Đối với Fidel Castro, năm 1948 là năm ngột ngạt cả về chính trị lẫn cuộc sống riêng tư. Ông đang dần khẳng định được tên tuổi trong chính trường, tham gia nhiều hoạt động và có thêm những trách nhiệm mới.
Quanh ông, xã hội và chính trị Cuba đang mục nát và tan rã. Xã hội ngày càng phân cực. Ðảo quốc sống trong bầu không khí cách mạng kể từ khi cuộc khởi nghĩa chống chế độ độc tài Machado bùng nổ vào tháng 9 năm 1930.
Cuba bên ngoài tô vẽ cho mình sự dân chủ, pháp chế xã hội tiên tiến và bộ máy chính trị xã hội tiến bộ theo thể thức lập hiến của năm 1940. Thật ra, tâm trạng thất vọng trước một đất nước bị phân chia sâu sắc giữa một bên là thiểu số giàu sụ và một bên đa số giới công nông nghèo cùng cực đã tạo ra một tình huống đặc biệt khiến việc cai trị trở nên rất khó khăn. Giai cấp trung lưu thành thị quá nhỏ và phân tán không thể tạo thành trung tâm chính trị thuần nhất.
Tổng Thống Grau bỏ mặc bạo hành chính trị và tham nhũng ở mức độ qui mô lớn, lảng tránh không chỉ việc lãnh đạo quốc gia mà cả trách nhiệm giữ gìn luật pháp và trật tự hàng ngày. Ông ta lại chồng chất thêm oán hận và phân hóa khi có quyết định bất hợp hiến tìm cách tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai của mình. Việc xuất hiện một thế hệ mới, được đại diện bởi thành phần lãnh đạo và các cấp thấp hơn trong trường Ðại học Havana (thậm chí ở cả trường trung học), đã trực tiếp thách thức cho hiện trạng suy đồi và đây là điều kiện thật hoàn hảo đối với một người có đầu óc làm cuộc cách mạng thật sự ở Cuba như Fidel Castro.
Các quốc gia châu Mỹ La tinh thời hậu chiến cũng đang chịu nhiều áp lực tương tự. Ở Argentina năm 1945, Juan D. Perón lên nắm quyền để phát động phong trào dân tộc theo đường lối dân túy dưới chiêu bài công lý xã hội, khai sinh ra chế độ độc tài kiểu phát xít và quân phiệt nhưng đồng thời vẫn giữ cho mình vai trò một thần tượng của quần chúng. Năm 1948 ở Peru, quân đội đã đập tan cuộc nổi dậy của phong trào APRA theo đường lối xã hội và dân tộc, một trong vài phong trào cách mạng hoàn toàn có nguồn gốc Mỹ La tinh. Cũng năm đó ở Venezuela, nước Nam Mỹ chịu nhiều ảnh hưởng của Caribê, chế độ bạo tàn sụp đổ và được thay bằng chính phủ cấp tiến dân chủ xã hội. Quốc gia láng giềng Colombia lại đang có nội chiến.
Ở Cuba tình hình căng thẳng về chính trị và xã hội được nhấn mạnh và phóng đại bởi diện tích nhỏ bé của đảo quốc này, và cách mạng đã được bàn đến vào năm 1948 như một lối thoát để giải quyết sự khủng hoảng căn cơ của đất nước. Quan hệ rắc rối và thiếu lành mạnh với Mỹ khiến Cuba muốn tìm lại bản sắc của mình. Ðã nhiều năm, chủ nghĩa băng đảng được thả lỏng nên sinh sôi dưới lớp vỏ bọc “cách mạng,” biến chữ cách mạng thành vô nghĩa. Tuy vậy, năm 1948, các cuộc cách mạng dở dang và nền độc lập nửa vời đã thành đề tài bàn luận cho phát ngôn viên của các dòng tư tưởng chính.
Fidel Castro bấy giờ đã say mê cách mạng và không ngừng bàn bạc với bạn bè. Ông sớm nhận ra rằng tiếp cận và kiểm soát truyền thông là rất quan trọng. Ngay khi còn ở đại học, Fidel đã tập trung vào phương tiện truyền thông, vốn đã phát triển cao ở Cuba. Ông không bỏ qua cơ hội nào để gây chú ý càng nhiều càng tốt.
Ngày 22 tháng giêng năm 1948, một lãnh đạo liên đoàn công nhân đường, cộng sản và dân biểu da đen, Jesús Menéndez bị một đại úy quân đội bắn chết ở Manzanillo. Công chúng bị sốc trước tin này bởi đa số dân Cuba đều biết Menéndez. Mười ngàn người đã đến viếng quan tài, trong đó có Fidel Castro. Ở nghĩa trang, Fidel đã giận dữ nói với một nhà báo, “Anh nghĩ sao nếu tôi leo lên mộ để kêu gọi mọi người kéo tới dinh tổng thống?”
