Mối bận tâm nhất của Fidel Castro trong hôm thứ năm lạnh lẽo của tháng chạp năm 1956 là làm sao phá vỡ được thế bao vây và tái hợp những chiến binh tơi tả còn sống sót sau cuộc viễn chinh để đánh thắng quân đội Batista. Ðiều này đòi hỏi phải có một niềm tin bất biến, dựa trên bất kỳ chuẩn mực hợp lý nào, rằng ông có thể dẫn dắt sự nghiệp cách mạng vĩ đại này đến chỗ thành công. Chế độ Batista có trong tay năm vạn quân với đại bác, xe bọc thép, không quân, hải quân, và một bộ máy cảnh sát và mật vụ cực kỳ nguy hiểm.
Ngoài ra, tổng thống Batista còn được Mỹ hoàn toàn hỗ trợ, kể cả việc sẵn sàng cung cấp các vũ khí. Xe tăng và pháo binh được chở thường xuyên từ các cảng Mỹ sang Cuba. Máy bay Batista có thể tiếp nhiên liệu, chất bom napal và chất nổ tại căn cứ hải quân Mỹ ở Guantánamo trên bờ biển Oriente. Ở Havana, một phái bộ quân sự Mỹ còn huấn luyện cho quân đội người Cuba. Tất cả điều này khẳng định một sự thật là Cuba là một đất thuộc địa của Mỹ, kể từ khi Tây Ban Nha mất đảo quốc này trong cuộc chiến năm 1898. Washington cũng không muốn và ngăn chặn mọi hoạt động nhằm thay đổi hiện trạng này.
Mỹ và CIA không làm sao hiểu được nguyên nhân dẫn đến hiện tượng Fidel Castro năm 1956. Mỹ đâu biết được gì nhiều gì hơn ngoài cuộc chiến giành độc lập cuối cùng của Cuba nổ ra vào năm 1895. Louis A. Perez. Jr,. một nhà sử học Cuba có đầu óc chống cộng đã mô tả cuộc nổi dậy như sau: “Ðó là cuộc chiến du kích giải phóng dân tộc mong muốn làm biến đổi xã hội... (cuộc chiến du kích) bao hàm các yếu tố chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa chính trị cấp tiến, cải cách ruộng đất, bình đẳng sắc tộc và công bằng xã hội.” Bởi vậy, chính phủ Eisenhower nhất định hỗ trợ Batista. Phó tổng thống Richard Nixon đã thăm ông ta ở Havana không lâu trước khi Fidel đổ bộ xuống Oriente. Tuy nhiên, cả hỏa lực hùng hậu của Batista lẫn sự hỗ trợ hậu thuẫn của Mỹ không làm Fidel chùn bước. Với ông, chưa có đường đi thì phải vạch đường để đi, “thất bại là mẹ thành công”, những khó khăn, thử thách chỉ trui rèn, mài sắc thêm tinh thần và lòng dũng cảm của con người mà thôi.
Lần đó, trên cánh đồng mía, sau khi đã ẩn mình an toàn, Fidel Castro huýt sáo rất khẽ. Một bóng người trong bộ đồ lính xanh ô liu, lặng lẽ từ bụi cây bên kia lối đi hẹp trườn vào bụi mía - đó là Universo Sánchez Álvarez, một nông dân cao lớn, rắn rỏi ở phía bắc tỉnh Matanza, vệ sĩ của Fidel trong thời gian chuẩn bị xâm nhập từ Mexico. Universo cũng mang theo súng trường có ống ngắm như của Fidel, một lợi điểm dễ thấy trong hoàn cảnh khốn khó như hiện nay, nhưng chân lại không có giầy do đã bị mất khi phải tháo lui khỏi Alegría de Pió. Rồi một chiến sĩ thứ ba tìm đến nơi thảm lá mía trú ẩn này. Người này là Faustino Pérez Herrnández, một bác sĩ Havana dáng người mảnh khảnh và là một trong hai Tham Mưu Trưởng của quân nổi dậy. Faustino mang giày nhà binh nhưng đã đánh mất vũ khí – với Fidel thì đây là một bất lợi đáng sợ. Cả hai người mới đến đều ba mươi sáu tuổi, hơn Fidel sáu tuổi, song tuổi trung bình của quân nổi dậy là hai mươi bảy và hầu hết đều đã trưởng thành và biết suy xét. Như nhận định nhiều năm sau đó của Fidel: “Có lúc tôi là Tổng Chỉ Huy của chính tôi và hai người khác.”
