Sự kiện chỉ trong vòng hơn hai năm sau bi kịch xảy ra trên cánh đồng mía, cuộc chiến tranh cách mạng của Fidel ở Sierra Maestra và cuộc đấu tranh đô thị do Phong trào 26 tháng 7 và các tổ chức sinh viên vũ trang đánh đổ được chế độ Batista là một vấn đề lịch sử. Một phần lịch sử của thế kỷ hai mươi cũng không kém quan trọng là Fidel Castro, chiến sĩ du kích kiên cường với bộ râu rậm, lãnh đạo đất nước Cuba đi suốt cuộc cách mạng xã hội vĩ đại kể từ khi Mao Trạch Ðông gầy dựng chủ nghĩa cộng sản ở Trung Hoa hơn một thập kỷ trước, tạo ra một sự cải thiện chưa từng có đối với điều kiện sống của hàng triệu dân Cuba - sáu triệu người vào năm 1959 và hơn mười triệu vào năm 1986. Dù đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin hơi muộn, Castro đã biến Cuba thành nhà nước Cộng Sản đầu tiên (và duy nhất cho đến giờ) ở khu vực Tây Bán Cầu. Ðảo quốc này đã liên minh chính trị, kinh tế và quân sự với Liên Xô. Ông đã kiên trì theo đuổi chính sách và vị thế đồng minh này, thách thức bảy đời tổng thống Mỹ về ảnh hưởng của đảo quốc này đối với châu Phi, Trung Mỹ, vùng Caribê và thậm chí cả Puerto Rico vốn là “của riêng” nước Mỹ.
Fidel biết cách xử sự đối với các kẻ thù lẫn các đồng minh của mình. Trong hơn một phần tư thế kỷ, ông vẫn kiên nhẫn duy trì thương lượng với Mỹ, tuy không liên tục, để giải quyết một số vấn đề bất đồng giữa hai nước. Và với Liên Xô, cũng trong ngần ấy năm, Fidel không ngớt bày tỏ quan điểm khác biệt, công khai hoặc kín đáo, với Liên Xô. Ðiều nghịch lý là Mỹ không đủ khả năng để dàn hòa với Castro vì như thế có nghĩa là nước này phải chấp nhận ông một cách trọn vẹn, và Liên Xô cũng không đủ can đảm để cắt đứt quan hệ với ông vì điều đó có nghĩa là họ đã thất bại một cách thảm hại trong cuộc tranh giành ảnh hưởng với Mỹ và Trung Quốc trong Thế Giới Thứ Ba.
Với hầu hết các quốc gia trong Thế Giới Thứ Ba, đã bầu ông làm chủ tịch Phong Trào Không Liên Kết nhiệm kỳ 1979-1983, Fidel Castro là anh hùng, không chỉ vì quân đội Cuba đang có mặt ở Angola và Ethiopia đã bảo vệ họ khỏi chủ nghĩa đế quốc và các cố vấn Cuba ở Nicaragua cũng với lý do tương tự như vậy. Thế Giới Thứ Ba xem Fidel là người bênh vực họ và đôi lúc còn là lương tri của họ nữa. Ông nghĩ rằng các dân tộc khác thuộc Thế Giới Thứ Ba xứng đáng có phẩm giá quốc gia và cá nhân mà cuộc cách mạng đã mang đến cho dân tộc Cuba.
