Fidel Castro thành công trong thời chiến lẫn thời bình, vì ngoài những phẩm chất lãnh đạo và ý chí sắt thép, ông còn biết cách để mọi người, những đồng chí chiến đấu bên cạnh ông, bạn bè và người thân thích, cũng như nhân dân Cuba, đều tâm phục khẩu phục, hết sức trung thành với ông sau khi cách mạng giành được thắng lợi. Ba thập niên sau, các chiến hữu cách mạng đầu tiên của Fidel vẫn tuyệt đối trung thành với ông như thuở còn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Fidel đã tổ chức nhóm của mình như là một tổ chức quân sự kết hợp với tín ngưỡng, như tổ chức Hiệp Sĩ Bàn Tròn trong thời Thập Tự Chinh. Ðiều không tránh khỏi là quá trình phát triển của nhiều người không giống nhau và những dị biệt về hệ tư tưởng – đôi khi rất sâu sắc về chủ nghĩa cộng sản – đã nảy sinh giữa mọi người. Song điểm chung giữa họ là lòng trung thành dường như bất khả phân lìa đối với Fidel: nhà lãnh đạo lịch sử của họ. Ðối với họ, Fidel không thể làm điều gì sai, nhưng tại sao lại như vậy?
Bertolt Brecht, kịch tác gia nổi tiếng, đảng viên cộng sản ở phần nước Ðức theo chủ nghĩa cộng sản, có viết một vở kịch mang tên Galileo. Trong vở kịch này, một nhân vật đã kêu lên: “Bất hạnh thay cho đất nước nào không có anh hùng,” và nhân vật chính Galileo mới đáp lại, “Ðất nước nào cần có anh hùng mới thật là bất hạnh.” Trong trường hợp của Cuba thì cả hai câu trên đều đúng: Ðảo quốc này chưa bao giờ có một anh hùng chiến thắng (José Martí bị giết trước khi giành được độc lập), và lịch sử đau buồn của đất nước này đang khao khát có được một anh hùng. Rõ ràng, Fidel chính là lời đáp.
Và như Maximilien Robespierre, Fidel Castro nói bằng ngôn ngữ của Cách Mạng, ông là tiếng nói của những nguyên tắc cách mạng sâu sắc nhất thời đại của ông. Sự cam kết sống trọn vẹn với những lý tưởng này của Fidel đã được chứng minh đã khiến mọi người theo ông. Trong một quốc gia suy đồi dưới chế độ độc tài Batista, Fidel là hiện thân cho các giá trị cho sự lương thiện, cho tính hợp pháp chính trị và cho công bằng xã hội và mọi người được ông thuyết phục bởi tài hùng biện và bầu nhiệt huyết sẵn sàng chấp nhận hy sinh để chống lại chế độ độc tài thối nát này.
Ngoài quan điểm chính trị trong sáng, Fidel còn làm thức tỉnh được lòng trung thành rộng khắp trên cơ sở tương tác giữa người và người. Ông có khả năng truyền sự sôi nổi và có một sức lôi cuốn lạ lùng đến người khác. Khả năng thuyết phục của Fidel trên thế giới này ít có ai sánh bằng. Ông có thể là đã thuyết phục được nhiều nam nữ thuộc mọi tầng lớp và tính cách khác nhau tham gia hành động đấu tranh mà chỉ đến phút cuối mới biết rõ việc đó là gì (như trong cuộc đột kích trại lính Moncada và chuyến xâm nhập trên tàu Granma). Chính viên trung úy đã bắt được ông trên núi sau trận chiến Moncada đã bị tinh thần quả cảm, xả thân của Fidel cảm hóa và vài năm sau đã tham gia trong đoàn quân chiến thắng của ông. Với năng lực lạ thường đó, nhiều người Cuba, kể cả người ngoại quốc đã không thể nào nói tiếng “không” với ông.
Một nét đặc biệt khác nữa ở Fidel là tính quả cảm. Lòng dũng cảm của ông phi thường đến mức gần như không thể tin được. Có lần ở Sierra Maestra, tất cả cấp sĩ quan cùng ký tên vào một đơn thỉnh nguyện yêu cầu ông đừng tự phơi mình ra trước lửa đạn của kẻ địch vì trong mọi trận đánh lớn nhỏ ông đều muốn phải có mặt ngay tuyến đầu.
Ðiều quan trọng hơn cả là Fidel lúc nào cũng lo lắng đến nhu cầu cuộc sống cho những người đi theo ông. Ông không chịu nhận những người đã có vợ con (dù bản thân ông đã là chồng là cha) vào cuộc đột kích trại Moncada cũng như luôn hỏi thăm những khó khăn của từng chiến binh Sierra và gia đình họ. Ông giám sát kỹ việc cấp phát lương thực để chắc chắn rằng mọi người đều được chia đều (có lần ông trách Universo Sánchez vì đã không chia hết phần kẹo mà ông đã giao cho) và lập ra điều luật ngặt nghèo cho các du kích quân, bắt họ phải trả bằng tiền mặt cho nông dân mỗi khi mua từng cân gạo hay con gà.
Tấm lòng kiên trinh của nông dân đối với Fidel đã giúp ông sống sót trong cuộc cách mạng – bởi có những lần kẻ thù treo giải thưởng 100.000 Mỹ kim cho người nào báo tin cho biết chỗ ông ở – và lòng trung thành lại càng được củng cố hơn nữa khi du kích quân giúp nông dân thu hoạch mùa màng, mở trường học và trạm y tế đơn sơ cho trẻ em ở Sierra. Một linh mục, cha Guillermo Sardinas, tham gia và tự nguyện làm cha tuyên úy của quân du kích, đã dành nhiều thời gian rửa tội cho con em các gia đình nông dân ở Sierra, một hành động rất được nông dân cảm kích vì, theo lời Fidel, ở miền núi hẻo lánh này không có nhà thờ và cũng chẳng có cha xứ. Fidel nhớ lại, hồi đó nhiều gia đình “muốn tôi là cha đỡ đầu cho con của họ, ở Cuba điều này có nghĩa là trở thành người cha thứ hai, và cha Sardinas đã rửa tội cho rất nhiều em bé ở đó.” Fidel kể rằng “tôi có rất đông con đỡ đầu ở Sierra Maestra và trong số đó nhiều đứa đã trở thành sĩ quan quân đội hoặc tốt nghiệp đại học.”
Fidel tin rằng sự có mặt của cha Sardinas ở Sierra và việc rửa tội của cha đã “tạo ra thêm sự gắn bó giữa các gia đình với Cách Mạng, giữa các gia đình với nghĩa quân, đồng thời thắt chặt hơn mối quan hệ giữa người dân ở đây và ban lãnh đạo du kích.” Ông nghĩ rằng linh mục, mặc dù ủng hộ cách mạng, tránh không tuyên truyền chính trị, và công việc phụng sự của ông ấy đối với các nông dân “mang ý nghĩa tôn giáo nhiều hơn.” Tuy vậy, Fidel thừa nhận điều này “gián tiếp” giúp cho cách mạng. Fidel kể với một thầy dòng người Brasil rằng có một thời gian khi tham gia chiến đấu, ông đã đeo quanh cổ một vòng chuỗi có gắn thánh giá vì một bé gái ở Santiago đã gởi tặng ông kèm theo “một lời chúc tốt lành”; ông nói: “Nếu quí vị hỏi tôi rằng đây có phải là vấn đề đức tin hay không thì câu trả lời của tôi là ‘không’. Tôi sẽ không thành thực nếu bảo là tôi tin; tôi đeo vật này chẳng qua là để đáp lại tấm lòng của bé gái ấy thôi.
Rõ ràng Fidel hiểu được sự ủng hộ của nông dân cần thiết về mặt chính trị như thế nào. Và những người dân nghèo ở vùng Sierra Maestra, hai mươi lăm năm sau, khi kể lại chuyện chiến tranh, họ vẫn luôn coi du kích quân là những người bạn và những anh hùng chứ không chỉ đơn thuần là một lực lượng chính trị. Thực sự, lòng trung thành của họ đối với Fidel Castro đã vượt qua thử thách và lớn lên cùng với thời gian. Sau khi Mỹ xâm lược Grenada vào năm 1983, Fidel hầu như ngày nào cũng đến bệnh viện Havana thăm binh sĩ Cuba và các công nhân xây dựng bị thương trong cuộc chiến đấu bảo vệ hòn đảo nhỏ bé ở Caribê này. Ông mang đến tặng họ sách (trong đó có cuốn Chiến Tranh và Hòa Bình của Lev Tolstoy bằng tiếng Tây Ban Nha), băng video và chuyện trò rất nhiều với họ. Những cuộc thăm viếng này không được phổ biến song người ta kể cho nhau nghe vị Tổng Tư Lệnh rất lo lắng cho người của ông.
