Toàn thân đẫm mồ hôi, bụi đất, phong trần, người thanh niên cao lớn trong bộ quân phục màu xanh ô liu bạc màu cẩn trọng trườn từng chút một bên trong cánh đồng mía rậm rạp cho đến khi hoàn toàn khuất hẳn bỏ lại phía sau những kẻ đang truy đuổi tìm kiếm. Cặp mắt sáng, cương nghị sau chiếc kính gọng sừng trên khuôn mặt râu ria rậm rạp đã lâu không cạo luôn quan sát mọi phía và hai tay luôn nắm chặt khẩu súng trường có ống ngắm sẵn sàng nhả đạn - vật tùy thân sống còn duy nhất của ông vào lúc này.
Người thanh niên đó là một luật sư ba mươi tuổi tên gọi đầy đủ là Fidel Alejandro Castro Ruz, người có chủ trương triệt để nhất đối với cuộc cách mạng chính trị, xã hội đang làm rung chuyển đất nước Cuba. Vậy mà lúc này đây - ngay giữa trưa thứ năm, ngày 6 tháng chạp năm 1956, ông không những đang phải đối mặt với hiểm họa và cái chết, mà mọi ước mơ của ông gần như đang tan đi như bong bóng.
Ðã nhiều năm qua, dân Cuba chỉ biết Fidel Castro qua hình ảnh một người đang mưu tính chuyện đội đá vá trời, một con người luôn gặp gian truân, đi từ thất bại này đến thử thách khác. Còn với thế giới bên ngoài, nhất là nước Mỹ láng giềng, ông chỉ là một kẻ khác thường, đơn độc trong vùng Caribê mà trong mắt của chính quyền Tổng thống Eisenhower thì không có gì phải đáng lưu tâm.
Sự làm ngơ của Mỹ cho thấy thái độ truyền thống của họ đối với đảo quốc gần nhất này. Mỹ gần như nghĩ mình đương nhiên là người bảo hộ ở khu vực Tây bán cầu: Washington không cần phải bận tâm đến nền chính trị và các chính trị gia ở Cuba vì các thống đốc của họ ở Havana luôn đủ khả năng để “dàn xếp” những chuyện lộn xộn như vậy. Còn vào cuối năm 1956, ai đó nói rằng chỉ vài năm nữa thôi, cậu bé trường tiểu học với bức thư gửi Tổng thống Mỹ ngày nào sẽ tiến hành cuộc cách mạng, lãnh đạo thành lập nhà nước Cộng Sản đầu tiên ở Châu Mỹ ngay sân sau của Mỹ thì ngay lập tức sẽ bị cười vào mũi và cho là chuyện không tưởng.
Khoảnh khắc trong cánh đồng mía của Fidel lúc ấy thật bi đát. Trước đó bốn ngày, Fidel và nhóm nghĩa quân ít ỏi đến không ngờ của ông sau chuyến vượt biển gian khổ từ Mexico đổ bộ lên bờ biển phía nam tỉnh Oriente, quê hương của ông ở Cuba, đã bị quân chính phủ vây chặt kín mít. Những người lính viễn chinh vừa kiệt sức vừa đói khát đã bị đánh cho tan tác và phải tháo chạy ngay trưa hôm trước trong cuộc chiến trên cạn đầu tiên của họ.
Mang trong mình dòng máu Tây Ban Nha kiên cường, Fidel chưa bao giờ nghĩ rằng ông và tám mươi mốt nghĩa quân trở về nước tiến hành đấu tranh lật đổ chế độ độc tài của tổng thống Fulgencio Batista Zaldivar lại phải buông vũ khí đầu hàng. Ngược lại, vốn có tầm nhìn rộng và lạc quan, ông luôn cảm thấy vững tin vào thắng lợi của mình dù trong bối cảnh cực kỳ bất lợi. Thực ra trong đầu ông đã mưu tính một cách chính xác những kế hoạch để đối phó với chính quyền độc tài.
Trong lần tiếp xúc sau cùng của tác giả – Tad Szulc, phóng viên tờ thời báo New York (Mỹ) – với Fidel Castro ở Havana khi ông sắp đón sinh nhật lần thứ sáu mươi, Fidel có vẻ hơi triết lý về cuộc đời. Giữa nhiều nhận thức mới mẻ khác, ông tin chắc rằng cách đây hơn một phần tư thế kỷ, định mệnh đã chọn ông và bắt ông phải vượt qua được mọi thử thách, gian truân thì mới được phép vươn đến đỉnh cao quyền lực.