Fidel luôn cho rằng “chủ nghĩa quốc tế” của Cuba không chỉ giới hạn trong phạm vi áng chừng hơn bốn mươi ngàn chí nguyện quân và cố vấn đang tham gia các cuộc chiến từ Angola, Ethiopia đến Nicaragua vì theo ông, tác động của mấy chục ngàn bác sĩ, y tá, giáo viên và kỹ thuật viên Cuba đang làm nhiệm vụ tại các quốc gia ở trên ba lục địa là lâu bền và cao cả hơn rất nhiều. Ông nói khoảng 1.500 bác sĩ Cuba được phân công sang các nước thuộc Thế Giới Thứ Ba. Bị cuốn hút với những gì ông xem là sự song hành giữa Cơ đốc giáo và chủ nghĩa Marx, ông hùng hồn lập luận: “Nếu nhà thờ có các nhà truyền giáo thì chúng ta có những tình nguyện viên quốc tế.” Fidel cẩn thận nhắc lại rằng sự tương quan Cơ đốc giáo-Marx do ông khởi xướng không phải là cao hứng nhất thời vì trong cuộc họp với những người lãnh đạo giáo hội ở Chile năm 1971 và các tu sĩ Jamaica năm 1977, ông đã đưa ra vấn đề “liên minh chiến lược” giữa hai lực lượng “để thay đổi xã hội trong các quốc gia chúng ta.” Fidel thể hiện sự trân trọng đối với phái đoàn giám mục Công Giáo La Mã Mỹ đến thăm Havana vào đầu năm 1985 – ông đã khiến các giám mục kinh ngạc vì hiểu biết của ông về giáo lý và các nghi thức tế lễ – và đã hội ý với các giám mục Cuba vào cuối năm đó, cuộc họp đầu tiên như vậy trong hai mươi sáu năm cách mạng.
Tóm lại, Fidel Castro là một hiện tượng hấp dẫn trong đời sống chính trị của thế kỷ 20: với thế giới phương Tây ngày càng u ám, tẻ nhạt, ông nổi lên như một gương mặt sinh động, lãng mạn, một kẻ “nổi loạn” khó nắm bắt, đầy thách đố và giàu sáng tạo, một người truyền dạy và thuyết giảng các tín điều mà ông ấp ủ hết sức lôi cuốn. Mặc dầu ở đất nước Cuba, Fidel rất được yêu thích và tôn sùng nhưng những kẻ đối đầu với ông lại nhìn ông dưới hình bóng của một nhà cai trị quỷ quyệt và nhẫn tâm, một kẻ phản bội lại tư tưởng dân chủ tự do mà ông đã dùng để tập hợp mọi người, là nguyên nhân đưa đến những thất bại về kinh tế ở Cuba...
Xét trên tư cách là một con người và là một chính khách thì tính chất phức tạp và tầm vóc của Fidel Castro quả thực có thể bao gồm tất cả những nhận định nói trên – một hiệp sĩ cứu nhân độ thế và là một nhà độc tài dưới con mắt của những phần tử phản động người Cuba. Bản thân ông cũng không màng đến những hành động vòng vèo nếu ông thấy rằng đó là “những điều chỉnh mang tính lịch sử”.
Ðể tìm cách mô tả chính xác chân dung của Fidel, một gợi ý có tính chất hơi liều lĩnh trong những hoàn cảnh thích hợp nhất, một yếu tố hết sức quan trọng đó là ông đã biết dựa vào sự mâu thuẫn và nghịch lý để vươn lên. Ðối với Fidel đó là bài tập về trí tuệ vô cùng hấp dẫn để ông hóa giải một cách lôgic nhất khi phải đối đầu với những thách thức của các biến cố và cả trong các câu hỏi phỏng vấn lắt léo. Cho dù bản chất có mâu thuẫn thế nào đi nữa, bất cứ điều gì ông đã phát biểu công khai trước dư luận hơn một thập kỷ qua về chủ nghĩa Marx, về dân chủ, về Thiên Chúa Giáo, về Liên Xô và Mỹ, về tương lai của đường mía trong nền kinh tế Cuba (sản xuất ít đi hay nhiều hơn), về tiến bộ hiện thực trong cuộc Cách mạng (từ này ở Cuba luôn được viết hoa trong các bản in và trong các bài diễn văn) và về bất cứ đề tài nào nảy sinh từ óc tưởng tượng phong phú và trong trí nhớ kỳ lạ của ông. Bằng những tia sáng long lanh, láu lỉnh trong đôi mắt nâu của mình, Fidel đã cùng “trình diễn” những chương trình phỏng vấn tuyệt vời với những phóng viên truyền hình của Mỹ mà những gì đọng lại về ông mà những người này phát hiện được khiến nhiều người phải thèm muốn. Trong hầu hết mọi trường hợp, ông bao giờ cũng chiếm thế thượng phong, cả về lời ăn tiếng nói lẫn trí tuệ, và ông đã tận dụng những ưu điểm này một cách sảng khoái.