Armando Hart Dávalos, một trong những người đầu tiên tổ chức Phong trào 26 tháng 7 sau cuộc tấn công vào Moncada, kể rằng nhóm người mà Fidel bí mật gặp ở Havana bốn tuần trước khi đi Mexico vào giữa năm 1955 để chuẩn bị cho cuộc xâm nhập, “cho đến ngày nay hoặc vẫn còn ở lại với Cách Mạng hoặc đã hy sinh cho Cách Mạng. Cuộc họp này được tổ chức tại một căn nhà của hai phụ nữ lớn tuổi nằm ở cảng, có mục đích là bầu chọn Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia của Phong trào có nhiệm vụ lãnh đạo cuộc đấu tranh bí mật trong các thành phố ở Cuba nhằm hỗ trợ cho cuộc chiến du kích ở Sierra. Tuy nhiên, ít lâu sau, Hart bị cảnh sát Batista bắt và cầm tù cho đến khi cách mạng thắng lợi. Fidel bổ nhiệm ngay ông này làm Bộ Trưởng Giáo Dục (khi ấy Hart 29 tuổi, kém Fidel 4 tuổi) và qua nhiều thập niên, ông là một trong những cố vấn tin cậy nhất của Nhà Lãnh đạo Toàn Quyền này.
Là người theo đường lối chính trị ôn hòa, một đặc điểm của tổ chức 26 tháng 7 đấu tranh ở thành thị, Armando Hart (trước đó thuộc nhóm dân tộc trung hữu) đã không ngần ngại theo Castro chuyển sang chủ nghĩa cộng sản và hiện thời là Ủy viên Bộ Chính Trị kiêm Bộ Trưởng Văn Hóa.
Faustino Pérez, chiến hữu của Fidel trên cánh đồng mía Alegría de Pío, là một hiện thân khác của lòng trung thành với Fidel. Faustino đã tham gia Phong trào sau khi xảy ra sự kiện Moncada, (cùng khoảng thời gian với Hart, bắt đầu từ phái chống Batista theo đường lối ôn hòa) và cũng đã dự cuộc họp mật ở Havana trước khi Fidel trốn đi Mexico. Sau đó, Faustino theo ông đến Mexico, đổ bộ từ chiếc tàu Granma trong vai trò phó tư lệnh và cùng sống sót bên cạnh Fidel trong tháng đầu tiên ở Sierra, sau đó nhận lệnh đến Havana để thiết lập quan hệ giữa du kích quân và Phong trào ngày 26 tháng 7 ở thành thị.
Là lãnh tụ cao cấp ở nội thành, Faustino Pérez tham gia hoạch định cuộc tổng đình công thất bại thảm hại vào tháng 4 năm 1958, đánh dấu sự đổ vỡ từ nền tảng sự liên minh giữa hai phe thân và chống Cộng sản (và các phe phái ôn hòa khác) trong phong trào cách mạng.
Rất ít người ở Cuba, và ngoài đảo quốc này, biết rằng ngay từ đầu khi tiến hành tổ chức và chiến đấu ở Sierra, Fidel đã có sẵn trong đầu kế hoạch hủy bỏ trật tự xã hội cũ do Tây Ban Nha thiết lập và tiếp đó được Mỹ duy trì từ sau khi Cuba độc lập vào năm 1902. Nhìn ngược về quá khứ, một số sử gia và nhà bình luận cho rằng ý định thực sự của Fidel - gieo rắc tư tưởng “cứu rỗi người đời” cho những người đang bị áp bức– đã được phát biểu trong phiên tòa xét xử ông sau cuộc tấn công Moncada - và cố tình được giữ kín cho tới khi ông lên nắm quyền. Sau này, Fidel đã không thấy hối tiếc khi công khai nhìn nhận điều này, và giải thích rằng chỉ đơn giản là vì dân chúng lúc đó chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng “thật sự.” Sử gia người Mỹ James H. Billington, người đã nghiên cứu nhiều về các hiện tượng cách mạng, đã dùng thành tựu to lớn của Fidel làm ví dụ về cuộc cách mạng hiện đại. Ông viết: “Những cuộc nổi dậy trước đây - ngay cả khi được gọi là cách mạng - thường chỉ nhằm tìm lãnh tụ mới hơn là một trật tự xã hội mới. Như vậy chỉ là nổi dậy chứ không phải cách mạng, và cuộc Cách Mạng Pháp đã gợi cho Fidel nhìn ra ý nghĩa “chữ cách mạng trước đây chưa bao giờ liên quan đến việc tạo ra một chế độ hoàn toàn mới và con người quyết định toàn bộ.”
Ðể thay đổi chế độ, Fidel Castro cần phải có những đồng minh tin cẩn và kinh nghiệm; và chủ nghĩa Cộng Sản hiện ra trong đầu ông trong những tháng cuối cùng của cuộc khởi nghĩa toàn quốc, khi thời cơ chính trị đã chín mùi.
Khi đến phạm vi cần phải tái cấu trúc một cách chính xác hàng ngũ nội bộ của cách mạng, chắc chắn Fidel trở nên nghi ngờ Phong trào 26 tháng 7 đang hoạt động trong các thành phố. Ðồng thời được Che Guevara khuyến khích trong các lá thư gửi cho ông ở Sierra, Fidel bắt đầu liên minh với những người Cộng Sản “cũ” và hình thành lớp người Cộng Sản “mới” của riêng ông. Chính Fidel sau này là người đầu tiên dùng chữ “những người Cộng Sản mới” một cách công khai. Cũng trong ý nghĩa đó, Fidel được biết là đã kết luận rằng trong số những chiến binh Sierra trung thành nhất, ít ai có đủ quá trình hoặc kinh nghiệm hoạt động trong lãnh vực quản trị hay chính trị để điều hành nhà nước tương lai hoặc dẫn dắt cách mạng. Do Fidel đã có sẵn kế hoạch sau thời kỳ quá độ, sẽ không để cho “giới tư sản” cấp tiến chỉ đạo các vấn đề dân sự nữa, ông quyết định xây dựng một đạo quân cách mạng hoàn toàn mới từ những Barbudo – người rậm râu trong thành phần nghĩa quân mà phần lớn là những người thất học. Một vấn đề trở thành nguyên tắc là lực lượng vũ trang của Batista sẽ hoàn toàn bị triệt hạ (chỉ giữ lại một số ít những sĩ quan chuyên nghiệp sẵn sàng tham gia sự nghiệp cách mạng). Ông thận trọng như vậy là đúng vì trong vòng vài giờ sau khi nhà độc tài trốn khỏi Cuba vào ngày 1 tháng 1 năm 1959, ở Havana đã có một âm mưu thành lập một hội đồng quân sự với mục đích là ngăn cản Fidel lên nắm quyền. Theo Fidel, hủy bỏ hết quân đội cũ là điều kiện tiên quyết để lập nên chế độ mới.
Ở Cuba, những người Cộng Sản “cũ” lúc đó đang quản lý các nghiệp đoàn lao động, có ghế trong quốc hội, thâm nhập vào các trường đại học và xuất bản báo gần bốn mươi năm qua. Họ là chỗ dựa và kinh nghiệm cho ông. Ðiều đặc biệt thu hút sự chú ý của Fidel là ý thức kỷ luật và kỹ năng tổ chức của họ. Mặc dầu ông không thuộc những thành phần Cộng sản “cũ” này nhưng một vài bạn thân của ông hồi đại học thì có và điều này có lẽ đã tác động đến sự suy nghĩ của Fidel trong thời gian ông còn ở Sierra. Hơn thế nữa, ông thấy rằng lực lượng võ trang cách mạng mới ngay lúc đầu phải được những người Cộng Sản “cũ” quản lý và chuyển hóa thành cơ sở quyền lực chính cho những người Cộng Sản “mới”.
Xét trên việc những người Cộng Sản “cũ” đã chống đối và phê phán ông là “một kẻ phiêu lưu” sau sự kiện Moncada và thậm chí ngay cả khi ông đang chiến đấu trong vùng núi Sierra thì thật ngạc nhiên khi thấy rằng Fidel bất ngờ coi họ là những người cộng sự và những người thầy đáng tin cậy. Nhìn chung có thể thấy rằng quyết định mang tính lịch sử cho rằng cuộc cách mạng này sẽ đưa tới việc thành lập chủ nghĩa xã hội và sau đó là chủ nghĩa cộng sản ở Cuba rốt cuộc chỉ xuất hiện trong đầu Fidel vào cuối mùa xuân năm 1958 – có lẽ sau hàng loạt các buổi bàn luận chính trị tối quan trọng ở Sierra trong tháng năm và tháng sáu.
Nhiều học giả Cuba và các chuyên viên ở nước ngoài đã lập luận rằng Fidel Castro vốn đã là một người Cộng Sản kể từ cuộc tấn công Moncada hay trước đó rồi; hoặc một hoặc hai năm sau khi lên nắm quyền, ông đã bị sự thù địch của Mỹ nên buộc phải theo chủ nghĩa Cộng sản. Cả hai quan điểm này dường như vô giá trị trước những nghiên cứu, phân tích cẩn thận các tài liệu đang có cũng như khi đã nói chuyện sâu xa với những nhân vật Cuba quan trọng đã tham dự trực tiếp vào toàn bộ tiến trình cách mạng. Fidel luôn biết con đường mình đi và ông biết điều chỉnh chiến lược, chiến thuật tùy theo tình hình. Ông mơ sẽ có ngày cách mạng toàn thắng và tiến hành chủ nghĩa Cộng sản ở đảo quốc Cuba theo cách riêng của mình
Từ hồi còn sinh viên, Fidel đã cay đắng với Mỹ. Thời gian đó, ông hoạt động tích cực trong nhiều tổ chức chống đế quốc khác nhau ở Havana và càng căm giận hơn khi Mỹ đã dùng căn cứ hải quân ở Guantánamo, nằm ngay dưới Sierra để tiếp bom đạn cho máy bay Batista. Ðây là một nhân tố cực kỳ quan trọng trong việc ông quyết định chọn con đường chủ nghĩa Cộng sản để thực hiện thành công các chương trình cách mạng rộng khắp của ông. Ngay từ đầu, Fidel chắc chắn đã hiểu rằng chọn lựa này sẽ khiến ông phải đối đầu với Washington và sớm muộn gì ông cũng cần Liên Xô trợ giúp và ủng hộ để bảo tồn cách mạng. Quả thật, người Nga – đang lúc bất hòa với Trung Quốc - đã đến giúp ông. Như vậy, từ Sierra, Fidel có thể đã biết trước và tạo ra mối quan hệ tay ba, Cuba - Liên Xô - Mỹ trước khi hai siêu cường này hiểu ra vấn đề.
