Đối với Fidel Castro, năm 1947 là năm ông chính thức bước vào con đường chính trường, là năm ông nhiệt tình dấn thân vào sự nghiệp chính trị và cũng là năm ông đón nhận vô vàn rủi ro cho bản thân và những cuộc phiêu lưu chính trị lãng mạn. Sau bài diễn văn đọc ở nghĩa trang vào tháng mười một, Fidel là một trong ba mươi bốn người đã ký tên vào bản tuyên bố chống lại cuộc tái bầu cử của tổng thống Grau của Liên Ðoàn Sinh Viên Ðại Học (FEU) phát động, mà ông đã giúp soạn thảo với tư cách đại diện của khoa luật.
Bản tuyên bố ra ngày 20 tháng giêng năm 1947, mang sắc thái đặc thù của Fidel (mặc dầu các bạn ông cũng đều là những người có tài diễn thuyết không kém gì ông), khẳng định rằng “ý tưởng tái đắc cử, việc kéo dài thời gian cầm quyền, hoặc ngay cả việc áp đặt các ứng cử viên chỉ có thể nảy sinh trong tư tưởng bệnh hoạn của những kẻ phản bội, cơ hội và kẻ có bản chất dối trá.” Bản tuyên bố cam kết “đấu tranh chống lại việc tái đắc cử của TT Grau cho dù có phải trả giá bằng chính sinh mạng của chúng ta - chúng ta thà chết đứng còn hơn sống quỳ”. Theo nhận xét của nhiều học giả Cuba thì Fidel thường dùng khẩu hiệu liên quan đến chuyện sinh tử như vậy, nguyên là khẩu khí của nhà lãnh đạo cách mạng Mexico Emiliano Zapata.
Lúc này Fidel bắt đầu xuất hiện trước công chúng nhiều hơn, sẵn sàng đối đầu và có nhiều ý tưởng. Sau đó ít lâu, ông cùng một nhóm sinh viên luật đã tổ chức chuyến đi đến Ðảo Thông, để thám sát nhà tù mới. Tuy được xây dựng theo nguyên mẫu nhà tù bang Illinois, nơi đây nổi tiếng là “trại giam kiểu mẫu” ở Cuba nhưng Fidel thấy rằng thức ăn ở đây quá tệ, tù nhân bị đối xử tàn bạo và bắt đầu xảy ra hiện tượng bất phục tùng đối với cai ngục. Trở về Havana, ông công khai chê bai chế độ nhà tù trên báo chí. Ðiều trớ trêu, “nhà lao kiểu mẫu” ở Ðảo Thông này lại chính là nơi bảy năm sau, Batista đã giam giữ Fidel cùng các đồng đội của ông.
Từ buổi đầu tham gia chính trị, Fidel đã biết, để thành công, ông phải hoạt động đồng thời trên nhiều cấp độ. Người ta thấy ông làm chính trị trong và ngoài đại học, từ FEU cho tới các phe phái “cách mạng” – và ông học được giá trị của các cuộc đối đầu khi được kiểm soát chặt chẽ. Mùa xuân năm 1947, Fidel quyết định len lỏi vào giới chính trị truyền thống.
Cơ hội đã đến khi Thượng Nghị Sĩ Eduardo “Eddy” Chibás, tiếng nói của lực lượng đối lập chống lại TT Grau và ủng hộ những người dân Cuba bình thường chống lại tình trạng tham nhũng của chính quyền và việc bóc lột của người giàu, xúc tiến thành lập đảng riêng. Chibás, với khẩu hiệu đấu tranh nổi tiếng “Ðồng Tiền Ô Nhục”, được coi là vị tổng thống tương lai, đồng thời là nhà lãnh đạo Cuba lý tưởng và chân thực nhất, kể từ thời José Martí. Ông được bầu vào nghị viện, năm ba mươi bảy tuổi và giờ đây, khi đứng ra lập Ðảng Nhân Dân Cuba (PPC), ông vừa được bốn mươi. Ông rút khỏi đảng Auténtico khi Grau quyết định tìm cách để được tái đắc cử.
Fidel, đã biết danh Chibás từ dạo còn học ở Belén, lúc này đã đủ uy tín chính trị để sánh vai cùng một trăm nhân vật chính trị ưu tú khác được mời tham dự cuộc họp lịch sử ngày 15 tháng 5 năm 1947, nhân dịp đảng PPC chính thức ra đời. Tài liệu ghi chép lại cho biết rằng dự buổi họp này gồm sáu thượng nghị sĩ, mười nghị sĩ, nhiều thị trưởng, các nhà chính trị kinh nghiệm, các nhà hàn lâm cùng các doanh nhân và kỹ nghệ gia.
Fidel Castro, vẫn chưa đến tuổi hai mươi mốt, là lãnh tụ sinh viên duy nhất được mời đến trụ sở Phân bộ Thanh niên của đảng Auténtico vào buổi chiều Chibás tuyên bố rời khỏi đảng này. Sẽ quá lời khi nói rằng Fidel là một trong những người sáng lập đảng PPC, nhưng quả thực ông đã có mặt tại buổi lễ ra mắt tổ chức này và sự gắn bó giữa ông và Chibás trở thành vô giá trong nhiều năm sau. Ðảng PPC nhanh chóng được mọi người biết là đảng Ortodoxo vì đại diện cho đường lối chính thống, trung thành với nguyên tắc José Martí, một ý niệm rất hợp với số phận của Fidel và suy nghĩ của riêng ông về Cuba.
Ðiều mà Fidel đạt được khi tham gia đảng Ortodoxo là bản thân ông có dịp theo đuổi hoài bão chính trị lâu dài thông qua đường lối chính trị được nhiều người chấp nhận và có được vị trí tận dụng cơ may này. Là người của đảng Ortodoxo và hoạt động trong Phân bộ Thanh Niên Ortodoxo, Fidel cam kết dành trọn thời gian cho chính trị và dấn thân vào mọi biến chuyển và xung động lúc ấy.
Hoàn toàn không có sự mâu thuẫn nào giữa việc Fidel quyết định hoạt động chính trị bên trong một đảng mới và những gì thuộc về năng khiếu cách mạng cùng bước tiến hóa tư tưởng theo chủ nghĩa Marx. Dù còn trẻ, Fidel cũng đã đủ nhận thức và định hướng chính trị để biếr rằng cách mạng không phải chuyện một sớm một chiều mà cần có bối cảnh phù hợp. Rõ ràng, ông không ngờ và thấy trước rằng năm năm sau, Fulgencio Batista đã đảo chính và điều này tạo ra môi trường cách mạng cho ông. Lúc đó, Fidel nghĩ là ông có thể tuyên truyền tư tưởng cách mạng xã hội thông qua phương tiện truyền thông, thông qua chiếc ghế đại biểu quốc hội mà ông nhắm đến. Còn nếu có điều kiện làm cách mạng nào khác chợt đến, như đã thường xảy ra ở Cuba, ông sẽ ngay lập tức là người cách mạng tiên phong.