Ðây là một trong nhiều đề tài mà Fidel đề cập đến trong một tối đàm đạo về lịch sử và thân phận con người với người phóng viên này tại văn phòng ông ở Dinh Cách mạng. Fidel hoàn toàn thật lòng khi thừa nhận rằng trên thực tế có một số nhà lãnh đạo được trao cho sứ mệnh quyết định các vấn đề của nhân loại, và ông là một người như vậy.
Ðoạn, ông chuyển qua đề tài lịch sử ưa thích của mình, ông nói rằng những nhà lãnh đạo ấy có thể dùng suy nghĩ chủ quan của họ tác động lên những điều kiện khách quan trong một quốc gia. Ðối với Fidel đây là một điểm tuyệt đối quan trọng trong việc diễn giải “đúng đắn” cuộc cách mạng Cuba vì ông đã thành công trong việc chứng minh sự sai lầm trong các học thuyết cách mạng “cũ kỹ” khác ở Cuba. Những nhà cách mạng khác ở Cuba cho rằng cuộc cách mạng quần chúng ở Cuba mà Fidel luôn thuyết phục người khác là điều không thể vì các “điều kiện khách quan” cần thiết ở đây không hội đủ. Kết quả là những phe nổi dậy khác đã quay lưng lại với phong trào của những người cùng phía với Fidel chỉ đến khi họ thấy là thắng lợi của ông đang đến gần. Và một việc chưa có tiền lệ: các phong trào chống đối khác bị Fidel (người không thuộc đảng phái nào) hấp dẫn và chuyển sang hợp tác. Tự họ đã đặt mình vào trong tình huống không còn cách chọn lựa nào khác.
Thực ra, trong những ngày đầu tiên, những phong trào nổi dậy kỳ cựu không dễ dàng tiếp nhận quan điểm cho rằng “nhân cách một người có thể là một yếu tố khách quan” trong tình hình chính trị nhiều biến động, hoặc thậm chí tin rằng nhân cách của chỉ một người có thể phát động được một cuộc cách mạng toàn quốc. Chỉ Fidel và những người theo tư tưởng của ông mới tin vào những điều như thế.
Người ta cho rằng vào năm 1956, đảng Cộng sản Cuba – được biết chính thức dưới tên Ðảng Xã hội Nhân dân và bị chính quyền Batista đặt ngoài vòng pháp luật sau cuộc đảo chính ngày 10 tháng 3 năm 1952 – đã chỉ chú trọng vào việc kiểm soát các thành phố mà quên đi sự hậu thuẫn cần thiết từ phía nông dân.
Fidel không đề nghị một cuộc cách mạng nông dân ở Cuba, nhưng trong trọng tâm chiến lược của mình, ông hình dung một cuộc chiến tranh du kích lan rộng nhờ vào sự yểm trợ của nông dân từ các tổ kháng chiến trên núi và rồi đúng lúc sẽ chiếm lấy cả đảo quốc – một quan niệm mà các phong trào khác đã không thể hiểu được. Kết quả là tháng 11/1956 các đảng “kỳ cựu” đã bí mật gởi phái viên đến Mexico để khuyên ông từ bỏ kế hoạch đã công khai trước dư luận về việc sẽ quay về Cuba trong năm đó với khẩu hiệu “tự do hay là chết”.
Cho đến lúc đó, cả Liên Xô và Mỹ đã không hiểu đầy đủ về cách thức hành động của Fidel: ông kiến tạo cuộc cách mạng của mình chủ yếu dựa trên cảm tính của lịch sử Cuba. Ông rút ra bài học từ nguồn gốc sâu xa trong các cuộc nổi dậy giữa thế kỷ mười chín chống lại ách thực dân Tây Ban Nha, và các chủ thuyết của họ về chủ nghĩa dân tộc, về cấp tiến và về sự công bằng xã hội. Cho dù cá nhân Fidel đi theo chủ nghĩa Marx từ bao giờ chăng nữa, ông cũng đã đợi hơn hai năm sau thắng lợi mới công khai xác định mình với chủ nghĩa xã hội; có thể đây là hành động mang tính chiến thuật, song điều này cũng thể hiện sự thừa nhận tình cảm của người Cuba đối với cuộc cách mạng Sierra Maestra.