Hai tuần sau, sinh viên biểu tình ở trung tâm Havana phản đối cảnh sát đã tàn bạo với sinh viên tại Guantánamo ở Oriente. Cảnh sát tấn công và đuổi theo sinh viên tới trường đại học. Sau đó, viên cảnh sát trưởng khu vực, José Caramés, tự động chạy lên thang lầu với khẩu súng ngắn trong tay. Trước khi ra khỏi khu đại học, ông ta còn dùng súng đánh một sinh viên đang bị khập khiễng và suýt nữa đã đối đầu dữ dội với đám sinh viên có vũ trang.
Hôm sau, Fidel Castro kêu gọi biểu tình phản đối vụ viên cảnh sát vi phạm quyền tự quản của đại học. Một nhóm sinh viên lắp súng máy ở khu cầu thang đại học phòng khi bọn cảnh sát xâm nhập nữa. Trong khi đó, Fidel cùng một bạn học dẫn đầu đoàn biểu tình xuống phố, tay cầm cờ và băng vải ghi “Chúng Tôi Phản Ðối Vi Phạm Quyền Tự Quản Của Ðại Học!” Vừa hát quốc ca sinh viên, họ vừa đi tới hàng rào cảnh sát ở ngã tư, hét lớn, “Tống cổ Caramés đi! Ðả đảo Grau! Ðồ sát nhân!”
Cảnh sát chống bạo động cầm dùi cui bước tới đám đông và Fidel nằm trong số bị đập trước tiên. Hôm sau, báo chí đăng tin Fidel bị thương (lần đầu tiên lên đầu đề báo), bị đập vào đầu khá nặng và đã được đưa đi bệnh viện chụp X-quang. Thật ra, Fidel bị thương không đến nỗi nào và ông không muốn ở lại bệnh viện. Lần đầu tiên, Fidel đã đổ máu vì cách mạng và ông lại càng nổi tiếng hơn. Cảnh sát sau đó đã thả những sinh viên bị bắt, riêng Caramés bị đình chỉ để chờ thanh tra. Ðó là một ngày thành công của Fidel.
Ngày 22 tháng 2, mười ngày sau vụ việc ở trường đại học, một vụ ám sát nghiêm trọng xảy ra ở Havana. Nạn nhân là Manolo Castro, giám đốc thể thao quốc gia và là sáng lập viên của đảng MSR. Ông này bị ám sát trước cửa một rạp hát. Manolo là nhân vật chính trị rất quan trọng và mấy tuần trước đã nhiều lần bị dọa giết.
Không ai biết được kẻ sát nhân. Theo giả thuyết đầu tiên thì thủ phạm là Emilio Tró, chỉ huy đảng thù địch UIR đồng thời là trưởng Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Tuy nhiên, MSR lại buộc tội Fidel Castro vì thấy trước đây ông có quan hệ với UIR. Fidel đã không còn quan hệ gì với họ, sau khi vào đảng Ortodoxo. Tuy nhiên, Rolando Masferrer, lãnh đạo MSR, nhất định quy cho Fidel bởi ông là đối thủ chính trị nguy hiểm nhất của ông ta.
Vài tuần trước khi Manolo chết, tờ báo Tiempo en Cuba của Masferrer tình cờ đưa tin Fidel có liên kết với các băng đảng đại học. Hôm xảy ra vụ ám sát, cháu trai của Masferrer công khai buộc tội Fidel. Ba ngày sau, lúc 11 giờ trưa, Fidel cùng ba lãnh đạo sinh viên khác bị cảnh sát bắt ngay trong xe hơi ở một đại lộ gần bờ biển Havana để thanh tra về cái chết của Manolo.
Bốn lãnh đạo sinh viên khi ấy tức giận bác bỏ lời cáo buộc mình có liên quan tới vụ ám sát. Cảnh sát lúc đó đưa ra bài báo của tờ Tiempo de Cuba viết về liên hệ của họ với các băng đảng trong trường. Fidel lập tức đưa ra bằng chứng rằng trưa hôm có vụ ám sát, ông đang ở quán cà phê El Dorado với vài người bạn, rồi sau đó nghỉ đêm ở Khách Sạn Plaza. Hôm sau, đọc thấy tên mình trên báo, ông đã đến ngay đồn cảnh sát gần nhất để đưa bằng chứng ngoại phạm, song viên sĩ quan phụ trách đã bảo Fidel về vì không có lệnh bắt ông.
Ðiểm vừa nêu rất quan trọng, bởi mấy năm nay có nhiều bài báo nói rằng chính phủ Cuba muốn tìm cách bắt Fidel. Vụ bắt bớ trong xe hôm đó là sáng kiến của một sĩ quan cảnh sát. Bốn người được đưa đi thử chất paraffin xem gần đây họ có dùng vũ khí không. Ðến 2 giờ trưa, viên thanh tra ra lệnh thả cho họ tự do có điều kiện. Fidel đã tổ chức họp báo ngay tại đồn cảnh sát.