Dù ở trong đảng Ortodoxo, Fidel vẫn giữ hình ảnh và các nguyên tắc của riêng mình. Chibás và đảng mới không chỉ là phe đối lập mạnh nhất Cuba, mà còn đưa ra những quan điểm cánh tả “tiến bộ” về xã hội và tự do, hơn hẳn những chính trị gia bảo thủ trong đảng Auténtico của TT Grau. Bản thân Chibás là nhân vật lãng mạn, kiểu cách và đam mê - một người đàn ông có thể thách kẻ khác đấu kiếm nếu cảm thấy bị sỉ nhục. Hầu như tất cả người dân Cuba đều ngưng mọi việc để chờ lắng nghe những bài diễn văn nảy lửa của Eddy Chibás phát đi trên đài truyền thanh vào chiều chủ nhật hàng tuần.
Năm 1947, Fidel đã khiến cho dân Cuba có cảm giác ông là người xứng đáng kế thừa sự nghiệp chính trị của Chibás. Ông đã vận động cật lực trong cuộc tranh cử tổng thống thất bại của Chibás năm 1948. Dư luận cho rằng chính Fidel đã cảnh báo với Chibás là giới trẻ sẽ từ bỏ ông nếu ông cứ tiếp tục tìm cách liên minh với giới chủ đất giàu có ở Oriente. Với Chibás, Fidel đã đủ uy tín để ông phải lên tiếng trả lời tại một diễn đàn công cộng ở Santiago: “Không đâu, đồng chí Fidel Castro, đồng chí có thể xua tan những nghi ngờ của mình... Chibás sẽ không đủ khả năng để đánh lừa ý nguyện của quần chúng... Ngày nào mà Chibás nhận thấy không còn được dân chúng yêu mến nữa, cũng sẽ là ngày mà ông ta sẽ bắn vào tim mình mà tự sát.”
Về phương diện riêng tư, như những chứng cứ trong các cuộc phỏng vấn và tài liệu ghi chép lại cho thấy, giữa Chibás và Fidel cũng có mối bất hòa. Chibás sợ rằng cuối cùng ông sẽ phải đối đầu với Fidel; trong khi Fidel lại thấy vị nghị sĩ này là trở ngại cho bước đường thăng tiến tương lai. Rául Chibás, em trai của Eddy, người lên nắm vai trò thủ lĩnh đảng Ortodoxo không lâu sau khi Eddy tự sát chết vào năm 1951, nói rằng ngay từ đầu trong đảng mới đã có người không đồng ý chấp nhận Fidel gia nhập đảng. Rául Chibás sau này đã chiến đấu cùng Fidel tại Sierra và đã cùng Fidel soạn thảo bản cương lĩnh kháng chiến đầu tiên cho cả nước.
Thời gian đầu, Fidel xem Raúl Chibás như người dìu dắt và bảo trợ ông, nhất là khi ông quyết định ứng cử vào quốc hội năm 1952 để mở rộng vị thế của mình trước công chúng. Về phía Chibás, ông này nhanh chóng nhận ra giá trị chính trị của Fidel và nghĩ rằng mình còn kiểm soát được Fidel. Với Fidel, việc liên minh với Chibás và Ortodoxos chắc chắn là vô cùng quan trọng, và ngoại trừ xung đột xảy ra trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 1948, Fidel chấp nhận sự lãnh đạo của nghị sĩ này. Ortodoxos là đảng chính trị duy nhất mà Fidel gia nhập trước cách mạng cho dù có những bất đồng về quan điểm và duy trì cho tới tận năm 1956, ngay trước chuyến hải trình trên chiếc Granma trở về Cuba để phát động cuộc chiến tranh du kích. Ðến lúc ấy, ông đã có Phong Trào Ngày 26 Tháng 7 của mình.
Trong cuộc nói chuyện hết sức chân thành vào năm 1981 với nhà văn người Columbia, Fidel nói rằng mặc dù trong ông đã “hình thành tư tưởng Marx - Lenin,” ông vẫn không gia nhập đảng Cộng sản mà lại thích hoạt động trong tổ chức của riêng ông hơn. Ông giải thích “Tôi có những suy nghĩ riêng đối với đảng Cộng sản, nhưng vì tôi hiểu đảng Cộng sản đang trong giai đoạn bị cô lập và việc đứng trong hàng ngũ đảng lúc ấy thật khó để tôi thúc đẩy nhanh kế hoạch cách mạng mà tôi đã ấp ủ... tôi phải chọn lựa giữa sự thôi thúc trở thành một chiến sĩ Cộng sản có kỷ luật hay là lập ra một tổ chức cách mạng có thể hành động phù hợp với điều kiện của đất nước Cuba”.
Mùa xuân năm 1947, Fidel Castro đã thật sự trở thành nhà chính trị, có khả năng hoạt động ở mọi cấp độ và đang chuẩn bị bước vào những cuộc phiêu lưu bất ngờ.
Năm 1947, Fidel Castro hoàn toàn tập trung vào lĩnh vực chính trị và cách mạng đến mức ông không còn thời gian dành cho việc học hành hay tiêu khiển, dù rất ít, giữa cuộc sống hoa lệ của Havana, với những quán rượu, nhà hàng, sòng bạc, nhà hát, hộp đêm và bãi biển, luôn tỏ ý gọi mời các sinh viên đang theo học ở đây.
Với các kỳ thi cuối năm thứ nhất của khoa luật tổ chức vào mùa xuân năm 1946 Fidel đã dễ dàng vượt qua, nhưng sang năm 1947, do quá đắm mình vào nhiều hoạt động ngoại khóa nên ông phải bỏ cả kỳ thi cuối năm hai. Theo lời ông, năm thứ ba và tư, ông chỉ đến lớp như một sinh viên dự thính, không thi cử gì cả, và điều này đã ảnh hưởng tới vị trí đại diện khoa luật của ông trong FEU.
