CHƯƠNG 9
Nếu mãi đến khi vào đại học Fidel Castro mới tìm hiểu về chính trị thì quả thật ông đã tiếp thu thật nhanh. Tháng 10 năm 1945, Fidel ghi danh vào trường luật ở Ðại Học Havana (các sinh viên thời đó được nhận vào học thẳng trong các khoa mà họ muốn ra trường với tấm bằng chuyên môn của khoa đó) và gần như ngay lập tức lao vào chính trị. Kỳ nghỉ hè ở Birán, ông đã được mười chín tuổi và hầu như hoàn toàn ngu ngơ về chính trị, song môi trường dữ dội ở đại học đã buộc ông phải tích cực dự vào.
Tình hình chính trị ở đại học Havana phản ánh tình trạng chung ở Cuba, dù không tránh khỏi sự cuồng nhiệt và hung hăng do lòng đam mê của tuổi trẻ và sự vận động của các nhà chính trị chuyên nghiệp. Bác sĩ Ramón Grau San Martín, người đứng đầu hội đồng chấp chính cấp tiến (yểu tử vào năm 1933-1934), được bầu làm tổng thống vào năm 1944 khi ra ứng cử đại diện cho đảng đối lập Auténtico (đảng này tự nhận theo lý tưởng José Martí), chủ yếu vì Batista muốn để ông đắc cử. Trong bầu không khí dân chủ hậu chiến, Batista không chọn cách dựng người kế tục ủng hộ giới quân sự nữa mà lui về Daytona Beach, Florida vừa tạo dựng tài sản riêng vừa ngó chừng tình hình chính trị Cuba. Grau, ngày càng chuyển nhanh sang cánh hữu và quên đi lời hứa cải cách xã hội, mặc cho chế độ của ông ngày càng lún sâu hơn vào thối nát và hỗn loạn.
Tham nhũng và sự đối đầu chính trị nảy lửa dẫn đến tình trạng bạo động tràn lan khắp đảo quốc mà Grau không thể hoặc không muốn ổn định. Trường đại học Havana biến thành trận địa giữa các băng đảng vũ trang, quay trở lại bối cảnh các “nhóm hành động” chống Machado của thập niên 1930. Giới sinh viên có ý thức chính trị không thể tránh xa các cuộc xung đột này. Ở Cuba, trường đại học là bệ phóng để trở thành các nhà chính trị chuyên nghiệp trong nước. Tuy vậy, thật khó nhận ra sự khác biệt giữa các cương lĩnh hoặc ý thức hệ của các phe phái đang quẩn quanh “ngọn đồi” đại học ở giữa thủ đô Havana và bên các chiếu nghỉ rộng của cầu thang dẫn xuống các khoa – “bậc thang” nổi tiếng, nơi thường diễn ra hầu hết các cuộc tập họp chính trị.
Trong hoàn cảnh đó, Fidel Castro, tân sinh viên luật, có nhiều cơ hội lựa chọn để gắn bó giữa những phe phái hấp dẫn về ý thức hệ hay chỉ đơn thuần có lợi về mặt chính trị thôi. Có nhiều lý do để tin rằng ban đầu chàng sinh viên Fidel cũng ít nhiều lần rảo quanh quan sát, đánh giá và trong một thời gian cố gắng giữ ‘trung lập’, tránh không để bị ngộ nhận là người của riêng phe nào. Bản năng lảng tránh của Fidel sẽ cho phép ông giữ được sự tự do hành động càng lâu càng tốt.
Với bầu không khí sục sôi, sát phạt trong trường đại học như vậy thì chuyện thay ngựa giữa dòng, nay vầy mai khác rất dễ dàng xảy ra. Chỉ những đảng viên Cộng Sản, những người tuyên thệ là thành viên của Ðảng Xã Hội Chủ nghĩa Bình dân (PSP) hay Thanh Niên Xã Hội Chủ nghĩa xã hội (JS) là còn kiên định và kỷ luật khi đối mặt với các cuộc công kích ngày một gia tăng của chính quyền Grau đối với đảng.