Vị thánh chính trị được tôn kính nhất ở đất nước Cuba là José Martí, vị anh hùng dân tộc vĩ đại trong cuộc chiến giành độc lập và là một trong những nhà tư tưởng lỗi lạc nhất của châu Mỹ La tinh, và người còn lại là nhà triết học duy vật nổi tiếng Karl Marx. Chân dung của họ xuất hiện ở khắp mọi nơi. Tất nhiên, Martí – người luôn lên tiếng cảnh báo trước những tham vọng của Mỹ tại Cuba và vùng vịnh Caribê – chính là tấm gương sáng mà Fidel luôn noi theo. Trong các bài diễn văn, ông thường nhắc rằng chính sự ý thức về lịch sử và dân tộc của Cuba và chủ nghĩa Marx là những nền tảng thiết yếu khai sinh ra cuộc cách mạng vĩ đại này. Năm 1978, hai mươi năm sau thắng lợi, ông đã lưu ý nhân dân Cuba và thế giới rằng “chúng ta không chỉ là những người thừa hưởng những giá trị tinh hoa của chủ nghĩa Marx - Lenin, mà trên hết chính là những người theo chủ nghĩa dân tộc và yêu nước.”
Khi Fidel nắm giữ cương vị bí thư thứ nhất Ðảng Cộng Sản Cuba kể từ năm 1965 (phải mất gần bảy năm Fidelismo, chủ nghĩa Fidel, mới phát triển Cuba thành một nhà nước xã hội chủ nghĩa), những khái niệm “khách quan” và “chủ quan” lúc đó mới mang một ý nghĩa rõ ràng đối với chủ nghĩa Marx - Lenin của đảo quốc này. Cá nhân ông cho rằng phương pháp tiếp cận chiến lược cách mạng của mình là một đóng góp thực tiễn vào chủ nghĩa Marx khoa học. Bởi ngoài tài trí ngoại hạng của ông, Fidel Castro là con người hành động để kiểm chứng mọi thứ.
Ở tuổi sáu mươi, râu và tóc đã ngả bạc, Fidel đang tìm một tầm nhìn hành động mới. Theo truyền thống José Martí, ông đang gánh thêm trách nhiệm của nhà lãnh đạo lục địa to lớn này: một chính khách lão thành của vùng châu Mỹ La tinh. Ðược biết thời gian đó ông đang nhắm đến các mục tiêu mới vì ông cảm thấy hài lòng với những gì mình đạt được trong việc tổ chức và nhận thức thể hiện qua vai trò một chủ tịch nước. Nếu vậy, lịch sử sẽ còn chứng kiến thêm nhiều sự kiện nữa.
Cuộc cách mạng đã mang lại cho Cuba những điều kỳ diệu như xã hội bình đẳng, công bằng, ngành y tế cộng đồng tốt hơn, nền giáo dục tiến bộ và tài sản quốc gia được phân phối đồng đều. Và Fidel Castro hoàn toàn xứng đáng được cộng đồng trong và ngoài nước tín nhiệm với những thành tựu này. Tuy nhiên trong một giai đoạn, do bức xúc trong việc phải đưa ra các viễn cảnh phát triển mới của Cuba trong tình hình thực tế không thuận lợi và nhiều khó khăn chưa giải quyết được đã khiến ông mất một thời gian chiêm nghiệm một mô hình phát triển, xây dựng xã hội Cuba phù hợp với hoàn cảnh riêng.
Vào giữa thập niên 1980, Fidel bắt đầu dành thật nhiều thời gian vào các kế hoạch, dự định mới mới. Ông chuyên tâm giải quyết những vấn đề của bán cầu thông qua các cuộc họp đặc biệt cũng như trong hàng loạt những bài diễn thuyết, nói chuyện và phỏng vấn của ông. Qua các chiến dịch thông tin tuyên truyền, tâm trí nhân dân Cuba khi đó đầy ắp những huyền thoại và ký ức về Simón Bolívar, anh hùng cách mạng trong thế kỷ 19, “Nhà Giải phóng” đối với đa số dân tộc Nam Mỹ nhưng đã thất bại trong công cuộc thống nhất các quốc gia mới độc lập ấy. Ðiều này cho thấy sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của lý tưởng Bolívar đối với Fidel. Trong một bài diễn văn đọc ở Havana, Fidel đã cất cao câu nói nổi tiếng của Bolívar: “Thống nhất, thống nhất... nếu không tình trạng vô chính phủ sẽ nuốt chửng lấy bạn.” Ðiều này một lần nữa cho thấy niềm tin sâu sắc của Fidel rằng một số nhân vật vĩ đại sẽ ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử.