Vì Fidel điều hành chính phủ trong nước và các chính sách thế giới của Cuba chủ yếu bằng những bài diễn văn trước công chúng và qua vô vàn các cuộc phỏng vấn (các cuộc thương lượng và quyết định bí mật chỉ dành riêng cho những hoàn cảnh hết sức tế nhị) nên cũng đúng khi nói rằng không thể nào theo dõi đầy đủ những gì ông nói và đã nói vào lúc nào. Ngay cả bộ phận lịch sử của Hội Ðồng Nhà Nước cũng không thể cung cấp con số chính xác về những bài phát biểu trước công chúng của Fidel kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1959, khi ông trở thành “Nhà Lãnh Ðạo Toàn Quyền”. Người ta đoán chừng có hơn 2.500 buổi (một số buổi kéo dài hơn năm giờ và lần kỷ lục vào năm 1959 dài tới chín giờ). Tuy nhiên, không phải lần diễn thuyết nào của ông cũng được đội viết tốc ký trong Hội Ðồng Nhà Nước ghi lại, xuất bản và phát sóng. Cũng không thể chỉ ra rõ xuất xứ của các bài diễn văn mà Fidel đã phát biểu. Chẳng hạn, trong khoảng từ ngày 1 tháng 1 năm 1966 đến tháng mười năm 1984, chỉ riêng đề tài y tế và sức khỏe cộng đồng, ông đã diễn thuyết trước công chúng 130 bài rất dài.
Quả thực, cuộc cách mạng của Fidel Castro – hay ít ra là việc truyền bá tư tưởng cách mạng này cho nhân dân Cuba – có thể đã không thành công nếu không nhờ hệ thống truyền hình. Trên thực tế, ngay từ ngày đầu, Fidel đã lãnh đạo quần chúng thông qua truyền hình. Ông là người đầu tiên sử dụng kỹ thuật này với qui mô như thế trong kỹ năng thu phục nhân tâm, hoàn toàn khác với các cuộc vận động tranh cử chính trị. Ngoài khả năng giao kết tự nhiên của ông với người nghe và việc ông sử dụng mối đồng cảm cộng sinh bằng cách diễn thuyết trước các cử tọa đôn đến hằng triệu người trong những năm đầu cầm quyền thì truyền hình là phương tiện không thể thiếu để truyền tải gương mặt, giọng nói và thông điệp của Fidel vượt ra khỏi buổi diễn thuyết ở quảng trường để đến tận nhà của người dân Cuba. Về sau, truyền hình trở thành kênh thông tin thường xuyên giữa Castro và dân chúng.
So với tiêu chuẩn Mỹ La tinh và thậm chí tiêu chuẩn Mỹ, vào đầu năm 1959, khi lực lượng cách mạng lật đổ chế độ Batista, kỹ thuật truyền hình Cuba cũng được xem là khá tiên tiến và số lượng máy truyền hình ở đảo quốc này khá cao, đặc biệt là ở thành thị. Nhưng vấn đề quan trọng nhất đó là Fidel, mà quan niệm cách mạng của ông luôn luôn được xây dựng trên việc giao tiếp với quần chúng, hiểu ngay ra rằng ông và truyền hình cùng tồn tại là để dành cho nhau. Thật ra, Cuba vốn có truyền thống sử dụng đài phát thanh trong lãnh vực hoạt động chính trị và Fidel trong một số dịp giới hạn đã chứng tỏ sức thu hút của mình khi đứng trước một micro. Vào năm thứ hai và cuối cùng của cuộc kháng chiến, Fidel đã cho lập một đài phát thanh, lấy tên là Ðài Tiếng Nói Nổi Dậy- đặt tại bộ chỉ huy của ông ở Sierra Maestra. Ðài phát thanh này nhanh chóng chuyển thành khí cụ tuyên truyền tuyệt vời và phổ biến các mật lệnh hành quân. Ông thường trò chuyện với nhân dân Cuba thông qua đài phát thanh này.