Sự chú tâm chỉ riêng vào lãnh vực chính trị của Fidel cũng làm ảnh hưởng đến cuộc sống xã hội và đời sống riêng tư của ông. Không bao giờ ông ra ngoài vào buổi tối hay các dịp cuối tuần, trừ khi để dự các cuộc họp chính trị, thăm các sinh viên đồng chí hướng hoặc gặp ai đó mà ông muốn thuyết phục. Vừa mới gia nhập đảng Ortodoxo, Fidel đã bắt đầu lôi kéo người ủng hộ ông trong Phân bộ Thanh Niên, thông qua một nhóm có tên gọi là Hành Ðộng Cấp Tiến Chính Thống (ARO). Nhóm này dưới sự ảnh hưởng của Fidel, chủ trương tiến hành lật đổ chính quyền hiện thời bằng cuộc cách mạng thay vì bằng bầu cử. ARO và tập thể những người bạn trẻ của Fidel chính là phôi thai của phong trào Fidel: Ông luôn lập sẵn kế hoạch cho mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Về cuộc sống giao tiếp với bên ngoài, đây chỉ là vấn đề thuộc về thời giờ và sự thích thú chứ không phải vì chuyện tiền bạc (Fidel được gia đình trợ cấp đầy đủ bao gồm cả việc tiêu khiển). Theo lời Max Lesnick, bạn học đại học của Fidel, cũng là trưởng Phân bộ Thanh Niên của Ortodoxo, thì chẳng bao giờ ông ta thấy Fidel xuất hiện tại các buổi ăn uống hoặc khiêu vũ do sinh viên thủ đô chiêu đãi. “Chưa bao giờ tôi nhìn thấy Fidel khiêu vũ, và những người tôi biết cũng không ai nhìn thấy anh ấy khiêu vũ.” Ðiều này rất lạ ở Havana vì trong thập niên 1940 giới trẻ cũng dành nhiều thì giờ cho khiêu vũ, âm nhạc như đã dành cho chuyện chính trị. Lesnick còn cho biết là Fidel trở nên vụng về và nhút nhát trước phụ nữ. Có lần, Max và Fidel đang ở trụ sở đảng Ortodoxo trên phố Prado ở Havana thì có “ba cô gái rất xinh xắn, ăn mặc rất đẹp” bước vào hỏi chuyện. Fidel vốn rất nổi tiếng trong giới nữ sinh viên, song lại “xử sự một cách thẹn thùng đến khó tin.” Lesnick kể: “Anh chàng này có đủ dũng khí để bàn luận với thanh niên, cụ già, chính trị gia hoặc sinh viên thế mà lại đâm ra sượng sùng trước các cô gái.”
Ở trường đại học, Fidel không có bạn gái, trừ Mirta Díaz-Balart, nữ sinh viên triết ông quen hồi còn ở Oriente và đã kết hôn năm 1948. Fidel say mê chính trị và không bao giờ chịu bỏ một buổi họp nào để dẫn bạn gái đi chơi.
Tối đến, Fidel dùng bữa và đàm đạo với các bạn chính trị ở nhà họ hoặc các nhà trọ. Một trong những nhà trọ quen thuộc của giới sinh viên năm 1947 nằm trên đường “I” ở Velado, gần trường đại học. Bà chủ nhà trọ này là La Gallega, một người Cộng hòa trốn khỏi Tây Ban Nha hồi nội chiến và là “bộ óc chính trị đằng sau Liên đoàn Sinh viên.” Fidel thường lại đây cùng Alfredo Guevara và ngồi ở bàn ăn nói chuyện chính trị và cười đùa đến khuya. Fidel gần như lúc nào cũng mặc bộ đồ sậm màu với cà vạt đeo lỏng, ngậm xì gà và thỉnh thoảng nghịch cây súng ngắn anh thường mang theo bên người. Một tối, Fidel lấy súng ra chơi trò tháo và nạp đạn với mũi súng hướng lên trên. Khi một người ở trọ, từng phục vụ trong Không Quân Hoàng Gia hồi chiến tranh, nhìn thấy mới nói với anh là khi lên đạn nên chĩa mũi súng xuống đất để tránh những tai nạn đáng tiếc (“Trong quân đội, làm như bạn là bị nhốt vào cát sô ngay,” người cựu quân nhân này nói với anh), Fidel lẳng lặng bỏ súng trở vào túi. Kinh nghiệm sử dụng vũ khí của ông sẽ đến chẳng bao lâu nữa.
Sang cuối mùa xuân và đầu mùa hè năm 1947, bạo động tiếp tục gia tăng ở Havana, nhất là giữa hai đảng MSR và UIR. Tháng bảy, Enrique Ovares được MSR và đảng Cộng Sản ủng hộ bầu vào chức vụ chủ tịch FEU (thay Manolo Castro, tân Giám đốc Thể thao Quốc gia), đánh bại liên danh trong đó Fidel ứng cử vào chức Tổng Thư Ký Liên Ðoàn. Thấy UIR ủng hộ Fidel, ban lãnh đạo MSR kết luận ngay rằng ông là kẻ thù của họ. Từ lúc ấy, Fidel nghĩ MSR đang chuẩn bị âm mưu ám sát mình. Ðể ứng phó với nguy cơ này, ông đã công khai tấn công các băng đảng chính trị.
Fidel viết bài lên án các băng đảng trên tờ báo sinh viên, Saeta (Mũi Tên) mà ông cùng vài người bạn Cộng Sản lập ra năm 1946. Ðó là tờ báo phổ thông đầu tiên in bài xã luận của Fidel. Ông còn diễn thuyết công kích tại buổi khai mạc Hội Nghị Cử Tri Ðại Học ngày 16 tháng 7. Trong diễn đàn đại học, Fidel cũng là người đằng sau đốc thúc cuộc tranh đấu cho Trường Ðại học Havana có được hiến chương bảo đảm quyền tự do riêng và hiện đại hóa phương pháp giáo dục. Ông đã cùng với các hiệu trưởng danh dự, nhiều trưởng khoa và chủ tịch FEU lên phát biểu tại hội trường của trường trước 891 đại diện. Ðó là bài diễn văn chính trị trọn vẹn đầu tiên của Fidel (dài và trịnh trọng hơn lần ở nghĩa trang hồi tháng mười một). Ðây cũng là lần đầu tiên hình ảnh của ông xuất hiện trên các báo Havana có chú thích.
Toàn văn bài phát biểu này nay không còn nữa, nhưng qua các trích dẫn trên các báo Cuba thời đó chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra giọng văn hùng hồn không thể nhầm lẫn của ông. Mở đầu diễn văn, Fidel tỏ lòng tưởng nhớ các sinh viên đã hy sinh để bảo vệ “phong trào những người tiến bộ ở đại học.” Những lời ca ngợi các tử sĩ là cách hiệu quả nhất để gợi sự cảm xúc của cử tọa, đồng thời là cách để chuẩn bị trước cho những thông điệp thật sự sắp được bày tỏ tiếp theo sau.
Fidel tố cáo “những nhà lãnh đạo giả dối” – ám chỉ Fulgencio Batista và Tổng Thống Grau - những năm gần đây đã đưa sinh viên đến chỗ “lãnh đạm và bi quan.” Trường đại học, theo Fidel, không phải là nơi “ý tưởng được rao bán như hàng hóa,” cũng không phải là “môi trường của những người hèn nhát.” Ðoạn, Fidel nhắc tới các băng đảng, nhất là MSR. Ông hô hào sinh viên “lột mặt nạ những con buôn hưởng lợi từ máu các anh hùng liệt sĩ” và thậm chí ông còn mua thù chuốc oán hơn nữa bằng cách mô tả chính phủ Grau “là kẻ bạo chúa đã chà đạp lên phẩm giá dân tộc.” Ðây là cấu trúc tiêu biểu trong một bài diễn văn của Fidel, và cũng của các nhà giỏi hùng biện khác: lay động và chuyển hóa cảm xúc của cử tọa, đánh vào óc tưởng tượng của đám đông bằng những hình ảnh ấn tượng, đầy thuyết phục và củng cố quyền năng tuyệt đối của diễn giả để buộc những lời lẽ và ý nghĩ của mình được người nghe chấp nhận và làm theo. Qua nhiều thập niên, Fidel vẫn giữ kỹ thuật cơ bản, vì tính hiệu quả của nó. Sau bài phát biểu ở hội trường đại học, Fidel được hoan hô nhiệt liệt và khả năng diễn thuyết của ông giờ đây đã được khẳng định. Ông nói chuyện với sinh viên và các nhà chính trị bất cứ thời gian và địa điểm nào thuận tiện. Max Lesnick nói: “Fidel là người duy nhất có thể ngay lập tức vận động được năm mươi người theo mình và khi không gặp được sinh viên nào ở trường thì anh tìm người ủng hộ ở ngoài đường phố.”