Niềm tin này đầu tiên đã dậy lên trong người Fidel Castro vào một ngày tháng chạp cách đây đã lâu trên cánh đồng mía ở tỉnh Oriente, dưới làn bom đạn. Nhiều năm sau, Fidel kể với một vị khách người Mỹ rằng những ngày đêm ẩn náu cùng hai chiến hữu trên cánh đồng mía xa xôi có tên là Alegría de Pío (Niềm Vui Thích của Pío) chính là “những giờ phút u ám nhất” trong cuộc đời sóng gió của ông. Ông nhận xét rằng chiếc bẫy phục kích của quân đội khi ấy còn “đau đớn hơn” cả lúc ông bị cầm tù năm 1953 khi cùng các đồng chí được vũ trang nghèo nàn đột kích trung tâm chỉ huy quân sự của Batista; cuộc phục kích trên cánh đồng mía ấy là điều mà “tôi không muốn nhắc lại chi tiết.” Nên nhớ, Fidel vốn không phải là người sợ phải nói đến thất bại.
Trên thực tế, chưa bao giờ ông công khai nói về sự kiện Alegría de Pío một cách chi tiết ngoài việc thú nhận “chúng tôi bị bất ngờ và bị đánh tan tác” bởi kẻ địch “có ưu thế rất lớn về quân số”. Có lần, trong khi chúng tôi đang uống rượu trước bữa ăn tối trong căn nhà nghỉ sau chuyến đi săn ở phía tây Cuba, Fidel vẽ phác khu bờ biển Oriente nơi quân nổi dậy viễn chinh đổ bộ – ông giải thích các vấn đề đáng sợ mà họ gặp phải khi đi trên biển, sau khi mô tả việc không được huấn luyện đầy đủ đáng ngạc nhiên về các vũ khí ở Mexico – nhưng ông không hồi tưởng về những ngày đầu tiên khi những chiến sĩ du kích đã lên bờ.
Dĩ nhiên, địa danh Alegría de Pío là bước ngoặt trong đời Fidel và cuộc cách mạng của ông. Lịch sử Cuba và thế giới chắc đã tiến hóa cách khác nếu người đàn ông này ít quyết tâm hơn và nhất là ít may mắn hơn. Vận may của Fidel luôn xuất hiện trở lại đúng lúc để giúp ông tồn tại.
Cho đến giờ, việc cảm nhận Fidel Castro là một con người bình thường thật không dễ dàng gì. Gương mặt rậm râu của ông có lẽ là một trong những diện mạo nổi tiếng nhất trong thế giới đương thời. Quan điểm chung của ông về đủ loại chủ đề dưới vòm trời này (từ thuốc chữa bệnh, đến việc nấu nướng đến chuyện hệ trọng quốc gia châu lục) đã được thể hiện trong hàng ngàn bài nói chuyện, phân tích, phát biểu của ông suốt những năm dài. Thiên tài hùng biện và khả năng diễn thuyết của ông là một trong những điều bí ẩn đầy khâm phục đối với mọi người và nhiều chính khách nổi tiếng trên thế giới. Ít ai khám phá ra rằng chính qua những lần diễn thuyết, hùng biện ứng khẩu hùng hồn, sắc sảo và đầy sức thuyết phục, chính Fidel khám phá ra nhiều điều quan trọng của chính mình và vấn đề, đối tượng đang đề cập và ngày một phát triển khả năng nhạy cảm đặc biệt và tư duy lôgic cực kỳ sâu sắc, bao quát chặt chẽ và thực tế. Với thói quen bí mật của một nhà mưu lược, Fidel là bậc thầy về sự giấu mình. Ông đã làm nản chí những ai muốn nghiên cứu sâu xa, tìm hiểu, khúc chiết về quá khứ của ông và lịch sử cách mạng – hoặc ít ra đối với những người muốn viết sách về ông.
