Đời tư và hoạt động của Fidel Castro rất ít khi được công khai ở Cuba vì những lý do kín đáo và vì lý do an ninh. Chỉ những công việc chính thức Fidel thường làm mới được tường thuật trên báo chí, đài phát thanh và truyền hình. Ngay cả cách thức làm việc và những người tháp tùng sát bên ông gồm những ai cũng được giữ kín.
Ở Dinh Cách Mạng Fidel hết sức bận rộn và những nơi khác, với lịch trình làm việc thỉnh thoảng kéo dài cả ngày lẫn đêm, gần như lúc nào cũng có người bên cạnh. Tuy vậy, Fidel lại có vẻ rất cô đơn. Sau khi li dị, ông đã ở vậy suốt ba mươi năm. Bạn bè thân thiết và đồng đội của ông người thì qua đời người thì sống ở xa. Mirta, vợ cũ của Fidel, đã cố gắng trở thành bầu bạn với ông, song Fidel không bao giờ để bà tham dự vào các kế hoạch và hoài bão của mình. Người ta nói họ từng rất yêu nhau. Sau trận đột kích trại lính Moncada, bà đã đến ngục thăm ông liền lập tức và sau đó thư từ qua lại với nhau một thời gian. Thế nhưng đến năm 1954 Fidel quyết định ly dị với Mirta vì lý do chính trị: Bố mẹ và anh trai bà quá thân với Batista và bà cũng là viên chức ăn lương trong chính phủ này.
Fidel vốn rất kín đáo. Ông thường ít bộc bạch về những dự tính của mình, thế nhưng trong quá khứ ông đã từng có một vài người bạn rất thân thiết. Người quan trọng nhất trong số đó mà ở Cuba ai cũng biết là Celia Sánchez, con gái một bác sĩ ở nhà máy đường Oriente. Suốt hai mươi ba năm trước khi qua đời vì bệnh ung thư, Celia là người giúp đỡ và góp ý với Fidel một cách thật lòng mà không đòi hỏi gì ở ông, trong thời chiến lẫn trong thời bình. Trên thực tế, bà chính là lương tâm và hiện thân khác của ông. Ngoài ra, bên trong bà còn ẩn chứa một sức mạnh lớn lao.
Celia sống trong căn hộ tồi tàn và chật hẹp ở số 1007, một cao ốc nhỏ trên phố Mười Một, thuộc khu trung lưu quận Velado ở Havana. Ngôi nhà này là nơi ở và làm việc chính của bà và Fidel. Ông thường ngủ trong căn hộ giản dị này và Celia làm việc ở đó như một người trợ lý chính đồng thời cũng là người chuẩn bị các bữa ăn nóng trong căn bếp nhỏ xíu và chuyển đến cho ông mỗi khi đến giờ ăn trưa hoặc tối mà ông còn bận việc đâu đó ở Havana. Ngay cả khi bà mất năm 1980, căn hộ với những bức tranh ghép đá trên tường này vẫn là nhà của ông. Khu phố ấy nay vẫn còn được giữ gìn và cách ly bằng những sợi xích sắt và được binh lính thuộc lực lượng An Ninh Nhà Nước mang vũ khí đứng canh gác.
Celia lớn hơn Fidel năm tuổi và chưa từng kết hôn. Với Fidel, bà là “đệ nhất phu nhân” của Cuba, rất được mọi người trên đảo quốc này yêu mến và kính trọng. Sau khi qua đời, bà hầu như được Cách Mạng phong thánh. Nhiều trường học và bệnh viện mang tên bà. Với bên ngoài, Celia là người rất nhiệt thành, nhân ái và là một biểu tượng cách mạng của Cuba và đối với Fidel bà còn là người bạn đồng hành luôn bảo vệ Fidel thoát khỏi những áp lực quá lớn từ bên ngoài và từ chính bản thân ông. Có lẽ bà là người duy nhất ở Cuba dám nói thẳng với Fidel khi ông quyết định sai, mặc dù bà nói với người khác là “Fidel luôn luôn đúng.” Trong cuộc sống hàng ngày, Celia giúp Fidel được vững vàng, không cảm thấy phải rối bời vì công việc và luôn dành thời gian để giúp người dân Cuba trong những việc mà chỉ các viên chức cấp cao của chính phủ mới có thể giải quyết được, thiết kế một công viên giải trí và nhà hàng ở ngoại ô Havana, bảo quản cổ vật, bảo tàng và lập dự án truyền khẩu lịch sử cuộc cách mạng Cuba cho đến khi thắng lợi vào năm 1959.
Lúc mất, Celia đang là thư ký Hội Ðồng Nhà Nước, với hàm bộ trưởng, và là ủy viên Trung Ương Ðảng. Có điều lạ là rất nhiều phụ nữ giỏi giang, xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau ở Cuba, kể cả giới thượng lưu ở Havana trước cách mạng, đã đứng ra dù chỉ đảm nhận những vai trò tầm thường để hết lòng giúp đỡ và hỗ trợ Fidel ngay từ những ngày đầu. Nhiều người còn hy sinh cả mạng sống của mình vì sự nghiệp của ông và cho đến ngày nay vẫn kiên trì bảo vệ tên tuổi và uy tín của ông, dù đã nhiều năm không gặp.
Bác sĩ René Vallejo, một nhà phẫu thuật lừng danh từng phục vụ trong Quân Ðội Mỹ ở Châu Âu trong Thế Chiến Thứ II, đã gia nhập nghĩa quân Fidel ở Sierra, sau đó thành bác sĩ riêng và bạn đồng hành tâm đắc của ông. Cái chết của Vallejo, một trong những gương mặt đầu tiên có cảm tình nhất với cách mạng, sau khi lâm bệnh đột ngột vào năm 1969 lúc ông mới bốn mươi chín tuổi đã khiến cho Fidel Castro rất đỗi đau buồn. Cũng như Celia, bác sĩ Vallejo là người hoàn toàn không thể thay thế được trong cuộc đời của Fidel.
Về bằng hữu thân thiết, như đã nói ở trên, phải kể đến tình bạn không gì sánh bằng giữa Fidel và Che Guevara nhỏ hơn ông hai tuổi. Mặc dù Guevara, người mà Fidel gặp lần đầu tiên ở Mexico trong giai đoạn đang sắp đặt kế hoạch, có mặt trên con tàu Granma với tư cách là một bác sĩ (trong bảng danh sách ghi là “trung úy Ernesto Guevara, Trưởng ban Y tế”) nhưng chẳng mấy chốc Che đã trở thành một trong những tư lệnh chính của du kích quân. Do không có điện đài hoặc điện thoại, nên hầu hết thời gian chiến tranh ở miền núi, Fidel và các sĩ quan của ông thường truyền tin với nhau bằng thư tay qua giao liên (thường là phụ nữ). Những thư từ liên lạc này hầu hết vẫn còn được lưu giữ và qua đó cho thấy, dường như ngoài Celia ra, Fidel trao đổi thư từ với Che nhiều nhất.
Ở Sierra, họ là hai người duy nhất có năng lực trí tuệ ngang tầm nhau. Ngoài mệnh lệnh và báo cáo hành quân, họ còn trao đổi với nhau những câu chuyện về chính trị, minh họa những bước tiến về tư tưởng trong cuộc chiến du kích. Che nhấn mạnh đến thiên hướng cấp tiến của mình còn Fidel thì thực tế hơn về công tác chính trị của cuộc chiến. Trong thư, họ cũng tâm sự với nhau những câu chuyện riêng tư. Lúc bắt đầu cuộc tổng tiến công Batista vào tháng 5 năm 1958, Fidel đã viết cho Che: “Lâu quá mình không được nói chuyện với nhau, mà điều này lại rất cần.” Trong một bức thư khác, khi than phiền về việc thành phố không tiếp tế đạn dược như đã hứa, Fidel trả lời ngay trong dòng đầu tiên: “Chuyện này thực là tệ hại”. Khi thú nhận rằng Fidel đã đúng khi cảnh báo cho ông về việc địch sẽ tấn công, Che viết: “Y như nhiều lần trước, anh đã đúng. Bọn chúng chỉ còn cách chúng tôi trong gang tấc”.
Trong những năm đầu cách mạng, Fidel và Guevara không rời nhau. Họ không những là lãnh đạo cao cấp ở Havana đang bí mật đưa Cuba tiến lên chủ nghĩa xã hội mà còn là những người bạn không thể thiếu của nhau. Conchita Fernández, thư ký riêng của Fidel, người giúp Celia Sánchez trong thời kỳ đầu, nhớ rằng Fidel và Che gần như ngày nào cũng ăn trưa với nhau, cùng chia nhau bữa ăn nóng mà Celia Sánchez gửi từ nhà đến.