Kể từ những ngày đầu tiên trở thành chính trị gia trong trường đại học, Fidel đã chọn Martí làm đồng minh tạo nguồn cảm hứng và lịch sử và cho mãi tận bây giờ. Lúc còn là sinh viên, qua đài phát thanh, ông thu lại các bài diễn văn của Martí và nghe để mài dũa văn phong của mình. Ông thuộc làu các câu nói của Martí, dù rất nhiều (toàn bộ các trước tác của Martí được xuất bản ở Cuba hiện nay lên tới 19 quyển) đến mức có thể nói ông là người duy nhất nhớ cũng như biết áp dụng lời của Martí vào lúc thích hợp nhất. Ở Cuba ngày nay, Martí được coi là nhà tiên tri và lời nói của ông là khuôn vàng thước ngọc và Fidel cũng đang đạt tới tầm cỡ đó với từng câu nói hoặc viết được phổ biến rộng rãi trong quần chúng.
Lúc bấy giờ, chính phủ Grau và MSR cùng đi đến kết luận là hết chịu nổi Fidel Castro khi ông ngày càng công khai phê bình chỉ trích gay gắt chính quyền lẫn đồng minh của họ. Do không thể hợp tác hay đút lót Fidel, họ ra tối hậu thư cho ông: phải từ bỏ lập trường chống chính phủ và băng đảng, hoặc phải ra khỏi trường. Lời cảnh báo này được chuyển đến từ Mario Salabarría, cộng sự tin cẩn nhất của Rolando Masferrer, người sáng lập MSR và đã được TT Grau cử làm Trưởng Mật vụ từ đầu năm 1947. Salabarría vốn là một sát thủ có tiếng và Fidel, thường nhắc đến người này với cái tên “chủ nhân của thủ đô”, sợ rằng ông không chỉ bị tống ra khỏi trường đại học mà thôi.
Fidel quyết định một mình ra bãi biển gần Havana để cân nhắc tình hình và quyết định xem phải làm gì trước lời đe dọa. Sau này, Fidel nhớ lại: “Ðó là giây phút quyết định tối quan trọng. Tôi như quay cuồng trong cơn lốc mâu thuẫn. Một mình trên bãi biển, tôi nhìn ra biển và suy tính. Nếu tôi quay về trường đại học thì sẽ gặp nguy hiểm... Còn nếu không về, tức là tôi phải nhượng bộ trước lời đe dọa, thú nhận trước những kẻ sát nhân là tôi thua, phải từ bỏ lý tưởng và hoài bão của mình. Thế rồi tôi quyết định quay lại, tôi quay về - với vũ trang.”
Ðó là một trong những bước ngoặc quan trọng đầu tiên trong đời Fidel. Ông biết nếu đầu hàng, sự nghiệp chính trị và lãnh đạo cách mạng mà ông đã quyết định theo đuổi sẽ chấm hết ngay lập tức. Trong một đất nước mà những phẩm chất nam nhi như lòng can đảm rất được xem trọng thì kẻ hèn nhát không thể trở thành nhân vật lãnh đạo. Bản chất Fidel là vậy như toàn bộ cuộc đời ông đã cho thấy. Ông luôn chấp nhận thử thách và liều lĩnh. Ðó là nguyên tắc sống của ông. Tuy rằng cũng chính bản chất hướng nội này ông luôn tự tách riêng mình ra khi xảy ra khủng hoảng và đơn độc cho ra những quyết định lớn. Sau này cũng vậy, mỗi khi gặp chuyện khó giải quyết, Fidel lại ẩn mình để rồi sau đó xuất hiện với một tinh thần mạnh mẽ hơn và mới mẻ hơn, sẵn sàng cho cuộc chiến. Hơn nữa, Fidel khám phá thấy rằng biến mất khỏi tầm mắt mọi người cũng có ý nghĩa quan trọng của nó: làm cho kẻ thù bị hụt hẫng, trở nên băn khoăn không biết ông đang ở đâu và ông sẽ ra tay như thế nào đây.
Fidel Castro không bao giờ chịu ra đi mà bỏ lại nguyên hiện trạng như cũ, và ngay khi xuất hiện từ cuộc đối đầu với Salabarría, ông đã tình nguyện vào cuộc phiêu lưu kế tiếp: xâm nhập nước Cộng Hòa Dominica để lật đổ chế độ độc tài Trujillo. Cuộc viễn chinh này được những người lưu vong nước này tổ chức, đứng đầu là nhà triệu phú Juan Rodríguez García cùng nhà văn Juan Bosch, tổng thống Dominica tương lai, với sự hỗ trợ và tài trợ từ các viên chức cao cấp trong chính phủ Grau và đảng MSR. Nhìn chung, đây là sự kết hợp giữa lòng tham kinh tế, chính trị và chủ nghĩa cơ hội được xúc tác bởi chủ nghĩa lý tưởng đáng trân trọng thường thấy ở khu vực Caribê dạo đó.
Ðể tuyển được những thanh niên Cuba có lý tưởng cho cuộc xâm nhập này, các nhà tổ chức phải quay sang trường Ðại học Havana, nơi MSR đang có uy thế và luôn tìm cách khoác lên mình vẻ lý tưởng và cách mạng. Trên thực tế, điều này có nghĩa là Masferrer, Salabarría và Manolo Castro sẽ phụ trách việc tuyển mộ. Nếu Fidel muốn tham gia chuyến xâm nhập mạo hiểm đến Dominica, ông phải được các lãnh đạo MSR chấp nhận và được bảo đảm rằng các sát thủ của họ sẽ không ám sát ông ở trại huấn luyện. Fidel vẫn còn tin rằng MSR sẽ phái người để trừ khử ông. Vì vậy, ông cần đình chiến, hoặc ký một giao kết với kẻ thù của mình.
Fidel rất muốn tham gia cuộc xâm nhập này vì theo ông, đó vừa thuộc về vấn đề danh dự cách mạng lẫn uy tín chính trị mà ông hằng ao ước. Giúp lật đổ chế độ Trujillo bị thù ghét sẽ là niềm vinh dự cho một lãnh đạo trẻ như Fidel. Theo sự xác nhận của người bạn cùng thời Max Lesnick, đa số sinh viên thế hệ đó đều mong muốn chống lại Trujillo và việc Fidel tình nguyện tham gia cũng không có gì lạ.