Cả ba ẩn mình dưới đám lá và nằm ngửa sát cạnh nhau để có thể nói chuyện thì thào với nhau. Castro đằng hắng nhẹ và thì thầm một cách phấn khởi: ”Chúng ta đang chiến thắng... Thắng lợi sẽ thuộc về chúng ta!” Universo và Faustino không nói gì. Fidel Castro, Universo Sánchez và Faustino Pérez ngay vào thời điểm này là quân số của toàn bộ Ðạo quân Nổi dậy, cánh chiến đấu trong Phong trào Ngày 26 Tháng 7 chống Batista của Fidel. Phong Trào đã lớn lên trong lòng thành thị Cuba kể từ năm 1953, khi Fidel khởi xướng và lãnh đạo cuộc đột kích khốc liệt vào trại lính Moncada ở Santiago, thuộc tỉnh Oriente. Rồi ông bị bắt. Suốt hai mươi mốt tháng trong ngục, Fidel luôn tự chuẩn bị một cuộc tấn công mới chống lại chính phủ độc tài. Giờ đây, ông đã quay về Cuba sau khi tự lưu vong sang Mexico lúc ra khỏi nhà tù để phát động cuộc chiến tranh du kích chống lại chế độ trong vùng Sierra Maestra núi non hiểm trở này.
Trên thực tế, Ðạo quân Nổi dậy vẫn tiếp tục với quân số là ba người và hai khẩu súng trường trong 13 ngày – tính từ buổi chiều thảm họa ở Alegría de Pió – trong đó mất năm ngày đêm phải ẩn mình dưới các tán lá rậm trong cánh đồng mía – cho đến khi họ gặp lại Raúl Castro, người chỉ huy một trong ba trung đội viễn chinh đã hành quân đâu đó trong vùng núi với bốn đồng đội - tại nhà một nông dân ở Sierra.
Toán quân của Raúl có năm cây súng trường và đạn dược. Fidel phấn khởi vì “quân đội” của ông lúc này đã lên tới tám người với bảy cây súng đến mức ông tuyên bố với giọng hùng hồn nhất: “Giờ đây ta đã thắng cuộc chiến này rồi... số phận tên độc tài chỉ còn tính từng ngày thôi!” Bốn ngày sau, thêm bảy chiến binh khác, gồm Ernesto “Che” Guevara de la Serna - người anh hùng gốc Argentina của cuộc cách mạng Cuba, bị thương trong cuộc chiến ở Alegría de Pío và sau này hy sinh năm 1967 trong cuộc chiến tranh du kích ở Bolivia – tái nhập vào lực lượng của Castro. Fidel cảm thấy ngây ngất.
Trước đó, vào ngày thứ năm đầu tiên ở Cuba, Fidel, Faustino, và Universo, sau khi khẽ bàn với nhau, đã đi đến kết luận rằng ẩn thân dưới thảm lá mía này lâu chừng nào thì an toàn chừng ấy. Họ cần phải tránh đụng độ với các toán quân thuộc Trung đội 12 và 13 của Vệ binh Nông thôn. Bọn chúng được trang bị vũ khí hạng nặng, kể cả pháo binh, và đã bất ngờ phục kích nghĩa quân hôm trước và hiện giờ đang săn lùng các chiến sĩ còn sống sót.
Bấy giờ, nhà cầm quyền Batista đã loan tin rằng Fidel và Raúl Castro đã bị giết cùng với bốn mươi quân nổi dậy trong trận chiến ngày 5 tháng chạp (tin này lập tức được Hãng UPI (Mỹ) tung ra khắp thế giới). Tuy nhiên, đêm đó, các chỉ huy của trung đội Vệ binh đã gởi về cho cấp trên ở Havana một báo cáo mật, trong đó thú nhận “Ông Fidel Castro” có thể đã thoát thân. Batista hiểu rõ uy tín chính trị và tiếng tăm đội quân hiệu quả của ông ta đang bị đe dọa; bởi vậy, giá nào cũng phải tìm cho ra và giết chết Fidel ngay.