Do vậy, quá trình chuyển qua truyền hình là điều tự nhiên và hình ảnh của Fidel xuất hiện một cách ấn tượng trước máy quay và tài diễn tả rất phong phú của ông sẽ làm nốt phần còn lại. Công cụ tuyên truyền này của Cuba được chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức cả đất nước có thể được nghe Castro nói trực tiếp (luôn luôn trọn vẹn từ đầu đến cuối). Ðôi khi, một số bài diễn văn còn được phát lại qua hai kênh quốc gia trong nhiều ngày. Thêm vào đó, mỗi lần Fidel xuất hiện trước công chúng thì đều được truyền hoặc trực tiếp trong các bản tin tường thuật đặc biệt hoặc như một phần của bản tin thời sự thường xuyên của đài truyền hình (tất nhiên, đài phát thanh cũng truyền đi giọng nói của Fidel).
Thật khó tin là Fidel, bề ngoài trông có vẻ thích nói chuyện trước công chúng, thật sự lại khó chế ngự được nỗi lo sợ ở thời điểm bắt đầu. Có lần, ông tâm sự với tạp chí Bohemia, “Thú thật là... tôi cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến việc phải bước lên diễn đàn nói chuyện ở Quảng Trường Cách Mạng... Với tôi, điều đó hoàn toàn không dễ chút nào.” Hồi còn trẻ, ông thường phải thu hết can đảm để có thể đứng trước gương trong phòng mình tập phát biểu cho tới khi hài lòng và điều này đủ để khuyến khích ông theo đuổi nghề luật và chính trị. Gần như trong mọi trường hợp, Fidel thường mở đầu bài diễn văn bằng cách nói thấp giọng và có vẻ như do dự, chậm rãi - cho tới khi ông đột nhiên cảm thấy là mình đã giao kết được với khán thính giả. Kể từ giây phút đó trở đi, Fidel mới đích thực là mình, một nhà hùng biện vĩ đại. Cũng như Gladstone và Winston Churchill, ông là một trong số những nhà hùng biện tiếng tăm không bao giờ chế ngự được nỗi lo ngại lúc ban đầu.
Fidel rất say mê môn nghệ thuật hùng biện. Ông nhớ lại thời còn là học sinh trung học, trong các kỳ nghỉ hè ông đã kết bạn với một người học thức Tây Ban Nha ở Oriente. Người bạn này kể với ông là để vượt qua khó khăn khi phát biểu, diễn giả nổi tiếng Demosthenes thường đặt một hòn sỏi vào dưới lưỡi của mình. Từ câu chuyện này, Fidel kể tiếp là dạo còn học trung học, ông bắt đầu sưu tập các bài nói chuyện của những nhà hùng biện vĩ đại trước kia, nhưng sau đó ông mới thấy rằng ông không thích cách hùng biện của họ vì “quá hoa mỹ, khoa trương và phải lệ thuộc quá nhiều vào khả năng chơi chữ.” Hơn nữa, với tích cách luôn thực tế và tự chủ, ông cho rằng những nhà hùng biện Demosthenes và Cicero ngày nay chắc sẽ “gặp khó khăn lớn khi phải đối mặt với những thực tế cụ thể và phải giải thích về xã hội của họ.” Vậy nên Fidel thôi không tán dương nền dân chủ kiểu Athen khi ông hiểu rằng điều đó có nghĩa là “một nhóm rất nhỏ các nhà quí tộc gặp nhau tại những nơi công cộng để ra quyết định.” Diễn giả mà Fidel yêu thích hóa ra lại là Emilio Castelar, một chính khách Tây Ban Nha nổi tiếng và là nhà tư tưởng lỗi lạc, thủ lĩnh của nền Ðệ Nhất Cộng Hòa yểu mệnh ở Tây Ban Nha vào năm 1873. Tuy nhiên, dù các bài diễn văn đọc trước nghị viện của ông ấy có tuyệt vời đến mấy thì “ngày nay ông cũng sẽ nhận lãnh những thất bại thảm hại trong bất kỳ nghị viện nào.” Cuối cùng, Fidel quyết định thực hành trái ngược hẳn với những gì mà mọi nhà hùng biện vĩ đại trong lịch sử đã làm, tạo ra cách nói sôi nổi mà như trò chuyện. Ngày nay khó có nhà lãnh đạo nào trên thế giới lại có thể tìm thấy niềm vui trong việc phân tích tỉ mỉ những bài diễn văn kinh điển, hoặc có khả năng tạo ra được sức sống riêng cho nó.