Có người tin rằng đối với Mỹ, Fidel lúc nào cũng duy trì quan hệ tình cảm theo kiểu yêu và ghét, trong bụng thì lại mong Mỹ chấp nhận ông. Nếu nhìn với phương diện hết sức chủ quan thì chắc điều này đúng. Sở thích muốn kết giao cá nhân của ông với người Mỹ thuộc mọi giới, từ nghị sĩ, phóng viên cho tới các nhà sinh vật biển, tu sĩ, nhạc sĩ như nghệ sĩ bậc thầy về kèn trompet Dizzy Gillespie – có thể ủng hộ ý kiến này. Nhưng sở thích này không thể thay đổi thái độ chính trị cơ bản của Fidel. Bằng chứng rõ nhất là trong lá thư riêng gửi cho Celia Sánchez, người bạn thân nhất ở Sierra, đề ngày 5 tháng 6 năm 1958, ngay sau khi máy bay Batista dùng bom Mỹ đánh trúng vào quân nổi dậy, Fidel đã viết:
“Tôi thề rằng người M sẽ phải trả giá rất đắt cho những việc họ đang làm. Khi cuộc chiến này kết thúc, tôi sẽ khởi đầu một cuộc chiến lớn hơn để chống lại họ. Tôi hiểu rằng đây mới là số phận thực sự của mình.” Tất nhiên, nhận thức của Fidel rất đúng, mặc dù chính ông cũng không ngờ rằng ngày 10 tháng 3 năm 1959, chỉ hai tháng sau khi ông vào Havana, Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia (NSC) trong chính quyền Eisenhower đã thông qua kế hoạch đưa “một chính phủ khác lên nắm quyền ở Cuba.” Văn bản này vẫn còn nằm trong tủ hồ sơ mật của NSC. Chuyện này không được công luận biết đến - song lại là căn nguyên – trong tấn thảm kịch lớn giữa Mỹ với Cuba.
Trong khi đó, hậu quả tức thời từ sự thất bại của cuộc tổng đình công tháng tư là Fidel có thể thiết lập ảnh hưởng lên tất cả các phe phái cách mạng khác ở Cuba, và – quan trọng nhất - đặt Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia Phong Trào 26 Tháng 7 dưới sự kiểm soát của ông về mặt hoạt động và chính trị. Như vậy, giai đoạn cuối của cuộc chiến Sierra đã mang đến cho Fidel những gì mà Cuộc Trường Chinh ở Trung Hoa năm 1935 đã tạo cho Mao Trạch Ðông: tuyên bố vai trò lãnh tụ số một tuyệt đối của ông so với các nhà lãnh đạo cách mạng trong nước. Ðiều không tránh khỏi là mối quan hệ với các cộng sự cách mạng của ông bắt đầu có sự thay đổi.
Vì vậy ở Havana, Faustino Pérez, người mà nhiều năm sau đã tâm sự với bạn bè mình rằng “dù đúng hay sai, tôi vẫn bị xem là người có tư tưởng hữu khuynh trong Phong Trào 26 Tháng 7,” bị thay thế bởi một chỉ huy khác do Fidel chọn, và được điều ra công tác ở vùng núi. Nhưng trong đầu Fidel không có ý nghĩ bỏ rơi Faustino. Bất chấp những lời Che Guevara kịch liệt chỉ trích Pérez (hai người này cuối cùng đã có một cuộc đối đầu gay gắt tại một phiên họp do Fidel tổ chức), Fidel bổ nhiệm ông đứng đầu bộ phận quản lý dân sự trong vùng được giải phóng này. Nơi dùng làm văn phòng của Faustino nằm trong khu tổng chỉ huy đặt ở La Plata, cách trạm chỉ huy xiêu vẹo ẩn khuất sau những tàng cây khoảng vài chục mét là nơi Fidel ở chung với Celia Sánchez và hai người thường xuyên tiếp xúc với nhau.
Fidel sống rất có tình nghĩa với những đồng đội cũ nên dù cho có bất đồng với ông, họ cũng cẩn thận để không tham gia vào các hành động bị ông coi là phản bội. Ông cũng có khái niệm riêng về lòng trung thành, sự phản bội và công lý. Fidel không thương xót nếu phát hiện ra mình đang bị những người tin cẩn phản bội. Tuy nhiên, ông lại thường bước ra ngoài các quan niệm này để cố cứu vãn tình đồng đội và tự nhủ rằng lòng trung thành của họ đối với mình chưa hết hẳn.
Trong trường hợp của Faustino Pérez, giữa Fidel và ông càng lúc càng có sự đi cùng hướng. Khi cách mạng chiến thắng, Pérez, cùng với Armando Hart và nhiều người khác lúc đó được coi là có tư tưởng ôn hòa, được bổ nhiệm làm bộ trưởng trong chính phủ cách mạng đầu tiên để thu hồi các tài sản bị lấy cắp. Thế nhưng không bao giờ Faustino được mời tham gia vào hàng ngũ những người thân cận, cùng Fidel bí mật chuẩn bị đảm nhận toàn bộ quyền hành cai quản Cuba và chuyển sang đường lối mới. Ðiều này chỉ xảy ra một giai đoạn ngắn ngủi trong năm 1959 lúc Cuba đang được điều hành bởi chính phủ “chính thức”, đứng đầu bởi Tổng thống Manuel Urrutia Lléo (người đã được Fidel, khi còn ở Sierra Maestra, chỉ định vào chức vụ tổng thống) và chính phủ thực tế nhưng giấu mặt đang bí mật thương thảo với những người Cộng sản “cũ” để cùng hợp tác giành lấy chính quyền cộng hòa nhân danh một cuộc cách mạng thực sự.
Sau cuộc khủng hoảng công khai đầu tiên về vấn đề chủ nghĩa cộng sản trong chế độ cách mạng nổ ra vào năm 1959 và sau tháng 10/1959 khi Fidel ra lệnh bắt Thiếu tá Huber Matos, một chỉ huy du kích nổi tiếng và không giấu diếm tư tưởng chống cộng của mình, vì tội mưu phản. Có hai bộ trưởng ôn hòa không đồng tình nên đã xin từ chức trong một cuộc họp nội các đầy sóng gió với Fidel vào ngày 26/11. Một người là Bộ Trưởng Công Trình Công Cộng Manuel Ray, một kỹ sư và là nhà lãnh đạo nội thành bí mật ở Havana (không phải “đồng đội” của Fidel), và sau đó ông ta nhanh chóng âm mưu chống lại Fidel và trốn khỏi Cuba. (Ðiều mỉa mai là Ray lại bị CIA đánh giá là quá “cấp tiến” nên nhóm chống đối Castro của ông ta không được tham dự vào vụ xâm chiếm Vịnh Con Heo năm 1961). Bộ Trưởng thứ hai là Faustino Pérez, song ông này từ chức mà không thốt lời phản đối. Trước công chúng, Pérez nói việc làm này không có liên quan gì tới chuyện Matos. Ðể đáp lại, Fidel đã đích thân bảo đảm sự an toàn cho ông như một biểu hiện lòng nghĩa hiệp với đồng đội cũ. Trong những năm tiếp theo, Pérez chiến đấu bên cạnh Fidel ở Vịnh Con Heo, giữ các chức vụ tầm thường trong chính phủ (năm 1969 ông giám sát việc xây dựng nhà máy thủy điện) và sau đó đã trở thành đảng viên Cộng sản khi Fidel tổ chức đảng thành “lực lượng lãnh đạo xã hội và nhà nước tối cao.”
Năm 1980, Faustino Pérez là ủy viên Ủy Ban Trung Ương Ðảng, chủ tịch Ủy ban Quốc Hội và điều phối viên một tổ chức quần chúng trong hệ thống tự quản địa phương. Khi kể về những giai đoạn khó khăn trong hệ tư tưởng cách mạng, ngôn từ và dáng điệu của Faustino Pérez trông thư thái và bình thản, không hối tiếc cũng không trách cứ, một chứng cứ thầm lặng cho thấy là ông vẫn luôn lưu giữ lòng ngưỡng mộ và trung thành với Fidel Castro. Tuy không được các phương tiện truyền thông đại chúng chính thức ca ngợi là “anh hùng cách mạng” song Pérez là một nhân vật rất được kính trọng ở Cuba.