Fidel không là đảng viên của đảng Cộng sản, và thật khó tái hiện lại chính xác chân dung chính trị của ông trong thời gian học đại học dựa trên những hoạt động khác nhau, các vị trí và những mối quan hệ cá nhân cùng tình bạn đa dạng của ông. Chủ yếu, người ta chỉ biết rằng thời gian đầu ông tìm cách tạo tiếng tăm, và gây ấn tượng càng nhanh càng tốt. Tuy không nói gì nhiều về quãng thời gian ở trường đại học nhưng một lần, ngay sau khi cách mạng thắng lợi, Fidel ghé thăm một bạn học cũ và đã mô tả Ðại học Havana vào thời kỳ đó còn nguy hiểm hơn cả ở Sierra Maestra. Như hầu hết các sinh viên hoạt động lúc đó, Fidel không bao giờ dám đi đâu mà không mang theo súng bên người.
Từ ngày đầu vào trường, mọi người đánh giá Fidel là một thanh niên nghiêm nghị và nồng nhiệt. Ông cao hơn một thước tám, vóc người vạm vỡ, tính tình sôi nổi và rất quyết liệt. Dù nét mặt còn non trẻ, ông có cách xuất hiện khiến mọi người khó có thể quên được. Trong khi hầu hết sinh viên mặc guayabera, áo sơ mi thể thao ngắn tay, mỏng thì Fidel thường cố tình mặc bộ len sậm màu và thắt nơ trông thanh lịch, quý phái như thể muốn tách mình ra khỏi đám đông. Năm 1959 ông có kể lại rằng giữa những đợt thanh toán kiểu găngstơ: “Tôi là [Don] Quixote của trường đại học, luôn luôn là mục tiêu của những trận đòn dùi cui và họng súng.”
Ngoài việc biết tạo tính cách nổi bật, chính Fidel Castro là người hết sức hấp dẫn, thu hút đối với cả nam lẫn nữ. Với khuôn mặt trông nghiêng mang nét đẹp của người Hy Lạp, dáng đi quý phái của người Tây Ban Nha, đôi mắt nâu và ánh nhìn như xoáy thẳng vào người đối diện, cộng với tính gan dạ trong các cuộc hỗn chiến ở đại học và tài thuyết phục, Fidel đã nhanh chóng được nhiều người ái mộ. Thêm vào đó, tài năng trong thể thao của ông, đặc biệt trong môn nhảy cao và chạy 400 mét, làm cho Fidel càng nổi tiếng trong trường. Giờ đây, Fidel chỉ còn cần phải tự chứng tỏ mình là người tham gia tích cực trong lĩnh vực chính trị ở trường và trở nên nổi tiếng không chỉ bó hẹp bên các “bậc thang” sinh viên ở Havana. Cũng như ở Belén, tại trường đại học, quá khứ xuất thân không được xét đến nên điều này đã rộng đường cho phép Fidel thi thố hết tài năng của mình.
Ðại học Havana dạo đó gồm mười ba khoa, dạy từ luật đến y khoa và kiến trúc, và mỗi khoa hàng năm đều bầu ra một chủ tịch khoa. Liên Ðoàn Sinh Viên Ðại Học (FEU) đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động chính trị của sinh viên và có ảnh hưởng lớn đến nền chính trị Cuba. Chủ Tịch FEU và các thành viên lãnh đạo khác được chủ tịch mười ba khoa bầu ra. Chủ tịch của từng khoa được các đại diện của mỗi cấp lớp bầu ra (khoa luật học 4 năm nên có 4 cấp lớp, khoa kiến trúc học 6 năm nên có 6 cấp lớp...), và đại diện các cấp lớp được đại diện mỗi khóa bầu và đại diện mỗi khóa do tập thể sinh viên trong khóa bầu chọn. Về cơ bản đây là một thủ tục rất dân chủ, tiến hành từ dưới lên trên, nhưng vì tính chất đại diện quan trọng, tất cả những cuộc bình bầu lại là một phần của quá trình chính trị lớn hơn ở Cuba mà qua đó mọi người từ chính phủ cho tới các đảng phái, phe nhóm đều muốn gây ảnh hưởng bằng phiếu bầu, tiền bạc và cả cơ bắp nữa.
