Fidel Castro bấy giờ đã dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp chính trị và nghề nghiệp. Ông nhận thấy không nên lao vào hoạt động quá nhiều hướng mà phải tập trung vào công tác đảng và học luật. Tuy vậy, ông vẫn bận tâm về tư tưởng.
Lúc này, Fidel đã có cuộc sống gia đình. Nhà của hai vợ chồng là một căn phòng trong khách sạn nhỏ, rẻ tiền ở số 1218 phố San Lázaro, cách trường đại học một khu nhà. Ở đây tiện cho Fidel hơn. Mirta vẫn theo học ở khoa triết và gặp gỡ gia đình, bè bạn song ít khi có Fidel đi cùng. Khi nào không học hay làm chính trị trong trường là ông tới trụ sở đảng Ortodoxo để gặp các nhà chính trị đối lập ở số 109 Paseo de Prado, đại lộ dễ thương nối Phố Malecón với Tòa Nhà Quốc Hội. Fidel luôn vun đắp quan hệ với các nhân vật trong đảng Ortodoxo để mở rộng cử tri vì ông đang định chạy đua vào Quốc Hội. Thời gian còn lại trong ngày, ông họp hành, thỉnh thoảng tham gia vào các cuộc nổi loạn chọn lọc và đọc rất nhiều sách.
Fidel và Mirta sống ở khách sạn được một năm vì không đủ tiền để thuê một ngôi nhà hay căn hộ riêng. Mỗi tháng, cha của Fidel ở Birán gửi tám mươi peso trợ cấp, vừa đủ trả tiền phòng, ăn uống và các khoản chi tiêu khác. Ông không đi làm nên không có thêm khoản tiền nào khác. Gia đình Mirta khá giàu, song Fidel kiêu hãnh không muốn nhờ vào gia đình vợ và Mirta cũng chiều theo ý chồng. Bà đã quen sống tiện nghi, giờ lại bất kể phải ở trong phòng trọ với Fidel - tình yêu đã bù đắp cho sự thiếu thốn và vắng mặt của ông. Thời gian sắp tới, Mirta còn phải chịu nhiều hy sinh hơn nữa.
Năm thứ tư ở trường luật, Fidel đạt điểm cao môn luật lao động và vừa đủ điểm đậu môn tài sản và bất động sản – ông chỉ học giỏi những môn mà mình thích.
Ở Havana, bạo động chính trị vẫn diễn ra và thường có mặt Fidel Castro. Hãng xe buýt Havana lại đòi tăng cước và ngày 20 tháng giêng, chính phủ Prío đã chấp thuận. Trong cuộc họp ở trường đại học FEU, có nhiều ý kiến trái ngược nhau về chuyện có nên cho sinh viên đấu tranh chống lại việc xe buýt tăng cước. Ban đấu tranh của FEU thì thuận còn phía lãnh đạo lại chống, sợ cảnh sát xâm nhập khuôn viên đại học. Phe ủng hộ đấu tranh, do Fidel dẫn đầu, đòi phải tiến lên vì uy tín FEU. Ngày 24 tháng giêng, hàng ngàn sinh viên tụ tập ở trường, chuẩn bị tuần hành xuống phố. Tuy nhiên, xe tuần tra của cảnh sát đã bao vây trường và cảnh sát bắn vào sinh viên. Fidel dẫn đầu đám đông sinh viên, đáp trả lại cảnh sát bằng đá và cà chua. Ủy ban sinh viên in năm mươi ngàn truyền đơn (theo ý Fidel) kêu gọi dân Havana tẩy chay xe buýt.
Tháng 3 năm 1949, có một chuyện xảy ra ở Havana khiến dân Cuba không bao giờ quên và càng cay đắng với Mỹ. Cảm giác chống Mỹ từ đó lại càng tăng.
Một buổi tối ngày 11 tháng 3, đám hải quân Mỹ say rượu đã xúc phạm tượng José Martí ở Công Viên Trung Tâm Havana. Ít nhất một tên đã tiểu tiện dưới chân tượng và tên khác ngồi lên đầu tượng. Martí rất được tôn kính ở Cuba nên dân chúng giận dữ đổ dồn về phía công viên, trong khi bọn thủy thủ được cảnh sát bảo vệ kịp thời và đưa về đồn. Sau đó, Tùy Viên Hải Quân Mỹ và Ban Tuần Tra Bờ Biển đã kịp đến đồn để đưa bọn thủy thủ về tàu. Nhà cầm quyền Cuba đã không có động tĩnh gì.
Vụ này lan truyền khắp Havana và sinh viên do Fidel Castro dẫn đầu đã phản ứng ngay. Fidel cùng một số sinh viên tự nhận là lính gác danh dự, canh gác tượng Martí suốt đêm như cử chỉ yêu nước đồng thời lập kế hoạch biểu tình chống Mỹ ngày hôm sau. Ngày 12 tháng 3, sinh viên, do Fidel và bạn bè chỉ huy, phản đối trước tòa đại sứ Mỹ.
Ðại sứ Mỹ ở Havana, ông Robert Butler, hiểu rõ tính nghiêm trọng của sự việc, nên vội đứng ra nói chuyện với sinh viên và thay mặt Hải Quân Mỹ xin lỗi nhân dân Cuba. Vừa khi đó, cảnh sát chống bạo động do cảnh sát trưởng mới, Thiếu tá José Caramés, cầm đầu đến nơi và tấn công sinh viên tàn bạo. Fidel cũng bị đánh đập. Caramés muốn chứng tỏ với Mỹ rằng nhà cầm quyền Cuba bảo vệ tốt tòa đại sứ Mỹ, song chính ông Butler lại bị bất ngờ vì cách dùng vũ lực như vậy của cảnh sát Cuba.