Bên cạnh, Chomy, là người phải cáng đáng nhiều việc nhất ở Cuba. Lúc gặp Fidel ở Sierra, Chomy là một thầy thuốc và sau khi cách mạng thành công ông là hiệu trưởng danh dự của trường Ðại Học Havana một thời gian. Ông được gọi về dinh thay cho Celia và sau này được bầu vào Ủy Ban Trung Ương Ðảng Cộng Sản Cuba.
Chomy có văn phòng riêng ở tầng trệt của dinh. Tuy nhiên, ông luôn có mặt mỗi khi Fidel cần và tham dự hầu hết các buổi họp chính thức cũng như gặp gỡ khách ngoại quốc, thường là kéo dài tới tận sáng sớm hôm sau. Mỗi lần Fidel nghĩ ra một sáng kiến mới nào hoặc có thắc mắc và yêu cầu gì – rất thường xuyên - là Chomy ghi chép lại, và sau đó chuyển đúng lệnh đến các viên chức có liên quan. Chỉ khi nào Fidel ngủ thì Chomy, với sáu nhân viên của ông, mới rảnh rỗi để làm việc của mình. Ông chịu trách nhiệm tổ chức và sắp xếp chương trình làm việc của lãnh tụ, và chỉ đạo Ban Lịch Sử Hội Ðồng. Ông còn là người chống đối kịch liệt nhất việc ấn hành các tài liệu lịch sử hệ trọng liên quan đến Fidel và cuộc cách mạng đồng thời là người bảo quản tư liệu rất kỹ lưỡng.
Người đứng đầu “Nhóm Hỗ Trợ và Ðiều Phối” ở dinh là Bộ trưởng Chính phủ José A. Naranjo Morales, biệt danh “Pepín”, đã tham gia chiến đấu cùng với các du kích quân trong Ban Sinh Viên Cách mạng và sau đó trở thành thủ hiến tỉnh Havana. Naranjo là viên chức chính phủ đa năng. Ông lo những công việc chính trị không quan trọng cho Fidel và điều phối việc chuẩn bị các nghiên cứu tình hình và tin tức cho Fidel về mọi đề tài có thể nghĩ ra. Nhóm Hỗ Trợ này - gồm mười nam, mười nữ, được tuyển chọn rất kỹ, có quyền tự do vượt qua mọi lằn ranh quan cách trong đảng và chính phủ, được trang bị các máy điện toán tân tiến nhất - và được gọi không chính thức là “nhân viên của Fidel.” Những nhân viên tương đối còn trẻ này được chuẩn bị để sau này đề bạt vào các vị trí hành chính quan trọng. Người mới được cử điều hành mạng lưới truyền thanh và truyền hình nhà nước được tuyển từ những nhân viên này sau khi Fidel chỉ trích dữ dội (và rất đúng) chất lượng tồi tệ của truyền hình Cuba trong một buổi trò chuyện thân mật không ghi lại với các người lãnh đạo Liên đoàn Phụ nữ Cuba vào đầu năm 1985.
Tuy nhiên, những nhân vật thú vị nhất sống gần Fidel lại là những người ít khi lộ diện và họ đều thuộc Sở An Ninh Quốc Gia. Tướng José Abrahantes Fernández, người thay Ramiro Valdés làm bộ trưởng nội vụ năm 1985, vẫn còn chịu trách nhiệm trực tiếp an ninh cho Fidel, Lực Lượng Ðặc Nhiệm trong Sở An ninh của ông là Nhóm Cận Vệ được tuyển chọn cẩn thận để bảo vệ Fidel và chế độ lúc lâm nguy. Các phân đội Ðặc Nhiệm được tổ chức bên cạnh lực lượng an ninh mặc đồng phục giống như KGB của Liên Xô. Abrahantes, dù là bộ trưởng, nhưng vai trò chính trị khá hạn chế, trong khi hai nhân vật sau có liên quan đến Sở An Ninh từ lâu đã có vai trò quá mức quan trọng trong lãnh vực chính sách đối ngoại.
Một người là José Luis Padrón González, chức vụ của ông là chủ tịch Viện Du Lịch Quốc Gia (điều hành tất cả các khách sạn ở Cuba) kiêm phái viên mật và nhà thương thuyết quốc tế cho Fidel, qua mặt cả Bộ Ngoại Giao. Là cựu đại tá trong Sở An Ninh Quôc Gia (ở Cuba có nhiều viên chức liên quan tới Sở An ninh hơn ta tưởng), Padrón thuộc thế hệ cách mạng mới, dường như được chuẩn bị để đảm nhiệm quyền hành lãnh đạo cấp cao. Fidel đã có ấn tượng lần đầu với Padrón khi ông này giúp thu xếp để quân Cuba có thể tham gia các hoạt động quân sự ở Angola vào năm 1975 - ông được Sở An Ninh cử sang Luanda để giúp Phong Trào Nhân Dân Giải Phóng Angola (MPLA) không phải sụp đổ trong cuộc nội chiến sau khi giành được độc lập từ tay thực dân Bồ Ðào Nha. Và kể từ đó, Padrón đã trở thành một nhân vật “bên trong” quan trọng.
Qua nhiều năm, Padrón (với sự trợ giúp của Tony de la Guardia, một đại tá khác thuộc Sở An ninh) đã bí mật gặp các viên chức cao cấp Bộ Ngoại Giao Mỹ ở Miami, New York, Washington, Atlanta và Cuernavaca, Mexico, để tìm kiếm các khả năng hòa hợp giữa hai nước. Chính Padrón đã bí mật thương thảo trong một thời gian dài và chỉ báo cáo với Fidel để cho ra đời hiệp ước năm 1979. Trong đó là các điều khoản Mỹ đồng ý nhận hàng ngàn tù nhân chính trị Cuba và những người Cuba lưu vong ở Mỹ được phép về thăm quê. Tuy nhiên, đầu năm 1986, Padrón đã hoàn toàn lui vào bóng tối, không còn thấy ông vào dinh và công việc của ông đã được giao lại cho người khác.
Một nhân vật nổi bật khác trong ngành An Ninh là Tư Lệnh Manuel Pinẽiro Losada, từ lâu được dân Cuba gọi là “Barba Roja” (tức ông râu đỏ, nhưng bây giờ râu đã bạc). Pinẽiro, Ủy viên Trung Ương Ðảng Cộng Sản Cuba, là trưởng ban châu Mỹ, và với cương vị như thế ông là người điều phối chính tất cả các hoạt động của Cuba ở khu vực bán cầu này, từ Nicaragua, El Salvador đến Panama, Peru, Argentina và Mỹ.
Với cao vọng của Fidel muốn trở thành giới lãnh đạo châu Mỹ La tinh, vị trí của Pinẽiro mang một ý nghĩa hết sức quan trọng. Bài báo của ông đăng trong ấn bản đặc biệt Thu 1982 của tạp chí về tư tưởng của Ðảng Cộng Sản Cuba, tờ Cuba Socialista, về “Khủng Hoảng của Chủ Nghĩa Ðế Quốc Hiện Nay và Quá Trình Cách Mạng ở Mỹ La tinh và Caribê” đưa ra các gợi ý có cân nhắc về việc phát động “các cuộc cách mạng chống đế quốc, quần chúng và dân chủ,” nhấn mạnh nhiều đến các đơn vị Cộng sản với các đảng chính trị và tổ chức cánh tả khác. Tất nhiên, đây chính là bài học của cuộc cách mạng Cuba dưới sự chỉ đạo của Fidel và các đồng chí của ông, trong số đó Pineiro là người năng nổ nhất.
Pinẽiro bắt đầu chống Mỹ (vợ đầu của ông là người Mỹ) hồi đầu thập niên 1950 lúc ông theo học ở Ðại học Colombia, New York. Ông từng cảm thấy bị sỉ nhục và trở nên cấp tiến vì thất bại trước “bọn con nít nhà giàu Nam Mỹ” trong các cuộc tranh cử vào chức chủ tịch hội sinh viên. Trở lại Havana, ông ở trong nhóm hoạt động ngầm chống Batista. Căn hộ ông ở là nơi chứa vũ khí trước khi cuộc tấn công đẫm máu của quân cách mạng non trẻ vào dinh tổng thống thất bại năm 1957. Sau đó, Pinẽiro gia nhập nhóm của Raúl Castro ở Sierra và cuối cùng làm chỉ huy quân sự ở Santiago.
Lúc Ramiro Valdés, chỉ huy phó của Che Guevara, trở thành người đứng đầu Phân Khu G-2 (an ninh và tình báo) của Quân Nổi Dậy, Pinẽiro được chỉ định làm nhân vật số hai của cơ quan này. Năm 1959, theo lệnh Fidel, ông chủ tọa phiên tòa xét xử lại các phi công của chế độ Batista và kết án rất nghiêm khắc sau khi họ đã được một tòa án khác tha bổng. Sau này, ông lên nắm quyền Phân Khu G-2. Ông là cảnh sát chính trị cao cấp của Cuba, dưới quyền Valdés, cho tới năm 1968 và phải ra khỏi vị trí này khi Sở An Ninh được tổ chức lại theo kiểu Liên Xô. Sau đó, Fidel giao cho ông phụ trách các vấn đề về châu Mỹ La tinh.