Do trường đại học được quyền tự trị và tự quản - cảnh sát hoặc quân đội cũng không được bước vào khuôn viên trường – “ngọn đồi thiêng” nằm giữa lòng Havana này là nơi trú ẩn an toàn đối với các chính trị gia, các thành viên găngstơ chính trị của đủ mọi tín điều. Ngay cả những bọn xấu đội lốt sinh viên cũng có thể tung hoành giữa sân trường đại học được. Sinh viên nào không ở trong ban lãnh đạo FEU hay thuộc liên đoàn sinh viên thì rất có thể người này thuộc các nhóm găngstơ hoặc các đảng phái chính trị chính thống. Tiếng súng nổ thỉnh thoảng vang lên trong khuôn viên trường và những chuyện đánh đập dã man là chuyện xảy ra như cơm bữa do các đơn vị cảnh sát mượn lý do này lý do nọ, thường là lấy cớ có bắn nhau, để ra tay can thiệp. Trên thực tế gần như không thể biết được hoàn toàn đích xác nhân thân chính trị của ai đó, và điều này đặc biệt đúng với Fidel Castro khi ông đang phải cật lực tìm đường đi qua cánh rừng chính trị ở trường đại học và ở Havana.
Fidel tranh đấu rất nhiều để được bầu vào FEU, song lần duy nhất ông thành công là năm 1945, khi đó Fidel được chọn làm đại diện một trong những khóa đầu của trường luật, không lâu sau khi nhập học. Ðây là vị trí thấp nhất trong cấu trúc FEU, và có vẻ như ông đã không thể nào gom được đủ phiếu bầu cho chức chủ tịch khoa luật. Nếu được thì Fidel đã có cơ may làm thành viên ban điều hành liên đoàn và mở đường cho chức chủ tịch FEU. Sinh viên năm đó được bầu làm chủ tịch khoa luật là Baudilio Castellanos, một bạn thời thơ ấu của Fidel ở Birán và tới tận bây giờ.
Câu trả lời nghe hợp lý nhất cho việc Fidel không được bầu vào một cương vị quan trọng nào trong trường đại học là vì ông không hòa nhập được với các tổ chức sinh viên hoặc chính trị nào; và ngược lại. Trong một bài diễn văn đọc sau cách mạng, Fidel nhìn nhận là ở trường đại học “tính mạnh mẽ và thái độ dứt khoát phải nổi bật đã khiến tôi phải chiến đấu” và “tính khẳng khái trong tôi cũng đã dễ đẩy tôi vào sự xung đột với xung quanh, với các quan chức thối nát, với tình trạng nhũng lạm và hệ thống bè phái, băng đảng đang ngự trị trong môi trường đại học.” Quan điểm này của ông đã được bạn bè và những người cùng thời trong các phe phái chính trị chia sẻ. Tính cách độc lập không gì kềm chế được trong thời gian học đại học cho thấy rằng niềm đam mê độc lập vốn dĩ của Fidel đã không bao giờ nguội lạnh và cho đến tận ngày nay Fidel vẫn luôn là chính mình.
Enrique Ovares, người giữ chức chủ tịch khoa kiến trúc trong năm năm và đảm nhận ba nhiệm kỳ chủ tịch FEU, kể: “Fidel có thể sẽ chẳng bao giờ được bầu làm chủ tịch khoa luật vì anh ấy không chịu ép mình hợp tác với những người khác.” Trong cuộc phỏng vấn dài năm 1984, Ovares cho biết, nhìn thoáng qua thì dường như “khó giải thích” là tại sao Fidel lại không thể thắng cử. “Lúc đó, đúng là Fidel đã dành ra nhiều tâm huyết, phẩm chất lãnh đạo đã được bộc lộ và có chính kiến dù hơi phóng túng... Anh ấy chưa hiểu rõ mình muốn gì, nhưng lại tự bày tỏ về mình rất tốt và được nhiều người theo. Anh ấy không nhận được đủ sự ủng hộ để trở thành một lãnh tụ sinh viên vì có lẽ các tổ chức thấy rằng Fidel là con người hoàn toàn độc lập và rất khó mà kiểm soát được anh.”