Cũng đã có những bài diễn văn “bí mật” của Fidel, không biết về số lượng, đọc trước Ðảng Cộng Sản hoặc trước giới quân sự chỉ huy các lực lượng vũ trang, và những bài phát biểu tâm tình, không được xuất bản, trước các hội nghị, thí dụ như, Liên Ðoàn Phụ Nữ Cuba hoặc Ủy Ban Phòng Vệ Cách Mạng. Ngoài ra, tất cả những nhà lãnh đạo cách mạng cao cấp nhất - những người ủng hộ Castro và cả những đảng viên Cộng sản “cựu” hoặc “tân” – đều góp phần vào việc hùng biện để tập họp toàn dân Cuba đi theo Cuba, để yêu cầu các nỗ lực mới...
Dân Cuba ngày nay vẫn còn quan tâm đến các buổi nói chuyện của Fidel. Trước tiên, con người và nghệ thuật hùng biện của ông vẫn còn rất hấp dẫn. Thứ hai, không một ai trong một xã hội được tổ chức chặt chẽ và nguyên tắc về mặt tư tưởng như Cuba lại muốn thiếu hiểu biết về những điều mà vị Chủ Tịch của mình nói. Việc thấm nhuần tư tưởng của Fidel quan trọng đến nỗi mà các quân nhân, công nhân hay sinh viên phải nghiên cứu những bài diễn văn của ông càng mau càng tốt để có thể giải thích với người khác. Nếu dùng đúng được lời lẽ, khẩu hiệu và quan điểm của ông về các vấn đề đối nội và đối ngoại thì hiệu quả rất cao.
Dù ở trong hay ngoài đất nước Cuba, không ai lại có thể biểu lộ thái độ thờ ơ đối với Fidel Castro. Người ta chỉ có thể bộc lộ một xúc cảm mạnh mẽ với ông, hoặc là yêu thương hoặc là đối nghịch ông, chứ không có thứ tình cảm trung dung khi nghĩ về ông. Bởi vậy, cái tên Fidel Castro dường như đã có một sức hút mãnh liệt, thu hết về phía nó mọi tính từ vừa tốt đẹp lẫn đối kháng.
Lẽ đương nhiên, Fidel từ lâu đã quá quen với những biểu hiện như vậy. Lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh Fidel nổi nóng và rất tức giận vì bị chỉ trích là vào đầu năm 1985, khi ông đọc một bài báo mô tả ông là con người “độc ác”, của một nhà báo Tây Ban Nha nổi tiếng vừa mới trải qua nhiều giờ phỏng vấn ông trước đó. “Làm sao mà ông ta lại nói là tôi độc ác cơ chứ?” Fidel nổi giận. Ông đi tới đi lui trong văn phòng mình một cách giận dữ. “Có phải ông ta đã từng nhìn thấy tôi thực hiện những hành động ác độc? Có phải ông ta đã từng nghe thấy tôi ra lệnh hành quyết ai đó?” Fidel cảm thấy bị thương tổn sâu sắc đối với thang giá trị đạo đức của cá nhân ông, và ông không dễ dàng bỏ qua đề tài này. Trên thực tế, vì “công lý cách mạng” ông cũng có ra lệnh hành quyết, nhưng ông phẫn nộ khi ai đó ám chỉ rằng ông đã làm điều này một cách bừa bãi.