Năm 1972, Fidel đi công du ở châu Phi, Ðông Âu và Liên Xô trong hơn hai tháng, Pinẽiro có mặt trong nhóm tháp tùng với tư cách là thành viên cao cấp và tên ông xuất hiện gần đầu danh sách đoàn Cuba trong tất cả các thông cáo chung ký với các chính phủ nước ngoài. Hiếm khi nào Pinẽiro vắng mặt trong các buổi tiệc xã giao ở Dinh Cách Mạng (ông thường đứng gần Fidel cùng với một nhóm quan chức cao cấp khác), và cũng thường thấy ông ngồi uống rượu giữa đêm với bạn bè trong văn phòng của Chomy ở tầng dưới. Và tất nhiên là ông thường xuyên ra vào phòng làm việc của Fidel ở lầu ba.
Antonio Nunẽz Jiménez, nhà địa lý, thám hiểm, sử học, một đảng viên Cộng Sản nhiệt thành và là thứ trưởng Bộ văn Hóa cũng được phép gặp Fidel vì ông đang đảm nhận việc viết một bộ sách tiểu sử gồm nhiều quyển về Fidel Castro. Nunẽz Jiménez (con gái ông kết hôn với José Luis Padrón, đã được đề cập bên trên) được coi là bạn đồng hành của Fidel trong hầu hết các chuyến công tác ở Cuba cũng như trong các kỳ nghỉ, nhưng lại không được chọn vào nhóm làm việc trong dinh. Cuối cùng còn phải kể đến Jorge Enrique Mendoza, chủ bút tờ Granma, cố vấn về tuyên truyền và ý thức hệ rất gần gũi với Fidel. Mendoza là một người Cộng Sản kiên định, cứng rắn và khó tính, quen Fidel từ khi ở Sierra, làm phát thanh viên Ðài Truyền Thanh Nổi Dậy khi cuộc chiến bước vào giai đoạn cuối.
Fidel rất thích thú và cảm thấy cần thiết khi được sống trong tình thân hữu, giữa những người tâm đầu ý hợp về cá tính cũng như về tư tưởng mà không tìm cách gây ảnh hưởng chính trị với mình. Ông có rất nhiều bạn bè là người ngoại quốc. Trên hết là Gabriel García Márquez, nhà văn có bộ râu mép rậm người Colombia, đoạt giải Nobel Văn chương năm 1982. Márquez hiện là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất châu Mỹ La tinh và cũng là người rất nể phục Fidel - điều này đã được ông thể hiện trước đây qua tùy bút “Anh Trai Fidel Của Tôi,” dựa trên cuộc nói chuyện của Fidel với cô em gái Emma. Tình bạn giữa Fidel và García Márquez khắng khít đến nỗi mỗi lần nhà văn Colombia này đến thăm Fidel là hai người thường sáp vào nhau trò chuyện liên tục, kéo dài từ tám tới mười tiếng đồng hồ, và rồi lại tiếp tục như vậy trong nhiều ngày đêm. Hồi năm 1984, cựu Tổng Thống Colombia Alfonso Lopéz Michelsen, được García Márquez mời cùng đi thăm Cuba. Tại đây ông có nhiều dịp cùng ngồi với hai người này. Ông kể rằng ngoài những chuyện khác, nhà văn này còn “giới thiệu cả những quyển sách” cho Fidel đọc nữa. Lopéz Michelsen nói tiếp: “Fidel say mê đọc sách một cách kỳ lạ. Gabito (gọi tắt từ tên của García Márquez) đem đến cho Fidel năm cuốn sách và lưu lại đây mười ngày. Ðến ngày ông ấy về, Fidel bình luận cho Gabito về từng cuốn một. Những quyển sách này đâu hẳn là quá cần thiết phải đọc. Chúng chỉ là những sách có nội dung nhẹ nhàng dành cho các chính khách đọc để thư giãn thôi.”
Fidel rất thích được kết bạn với những người sáng tạo để trao đổi cảm xúc của ông với họ. Fidel rất được lòng giới trí thức. Trong số hàng trăm vị khách loại này của ông, từ các nhà tư tưởng lớn cho tới các diễn viên Brazil nổi tiếng trong các bộ phim truyền hình nhiều tập, là các triết gia Pháp Jean-Paul Sartre và Simon de Beauvoir, nhà sử học Mỹ Arthur M. Schlesinger, Jr., tiểu thuyết gia Anh Graham Greene, diễn viên Anh Alec Guinness mà sau chiến thắng năm 1959 đã cùng với Noel Coward bay sang Cuba vài tuần để quay phim “Người Ðàn Ông Của Chúng Ta ở Havana”, và diễn viên Mỹ Jack Lemmon.
Nhà thơ Liên Xô Yevgeny Yevtushenko gặp Fidel ở Havana vào những ngày đầu cuộc cách mạng (ông thực sự đã học tiếng Tân Ban Nha trước đó), và ấn tượng của ông về những người cách mạng Cuba rất mạnh mẽ. Trong tự truyện của mình Yevtushenko kể lại câu chuyện hai chiến sĩ cách mạng Cuba, cả hai đều là họa sĩ nhưng một người theo trường phái hiện thực và người kia theo trường phái trừu tượng, tranh luận kịch liệt với nhau trong lúc chờ lệnh tấn công dinh Batista, và sau đó “tiếp tục chiến đấu cho sự tự do của tổ quốc mình và cả hai cùng hy sinh.” Yevtushenko thuật lại câu chuyện này khi Liên Xô ở trong thời kỳ hậu Stalin và đang phê phán chủ nghĩa giáo điều. Ông muốn dùng cuộc cách mạng ở Cuba như một thí dụ để nói lên những tự do mới.
Tiếp xúc với giới nghệ sĩ và trí thức là một trong những niềm vui lớn và là nguồn hứng khởi của Fidel. Ở bình diện khác, ông cũng bày tỏ sự quan tâm muốn hội kiến với Henry Kissinger (ông này cũng tò mò muốn biết về Fidel) cũng như David Rockefeller, và năm 1982, ông đã thích thú khi được mật nghị với Trung tướng Vernon A. Walters, cựu phó giám đốc Cục Tình Báo Trung Ương và là đại sứ lưu động được Tổng Thống Reagan cử sang Havana.
Thực sự là lòng ngưỡng phục xung quanh Fidel tiếp tục lan rộng. Ðây là vấn đề rất bức xúc đối với ông, và Fidel luôn tỏ ra giận dữ phản bác những ý kiến như vậy và nhấn mạnh rằng quyết định đầu tiên của cách mạng là cấm đặt tên đường phố cho những lãnh tụ cách mạng đang còn sống hoặc dựng tượng đài cho họ.
Có thể thấy điều này đã được tuân thủ nghiêm ngặt ở Cuba. Người ta chỉ thấy tên của những anh hùng liệt sĩ như Che Guevara, Camilo Cienfuegos, Célia Sánchez, và những người khác được đặt tên cho trường học, bệnh viện, nhà máy... (đặc biệt có tên tuổi liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam). Trên các đường phố và xa lộ cũng rất hiếm khi thấy chân dung của Fidel xuất hiện trên các tranh cổ động chính trị lớn.
Tuy nhiên, sự ngưỡng mộ về ông lại được các phương tiện truyền thông đại chúng đề cao. Tất cả những tước hiệu của ông – Tổng Tư Lệnh, chủ tịch Hội đồng Nhà nước, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và bí thư thứ nhất Ðảng Cộng sản Cuba – đều được nhắc đến mỗi khi đề cập đến ông trong các ấn phẩm hoặc trên sóng vô tuyến, đôi khi cả trên mỗi đoạn văn. Trong các bài xã luận hoặc các bài phát biểu thường ngợi ca ông là người “dẫn dắt đất nước Cuba”, và trong Hiến pháp Cuba năm 1976 ghi nhận rằng quyết định “đưa Cách Mạng đến thắng lợi... dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro.”
Mỗi lần Fidel xuất hiện trước công chúng - dù đó là những công việc thường xuyên - được in trang trọng trên trang nhất của các báo và là tin tức hàng đầu trong bản tin truyền hình tối hôm đó. Hầu như tất cả các bài diễn văn của ông đều được phát hành toàn văn, đôi khi dưới hình thức những phụ trương đặc biệt...