Alfredo Guevara, một trong những gương mặt gợi được nhiều sự chú ý trong chính trường Cuba và là một trong những người tin cẩn nhất của Fidel trong suốt 40 năm kết bạn, cũng xác nhận về cá tính độc lập này của Fidel. Alfredo Guevara (không có họ hàng gì với Che Guevara người Argentina), vào khoảng năm 1986 là Ðại sứ Cuba ở UNESCO, Paris, đã kể khá nhiều về thời gian học chung đại học với Fidel.
Guevara vào đại học cùng thời gian với Fidel, song lại ghi danh học khoa triết học và văn chương vì ông và hai người bạn nữa – Lionel Soto Prieto và Mario García Inchaústegui - đến trường với ý định khác thường là “chiếm lĩnh FEU.” Guevara và Soto là những thanh niên có nguồn gốc xuất thân khiêm tốn (cha Guevara là kỹ sư đầu máy xe lửa ở Havana) và đã tốt nghiệp trung học từ một trường công lập nơi cả hai điều hành một hội học sinh có tư tưởng vô chính phủ. Nhưng khi vào đại học họ bắt đầu có tư tưởng “xã hội chủ nghĩa” và chẳng bao lâu trở thành đoàn viên Thanh Niên Cộng Sản (JC).
Guevara chọn khoa triết vì ở đó nữ sinh viên thường chiếm đa số, và nếu vậy thì chức chủ tịch chắc chắn sẽ lọt vào tay anh ta và đây là một phần của kế hoạch đã được Guevara sắp đặt sẵn. Khoa luật ở sát bên khoa triết nên gần như ngay lập tức anh nghe nói bên đó có một sinh viên đang gây được chú ý tên Fidel Castro. Khi qua khoa luật, lần đầu tiên Guevara thấy Fidel đang đứng nói chuyện với một số sinh viên vây quanh anh ở hành lang. Quan tâm của Guevara là vấn đề “giới lãnh đạo” nên anh bước tới tự giới thiệu với Fidel, người đã gây ấn tượng sâu đậm nơi anh. Guevara nói: “Khi ấy, tôi có thành kiến với Fidel vì tôi từ trường công ra, là sinh viên nghèo ở Havana, còn anh ta học ở trường dòng... với các linh mục Thiên Chúa Giáo. Dưới mắt tôi vào thời đó, một trường dòng và một người có niềm tin tôn giáo đều như nhau...” Dù vậy, Guevara vẫn kết luận rằng Fidel là “một núi lửa,” và “anh ta có thể cản đường nhóm Cộng sản của Guevara, do đó chúng tôi phải chinh phục hoặc chế ngự anh ta. Tôi có cảm giác như đã tìm thấy một anh chàng sẽ thành một nhân vật xuất chúng như José Martí hoặc là một tay găngstơ chính trị ghê gớm nhất vì anh ta thuộc loại người hành động... và tôi lại muốn chinh phục anh ấy. Nhưng vấn đề là cứ mỗi lần chúng tôi cố gắng tổ chức các buổi họp chính trị theo cách mà chúng tôi vẫn làm ở trường trung học: một người đứng lên phát biểu, kế đó là người khác và người khác nữa, để chúng tôi có thể điều khiển được buổi họp cho đến lúc kết thúc. Nhưng mà Fidel, chẳng thu xếp gì trước với chúng tôi và chúng tôi cũng không biết gì về anh ta, lại cứ tự động lên phát biểu sau khi mọi chuyện đã được tổ chức đâu vào đấy. Anh ta làm đảo lộn mọi chuyện.”