Do đó, không quân lập tức được gọi đến để giúp Vệ Binh rà soát. Giữa sáng ngày thứ năm, máy bay bay thấp phát hiện được ba nhóm quân nổi dậy nấp riêng lẻ dưới những tàn cây rậm trên một ngọn đồi ngay trên trận địa Alegría de Pio. Một trong ba nhóm đó là của Fidel Castro. Máy bay oanh tạc hạng nhẹ hai động cơ B-26 đã bỏ bom và bắn phá vào ngay nơi nghĩa quân ẩn náu qua đêm.
Trên đường bỏ chạy, Universo Sánchez là người đầu tiên gặp Fidel. Faustino Pérez tình cờ lọt vào chỗ nấp của hai người khoảng một giờ sau khi đêm xuống. Nghe thấy tiếng động, Fidel ra lệnh cho Universo bắn vào bóng người đó nếu thấy có vẻ giống kẻ địch. May mà khi ấy, Faustino đã lên tiếng, nếu không thì chắc Ðạo quân Nổi dậy chỉ còn lại hai người. Nhưng Peréz lại mang đến một tin não lòng: Che Guevara có lẽ đã chết do bị thương rất nặng (nhưng thực ra Che chỉ bị thương nhẹ.)
Ðảo qua nhiều vòng, các máy bay không nhìn thấy họ và cả ba người thấy rằng không thể ra chỗ trống trải mà chỉ còn cách ẩn mình vào các cánh đồng mía gần đó. Fidel dẫn đầu và họ lao về phía cánh đồng gần nhất trong khi máy bay vừa quần tụ lại trên trời. Những chiến binh làm như vậy nhiều lần cho đến khi đến được bụi cây nằm bên kia con đường phân cách với cánh đồng mía. Fidel cho rằng đây là nơi an toàn nhất của họ. Cả ba nằm ép bụng xuống đất và trườn tới bụi cây, thu gọn người lại dưới đám lá khô dày mọc sát mặt đất và nằm im.
Fidel tính rằng tối đến, bọn Vệ Binh Nông thôn và máy bay sẽ ngưng rà soát khu vực này để chuyển sang khu vực kế bên. Lúc đó, Faustino, Universo và ông sẽ có cơ hội ra khỏi đồng mía ngay trong đêm đó để di chuyển xuống chân đồi phía đông Sierra Maestra - nơi ông biết có những người nông dân thân thiện và các chiến binh của Phong Trào Ngày 26 Tháng 7 đang ở đó và họ sẽ bảo vệ và giúp đỡ nhóm của ông. Tuy nhiên, Faustino và Universo cản Fidel không nên đi ngay lúc này. Khi ông cứ khăng khăng lý lẽ của mình, Universo cáu tiết lên nói, “Mẹ kiếp! Fidel này, theo tinh thần dân chủ thì hai thắng một, vì vậy chúng ta ở lại đây thôi.” Ðúng lúc đó, cách chỗ nấp chừng vài trăm thước, họ nghe thấy tiếng quân lệnh hô to, tiếng kim khí lách cách từ các khẩu tiểu liên Thompson mà bọn lính chuyển chúng từ vai sang tay và chốc chốc lại nghe tiếng đạn bắn ra từ các khẩu súng tự động này. Cánh đồng mía ở hướng nam từ nơi họ đang ẩn nấp chợt sáng rực lửa, đủ sức nóng để xua bất cứ ai còn lẩn trốn ở đó phải chạy ra ngoài và rồi đám khói màu xanh lơ, dày đặc nhanh chóng lan khắp khu đất bằng. Trong sự tuyệt vọng, họ cố nín cơn ho đang dồn lên, sợ địch quân nghe thấy. Một chiếc B-26 đang gầm rú ngay trên cánh đồng đang bốc cháy sẵn sàng oanh kích.
