có hai kiểu Like cho trang Facebook của bạn đó là lượt Like đến từ người dùng Facebook ghé qua thăm trang hoặc lượt Like do quảng cáo mất phí mà có. Lúc này, Insights sẽ hiển thị số lượt Like cho bạn theo từng kiểu. Nếu bạn nhìn thấy phần lớn lượt Like nhờ quảng cáo có trả phí thì bạn nên phân tích để tìm ra vấn đề từ nội dung bài đăng của bạn, tại sao nó lại không thu hút khách hàng nhấn vào xem tự nhiên.
● Hành động Like diễn ra ở đâu: Insights sẽ cho bạn biết lượt Like được thao tác từ máy tính hay điện thoại của người dùng Facebook. Nếu mọi người xem trang thương hiệu của bạn thông qua điện thoại thông minh thì hãy chắc chắn bạn đã cung cấp loại nội dung dễ đọc trên các thiết bị nhỏ gọn (những thiết bị mà họ có thể vừa đi đường vừa xem được) và lúc này, bạn nên tạo chương trình tặng coupon hoặc những chính sách ưu đãi dành riêng cho tập khách hàng này.
● Mức độ tiếp cận của trang: Không chỉ fans, bất kỳ người dùng Facebook nào cũng có thể like, chia sẻ và bình luận bài viết trên trang của bạn, điều này có nghĩa là bất kỳ bài đăng nào trên trang cũng có khả năng tiếp cận nhiều người. Insights sẽ hiển thị cho bạn biết mức độ tiếp cận thực sự của trang Facebook.
● Tính tương tác trong mỗi bài đăng: Insights sẽ hiển thị cho bạn thấy tất cả những bình luận, lượt thích và bình luận đối với bài đăng trên trang Facebook.
● Kiểu bài đăng: Thông qua Insights, bạn sẽ biết được kiểu bài đăng nào mang lại hiệu quả hơn cả (thu hút được nhiều lượt thích và bình luận). Chẳng hạn, một hình ảnh vui nhộn sẽ đạt được nhiều tương tác hơn so với một bài đăng có nội dung toàn chữ.
● Các trang bạn đã ghé thăm: Không chỉ Facebook cá nhân, bạn cũng có thể theo dõi các trang Facebook khác thông qua trang Facebook của mình. Có nghĩa là, bạn có thể quan sát trang thương hiệu của đối thủ, theo dõi trang thương hiệu của họ hoạt động như thế nào thông qua tính năng Trang theo dõi nằm trong phần Tổng quan của Insights.
● Thông tin về nguồn lưu lượng truy cập do giới thiệu từ bên ngoài: Insights sẽ cung cấp thông tin chi tiết về việc những trang web nào đã dẫn mọi người đến trang Facebook của bạn. Chẳng hạn bạn nhận được lượng truy cập tới trang thông qua một công cụ tìm kiếm hoặc là đường dẫn từ một trang web, hoạt động này sẽ được Insights phát hiện và hiển thị cho bạn thấy.
● Thông tin nhân khẩu học: Facebook Insights cung cấp cho bạn đầy đủ các thông tin nhân khẩu học bao gồm độ tuổi, giới tính và vị trí địa lý.
2.2 Sử dụng hiệu quả dữ liệu Insights
Lý do Facebook cung cấp Insights là vì Facebook rất hiểu tầm quan trọng của công việc tìm hiểu nhu cầu của khách hàng trong cộng đồng của bạn. Thông qua việc phân tích các dữ liệu thu được từ Insights, bạn có thể thực hiện những bước cải tiến cần thiết và tăng lưu lượng truy cập cũng như tương tác cho trang Facebook của mình. Tuy nhiên, những số liệu này sẽ thường xuyên thay đổi theo thời gian, chính vì vậy, bạn nên dành thời gian để cập nhật chúng. Bạn có thể lưu ý những điểm quan trọng sau:
● Nếu số lượng Like tăng lên: Chứng tỏ bạn đang đi đúng hướng. Khi mọi người like trang của bạn có nghĩa là họ đang quan tâm đến thương hiệu của bạn. Điều này đồng nghĩa với việc những nội dung quảng bá mà bạn đang tiến hành cho trang Facebook của mình mang đến hiệu quả, kiểu nội dung bạn tạo đang thu hút sự tương tác. Hãy tiếp tục phát triển theo hướng này, tuy nhiên bạn nên lồng ghép nội dung khác để quan sát xem cộng đồng Facebook phản hồi tốt nhất với nội dung nào.
● Nếu số lượng Like đang giảm xuống: Điều này xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân và bạn cần xem xét lại. Có thể, bạn đang cập nhật nội dung quá nhiều lần trong ngày, và cộng đồng sẽ cảm thấy mệt mỏi vì nhìn thấy bạn cả ngày trên Newsfeed. Mỗi ngày, bạn chỉ nên đăng khoảng hai đến ba bài, đây là số lượng hợp lý và cộng đồng sẽ dễ thông cảm hơn. Cũng có thể, nội dung bạn đăng tải không đúng với chủ đề mà họ quan tâm, do đó bạn nên thay đổi hoặc lồng ghép nhiều kiểu nội dung khác nhau để xem họ phản hồi tốt nhất với kiểu nội dung như thế nào.
● Nếu lượng Like đứng yên: Bạn luôn muốn trang thương hiệu của mình nhận được lượt Like mới hàng ngày? Bạn luôn cố gắng đăng tải các nội dung hàng ngày để thu hút họ nhưng kết quả bạn nhận được là số lượng Like vẫn dậm chân tại chỗ? Có lẽ, bạn cần thay đổi, nội dung đăng tải trên trang của bạn có thể không cần số lượng nhưng phải đảm bảo về chất lượng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thay “áo mới” cho trang thương hiệu của mình bằng một hình ảnh đại diện và ảnh bìa bắt mắt, điều này có thể khiến Fanpage của bạn thu hút được nhiều người ngay từ cái nhìn đầu tiên.
● Hãy chú ý tới những nội dung được nhiều người phản ứng trên trang của bạn. Nếu mọi người like, bình luận và chia sẻ một nội dung trên trang Facebook của bạn thì đó chính là loại nội dung họ muốn bạn tiếp tục cung cấp. Bạn nên đăng tải những bài viết có nội dung tương tự như vậy để tạo tương tác với cộng đồng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tạo ra những bài viết có nhiều kiểu nội dung khác nhau nhưng vẫn đảm bảo cung cấp cho cộng đồng thứ mà họ muốn.
● Cộng đồng của bạn là tập hợp những người trong một độ tuổi nhất định: Nếu cộng đồng của bạn chủ yếu tập hợp những người từ 20-30 tuổi thì bạn nên tìm hiểu và đăng tải những nội dung phù hợp để thu hút họ.
● Một số kiểu nội dung cụ thể nhận được lượt tương tác vượt trội: Nếu bạn để ý sẽ thấy, việc chèn thêm những bức ảnh và video nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng hơn một bài đăng chỉ có vài đoạn chữ viết chằng chịt. Như vậy, trong các bài đăng, bạn nên lồng ghép vào đó những hình ảnh hoặc video minh họa để bài viết được hấp dẫn và thu hút nhiều người hơn.
● Không có ai phản hồi những kiểu nội dung cụ thể nào: Nếu bạn liên tiếp đăng tải những nội dung mà không nhận được bất kỳ phản hồi nào có nghĩa là nội dung của bạn chưa đủ sức hấp dẫn mọi người. Bạn nên thay đổi kiểu nội dung đăng tải để tránh những trường hợp như vậy.
Lưu ý: Bạn càng sử dụng nhiều Insights từ Facebook vào việc phân tích nội dung trên trang thì trang Fanpage của bạn sẽ càng phát triển. Thông tin trên trang Facebook cung cấp cho bạn cái nhìn hữu ích về hành vi, thói quen và nhu cầu của cộng đồng trên trang Facebook của bạn. Khi bạn biết họ hành xử thế nào trên Facebook, bạn có thể tạo ra kiểu nội dung mà họ sẽ phản hồi nhiều nhất. Hãy chắc chắn rằng, bạn đã dành thời gian đủ để phân tích mọi dữ liệu thu được qua Facebook Insights trước khi bạn bắt đầu xây dựng chiến lược nội dung Facebook.