Tháng 7 năm 1960 ở Cuba xảy ra sự từ chức của Bộ trưởng Viễn thông Enrique Oltuski, một kỹ sư, một cựu điều phối viên cấp tỉnh trong Phong trào 26 tháng 7, và là thành viên trẻ nhất trong nội các. Ông là người cuối cùng theo đường lối hữu khuynh còn lại trong chính phủ và là người chống lại khuynh hướng Cộng sản thắng thế trong cuộc cách mạng (tuyệt đại đa số thành viên trong chính phủ đầu tiên là những người rất có kinh nghiệm, tài năng và tận tụy, tất cả đều có quá khứ chiến đấu chống lại chế độ Batista). Sau này ông phạm tội và bị giam giữ vài năm. Ðến đầu thập niên 1980 ông được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Ngư nghiệp, tất nhiên là do Fidel tuyển chọn vì dù sao Fidel vẫn luôn là người biết trân trọng tài năng.
Universo Sánchez, một thành viên khác trong bộ ba trên đồng mía Alegría de Pío, không bận tâm về vấn đề tư tưởng khi cuộc cách mạng chuyển sang đường lối chủ nghĩa cộng sản. Kết thúc chiến tranh với chức thiếu tá – lúc đó là chức vụ cao nhất trong Quân Nổi Dậy, qua nhiều năm Universo đã tận tâm thực hiện các nhiệm vụ dân chính và quân đội khác nhau. Mặc dù không bao giờ đủ tiêu chuẩn vào nhóm chính trị nòng cốt của Fidel, sự nghiệp cách mạng của ông lúc gần bảy mươi tuổi là người đứng đầu các chương trình bảo vệ môi trường. Ông trở lại làm đảng viên Cộng Sản khi Fidel tái tổ chức lại đảng, và tất cả những đồng đội nào của Fidel tiếp tục con đường sự nghiệp cách mạng cũng đều trở thành đảng viên.
Ðôi lúc, Fidel có thiện ý ân xá cho các tù nhân chống đối lại chế độ (như nhóm được ân xá năm 1984 vì nể tình Mục sư Jesse Jackson), nhưng ông không bao giờ xác định tiêu chuẩn nào để thả các tù nhân này. Thí dụ, ít nhất hai lần, Fidel đã dành con đường thoát cho những kẻ âm mưu ám sát ông. Ðó cũng vì tình nghĩa với những cựu du kích đã từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến, hoặc vì khái niệm công lý của riêng ông. Fidel rất ít khi giải thích động cơ hành động của mình, trừ khi thật cần thiết. Hai câu chuyện sau đây trước giờ chưa hề được công bố.
Câu chuyện thứ nhất là về thiếu tá Humberto Sori-Marín, một luật sư công tác trong tòa án quân sự ở Sở Chỉ Huy Sierra, và đồng thời kiêm nhiệm việc hoạch định kinh tế cho tương lai. Trong thời chiến, Sori là người đã giúp thảo ra luật cải cách ruộng đất đầu tiên của cách mạng do Fidel ký ở miền núi vào ngày 10 tháng 10 năm 1958. Sau ngày chiến thắng, ông này trở thành Bộ trưởng Nông nghiệp. Cùng với Universo Sánchez, Sori là thành viên trong tòa án cách mạng đã kết án tử hình Jesús Sosa Blanco, một viên chức Batista phạm nhiều tội giết người, tại phiên đại xử tội phạm chiến tranh đầu tiên ở sân vận động Havana. Sori đã không được mời tham gia vào việc soạn thảo bộ luật cải cách ruộng đất sâu rộng hơn được Fidel ban hành ngày 17 tháng 5 năm 1959, và ông đã xung đột với Che Guevara, người đã tố cáo viên Bộ trưởng Nông nghiệp này thiếu quyết đoán. Ðây là một phần trong cuộc đấu tranh ý thức hệ đầu tiên trong lực lượng cách mạng và thay vì tìm cách giải thích, Sori đã nộp đơn xin rút khỏi nội các. Fidel đã cố công ngăn cản, song ông này đã từ chức ngày 14 tháng 6 năm 1959.
Sang mùa hè, Sori bắt đầu âm mưu chống lại chế độ và trốn qua Mỹ. Ðến năm 1960, với sự giúp sức của CIA, ông ta bí mật trở về liên kết với phiến quân ở miền trung du Escambray và tìm cách ám sát Fidel. Sori trúng đạn và bị bắt sau cuộc đọ súng với các nhân viên an ninh Cuba. Lúc đó, các em trai của Fidel là Raúl và Mariano (Raúl đã ở lại Cuba hỗ trợ cách mạng, còn Mariano ở Miami mới về) đã tìm cách gặp Fidel để xin tha chết cho Humberto. Fidel đề nghị Mariano đi với ông đến trại giam gặp Humberto (vì Raúl có thể đã không được Humberto tin tưởng), nhưng người em ở Miami từ chối, sợ bị phản ứng mạnh. Mariano sợ như vậy là đúng.
Theo lời một người chứng kiến được kể lại thì Fidel đã đến nhà giam gặp Humberto và bảo: ”Humberto à, anh đã phản bội chúng tôi, người khác mà làm như anh thì sẽ bị xử tử đó.” Fidel nói như vậy để mong Humberto hiểu ra mà xin khoan hồng vì trong lòng ông cũng đã chuẩn bị để chấp nhận tha thứ. Tuy nhiên, Sori đã phản ứng rất dữ dội và lăng mạ Fidel. Sau đó ông kia bị tuyên án xử bắn. Sori bị hành quyết ngày 20 tháng 4 năm 1961 trong khi Fidel đang dẫn quân dân đi đánh bại bọn xâm lược ở Vịnh Con Heo.
Một câu chuyện nữa là về Rolando Cubela Secades, một bác sĩ lãnh đạo lực lượng du kích Hội đồng Ðiều hành Sinh viên Cách mạng ở khu vực miền núi phía trung Cuba trong cuộc chiến chống Batista. Tuy vậy, năm 1963 Cubela đã được CIA chọn tham gia kế hoạch tối mật AM/LASH (đến cả tổng thống Kennedy cũng không được biết) để ám sát Fidel và lật đổ chính quyền. Cubela vốn được Fidel rất mực tin tưởng (bất chấp giữa Fidel và tổ chức của Cubela đã mâu thuẩn đến mức gần xảy ra xung đột vũ trang ngay trong tuần lễ đầu tiên sau khi cách mạng thành công) và vào giữa thập niên 1960, ông ta đã được cử làm đặc sứ Cuba tại UNESCO ở Paris.
Cuối năm 1963, Cubela được CIA tiếp xúc ở Paris và Madrid và báo cho biết rằng các vũ khí đặc biệt để ám sát Fidel đã được bí mật chuyển cho ông ta ở Havana - chuyện này đã được thỏa thuận trước đó. Tuy nhiên, mật vụ Cuba, một trong những tổ chức giỏi nhất thế giới, đã biết được âm mưu này. Khi Cubela từ Paris trở về Havana từ chuyến công cán thường lệ, Fidel mời ông ta tới Dinh Tổng Thống. Theo lời nhân chứng, Fidel hỏi Cubela: “Anh có chuyện gì đặc biệt định kể cho tôi nghe không?” nhưng viên bác sĩ này trả lời là không có gì. Ông ta bị bắt khi rời khỏi Dinh. Trước tòa ông khai rằng đã có kế hoạch “Hãy bắn Thủ tướng Fidel bằng loại súng trường cực mạnh có ống ngắm và sẽ nhận một trong những chức vụ cao cấp nhất trong chế độ phản cách mạng lập ra sau đó.” Giá như trước đó Cubela thú thật âm mưu với Fidel thì có thể ông ta đã tránh được phiên tòa này. Cubela bị kết án mười lăm năm tù – một bản án tương đối nhẹ so với luật án của Cuba bấy giờ, thường là tử hình, dù tính luôn việc có xét ân giảm. Hiện Cubela đang sống ở Tây Ban Nha.
Ngoài những tội danh phản bội và phản cách mạng, Fidel kín đáo thể hiện tình nghĩa với các đồng đội cũ và luôn bảo đảm cho họ có được cuộc sống thoải mái. Không ít lần, ông đã giúp cho những người có tuổi hoặc kém năng lực có được việc làm tốt vì ông nghĩ rằng họ cần cảm thấy được tôn trọng và hiểu rằng cách mạng mãi mãi biết ơn những công lao của họ. Ðiều này không gây ra điều tiếng gì vì hầu hết dân Cuba đều hiểu chuyện này.
Có lần, Fidel giáng chức một đồng đội đang nắm giữ một chức vụ quan trọng trong ngành công nghiệp vì phát hiện thấy vị Tổng Giám Ðốc này - người đã cùng chiến đấu hồi ở Moncada -“ngủ tại văn phòng trong giờ làm việc và vẫn cứ say sưa rượu chè như thường lệ dù đã nhắc nhở nhiều lần.” Người bạn này vốn nghiện rượu, đã một lần bị thuyên chuyển công tác, Fidel biết vậy và lần này ông chỉ tình cờ tạt ngang ghé thăm xem bạn mình có thay đổi gì không.
Thậm chí ngay bên trong nội bộ những người thân cận với Fidel cũng có những dị biệt sâu sắc giữa các thành viên, thể hiện đều khắp trong công việc của họ, và rất “người”, từ bản chất của mối quan hệ trực tiếp của họ với Fidel và cá tính của riêng họ. Những yếu tố này xác định mối tương quan gắn bó quyền lực hiện nay bên trong đảo quốc Cuba như thường xảy ra ở những nơi khác, nhưng đặc biệt giữa những người Cuba với nhau, yếu tố cá nhân này mang một ý nghĩa quan trọng.