Có thể vì vậy mà nhóm của Guevara đã không ủng hộ Fidel. Trong cuộc bầu cử FEU năm 1947, chính Guevara là người đã hơn phiếu khi cùng ra tranh chức vụ thư ký liên đoàn với Fidel, lúc ấy đứng chung liên danh với phía Thiên Chúa Giáo mong đánh bại phía Ovares. Hơn nữa, Guevara cũng nhìn nhận là có một thời gian anh không chắc Fidel có là “người theo chủ nghĩa xã hội” không nữa. “Tôi biết anh ta trung thực, là người có tinh thần dân tộc, chống đế quốc, có đầu óc cách mạng và cấp tiến, nhưng tôi không chắc là anh ta sẽ đi theo chủ nghĩa xã hội đến cùng.”
Có thể Guevara đã đánh giá sơ sài về Fidel và có thể những người Cộng sản lúc ấy đã từ chối ủng hộ ông, song điều này không ngăn hai người kết bạn với nhau. Ở Cuba, cũng như ở nhiều quốc gia thuộc châu Mỹ La tinh khác, sự khác biệt sâu sắc về quan điểm chính trị không gây cản trở cho các mối quan hệ thân thiện. Dẫu sao, đại học Havana vẫn là một nơi bé nhỏ, và các sinh viên nổi trội thường có khuynh hướng tìm đến nhau cho dù ý thức hệ họ có khác nhau. Theo Enrique Ovares, thập niên 1940 “là thời của lòng oán ghét chủ nghĩa phát xít Ðức và phát xít Tây Ban Nha, và ít nhiều thì tất cả các lãnh tụ chính trị Cuba đều thuộc về cánh tả... Thời gian ấy, có tư tưởng cánh tả là một chuyện hợp lý và bình thường, ngoại trừ lứa tuổi các chàng trai đang học đại học. Tại đây đầy rẫy những ý tưởng và người ta tin rằng tất cả những lý thuyết được đề xuất bởi các người mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa và những người Cộng sản đều có thể đạt được...”
Tình bạn thắm thiết nảy nở giữa Guevara và Fidel. Họ cùng tham gia vào hàng loạt những cuộc đối đầu chính trị ở đại học. Năm 1959, Alfredo Guevara là một nhân tố bí mật, giúp Fidel nắm trọn quyền kiểm soát chính quyền cách mạng mới, khi ấy vẫn còn nhiều người mang tư tưởng chính trị độc lập, và rồi đưa đất nước Cuba chuyển sang chủ nghĩa cộng sản. Sau khi cách mạng giành được thắng lợi năm 1959, Fidel đã trọng dụng những người bạn Cộng sản hồi đại học, giao cho họ các trách nhiệm quan trọng dù rằng họ không tham gia trong cuộc chiến đấu cách mạng do Fidel lĩnh xướng.
Tin vào khả năng tổ chức của những người bạn đại học, Fidel tuyển dụng họ, thoạt tiên trong bí mật, để chuyển đảo quốc Cuba sang chủ nghĩa cộng sản một khi ông đã có những quyết định cơ bản.
Cùng lúc đó Alfredo Guevara ngay lập tức được đưa vào nhóm những người tin cậy của Fidel. Lionel Soto, Rául Valdés Vivó và Flavio Bravo tổ chức ở Havana một trường dạy chủ nghĩa Marx cho giới lãnh đạo Cộng sản mới vừa xuất hiện trong cuộc cách mạng, một cơ chế chuyển tiếp tối quan trọng. Năm 1986, Lionel Soto được bầu vào Ban Bí thư đảng Cộng sản, một vị trí then chốt, Flavio Bravo Pardo là chủ tịch Quốc hội và là ủy viên Hội đồng Nhà nước và Valdés Vivó là ủy viên Ủy ban Trung ương Ðảng. Alfredo Guevara đi đi lại lại giữa Havana và Paris, có quyền gặp Fidel và Raúl Castro bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên không một ai trong số họ là người vạch ra tư tưởng cho chế độ: đây là lãnh vực của Fidel.