Dù có tính cách hướng ngoại, nội tâm của Fidel lại rất sâu lắng. Khi mới tiếp xúc lần đầu, ông là một người trầm tĩnh đến lạ lùng. Ông muốn ủ kín quá khứ của mình, nhất là về thời tuổi trẻ và những gì đã qua. Fidel chọn lọc rất kỹ, khi phải tiết lộ những dữ kiện mà theo sự biện minh của ông, có thể khiến công chúng có cái nhìn khác về ông. Ông muốn kiểm soát cả những nét phác đại cương lẫn những đường cọ trong bất kỳ bức vẽ nào về Fidel Castro – hệt như bản thân ông đã từng kiểm soát mọi chuyện khác ở Cuba. Fidel, học trò của quá khứ và bậc thầy về chính trị, hiểu rõ tầm quan trọng chiến lược của việc kiểm soát lịch sử.
Gần đây, Castro, người được giáo dục trong niềm tin Ky-tô giáo và là người tự nhận mình theo chủ nghĩa Marx Lenin, đã dành nhiều thời gian bàn bạc và chỉ thị để công bố một cách hợp lý về mặt tri thức các giá trị chung giữa Thiên Chúa giáo và chủ nghĩa Marx trong việc thực hiện công bằng xã hội. Kể từ khi John Paul II được bầu làm Giáo Hoàng, Fidel thường ca ngợi ngài đã quan tâm đến người nghèo thuộc Thế Giới Thứ Ba (Cuba và Vatican không ngừng quan hệ ngoại giao và Fidel đã từng ăn tối riêng với đại diện Ðức Giáo hoàng ở Havana). Người ta đã bàn đến cuộc gặp gỡ giữa hai người. Ngoài ra, cuộc tiếp xúc giữa Fidel với giới tu sĩ Cuba vào tháng hai năm 1986 là hội nghị Thiên Chúa giáo La Mã quan trọng nhất kể từ khi có cách mạng.
Fidel thường liên hệ chủ nghĩa xã hội với Thiên Chúa Giáo. Về mặt trí tuệ khi ông ca ngợi “học thuyết giải phóng” (phong trào công bằng xã hội hùng mạnh trong Giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã hiện đại ở Mỹ La Tinh) và về mặt thần bí khi ông suy ngẫm về bản chất của sự tử vì đạo. Năm 1985, trong một buổi đàm đạo rất lâu, Fidel đã nêu nhận xét với một tu sĩ dòng Dominic người Braxin rằng: ”Tôi chắc chắn rằng đài kỷ niệm, nơi an nghỉ của người liệt sĩ cách mạng hôm nay, cũng là nơi hôm qua một con người tử vì đạo đã nằm xuống. Ông nói thêm rằng, ở đâu không có “lòng vị tha”, ở đó sẽ không bao giờ có anh hùng, dù là chính trị hay tôn giáo.” Ông còn nói: “Trong một thời khác, nếu có tên gọi nào bị bọn phản động thù ghét hơn tên gọi Cộng Sản thì đó phải là Chúa Giê-su.” Với tình hình chính trị căng thẳng dễ bùng nổ trong khu vực Mỹ La tinh, và con đường mới mà giáo hội non trẻ ở đó chọn lựa thì Fidel đang mạnh dạn dấn thân vào chứ không phải chỉ lý thuyết suông. Ðiều này thích hợp với các ý niệm người hùng Bolívar mang tính chiến lược của ông, nhưng cũng làm xuất hiện chủ nghĩa thần bí và logic của một người hiểu biết về Thiên Chúa giáo.
Tình cảm mà Fidel dành cho con trai đầu lòng của mình là Fidelito (cậu bé lên 5 tuổi thì cha mẹ cậu ly dị) thật mạnh mẽ khác thường nếu chúng ta biết rằng ngay từ khi chào đời, người cha Fidel của cậu đã liên tiếp trải qua những giai đoạn gian truân, lưu lạc. Từ lúc bắt đầu mưu chuyện lớn (khi hành nghề luật sư, Fidel không bao giờ lấy tiền công của người nghèo), rồi tù chính trị, sống lưu vong như một du kích quân và cuối cùng trở thành một nguyên thủ quốc gia. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, ông vẫn luôn cố tìm cách để được nhìn thấy Fidelito, đến mức ông nhờ người mang con trốn qua Mexico đến tận nơi nghĩa quân đang huấn luyện. Fidelito giờ đây đã là bác sĩ từng được đào tạo ở Liên Xô. Anh lập gia đình và là cha của hai đứa con và ngày càng xuất hiện nhiều trước công chúng. Anh chủ tọa các cuộc họp khoa học và dự những buổi lễ tiếp tân tại Dinh Cách Mạng trong vai trò tổng thư ký Ủy Ban Năng Lượng Cuba. Ở tuổi ba mươi lăm, trông anh giống hệt người cha khi còn trạc tuổi anh. Ở Havana, mọi người đều biết Fidel còn có ít nhất một người con trưởng thành khác nữa (và một đứa cháu) từ một cuộc tình lãng mạn.