Theo sự nhấn mạnh của Armando Hart thì không một thành viên nào trong nhóm của Fidel Castro, những người đã quy tụ quanh ông trước khi ông đi Mexico năm 1955, từ bỏ lý tưởng. Những ai sống sót sau cuộc kháng chiến vẫn đứng bên ông khi nhà nước cách mạng Cuba theo đường lối xã hội chủ nghĩa ra đời. Như một bằng chứng, Hart là thành viên duy nhất của nội các hậu Batista – chính phủ “hữu hình” trong năm đầu tiên đã thảo ra bản hiến pháp dân chủ cho Cuba vào tháng hai năm 1959 - vẫn còn là bộ trưởng và rất thân với Fidel. Hầu hết các bộ trưởng khác đã chạy trốn khỏi Cuba và một số đã qua đời.
Ngoài Fidel, những tên tuổi cách mạng có tiếng tăm vượt ra khỏi ranh giới đảo quốc Cuba là Ernesto Che Guevara và Raúl Castro - mà đặc biệt là Che. Có lẽ cần phải nói thêm về giá trị tinh thần đặc biệt của Che đối với Fidel và nhân dân Cuba. Che là một người đồng chí, một người bạn đặc biệt của Fidel. Che không phải là người gốc Cuba mà là người Argentina, vốn là một bác sĩ xuất thân từ một gia đình thượng lưu, đã cùng sát cánh bên Fidel từ những ngày đầu gian khổ. Là một nhà chỉ huy quân sự xuất chúng, chính Che là người cầm quân mở mũi nhọn tấn công giải phóng thành phố Santa Clara của cuộc cách mạng Cuba. Sau đó Che đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Cuba như bộ trưởng bộ ngân hàng, bộ trưởng bộ công nghiệp, là người đại diện của Fidel và Cuba tại hầu hết các hội nghị thượng đỉnh trên thế giới. Vốn thẳng tính, Che đã từng cực lực phê phán Liên Xô về thái độ không bình đẳng trong các nước xã hội chủ nghĩa bấy giờ và vụ khủng hoảng tên lửa tại Cuba. Cùng với Fidel, Che được người dân Cuba quí mến và thường được gọi bằng cái tên thân mật “Tư lệnh Che”. Và chính Che là một cái gai cực kỳ khó chịu trước mắt Mỹ. Gần đây chính FBI và CIA đã công bố hàng loại các hồ sơ mô tả các kế hoạch ám sát và chống lại sự ảnh hưởng của Che.
Guevara hy sinh năm 1967 lúc ông 39 tuổi khi đang lãnh đạo lực lượng du kích của riêng ông ở Bolivia chống lại chính quyền thân Mỹ ở đây, và ngay trước khi dấn thân vào sự nghiệp mà ông biết là muôn vàn khó khăn này, để tránh mọi hệ lụy gây ra từ hành động của mình, Che đã tự nguyện từ bỏ mọi ràng buộc liên quan đến Fidel và đất nước Cuba. (bản gốc bức thư giã biệt xúc động bằng tiếng Tây Ban Nha của Che gửi Fidel trước khi rời Cuba được đăng trong phần phụ lục). Cái chết của Che là một tổn thất tinh thần rất lớn đối Fidel. Trong buổi lễ tưởng niệm Che tại Quảng trường Cách Mạng, Fidel đã khóc và rất nhiều người đã không cầm được nước mắt. Che là con người sống có lý tưởng và không dừng lại trên con đường đã chọn cho dù chấp nhận những rủi ro lớn nhất có thể xảy ra. Sau cái chết của Che, chính quyền Mỹ và CIA thực sự vui mừng nhưng không ngờ chính cái chết đó đã khiến Che trở nên bất tử hơn bao giờ hết. Mãi sau này thi hài của Che mới được tìm thấy và đưa về Cuba. Ðiều lạ lùng là những người đã hành quyết Che lúc đó, kể cả nhân viên CIA Félix Rodriguez, đều đã chết sau đó vì nhiều nguyên do khác nhau và bất ngờ - được cho rằng như một sự quả báo.
Sự hy sinh cho lý tưởng cách mạng của Che, nhân vật có nét đẹp lãng mạn và quyến rũ lạ thường, có giá trị chính trị rất lớn đối với Cuba và sự nghiệp cách mạng thế giới. Theo lời cha của Guevara kể lại với bạn bè của ông thì Che và Fidel là hai người khá khác nhau, dù trên phương diện tri thức và chính trị họ là hai người bạn thân và thực sự bổ sung của nhau. Che là một trong số rất ít người ở Cuba có khả năng kích thích trí tuệ của Fidel. Những câu chuyện thời chiến giữa họ không còn ai lưu lại quả là một mất mát lớn (chỉ còn những lá thư và tin nhắn ở Sierra). Vào bất cứ dịp nào, gương mặt Che trên bức tường khổng lồ, đối diện với tượng José Martí và Dinh Cách Mạng đồ sộ ở phía xa, vẫn như luôn đang nhìn xuống Quảng Trường Cách Mạng ở Havana. Không chỉ ở Cuba, Che đã là một biểu tượng anh hùng lãng mạn toàn cầu và là tấm gương của lòng dũng cảm không hề biết sợ, là sự động viên rất lớn cho cuộc đấu tranh chống áp bức của nhân dân trên toàn thế giới. Ở nhiều nước trên thế giới và ngay cả ở Mỹ, Anh, Pháp, Ðức..., Che đã trở thành một huyền thoại có một không hai thời hiện đại như Spartacus hồi xưa. Tại Santa Clara, Fidel đã xây dựng một viện bảo tàng về Che với bức tượng đồng nguyên người trong bộ đồ quen thuộc hồi xưa, tay cầm súng và bế một em bé Cuba được điêu khắc như thật.
Cơ cấu quyền lực bên dưới Fidel Castro lúc đó và sự quan trọng tương đối của các nhân vật trong cơ cấu này thường ít được mọi người biết đến và hiểu rõ, ngay cả trong đất nước Cuba. Trước tiên đó là những đồng đội cũ. Trong số họ, Raúl Fidel là nhân vật số một. Ông đã luôn sát cánh bên anh trai mình kể từ trước sự kiện Moncada. Trách nhiệm đặc biệt của ông là lực lượng vũ trang. Ông là tham mưu trưởng quân đội, bộ trưởng quốc phòng và còn các chức vụ khác khi thay mặt Fidel trong mọi việc. Raúl cũng đã được Fidel chỉ định là người kế vị ông sau này và là bí thư thứ hai của đảng Cộng Sản Cuba. Ông đảm đương và cai quản phần lớn những công việc hàng ngày ở Cuba trong khi anh ông dành nhiều thời gian vào những mối bận tâm về tư tưởng và quốc tế. Với bộ ria mép được trau chuốt và gương mặt hơi bầu bĩnh, Raúl trông giống một người Tây Ban Nha giản dị, hài lòng với chính mình song ông rất được kính trọng vì tính cương quyết và năng lực. Một số ít người ngoại quốc trong thế giới không cộng sản đã tiếp xúc với Raúl thường thấy ông khá duyên dáng và thú vị.
Raúl chia sẻ việc lãnh đạo nhà nước (ông là Phó Chủ tịch thứ Nhất của Hội Ðồng Bộ Trưởng) với Osmany Cienfuegos Gorriarán, ủy viên Bộ Chính Trị từ năm 1986, Phó Chủ tịch thâm niên của Hội đồng Bộ trưởng và là thư ký Ủy Ban Hành Pháp. Ông này là một trong những người có quyền lực nhất ở Cuba song ít được mọi người biết đến. Osmany Cienfuegos, là một kiến trúc sư được đào tạo qua trường lớp, mắt đeo kính trắng và để ria mép rậm, một đồng đội cũ không thuộc nhóm Fidel. Ông này không tham gia chiến đấu ở Sierra mà chỉ ủng hộ bằng các hoạt động ở Mexico. Tuy nhiên, ông là anh của viên chỉ huy cực kỳ nổi tiếng Camilo Cienfuegos, một đồng đội cũ của Fidel đã được ông chỉ định làm Tham Mưu Trưởng Quân Nổi Dậy hồi đầu năm 1959. Camilo Cienfuegos mất tích trong một tai nạn máy bay bí ẩn vào tháng 10 năm đó, vài ngày sau khi ông tuân lệnh Fidel đến Camaguey để bắt Huber Matos. Một tháng sau, Osmany Cienfuegos được cử làm bộ trưởng các công trình công cộng thay cho Manuel Ray đã từ chức vì vụ Matos. Camilo được tổ quốc ghi công như một anh hùng đã hy sinh vì cách mạng.
Thời sinh viên, Osmany thuộc Ðoàn Thanh Niên Xã Hội Chủ Nghĩa (cũng như Raúl Castro), hiện nay là Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản và là người theo đường lối cộng sản cứng rắn. Osmany không được ưa thích lắm ở Cuba và ít khi xuất hiện trước công chúng. Ông thuộc loại người trầm lặng điển hình, một “nhân vật trong cuộc” khó hiểu, và là một biểu tượng cho thấy rằng điều kiện phải là người thuộc nhóm Fidel mới được cơ cấu vào vị trí quyền lực của đảo quốc đã không còn là yếu tố bắt buộc nữa. Tuy nhiên ông không thích tạo quan hệ cá nhân gần gũi với Fidel và cũng không có những cử chỉ khinh suất nào.