Lịch sử ghi nhận rằng sở dĩ Napoleon thành công trong việc trị vì nước Pháp là vì ông duy trì được toàn bộ nhóm tướng lãnh trung thành nhưng bộc trực của mình. Với Fidel, cái chết đã cướp mất khỏi tay ông những người bạn thân chí cốt, tài giỏi. Việc quân sự hóa dần xã hội Cuba, bắt đầu lại vào đầu thập niên 1980, lại càng nhấn mạnh hơn vai trò Tổng Tư Lệnh của Fidel Castro, và các khẩu hiệu, được vẽ trên tường hoặc lặp lại không ngừng trong những bài phát biểu gần như mỗi ngày qua radio và truyền hình, “Tổng Tư Lệnh! Ngài Hãy Ra Lệnh Ði!” và “Tổng Tư Lệnh! Ðội Hậu Bị Ðã Sẵn Sàng!”. Câu nói đầy thách thức “Ở Ðây Không Có Kẻ Qui Hàng!” nổi tiếng của Juan Almeida Bosque trong giai đoạn bị bao vây ở khu ruộng mía Alegría de Pío cũng được làm sống lại.
Cũng không lạ gì khi nhân dân Cuba thường nghĩ rằng họ đang sống trong một đất nước bị vây hãm, thường xuyên đương đầu với nguy cơ bị Mỹ tấn công vũ trang. Các cuộc động binh thường xuyên của Mỹ qua hành động xâm lược Vịnh Con Heo, can thiệp quân sự vào Cộng hòa Dominica năm 1965, cuộc xâm lược Grenada năm 1983, hoạt động “chống” Nicaragua của CIA và lời cảnh cáo đều đặn sẽ đánh vào “cội nguồn” của mọi vụ “lộn xộn” ở Trung Mỹ – ý nói Cuba, đặc biệt gần đây là việc Mỹ lợi dụng việc Cuba xử mạnh tay những kẻ cố tình tổ chức cướp tàu, máy bay qua My để gây bất ổn cho Cuba - đã khiến Fidel có đủ lý do coi việc phòng thủ quốc gia là nhiệm vụ hàng đầu của Cuba. Ðiều tất yếu không tránh khỏi là hiện tượng này đã đặt đảo quốc Cuba luôn ở trong tình trạng khẩn cấp và giới lãnh đạo quân sự ở Cuba phải là người có quyền hành tuyệt đối.
Fidel tiếp cận nhiều nguồn thông tin và dữ liệu. Fidel thường rút ra những kết luận rất chính xác là nhờ vào bản năng chính trị siêu việt của ông. Thành ngữ ông ưa thích là câu “Chúng ta hãy phân tích điều đó đi,” và ông trở nên hoạt bát hẳn lên khi bước vào quá trình phân tích một đề tài nào đó, trong nhiều giờ liền, trước các vị khách hoặc nhân viên của mình.
Sự khát khao thông tin của Fidel thật khủng khiếp. Mỗi ngày ông đọc tất cả các báo và tạp chí xuất bản ở Cuba và còn liên tục suốt ngày đêm nhận được những bản điện tín gởi đến từ các hãng thông tấn Âu Mỹ và từ hãng thông tấn Prensa Latina của Cuba, đọc lướt qua thật nhanh và để riêng sang một bên những tin ông quan tâm. Ăng ten đĩa ở Dinh Tổng Thống không ngừng đón bắt tin tức truyền thanh và truyền hình phát đi từ Mỹ; kể từ năm 1985, nhà nước mỗi năm bỏ ra nửa triệu Mỹ kim để mua dịch vụ tài chánh được điện toán hóa mở rộng của Reuter, hãng thông tấn Anh. (Mỹ cấm giao thương với Cuba nên không mua được dịch vụ đó của Mỹ).
Fidel cũng thường xem qua các thông điệp hàng ngày và báo cáo từ các tòa đại sứ Cuba ở nước ngoài gửi về. Ông đều đặn nhận được những mẩu báo, các đặc san, các bài tường thuật và sách. Một số được dịch sẵn hoặc đã tóm lược, số còn lại hoàn toàn là nguyên tác (Fidel viết tiếng Anh giỏi nhưng ông ít nói). Mùa hè năm 1985, ông đọc và gần như thuộc lòng tài liệu nghiên cứu về thủ tục bảo hộ mậu dịch của Mỹ do phòng thương mại Nhật soạn ra. Fidel quan tâm sâu rộng nhiều lĩnh vực đến nỗi hầu như đề tài nào cũng có thể thu hút và kích thích ông tìm hiểu thêm, nhất là liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế, nông nghiệp, y tế cộng đồng và giáo dục.
Fidel có khả năng và cảm thấy thú vị là tự mình suy diễn những kết luận bất ngờ từ các dữ liệu mà ông có, chủ yếu biến chúng thành một luận điểm dễ gây xúc động. Có lần nói về khoản nợ nước ngoài khổng lồ của châu Mỹ La tinh, Fidel thông báo với cử tọa rằng, bằng giấy và bút, ông đã tính được rằng mỗi công dân ở khu vực này không chỉ phải mắc nợ bao nhiêu mà số nợ đó còn tương ứng bao nhiêu đối với một mẫu đất canh tác nữa. Các con số thống kê lạ lùng này thường gây ấn tượng cho người nghe và Fidel còn tính được quốc gia Caribê cần xuất khẩu bao nhiêu cân đường để có thể nhập về một máy kéo từ “các nhà tư bản,” nhấn mạnh rằng chi phí dùng để mua xe kéo tương ứng với việc xuất khẩu đường mía ngày càng tăng lên rất nhiều. Cách nói đó rất dễ hiểu đối với dân Mỹ La tinh vì các số liệu thống kê về cán cân thanh toán rất trừu tượng đối với hằng triệu dân nghèo ở khu vực bán cầu này và là một chính sách đối ngoại rất hiệu quả đối với Cuba.
Khi Fidel vắng mặt ở Havana, điều này là thường xuyên, trực thăng mỗi ngày hai lần chuyển tới cho ông các ấn phẩm, bản tin điện của các hãng thông tấn, báo cáo ngoại giao và mọi thứ khác giúp ông luôn được cập nhật đủ thông tin. Ngay cả những kỳ nghỉ vài ngày ở xa tận Caribê, ông cũng vẫn theo thói quen nghiền ngẫm hết tất cả các tài liệu này.
Có lần, lúc nói chuyện với một người bạn ở Washington tới, Fidel tò mò về công việc cập nhật thông tin ở Nhà Trắng, muốn biết là Tổng thống Reagan được cung cấp bao nhiêu thông tin và thường xuyên tới mức nào. Khi người bạn đáp rằng các Tổng thống Mỹ thường chỉ được cung cấp thông tin mỗi ngày một lần, và cũng chỉ là buổi thuyết trình khá ngắn gọn về tin tình báo và chính sách ngoại giao, Fidel không bình luận gì song ông có vẻ ngạc nhiên.
Những khách ngoại quốc (chủ yếu là từ Mỹ) - Fidel gặp nhiều đến mức ngạc nhiên cả về số lượng lẫn thời gian tiếp khách - thường bị ông hỏi hết chuyện nọ sang chuyện kia. Khi một nhà kinh doanh dầu hỏa ở Texas, trở thành triệu phú nhờ tự lập, tháp tùng một dân biểu Texas, bạn Fidel, đến ăn tối tại nơi câu cá của Fidel trên hòn đảo nằm ngay phía nam Vịnh Con Heo, ông này đã được Fidel hỏi han chi tiết về câu chuyện làm giàu của mình và về việc khoan dầu ngoài khơi. Một dân biểu Arkansas đi với một nhà môi giới gạo thành đạt được ông gạn hỏi về kỹ thuật trồng trọt vì Cuba vẫn còn là nước phải nhập khẩu gạo và đang muốn tăng sản lượng gạo nội địa lên. Một người Mỹ khác cũng được hỏi về các chính sách thuế của Reagan (và Fidel đã nói với ông ta là thuế doanh thu sẽ dễ được dân Mỹ chấp nhận hơn là thuế đánh vào mức thu nhập cao). Một ký giả vừa thăm Mexico tới thì được hỏi về chuyện xóa bỏ việc trồng cây thuốc phiện (Cuba cấm các loại ma túy nhưng Fidel nhìn nhận rằng trong chiến tranh ông vẫn cho phép một số nông dân Sierra trồng cần sa vì đó là nguồn thu nhập duy nhất của họ - bây giờ đã bị cấm hẳn). Một phi công Texas thì được Fidel nhờ chỉ giúp loại máy bay phản lực cá nhân nào là tốt nhất.
Người Mỹ chắc phải kinh ngạc vì tính thân mật của Fidel. Khi nhà triệu phú dầu hỏa Texas nói trên (cũng để râu) mới từ trực thăng quân sự đặt chân xuống nơi câu cá vào tối khuya, ông ta suýt nữa va vào một bóng người rậm râu, cao lớn trong chiếc áo len, áo gió, nón đi biển và giày thể thao toàn màu xanh đậm. Người đàn ông mặc đồ xanh lên tiếng “Chào mừng ông đến Cayo Piedra” và khi người bạn dân biểu bắt đầu thủ tục giới thiệu nhà doanh nghiệp này, Fidel nói ngay, “Chúng tôi vừa mới gặp nhau. Chúng tôi va phải nhau nhưng nhờ bộ râu của nhau nên chúng tôi mới không đau.”