Ông công kích: “Masferrer muốn tranh quyền lãnh đạo ở đại học để phục vụ lợi ích riêng. Chúng tôi đã không để cho ông ta làm như vậy, dù có bị ép buộc bằng vũ lực. Masferrer muốn lấy Manolo ra làm cớ chống lại chúng tôi. Nói cách khác, ông ta muốn hưởng lợi từ cái chết của bạn mình. Nếu biết trước chuyện này, chúng tôi đã ngăn cản.” Cựu chủ tịch FEU, Enrique Ovares cũng biện minh cho Fidel. Ovares nói: “Fidel hoàn toàn không có liên quan gì đến cái chết của Manolo Castro. Tôi không có lý do gì để nói dối các anh. Nếu các anh muốn tấn công Fidel thì hãy tấn công anh ta bằng sự thật. Fidel từng làm nhiều chuyện động trời. Nhưng sao lại phải bịa chuyện như vậy? Tôi thấy thương hại cho những kẻ viết các bài báo đó về Fidel. Nếu có đủ sự thật để chống anh ta thì sao lại phải nói dối chứ?”
Dù Fidel vô tội, vẫn không có gì bảo đảm Masferrer và đồng bọn không tìm cách giết ông. Fidel cảm thấy nên đi lánh mặt một thời gian. Chị Lidia, Alfredo Guevara và Mario García giúp Fidel tìm cách ẩn mình. Tuy nhiên, cũng như bao lần, một kế hoạch mới bỗng khiến Fidel chú ý và cũng là dịp để ông rời khỏi Cuba một thời gian. Ðây hóa ra lại là cuộc phiêu lưu lớn nhất của Fidel cho tới lúc này.
Ðó là việc thành lập hội sinh viên Mỹ La tinh chống đế quốc do chính phủ Perón của Argentina khởi xướng. Fidel cảm thấy thật phấn khởi. Tháng tư, tại thủ đô Bogotá của Colombia, sẽ có buổi họp chuẩn bị cho các lãnh đạo sinh viên ở bán cầu. Ðầu năm 1948, Thượng nghị sĩ Diego Molinari cùng vài viên chức đã đến Havana gặp các lãnh đạo sinh viên Cuba để nhờ giúp tổ chức hội, do Argentina tài trợ.
Cả ban lãnh đạo sinh viên đều hứng thú trước đề nghị của Argentina. Fidel Castro, với tư cách sinh viên luật Havana, đã phối hợp kế hoạch hội nghị với phái viên của Perón, Ernesto Guevara de la Serna, sau này là “Che” của cách mạng Cuba. Ernesto năm đó mới mười chín tuổi, sinh viên năm thứ hai của trường Ðại Học Y Khoa Buenos Aires, đang ủng hộ Perón.
Hội nghị này sẽ diễn ra cùng lúc với hội nghị bộ trưởng ngoại giao Tây Bán Cầu, do Mỹ triệu tập, để củng cố hệ thống chi phối ở Mỹ La tinh. Trong khi đó, hội nghị sinh viên sẽ bàn về nguyên tắc chống đế quốc.
Fidel Castro chợt nảy ra ý sẽ nhân dịp này, tạo cuộc đối đầu với Mỹ và Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ ở thủ đô Bogotá. Ðối với nhà cách mạng Caribê hai mươi mốt tuổi, chưa được biết đến bên ngoài Cuba, thì như vậy thật là tham vọng. Tuy nhiên, Fidel chưa bao giờ thấy ý tưởng nào lại không thể thực hiện được. Ông không hề hay biết sẽ có cuộc bùng nổ thảm khốc vì một sự cố trùng hợp bất ngờ xảy ra ở Bogotá. Dù sao, sự nghiệp chính trị của Fidel vốn được xây trên các sự cố lịch sử ngẫu nhiên, dọn đường cho ông tiến tới thành công.
Có bốn người được cử đi Bogotá dự hội nghị là Enrique Ovares, Alfredo Guevara, tổng thư ký FEU Rafael del Pino và Fidel. Họ chia làm hai và đi riêng, Fidel đi cùng Rafael. Ban tổ chức hội nghị Cuba có chín thành viên, với Fidel dĩ nhiên là phát ngôn viên. Ba tuần sau vụ ám sát Manolo, Fidel xuất bản bài sơ lược về kế hoạch hội nghị. Ông viết: “Chúng tôi mong hành động này sẽ mở màn cho một phong trào được ủng hộ khắp Mỹ La tinh, nhất là sinh viên sẽ đoàn kết lại dưới lá cờ đấu tranh chống đế quốc.” Fidel thông báo buổi chuẩn bị cho hội nghị sẽ được tổ chức ở Bogotá vào đầu tháng tư, cùng lúc với hội nghị bộ trưởng Liên Châu Mỹ. Ông luôn là nhà chiến lược khi nêu ra sáng kiến rằng nhân dịp này, sinh viên nên khởi xướng một làn sóng phản đối để mở đường cho việc thực hiện các cáo buộc chống lại đế quốc.