3. Yếu tố cảm xúc và trải nghiệm trong Marketing
Theo phân tích dựa trên thực tế cho thấy, phần lớn người tiêu dùng khi đánh giá thương hiệu thường dùng cảm xúc và trải nghiệm của cá nhân họ chứ không phải dựa trên các thông tin mà thương hiệu cung cấp như thông số, chức năng, công dụng sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc, tạo ra một sản phẩm marketing mang lại cảm xúc được xem là yếu tố quan trọng để khiến người tiêu dùng quyết định lựa chọn sản phẩm từ doanh nghiệp của bạn.
Đây cũng là lý do hầu hết các marketer đều sử dụng yếu tố cảm xúc trong các sản phẩm marketing của mình. Dưới đây là năm yếu tố cảm xúc tác động mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của khách hàng tiềm năng:
3.1 Lo lắng, sợ hãi
Đây là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến tâm lý của con người, từ đó hình thành trong họ một hành động như bản năng đó chính là lập tức mua sản phẩm của bạn. Một số mẫu quảng cáo đã sử dụng yếu tố gây cảm giác lo lắng, sợ hãi như:
- Dung dịch tẩy rửa nhà tắm Vim: Quảng cáo này đã phóng đại và tạo hình gớm ghiếc cho những con vi khuẩn trú ngụ trên và trong thành bồn cầu, điều này đánh vào tâm lý sợ hãi, ghê rợn của người sử dụng, khiến họ kinh hãi mỗi khi nhìn vào bồn cầu của nhà mình và thôi thúc họ phải chạy đi mua ngay sản phẩm này về sử dụng.
- Hay như quảng cáo thuốc diệt côn trùng Jumbo Vape: Hầu hết mọi người có cảm giác sợ hãi những con côn trùng như gián, kiến, muỗi… Sự xuất hiện của chúng đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình khiến cho họ phải nhanh chóng sử dụng sản phẩm này ngay để tiêu diệt bọn chúng.
Khi bản thân sợ hãi, đặc biệt là đối với những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, cuộc sống của chính mình thì tự chúng ta sẽ muốn ngay lập tức sử dụng sản phẩm (dịch vụ) đó để được an toàn.
3.2 Yêu thương
Yếu tố yêu thương là yếu tố cảm xúc cơ bản nhất của con người, mặc dù vậy trong marketing yếu tố này lại rất khó để chạm tới sâu thẳm trái tim của mỗi khách hàng, do đó đây là yếu tố ít được sử dụng nhất. Tuy nhiên, nếu bạn thành công với yếu tố này, bạn sẽ để lại ấn tượng vô cùng tuyệt vời trong lòng mỗi khách hàng. Ví dụ như trong quảng cáo của Omo Tết 2015, kể về việc một ông cụ già đi bán tò he, vì cuộc sống nghèo khó, ông phải đi bán tò he để mưu sinh đã ba năm trôi qua cũng chưa thể về quê ăn Tết cùng đứa con gái mình. Sau khi cô bé gái đọc giúp ông bức thư do con gái ông gửi, cô bé đã không ngại ngần bị sơn lấm bẩn để viết ra những lời kêu gọi sự đồng cảm từ mọi người dành cho ông trên tấm vải băng rôn mà cô bé tặng ông. Đoạn clip đã tạo được sự đồng cảm sâu sắc của người xem, bởi Tết là khoảng thời gian sum vầy nhưng ông cụ dù tuổi đã cao mà vẫn phải mưu sinh nơi xứ lạ. Từ quảng cáo, người làm nội dung lồng ghép vào trong đó là hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, kích thích người mua hàng đồng thời kêu gọi sự đồng cảm, chia sẻ yêu thương giữa con người với nhau.
3.3 Tự hào, kiêu hãnh
Cảm giác mong muốn được người khác ngưỡng mộ, nể phục là cảm giác rất bản năng của con người, chính vì điểm này các marketer luôn muốn tạo thông điệp khiến người mua hàng sử dụng những sản phẩm có tính chất hướng mọi người đến sự ngưỡng mộ khi sở hữu.
Ví dụ, khi nhắc đến đồng hồ Rolex, người ta nghĩ ngay đến sự sang trọng và đẳng cấp vượt trội (vì chất lượng và giá thành của nó). Đây được coi là những cỗ máy vượt thời gian bởi tuổi thọ của nó có thể trải qua cả thế kỷ nếu bạn biết cách gìn giữ. Chất lượng của mỗi chiếc đồng hồ Rolex được thể hiện ở sự đảm bảo về độ tinh tế và chính xác từ những chi tiết nhỏ nhất, mỗi chiếc đồng hồ thông thường mất một năm để thiết kế và được ra mắt sau khi nhà sản xuất thử nghiệm rất nhiều lần để chắc chắn rằng nó sẽ không xảy ra bất kỳ sai sót nào. Về chất liệu và linh kiện của nó được làm bằng kim loại quý, thép không gỉ, trang sức quý… được nhà sản xuất chọn lọc kỹ càng và tỉ mỉ đảm bảo cho sự ra đời của một chiếc đồng hồ mang giá trị thẩm mỹ hoàn hảo. Những chiếc đồng hồ của hãng này hầu hết có thể tự động lên dây cót, chống nước và đạt đến độ chính xác gần như tuyệt đối. Một điểm quan trọng hơn, chiếc đồng hồ này phù hợp với bất kỳ ai đeo nó bởi đây là mẫu đồng hồ “unisex”. Chúng thường được bán với giá rất cao, điển hình là chiếc Rolex Daytona mà diễn viên Paul Newman từng đeo được mua lại với giá 17,8 triệu USD - mức giá kỷ lục thế giới - trong buổi đấu giá do nhà đấu giá Phillips Bacs & Russo tổ chức ở New York (Mỹ) vào cuối tháng 10 năm 2017.
Phần lớn, những chiến dịch marketing đánh vào yếu tố này thường dành cho những sản phẩm có giá trị đắt tiền, xa xỉ hướng đến những khách hàng thuộc phân khúc cao hơn trên thị trường nói chung. Sử dụng yếu tố marketing này trong kinh doanh sẽ giúp bạn xác định và tôn vinh đẳng cấp cho khách hàng của mình.
3.4 Tham lam
Một trong những yếu tố được sử dụng thường xuyên nhất trong marketing đó là yếu tố tham lam. Marketer sử dụng các chiến dịch truyền thông để đánh vào lòng tham của con người như các chiến dịch sale giảm giá, chiến dịch mua hàng được tặng kèm quà hoặc các chiêu bán hàng theo từng lô của những sản phẩm cùng loại. Chiến dịch này thường mang lại những hiệu quả đặc biệt, bởi ăn sâu trong tiềm thức mỗi người Việt đó là ham mua đồ rẻ, đồ giảm giá, với việc đánh trúng vào tâm lý này sẽ làm tăng sự ham muốn và thúc đẩy hành vi mua hàng của họ. Thử tưởng tượng một ngày, shop thời trang mà bạn rất yêu thích bỗng ra chương trình giảm giá, liệu bạn có thể bỏ qua được cơ hội đó hay không? Thực tế cho thấy, con người sẽ không dứt ra được thậm chí họ luôn khao khát để sở hữu những đợt giảm giá, khuyến mãi từ nhà kinh doanh đối với những sản phẩm thiết yếu cho họ. Đây cũng là một trong những yếu tố có thể sử dụng lâu dài trong marketing mà hiệu quả của nó sẽ tăng lên theo thời gian cũng như quy mô chiến dịch mà nhà kinh doanh thực hiện.