Fidel thích tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là người Mỹ. Chỉ trong thời gian sáu tháng, ông liên tiếp gặp một đoàn giám mục Thiên Chúa Giáo La Mã Mỹ, khoảng một chục dân biểu, con gái của Robert F. Kennedy và Nelson Rockefeller (vào những dịp riêng biệt), sáu nhà xuất bản sách, hai thông tín viên truyền hình (và đoàn làm phim), các phóng viên từ các tờ báo hàng đầu tại Mỹ, một viên chức ngoại giao cấp trung và đã từng bày tỏ ý kiến thù địch với Cuba (người này đã tưởng Fidel sẽ không tiếp ông trong chuyến công tác của mình), một nhạc sĩ nhạc Jazz nổi tiếng, một số nhà doanh nghiệp và nhiều nhà sinh học biển.
Cũng thời gian này, ông tiếp các tổng thống Algeria và Ecuador, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nhiều bộ trưởng nội các từ khắp thế giới, các lãnh tụ thuộc các tổ chức chính trị, lao động, báo chí của châu Mỹ La tinh (đến Cuba để dự các hội nghị về kinh tế bán cầu, với sự tham dự của Fidel trong các phiên họp kéo dài cả ngày) và các nhà doanh nghiệp Mexico và Nhật muốn giao thương với Cuba.
Với trí nhớ phi thường, Fidel dường như tiếp thu và nhớ hết mọi điều ông đọc, nghe và thấy trong nửa thế kỷ qua. Trí nhớ của Fidel làm việc còn hơn cả memoria technica (bộ nhớ nhân tạo) – thuật ngữ mà người La Mã đã đặt tên cho kỹ thuật ghi nhớ của các nhà hùng biện cổ xưa vì ông có khả năng diễn thuyết biến hóa theo các chủ đề trước cử tọa mà không bao giờ quên các dữ kiện và con số. Hồi còn là sinh viên luật, Fidel đã hoàn tất chương trình hai năm cuối chỉ trong một năm miệt mài học ngày đêm và khi đã thuộc nằm lòng ông đã hủy hết mọi tài liệu đã thuộc lòng để buộc mình phải dựa vào trí nhớ.
Là người ham đọc sách, công việc chủ yếu của Fidel trong gần hai năm bị giam giữ là đọc sách, Fidel đã tích lũy các kiến thức và trở nên uyên bác đến mức kinh ngạc. Trong lúc câu chuyện đã bớt căng thẳng hoặc trong các bài diễn văn ứng khẩu, ông dễ dàng tuôn ra các dẫn chứng, từ những luật lệ mơ hồ của La Mã về việc hoãn trả nợ cho tới lời phê bình của Victor Hugo về Louis Bonaparte, tức “Napoleon con,” từ các truyền thuyết về sự chinh phục Tây Ban Nha cho đến việc trích dẫn các câu nói của Abraham Lincoln và José Martí, từ một đoạn văn bị quên lãng của Lenin cho tới một câu thơ của Curzio Malaparte. Trong một lệnh chiến trường được viết tay khi còn chiến đấu ở Sierra, có lần ông chua vào một câu bằng tiếng La tinh để đốc thúc một giải pháp Manu militari (* bằng sức mạnh) trong một tình huống nguy hiểm cận kề.
Hiện tại, Fidel vẫn làm việc với tốc độ chóng mặt dù ông nói rằng ông đang giảm bớt đi. Ở trong hay ngoài nước, Fidel đều tuân thủ giờ giấc làm việc rất nghiêm ngặt. Ông thường tỏ ra bức xúc, khó chịu và miễn cưỡng với những lịch trình không thể biết trước. Thái độ tôn trọng giờ giấc này chỉ được ông nhân nhượng ở những việc mang tính chất công - nhưng gần đây ông lại bắt đầu áp dụng đúng theo tính cách của mình. Fidel nổi tiếng rất đúng giờ. Tại Ðại Hội Ðảng Cộng Sản Cuba vào tháng hai năm 1986, Fidel đã phê bình các đại biểu đến dự cuộc họp lúc 9 giờ sáng trễ vài phút, lớn tiếng trách rằng là đảng viên mà không thể đi họp đúng giờ thì làm sao có thể điều hành được đất nước.
Fidel dường như ngủ rất ít. Ngay cả những lúc trong hoàn cảnh tốt đẹp nhất, ông cũng không đi ngủ trước ba bốn giờ sáng. Thế nhưng sáng hôm sau, tại hội nghị quốc tế hay buổi tiếp tân, trông ông vẫn thoải mái và tươi tỉnh. Hồi còn ở Havana, Fidel có thể ngủ ở căn hộ phố Mười Một, trong buồng ngủ nhỏ sau phòng làm việc của ông ở tầng ba Dinh Cách Mạng, tại căn biệt thự mới và rất riêng tư của ông ở ngoại ô phía tây Havana, hoặc ở bất cứ nơi nào như nhà của bạn bè.
Vào năm đầu tiên của cách mạng, Fidel sử dụng tầng thứ hai mươi ba khách sạn Havana Libre tại trung tâm La Habana (trước đây là khách sạn Havana Hilton) làm nơi ở và làm việc ngoài những nơi khác như căn hộ của Celia Sánchez trên phố Mười Một, ngôi nhà thoáng mát nằm trên ngọn đồi trông ra biển ở làng chài Cojímar, cách thành phố năm dặm về phía đông, và căn nhà cạnh nhà hát Charlie Chaplin (giờ là Carlos Marx) ở khu dân cư Miramar. Bởi vậy, dạo đó mọi người, có khi cả Celia Sánchez, khó biết được Fidel chính xác đang ở đâu. Và sau đó là các văn phòng nổi tiếng tại tòa nhà Viện Cải Cách Ruộng Ðất Quốc Gia (INRA).
Conchita Fernández, thư ký cũ của ông, nhớ là Fidel lúc nào cũng vội vã di chuyển từ nơi này qua nơi khác trong và ngoài Havana bằng đoàn xe Oldsmobiles (sau này được thay bằng xe Mercedes-Benz màu đen) có cảnh sát mang súng bảo vệ, mang theo bên người chiếc cặp đựng các giấy tờ, báo cáo và ghi chú. Ông thường làm việc trong lúc xe chạy, nghiên cứu tài liệu hay đọc cho Conchita viết thư hay một vài ý tưởng. Bà nhớ lại, “Ông không bao giờ nghỉ ngơi ở bất cứ đâu, kể cả trong xe.”
Conchita nhớ là có vài lần vào tám giờ sáng Fidel đã đến văn phòng của mình ở INRA, “và sau đó ông lại đi đâu đó trong ba bốn ngày, buổi sáng không thấy ông ghé vào, cả chiều tối cũng vậy”. Có lần Fidel bảo Conchita, “Tôi sẽ nghỉ ngơi trên trường kỷ vài giờ, cô nhớ đánh thức tôi dậy vào những giờ này, giờ này nhé,” tuy nhiên, chỉ mười phút sau đã thấy ông quay lại văn phòng để đọc thư.
Hai mươi lăm năm sau, cuộc sống Fidel đã ngăn nắp và thanh lịch hơn, có nhiều phương tiện hơn song thái độ và cách cư xử của ông không thay đổi nhiều. Ông có trực thăng Liên Xô hạng sang, có bọc một lớp gỗ bên trong, cũng như một đoàn xe limousine Mercedes-Benz (ông thường di chuyển trong ba xe gồm ba chiếc, trong đó hai chiếc chở lực lượng cận vệ), song ông vẫn rất mê đi trên những phương tiện giống như xe jeep. Fidel thích tự mình lái chiếc Gazik của Liên Xô khi về vùng quê và được chở đi trong chiếc xe này khi đi ở ngoại ô Havana, nhắc ông nhớ đến Sierra, thời kỳ mà ông thường kể là “thời gian hạnh phúc nhất” đời mình. Thỉnh thoảng, ông chuyển từ chiếc Gazik sang limousine hoặc ngược lại (tất cả các xe này đều có xe vũ trang đi theo). Trong những lần như vậy, ông dường như không tỏ vẻ lo lắng về an ninh, có lúc ông còn ngừng lại khi gặp đèn đỏ nữa mặc dù xe của ông được quyền qua.