Có những chứng cứ để tin rằng Fidel chuyển sang chủ nghĩa Marx theo cách riêng và theo thời điểm riêng của ông. Ông cho biết đã làm quen với tư tưởng Marx, Engels và Lenin từ năm thứ ba đại học, nghĩa là vào năm 1948 hoặc 1949, và trước tiên là một “người Cộng sản không tưởng.” Ông nói: “Nếu Ulysses bị mê hoặc bởi tiếng hát của nàng tiên cá thì tôi bị mê hoặc bởi tính chân xác không thể tranh cãi được của văn chương Mácxít.” Ông công nhận là ông bảo trợ cho nhà sách của đảng Cộng sản nằm trên đường Carlos III ở Havana (ngày nay là đường Avenida Salvador Allende), và cũng có lẽ, ông đã đọc hoặc mượn tài liệu Marx tại nhà Alfredo Guevara ở Old Havana.
Alfredo Guevara đã đúng khi nhấn mạnh rằng Fidel là con người hành động và ông sẽ có nhiều cơ hội khi bước ra ngoài khuôn khổ chính trị chật hẹp và câu thúc ở đại học. Mặc cho mọi cố gắng trong trường, cuối cùng người ta vẫn nhận thấy rằng Fidel là một người đơn độc về chính trị, một vai trò hợp với cá tính của ông và về sau sẽ trở thành một dấu ấn riêng của ông, cũng như sức mạnh của ông trên đấu trường chính trị rộng lớn hơn ở Cuba.
Trong đời sống chính trị ở Havana tồn tại những thực tế đáng sợ, trong và ngoài khuôn viên đại học, đó là hai băng đảng lớn mạnh có nguồn gốc phát sinh từ tình trạng bạo động thời chế độ độc tài Machado vào đầu thập niên 1930. Ðó là Phong Trào Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa (MSR), do Rolando Masferrer, một cựu binh nội chiến Tây Ban Nha thuộc phe Cộng Hòa, lập ra năm 1945 và Liên Minh Khởi Nghĩa Cách Mạng (UIR) của Emilio Tró, cựu binh trong cả hai cuộc nội chiến Tây Ban Nha lẫn Thế Chiến Thứ Hai. Ðiều duy nhất mà hai phe này giống nhau là tham vọng quyền lực và gây được ảnh hưởng chính trị (và kinh tế). Vì lý do đó, họ trở thành những kẻ thù tự nhiên của nhau và thường xuyên bắn giết lẫn nhau. Phe nào cũng chống lại chính quyền của tổng thống Grau, còn Grau - không sẵn lòng hoặc không có khả năng triệt hạ chủ nghĩa băng nhóm chính trị này – thích dùng chiến thuật tranh thủ thời cơ và đôi lúc tìm cách mua chuộc hai tổ chức này. Tất nhiên thủ đoạn này không có tác dụng.
MSR tự xưng là đại diện cho “chủ nghĩa xã hội cách mạng” chống Cộng Sản, chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ và đảng Auténtico của Grau. Một mục tiêu khác đã được tuyên bố rõ ràng của tổ chức này là lật đổ chế độ độc tài khát máu của Rafael Leónidas Trujillo Molina ở đất nước Cộng hòa Dominique. Lập trường chống Trujillo đã giành được cho MSR một sự kính trọng nào đó, thu hút được sự ủng hộ của những người như nhà văn Juan Bosch, sau này trở thành tổng thống Cộng hòa Dominique năm 1926 sau khi Trujillo bị ám sát. Tuy nhiên, về căn bản, MSR là nơi tụ hội của những tay súng, phần lớn quyền lực của họ tập trung ở trường đại học, là nơi mà Manolo Castro, một sinh viên kỹ thuật và bạn của Masferrer làm chủ tịch FEU trong năm năm. Còn mục tiêu chính thức của UIR là loại bỏ khỏi đường phố Havana “những cuộc ám sát”, nghĩa là loại bỏ MSR.