Những chỉ trích về chính trị – hoặc mang tính thù địch – đều không được ông hoan nghênh. Sau lần bầu cử tổng thống ở Peru, Alan García (một chính trị gia tiếng tăm 36 tuổi theo đường lối trung tả, người được Fidel đánh giá là có thể trở thành một đối tác trẻ trong khu vực châu Mỹ La tinh), vào tháng 7/1985 dám chất vấn quan điểm của Fidel về thế giới, Fidel ngay lập tức có thái độ phản ứng một cách gay gắt. García chống lại quan điểm của Fidel cho rằng các quốc gia con nợ ở khu vực châu Mỹ La tinh nên cùng nhau từ chối trả những khoản nợ khổng lồ cho các ngân hàng Mỹ, đã đưa ra nhận xét rằng trong khi các định chế tài chính của phương Tây là “đế quốc” thì liên minh quân sự theo Hiệp ước Warsaw và khối kinh tế Comecon, thị trường chung của các quốc gia theo chủ nghĩa Cộng sản, mà Cuba là một thành viên vào năm 1972, có khác gì đâu. Trong lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Peru của García, Fidel đã làm mọi người bất ngờ bằng một điện văn chúc mừng chính thức lạ thường. Trong đó ông liệt kê tất cả những căn bệnh của quốc gia Peru, từ nạn mù chữ cho đến tình trạng “nghèo khổ đủ kiểu,” và nghiêm chỉnh nói thêm rằng “nếu ông thực lòng quyết định tranh đấu một cách nghiêm túc, vững vàng và kiên trì chống lại bức tranh xã hội đầy tai ương theo kiểu Dante và giải phóng quốc gia mình, như lời hứa hẹn công khai của ông, ra khỏi sự thống trị và lệ thuộc của chủ nghĩa đế quốc, nguyên nhân duy nhất của tấn bi kịch này, có thể ông phải tính đến sự hỗ trợ của Cuba.” Có lẽ đó là bức điện văn chúc mừng có một không hai trong biên niên sử các lời sỉ nhục ngoại giao đương thời, và có thể điều không hẳn không liên quan là García chỉ đáng tuổi con trai lớn của Fidel; không một nhà lãnh đạo chín chắn nào lại ưa những người mới nổi. Về sau, chính phủ hai nước đã làm lành với nhau nhưng trước công luận Fidel tránh đề cập đến García.
Mức độ giận dữ, căm phẫn của Fidel là không có giới hạn, cả bên ngoài lẫn ngấm ngầm bên trong, và ông không do dự phát tiết nó một cách riêng tư lẫn công khai. Hồi còn ở Sierra Maestra, ông đã rất giận khi thấy một du kích đã vô tư xài phí chỉ một viên đạn (và ông đã dọa là sẽ phạt thật nặng) và thậm chí khi đã trở thành chủ tịch Cuba, khi biết những chuyện quan liêu ngớ ngẩn của thuộc cấp, ông đã nổi nóng tuôn ra một tràng những lời chửi rủa – toàn bằng tiếng Tây Ban Nha nặng nề nhất. Ðây không phải là những điều bất thường sau hơn một phần tư thế kỷ cuộc cách mạng thành công. Các cộng sự lâu năm nhất của ông cũng phải sợ “cơn thịnh nộ của Fidel.”