Là nguyên thủ quốc gia, Fidel hưởng cuộc sống tiện nghi đầy đủ và ưu đãi, tuy nhiên vẫn ở mức độ khiêm tốn nhất so với nguyên thủ ở các quốc gia khác, kể cả các quốc gia xã hội chủ nghĩa khác. Việc phô trương sự sang trọng lịch thiệp nhất được dành cho những buổi tiếp tân các vị khách quí ở tầng trệt của dinh. Hàng ngàn khách được mời dự trong một khu vực rộng mênh mông, được trang trí bằng cây xanh và các cây dương xỉ hiếm mang về từ Sierra Maestra. Theo thông lệ, Fidel đi cùng các vị khách danh dự để ông giới thiệu họ với bạn bè ông. Các loại thịt, cá, tôm hảo hạng được thết đãi cùng với rượu rum Cuba lâu năm (Isla de Tesoro) và đôi khi cũng có rượu whisky Chivas Regal của Êcốt. Trong một nước vẫn còn thiếu lương thực thì đãi tiệc như vậy là rất sang trọng. Tuy nhiên, chúng không như những buổi yến tiệc của các nguyên thủ khác - được chiêu đãi với cá caviar và rượu sâm banh - và thường kết thúc sớm mà không có ai quá chén.
Những dịp như vậy, cũng như trong các hội nghị lớn hoặc các kỳ họp Quốc Hội, Fidel chọn bộ đồng phục chính thức màu nâu của Tổng Tư Lệnh, với hàm hiệu là một ngôi sao duy nhất trên nền hình thoi màu đỏ đen cùng nhành nguyệt quế. Áo sơ mi thì màu trắng và cà vạt màu đen. Những dịp khác, ông thích mặc bộ quân phục màu xanh ô liu bằng vải dày và được may cắt rất khéo. Bộ quân phục khá nặng dù cổ không cài khuy và Fidel mặc áo chẽn bên trong chiếc áo khoác có dây kéo phía trước này. Ðể được thoải mái trong bộ quân phục này, ông cho mở hệ thống máy điều hòa trong dinh lạnh đến mức mà các trợ lý nào chỉ mặc guayabera - áo sơ mi thể thao theo kiểu Cuba – sẽ cảm thấy lạnh cóng.
Thỉnh thoảng Fidel chọn bộ quân phục dã chiến màu xanh ô liu, đội nón kết lên trên mái tóc tém gọn ngay cả khi đang ngồi trong văn phòng hay ở nhà bạn bè. Những lần như vậy chân ông lúc nào cũng xỏ đôi giày nhà binh màu đen.
Vì truyền thuyết Sierra Maestra và sự trân trọng dành cho bộ quân phục xanh ô liu, hình ảnh về Fidel vẫn luôn là hình ảnh của người lính du kích không màng đến chuyện ăn mặc. Tuy vậy, ông không phải là người hoàn toàn thờ ơ với cách ăn mặc của mình. Hồi còn là lãnh đạo sinh viên và là nhà chính trị mới tập tễnh bước chân vào chính trường bằng việc tham gia vào các cuộc bầu cử, Fidel thích mặc những bộ quần áo sẫm màu và thắt cà vạt khi mặc loại áo guayabera mà đa số nam giới Cuba hay mặc. Ông đã bước ra khỏi nhà tù trở về Havana trong trang phục này, và rồi cũng mặc chúng khi sống lưu vong ở Mexico cũng như khi hoạch định chuyến viễn trình cho chiếc Granma. Những tấm ảnh chụp ở giai đoạn này cho thấy Fidel trông cao ráo và lịch thiệp, với chiếc khăn tay ló ra khỏi túi áo khoác và một bộ ria mép thẳng tắp như được vẽ bằng bút chì. Với thế giới, ông trông như một công tử con nhà triệu phú (mặc dù khi ra khỏi tù ông chỉ có duy nhất một bộ đồ). Ông biết rằng hình ảnh đó sẽ có tác động về mặt chính trị hơn hình ảnh một thanh niên trẻ trung trong bộ quần áo bình thường. Trong tấm ảnh chụp với Fidelito, con trai ông, vài giờ trước cuộc đột kích ở Moncada năm 1953, trông ông bảnh bao và sang hơn. Bộ quân phục hành quân ngày nay hoàn toàn phù hợp với những ý đồ ăn mặc trước cách mạng của Fidel.
Vốn bị cận thị khá nặng, nên dù không thích, Fidel vẫn phải cần đến chiếc kính gọng sừng mỗi khi ông muốn nhìn rõ hơn. Ông vẫn luôn đeo kính hồi còn ở Sierra và trong cuộc chiến Vịnh Con Heo và một trong những tấm bích chương in ra lúc đó là hình Fidel trên mặt trận đầu đội mũ bê rê và mắt đeo kính. Là một thiện xạ siêu hạng, Fidel thường đeo kính khi bắn và đã chế ra một hệ thống giúp hai mắt vẫn mở thay vì phải nheo một mắt khi ngắm bắn như các xạ thủ khác, vì khi đeo kính ông bắn chính xác hơn.
Fidel Castro là một người cẩn thận và cầu toàn. Ông thường bỏ ra nhiều giờ để sửa lỗi và biên tập các diễn văn và bài viết của mình để cho câu từ hoàn hảo theo văn phong tiếng Tây Ban Nha. Thỉnh thoảng, ông làm công việc này trong khi xe đang chạy rất nhanh, khiến cho các thư ký của ông khi đọc bản thảo cũng khó đoán ra dù họ đã quen với nét chữ của Fidel. Gallego Fernández, vị phó chủ tịch, nhớ lại lần Fidel thảo một bức thư gửi một nguyên thủ quốc gia nước ngoài ngay trong chiếc limousine của ông. Tài xế được lệnh cho xe chạy loanh quanh đến bốn tiếng đồng hồ cho tới khi ông soạn xong bức công văn tỉ mỉ đó vì ông không muốn bị mất tập trung nếu phải ngưng lại để đi lên văn phòng.
Fidel vẫn thường ứng khẩu phát biểu nhiều bài diễn văn, nhưng ông thừa nhận rằng đối với những bài diễn văn tối quan trọng ông phải viết ra giấy trước, chẳng hạn như bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc ở New York năm 1979 và hội nghị thượng đỉnh Phong Trào Không Liên Kết ở New Delhi năm 1983. Những bài diễn văn ngẫu hứng của Fidel thường hay hơn nhiều, song bản tánh cầu toàn đôi lúc đã trỗi lên trong con người ông. Như lần uống rượu vào buổi trưa ở nhà một người bạn ở Havana, khi nhìn thấy chai rượu được khui ra và đậy nắp hơi lệch, ông cảm thấy khó chịu và cuối cùng phải đưa tay với lấy chai rượu vặn lại cho ngay mới thấy yên lòng.
Những lần hiếm hoi Fidel có vẻ thực sự thư giãn là lúc ông ở cùng với vài người bạn tại Cayo Piedra - một hòn đảo núi lửa nhỏ ở Caribê, cách bờ biển Cuba mười dặm về hướng nam, nơi gần với thiên nhiên. Ông đã bay bằng trực thăng đến đây để chơi môn thể thao ưa thích là săn bắt cá dưới nước. Dạo trước nơi đây là địa điểm đặt ngọn hải đăng, có một căn nhà bốn gian đơn sơ của người gác hải đăng, với hàng hiên và giàn cây leo hình vòng cung. Sau đó, nơi này thành nhà của Fidel. Khách được ở trong gian nhà khách hiện đại phía bên kia đảo (có bộ sưu tập các tác phẩm của José Martí, nhưng không có sách của Marx hay Lenin) và các bữa ăn đều được dọn ra trên chiếc phà neo chặt vào bến. Cayo Piedra có một hồ bơi mà sáng nào Fidel cũng ra đó bơi rất lâu. Một bãi đáp trực thăng là tiện nghi tối cần thiết ở đây.
Hầu như cả ngày họ đi săn bắt cá ngoài khơi trên một trong hai chiếc xuồng máy lớn (luôn có hai xuồng tên lửa hải quân đi theo hộ tống) và Fidel trong bộ đồ lặn lặn sâu dưới nước với cây súng phóng lao. Là thợ lặn cừ khôi, ông mời Jacques-Yves Cousteau, nhà thám hiểm đại dương nổi tiếng của Pháp, cùng bơi ra khỏi Cayo Piedra trong thời gian vị khách người Pháp này ở Cuba nghiên cứu đời sống biển. Sau mỗi lần lặn, bác sĩ của Fidel nhỏ thuốc mắt và mũi cho ông. Vào bữa tối, họ dùng món súp rùa tươi (được nuôi ở xa bờ), rồi đến món cá đút lò và tôm hùm do chính Fidel đâm được.