3.5 Cảm giác tội lỗi
Cảm giác tội lỗi cũng là cảm giác đóng vai trò trong quyết định hành vi mua hàng của khách hàng. Bạn có phân biệt được chính xác động cơ khi khách hàng mua quà tặng người thân ngày sinh nhật, ngày Quốc tế Phụ Nữ, ngày Valentines… là bắt nguồn từ tình yêu hay cảm giác tội lỗi? Thực ra, đó là quyết định dựa trên sự hòa hợp của hai cảm xúc trên. Khi họ muốn yêu thương hóa bằng những món quà, bằng hiện vật gửi tới những người thân của mình. Vậy đây chính là yếu tố cảm xúc bạn có thể tận dụng trong chiến dịch marketing cho sản phẩm của bạn.
Hai cảm xúc tội lỗi và yêu thương có vẻ giống nhau và thường được marketer lồng ghép với nhau trong chiến dịch marketing cho sản phẩm. Khi chạm được tới trái tim của khách hàng vô hình bạn tạo cho khách hàng một cảm giác tội lỗi khi không mua sản phẩm của bạn. Quay lại ví dụ quảng cáo Omo Tết 2015 đã nói ở trên, từ sự đồng cảm cho số phận của ông cụ già đã ba năm chưa về quê ăn Tết cùng con gái, dù tuổi cao vẫn phải mưu sinh xứ lạ, khách hàng sẽ rất muốn mua sản phẩm để đóng góp một phần nhỏ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn khác như cụ để cái Tết của họ được trọn vẹn hơn. Cũng chính từ cảm giác yêu thương đó, khách hàng sẽ cảm thấy có lỗi nếu mình bỏ qua sản phẩm này do đó thúc đẩy hành vi mua hàng của họ.
4. Viral content
Theo một cách đơn giản nhất, viral content được hiểu là nội dung cực kỳ hữu ích hoặc thú vị trên Internet, nó có sự hấp dẫn làm người ta thích thú, chia sẻ và lan tỏa không ngừng… như một con virus vậy, bùng phát một cách mạnh mẽ trong một khoảng thời gian nhất định rồi hạ nhiệt. Cũng chính nhờ sức hấp dẫn, viral content khiến cho công chúng vô thức mà bình luận, chia sẻ, đề cập đến nội dung và thương hiệu đó trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội... không cách nào ngăn cản được.
Khi xây dựng thành công chiến lược nội dung cho trang thương hiệu, bạn cũng sẽ hình thành được ý tưởng cho các bài viết để triển khai nội dung đó tới cộng đồng của mình. Bạn có thể sử dụng tính năng lịch hoặc bảng tính có chỉnh sửa trong khi lập kế hoạch nội dung để tránh những bài đăng tải tẻ nhạt do bạn “không biết phải nói gì”. Khi xây dựng theo cách này, bạn sẽ nắm được kế hoạch một cách cụ thể, hệ thống, dễ theo dõi và bạn cũng sẽ biết được tiến độ của công việc mình đang thực hiện.
Những nội dung bạn đăng tải không nhất thiết phải về bán hàng, thay vào đó bạn có thể đăng tải những đoạn hội thoại mang tính tương tác dẫn tới việc có thể giúp bạn bán được hàng. Bạn có thể đưa ra những câu hỏi, hình ảnh, video vui nhộn và những bài báo, bài đăng giàu thông tin. Dưới đây là một vài gợi ý cho bạn để tạo nội dung hấp dẫn cho trang Facebook thương hiệu:
- Đừng biến tất cả mọi thứ trở nên quá nghiêm túc hay sâu sắc: Trên trang thương hiệu, bạn nên giữ tính tương tác nhẹ nhàng, không nên đưa ra hay thể hiện quan điểm một cách quá gay gắt trong mỗi bài đăng tải. Những câu hỏi và thảo luận gây tranh cãi là một phần trong chiến lược nội dung hấp dẫn, tuy nhiên bạn đừng quên thêm vào đó gia vị hài hước. Khi trang thương hiệu của bạn luôn có những luồng tương tác phản ánh những quan điểm quá gay gắt sẽ khiến cho cộng đồng của bạn lo lắng và có cảm giác xa cách bạn, họ sẽ ít thăm trang của bạn hơn và dần dần họ không còn muốn tương tác với bạn như ban đầu nữa.
- Sự súc tích đóng vai trò quan trọng: Người dùng Facebook có đủ kiên nhẫn để đọc hết nội dung bạn đăng tải? Khi xây dựng nội dung, bạn đừng bỏ qua câu hỏi này, cho dù bài viết của bạn không bị giới hạn như các trang mạng xã hội khác đi chăng nữa thì nên nhớ Facebook không phải là Blog. Khi đọc một bài viết nhiều chữ, người dùng chưa chắc đã tóm tắt được nội dung của nó, điều này dẫn đến sự chán nản và khiến họ phải bỏ dở. Thông thường, mọi người luôn muốn lướt qua thật nhanh những bài viết có nội dung dài dòng và lan man. Hãy cố gắng tạo ra các tin cập nhật ngắn gọn, xúc tích bởi không ai hứng thú với những tin có nội dung quá dài. Một bài đăng tải với dung lượng vừa phải bao gồm đầy đủ những thông tin bạn muốn chia sẻ sẽ luôn thu hút sự chú ý của mọi người hơn là một bài đăng có quá nhiều câu từ.
- Bài viết đúng chủ đề: Trên trang thương hiệu, hãy tạo ra những bài viết đúng chủ đề. Nếu bạn viết về nhiều chủ đề cùng một lúc nhưng lại không có sự liên kết với lĩnh vực của bạn thì bạn sẽ khiến cho mọi người cảm thấy bối rối. Chẳng hạn, bạn là một thương hiệu về quần áo thời trang thì cộng đồng của bạn mong chờ những chủ đề xoay quanh thời trang như sự phối hợp trang phục theo mùa, theo công việc, những mẫu hot trend mới… nhưng bạn lại đăng tải những thông tin có liên quan đến đồ nội thất gia dụng hoặc đồ ăn ngon, như vậy mọi người sẽ bị hoang mang không biết bạn đang cung cấp cái gì và những thông tin đó có liên quan gì đến thương hiệu của bạn. Bạn có thể đăng tải những bài đăng không phải là nội dung bán hàng để kêu gọi sự tương tác từ mọi người nhưng các bài bạn đăng nên là những bài viết có sự liên kết với lĩnh vực của mình. Hãy cho mọi người thấy sự đa dạng trong các bài viết nhưng đồng thời bạn cũng phải thể hiện được sự thống nhất trong chủ đề mình viết.
- Hãy xây dựng bài viết có nội dung mở: Trên trang thương hiệu, hãy tạo cơ hội và kêu gọi mọi người tương tác bằng cách đưa ra những câu hỏi hoặc những điều gợi mở cho một cuộc thảo luận. Hãy cho mọi người biết bạn rất muốn tương tác với mọi người và bạn luôn khuyến khích họ phản hồi với nội dung bạn đăng tải. Có thể sử dụng các kiểu cấu trúc như: “Bạn có cảm nhận gì khi sử dụng dịch vụ này?”, “Bạn chọn sản phẩm (dịch vụ) A hay B?”...
- Những bình luận của cộng đồng sẽ định hướng đi cho bạn trong quá trình xây dựng nội dung: Cộng đồng đang có câu hỏi gì trên trang của bạn? Họ phản hồi nhiều nhất với những bài đăng kiểu như thế nào? Họ phản hồi vào thời gian nào? Họ nói những gì? Bạn nên quan sát thật kỹ biểu hiện của cộng đồng để tìm ra cho mình chủ đề phù hợp. Nếu một vài chủ đề tạo được nhiều hứng thú hơn thì bạn hãy lên kế hoạch tập trung cho những chủ đề kiểu như vậy.
- Đọc lại và chỉnh sửa từng bài đăng: Bạn hãy cho cộng đồng của bạn thấy bạn chú tâm vào những bài viết như thế nào. Nếu những bài đăng còn lỗi và câu chữ lủng củng có nghĩa là bạn đang cho cộng đồng thấy rằng bạn cẩu thả, không tôn trọng họ và không tôn trọng chính bạn. Sẽ không hề dễ chịu chút nào khi đọc một bài viết có chứa nhiều lỗi như vậy, điều này cũng có nghĩa là bạn đã đánh mất đi cảm tình của cộng đồng dành cho mình.