Ngày 19 tháng 3, Fidel lái xe tới Phi Trường Rancho Boyetros (nay là Phi Trường José Martí) để đón máy bay đi Caracas, chặng dừng đầu tiên trên đường đi Colombia. Tuy nhiên, chưa lên máy bay, Fidel đã bị cảnh sát chặn lại vì cho rằng ông đang cố vi phạm “quyền tự do có điều kiện” bốn tuần trước. Fidel lập tức nói với viên sĩ quan là ông đang thực hiện nghĩa vụ “hữu nghị” giữa sinh viên các nước Mỹ La tinh và công kích nhà cầm quyền đã ra kế hoạch ám sát ông ở Havana. Viên sĩ quan sau đó đành để cho Fidel đi. Tuy vậy, Fidel đã nói với các nhà báo rằng họ đã cố tình cản trở các hoạt động của sinh viên. Hôm sau, Fidel sang Venezuela và lại thu hút những đám đông mới.
Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Fidel mang sắc thái của một cuộc phiêu lưu. Ở Caracas, Fidel và Rafael đã gặp gỡ giới sinh viên để đề nghị họ cử đại diện tới hội nghị Bogotá. Sau đó, hai người đến thăm các chủ bút báo nhà nước, rồi gọi điện hỏi thăm Rómulo Gallégos, vị tổng thống mới của Venezuela, cũng là nhà thơ và tiểu thuyết gia nổi tiếng. Chế độ độc tài ở nước này đã bị cuộc cách mạng do giới trí thức trẻ và sĩ quan phe trung tả lật đổ. Từ đây, họ đến Panama giữa lúc có cuộc biểu tình chống Mỹ đã kiểm soát Khu Kênh Ðào. Fidel cũng ghé thăm một sinh viên Panama bị thương do bạo loạn và sinh viên ở Panama cũng đồng ý gửi đại diện đến Bogotá.
Dù ở xa, Fidel vẫn dõi theo tình hình chính trị ở Cuba. Cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 1 tháng 6, trong đó Fidel là thành viên đảng Ortodoxo ủng hộ Thượng Nghị Sĩ Eddy Chibás.
Fidel cùng Rafael đến Bogotá ngày 31 tháng 3. Họ lưu lại một khách sạn nhỏ ba tầng Claridge dưới phố. Hôm sau, Ovares cùng Alfredo bay từ Havana qua và ở tại một nhà trọ rẻ tiền hơn tại San José, gần Cladridge. Ngày 1 tháng 4, những sinh viên Cuba đã họp với các đại diện sinh viên Colombia, Mexico, Venezuela và Guatamala ở trường để bàn việc chuẩn bị hội nghị. Ovares được cử làm chủ tịch vì ông là chủ tịch FEU ở Cuba, nước chủ nhà của hội nghị Bogotá. Fidel làm phái viên tới gặp Jorge Eliécer Gaitán, nhà lãnh đạo nổi tiếng của đảng Tự Do Colombia, để mời ông dự hội nghị sinh viên.
Họ đồng lòng sẽ lên án hội nghị các bộ trưởng ngoại giao châu Mỹ ở Bogotá vào ngày 3 tháng 4. Sinh viên lúc này bắt đầu quấy nhiễu các bộ trưởng ngoại giao và chẳng mấy chốc, Fidel đã bị cảnh sát Colombia bắt. Tối hôm đó, ông đã cùng một người bạn Cuba và một sinh viên Colombia rải truyền đơn chống đế quốc ở nhà hát Bogotá, giữa lúc có buổi liên hoan ca nhạc cho quan khách. Họ bị bắt ở khách sạn, đưa tới văn phòng tối tăm trong tòa nhà bẩn thỉu và bị thám tử thẩm tra. Fidel lúc này đã tìm cách nói khéo cho họ thoát khỏi tình thế đó. Ông giải thích với thanh tra các sáng kiến và lý tưởng của hội nghị chống đế quốc. Nhờ tài thuyết phục của Fidel nên chỉ vài giờ sau, họ được thả về. Thoát khỏi tình huống ngặt nghèo, bằng lời lẽ khôn ngoan là một nghệ thuật mà Fidel đã thành thạo từ nhỏ.
Ngày 7 tháng 4, Fidel cùng Rafael tới thăm Jorge Gaitán. Hai người được các sinh viên thuộc đảng Tự Do Colombia đưa tới văn phòng làm việc của ông. Vào thời điểm đó, Colombia đã trải qua hai năm nội chiến giữa các đảng Tự Do và Bảo Thủ truyền thống. Hàng ngàn người đã bỏ mạng ở các làng mạc, thị thành. Năm 1948, tổng thống Colombia Mariano Ospina Peréz là người của đảng Bảo Thủ.
Ðất nước đang trên bờ vực xung đột và tàn sát lẫn nhau giữa các phe phái chính trị.
Vài ngày trước khi có hội nghị bộ trưởng ngoại giao ở thủ đô dễ kích động của Colombia, Gaitán đã dẫn dắt 100.000 người trong Cuộc Tuần Hành Lặng Lẽ phản đối cảnh sát tàn bạo và diễn thuyết Vì Hòa Bình. Lúc gặp nhau, Gaitán cho Fidel và Rafael nội dung bài diễn văn, vừa giải thích cuộc khủng hoảng chính trị Colombia cho họ nghe. Ông đồng ý kết thúc hội nghị sinh viên bằng cuộc mít tinh và sẽ nói chuyện với các đại diện.