Tuy nhiên, Fidel Castro vốn là người kín đáo và dân Cuba thường không bàn về đời tư của ông chủ yếu vì kính trọng ông. Ông không bao giờ tái hôn và kể từ khi Celia Sánchez, người bạn và chiến hữu tận tụy của Fidel qua đời vì bệnh ung thư năm 1980, không còn ai thay thế được bà trong lòng ông nữa. Lẽ đương nhiên, Celia là người phụ nữ quan trọng nhất – và rất có thể là người quan trọng nhất trong cuộc đời ông. Không người phụ nữ nào khác được nêu tên công khai bên cạnh tên Fidel kể từ khi Celia qua đời và có lẽ sẽ không bao giờ có nữa. Dẫu xung quanh ông luôn có nhiều người, song Fidel luôn có cảm giác một mình.
Fidel Castro là người con thứ năm trong số chín người con của ông Ángel Castro Y Argiz, một điền chủ ở Tây Ban Nha; hai người con đầu là con riêng của cha ông với người vợ đầu tiên. Fidel Castro và em trai Raúl, người được chỉ định kế vị ông làm nguyên thủ quốc gia và bí thư thứ nhất đảng Cộng Sản, rõ ràng có quan hệ chính trị và cá nhân rất đặc biệt với ông - họ san sẻ với nhau mọi kinh nghiệm cách mạng – nhưng những khi rảnh rỗi họ ít có thời gian dành cho nhau (Raúl có vợ con và là người rất hay lo lắng chăm sóc cho gia đình). Quan hệ của Fidel với người anh ruột Ramón và người chị cùng cha khác mẹ Lidia ít thân hơn. Một người anh khác mẹ cùng người chị và em gái ở Havana rất ít khi gặp ông. Ông còn một em gái từ lâu sống ở Mexico và đặc biệt cô em Juana sống cách biệt ở tận Miami thì luôn tìm cách công kích ông dù rằng trong cuộc chiến Sierra, Juana là người nhiệt thành ủng hộ ông.
Trong cuộc chiến tranh du kích, Castro đã cho đốt vùng đất trồng mía của gia đình để làm gương chống lại giới giàu có ở Cuba. Sau này, đất đai của gia đình Castro được nhà nước trưng thu trong cuộc cải cách ruộng đất của cách mạng. Mẹ và các anh chị em ông chuyển quyền sở hữu đất đai thừa kế sang cho nhà nước, mặc dù cụ bà Castro được giữ lại ngôi nhà cho đến khi bà mất vào năm 1963. (Cha Fidel qua đời năm 1956 và các con cụ được hưởng gia tài). Theo luật cải cách ruộng đất năm 1959 thì tư nhân chỉ sở hữu tối đa 960 mẫu đất nên một nửa diện tích đất trong số 1.920 mẫu đất của gia đình Castro đã được nhà nước thu hồi cùng với 24.000 mẫu mà gia đình ông đã thuê dài hạn từ khu đất trồng mía cạnh đó của người Mỹ. Tuy nhiên, ít lâu sau họ đã tự nguyện hiến 960 mẫu đất còn lại cho nhà nước.
Câu hỏi cơ bản liên quan đến Fidel Castro, cuộc cách mạng năm 1959, và việc Cuba trở thành một quốc gia theo chủ nghĩa Cộng sản về mặt tự nhiên có phải toàn bộ kinh nghiệm này là một quá trình logic phù hợp với lịch sử của Cuba không hay đây chỉ là một sai lầm chính trị khác thường chủ yếu phát sinh từ tính cách quá mạnh mẽ của Fidel. Fidel, người có lần đã đòi phải có “nhiều nhà cách mạng giống như Robespierre (*)” ở Cuba, luôn nhấn mạnh đến tính tất yếu lịch sử của các biến cố bên cạnh vai trò chủ quan mà ông đã thể hiện.