Cho tới năm 1986, viên chức cao cấp thứ nhì, sau Raúl Castro, là thiếu tá Ramiro Valdés Menéndez, lúc đó là Bộ trưởng Nội vụ, ủy viên Bộ Chính Trị kiêm phó chủ tịch Hội Ðồng Nhà Nước và Hội Ðồng Bộ Trưởng. Việc ông mất chức bộ trưởng – ông đã làm hai nhiệm kỳ trong cương vị này – và vị trí ủy viên Bộ Chính Trị là một sự kiện gây ngạc nhiên lớn. Trong Ðại hội Ðảng Cộng sản Cuba lần thứ 3 vào tháng hai năm 1986, Fidel Castro đã không đưa ra lời giải thích nào ngoại trừ việc tuyên bố rằng Bộ Chính Trị phải được “trẻ hóa”. Sau này Valdés – vẫn tiếp tục còn trong Ủy Ban Trung Ương Ðảng – nhận một nhiệm vụ liên quan đến kỹ thuật. Valdés là lãnh đạo cao cấp duy nhất, ngoài Fidel Castro, thường xuyên mặc bộ quân phục màu xanh ô liu và vẫn giữ chòm râu nhọn có từ hồi còn ở Sierra khiến ông trông có vẻ hơi dữ. Raúl Castro thường xuất hiện trong bộ quần áo giản dị như áo gió bằng da màu đen khoác bên ngoài áo sơ mi và cà vạt. Valdés là một trong ba cựu binh cách mạng được trao danh hiệu Tư Lệnh Cách Mạng, một chức danh cao quý mà ngay cả Raúl Castro cũng không có. Hai người còn lại có chức danh này là Juan Almeida Bosque, một Tham Mưu trưởng người da đen và Guillermo García Frías, nông dân đầu tiên ở Sierra gia nhập quân nổi dậy tuy họ không có nhiều ảnh hưởng chính trị. (García cũng có thời làm ủy viên Bộ Chính Trị và giữ chức Bộ trưởng Giao thông nhưng do năng lực kém nên phải thay bằng người khác.)
Người kế nhiệm Valdés làm Bộ Trưởng Nội Vụ là Tướng José Abrahantes Fernández, người chỉ đạo Sở An Ninh Quốc Gia chịu trách nhiệm về an ninh chính trị, Lực Lượng Ðặc Nhiệm (một lực lượng an ninh tinh nhuệ được quân sự hóa gồm khoảng 5.000 người với máy bay và thiết giáp), Cảnh Sát Quốc Gia, các cục tình báo hải ngoại nối kết với Sở An Ninh Quốc Gia, cùng với mạng lưới rộng lớn những quan sát và tình báo viên thuộc Ủy Ban Phòng Vệ Cách Mạng (CDR). Sở An Ninh Quốc Gia Cuba đã có những thành tích đáng nể trong việc đối phó với các kẻ thù của chế độ ở khắp mọi nơi. Họ dễ dàng thâm nhập vào cộng đồng người Cuba lưu vong ở Mỹ, Canada và Tây Âu. Tuy nhiên, bản thân Abrahantes, trợ lý của Valdés, lại không có quyền hành chính trị - ông thường là người đảm trách vấn đề an ninh cá nhân cho Fidel Castro.
Là một thành viên cách mạng, Valdés đã tham gia trong mọi hoạt động nổi dậy từ trận tấn công trại lính Moncada năm 1953 cho đến việc chỉ huy một cánh quân từ Sierra tiến chiếm vùng đất thấp vào mùa thu năm 1958 (ông là chỉ huy phó của Che Guevara thuộc Ðội quân số 8 đã chiến thắng ở các tỉnh miền trung) và có nhiều ảnh hưởng đối với Fidel. Trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao ông là người thân Liên Xô nhất và rất gắn bó với các cơ quan tình báo của Liên Xô và Ðông Âu, đặc biệt là sau năm 1968, khi Matxcơva có chủ trương tăng cường ưu thế của KGB (Cục Mật Vụ Liên Xô) vào Cuba.
Phần còn lại trong hệ thống quyền lực ở Cuba gồm những người khác đã theo Fidel từ đầu và những người đã tham gia cách mạng ở các giai đoạn tiếp theo. Một trong số những người ở tốp đầu là Pedro Miret Prieto, cựu sinh viên kỹ thuật đã huấn luyện quân nổi dậy sử dụng súng trong trận Moncada và luôn ở bên cạnh Fidel trong suốt cuộc tấn công này; sau đó, ông là một chỉ huy quân sự xuất sắc ở cả Sierra lẫn Vịnh Con Heo. Miret là người thấp bé, để ria mép nhưng chớ vội lầm với bề ngoài vui tính và trông có vẻ vô hại. Ông đã giữ chức phó chủ tịch Hội Ðồng Bộ Trưởng đặc trách phát triển công nghiệp và là ủy viên Bộ Chính Trị. Ðã từng là một trong những chiến sĩ cách mạng kiên cường nhất, Miret là một cố vấn hết sức tin cẩn trong giới thân cận với Fidel.
Cả Armando Hart và Tư lệnh Almeida đều thuộc giới này dù họ không phải là những người ra những quyết định quan trọng. Jesús Montané Oropesa, một kế toán viên đã từng tham gia chiến đấu ở Moncada và Sierra, ra khỏi Bộ Chính Trị tại Ðại hội Ðảng năm 1986 nhưng vẫn ở lại trong Ủy Ban Trung Ương Ðảng và vẫn còn rất thân với Fidel.
Sergio Del Valle Jiménez là bác sĩ và là một du kích quân nổi tiếng dũng cảm ở Sierra và sau này là cấp chỉ huy quân sự hàng đầu, cũng thuộc nhóm tin cẩn của Fidel. Ông là bộ trưởng y tế, một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong các chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Fidel cho đến tháng 12/1985, khi Fidel chuyển ông sang nhận một vai trò chính trị nhẹ nhàng khác không nằm trong Bộ Chính Trị. José Ramón Machado Ventura, một cựu bác sĩ du kích quân khác (Quân Nổi Dậy có rất nhiều bác sĩ tham gia chiến đấu, đầu tiên là Che Guevara và Faustino Peréz, những người có mặt trên con tàu Granma), đã trở thành người ủng hộ chính tư tưởng cộng sản mới và tác động rất lớn lên Fidel. Ông cũng là ủy viên Bộ Chính Trị.
Một chiến hữu lâu năm khác của Fidel là Jorge Risquet Valdés-Saldana. Trong Ðại hội Ðảng năm 1986 ông được bầu vào Bộ Chính Trị, ngoài chức vụ quan trọng mà ông đã nắm giữ trong mười năm là bí thư Ủy Ban Trung Ương. Tuy ít được mọi người biết đến, ông là nhân vật chính điều hành các hoạt động chính trị và quân sự của Fidel ở châu Phi cũng như là người thực thi các chính sách lao động ở trong nước.
Vílma Espín De Castro, vợ của Raúl Castro, người đã cùng sống với ông ở Sierra (họ kết hôn ở Santiago không lâu sau chiến thắng). Bà có chân trong Hội Ðồng Nhà Nước và (kể từ tháng 2 năm 1986) trở thành ủy viên chính thức trong Bộ Chính Trị (là phụ nữ duy nhất trong cơ quan điều hành này). Là chủ tịch Liên Ðoàn Phụ Nữ Cuba, Vílma Espín (cựu sinh viên kiến trúc Học viện Kỹ Thuật Massachusetts) nắm khá nhiều quyền lực chính trị. Bà là một phụ nữ duyên dáng nên thỉnh thoảng còn đảm nhận vai trò nữ chủ nhân trong những cuộc giao tế thân mật ở Dinh Cách Mạng, cùng đứng đón khách bên cạnh Fidel.
Ngoài nhóm chiến hữu kề cận cũ của Fidel, có hai người tuy gốc gác khác nhau nhưng lại rất có uy tín trong cơ cấu quyền lực của Fidel vì ông rất tôn trọng họ. Ðó là Carlos Rafael Rodríguez Rodríguez và José Ramón Fernández Álvarez. Người trước là một tài năng về chính trị và trí tuệ trong số những người Cộng Sản “cũ”, còn người sau nguyên là cựu sĩ quan quân đội Batista, từng ở tù trong cuộc chiến Sierra vì đã âm mưu chống lại chế độ và nay đang làm việc cho Fidel trong các cương vị phó chủ tịch Hội Ðồng Bộ Trưởng, Bộ Trưởng Giáo Dục và nhà hòa giải ngoại giao quốc tế.
Rodríguez, với chòm râu dê bạc trắng và phong thái của mình đã tạo cho ông dáng dấp của một hiền triết thời xa xưa, cho đến giờ được xem là nhà chính trị lão luyện nhất ở Cuba. Sự nghiệp của ông trải dài từ thập niên 1930, lúc Fidel vẫn còn là một đứa trẻ ở Oriente. Ông cụ chẳng những là người nhã nhặn, khôn ngoan và uyên bác mà còn là một nhà văn có bút lực dồi dào. Ông trở thành người cộng sự sáng giá nhất của Fidel, về cả hai phương diện chính trị và tri thức, kể từ sau cách mạng thành công năm 1959. Họ hết sức thân thiết và cùng nhau trò chuyện mỗi ngày. Rodríguez lớn hơn Fidel mười ba tuổi và là một trong rất ít người Cuba được phép xưng hô thân mật với Fidel Castro.