Fidel và đồng đội thấy tình hình thật nguy hiểm. Ngoài việc bị kẹt cứng bên trong cánh đồng mía, họ còn phải chịu sự hành hạ của các cơn khát khô cổ và đói nữa. Hầu hết đồ dự trữ, trang thiết bị, kể cả lương thực, đều đã mất sạch khi chiếc du thuyền Granma của họ bị đắm vào sáng sớm ngày 2 tháng 12 cách bờ biển hàng trăm thước. Khi tám mươi hai người lính viễn chinh chậm chạp tiến vào đất liền, họ gặp được một vài nông dân và những người làm than trong vùng. Nghĩa quân được tiếp đón tử tế và được chia sẻ những món ăn đạm bạc. Tối ngày 4 tháng chạp, Fidel và các chiến hữu của ông dùng bữa ăn nóng cuối cùng và được dân địa phương bán cho xúc xích với bánh qui trước khi lên đường đi Alegría de Pío.
Chính cơn đói ngày hôm sau đã khiến nghĩa quân bị lộ trước bọn Vệ Binh. Sau khi dùng hết khẩu phần bánh qui và xúc xích, quân cách mạng bắt đầu bẻ mía trên đường đi mà ăn rồi bỏ xác mía xuống đất. Fidel cũng làm như vậy vì nước mía có nhiều năng lượng. Tuy nhiên, bọn Vệ Binh - đã lùng sục quân viễn chinh từ lúc họ vừa đổ bộ (không quân và hải quân Batista đã tìm ra ngay lập tức vị trí của chiếc Granma bị chìm phân nửa bên ngoài Los Cayuelos) – và phát hiện thấy xác mía bị vứt trên đường. Chúng lần theo và bao vây đoàn quân của Castro. Ðây là hậu quả tai hại do thiếu kinh nghiệm du kích ở vùng đất lạ. Bài học này Fidel không thể nào quên.
Lúc này, Fidel cùng Faustino và Universo trở nên cẩn thận chỉ bẻ những cây mía mọc gần bên họ rồi gặm lấy nước để có chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, họ phải ở lại cánh đồng mía suốt ba ngày đêm (và thêm hai ngày đêm nữa ở một cánh đồng mía xa hơn về hướng đông) vì lính của Batista không chịu bỏ đi. Miệng họ bắt đầu đau do gặm mía nhiều vì không có dao để xẻ nhỏ ra. Mỗi ngày vào lúc sáng sớm, họ liếm những giọt sương đọng lại trên lá để đỡ khát, nhưng những chiếc lá gai nhám cũng khiến cho miệng và lưỡi của họ bị cứa rát. Thỉnh thoảng, đến đêm trời đổ mưa nhưng chỉ đủ làm ẩm đất - và ba người bọn họ.
Một cực hình khác đối với họ, đặc biệt đối với bản tính hiếu động của Fidel, là sự bất động của họ. Ông quyết định là họ nên nằm ngửa cả ngày lẫn đêm để không làm lay động những khóm mía, tạo sự chú ý cho đám quân đang còn lùng sục bên ngoài và trên không. Ðó là chưa kể đến việc tiêu tiểu của họ. Bên cạnh nỗi khó chịu về thể chất, họ còn chịu sự căng thẳng thần kinh do tình trạng bất động kéo dài.
Ðêm đầu tiên ở cánh đồng mía, Fidel đặt dọc cây súng trên người, nòng súng ngay sát cổ và báng súng chạm vào chân. Ông tháo chốt an toàn, móc ngón tay vào cò súng, rồi khẽ nói với giọng nghiêm trọng, “Tôi sẽ không – không bao giờ - để lính của tên độc tài bạo ngược bắt sống trong khi tôi ngủ! Nếu chúng tìm thấy tôi, tôi chỉ cần bóp cò.”