Ðầu tháng bảy, Fidel vẫn còn một số kỳ thi kiểm tra để kết thúc năm học thứ ba ở khoa luật, nhưng khi hay tin về kế hoạch Dominica, ông nói: “Tôi cho rằng nhiệm vụ đầu tiên của tôi... là phải ghi danh trở thành một chiến sĩ viễn chinh và tôi đã làm thế.” Ðiều này ngầm giải thích cho biết tại sao ông đã không dự thi được và vì vậy vừa mất tư cách sinh viên chính quy cùng chức chủ tịch khoa luật mới được bầu.
Fidel kể lại rằng, trong thời gian này ông là chủ tịch Ủy ban vì Nền Dân Chủ Cộng Hòa Dominica của trường đại học và dù không ở trong nhóm tổ chức cuộc viễn chinh nhưng ông thân với các lãnh đạo lưu vong Dominica và có bổn phận đi chung thuyền với họ. Thế nhưng ông đã không kể về những rắc rối ông gặp phải khi được phép tham gia lực lượng chống Trujillo.
Theo Enrique Ovares, chủ tịch mới của FEU kiêm chức tư lệnh trong ban tổ chức cuộc viễn chinh, thì chính ông đã thương lượng với các thủ lĩnh MSR để Fidel được tham gia. Ovares và Fidel là bạn hồi trung học, dù họ khác quan điểm chính trị và Ovares lại là bạn của Manolo Castro (cựu chủ tịch FEU và là thành phần lãnh đạo đảng MSR), nên đã nhờ người này bảo đảm tính mạng cho Fidel. Vì Manolo Castro là một trong những người hỗ trợ chính cuộc xâm nhập này cùng với Bộ trưởng Giáo dục lừng danh vì tham nhũng, José M. Alemán, và Tổng Tham mưu trưởng, tướng Genovero Pérez Dámera (hai người sau nhìn thấy mối lợi và quyền lực ở nước Cộng hòa Dominica sau khi lật đổ chế độ Trujillo) nên Fidel có được sự bảo đảm này. Cuối tháng bảy, Fidel được phái tới tỉnh Holguín, phía bắc Oriente để được huấn luyện quân sự căn bản đầu tiên tại học viện bách khoa ở đây. Ngày 29 tháng 7, Fidel và đồng đội được đưa tới cảng Antilla ở Vịnh Nipe và chuyển sang bốn chiếc thuyền để đi Cayo Confites, một đảo nhỏ ở mạn bắc bờ biển tỉnh Camaguey, sát Oriente.
Quân viễn chinh gồm 1.200 người, đã ở Cayo Confites suốt năm mươi chín ngày dưới cái nắng thiêu đốt và muỗi chích ngày đêm chỉ để luyện tập thêm quân sự vì ban chỉ huy chiến dịch vẫn chưa có quyết định tiến hành. Fidel được nhận chức trung úy, chỉ huy một toán quân, sau đó lên chức chỉ huy đại đội thì nhận được lệnh từ Havana vào cuối tháng chín, nói rằng toàn bộ chiến dịch hủy bỏ. Không ai biết chính xác điều gì đã xảy ra. Fidel thì cho rằng “do mâu thuẫn giữa cánh chính trị và cánh quân đội” nên kế hoạch buộc phải hủy bỏ. Nhưng có những bằng chứng cho thấy là có sự can thiệp của giới chính trị quốc tế và ngay tại Cuba để giải tán đoàn quân viễn chinh này.
Không lâu sau, Emilio Tró Rivera, thủ lĩnh UIR, nhóm hành động chính trị mà Fidel có quan hệ mật thiết, bị sát thủ MSR giết ở Havana vào ngày 15 tháng 9. Một làn sóng bạo lực mới lại dâng lên ở thủ đô. Tró nguyên là giám đốc học viện Cảnh sát Quốc gia, đã có lần bị thuộc cấp của người đứng đầu cảnh sát mật vụ Salabarría, mưu sát hụt vào ngày 2 tháng 9 trước đó. Do người của UIR đã giết chết một cảnh sát viên của phía MSR vào ngày 12 tháng 9 nên Salabarría ký lệnh bắt Tró. Ba ngày sau, nhân viên của Salabarría phát hiện Tró đang dùng cơm tối tại nhà một cảnh sát trưởng ở ngoại ô. Sau ba giờ chạm súng khiến nhiều người đi đường thiệt mạng, Tró bị giết chết, người lỗ chỗ vết đạn. Theo báo chí Cuba, trong nhiệm kỳ 1944-1948 của TT Grau, ở Cuba đã xảy ra tổng cộng 64 cuộc ám sát chính trị và một trăm vụ mưu sát.
Tin chính thức từ chính quyền đưa ra, không đáng tin lắm, cho rằng cái chết của Tró liên quan đến việc hủy bỏ chuyến xâm nhập Dominica. Trong buổi họp báo ngày 29 tháng 9, phát ngôn viên quân đội giải thích rằng trong lúc điều tra về cái chết của Tró, các nhà điều tra quân đội đã khám phá ra manh mối dẫn đến nông trại América gần Havana, của Bộ trưởng Giáo dục Alemán, và phát hiện ra “một số lượng lớn không ngờ” vũ khí, đạn dược cùng những tài liệu về chiến dịch Dominica. Từ đó, quân đội biết được trụ sở quân viễn chinh đặt tại khách sạn Sevilla, trên phố Prado ở Havana, gần dinh tổng thống. Với chứng cớ trong tay, chính phủ đã hành động để ngăn cản cuộc xâm nhập đó.
Vì công việc chuẩn bị cho chuyến xâm nhập này đã được phổ biến rộng rãi ngay từ đầu và ai cũng biết là có bộ trưởng Giáo dục và tướng Tổng tham mưu trưởng đứng đằng sau vụ này nên lý do gán ghép do chính quyền đưa ra là không đúng. Sự thật dường như là Trujillo than phiền với Washington về việc xâm nhập này và Mỹ đã lặng lẽ thuyết phục TT Grau phải dừng cuộc xâm nhập này lại. Vào thời đó, Mỹ thường hay áp dụng ảnh hưởng của mình vào nội tình các quốc gia vùng Caribê. Sau khi quân đội và hải quân Cuba vây bắt gần hết số quân viễn chinh rồi, Bộ Ngoại giao Cuba lúc ấy mới lên tiếng bày tỏ sự hài lòng vì đã xóa sổ được một “mối đe dọa hòa bình”.
Lúc Tró bị giết, Fidel đang ở Cayo Confites và có lẽ ông không hay biết gì về chuyện này. Theo ông, khi nhận được lệnh hủy bỏ chiến dịch, một số người bỏ về, song toán quân của ông vẫn lên tàu đi. Khi còn hai mươi bốn giờ nữa mới đến bờ thì họ bị đơn vị hải quân Cuba chặn bắt.