Với chức phó chủ tịch Hội Ðồng Nhà Nước và Hội Ðồng Bộ Trưởng cũng như là ủy viên Bộ Chính Trị, Rodríguez là nhân vật thứ ba trong bộ ba, cùng với Raúl Castro và Osmany Cienfuegos, tạo nên cấp quyền lực cao cấp nhất chỉ dưới mỗi Fidel Castro. Trách nhiệm chính của ông là về các chính sách ngoại giao và kinh tế. (Bộ trưởng Ngoại giao Isidoro Malmierca Peoli thi hành chính sách ngoại giao nhưng không phải là người hoạch định ra các chính sách này), và Fidel rất ít khi quyết định điều gì mà không tham vấn với ông cụ Rodríguez bảy mươi tuổi này.
Chính nhờ sự sáng suốt của Rodríguez mà việc hợp nhất giữa những người theo Fidel và đảng Cộng Sản mới thành hiện thực và đảng Cộng sản mới dưới sự lãnh đạo của Fidel mới giành được nhiều cảm tình trong cuối thời kỳ còn ở Sierra và cả sau này nữa. Trong Thế Chiến Thứ II, ông là bộ trưởng trong nội các Batista. Khi những người Cộng sản chuyển sang thực hiện chính sách “mặt trận bình dân” Rodríguez là người đầu tiên trong ban lãnh đạo đảng Cộng Sản đang hoạt động bất hợp pháp trong giai đoạn khởi nghĩa hiểu rằng Fidel sẽ đánh đổ được Batista - và những người Cộng Sản tốt hơn nên tham gia.
Thậm chí sau khi cuộc tổng đình công thất bại vào tháng 4/1958, có người còn cho rằng tốt nhất, nếu giành được thắng lợi, Fidel cũng sẽ trở thành một Gamal Abdel Nasser của Ai Cập, tức là một người theo chủ nghĩa quốc gia cấp tiến và các phong trào vận động tiến lên xã hội chủ nghĩa cũng chỉ nằm trong suy nghĩ của những người Cộng sản hiện thời. Những người Cộng sản bảo thủ lúc ấy không hề nghĩ việc lên nắm quyền là kết quả tất yếu sau cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Batista và chính đầu óc tinh tường và uyển chuyển của Carlos Rafael Rodríguez mới nhìn thấy các khả năng mới.
Sau cuộc tổng đình công, đảng Cộng Sản cho phép các đảng viên tùy ý tham gia chiến đấu du kích và một số đã đi lên miền núi. Một số khác gia nhập vào ban tự trị mới phía đông bắc Sierra Maestra của Raúl Castro - có lẽ vì Raúl, không như Fidel, đã từng là đoàn viên Thanh Niên Cộng Sản ở trường đại học Havana. Tháng 6 năm 1958, Rodríguez đích thân lặn lội đến bộ chỉ huy Sierra Maestra, và Fidel, theo thói quen, đã bắt ông phải chờ đến mấy ngày sau mới cho phép gặp.
Không có tài liệu nào ghi chép lại các cuộc chuyện trò của họ, song Rodríguez đã ở lại Sierra qua tháng tám và khởi động đợt tấn công quyết định chống Batista, cho thấy rằng nền tảng cho một nước Cuba cộng sản tương lai đã được an bài từ đây. Fidel trước đó đã quyết định trên nguyên tắc sẽ đi theo tiến trình này, và các cuộc thảo luận với Rodríguez có thể chủ yếu chỉ tập trung vào các thể thức thành lập các cơ quan chính quyền mà Fidel sẽ kiểm soát. Những tháng tiếp theo sau đó, những người Cộng sản “cũ” tiến hành các cuộc hành quân du kích ở miền trung Cuba, tạo thuận lợi cho việc gia nhập vào cánh quân dưới sự chỉ huy của Che Guevara và Ramiro Valdés đang từ Sierra tiến xuống.
Nếu quả thực Rodríguez đã đóng một vai trò tối quan trọng trong việc tạo sự liên minh ban đầu giữa chủ nghĩa Cộng sản với Fidel – bao gồm các cuộc thương lượng bí mật tại căn nhà mà Fidel đang ẩn trốn ở ngoại ô Havana trong những tuần lễ đang giành được thắng lợi – thì cũng chính ông là người đã có công lớn để ngăn không cho liên minh này phải đổ vỡ. Năm 1962, trong lúc đảng Cộng sản còn trong giai đoạn hình thành tổ chức, Rodríguez đã sát cánh bên cạnh Fidel để dẹp tan một âm mưu nguy hiểm do một bộ phận những người Cộng sản theo đường lối cũ, được Liên Xô ủng hộ, muốn tranh giành ảnh hưởng với ông. Cuộc khủng hoảng trầm trọng đến mức Fidel phải biến mất trong vòng một tuần để chuẩn bị phản công. Ðến năm 1968 lại xảy ra tình huống bất hòa trong nội bộ khi Fidel công khai phản đối Liên Xô về các chính sách hợp tác về quân sự, an ninh và kinh tế. Một lần nữa Rodríguez phải đứng ra làm người dàn xếp chính. Castro một lần nữa trấn áp những phần tử phản cách mạng trong đảng nhưng mặt khác cũng hòa dịu với Liên Xô. Sau đó, Carlos Rafael Rodríguez được giao nhiệm vụ đặc biệt về mọi quan hệ với Xô Viết.
Không như đa số các lãnh tụ cao cấp khác ở Cuba, Rodríguez thích nói chuyện văn học, nghệ thuật và bản thân ông cũng là tác giả của những quyển sách được nhiều người đọc, viết dưới dạng tiểu luận và hồi ký. Trước đây vốn đã từng giảng dạy tại đại học Havana và là chủ bút một thời, ông thích tham dự những buổi khai mạc phòng tranh, thích xuất hiện trong các buổi tiếp tân ngoại giao hay giao tế thú vị hoặc trong những bữa ăn tối thân quen, tao nhã – là nơi ông luôn nổi bật với vẻ lịch thiệp và dí dỏm. Ở Cuba thật khó tìm một nhà hoạt động chính trị nào khác có được tính cách sắc sảo và mê hoặc như Rodríguez dù trước đây hay bây giờ.
José Ramón Fernández Álvarez, phó chủ tịch và nhà hòa giải, là một nhà hoạt động chính trị cách mạng kiểu khác song cũng thuộc hàng sáng giá nhất và ngày càng quan trọng đối với Fidel Castro. Dáng người cao lớn, đĩnh đạc với mái tóc bạc, ông cũng là nhà cách mạng rất hấp dẫn đối với người nước ngoài. Fernández hơn Fidel vài tuổi, học cùng trường trung học với ông ở Santiago và cũng xuất thân từ miền quê Oriente. Tuy nhiên, họ gặp nhau lần đầu sau cuộc khởi nghĩa, lúc đó viên cựu sĩ quan đã được thả khỏi nhà tù Batista trên Ðảo Thông (nay là Ðảo Thanh Niên) – cũng là nhà tù mà Fidel bị giam giữ cách đó năm năm. Cũng có cha mẹ là người Tây Ban Nha, Fernández có tên thường gọi là “Gallego”, tuy cha mẹ ông này đến từ Astutias chứ không phải Galicia.
Fernández, lúc đó trong đầu không vướng bận một hệ tư tưởng nào, vốn là người lính chuyên nghiệp (tốt nghiệp trường pháo binh quân đội Mỹ ở Fort Sill, Oklahoma), đang lo cho cuộc sống dân sự của mình vì tên độc tài đáng ghét đã bị lật đổ. Ngày chế độ Batista sụp đổ, ông nắm lấy quyền chỉ huy quân đội trong ngục, rồi bàn giao lại ngay cho chính quyền Havana để đi tìm việc làm. Tuy nhiên, Fidel không lâu sau khi từ Oriente đến thủ đô, nghe kể lại câu chuyện về ông, dù đêm đã khuya cũng mời ông đến nói chuyện.
Quân Nổi Dậy bao gồm nhiều thành phần đang rất cần những sĩ quan chuyên nghiệp để mở rộng và hiện đại hóa. Do vậy, Fidel thuyết phục Fernández, viên sĩ quan “có bàn tay sạch” mặc lại quân phục, phớt lờ việc ông này vừa mới trở thành một quản lý nhà máy đường với mức lương hậu hĩnh. Suốt một giờ nói chuyện, Fernández vẫn từ chối. Cuối cùng Fidel la lên với giọng hờn dỗi: ”Thôi được Gallego... Hay lắm đấy... Anh cứ đi mà điều hành cái nhà máy đường của anh đi, còn tôi thì nghỉ hưu viết sách và thây kệ cuộc Cách mạng... Anh muốn như vậy chứ gì?” Nhà thuyết phục đại tài đã thắng. Suốt hai năm sau đó, Fenandez tái thiết Quân Nổi Dậy và mua vũ khí ở nước ngoài. Ông giúp mua lô súng trường tự động FAL từ Bỉ – loại vũ khí tốt nhất mà Cuba có cho đến khi Liên Xô trở thành nhà cung cấp vũ khí. Là tư lệnh chiến trường trong cuộc chiến Vịnh Con Heo, Fernández xứng đáng được tín nhiệm vì nhanh chóng giành được chiến thắng trên bộ trong khi Fidel lo phối hợp chiến lược chung.