Khi đăng tải quá nhiều chủ đề gây tranh cãi hoặc bạn có một số lượng lớn bình luận tiêu cực trên trang thương hiệu thì dần dần bạn sẽ đánh mất đi những cá nhân tích cực, chỉ còn lại những người thích điều tiêu cực và thái độ tiêu cực ghé thăm trang bạn mà thôi. Một thái độ tích cực cùng nội dung tích cực sẽ tạo điều kiện cho kết quả tích cực.
Gợi ý: Trước khi xây dựng nội dung cho trang Facebook, bạn có thể tham khảo một số trang thành công về cách xử lý nội dung, cách họ tương tác với cộng đồng để bạn có thêm cảm hứng để tạo ra sự độc đáo của riêng mình. Dịch vụ Viral Content của MediaZ đã mang lại nhiều viral content thành công cho khách hàng, bạn có thể tham khảo những bài viết này tại link: http://viral.mediaz.vn/. Ngoài ra, bạn cũng nên xem trang cá nhân của đối thủ cạnh tranh để biết họ đã làm được gì, thiếu sót ở đâu, từ đó từng bước hoàn thiện trang thương hiệu của mình hơn.
(mã QR code của http://viral.mediaz.vn/)
5. Các dạng visual content được ứng dụng trong truyền thông
Visual là thuộc về thị giác, Content là nội dung. Visual Content có nghĩa là những nội dung có sử dụng yếu tố hình ảnh “bắt mắt”, thu hút người đọc từ cái nhìn đầu tiên. Nếu nói Content là “gỗ”, thì yếu tố Visual chính là “nước sơn”. Người ta thường nói “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng trong thời đại ngày nay, sẽ chẳng ai đoái hoài đến “gỗ” nếu “nước sơn” của nó không đẹp cả! Những nội dung bạn đăng tải cũng như vậy, nếu bạn không thu hút được người đọc từ cái nhìn đầu tiên, cho dù bạn có viết hay như thế nào, chia sẻ những thông tin hữu ích ra sao thì bài viết của bạn cũng sẽ không thu hút được sự quan tâm của mọi người.
Các nghiên cứu của Adweek, Forbes và Content Marketing Institute cũng chỉ ra rằng, phần lớn mọi người đều thích hình hơn chữ, thích ngắm nghía hơn thích đọc và thích động hơn tĩnh. Thực tế, khi đọc một bài viết toàn chữ, mọi người sẽ khó tập trung và theo dõi được chúng một cách toàn diện, thậm chí ngay khi đọc xong họ cũng khó mà nắm bắt được nội dung vừa đọc muốn truyền đạt điều gì. Đó cũng là lý do mà lượng tương tác của mọi người dành cho Visual Content luôn cao vượt bậc so với những bài đăng tải nội dung thuần chữ.
Dưới đây là 10 dạng Visual Content phổ biến nhất hiện nay:
a. Infographic
Infographic là từ ghép của Information Graphic, tạm dịch là thiết kế đồ họa thông tin, có nghĩa là sử dụng hình ảnh để trình bày thông tin, dữ liệu hoặc kiến thức thể hiện những thông tin phức tạp một cách nhanh chóng và rõ ràng. Infographic thường được giới hạn phần chữ và tập trung diễn đạt các ý chính bằng phần hình giúp cho người đọc có thể nắm bắt các thông tin một cách nhanh chóng, không mất quá nhiều thời gian so với việc đọc và phân tích một đoạn văn dài dòng như trước đây.
Trong những năm trở lại đây, Infographic được xem là dạng Visual content quyền lực nhất, bởi nó hướng mọi người đến với một nội dung ngắn gọn, bắt mắt và súc tích. Người dùng có xu hướng thích đọc những mẩu tin ngắn, hình ảnh hoặc video truyền đạt được nội dung họ đang tìm kiếm. Hơn nữa, việc tìm kiếm thông tin hiện nay thường được thao tác trên các thiết bị thông minh nhỏ gọn, thiết kế Infographic lại cùng lúc đảm bảo được yếu tố này, đây cũng chính là lý do nó được nhiều doanh nghiệp, đơn vị sử dụng trong việc quảng cáo cho thương hiệu của họ.
b. Meme/Quote
Hiểu một cách ngắn gọn, Meme/Quote là những bức ảnh có kèm chữ là được lan truyền trên mạng xã hội như một con virus. Nếu nói Meme là những hình ảnh mang tính hài hước thì Quote lại là những câu trích dẫn có chiều sâu hơn. Điểm chung của hai dạng này đó chính là việc sử dụng hình ảnh để tác động trực tiếp vào người xem, tạo cho bạn một liên kết ngầm với người xem chúng. Mọi người sẽ cảm thấy hứng thú và muốn chia sẻ những nội dung này cho bạn bè và người thân họ.
Tạo một Meme/Quote khá đơn giản, bạn chỉ cần tìm một hình ảnh phù hợp với thông điệp của bạn, sau đó bạn có thể sử dụng thao tác trên Smartphone để ghép chữ vào hình ảnh và chèn thêm logo của bạn. Với một Meme/Quote ấn tượng, bạn có thể thu hút hàng nghìn người trên mạng xã hội, vì vậy đây là yếu tố bạn có thể sử dụng trong việc quảng cáo trang thương hiệu của mình.
c. Biểu đồ hóa dữ liệu
Hầu hết mọi người thường cảm thấy rắc rối khi tiếp xúc với quá nhiều con số trong một bài viết, họ thường không quan tâm và muốn bỏ qua ngay lập tức. Lúc này, bạn sẽ làm như thế nào? Sử dụng một vài bảng phân chia, biểu đồ, chia cột, miền sẽ là một phương pháp khá hữu hiệu trong trường hợp này.
Nếu bạn muốn đạt hiệu quả khi sử dụng biểu đồ cụ thể hóa dữ liệu, bạn nên ghi nhớ những tiêu chí cơ bản như:
- Các thông tin phải đảm bảo độ chính xác, cập nhật và có nguồn tham khảo đáng tin cậy.
- Tận dụng màu sắc và hình ảnh đẹp, bắt mắt để giúp độc giả dễ tiếp thu thông tin.
Là một người làm Content, bạn đừng giới hạn bản thân với bất cứ thứ gì, hãy luôn sáng tạo và bứt phá. Khi bạn tạo ra được một sản phẩm độc đáo, bạn sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp cho mọi người, họ sẽ tìm đến bạn và ủng hộ bạn lâu dài.
d. Hình ảnh đẹp mang tính thương hiệu
Bạn có muốn mang thương hiệu đến với tất cả mọi người và được mọi người đón nhận? Theo một nghiên cứu khoa học, có đến hơn 90% thông tin được truyền đến não bộ thông qua hình tượng (âm thanh, màu sắc, hình ảnh) và hơn 65% con người sẽ lưu giữ thông tin bằng hình ảnh trong bộ nhớ dài hạn của não bộ so với nội dung bằng chữ viết thông thường. Hình ảnh gây ấn tượng gấp nhiều lần so với nội dung vì chúng có tác động trực quan nhất, rõ ràng, và đánh vào cảm xúc, liên tưởng. Chính vì vậy, bạn nên tập trung xác định rõ điểm đặc trưng nhất của thương hiệu, xây dựng cho nó một tính cách rõ ràng và thể hiện nó qua những hình ảnh đặc sắc. Nội dung của những hình ảnh đó không nhất thiết phải quá đặc sắc, nhưng cần phải đúng chủ đề, mang tính nhận diện thương hiệu cao và đẹp.