Hôm sau, Fidel đi đến tòa án Bogotá để quan sát Gaitán làm luật sư, bảo vệ một trung úy cảnh sát bị buộc tội giết một nhà chính trị bảo thủ. Ðây là vụ án nóng bỏng ở Colombia và diễn biến được truyền qua đài phát thanh. Ông thấy Gaitán thật xuất sắc trong phòng xử án. Sau này, Fidel kể lại: “Gaitán là diễn giả xuất chúng. Lời lẽ của ông ấy thật chính xác và hùng hồn. Ông chứng tỏ mình là một trong những nhân vật chống chính phủ bảo thủ tiến bộ nhất nước.” Gaitán mời Fidel tới gặp lại ông vào thứ sáu, ngày 9 tháng 4. Với Fidel đã trưởng thành về chính trị thì việc gặp Gaitán rất quan trọng. Một lần nữa, sự việc lại có lợi cho Fidel.
Thời gian này, Fidel còn có một cuộc gặp gỡ kỳ lạ khác ở Bogotá. Alfredo nhớ tại cuộc họp với sinh viên ở Trường Ðại Học Quốc Gia, Alfredo và Fidel được giới thiệu với một thanh niên tên Camilo Torres. Lúc đó, Torres không có ý nghĩa gì đối với người Cuba. Tuy nhiên, đây chính là nhà cách mạng Colombia đầu tiên trở thành linh mục Thiên Chúa Giáo La Mã và sau đó là chỉ huy quân du kích nổi tiếng đã nhiều năm chiến đấu chống lại quân đội ở Andes. Cha Torres bị giết vào thập niên 1960. Sau này, ông được phong thánh của các sĩ tử và anh hùng cách mạng Mỹ La tinh.
Fidel có hẹn với Gaitán lúc hai giờ trưa ngày 9 tháng 4. Ông ăn trưa ở khách sạn, sau đó ra đường đi bộ tới văn phòng Gaitán. Bỗng nhiên, ông thấy dân chúng hốt hoảng chạy túa đi từ mọi hướng, gương mặt đầy vẻ hoảng loạn. Họ la lớn: “Chúng giết Gaitán rồi! Chúng đã giết Gaitán!” Người người đều hết sức căm phẫn, xúc động thông báo cho nhau nghe chuyện vừa xảy ra.
Gaitán vừa bị bắn chết trên lề đường trước cửa tòa nhà nơi ông làm việc. Dù kẻ ám sát ông tên Juan Roa đã lập tức bị đám đông xử ngay, Bogotá và Colombia vẫn bùng nổ như núi lửa cách mạng. Sự hiện diện của hội nghị các bộ trưởng ngoại giao châu Mỹ lúc này khiến người ta thêm nghi ngờ vụ ám sát được sắp đặt để kích thích cách mạng và giáng một đòn mạnh vào Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ. Fidel đã chứng kiến và tham gia vào trận hỗn chiến trên đường phố Bogotá nên biết đó chỉ là cuộc bùng nổ ngẫu nhiên.
Ðây thật sự là thử thách đầu tiên, tác động mạnh đến suy nghĩ và kế hoạch tương lai của nhà cách mạng Fidel. Cho tới lúc này, đối với ông, đó chính là sự kiện quan trọng nhất, một kinh nghiệm lớn và cơ hội quan sát, học hỏi cuộc cách mạng lan rộng. Hình ảnh một người đàn ông trong công viên đang điên cuồng dùng tay không, cố đập nát chiếc máy đánh chữ khi hay tin Gaitán chết đã đọng lại trong tâm trí Fidel.
Ông quyết định đi tới Tòa Nhà Quốc Hội, nơi đang tổ chức hội nghị bộ trưởng. Càng lúc ông càng thấy nhiều người đang đập vỡ cửa sổ và mọi thứ. Sau này, Fidel kể lại: “Lúc đó, tôi bắt đầu lo vì tôi biết cách mạng là thế nào và điều gì không nên xảy ra. Tôi thấy cuộc biểu tình hỗn loạn. Thật không biết các lãnh đạo đảng Tự Do lúc đó đang làm gì mà lại để như vậy.”
Fidel thấy tòa nhà quốc hội bị đám đông giận dữ ập vào. Người cầm dùi cui, kẻ mang vũ khí và đồ đạc văn phòng bị mang qua cửa sổ ra quảng trường. Ông đi cùng Rafael đến nhà trọ gặp Ovares và Guevara. Từ đây, một đám đông lớn đang đổ xuống các đại lộ chính về hướng đồn cảnh sát. Chính giây phút đó, Fidel trong trang phục quần tây, áo sơ mi với cà vạt và áo khoác da đã quyết định tham gia cuộc cách mạng Colombia.