Các bữa ăn của Fidel đều tương tự nhau - ở Cayo Piedra, tại ngôi nhà ven biển trên Ðảo Thanh Niên nơi ông thỉnh thoảng cũng ra câu cá, hoặc ở khu quân sự phía tây Cuba, nơi ông khoác lên người bộ quần áo ngụy trang – được ông gọi là bộ đồ “lính đánh thuê” – để săn vịt trời trên khu đầm rộng bát ngát được phủ một phần bởi rừng và đước. Trước hết là uống rượu cocktail và nói chuyện phiếm - thường là về cuộc đi săn hay bắt cá trong ngày – và đôi lúc cũng có những câu chuyện nghiêm chỉnh, kế đến ăn tối theo từng nhóm nhỏ, đôi khi kéo dài tới quá nửa đêm. Ðây là một trong những khung cảnh ưa thích của Fidel để tạo niềm hứng khởi trong trò chuyện. Lúc đó ông diễn giải rất sinh động cuộc cách mạng Cuba với các vị khách nước ngoài, làm say mê cả các dân biểu cánh hữu của đảng Cộng Hòa Mỹ đến thăm đảo quốc này. Fidel thường trả lời phỏng vấn trong phòng làm việc của ông, một căn phòng chữ L trống trải với các kệ sách kê phía sau bàn làm việc. Ông thường ngồi trên ghế bành đặt bên dưới bức tranh tường theo phong cách hiện đại Cuba để nói chuyện. Trên một bức tường khác, chân dung Camilo Cienfuegos đang nhìn xuống. Bàn làm việc của Fidel được bày biện ngăn nắp hợp lý gồm một máy thu thanh bán dẫn lớn (các máy điện thoại để trên chiếc bàn nhỏ kê sát bàn làm việc), băng cassette, các chồng hồ sơ, một hũ đựng loại kẹo ông thích và cho tới cuối năm 1985, còn có những hộp xì gà dài ngắn đủ cỡ. Dạo sau này ông thích hút xì gà loại ngắn nhưng đột nhiên vào khoảng tháng mười năm 1985, ông quyết định bỏ hút thuốc. Fidel tuyên bố điều này trong cuộc phỏng vấn trước Giáng Sinh trên truyền hình Brazil. Câu chuyện này trở thành đề tài hấp dẫn đến mức sau đó chúng xuất hiện trên các bản tin truyền hình từ Mỹ tới Nhật và được in nổi bật trên báo chí khắp thế giới. Ông tuyên bố: “Ðã từ lâu tôi rút ra kết luận rằng sự hy sinh cuối cùng mà tôi làm vì sức khỏe cộng đồng là bỏ hút thuốc; tôi thực sự cũng không nhớ nhiều đến việc này.” Ðể chứng minh cho sức mạnh ý chí của mình – và cũng là vì sức khỏe bản thân - dù đã bắt đầu hút thuốc từ năm mười lăm tuổi, khi còn học trung học, có cơ sở để tin rằng Fidel sẽ quyết tâm thực hiện ý nguyện này. Ông giải thích: “Nếu có ai bắt tôi bỏ thuốc chắc tôi sẽ khổ sở lắm ... nhưng vì tôi tự buộc mình phải ngưng hút thuốc, không được hứa hẹn này nọ, thì lại được.”
Nhiều năm trước, Fidel đã khơi màn một chiến dịch chống thuốc lá lớn để thuyết phục dân Cuba rằng thuốc lá, sản vật đã khiến đảo quốc này nổi tiếng, rất có hại cho sức khỏe của họ. Truyền hình, truyền thanh, biểu ngữ, bích chương, và báo chí đều được huy động cho chiến dịch này (ví dụ cảnh các phụ nữ mang thai xuất hiện trên truyền hình phát biểu hút thuốc có thể ảnh hưởng tới bào thai) và giá thuốc lá được tăng lên gần hai Mỹ kim một gói. Bất cứ ai xa cách Cuba lâu ngày khi quay về lại đều lấy làm ngạc nhiên khi thấy Cuba không còn là một quốc gia ghiền thuốc lá nữa. “Hy sinh cuối cùng” của chính Fidel là vũ khí tối hậu trong chiến dịch này và cho thấy rằng việc gì ông đã hứa thì ông sẽ làm.
Nếu Fidel đã tự xóa bỏ đi hình ảnh thân quen của riêng ông vốn gắn liền với điếu xì gà thì ông đã tuyên bố rất rõ ràng là biểu tượng bộ râu sẽ vẫn còn. Cũng như trước đây, Fidel giải thích, như đã từng giải thích trong quá khứ, rằng ông và đồng đội đã để râu ở Sierra chỉ vì việc cạo râu gặp nhiều phiền toái. Dần dà, hình ảnh những người rậm râu được tôn kính và Fidel nhận ra rằng “bộ râu đã trở thành biểu tượng của du kích.” Tuy vậy, ông cũng lưu ý rằng để râu “cũng có lợi về mặt thực tiễn” vì “nếu phải dành ra mười lăm phút một ngày để cạo thì một năm tốn mất năm ngàn phút cho việc cạo râu” – và thời gian này được dùng để đọc sách hay tập thể dục thì tốt hơn. Ba mươi năm sau nữa ý nghĩ về một Fidel không có bộ râu quả thực rất phi lý về mặt chính trị. Bộ râu thực sự đã trở thành một nhân dạng riêng và biểu tượng của chính Fidel.
Cũng có đôi lúc, Fidel kể chuyện về các chuyến công du nước ngoài và dân tộc ông đã gặp ở từng lục địa. Mỹ là đất nước mà ông biết nhiều nhất. Hồi còn trẻ, ông đã đến đây ba lần: lần thứ nhất khi ông đi hưởng tuần trăng mật vào năm 1948, lần thứ hai xảy ra một năm sau đó khi ông phải trốn vì những lời đe dọa thanh toán ông từ nạn bè phái chính trị ở Havana và cuối cùng vào năm 1955 ông đến đây để gây quỹ cho cuộc cách mạng ông định khởi sự ở Cuba từ Mexico. Tháng tư năm 1959, Fidel trở lại Mỹ trong tư cách người đứng đầu phong trào nổi dậy thắng lợi (ông gặp Phó Tổng thống Richard Nixon và đã làm say mê khách khứa tại tòa đại sứ Cuba ở Washington, khi ông diễn thuyết kêu gọi họ “hãy giúp tôi giúp đất nước tôi”) và thêm hai lần khác để đọc các bài diễn văn nảy lửa trước Liên Hiệp Quốc.
Dạo còn là lãnh tụ sinh viên, Fidel đã đi vòng quanh Panama, Colombia và Venezuela. Ngay sau cách mạng thành công, lúc đã là Lãnh tụ Toàn năng, ông đã đi thăm hầu hết các quốc gia Nam Mỹ. Năm 1971, ông đến thăm người bạn là Salvador Allende Gossens, tổng thống theo chủ nghĩa Marx của Chilê, khuyên ông này đừng thù địch với Mỹ. Sang đến thập niên 1980, ông nhiều lần sang nước Nicaragua cách mạng để cố vấn về phong trào Sandinistas mà ông đã giúp giành thắng lợi và tiếp tục hỗ trợ.
Fidel đã thăm Liên Xô gần một chục lần (không phải tất cả các chuyến đi đều được công bố), hai lần qua Ðông Âu và ba lần đến thăm Việt Nam. Lần đầu từ ngày 12/9 đến 19/9/1973, ông đã không ngại nguy hiểm vào tận Quảng Trị thăm đồng bào chiến sĩ Việt nam, lần thứ hai vào tháng 11/1995. Trong chuyến viếng thăm lần thứ hai năm 2002 và ông đã có cuộc trò chuyện thú vị với sinh viên Việt Nam. Ông chưa ghé thăm Trung Quốc vì Cuba ủng hộ Liên Xô trong thời gian hai nước Trung-Xô thù địch với nhau (ông cũng đã chỉ trích Mao Trạch Ðông khi tự cho phép mình “trở thành Thượng Ðế” và chỉ nhẹ nhàng phê phán Liên Xô “trong thời kỳ Stalin, ở đây đã phát triển tệ sùng bái cá nhân và xảy ra việc lạm dụng quyền hành”.)
Fidel là nguyên thủ một quốc gia Cộng sản trên thế giới đã đi thăm nhiều nước nhất, cũng đã đến châu Phi nhiều lần, chủ yếu là Algeria, nước mà sau cách mạng thành công, Cuba đã ủng hộ nền độc lập của họ, rồi tới Angola và Ethiopia, nơi mà giữa thập niên 1970, Fidel đã gởi quân đến chiến đấu. Ông đã thăm Ấn Ðộ, nhưng lần duy nhất ông đặt chân lên phần đất thuộc Tây Âu chỉ là một giờ quá cảnh ở phi trường Madrid.