Khi bạn sử dụng những hình đẹp mang tính thương hiệu, bạn sẽ tạo ra trong lòng người xem một ấn tượng riêng. Thông thường, với những hình ảnh đẹp, mọi người sẽ có một thiện cảm nhất định, họ sẽ muốn tìm kiếm và ngắm nhìn những hình ảnh mà bạn cung cấp.
e. Ảnh chụp màn hình
Ảnh chụp màn hình cũng là một dạng của Visual Content mà bạn có thể sử dụng để thu hút mọi người đến thăm trang thương hiệu của bạn. Thông thường, ảnh chụp màn hình sẽ nhấn mạnh tính năng, cách dùng, công dụng của sản phẩm. Bên cạnh đó, khi bạn muốn “khoe” những lời nhận xét, đánh giá tích cực của những người đã sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà trang thương hiệu của bạn cung cấp với tất cả mọi người để tăng thêm sự tin tưởng trong họ thì sử dụng ảnh chụp màn hình trong các bài đăng khá hiệu quả. Nó làm tăng thiện cảm với những khách hàng chưa bao giờ sử dụng sản phẩm từ bạn hay lần đầu họ ghé thăm trang thương hiệu.
f. Bài thuyết trình
Với sự bùng nổ của khoa học công nghệ thông tin như hiện nay, việc sử dụng một Slide thuyết trình PowerPoint, Prezi, Visme… luôn mang lại hiệu quả cao hơn những bài viết dài và nhiều chữ thông thường. Khi bạn sử dụng slide thuyết trình, mọi người có thể theo dõi được nội dung, những vấn đề chính một cách trọn vẹn, nhanh chóng và dễ ghi nhớ. Nó mang tính hệ thống, thuyết phục cao và khả năng liên kết giữa các phần chặt chẽ. Đây không phải là dạng Visual content phổ biến trên các trang mạng xã hội, nhưng nếu bạn hoạt động trong một nhóm cộng đồng có chuyên môn, đây là hình thức sẽ được đánh giá cao nhất.
g. Video
Không tự nhiên mà Video lại được thuật toán của Facebook ưu tiên hơn bất kỳ hình thức nào trong các bài đăng. Bởi nếu một bài viết chỉ toàn chữ chắc chắn sẽ khó tránh khỏi sự nhàm chán và những hình ảnh chỉ cho mọi người thấy được một khía cạnh nhất định của sự việc thì Video lại là sự kết hợp của tất cả các yếu tố khác bao gồm cả câu chữ, hình ảnh, âm thanh, chuyển động của sự việc… Theo dõi một video, bạn như đang được chứng kiến câu chuyện và khi ấy bạn chính là một khán giả đang hiện hữu bên cánh gà của câu chuyện đó.
Khi sử dụng Video, vô tình bạn mang đến cho người xem một cảm xúc thật dành cho chính câu chuyện mà bạn chia sẻ. Cũng vì lý do này, các mạng xã hội đang ngày càng ưu ái hình thức Video với một loạt tính năng mới như cho phép tương tác (Youtube), tự động bật (Instagram), tự động chuyển sang video khác (Facebook)…
h. Lời kêu gọi hành động (Call-to-action)
Nếu tất cả những công việc bạn thực hiện cuối cùng đều hướng tới mục đích kêu gọi hành động của khách hàng thì Call-to-action là hình thức lý tưởng dành cho bạn. Bạn có thể tìm đến những phần thiết kế để tạo sự nổi bật cho lời kêu gọi hành động của bạn, thiết kế càng bắt mắt thì bạn càng thu hút được sự chú ý của mọi người.
i. Hướng dẫn / Mẹo vặt
Có thể bạn chưa biết, những hình ảnh mang tính “Tips and Tricks” (mẹo vặt và mánh khóe) luôn là nội dung cuốn hút mọi người, họ thường hy vọng sẽ được chia sẻ nhiều hơn từ cộng đồng Facebook. Những nội dung này hầu hết là những thông tin có ích, được mọi người chia sẻ từ chính trải nghiệm của bản thân họ về các lĩnh vực như du lịch, bí quyết làm đẹp, mẹo chăm sóc sức khỏe, các mẹo giúp họ học hỏi tốt hơn… Bạn nên sử dụng những hình ảnh minh họa cụ thể để mọi người có thể dễ tiếp nhận thông tin của bạn hơn, có thể sử dụng hình ảnh của sản phẩm, dịch vụ của mình một cách trực tiếp hoặc lồng ghép vào những nội dung đó một cách khéo léo.
k. Câu hỏi gợi mở
Sử dụng một câu hỏi luôn “giữ chân” người đọc ở lại bài viết của bạn lâu hơn, vì nó yêu cầu sự tương tác thật sự trong tâm trí của người đọc, kích thích suy nghĩ và ham muốn được chia sẻ của họ. Khi bạn hỏi những câu hỏi đánh trúng tâm lý, chuyên môn, cộng đồng của bạn sẽ chia sẻ rất thoải mái và chi tiết. Bằng cách đặt câu hỏi, bạn đã tạo nên một sợi dây tương tác cảm xúc vô hình giữa thương hiệu và người đọc, và khéo léo lan tỏa thương hiệu của mình.
6. Chia sẻ và được chia sẻ
Một trong những cách quan trọng giúp bạn tạo ra tương tác trên trang thương hiệu đó là sự chia sẻ. Khi bạn xây dựng được một nội dung phù hợp đồng nghĩa với việc nội dung đó có thể tiếp cận hàng ngàn người thông qua chia sẻ, tăng khả năng nhận diện thương hiệu và sự tương tác với thương hiệu của bạn. Nếu nội dung của bạn theo hướng tích cực, sáng tạo và hấp dẫn thì bạn rất có thể để lại ấn tượng tốt đối với mọi người, sẽ có nhiều người yêu thích bạn hơn và tăng cơ hội bán hàng cho bạn.
Trên trang thương hiệu, nội dung bạn viết không phải dành cho Facebook - một thứ vô tri vô giác - mà là cho mọi người, vì vậy bạn nên tạo ra những bài viết có cảm xúc. Có nhiều thương hiệu đang phạm phải sai lầm ở chỗ họ xây dựng nội dung có khả năng lan truyền nhanh chóng thay vì những nội dung gây đồng cảm cho mọi người. Khi tất cả nội dung của bạn mang tính câu like một cách rõ ràng thì fans của bạn sẽ trở nên hoang mang, mất niềm tin với tất cả những tiêu đề gây sốc hay những luận điểm gây xúc động của bạn.
Mọi người thường thích cảm giác khám phá ra điều gì đó tuyệt vời từ trang thương hiệu của bạn, sau đó họ chia sẻ với bạn bè và gia đình một cách hào hứng như chính họ là người tạo ra những nội dung ấy. Khi ai đó nhấn nút Chia sẻ bên dưới bài viết của bạn thì có nghĩa là nội dung của bạn cũng được hiển thị lên Newfeed bạn bè của người đó. Nếu có một nhóm khoảng 12 người (mỗi người có 200 bạn bè) cùng chia sẻ nội dung bài viết của bạn thì bài viết đó có tiềm năng tiếp cận đến 2400 người. Trong số 2400 vừa được tiếp cận đó chỉ cần thêm 10 người mới like trang của bạn thì kết quả đã rất tuyệt vời, thậm chí, nếu không đón nhận thêm fans mới nào, thì việc chia sẻ ấy cũng đã giúp bạn tạo nên sự nhận diện thương hiệu cho họ.
Nếu mọi người biết đến bạn với tư cách là người có khả năng tạo ra nhiều nội dung hữu ích có thể chia sẻ thì sẽ có nhiều người tin tưởng, theo dõi và sử dụng thương hiệu của bạn. Hơn nữa, khi được nhiều người tin tưởng, bạn sẽ được đánh giá là chuyên gia đáng nể trong lĩnh vực của mình. Vậy mọi người thường muốn chia sẻ nội dung như thế nào?
Dưới đây sẽ chỉ ra cho bạn một vài kiểu nội dung được nhiều người hứng thú và muốn chia sẻ với bạn bè và gia đình họ:
● Hình ảnh: Hầu hết mọi người muốn chia sẻ ảnh nhiều hơn bất kỳ thứ gì khác trên trang cá nhân. Hãy chắc chắn rằng những hình ảnh bạn đăng tải có liên quan, gợi mở tư duy đáng để mọi người thảo luận hoặc có thể là những hình ảnh vui nhộn, tuy nhiên, đừng khiến chúng trở nên quá nhạy cảm. Khi lướt qua một tin, mọi người thường có xu hướng xem hình ảnh trước khi đọc chữ, do đó bạn nên bỏ nhiều công sức hơn vào những bức ảnh mà bạn muốn chia sẻ cho cộng đồng của mình.