Fidel kể: “Tôi gia nhập hàng trên của đám đông. Thấy cuộc cách mạng bùng nổ nên tôi quyết định tham gia. Tôi biết dân chúng bị đàn áp, người ta nổi dậy là đúng và cái chết của Gaitán quả là một tội ác lớn.” Ở đồn, cảnh sát chĩa súng vào đám đông nhưng không bắn, mà nhiều người trong số họ còn gia nhập đám đông nổi loạn. Sau khi vào đồn cảnh sát, vũ khí duy nhất Fidel tìm được là cây súng hơi cay ngắn, vậy là ông vớ theo cùng với hai ba chục băng đạn hơi cay. “Tôi không có súng nhưng ít nhất có cái gì đó bắn được, một cây súng ngắn nòng lớn. Tôi mặc đồ không hợp với chiến tranh, nhưng sau đó đã tìm thấy một chiếc nón không có lưỡi trai và đội vào. Tôi leo vào tầng hai, vào phòng các sĩ quan. Ở đó tôi kiếm quần áo, tìm thêm vũ khí và mang thêm đôi giày binh. Bỗng một sĩ quan chạy vào và tôi không thể quên được trong cơn hỗn loạn, ông ta kêu lên, ‘Ồ, đừng lấy giày của tôi chớ, đừng có lấy giày của tôi...’ ”
Ngoài sân, Fidel gặp phải một sĩ quan đang cố tổ chức đội cảnh sát, ông bèn đổi cây súng hơi cay lấy súng trường và đạn của anh ta. Ðoạn, ông thay nón bằng mũ bê rê, rồi mặc áo khoác cảnh sát vào. Bấy giờ, đám đông vũ trang, trong đó có cả lính lẫn cảnh sát, đổ về như thác lũ, với Fidel đi đầu. Nhiều xe hơi chở sinh viên chạy qua và có tin một nhóm sinh viên đã chiếm được một đài phát thanh trong thành phố. Một đài phát thanh khác cũng đang bị tấn công. Fidel dẫn một nhóm tới giúp những sinh viên đang bị bao vây, song sự hỗn loạn, hỏa lực và bạo động tràn ngập tới nỗi ông không sao làm gì được. Có cả những người đã uống nhiều rượu đến cầm theo vài chai rượu rum nữa.
Không rõ lúc đó quân đội có gia nhập cuộc nổi dậy không, song bỗng ông gặp phải một đoàn quân trước Bộ Chiến Tranh. Fidel kể: “Tôi cũng bị cơn sốt cách mạng chế ngự và cố thu hút đám đông lớn nhất cho phong trào cách mạng. Tôi nhảy lên băng ghế, hô hào lính gia nhập cách mạng. Mọi người lắng nghe, không ai làm gì hết và tôi cứ cầm súng mà hô hào.”
Từ Bộ Chiến Tranh, Fidel và nhiều đồng đội đi trở lại đài phát thanh (khi ấy, cái bóp, gồm toàn bộ tiền bạc của Fidel, đã bị mất cắp). Bỗng họ bị hỏa lực dồn dập bắn tới nên cố nấp sau mấy băng ghế. Không tới được đài phát thanh hay Trường Ðại Học Quốc Gia, Fidel tìm cách cùng các sinh viên chiếm lấy đồn cảnh sát gần đó. “Tôi thấy chỉ mình tôi có súng nên phải là người chiếm đồn cảnh sát. Như vậy thật tự sát, nhưng cũng may là đồn đã được chiếm trước đó và họ thân thiện đón chúng tôi.” Sau đó, Fidel và vài sinh viên tìm đường đến đồn cảnh sát khác bấy giờ đã ở trong tay cách mạng. Song ông không còn xu nào để uống cà phê.
Ðó là đồn của Ðơn Vị Thứ Năm với chừng bốn trăm cảnh sát và công dân vũ trang. Tuy nhiên, việc tổ chức phòng thủ ở đồn thật lộn xộn và ông được phân nhiệm vụ trên tầng hai. Fidel rất lo khi thấy dân chúng vẫn còn cướp đồ trên đường phố Bogotá. Người ta đông như kiến, vác lên lưng nào là tủ lạnh, nào là đàn dương cầm. Họ mang đi tất cả những gì có thể. Toàn cảnh nói lên thực tế thiếu chuẩn bị chính trị, thiếu tổ chức, văn hóa và dân chúng đã quá nghèo khổ.
Thấy lực lượng nổi dậy vẫn ở lì trong đồn cảnh sát, Fidel bảo với đơn vị trưởng và các sĩ quan nên đi đánh, nếu ở trong đồn mãi sẽ bị thua. Ông kể cho họ nghe kinh nghiệm quân sự ở Cuba để thúc giục các cảnh sát trưởng đưa lực lượng xuống phố, tấn công vào các cơ sở của chính phủ. Họ nghe Fidel nói, song đã không có ai hành động.