Trên một bình diện khác, việc Fidel ra lệnh cho hơn một trăm ngàn người Cuba ở Mariel di cư sang Mỹ vào mùa xuân năm 1980 là hành động thể hiện cơn giận dữ của ông đối với tổng thống Jimmy Carter vì đã khuyến khích tạo ra làn sóng những người Cuba đổ xô trốn vào các tòa đại sứ nước ngoài ở Havana để xin tị nạn chính trị. Cảm xúc vẫn là một yếu tố mạnh mẽ can thiệp vào việc ra quyết định của Fidel. Ông đã đình hoãn hiệp định di dân đã ký với Mỹ vào năm 1985 vì chính quyền Reagan đã đưa vào hoạt động đài phát thanh thù địch với Cuba có tên là “Ðài phát thanh Martí.” Fidel đã nói với những thân hữu của mình rằng ông vô cùng phẫn nộ khi thấy tên tuổi thiêng liêng của Martí được Mỹ lợi dụng mang ra sử dụng cho một hành động chống lại nhân dân và cuộc cách mạng Cuba; còn thực ra ông chẳng hề quan tâm đến những gì mà cái đài này phát ra.
Sự phẫn nộ của Fidel (và tâm trạng nóng nảy, im lặng lạ thường của ông – đôi lúc để thay cho các cơn giận) là một phần trong cá tính không khoan nhượng, hết sức ngay thẳng, kiên cường, liều lĩnh và kiêu hãnh của ông. Ông đòi hỏi những người xung quanh phải nhanh chóng hiểu những ý tưởng nảy sinh dù chỉ là nhỏ nhất của mình. Những ý tưởng đột xuất này, xảy ra khá thường xuyên, trải rộng trong phạm vi từ cao đẹp, như yêu cầu phải có ngay một tác phẩm văn học hiếm, cho đến những việc có vẻ khôi hài, như nhất định đòi một cố vấn hàng đầu tháp tùng theo ông phải cung cấp kích cỡ giầy nhà binh của Fidel cho một người bạn đã có nhã ý đề nghị là sẽ kiếm cho ông một đôi đặc biệt ở Texas.
Ít ai biết là Fidel Castro đã nhiều phen thập tử nhất sinh. Năm lên mười tuổi, ông bị viêm màng bụng (viêm phúc mạc) rất nguy kịch (bệnh này xảy ra sau khi bị viêm ruột thừa do vào thời đó chưa có các loại thuốc kháng sinh và penicillin). Ðến giữa thập niên 1940, lúc là sinh viên ở Havana, giữa làn sóng băng đảng chính trị lúc đó, Castro luôn mang theo súng và đã bị người thuộc phe chính trị khác thanh toán. Trong cuộc xâm nhập sớm bị thất bại vào nước Cộng hòa Dominica, để thoát thân, từ trên con tàu đưa những người lính viễn chinh quay về, ông đã phải nhảy xuống biển để bơi đến Cuba vì sợ bị ám sát. Và chưa đầy một năm sau, Fidel lại có mặt ngay trong cuộc nổi dậy đẫm máu ở Bogotá, thủ đô của Colombia, nơi ông đến để giúp tổ chức một hội nghị sinh viên chống đế quốc.
Ngày 26 tháng 7 năm 1953, bấy giờ đã là nhà lãnh đạo chính trị, Fidel chỉ huy cuộc đột kích trại lính Moncada ở Santiago và đã thoát chết một cách kỳ diệu ít nhất hai lần - khi quân địch phản công và khi bị bắt trên miền núi mấy ngày sau đó. Tại tòa án và trong ngục, mỗi ngày Fidel đều tỏ thái độ thách thức nhà cầm quyền Batista khiến ai cũng nghĩ thế nào ông cũng sẽ bị thủ tiêu. Ðược ân xá hai năm sau đó, Fidel gần như đã buộc cảnh sát chế độ Batista ở Havana phải ám sát ông trước khi bỏ trốn qua Mexico, đồng thời tuyên bố rằng sẽ quay về nước đánh đuổi chế độ độc tài. Ở Mexico, Fidel bị cảnh sát liên bang nước này bắt và suýt bị đặc vụ Cuba giết (một mật thám xâm nhập vào tổ chức mật của Fidel ở thành phố Mexico). Chiếc du thuyền Granma đưa Fidel và quân viễn chinh về Cuba phải chở quá nhiều người đến mức nó thực sự bị chìm trong cơn bão khi đang vượt biển (chiếc thuyền dự định cặp bến ở Oriente nhưng không đúng nơi đã tính toán. Che Guevara mô tả rằng đây là cảnh “đắm tàu” chứ không phải là đổ bộ).