Mặc dù câu trả lời cuối cùng quá phức tạp đến mức khó lòng gói gọn trong một vài lời giải thích phiến diện nhưng vai trò cá nhân của Fidel trong việc khai phóng và dẫn dắt cuộc cách mạng chắc chắn không ai có thể phủ nhận được. Cho dù ông chiến đấu chỉ nhằm đạt đến quyền lực cá nhân, về điều này cần nhấn mạnh ở đây là không hề có, thì thực tế mà ai cũng thấy là, trong lịch sử hiện đại, không một nhà lãnh đạo cách mạng hoặc nguyên thủ quốc gia nào dám đem sinh mệnh cá nhân ra thử thách trước những hiểm nguy đến thế và dám trực tiếp dấn thân vào những toan tính, nổi dậy và cả trong những lần giáp chiến công khai như ông. Khi quân viễn chinh đổ bộ phía ngoài bờ biển ở tỉnh Oriente, họ phải vượt qua khu vực đầm lầy đan xen lẫn lộn với rừng đước trải rộng hơn một dặm mới đến được bờ biển đúng nghĩa, chiến trường Alegría de Pío. Những con đường rừng cao ngoằn ngoèo, hiểm trở ở Sierra Maestra gần như trở thành cơn ác mộng khủng khiếp nhất đối với bất kỳ viên chỉ huy quân sự nào. Fidel rất muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến du kích lạ thường này đến mức ông bình thản chấp nhận và xốc tới, quyết gầy dựng quân đội cho các cuộc chiến sắp tới của ông.
Không một nhà lãnh đạo chính trị nào đang sở hữu trọn vẹn những năng lực trí tuệ của mình mà lại dám đi thuyền từ Mexico đến Cuba theo cách mà Fidel và những chiến hữu lòng đầy nhiệt huyết của ông đã thực hiện. Chiếc du thuyền của họ, mang theo nó tám mươi hai người, vốn được thiết kế chỉ để chở khoảng hơn một chục người, và không được dùng để chở các khí tài quân sự. Không một nhà lãnh đạo chính trị chẳng có chút xíu kinh nghiệm thực tế về quân sự nào lại có thể chịu đựng được suốt hai năm trời trong sự thiếu thốn lương thực, vũ khí và đạn dược ngay giữa lòng Sierra Maestra, rồi phải hành quân thường xuyên cùng với đội quân ngày một đông thêm của mình, ngược xuôi trên những nẻo đường bùn nhão và đá tảng, xuyên qua hết cánh rừng này đến cánh rừng khác. Mặc dù vậy, chưa đầy sáu tuần sau thảm họa ở Alegría de Pío, Fidel đã táo bạo tấn công một cánh quân của Batista. Ðây là trận chiến thắng lợi đầu tiên của du kích quân.
Nhà lãnh đạo Lenin đang ở Zurich khi Cách mạng Nga nổ ra – ông không phải chịu sự rủi ro trong chiến đấu. Mao Trạch Ðông kiểm soát những khu vực lãnh thổ rộng lớn và lãnh đạo những đạo quân lớn trong hầu hết các cuộc chiến chống lại quân Tưởng Giới Thạch và Nhật Bản, ông không phải trải qua giai đoạn ban đầu xây dựng các căn cứ Cộng sản và trong chiến dịch Trường Chinh năm 1934-1935, cá nhân ông cũng không thường xuyên hứng chịu những gian khổ như Fidel Castro phải đối mặt ở Cuba. Thống chế Tito của Nam Tư hoạt động tại Bộ Chỉ Huy được bảo vệ cẩn mật và sau này khi thực hiện các nhiệm vụ quân sự còn nhận được sự trợ giúp từ quân Anh và Mỹ.
Trường hợp chiến đấu như một du kích quân của Fidel Castro vì vậy là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc thấu hiểu và xác định tính cách của ông ngày nay. Ông trân trọng chức danh Tổng Tư Lệnh và những lá nguyệt quế cấp bậc gắn trên quân phục của mình. Quân sự hóa toàn xã hội Cuba là khái niệm ra đời từ chính kinh nghiệm của ông. Fidel đã học được nhiều điều trong những giai đoạn khốc liệt nhất - cuộc khởi nghĩa ở thành thị, cuộc chiến ở Sierra, từ trong các điều kiện vây hãm đó đã tạo nên một tâm trạng luôn sẵn sàng ứng phó cho đảo quốc “tứ bề thọ địch” này – một hòn đảo mà ngày nay ít nhất phân nửa dân số đã được huấn luyện và tổ chức, luôn trong tình trạng chiến tranh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Ông còn học được rằng để tồn tại, ông cần phải tuyệt đối kiên định và không khoan nhượng.