Mâu thuẫn lớn giữa hai tổ chức này bùng nổ sớm năm 1947 khi tổng thống Grau đã làm một điều ngớ ngẩn là chỉ định Emilio Tró của UIR và Mario Salabarría của MSR làm thiếu tá lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia trong một nỗ lực tuyệt vọng để vô hiệu hóa các băng đảng. Tró cũng được cử làm người điều hành Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, còn Salabarría được nắm chức Trưởng ban Thanh Tra Cảnh Sát Quốc Gia. Hành động của Grau chẳng khác nào xúi giục chiến tranh giữa các bộ phận cảnh sát. Grau còn đưa Manolo Castro vào làm Giám Ðốc Thể Thao Quốc Gia. Chức vụ này khiến Manolo không thể chạy đua vào cuộc tái bầu chọn làm chủ tịch FEU thêm một kỳ nữa năm 1947, mở đường cho liên đoàn lao vào cuộc đấu tranh tìm người kế nhiệm mà MSR và UIR tất nhiên là phải nhảy vào cuộc.
Cuộc chiến giữa MSR và UIR ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và số phận chính trị của Fidel Castro. Bởi để sống còn, cả về sinh mạng chính trị lẫn sinh mạng bản thân, Fidel phải đi dây giữa hai băng đảng này. Ðây là kinh nghiệm đấu tranh nội bộ đầu tiên của Fidel và ngay lập tức ông tỏ ra có tài che dấu lập trường thật của mình mà bắt tay với cả hai bên, một thái độ hành xử mà những người ngưỡng phục ông gọi đó là một công việc của “thiên tài chính trị.”
Dịp để Fidel thể hiện con người chính trị đầu tiên của mình ngoài khuôn viên đại học xảy ra vào mùa xuân năm 1946, khi ông sắp bước sang tuổi hai mươi. Ðó là lần họp ở nhà Carlos Miguel de Céspedes, chính trị gia cánh hữu có các mối quan hệ với chế độ độc tài Machado và là cháu nội của nhà lãnh đạo giành độc lập năm 1868. Carlos Miguel đang tranh chức thị trưởng Havana và mong được Liên Ðoàn Sinh Viên ủng hộ nên muốn mời riêng Manolo Castro, khi ấy là chủ tịch FEU, đến nhà để thương lượng về việc này. Thế nhưng, Manolo đòi dẫn theo ba người bạn cùng trường, trong đó có Fidel Castro, người mấy tuần trước đã dẫn đầu đám sinh viên khoa luật tấn công một nhóm thanh niên được mô tả là “Quốc Xã Phát Xít” đang tìm cách tổ chức một cuộc mít tinh trong khuôn viên trường.
Theo một bài báo đăng trong tạp chí Bohemia, số tháng 6/1946, Céspedes trước tiên đã phác họa các kế hoạch tranh cử của mình và xin góp ý. Khi tới lượt Fidel, ông nhập đề bằng cách nói rằng ông ủng hộ ứng cử viên này – điều này khiến phía chủ nhân bật cười - song phải có ba điều kiện. Fidel ngừng lại một lúc theo thói quen cố hữu của mình, rồi nói rằng, điều kiện thứ nhất là phải cải tử hoàn sinh tất cả các lãnh đạo cách mạng trẻ đã bị chính phủ cánh hữu sát hại, kể cả lãnh tụ đồng sáng lập đảng Cộng sản là Julio Antonio Mella; thứ hai, Céspedes và các bạn bè của ông phải trả lại cho ngân khố quốc gia tất cả tiền bạc họ đã “lấy cắp của nhân dân”; và thứ ba, phải quay ngược lịch sử lại một thế kỷ. Fidel tuyên bố một cách hùng hồn rằng “nếu đáp ứng được cả ba điều kiện này, tôi sẽ lập tức tự bán mình làm nô lệ cho chế độ thực dân mà các ông muốn tạo ra ở Cuba.” Nói xong, Fidel lập tức đứng lên và bước ra khỏi tòa nhà. Giai đoạn ít người được biết này phần nào là cột mốc đáng nhớ trong quá trình hình thành tư tưởng của Fidel. Chủ nghĩa dân tộc Cuba mạnh mẽ, cảm nhận của ông về việc Cuba bị phản bội – bởi tất cả không trừ một ai - kể từ các cuộc chiến giành độc lập và sự phản kháng dữ dội chống lại hành động người giàu “bóc lột” người nghèo đã không ngừng là các đề tài cơ bản của Fidel trong suốt bốn mươi năm sau
Ở trường đại học, cũng như hầu hết các sinh viên khác, Fidel gia nhập Hội Chống Ðế Quốc và Ủy Ban FEU Ủng hộ Nền Ðộc Lập Puerto Rico. Trong bối cảnh tinh thần dân tộc đang xuất hiện giữa giới trẻ Cuba trong và sau chiến tranh cùng sự gia tăng đồng thời lòng oán hận Mỹ đã có từ năm 1898, cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy Fidel tham gia trong các tổ chức chính trị như thế.