Hai chiến hữu của ông nhìn nhau hoài nghi. “Fidel, anh điên rồi,” Universo Sánchez nói với ông pha chút khôi hài. “Tôi cũng không muốn bị bắt sống, nhưng hành động của anh đúng là tự sát. Các lô đất ở đây có nhiều cua lắm, anh biết mà, và một con cua có thể cướp cò súng của anh dễ như chơi đấy!” Fidel vốn không thích trái ý mình, chỉ thì thầm trả lời bằng giọng hờn dỗi: “Ðược thôi, vậy thì anh cứ làm những gì anh muốn. Tôi sẽ cứ nằm ngủ trong tư thế này.” Vậy là đêm nào ông cũng ngủ với tư thế như vậy dưới đám lá mía, với nòng súng kê sát cổ. Universo chọn tư thế ngủ với súng bồng trong tay, còn Faustino thì ngủ không có vũ khí.
Ðiều duy nhất mà Fidel không thể làm được là phải hoàn toàn câm nín. Chỉ vì ông không thể không nói chuyện. Không chỉ là cơn bức bách bình thường cần phải diễn thuyết về bất kỳ đề tài nào đó (ông không phải là người thích nói về những chuyện vụn vặt, hễ mở miệng nói là gần như ông chỉ đề cập đến những chuyện trọng đại). Bị “đóng đinh” trên đồng mía, ông bực dọc và nôn nóng nghĩ đến mọi chuyện sắp tới: vạch kế hoạch trốn thoát, vạch sẵn trong đầu việc tổ chức đạo quân du kích chiến, chuẩn bị ngày thắng lợi, định hình bộ khung cho những luật lệ và biện pháp cách mạng. Bằng giọng thì thào, có kiềm chế, ông nói suốt ngày đêm, không thực sự mong ai tiếp chuyện – gần như là một cuộc độc thoại hoặc một bài diễn thuyết thầm thì. Faustino Peréz, viên bác sĩ giỏi và có tư tưởng phóng khoáng, nhớ lại những bài phát biểu dưới đám lá của Fidel như sau:
“Bàn về chuyện đi tiếp đến Sierra Maestra, Fidel tin tưởng chúng tôi sẽ gặp lại đồng đội. Ông ấy nói rằng vào chiều hôm đó hoặc để qua sáng hôm sau, chúng tôi sẽ đi. Cá nhân tôi, lúc đó tôi lại nghĩ là có lẽ đó là lúc chúng tôi có thể thu xếp một cuộc ngừng bắn, có nghĩa là phải thoát ra khỏi nơi này, tìm cách tự tổ chức lại rồi tìm cách quay trở lại.
“Bản thân tôi thì nghĩ như vậy nhưng chưa kịp nói ra thì Fidel lại bắt đầu nói về việc tái hợp với đồng đội và tiến bước. Ông ấy cho rằng việc tái hợp với đồng đội là chuyện đương nhiên, và ông nói về các cuộc giao chiến nhỏ mà chúng tôi phải tiến hành để duy trì sự phát triển - không chỉ là sự tham gia của các người lính viễn chinh mà chúng tôi gặp lại mà còn của cả những nông dân muốn gia nhập cùng chúng tôi nữa. Tóm lại, những gì sẽ diễn ra sau đó thực sự đã được Fidel nhìn thấy rõ trong đầu rồi vào cái lúc mà chỉ có ba người chúng tôi và chưa biết gì về những người khác.
“Có thể nói là chúng tôi phải chụm đầu vào nhau để nói chuyện với nhau, và phải thì thào thật khẽ vì biết chắc bọn lính đang vây quanh chúng tôi đâu đó. Với giọng thì thào nhưng với tính sôi nổi cố hữu của mình, Fidel đã nói với chúng tôi các kế hoạch tương lai của ông. Lần đầu tiên tôi mới được nghe ông ấy nói nhiều về những chuyện khác, về ý nghĩa cuộc đời, về cuộc đấu tranh của chúng tôi, về lịch sử, về tất cả mọi thứ. Thú thật, chính ở nơi đó tôi mới hiểu hết về Fidel và niềm tin tưởng tuyệt đối của tôi vào ông bắt đầu hình thành. Vì ở đó, trong cánh đồng mía ấy, ông đã nói với tôi về ý nghĩa của sự vinh quang.