Sau này, Fidel hay nhờ đến Fernández, người rất được ông yêu thích, mỗi khi ông gặp phải các vấn đề khó khăn: trong quân đội, trong các hoạt động lớn ở Bộ Giáo Dục, và gần đây nhất, trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao và chính trị với các chính phủ thuộc châu Mỹ La tinh. Là người vừa có uy lực lại vừa hiệu quả, một sự kết hợp hiếm có, Fernández trở thành một trong những nhân tài quý giá của cách mạng (ông cũng đã dùng thì giờ rảnh rỗi của mình để học và tốt nghiệp Trường Ðảng Cao Cấp ở Havana để trở thành một đảng viên cộng sản chân chính). Tại Ðại Hội Ðảng Cộng Sản năm 1986, ông được bầu làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị.
Trong khi cấu trúc quyền lực thượng tầng ở Cuba đã được điều phối rất hợp lý về phương diện quản lý toàn bộ đất nước thì những vấn đề cơ bản lại vẫn còn thuộc về khả năng điều hành ở các cấp dưới. Kết quả là tất cả mọi quyền hành và trách nhiệm vẫn tiếp tục tập trung vào trong tay Fidel. Một số người thấy sự sốt sắng quan tâm của Fidel đối với từng chi tiết, và tin rằng trong mọi vấn đề ông luôn là người biết nhiều hơn những người khác, đã liên kết lại, phần nào vô tình khiến đa số các nhà quản lý Cuba đã không có đủ can đảm để ra quyết định trong tầm hiểu biết của họ, sợ làm buồn lòng cấp trên và sợ trách nhiệm, do vậy, đã dẫn đến tình trạng các cán bộ hành chính liên kết lại để bảo vệ lẫn nhau. Ở Cuba lúc bấy giờ truyền tụng một câu chuyện đùa nghe chua chát là rốt cuộc Cuba đã có lưỡng đảng: đảng Cộng sản và đảng của giới quan liêu.
Tất nhiên, Fidel phản ứng giận dữ với mọi gợi ý cho rằng ông là một nhà lãnh đạo độc tài và rằng tất cả các quyết định ở Cuba đều phải xuất phát từ ông. Năm 1977 trong buổi phỏng vấn với một phóng viên Mỹ, ông nói rằng: “Tôi là người lãnh đạo, nhưng tôi xa lạ với thuật ngữ “quyền hành độc tôn” hoặc ‘quyền lực tuyệt đối.’ Tiếp đó ông nói, mặc dù: “quyền lực cá nhân của tôi rất lớn” trong thời chiến, gần như ngay sau đó, cách mạng chuyển sang “thiết lập một sự lãnh đạo tập thể... một nhóm lãnh đạo sẽ được chọn trong số những nhà lãnh đạo có khả năng nhất.”
Năm 1985, Fidel vẫn khẳng định tính tập thể trong sự lãnh đạo ở Cuba và trên thực tế tiến trình định chế hóa cuộc cách mạng đã hoàn tất. Ông nói, điều này đã đạt được bằng sự phê chuẩn cuộc trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới của Cuba (có hiệu lực vào năm 1976). Ðiều này đã tạo ra một cơ chế mới như “Quyền lực Nhân dân” hệ thống các chính quyền địa phương nằm trong tay Quốc Hội có nhiệm vụ biểu quyết các luật được đề nghị và theo lý thuyết sẽ giám sát việc thực thi các luật này.
Các phương tiện truyền thông chính thức đều mô tả Hội đồng Nhà Nước và Hội đồng Bộ Trưởng (Fidel là chủ tịch của cả hai Hội đồng này) như là những cơ quan ra quyết định ở đảo quốc cộng hòa này. Nhưng vào tháng 11 năm 1984, một Fidel bừng bừng lửa giận đứng trước Quốc Hội tố cáo những sai sót trong kế hoạch phát triển kinh tế của năm sau đó do Ban Kế hoạch Trung Ương soạn ra, và cả kế hoạch năm năm song hành của nó. Qua hôm sau ông lập ra “Nhóm Trung Ương” trong Hội đồng Bộ trưởng, đứng đầu là Osmany Cienfuegos, để phát triển ngay lập tức một kế hoạch mới cho năm 1985.
Chính Ủy ban Ðiều hành của Osmany Cienfuegos trong Hội đồng Bộ trưởng quản lý Cuba trên cơ sở từng ngày một, và Fidel không phải lúc nào cũng có thể tham dự các phiên họp được tổ chức ngay tòa nhà gần Dinh Cách Mạng. Carlos Rafael Rodríguez cảm thấy vào giữa năm 1985 Ủy ban Ðiều hành đã “giải thoát” Fidel khỏi những lo lắng các vấn đề hiện hành, giúp ông có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các vấn đề to lớn toàn cầu. Rodríguez cho biết, chỉ riêng những quyết định ảnh hưởng đến các mối quan hệ giữa Cuba với Hoa Kỳ và các quốc gia thuộc châu Mỹ La tinh mới cần đến sự phê chuẩn của Fidel trước khi tiến hành thực hiện.
Tuy nhiên, trong cuộc sống thực tế, Fidel vẫn tiếp tục quan tâm đến mọi việc. Các bài diễn văn thường xuyên của ông là một minh chứng xác nhận rằng ông cùng chia sẻ với nhân dân Cuba tất cả các vấn đề ở đảo quốc này: Ông đề cập đến tất cả điều này trong những bài diễn văn nói về đức hạnh của những công việc lao động nặng nhọc và việc rất cần phải tiết kiệm tài nguyên. Có lần nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận chính thức của Ðảng Cộng Sản Cuba, phải chờ đến rạng sáng mới in được vì chờ Fidel đích thân biên tập lại bài diễn văn về chính sách dài mà ông đã phát biểu ngày hôm trước, hoặc một bài xã luận quan trọng bàn về chính sách (ông viết một số bài xã luận, trên trang nhất của báo này, văn phong của ông dễ nhận ra do sự sinh động và có tính công kích dữ dội.)
Phong cách lãnh đạo của Fidel theo cách của Fidel thực hiện là đối thoại trực tiếp, trưng cầu dân ý, báo cáo với nhân dân. Ðó là những lời diễn thuyết hùng hồn thông báo các chính sách, tình hình mới và ngay cả những vấn đề trọng đại an ninh quốc gia hay những thực trạng xã hội chưa giải quyết được và đề nghị cách giải quyết. Ðiều này được thực hiện qua các bài diễn văn, nói chuyện truyền hình trực tiếp được đọc trước một lượng khán giả khổng lồ (Cũng theo phương pháp trưng cầu ý dân như thế này mà người dân Cuba từ năm 1959 đã thông qua việc tử hình những kẻ tra tấn dã man dân chúng của chế độ Batista, sự hiện diện quân sự ở Angola, việc cố gắng vượt qua hoàn cảnh kinh tế khó khăn và thậm chí cả việc chuyển thị trấn cảng Moa từ tỉnh Holguín đến Guantánamo, miền đông Cuba.) Ðiều khác với các bài diễn văn, hội nghị thường xảy ra ở các nước nặng bệnh quan liêu và hình thức khác là những vấn đề Fidel đưa ra thực tế, đầy đủ dữ liệu, đầy sức thuyết phục, và cuối cùng là tìm cách, biện pháp giải quyết vấn đề và làm khơi dậy bừng lên lòng quyết tâm của mọi người để cùng thực hiện, chứ không hề nói cho có nói, vừa mất thời giờ, vừa tạo nên sức ỳ và mất niềm tin vào chính quyền. Ðối với Fidel, hứa và nói là phải làm chứ không nói hứa suông. Những người được phân công hay tình nguyện đảm nhận công việc phải bảo bảo đảm thực hiện triệt để và trực tiếp báo cáo tình hình thực hiện cho ông hay người có trách nhiệm kiểm tra.
Cách thức truyền thông tin, tham khảo ý dân này đã được Fidel sử dụng hiệu quả ngay từ khi ông lên nắm quyền ở Cuba. Ông gọi đây là “nền dân chủ trực tiếp,” thích hợp hơn với các cuộc bầu cử kiểu cũ, và đó luôn là thứ vũ khí chính trị mạnh mẽ nhất của ông trong mọi cuộc khủng hoảng – tìm kiếm sự giúp đỡ, ủng hộ từ quần chúng khi cho quần chúng biết thực trạng của vấn đề. Những tiếng reo hò “Viva Fidel! Fidel!” luôn vang lên rộn rã trong các cuộc tập hợp quần chúng khi tài diễn thuyết của ông đã gây được xúc động mạnh trong lòng các khán thính giả của mình. Sự đoàn kết cao và tin tưởng của người dân mọi tầng lớp quanh ông tạo nên sức mạnh, niềm tin vào Fidel và chính quyền Cuba.
Những tờ báo và tạp chí có số lượng phát hành lớn – cũng như những tập sách in ấn đặc biệt các cuộc phỏng vấn được Fidel dành cho các mạng lưới truyền thanh và truyền hình và các cơ quan xuất bản nước ngoài. Thường thì những bài phỏng vấn quan trọng đều được nhật báo Granma chuyển sang tiếng Tây Ban Nha và in thành một phần rời đặc biệt kèm theo báo và phát hành ở trong nước.