● Nội dung hài hước, vui nhộn: Mọi người thích chia sẻ nội dung khiến cho họ cười, do đó bạn hãy đăng những bức ảnh, bài viết blog hay những video thú vị và hài hước. Thực tế cho thấy, nội dung hài hước trên Facebook luôn thu hút được sự chú ý của mọi người, họ luôn hào hứng để lại bình luận và chia sẻ về trang cá nhân của họ để bạn bè họ cũng có thể cảm thấy thư giãn khi đọc nó.
● Những câu chuyện sưởi ấm trái tim: Những câu chuyện về thành công, thăng tiến đều là những nội dung thu hút được sự chú ý của mọi người. Họ thích nghe chuyện về những tấm gương vượt khó, những người nghèo khổ hoặc cuộc sống của họ rất khó khăn mong muốn được giúp đỡ, khi ấy, mọi người chia sẻ bài viết vì họ muốn truyền cảm xúc cho người khác với mong muốn kêu gọi sự đồng cảm và chia sẻ với những nhân vật trong câu chuyện vừa chia sẻ.
● Nội dung liên quan: Bạn đã bao giờ đọc một bài viết và thốt lên rằng: “Trời ạ! Họ đang viết về câu chuyện của mình à?” chưa? Mọi người thường có xu hướng muốn phản hồi nhiều với những nội dung họ thấy liên quan tới họ, hoặc rất giống với câu chuyện họ đã từng trải qua. Hãy xây dựng những nội dung tương tự như thế, có thể bạn sẽ thu nhận được nhiều sự đồng cảm của những người từng trải với câu chuyện của bạn.
● Nội dung giảm giá: Phần lớn mọi người theo dõi các trang thương hiệu với hy vọng sẽ nhận được những ưu đãi đặc biệt. Chỉ cần trang thương hiệu của bạn có nội dung liên quan đến giảm giá, họ sẽ không chần chừ nhấn nút Chia sẻ cho bạn bè và người thân của họ được biết đến và được hưởng ưu đãi đó.
● Video có sức lan truyền: Những video vui nhộn thường thu hút được đông đảo mọi người vì vậy mà bạn nên thường xuyên đăng tải những video tương tự hoặc có nội dung liên quan lên trang của bạn để được chia sẻ nhiều hơn.
● Danh sách, gợi ý, hướng dẫn, review: Mọi người thường thích các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm từ Facebook: đó có thể là các bài về món ăn ngon (bao gồm địa điểm hoặc cách làm), đó cũng có thể là bài review về một khu du lịch, về dịch vụ hoặc sản phẩm nào đó, cũng có thể là những kinh nghiệm liên quan đến học tập, những lời khuyên hướng mọi người đến sự thành công, tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Bạn nên đăng những bài viết gợi ý, review có liên quan đến lĩnh vực của bạn để thu hút mọi người theo dõi và chia sẻ.
Khi ai đó chia sẻ nội dung của bạn mà tên họ được công khai theo cách tích cực có nghĩa là họ sẽ muốn tiếp tục ủng hộ bạn, bạn nên gửi lời cảm ơn đến họ và thể hiện mong muốn được họ ủng hộ trong thời gian tới. Nếu một trang thương hiệu khác chia sẻ nội dung của bạn thì bạn hãy cố gắng làm như họ, quảng bá chéo cũng là một hình thức thu hút sự theo dõi một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, bạn đừng chỉ ngồi chờ được người khác chia sẻ, bạn hãy tự mình chia sẻ. Mỗi ngày, bạn có thể ghé thăm nhiều tài khoản Facebook khác, tìm kiếm những thông tin bạn cho rằng có ích với cộng đồng của mình và chia sẻ chúng. Bạn không nên giới hạn nội dung chia sẻ trong những bài viết Facebook hay nội dung do chính bạn tạo nên. Hoạt động chia sẻ bài trên blog, hình ảnh, video, bưu thiếp của người khác sẽ tạo ra thiện cảm giữa nhiều cộng đồng với nhau và sẽ dẫn tới nhận thức về thương hiệu lớn hơn cho trang thương hiệu của bạn. Khi bạn hành động một cách tích cực như vậy, mọi người có thể sẽ đáp lại bạn bằng cách chia sẻ bạn với cộng đồng họ. Như vậy, có thể tạo sự gắn kết với nhau nhiều hơn và đáp ứng được nhiều nhu cầu của cộng đồng Facebook.
7. Bí quyết sử dụng các nhóm kín
Phần lớn những hoạt động trên Facebook của bạn được hiển thị công khai, có nghĩa là khi bạn chia sẻ ý kiến thì bạn bè trên Facebook của bạn có thể nhìn thấy những hoạt động đó. Điều này đôi khi mang lại cho bạn sự bất tiện và cảm giác không thoải mái. Để cải thiện điều này, Facebook cho phép người dùng tạo ra các nhóm kín và nhóm bí mật dành cho những cuộc thảo luận riêng tư mà chỉ có những người trong nhóm mới nhìn thấy được hoạt động của nhau, bạn sẽ không phải lo ngại việc gia đình và bạn bè theo dõi hoạt động của bạn.
7.1 Nhóm kín và nhóm bí mật
Nhóm kín và nhóm bí mật trên Facebook đều mang tính riêng tư nhất định, tuy nhiên, chúng có một số điểm khác nhau như sau:
- Nhóm kín vẫn sẽ được hiện ra ở phần tìm kiếm của Facebook và bất kỳ ai cũng có thể yêu cầu được trở thành member. Quản trị viên của nhóm có thể duyệt yêu cầu thành viên hoặc đặt ở chế độ cho phép mọi người đều có thể duyệt thành viên mới. Đối với nhóm kín, bạn vẫn sẽ nhìn thấy danh sách thành viên trong nhóm mặc dù bạn không thể nhìn thấy tin nhắn, bài viết, hình ảnh hay bất kỳ các tương tác nào của họ.
- Đối với nhóm bí mật, nếu bạn không phải là thành viên, nhóm này có thể được coi như không tồn tại trên Facebook bởi nó sẽ không hiển thị bất kỳ cập nhật nào liên quan đến nhóm bao gồm thành viên, bài viết, sự tương tác và tin nhắn. Muốn tham gia vào nhóm, bạn phải được quản trị viên mời vào hoặc nếu được giới thiệu từ bạn bè trên Facebook thì bạn vẫn phải đợi sự phê duyệt từ quản trị. Trên thực tế, có nhiều công ty hoặc gia đình sử dụng nhóm bí mật để hoạt động liên lạc với nhau, tại đây họ thoải mái chia sẻ thông tin, hình ảnh mà không lo sợ người khác biết được.
Mặc dù cả hai nhóm rất hữu ích khi hoạt động riêng tư và tránh xa được những tin rác cho mọi người, tuy nhiên điều này không phải là ý tưởng hay cho một thương hiệu phổ biến. Nhiều người sẽ cảm thấy họ ngày càng bị cô lập hơn, hoặc kéo bè phái khi không phê duyệt họ là thành viên của nhóm. Hơn nữa, nội dung trên nhóm được Facebook bảo mật tuyệt đối, nó sẽ không hiện lên trên những công cụ tìm kiếm công khai (chẳng hạn như Google và Cốc Cốc) và không thể chia sẻ ra ngoài. Chính vì vậy, bạn không thể đưa thương hiệu của mình đến nhiều người hoặc mọi người sẽ không có cơ hội nhìn thấy bạn thông qua công cụ tìm kiếm.
Trang thương hiệu là nơi để fans trao đổi và biết thêm về thương hiệu trong khi đó nhóm chỉ cho phép những người có cùng tư tưởng tương tác và trao đổi về nhiều chủ đề hơn. Đối với trang thương hiệu, sẽ rất khó cho bạn tạo được cuộc trao đổi hàng ngày nhưng khi hoạt động trên nhóm sẽ hoàn toàn ngược lại, bạn có thể cùng lúc tham gia nhiều cuộc trao đổi với các thành viên khác. Bất lợi của nhóm nằm ở chỗ Facebook giới hạn số lượng thành viên tham gia nhóm là 5,000 người trong khi trang Facebook thương hiệu thì có thể nhận hàng triệu người.