Rất có thể hải quân Cuba đã lên tàu này và ra lệnh quay về, nhưng Fidel đã trốn thoát. “Tôi không để cho mình phải bị bắt, hơn nữa, đây còn là vấn đề danh dự: thật hổ thẹn vì chưa làm được gì mà đã bị bắt.” Bởi vậy, khi chiếc tàu nhỏ Caridad, với biệt danh Fantasma (Bóng Ma) đi trở lại hướng tây, Fidel đã nhảy từ trên boong xuống biển, trước cảng cá Gibara ở Oriente. Ông bơi theo hướng tây nam khoảng tám chín dặm, giữa vùng nước nổi tiếng nhiều cá mập, để tới Saetía, ở cửa Vịnh Nipe.
Enrique Ovares chắc chắn là Fidel đã bơi vào bờ, song theo ông việc Fidel nhảy xuống biển là vì lý do khác. Ovares nghi Masferrer và người của đảng MSR có mặt trên cùng chiếc tàu với Fidel và Fidel sợ họ sẽ tìm cách giết mình. Bởi vậy, Fidel quyết định cách tốt nhất để toàn mạng là bơi vào bờ. Ovares cho rằng Fidel làm thế là đúng: “Tôi có thể bảo đảm sinh mạng cho Fidel khi còn ở trại, song sau khi cuộc xâm chiếm bị hủy bỏ thì bảo đảm này không còn nữa.”
Từ Saetía, Fidel vội vã đi tiếp tới Havana (không rõ là ông có ghé qua nhà ở Brían để nghỉ ngơi và thay quần áo hay không) để trở lại trường đại học và đấu trường chính trị của ông. Ông nói rằng mình đã bỏ phí ba tháng – 8, 9 và 10 – ở Cayo Confites, và một lần nữa lại bỏ lỡ kỳ thi cuối khóa. Khi đã đến Havana rồi, Fidel tới ngay nhà cô em gái Juana – ông không còn nơi nào khác để trú thân - và lập tức lao vào cuộc giáp chiến ở Havana. Ông bước qua tuổi hai mươi mốt, độ tuổi chín chắn, ở trên hòn đảo nhỏ ở Caribê, hoang vắng và chán nản, nên giờ đây ông khao khát được hành động.
Fidel không để phí thời gian. Sau khi bơi từ tàu đến Saetía rạng sáng ngày 28 tháng 9, qua ngày 30 tháng 9, ông đã kịp bước lên diễn đàn để phát biểu chống chính phủ ở trường đại học. Nhân kỷ niệm ngày một sinh viên bị giết dưới chế độ độc tài Machado, Fidel đổ trách nhiệm cho chính phủ Grau là đã phản bội sự nghiệp giải phóng Dominica và một lần nữa thúc giục tổng thống từ chức. Từ nhỏ, Fidel đã học được rằng tấn công liên tục là con đường duy nhất để chiến thắng - ngay cả khi ông chưa xác định được đích cuối cùng – và giờ đây ông áp dụng nguyên tắc của một trong những anh hùng của Cách mạng Pháp, Danton, là hành động “với sự táo bạo, luôn luôn táo bạo...” Sự táo bạo đã trở thành tính cách nổi bật và vượt trội nhất trong con người của Fidel Castro.
Việc tham gia tích cực vào chính trị đã ảnh hưởng tới việc học hành nề nếp nên để không bị rớt trong các kỳ thi cuối khóa, Fidel không chính thức ghi danh học tiếp năm thứ ba khoa luật mà đăng ký học dự thính cho hai năm cuối. Bất chấp những thay đổi vị thế sinh viên và chính trị, Fidel tuyên bố rằng “vào một lúc nào đó, không phải nhọc công kiếm tìm, tôi cũng trở thành tâm điểm cuộc đấu tranh chống nhà cầm quyền Grau.”
Lột xác từ kinh nghiệm ở Cayo Confites, Fidel luôn tìm dịp công kích chế độ và những kẻ đại diện chính cho nó và Havana thường xuyên biến thành một đấu trường suốt những tháng cuối cùng của năm 1947. Tại cuộc biểu tình ngày 30 tháng 9, mục tiêu chính của Fidel là Bộ Trưởng Giáo Dục Alemán vì vai trò của ông này trong chiến dịch Cayo Confites cũng như những hành vi thối nát và những thủ hạ độc ác của ông này. Trong thượng viện, phe đối lập đệ trình bản kiến nghị khiển trách ông ta. Alemán đáp trả bằng cách cho người của mình tổ chức cuộc tuần hành biểu thị “lòng trung kiên” vào ngày 9 tháng 10, nhưng hỗn chiến đã xảy ra và Carlos Martínez Junco, một học sinh trung học, đã bị vệ sĩ của Alemán bắn chết.
Cái chết của cậu học trò gần như gây nên cuộc nổi loạn, nhất là khi Alemán tiếp tục kế hoạch, cho tổ chức cuộc họp tự ca ngợi mình trước dinh tổng thống và TT Grau đã “ngờ nghệch” bước ra ban công lên tiếng khen ngợi viên bộ trưởng giáo dục của mình. Trong vòng vài giờ, hàng ngàn sinh viên, với Fidel Castro đi đầu, khiêng quan tài của Carlos Martínez Junco, tiến bước tới dinh, miệng hò hét yêu cầu Grau và Alemán từ chức, tay nắm chặt vung vẫy hướng về ban công khi đi ngang qua nơi này.
Lúc đoàn sinh viên tới khu cầu thang lớn trong trường, Fidel đã xúc động diễn thuyết trước mọi người. Ông gán trách nhiệm cho TT Grau về cái chết của học sinh này: “kẻ tội đồ đã làm cho nước mắt tuôn rơi và đau khổ dâng trào không ai khác hơn chính là TT Grau.” Cũng cần lưu ý rằng sang ngày hôm sau, 9 tháng 10, cả nước Cuba sẽ diễn ra lễ kỷ niệm cuộc chiến giành độc lập đầu tiên (1868) và Fidel đã tố cáo Grau mừng ngày lễ này “cùng với những kẻ phạm tội trong chính quyền... yến tiệc linh đình bên đèn hoa rực rỡ và rượu sâm banh ê hề thì những sinh viên lại không thể ăn mừng được ngày này vì chúng ta còn phải đến đây, lo việc tẩm liệm, chôn cất một người bạn của chúng ta, người đã bị những kẻ côn đồ mới giết chết...”
Một cuộc tổng đình công bốn mươi tám giờ của sinh viên, được nghiệp đoàn lao động hỗ trợ cùng tham gia, đòi Alemán từ chức và các cuộc biểu tình diễn ra suốt mấy tuần với Fidel Castro lúc nào cũng có mặt. Người ta nhìn thấy ông, nghe ông nói và đi theo ông. Thượng Nghị Sĩ Chibás, thủ lĩnh đảng Ortodoxo, quyết định nhường vai trò lãnh đạo việc biểu tình trên đường phố lại cho Fidel, còn ông thì vận động thượng viện chấp thuận kiến nghị chống lại Alemán. Trong bản phát thanh hàng tuần ngày 12 tháng 10, Chibás đả kích những kẻ sát nhân của chế độ. Bấy giờ, người ta thấy rõ Chibás và người thanh niên hai mươi mốt tuổi Fidel là những lãnh tụ đối lập quan trọng nhất Cuba, mỗi người tập trung vào công chúng của mình.