Fidel nảy ra vài ý tưởng quân sự đã học về các tình huống cách mạng, trong đó có các phong trào Cách Mạng Pháp và kinh nghiệm ở Cuba. Ông thấy đợi cho quân chính phủ tới đánh rồi mới chống trả thì thật là điên rồ. Khi nhìn thấy cảnh sát phe nổi dậy đánh đập cảnh sát theo phe chính phủ mà họ bắt được, ông lại cảm thấy không chịu nổi.
Bất chợt, Fidel nghĩ không biết mình đang làm gì trong cái “bẫy chuột” này, ngớ ngẩn đợi địch tấn công thay vì đi tấn công địch. Ông tự hỏi mình có nên ở lại đồn không, song quyết định ở lại vì nghĩ: “Dân ở đây cũng như dân Cuba - họ cũng là những người bị đàn áp, bóc lột. Thủ lĩnh của họ bị ám sát nên họ nổi dậy là đúng. Bởi vậy, nếu có chết thì mình cũng phải ở lại.”
Cuối cùng, Fidel thuyết phục cảnh sát trưởng phân cho tám người tuần tra ngọn đồi phía sau lưng đồn, sợ quân đội sẽ tấn công từ đó. Sáng chủ nhật, 11 tháng 4, có tin chính phủ và phe đối lập Tự Do đã đi tới thỏa thuận. Trong vòng vài giờ, hiệp ước đã thảo xong và chính phủ yêu cầu những người nổi dậy hạ vũ khí. Fidel nhận ra thoả thuận hòa bình là lừa dối dân chúng, vì sau khi người nổi dậy từ bỏ vũ khí, quân chính phủ đã đi lùng sục những nhà cách mạng ở khắp thành phố.
Fidel trở ra đường thì thấy Ovares và Guevara ở nhà trọ không tham gia nổi dậy. Anh gặp ông chủ nhà là người của phe Bảo Thủ. Ông này kể toàn những điều khủng khiếp về Gaitán và phe Tự Do. Fidel không cầm lòng được nên phản bác ông ta và bênh vực cho phe Tự Do. Khi ấy chỉ còn nửa tiếng nữa là tới giờ giới nghiêm vào 6 giờ tối, ông chủ nhà đã đuổi hết những người Cuba ra khỏi đường. Họ đành phải đi tìm một khách sạn ở dưới phố.
Ở đây, họ tình cờ gặp một nhà ngoại giao Argentina quen và nhờ ông ta đưa giúp tới tòa đại sứ Cuba (xe ngoại giao được miễn lệnh giới nghiêm). Những sinh viên Cuba được đón tiếp tử tế vì người ở đây đã nghe nói về họ. Ðến ngày 13 tháng 4, họ được đưa về Havana bằng máy bay chở bò của Cuba.
Không có bài học nào là thừa cho Fidel. Kinh nghiệm ở Bogotá đã khiến Fidel cố gắng giáo dục chính trị, lương tâm cho dân Cuba để đảm bảo cách mạng thắng lợi, tránh tình trạng hỗn loạn, cướp bóc và mất trật tự như đã diễn ra ở Colombia.
Tuy nhiên, vụ bạo động ở Bogotá đã hủy hoại việc tổ chức hội nghị sinh viên và cả người Cuba lẫn người Argentina đều không khôi phục lại kế hoạch đó nữa.
Trang nhất các báo ở Havana đều đưa tin Fidel Castro và các đồng sự Cuba vừa trở về từ Bogotá. Dù những bài tường thuật có ý kiến trái ngược nhau về các hoạt động của Fidel ở Colombia và buộc tội ông nằm trong âm mưu Cộng Sản, hình ảnh Fidel vẫn được nâng lên đáng kể. Ở tuổi hai mươi mốt, trong mắt đa số dân Cuba, ông đã là một nhân vật chính trị quốc gia và quốc tế. Một lần nữa trong cuộc đời, ông lại gặp may khi tình cờ tham gia vào cuộc nội chiến ở Colombia.
Trở lại Cuba, Fidel lập tức lao mình vào chiến dịch bầu cử tổng thống lúc này đang ở giai đoạn kết. Dù hướng theo chủ nghĩa Marx, ông vẫn ủng hộ mạnh mẽ ứng cử viên Thượng Nghị Sĩ Chibás, bởi ông thấy đảng Ortodoxo là giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng Cuba. Ông vẫn chưa muốn dứt khỏi nền chính trị truyền thống.
Tháng năm, Fidel bỏ ra nhiều tuần đi vận động với Chibás, chủ yếu ở tỉnh Oriente quê anh. Báo chí trong nước tường thuật Fidel có mặt cùng với các thị trưởng và nghị sĩ Ortodoxo. Tuy vận động cho Chibás, song Fidel vẫn cẩn thận giữ tiếng của mình và thường thẳng thắn nói về các vấn đề xã hội. Thêm một kinh nghiệm chính trị lớn nữa cho chàng trai trẻ Fidel.