Chiến dịch Sierra Maestra của Fidel khởi đầu với thảm họa Alegría de Pío và cho đến khi giành được thắng lợi sau cùng, ông luôn khẳng định là ông đã thân chinh dẫn quân của mình trong mọi cuộc hành quân và tiến công. Sau khi cách mạng thành công, có khoảng hơn ba mươi âm mưu ám sát ông – hầu hết đều do Cục Tình Báo Trung Ương Mỹ (CIA) sắp đặt - và trong vụ xâm lược Vịnh Con Heo của CIA, Fidel đã có mặt ngoài trận địa cùng với quân đội chiến đấu cho tới khi kẻ địch buông súng đầu hàng. Mười tám tháng sau vụ này, trong thời gian khủng hoảng tên lửa, ông lại phải đối mặt với cuộc công kích chính thức của Mỹ. Trong chuyến viếng thăm Nga lần đầu vào năm 1963, Fidel thoát chết trong đường tơ kẽ tóc khi chiếc máy bay của Liên Xô chở ông chỉ suýt chút nữa là lao xuống đất ở Murmansk do sương mù quá dầy (chuyện này khi ấy không được công bố).
Fidel hình như còn muốn đùa với tử thần. Năm 1981, thay vì dùng máy bay để đến Mexico mật đàm với tổng thống nước này, ông quyết định đi qua cảng Cozúmel ở Mexico bằng tàu cao tốc để đích thân kiểm tra mức độ cảnh giác của Hải quân Mỹ ở Eo biển Yucatán. Hải quân Mỹ lúc ấy đang tuần tra trong Vịnh Mexico để ngăn cản tàu Cuba chở vũ khí đến Nicaragua và Fidel định thử xem họ có bắt được ông không. Sau khi thỏa óc mạo hiểm rồi, ông mới bay về. Chuyện này đã không được các cơ quan thông tấn Cuba đề cập đến. Quả thật, không biết viên chỉ huy trên tàu khu trục của Hải Quân Mỹ sẽ làm gì nếu phát hiện thấy Fidel đang có mặt trên một con tàu trang bị vũ khí hạng nặng và được hộ tống bởi hai tàu tuần dương mang tên lửa trên hải phận quốc tế giữa Mũi San Antonio ở phía tây Cuba và Cozúmel.
Ngoài ra, Fidel rất say mê thú vui bắt cá dưới biển sâu. Với khoảng gần một ký chì đeo quanh bụng để tăng sức nặng, ông thường ở sâu dưới nước hơn hai phút (như vậy là rất lâu vì không có bình dưỡng khí) ngoài vùng biển Caribê, dùng súng phóng lao bắn cá pargo và tôm hùm. Ông thường xuyên lái chiếc trực thăng riêng do Liên Xô chế tạo, ngay cả ban đêm, và ít ra là một lần, Fidel đã bị mất phương hướng trong khi điều khiển máy bay hai động cơ này giữa cơn giông bão ngoài khơi biển Oriente.
Cụ Ernesto Guevara Lynch, 80 tuổi, cha của Che Guevara, đã từng nhận xét, “Chắc là Fidel đã có hiệp ước với Chúa Trời hoặc với thần linh gì đó” vì không còn cách nào khác để giải thích cho cuộc đời may mắn kỳ lạ của Fidel. Ông cụ Ernesto có lẽ đã phần nào nói đúng về điều này.