7.2 Cách tạo nhóm Facebook
Nhóm Facebook là nơi diễn ra nhiều tương tác với khách hàng hoặc fans và khuyến khích họ tương tác với mọi người. Mọi người dường như thấy thoải mái khi ở trong một nhóm hơn là trên một trang Facebook công khai. Nhóm là nơi kết nối cộng đồng của bạn, biến fans và khách hàng trở thành cộng đồng lớn mạnh.
Để tạo nhóm Facebook, bạn có thể tiến hành thao các bước như dưới đây:
- Đầu tiên, từ trang thương hiệu của bạn, nhấn chọn chức năng Nhóm nằm ở bên trái của hồ sơ Facebook.
- Tiếp theo, bạn nhấn chọn Tạo nhóm, màn hình sẽ hiện ra giao diện yêu cầu một số nội dung cơ bản cho nhóm của bạn bao gồm tên nhóm, những người bạn muốn thêm vào nhóm và chế độ riêng tư của nhóm (Tại phần Quyền riêng tư, bạn lựa chọn chế độ dành cho nhóm mà bạn muốn sử dụng). Sau khi điền đầy đủ thông tin, bạn nhấn Tạo để hoàn thành.
Lưu ý: Facebook sẽ không cho phép bạn tạo một nhóm trống, do đó bạn sẽ không tạo được nhóm nếu để trống mục Thêm một vài người.
Sau khi tạo nhóm, bạn có thể thực hiện một vài hoạt động để tăng tính tương tác. Chẳng hạn: bạn có thể tải lên một ảnh bìa đại diện, ghim một lời chào hay đặt nội quy cho nhóm lên đầu trang… Nhóm cho phép bạn chia sẻ ảnh, thậm chí bạn có thể tải lên tài liệu, vì vậy bạn nên dành thời gian để khám phá mọi tính năng của nó trước khi sử dụng.
Khi tạo ra các nhóm thảo luận riêng biệt trên Facebook, không nên cổ súy cho hiện tượng kết bè kéo phái. Nếu thành viên cảm thấy bị tách biệt thì họ sẽ không muốn tiếp tục sử dụng và tin tưởng thương hiệu của bạn nữa. Bên cạnh đó, bạn nên thêm nhiều thành viên vào nhóm để làm mới và gia tăng sự tương tác cho trang.
8. Một số tips gắn với thương hiệu làm tăng tương tác
Khi bạn chia sẻ giá trị thương hiệu trên Facebook, bạn sẽ mong muốn được nhiều người tương tác, tuy nhiên thực tế không phải bài viết nào của bạn cũng có thể thu hút được mọi người. Dưới đây sẽ chỉ ra cho bạn một vài tips gắn với thương hiệu làm tăng sự tương tác cho mỗi bài viết mà bạn có thể sử dụng:
8.1 Sử dụng Hashtag (từ hoặc chuỗi ký tự đặt sau dấu thăng #) trong bài đăng
Hashtag thường được bắt đầu với dấu “#” và các từ khóa được viết liền nhau, nó giúp chủ đề có thể được tìm thấy mà không cần sử dụng bất kỳ thanh tìm kiếm hoặc công cụ tìm kiếm nào. Về cơ bản, tính năng này giúp người dùng Facebook có thể dễ dàng liên kết với những chủ đề tương đồng qua dấu “#” mà không cần phải tham gia các nhóm, các trang trên Facebook. Khi bạn dùng một Hashtag trên bài đăng Facebook thì những ai tìm kiếm chủ đề được sử dụng trong Hashtags của bạn sẽ trông thấy nó. Chẳng hạn, khi bạn đăng bài cho cuốn sách Content hay nói thay nước bọt do MediaZ Book biên soạn và có sử dụng các Hashtags #Contenthaynoithaynuocbot, #MediaZBook thì tất cả những ai tìm kiếm các Hashtags như thế sẽ nhìn thấy bài đăng của bạn.
Bạn có thể tham khảo một số cách hữu hiệu dưới đây khi sử dụng Hashtag trong bài đăng của mình:
● Sử dụng Hashtag một cách tiết chế: Nếu bạn sử dụng quá nhiều Hashtag trong một bài đăng sẽ rất có thể khiến người xem thấy rối mắt. Đừng lạm dụng nó, bạn chỉ nên sử dụng một đến hai Hashtag trong một bài đăng là cùng, nếu sử dụng nhiều hơn, bài viết của bạn sẽ trông rối rắm, khó hiểu.
● Sử dụng các Hashtags có nghĩa: Bạn không nên sử dụng Hashtag chỉ vì nó phổ biến hay đang là xu hướng, hãy sử dụng các Hashtags phù hợp với nội dung bạn đăng tải. Khi bạn đăng Hashtag với nội dung không liên quan, bạn sẽ bị “quy tội” rải Hashtag bừa bãi. Nếu vô tình người dùng Facebook đang muốn tìm một nội dung giống với Hashtag bạn sử dụng, nhưng nội dung lại chẳng có chút liên quan, rất có thể bạn sẽ được khách hàng đưa “ra đảo” để tránh gặp lại trong những tìm kiếm khác của họ.
● Hashtag là một từ: Bạn nên tránh sử dụng dấu gạch nối hoặc ký tự trống khi sử dụng Hashtag, bởi Hashtag là một từ được viết ở dạng chữ thường. Việc sử dụng ký tự trống hoặc dấu gạch nối sẽ không cho một kết quả Hashtag mà bạn muốn hiển thị.
● Hãy nghiên cứu trước khi sử dụng Hashtag: Nếu bạn có một Hashtag và bạn đang muốn sử dụng, hãy nghiên cứu về Hashtag đó để chắc chắn rằng nó chưa từng bị sử dụng cho nội dung không phù hợp nào trước đó.
● Hashtag viết hoa hay viết thường: Đừng quá lo lắng về vấn đề này. Thông thường, Hashtag thường được viết ở dạng chữ thường, bạn không cần quá quan tâm đến việc phải đảm bảo phân biệt các từ bằng chữ viết hoa.
● Bạn có thể sử dụng một hashtag độc nhất. Đừng ngại phải tạo ra Hashtag riêng của bạn, một Hashtag độc nhất có thể sẽ giúp thương hiệu của bạn trở nên nổi bật hơn đối với người tìm kiếm.
8.2 Tạo bình chọn, câu đố và cuộc thi
Để có được trải nghiệm tương tác thật, bạn hãy cố gắng tạo ra cho cộng đồng Facebook của mình các công cụ giúp họ có thể phản hồi với bạn một cách thực sự. Cách đặt câu hỏi hay đăng đường chỉ dẫn thông thường chỉ là một phần nhỏ trong việc phát triển mạng lưới Facebook của bạn mà thôi, để tăng cường sự phản hồi bạn cần tạo ra những trải nghiệm khác thú vị và mới mẻ hơn thế:
- Bình chọn:
Sự bình chọn bạn tạo ra có thể là những bình chọn mang tính giải trí hoặc bạn cũng có thể sử dụng chúng nhằm thu thập thông tin khách hàng. Mọi người thích tham gia các cuộc bình chọn bởi họ thấy họ như một phần của chiến dịch bạn sắp thực hiện, ý kiến của họ cũng có thể giúp cho bạn định hướng được đúng hơn. Thêm vào đó, tạo bình chọn không đòi hỏi nhiều thời giờ, chỉ đơn giản nhấn nút, bạn đã có một phiếu bầu của người dùng.
Bình chọn là hình thức phù hợp nhất cho các cộng đồng Facebook lớn và hoạt động tích cực. Có rất nhiều kiểu bình chọn trên Facebook, nhưng những người đưa ra bình chọn đều có thể thoải mái nói lên suy nghĩ của mình, vì bất kỳ lý do nào với những bình chọn họ đưa ra. Khi bạn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi người chứng tỏ bài đăng của bạn có sức thu hút và có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với họ.