“Tôi nhớ lần đầu nghe ông ấy nhắc đến câu nói của José Martí, rằng “mọi vinh quang trên cõi đời đều nằm gọn trong nụ mầm của hạt bắp”. Tôi biết câu nói này của Martí, nhưng không dành cho trường hợp này, cũng không dành cho trường hợp mà Fidel đang nói đến lúc bấy giờ về cuộc đấu tranh mang ý nghĩa gì đối với cuộc cách mạng, về những ý nghĩa của cuộc đấu tranh này, những ý nghĩa mà cuộc sống mang lại cho cuộc cách mạng, và làm sao mà người ta lại không thể chiến đấu vì các tham vọng cá nhân, cũng không phải cho tham vọng của sự vinh quang... Ông ấy nói về sự cần thiết và sự thỏa mãn, cùng một lúc, mà một cuộc cách mạng có trong khi chiến đấu vì người khác, khi chiến đấu vì dân tộc, khi chiến đấu vì những con người thấp kém.
“Những ý tưởng mà tôi trình bày là những gì đã hấp dẫn tôi nhất [trong con người Fidel]. Nhưng ông ấy còn nói về nhiều chuyện khác nữa. Chẳng hạn như về việc tổ chức một quốc gia, về dân tộc Cuba, lịch sử, tương lai của Cuba. Và về việc cần phải làm một cuộc cách mạng, một cuộc cách mạng thật sự. Thời gian đó, chúng tôi không nói đến chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa cộng sản mà về một cuộc cách mạng xã hội, cuộc cách mạng thật sự và về vai trò của chủ nghĩa đế quốc ở đất nước mình.
“Thú thật, cũng có lúc tôi tự nhủ, ‘Mà này các anh ơi, nếu chỉ có ba người chúng ta thì có nghĩa gì, làm sao có thể nói đến chuyện đấu tranh và thắng lợi sau này? Chắc Fidel điên rồi!’ Rồi chúng tôi trầm ngâm và lời giải thích của Fidel làm chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về tầm quan trọng của mọi việc.
“Quí vị biết đấy, Fidel thực ra không tin là nhóm tám mươi hai lính viễn chính chúng tôi hoặc thậm chí toàn bộ Phong Trào 26 Tháng 7 được tổ chức trong cả nước sẽ dẫn dắt dân tộc này đến thắng lợi. Những người sẽ giành được thắng lợi, những người mà dân tộc Cuba cần sẽ là một tổ chức của những người tiên phong, làm con đường tỏa sáng, chỉ ra cách thức, thí dụ, dân tộc Cuba sẽ phải làm để giành lấy chiến thắng. Ðây chính là điểm quan trọng mà Fidel bàn với chúng tôi, muốn rằng sẽ tìm thêm mười, mười lăm và năm mươi chiến binh nữa – đây là những gì ông muốn làm ở Sierra, dùng hành động của chúng tôi làm tấm gương, khơi sáng lên ngọn lửa yêu nước, vì đất nước này chắc chắn sẽ đứng lên trả lời bằng hành động đấu tranh theo cách riêng của mình. Ðó sẽ là một cuộc đấu tranh quyết định, đều khắp và của quần chúng. Và đây chính là bài học lớn mà Fidel muốn rao giảng vào lúc đó: bài học về niềm tin, về chủ nghĩa lạc quan - và đồng thời cũng là bài học về chủ nghĩa hiện thực.