Với tất cả ràng buộc về bổn phận và trách nhiệm, Fidel vẫn cố gắng là một con người tự do, hành động theo sự thôi thúc của tình thế và làm chuyện bất ngờ. Quyết định tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Nicaragua, Daniel Ortega Saavedra, (người được ông bảo trợ để tiến hành cuộc cách mạng, tháng 1 năm 1985), được ông đưa ra vào phút chót khi ông biết rằng không có vị nguyên thủ nào đến dự. Tại Managua, điều không tránh khỏi là ông trở nên nổi trội hơn so với tổng thống Ortega có dáng người thấp bé và thiếu sức thu hút nhưng ông đã xử sự rất khéo léo. Vào năm 1985, lúc đoàn đại biểu thanh niên Cuba lên tàu đi Liên Xô, Fidel đã dẫn toàn thể Quốc Hội Cuba gồm 399 dân biểu đến bến cảng Havana (tuần đó Quốc Hội có phiên họp thường niên được tổ chức hai năm một lần) để tiễn chân các bạn trẻ.
Theo qui định thì người giữ chức Tổng Tư Lệnh không còn phải tham dự các buổi tiếp tân ngoại giao (trừ ở tòa đại sứ Liên Xô, một khu dinh thự khổng lồ có kiến trúc hiện đại nằm trên biển thuộc khu phía trên ở Havana), song Fidel có thể bất ngờ xuất hiện vào bữa ăn tối ở tư dinh đại sứ, khi thì được mời, khi thì tự đến. Tòa đại sứ đầu tiên mà Fidel viếng thăm là của Brasil năm 1959 và bất kể đi đâu, ông cũng mang theo bên người khẩu súng trường (và để lại ngoài cửa).
Có một tối, ông bất ngờ xuất hiện ở tòa đại sứ Pháp và lưu lại cho tới 4 giờ sáng, chuyện trò với các nghị sĩ Pháp đang ở thăm Cuba. Ngày hôm sau, Fidel gởi đến tặng một thùng rượu Whisky Êcốt của Cuba. Fidel còn định sản xuất pho mát loại Camembert và pâté de fois gras (một loại patê làm từ gan ngỗng và thêm chất béo vào) ở Cuba và vị tư lệnh nhiệt tình này cũng đã trở thành một chuyên gia về lý thuyết trong việc nuôi ngỗng bằng cách ép ăn. Ông nổi tiếng là người luôn muốn tìm hiểu về các ngón nghề bí truyền.
Tuy là nhà cách mạng và du kích quân song Fidel không phải là người khổ hạnh. Ông vẫn thích rượu Chivas Regal và pâte. Ngoài ra, Fidel rất mê thức ăn ngon và thích nấu nướng. Vào tháng 5 năm 1958, giữa lúc xuất phát cuộc tấn công vĩ đại chống chính quyền độc tài Batista, ông đã gởi mấy dòng than thở cho Celia Sánchez ở trụ sở Sierra rằng: “Anh không có thuốc lá, không có rượu, không có gì hết. Còn chai rượu vang đỏ của Tây Ban Nha để trong tủ lạnh nhà Bismarck, giờ đâu rồi?” Trong thời gian lưu vong ở Mexico, ông và một người bạn đã mừng rỡ giơ cao món trứng cá caviar khi quân cách mạng đang thiếu thốn bất ngờ nhận được số hàng cứu trợ từ nước ngoài.
Hồi còn trẻ, Fidel rất quan tâm đến ẩm thực, và món mì ống của Ý luôn là một trong những món ông ưa thích. Manuel Moreno Frajilans, nhà sử học hàng đầu Cuba, bạn của Fidel vào cuối thập niên 1940, khi ông còn là sinh viên, nhớ lại Fidel đã thường xuyên ghé thăm gia đình ông để bàn việc chính trị và dùng bữa. Một dịp, Fidel đến vừa lúc cô hầu gái đang chiên chuối lá. Ngửi thấy mùi, ông chạy ngay xuống bếp nói với cô gái: “Ðể tôi chỉ cô cách chiên nhé!” Khi nghe vợ của Moreno Frajuilans, một kiến trúc sư, hỏi: “Chú nghĩ cái gì chú cũng biết sao?” Fidel trả lời, “Gần như cái gì cũng biết.”
Dạo ở tù trên Ðảo Thông (sau cách mạng đổi tên thành Ðảo Thanh Niên), trong phòng biệt giam, Fidel vẫn kiên trì tìm cách nấu mì ống trên cái bếp điện nhỏ. Thỉnh thoảng, khi dẫn khách đi tham quan nhà tù này, ông không bao giờ quên kể phải nấu bao lâu thì mì ống mới có thể ăn được. Em gái Emma của ông nói hồi ở Sierra, Fidel vẫn hay nấu mì ống cho đồng đội ăn. Conchita Fernández kể Fidel thường ăn tối trong nhà bếp Khách Sạn Havana Tự Do (tại đây ông cũng đã trả lời các cuộc phỏng vấn kéo dài cả đêm) và thường chỉ các đầu bếp cách chuẩn bị món cá chỉ vàng sao cho ngon. Ông còn có cách riêng để nấu món sườn cừu, vịt chưng cách thủy và rất mê món chả cá nướng với thịt nạc. Lúc ăn tối bình dân ở quê với các bạn thân, ông hay chuẩn bị món cá và rau trộn, thường kèm với rượu vang trắng Bulgaria và rượu vang đỏ Algeria.
Fidel cũng có ý kiến rất sôi nổi về mặt tri thức trong thể thao. Ông chơi giỏi gần như cầu thủ chuyên nghiệp cả hai môn bóng rổ và bóng chày. Có lần, ông đã giải thích rất hiểu biết với một vị khách về lý do tại sao bóng rổ được coi là môn thể thao của nam giới thích suy tư. Theo Fidel, bóng rổ đòi hỏi phải hoạch định chiến lược, chiến thuật cũng như tốc độ và sự nhanh nhẹn - có lợi cho người tham gia cuộc chiến du kích - còn bóng chày không cần phải như vậy. (Câu chuyện này được công bố khi Fidel cực lực phản đối lời đồn ở một tờ báo nước ngoài cho rằng đã từng có lần ông mong được chơi cho các đội bóng chày lớn ở Mỹ.)
Người ta thường đem ra so sánh hai nhân vật nổi tiếng trong thế giới Cộng Sản là Fidel và vị thống chế quá cố của Nam Tư là Josip Broz Tito. Cả hai đều là lãnh đạo du kích quân và chống lại các hình thức phát xít, cả hai cùng theo chủ nghĩa Marx vì công bằng xã hội và có những khát vọng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, họ khác nhau nhiều hơn là giống nhau. Tito là người Cộng Sản tuyên thệ, đã từ lâu chịu sự chi phối của Ðảng Cộng Sản Quốc tế, trước cả lúc Ðức tiến hành xâm lăng và tạo ra đội quân du kích của Ðảng Cộng Sản – trong khi Fidel (cho dù tư tưởng Cộng Sản đã ngự sẵn trong tâm trí ông trước khi ông phát động cuộc khởi nghĩa) chắc chắn lúc đầu đã không là một đảng viên trung kiên của phong trào Cộng sản chịu sự chi phối của Liên Xô. Và mặc dầu không một ai có đóng góp lớn lao nào cho tư tưởng Marx nhưng Fidel có chiều sâu tri thức hơn hẳn Tito - điều này có thể thấy trong các bài viết và diễn văn của Fidel trước và sau cách mạng. Thật khó so sánh lòng can đảm của Tito khi đối mặt với Quốc Xã và sau đó là Stalin với lòng can đảm của Fidel khi đối mặt với Batista và Mỹ; các bối cảnh cực kỳ khác nhau. Cả hai nhà lãnh đạo này giải quyết các vấn đề hiện đại hóa đất nước theo cách riêng. Tito không chống nổi cám dỗ của hình thức phù phiếm bên ngoài, làm nổi bật vai trò thống chế của mình bằng những bộ trang phục trắng viền vàng, đi du thuyền riêng và ẩn mình trên đảo Brioni sang trọng. Còn Fidel, với xu hướng đam mê của riêng mình, về cơ bản, vẫn luôn là nhà lãnh đạo du kích cho tới lúc này.
Có thể vì những điểm dị biệt như vậy nên cả hai từ lâu đã có những mối bất đồng với nhau. Cụ thể là những bất đồng khi Tito, trong những năm cuối đời, nắm giữ chức Chủ tịch Phong trào Không liên kết và Fidel kế nhiệm ở nhiệm kỳ sau vào năm 1979.
Tính cách của Fidel Castro thật là phức tạp, nên không loại trừ khả năng ông có thể thay đổi tiến trình trong tương lai nếu ông tin điều đó có lợi cho đất nước Cuba, cho cuộc cách mạng và đúng với lòng ông. Lẽ tự nhiên, ba mối quan tâm này vẫn chan hòa với nhau. Và mọi người thấy rõ rằng vận mệnh của ông cũng được quyết định bằng chính khả năng quản lý này của ông trên hòn đảo đang chịu nhiều thách thức này.