Bạn có thể sử dụng các ứng dụng miễn phí để xem cộng đồng của mình phản ứng thế nào đối với các bình chọn trên Facebook. Đôi khi những bình chọn không phải là những lựa chọn thích hợp, vậy nên có thể bạn sẽ muốn thử nghiệm một chút trước khi đầu tư tiền của vào đây. Ứng dụng bình chọn Facebook có ở www.facebook.com/simple.polls cho phép người tham gia thêm bình luận về việc vì sao họ bình chọn như vậy và bạn cũng có thể định dạng bình chọn cho phép người tham dự tự đưa các mục của họ cho cộng đồng bình chọn. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng ứng dụng tạo thăm dò ý kiến trên Facebook thuộc link: https://apps.facebook.com/my-polls.
(mã QR code của https://www.facebook.com/simple.polls)
(mã QR code của https://apps.facebook.com/my-polls.)
- Câu đố:
Đưa ra những câu đố cũng là một ý tưởng khá hay giúp bạn thu hút được sự tương tác trong cộng đồng. Câu đố không nhất thiết là cách để thu thập thông tin từ cộng đồng, tuy nhiên nếu câu đố mang tính giải trí cao thì những người tham trả lời sẽ cảm thấy hứng thú và muốn chia sẻ chúng với nhiều người khác trong cộng đồng của họ.
Facebook cung cấp một ứng dụng giúp xây dựng các câu đố chẳng hạn như QuizMaker (bạn có thể tham khảo tại link www.facebook.com/games/quizmaker/). Tại đây, bất kỳ ai cũng có thể tạo ra các câu đố, kể cả những người không rành về kỹ thuật nhất. Việc của bạn là hãy suy nghĩ xem sẽ đưa điều gì có liên quan đến thương hiệu của mình vào đó. Ví dụ: Nếu bạn là một thương hiệu chăm sóc sắc đẹp hoặc cung cấp mỹ phẩm, hãy liệt kê các bước chăm sóc da cơ bản và thử xem cộng đồng của bạn có biết quy trình chăm sóc da đúng cách là gì hay không. Ở cuối câu đố, hãy tạo một thang chấm điểm cho sự hiểu biết. Những câu đố này không mang nhiều ý nghĩa, nhưng chúng tạo được niềm vui cho mọi người, hơn nữa chúng còn rất dễ chia sẻ và tạo nên sự liên kết cộng đồng tuyệt vời.
(mã QR code www.facebook.com/games/quizmaker/)
- Cuộc thi:
Tạo ra các cuộc thi là một cách thức để tiếp cận cộng đồng và tặng nhận thức về thương hiệu của bạn. Mọi người có xu hướng thích tham gia các cuộc thi bởi phần thưởng mà họ có thể nhận được khi họ giành chiến thắng. Cách này vừa giúp bạn tăng lượng tương tác, vừa giúp cho khách hàng thỏa mãn khi nhận được giải thưởng. Vì vậy bạn có thể áp dụng cách này lâu dài mà không sợ bị nhàm chán, bạn có thể tổ chức hàng tháng, hàng quý, hàng năm tùy vào khả năng của bạn.
8.3 Tặng ưu đãi giảm giá cho cộng đồng của bạn
Một trong những lý do chính khiến mọi người theo dõi các thương hiệu trên Facebook là họ quan tâm tới việc được hưởng ưu đãi, quà tặng miễn phí, giảm giá từ các trang đó. Trên thực tế, những đặc quyền này là cách rất hữu hiệu để đền đáp lòng trung thành của cộng đồng.
Khi bạn tặng ưu đãi giảm giá và các ưu đãi đặc quyền chỉ dành cho cộng đồng Facebook của bạn thì họ sẽ cảm thấy đặc biệt cũng như sẵn lòng chia sẻ về thương hiệu với những người khác. Giảm giá là điều mà fans luôn muốn chia sẻ nhiều nhất với bạn bè và người thân họ về thương hiệu của bạn.
Bạn có thể đưa ra chương trình giảm giá theo nhiều cách, dưới đây là một vài cách tạo chương trình giảm giá mà bạn có thể áp dụng:
● Thiết lập một mã riêng cho cộng đồng của bạn.
● Sử dụng đường chỉ dẫn tới thông tin giảm giá trên trang web.
● Sử dụng tính năng Quà tặng của Facebook, tính năng này cho phép bạn đăng thông tin giảm giá và một ảnh (thông tin và ảnh sẽ hiện trên Newsfeed của fans). Bạn có thể tìm thấy tính năng này trong hộp cập nhật trạng thái khi bạn chọn mục Tạo đề nghị nằm bên dưới ô đăng tải nội dung.
Lưu ý: Người dùng Facebook rất có hứng thú với mã giảm giá, ưu đãi cũng không đồng nghĩa với việc họ muốn nhìn thấy nó cả ngày. Bạn không nên rải các tin giảm giá quá nhiều, hãy cân bằng việc đăng tải giữa những nội dung khuyến mãi hay giảm giá và những tin bình thường.
TỔNG KẾT CHƯƠNG 2
Hầu hết các nhà kinh doanh sử dụng Facebook như một công cụ hỗ trợ tiếp thị để tương tác với khách hàng, để bán hàng hay tăng khả năng nhận thức về thương hiệu của họ, và nội dung chính là cách giúp bạn đạt được những điều đó
● Xây dựng chiến lược nội dung: Công việc đầu tiên bạn cần làm khi xây dựng một trang thương hiệu trên Facebook đó chính là việc xác định được mục tiêu cuối cùng của mình. Bạn sẽ hy vọng đạt được điều gì khi lập một trang Fanpage? Nếu không xác định được mục tiêu, bạn sẽ không thể xây dựng được kế hoạch nội dung phù hợp cho nó
● Facebook phát triển không ngừng, và kéo theo đó là những cập nhật dành cho người dùng. Do vậy các marketer đừng quên luôn thu thập, phân tích người dùng thông qua Facebook Insights và sử dụng những yếu tố thu được để đưa ra được định hướng nội dung phù hợp với người dùng
● Phần lớn người tiêu dùng khi đánh giá thương hiệu thường dùng cảm xúc và trải nghiệm của cá nhân họ chứ không phải dựa trên các thông tin mà thương hiệu cung cấp như thông số, chức năng, công dụng sản phẩm. Do vậy đừng quên đưa những yếu tố cảm xúc tác động đến quyết định mua của khách hàng tiềm năng. Một số yếu tố cảm xúc mà bạn có thể sử dụng trong marketing cho sản phẩm như: lo lắng, sợ hãi, yêu thương, tự hào, kiêu hãnh, tham lam, cảm giác tội lỗi
● Một vài gợi ý để bạn xây dựng nội dung mang tính Viral: Đừng biến mọi thứ trở nên nghiêm túc hay sâu sắc, sự súc tích đóng vai trò quan trọng, bài viết đúng chủ đề, xây dựng bài viết có nội dung mở, những bình luận của cộng đồng sẽ định hướng cho bạn trong quá trình xây dựng nội dung. Và cuối cùng bạn đừng bao giờ quên đọc lại và chỉnh sửa từng bài đăng
● Visual Content cũng là loại content được ứng dụng nhiều trong truyền thông. Dưới đây là 10 dạng được dùng phổ biến: infographic, meme/quote, biểu đồ hóa dữ liệu, hình ảnh đẹp mang tính thương hiệu, ảnh chụp màn hình, bài thuyết trình, video, lời kêu gọi hành động, hướng dẫn / mẹo vặt, câu hỏi gợi mở
● Chia sẻ và được chia sẻ là cách thức tương tác hữu dụng trong việc phát triển nội dung Fanpage
● Bạn có thể sử dụng các nhóm kín để tránh sự bất tiện và tạo cảm giác thoải mái hơn cho mình
● Một số tip gắn với thương hiệu làm tăng tương tác: Sử dụng hashtag, tạo bình chọn, câu đố, cuộc thi và cả việc tặng ưu đãi giảm giá cho cộng đồng của bạn