“Hiểu theo ý nghĩa đó, Fidel là người có niềm tin tuyệt đối. Thế nhưng, làm sao ta giải thích được niềm tin này, thực ra còn hơn cả niềm tin nữa, vì chúng ta biết là có niềm tin của những con người lý tưởng, niềm tin mù quáng và niềm tin không có cơ sở thực tế – nhưng niềm tin của ông ấy là hoàn toàn có cơ sở thực tế.” Còn Universo Sánchez, người nông dân Matanzas nhớ lại bài hùng biện thì thầm dưới cánh đồng mía của Fidel như sau:
“Có đoạn, Fidel bắt đầu bàn về - dường như là để cho Faustino và tôi thêm chút can đảm – cách mạng và tương lai sẽ như thế nào. Ông nói đến các chương trình mang tính cách mạng, ông muốn lên tinh thần cho chúng tôi. Và chẳng lúc nào Fidel tự coi mình là kẻ thất trận cả. Với ông luôn luôn là việc tập hợp lại dân tộc mình. Cũng có lúc tôi có ý nghĩ là Fidel điên rồi. Tôi nhủ thầm “Chết thật, ông ấy sắp điên đến nơi rồi”. Quí vị sẽ nhìn thấy trên khẩu súng của tôi có khắc tên tôi trên đó, bằng đầu lưỡi lê vì tôi nghĩ là khi chúng giết tôi, gia đình tôi sẽ biết tôi đã chết rồi. Lúc đó, tôi không tin là mình có thể sống sót mà thoát khỏi Sierra Maestra, nên tôi mới khắc tên mình lên khẩu súng... Và rồi tôi nghĩ chắc Fidel bị điên, chứ làm sao chỉ với vài người như vậy mà ông có thể thắng được Batista? Fidel luôn dự đoán rồi có ngày Sierra sẽ rất đông chiến binh – và thời điểm đó sắp đến rồi. Còn tôi thì nhủ ‘Tệ thật, nhìn cái kiểu Fidel tiên với đoán kìa.’ Rồi tôi nghĩ đến cái chết và nghĩ xem mình sẽ chết như thế nào.’
Bản tính thích trò chuyện của Fidel là một huyền thoại mà thời điểm trong cánh đồng mía chỉ là một thí dụ nhỏ. Ông diễn thuyết mọi lúc mọi nơi. Năm 1985, có lần, sau khi thu băng buổi phỏng vấn của truyền hình với Fidel tại Dinh Cách Mạng ở Havana, người ta hỏi Raúl Castro là ông có theo dõi hết năm giờ nói chuyện trước ống kính của anh trai mình không.
Vốn là người có óc khôi hài, Raúl đáp: “ Ồ Chúa ơi, thôi đi... Kiếp này tôi nghe Fidel nói như vậy là đủ rồi. Quí vị biết không, hồi tôi bị nhốt chung một xà lim với Fidel, là nơi mà anh ấy bị biệt giam khoảng chừng một năm – đó là ở Ðảo Thông hồi cuối năm 1954, khi chúng tôi thụ án tù vì tội tấn công trại lính Moncada - suốt mấy tuần anh ấy không để cho tôi ngủ. Suốt thời gian ở một mình, ngày cũng như đêm, anh ấy cứ nói mãi không thôi.”
Ngoài ra, khi trò chuyện với một người nào đó, Fidel Castro muốn người đối thoại phải chú tâm vào điều ông đang nói. Trong lúc đàm đạo, ông thường thích đứng hơn là ngồi - và lúc bị kích động bởi một ý tưởng hay một sự sỉ nhục mà ông tin là phải chịu ở trong một bối cảnh chính trị thế giới nào đó, ông có khuynh hướng tăng nhanh nhịp nói – và nếu vị khách nào đó tỏ vẻ lơ đãng thì có thể họ sẽ phải nhận được sự nhắc nhở bằng cái đẩy tay nhẹ vào ngực hay vào tay ngay lập tức!
Fidel cũng là một người biết lắng nghe tuyệt vời khi ông quan tâm đến đề tài hay chính bản thân người nói chuyện. Và ông cũng rất giỏi trong việc đặt câu hỏi.
Các câu hỏi của ông thường nhanh chóng xoáy thẳng vào trọng tâm của vấn đề đang thảo luận. Trong lúc đàm luận, người ta thường cảm thấy rõ là ông rất muốn phát biểu, nhưng tính lịch sự và tò mò thường giúp ông kiềm chế – và Fidel sẽ im lặng rất lâu, nhâm nhi điếu xì gà, mồi lửa rồi lại dập đi (trước khi ông đột nhiên bỏ hút thuốc vào cuối năm 1985), hoặc lấy ngón tay xoắn xuýt bộ râu cằm và môi chề ra, một cử chỉ quen thuộc lúc ông đang tư lự.