Ngày 31 tháng 5, có cuộc tranh tài quyết định giữa chủ nghĩa lý tưởng Chibás và quyền lợi của các ứng cử viên trong chính phủ Grau trước kỳ bầu cử. Có thể Chibás là lương tâm của giới trẻ Cuba, song ngày 1 tháng 6, ông đã bị thua phiếu Carlos Prío Socarrás, bộ trưởng lao động. Về nhì là Ricardo Nunez Pertuondo của đảng Tự Do, một người bảo thủ. Chibás chỉ đứng trên ứng cử viên Cộng Sản Juan Marinello.
Sau thất bại này, Fidel quay sang những mối quan tâm chính trị lâu dài hơn, trong đó có nhóm ARO cấp tiến của ông trong đảng Ortodoxo. Tuy nhiên, chuyện bất ngờ thường xảy ra trong cuộc đời Fidel và chưa đầy một tuần sau, ông lại bị lôi kéo vào một vụ rắc rối mới.
Ngày 6 tháng 6, bỗng nhiên một hạ sĩ cảnh sát tên Oscar Fernández Caral bị bắn trước cửa nhà Fidel. Trước khi chết, anh ta nhận Fidel là kẻ ám sát mình. Ngoài ra, còn có thêm một nhân chứng vô danh. Fidel đã đọc báo thấy những lời cáo buộc như vậy. Lần này, ông biết các băng đảng đại học và bạn bè chúng trong giới cảnh sát đang tìm cách diệt ông. Trước sự phản đối dữ dội của Fidel, kẻ làm nhân chứng giả đã rút lại lời buộc tội và thú nhận với các phóng viên rằng anh ta đã được cảnh sát cho tiền để khai tên Fidel. Tuy nhiên, sang đầu tháng bảy, đối thủ vẫn cố khơi lại vụ này. Trước tòa, Fidel tố cáo các băng đảng và nói ông không muốn bị rơi vào âm mưu của chúng, trong khi ông hoàn toàn vô can. Fidel bảo thẩm phán rằng nếu ông bị bắt thì một số cảnh sát sẽ tận dụng dịp này để hạ sát ông. Chuyện này sau đó cũng qua đi.
Ðầu tháng chín, Fidel về Birán nghỉ ít ngày để thăm cha mẹ rồi quay lại Havana học tiếp. Fidel đang chuẩn bị nghiên cứu thêm về chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, ngày 8 tháng 9, chính phủ Grau cho phép xe buýt Havana tăng giá cước. Ngay hôm sau, các lãnh đạo Cộng Sản và sinh viên là những người đầu tiên xuống đường biểu tình và diễn thuyết.
Trưa ngày 9 tháng 9, FEU và giới sinh viên vào cuộc. Họ giữ tám xe buýt, trang trí lên đó cờ Cuba và lái tới khuôn viên trường. Fidel dĩ nhiên cũng tham gia cuộc đối đầu. Sáng hôm sau, xe buýt ở khuôn viên đại học biến mất và vụ này bất chợt kết thúc. Cước phí xe buýt trở lại như trước.
Tổng thống Prío nhậm chức ngày 10 tháng 10 năm 1948, mở đầu một giai đoạn còn thối nát hơn cả thời Grau nắm quyền. Tuy vậy, Fidel cũng lờ chuyện này đi được một thời gian. Hai hôm sau, ngày 12 tháng 10, Fidel kết hôn với Mirta Díaz- Balart, cô sinh viên khoa triết xinh xắn với mái tóc đen, vốn là em gái của bạn học Rafael, mà ông đã quen nhiều năm trước.
Gia đình Díaz-Balart cũng ở Oriente và hôn lễ đã diễn ra tại nhà cô dâu ở Banes, không xa Birán. Gia đình Díaz-Balart giàu có với nhiều quan hệ chính trị lớn ở Santiago và Havana. Trừ Rafael, gia đình cô dâu không mấy hứng thú với chuyện Mirta kết hôn với anh chàng Fidel hai mươi hai tuổi. Họ không tán đồng quan điểm chính trị của Fidel và nhất là nguồn gốc gia đình ông.
Ít ai kể về cuộc hôn nhân mà năm năm sau đã tan vỡ vì chính trị. Nhiều người nói Mirta yêu Fidel tha thiết. Theo lời bạn bè thì bà là người phụ nữ duy nhất Fidel quan tâm, bởi ông chỉ dành thời gian cho học hành và chính trị. Tuy vậy, không rõ tại sao họ lại kết hôn lúc hãy còn quá trẻ, nhất là khi Fidel đang học trường luật và thời gian đã dành hết cho chính trị và những giấc mơ cách mạng. Có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa cuộc đời Fidel Castro và José Martí. Cả hai đều kết hôn rất sớm; Martí không bao giờ có thời gian cho vợ và gia đình. Fidel cũng không có thời gian cho gia đình, dù ông dành rất nhiều tình thương cho con trai.
Fidel và Mirta đi Mỹ hưởng tuần trăng mật. Họ ở lại đây vài tuần và có một thời gian lưu lại New York. Dịp này, Fidel cũng đã mua nhiều sách của Marx và Engels.