Chuyện tất yếu phải đến: MSR và cảnh sát bắt đầu đi lùng giết Fidel. Salabarría đã bị quân đội bắt sau vụ Cayo Confites (người ta tìm thấy 10 tờ 1.000 USD bên trong giày của ông ta), song Rolando Masferrer vẫn kiểm soát chặt chẽ băng đảng của ông ta. Họ nhiều lần phục kích Fidel ở trường đại học song lần nào ông cũng thoát. Một lần, Evaristo Venéreo, trung úy cảnh sát ở trường, tìm cách tước vũ khí của Fidel. Ông liền chĩa súng vào tên cảnh sát, điềm tĩnh nói, “Nếu anh muốn thì cứ cầm đầu súng mà giằng lấy.” Sau đó, Fidel rất ngạc nhiên khi Venéreo thách ông đấu súng tay đôi ở một góc vắng trong sân thể thao đại học. Ông nhận lời ngay vì danh dự, nhưng đã cẩn thận dẫn theo một nhóm bạn có vũ trang. Thật may cho Fidel, tên trung úy đã sắp sẵn đám cảnh sát ở khán đài để phục kích ông. Chúng bị phát hiện nên cùng với Venéreo bỏ chạy, giữa tiếng cười chế nhạo của nhóm sinh viên. Fidel sau này nhớ lại: “Ðó là phép lạ tôi vẫn còn sống khi ra khỏi nơi đó.”
Óc tưởng tượng cuồng nhiệt cũng là một phần thuộc về bản lĩnh chính trị của Fidel – như ông sẽ chứng tỏ cho cả nước thấy vào những ngày đầu của tháng 11 khi những ngày xáo động của tháng 10 vừa mới lắng xuống. Trong đầu ông nảy ra kế hoạch lãnh đạo cuộc nổi dậy của quần chúng để lật đổ TT Grau: có lẽ là một mong ước hơi sớm nhưng cũng đã thành công trong việc tạo được tiếng tăm vang dội khắp nước. Qua đó, một lần nữa Fidel đã cho thấy biệt tài khêu gợi lịch sử Cuba để gây cảm hứng cho quần chúng khi ông mưu tính chuyện đảo chính này. Lần này, “linh vật” được ông chọn là quả chuông La Demajagua, có giá trị lịch sử đối với dân tộc Cuba tương đương như Quả Chuông Tự Do đối với dân tộc Mỹ, mà ngày trước Carlos Manuel de Céspedes đã đánh vang tại dinh cơ của ông có tên là Demajagua, gần cảng Manzanillo ở Oriente, để đánh dấu phát súng mở màn cuộc chiến độc lập năm 1868. Nhiều thập niên sau, quả chuông này đã được ủy nhiệm trao cho Manzanillo giữ gìn, xem như bảo vật linh thiêng của quốc gia.
Thật ra, chính chính phủ Grau là người đầu tiên nghĩ đến quả chuông Demajagua với mục đích kết hợp giữa yếu tố lịch sử và chính trị với nhau, một hiện tượng phổ biến ở Cuba. Theo ý của TT Grau, ông muốn mang quả chuông này đến Havana để đánh lên vào năm sau nhân lễ kỷ niệm 80 năm tiếng chuông được đánh vang. Trong đầu TT Grau vẫn luôn nghĩ đến việc tái cử năm 1948 và cho là chuông sẽ điểm điều tốt lành cho ông ta.
Không ngờ, hội đồng thành phố Manzanillo không những đã không cho đưa chuông đi Havana mà còn đuổi phái viên của Grau về. Có lẽ vì Manzanillo vốn có truyền thống chính trị cấp tiến, dựa trên giới công nhân nhà máy đường trong vùng và các công nhân kỹ nghệ ở tỉnh và thành phố này cũng là trung tâm chống đối TT Grau. Manzanillo là thành phố đầu tiên bầu thị trưởng thuộc đảng Cộng sản vào năm 1940, đó là Francisco “Paquito” Rosales, người mà sau này đã bị mật vụ của Batista sát hại vào năm 1958.
Biết được tin Manzanillo khước từ không cho TT Grau mượn chuông, Fidel Castro mới nảy ra sáng kiến sẽ nhờ sinh viên Ðại học Havana mang chuông đến thủ đô - Fidel tin là hội đồng thành phố ở đây sẽ đồng ý – và rồi sẽ tổ chức một cuộc mít tinh quần chúng ngay nơi chuông được đánh vang, sau đó cả đám đông sẽ kéo đến dinh tổng thống để yêu cầu Grau từ chức.
Fidel trình bày ý kiến của mình với các bạn ông, Alfredo Guevara và Lionel Soto, và tin chắc sẽ lật đổ được Grau. Cuối cùng, Chủ Tịch FEU Enrique Ovares được nghe nói lại (điều này cần thiết vì theo kịch bản của Fidel, khuôn viên đại học sẽ đóng một vai trò quan trọng) và ông ta cũng thích ý tưởng này.
Ovares phê chuẩn kế hoạch do Fidel và Alfredo Guevara đưa ra, nhắm đến việc đương đầu với chính quyền và đồng ý theo họ đến Manzanillo nhưng sau đó họ quyết định là Lionel Soto sẽ di thay cho Guevara. Max Lesnick nhớ lại là một số lãnh tụ đảng phái, trong đó có Nghị Sĩ Chibás, đã đóng góp được khoảng 300 đô la để trang trải chi phí cho chuyến đi.
Trong khi Fidel, Lionel Soto và Enrique Ovares đón xe lửa tới Manzanillo vào ngày 1 tháng 11 thì Alfredo Guevara ở Havana lo tìm mua vũ khí để trang bị cho sinh viên nổi dậy, phòng khi có đối đầu với quân chính phủ. Guevara nhớ là đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với trùm băng đảng là Jesús Gonzáles Cartas, người được mệnh danh là “Kẻ Xa Lạ”. Khi tiếp khách, “Kẻ Xa Lạ” ngồi trên một cái ngai, chung quanh toàn cờ là cờ, và người ngập tràn ánh sáng được phản chiếu vào. “Kẻ Xa Lạ” hứa là sẽ bán vũ khí cho Guevara nhưng thực sự anh ta đã không giữ lời; sinh viên, theo Guevara, có được vũ khí là từ các nguồn khác. Ở Havana vào thập niên 1940, việc mua vũ khí cũng không quá khó khăn miễn là tìm được đúng người.