Fidel đánh dấu ngày ông tròn một năm đặt chân vào đại học bằng buổi ra mắt trước đám đông trong vai trò của một diễn giả vào ngày 27 tháng 11 năm 1946. Ông đã học năm thứ hai khoa luật, vừa bước sang tuổi hai mươi, và đủ tiếng tăm để xuất hiện ngay trên trang nhất các báo ra ngày hôm sau. Cơ hội giúp ông bày tỏ lòng yêu nước là dịp lễ tưởng niệm lần thứ bảy mươi lăm, ngày tám sinh viên y khoa đấu tranh vì độc lập bị chính quyền thực dân Tây Ban Nha hành quyết do các hoạt động ủng hộ phong trào giành độc lập của họ. Theo truyền thống, buổi lễ do trường đại học Havana đứng ra tổ chức và diễn ra trước đài tưởng niệm các sĩ tử ở nghĩa trang Colón, thuộc quận Nuevo Velado.
Tất nhiên, nội dung chính bài phát biểu của Fidel là để tưởng niệm các sinh viên y khoa, nhưng ngay sau đó ông đã tuôn ra những lời đả kích chống chính phủ Grau, tố cáo âm mưu bất hợp hiến của tổng thống nhằm tìm cách tái đắc cử vào năm 1948, buộc tội chế độ bóc lột và hô hào nhân dân Cuba nhận thức được vấn đề và đứng lên chống lại những kẻ đã bỏ mặc họ đói khát.
Ðây là bài diễn văn mà Fidel đã cẩn thận tập dợt trước ở nhà một người bạn học, José Ignácio Raco; và rõ ràng đã gây được ấn tượng sâu sắc, nhất là đoạn ông công kích “sự dung túng của tổng thống để mặc cho các bộ trưởng lấy cắp quỹ chung và để các băng đảng xâm nhập vào các cơ quan quan trọng của chính phủ.” Với giọng hùng hồn mà nhiều năm sau rất quen thuộc với dân Cuba, Fidel tuyên bố: “Nếu Machado cùng Batista đã ám sát và ngược đãi những người tốt và những nhà cách mạng chính trực thì chính bác sĩ Grau là người đã thủ tiêu mọi hy vọng của nhân dân Cuba, tự biến mình thành nỗi sỉ nhục cho dân tộc.”
Fidel đã thành công dựa trên công thức soạn diễn văn của các nhà dân túy vĩ đại ở Cuba và ông sẽ không bao giờ rời bỏ điều này. Dù là người nói cuối cùng trong buổi lễ kéo dài, bài phát biểu của Fidel đã được trích dẫn trong bài báo chính, đoạn thứ tư, trước cả các diễn giả chính trị nổi tiếng hơn nhiều, đăng trên trang nhất tờ El Mundo. Các tờ báo, nhắc đến ông với cái tên Fidel de Castro, mà không nói ông đại diện cho ai – mà lẽ ra phải nêu tên khoa luật ở đây. Nhưng điều này thực sự không thành vấn đề vì trên thực tế, một ngôi sao mới đã xuất hiện trên bầu trời chính trị rối ren ở Cuba. Và theo luật ông vẫn chưa đủ tuổi trưởng thành.