Ðể có được hiệu quả tối đa về mặt chính trị, Fidel và đồng đội loan tin họ đang mang quả chuông tôn kính về Havana và hàng ngàn sinh viên ra đứng chờ chuyến xe lửa đến Havana vào ngày 5 tháng 11 (hai người dân Manzanillo sẽ tháp tùng theo quả chuông để trông chừng báu vật này). Một chiếc xe mui trần chở chiếc chuông nặng ba trăm cân Anh từ nhà ga đến trường đại học trong cuộc diễu hành hân hoan kéo dài hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ. Ngày nay còn lưu lại một bức ảnh chụp chàng trai Fidel Castro, trông rất trẻ trung, mặc trang phục sọc sậm màu và thắt cà vạt hoa, tay phải vòng ôm lấy quả chuông, còn tay trái của anh cầm chắc chân ngọn nến lễ.
Tại trường đại học, Fidel đứng diễn thuyết trước đám đông reo hò trên chiếc xe mui trần, tuyên bố rằng những nhà yêu nước Manzanillo đã từ chối trao biểu tượng của nền độc lập Cuba cho “những tên bù nhìn chỉ biết nghe lệnh ngoại bang,” nhưng “những người giải phóng của ngày hôm qua đã tin tưởng vào giới trẻ sinh viên hôm nay, tiếp bước họ đấu tranh cho độc lập.” Quả chuông được cất vào Phòng Trưng Bày Anh hùng Liệt sĩ cạnh văn phòng hiệu trưởng trường Havana, trong khi sinh viên ở lại trường suốt đêm để bàn chuyện biểu tình lớn chống TT Grau ngày hôm sau. Sáng ra, khi cửa phòng hiệu trưởng mở, sinh viên mới phát hiện chiếc chuông đã bị bí mật chuyển đi. Cảnh sát, bao vây quanh trường đại học cả đêm (cùng với một trăm tay súng MSR), đã chối rằng không biết có vụ trộm.
Theo lời kể của Enrique Ovares, sáng sớm hôm đó, Fidel, Alfredo và nhiều lãnh tụ sinh viên khác tới nhà Ovares báo tin chiếc chuông đã biến mất. Ovares nói với tư cách chủ tịch FEU, là sẽ viết thư tố cáo hiệu trưởng vì chính ông này phải chịu trách nhiệm về di vật Demajagua (vị hiệu trưởng già này sau đó đã thách đấu với Ovares vì ông ta thấy bị sỉ nhục). Fidel chạy vội tới đài phát thanh buộc tội chế độ đã lấy cắp chuông trong lúc hàng ngàn sinh viên bắt đầu tụ về trường đại học. Khoảng giữa trưa, Fidel có mặt ở trường, chụp lấy mico hét lớn: “Cứ để bọn đê tiện lại đây, chúng ta sẽ tố cáo vụ trộm cắp này,” đoạn ông dẫn hàng ngàn sinh viên tới đồn cảnh sát gần nhất để kiện.
Ðầu giờ chiều, khi Fidel quay lại nhà Ovares, nhiều sĩ quan cảnh sát bị ông nêu đích danh là tội phạm trên đài phát thanh đã bồng súng bám theo ông. Fidel vào nhà, trong khi Ovares và mẹ anh này thuyết phục cảnh sát đi nơi khác. Tối đến, đám đông mít tinh ở trường (bất chấp lệnh bãi trường trong 72 tiếng đồng hồ của hiệu trưởng để phòng ngừa rối loạn) và Fidel nhân dịp đó đã công kích Tổng Thống Grau dữ dội. Ông lên án ông ta không giữ lời hứa khôi phục “phẩm giá dân tộc,” và cảnh báo rằng giới sinh viên bị lừa dối trắng trợn đang có mặt ở đây để tuyên bố rằng “một quốc gia non trẻ sẽ không bao giờ đầu hàng.”
Trong một đoạn, sẽ trở thành đề tài được Fidel khai thác trong nhiều năm sau, ông nói về “cuộc cách mạng bị phản bội”, cuộc cách mạng dân tộc mà TT Grau đã hứa hẹn, vì nông dân vẫn không có đất cày và “sự giàu có của quốc gia nằm trong tay ngoại bang”. Và rồi ông chuyển sang những lập luận sẽ trở thành một khám phá và là vũ khí đặc thù của Fidel: sức mạnh của các con số thống kê. Ông đã nắm rất vững nhu cầu đối với sinh hoạt của từng gia đình, trí nhớ thiên bẩm của ông đã cung cấp phương tiện để ông chuyển toàn bộ những hiểu biết của mình đến người nghe. Lúc ấy, ông nói rằng trong khoảng ba năm cầm quyền, chính phủ Grau đã được giao 256 triệu peso (một peso tương đương một đô la Mỹ), nhưng y tế cộng đồng chỉ được 14 triệu peso và các công trình công cộng 112 triệu peso, trong khi quốc phòng, tức các lực lượng vũ trang, được cấp tới 116 triệu peso. Fidel luôn bị ám ảnh với nhu cầu đầu tư to lớn cho nền y tế cộng đồng và điều này đã được thể hiện khi ông lên cầm quyền, nhưng đây là lần đầu tiên ông công khai nêu vấn đề này ra.
Sự quan ngại lớn khác của Fidel là mối đe dọa của “chủ nghĩa quân phiệt” và ông cảnh báo với sinh viên về quyền hạn đang gia tăng của giới quân đội – sớm hơn năm năm trước ngày đảo chánh của Batista. Một trong những biệt tài của Fidel là khả năng, vừa thuộc về bản năng vừa thuộc về óc phân tích - tiên đoán những động thái tương lai của kẻ thù. Ông đã chứng tỏ cho thấy vào buổi tối tháng 11 năm 1947 hôm đó. Cùng lúc, Fidel thúc giục sinh viên trở thành các chiến sĩ trong mặt trận đoàn kết dân tộc “để giành lấy nền độc lập thật sự, sự giải phóng kinh tế, chủ quyền chính trị, tự do chính trị... một cuộc giải phóng dân tộc hoàn toàn.”
Một số học giả nghiên cứu về cuộc cách mạng của Fidel coi bài diễn văn ngày 6 tháng 11 ở trường đại học là thời điểm Fidel trở thành một nhà tư tưởng chính trị trưởng thành và là bài công kích chặt chẽ đầu tiên của ông vào hiện trạng xã hội Cuba đứng trên lập trường của cánh tả. Riêng bản thân Fidel thì thừa nhận rằng thời gian đó quá trình tiến hóa chuyển sang chủ nghĩa Marx của ông vẫn còn đang phát triển. Dẫu sao, chính ở giao điểm này, Fidel đã hình thành phong cách chính trị đặc biệt mà ông sẽ tiếp tục duy trì cho đến mãi sau này.
Nhiều ngày sau vụ náo loạn ở Havana, quả chuông Demajagua được một phe phái vô danh nào đó đưa tới cho Tổng Thống Grau và lập tức được gửi trả về Manzanillo. Sự kiện kết thúc ở đó, song chàng trai Fidel Castro đã đạt được một danh tiếng mới: một ngôi sao chính trị đang tỏa sáng, nhiều hứa hẹn nhất của đảo quốc Cuba. Bước sang năm mới, con đường thăng tiến ngày càng được nhiều người bàn đến vẫn tiếp tục.