Thời gian này, Fidel đang vận động tranh cử vào quốc hội. Ông diễn thuyết về công lý xã hội và tính chân thật trong chính trị trên đài phát thanh COCO vài lần mỗi tháng. Fidel cũng ở bên cạnh Eddy Chibás, người dù bị thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vẫn rất được nhân dân yêu mến và định chạy đua lại vào năm 1952. Tháng năm, Chibás ra bản tường trình về việc Batista làm giàu trong thời gian ông ta làm tổng thống, khiến cả nước rất quan tâm. Fidel biết Thượng Nghị Sĩ là nhà chính trị xuất chúng và chiến dịch “Tính Chân Thật” của ông ngày càng tác động tới chính quyền thối nát của Tổng Thống Prío. Người ta tin chắc cuối cùng, Chibás sẽ thắng cử và Fidel thường quan sát ông để học hỏi các kỹ thuật cho sau này.
Mặt khác, ông hăng hái tham gia Ủy Ban Ðại Học Ðấu Tranh Chống Phân Biệt Chủng Tộc. Ở một nước vốn phân biệt chủng tộc như Cuba, ít ai ủng hộ việc bình đẳng sắc tộc. Fidel luôn chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Ông thấy phong trào cách mạng của mình không thể nào phát triển mà không có dân Cuba da màu ủng hộ. Thực tế đã chứng tỏ ông đúng. Tuy nhiên, dù cố gắng, Fidel cũng phải đợi đến một phần tư thế kỷ sau cách mạng mới xóa được bản năng phân biệt trong lòng người Cuba da trắng. Là xã hội đa chủng tộc, Cuba giống Brazil nhất trong khu vực Mỹ La tinh. Tuy vậy, dù cả hai nước đều có luật chống phân biệt chủng tộc nghiêm khắc, nhìn chung người da trắng vẫn có cảm giác mình cao cấp hơn. Ðiều này biểu hiện ở những nhận xét thông thường, lời nói đùa và loáng thoáng trong thái độ xã hội ở đảo quốc.
Ngày 1 tháng 9 năm 1949, Fidel Castro đã được làm cha khi bé Fidel Castro Díaz-Balart, tức Fidelito chào đời. Thời gian này, cha mẹ cậu bé vẫn còn ở trong khách sạn. Phải nhiều tháng sau, gia đình Fidel mới chuyển được đến căn hộ nhỏ khiêm tốn trên phố Thứ Ba ở quận khá giả Vedado, cách Malecón và biển một tòa nhà. Bên kia đường là đồn cảnh sát. Nhà mới của Fidel không được tiện nghi cho lắm vì ông vẫn phải dựa vào trợ cấp của cha mình. Sau giờ học, Fidel quá bận việc chính trị không thể đi làm và Mirta đã phải chắt chiu từng đồng peso trong chi tiêu. Mọi đồ đạc đơn giản trong nhà đều phải mua trả góp.
Thời gian này, Fidel đã thuyết phục cha mẹ cho em trai Raúl được đi Havana. Raúl học ở trường Belén kém tới nỗi Don Ángel bắt anh về nhà làm việc với anh cả Ramón ở nông trang. Fidel thấy Raúl rất thông minh (nỗi khổ của Raúl là anh ghét kỷ luật và việc cầu nguyện liên tục ở Belén) nên cần phải cho Raúl một cơ hội khác. Cuối năm 1949, Raúl trở lại Havana, hy vọng năm sau vào đại học. Ðây là bước đi quan trọng cho tương lai cuộc cách mạng Fidel.
Càng ngày, chế độ Prío càng thối nát và các băng đảng trong nước càng hoạt động mạnh; bạo lực gia tăng trong và ngoài trường đại học. Fidel cũng bị đe dọa nhiều lần. Cuối cùng vào tháng chín, Eddy Chibás lên đài phát thanh, buộc tội đảng Auténtico thối nát đã khiến các băng đảng chính trị bắn nhau ngoài phố Havana.
Tới nước này, Prío bèn giải quyết vấn đề bạo lực bằng “hiệp ước băng đảng,” tức mua hết các băng đảng. Prío muốn thương lượng trả tiền cho các phe chính để họ giảm bớt bạo lực. Ngoài ra, sẽ không có băng đảng nào bị buộc tội hay bị bắt nữa.
Ðộng thái này không khác nào chuyển nhà nước Cuba vào tay các băng đảng. Lúc bấy giờ, được các đảng chính trị đối lập chính ủng hộ, sinh viên đã phát động kế hoạch công khai tố cáo hiệp ước mật của Prío. Trong khi đó, Ban Thanh Niên đảng Ortodoxo và nhánh Thanh Niên Xã Hội của đảng Cộng Sản đồng tổ chức Ủy Ban 30 Tháng 9 mang tên Rafael Trejo, sinh viên đầu tiên bị chế độ độc tài Machado giết vào đúng ngày này năm 1930.
Fidel không được vào Ủy Ban vì ông từng có quan hệ với UIR. Các lãnh đạo của ủy ban sinh viên mới là Max Lesnick, Trưởng Ban Thanh Niên đảng Ortodoxo quốc gia và Alfredo Guevara, chủ tịch khoa triết và là đại diện sinh viên của Ðảng Thanh Niên Xã Hội Cộng Sản. Fidel lập tức tìm cách nói chuyện với Lesnick để được mời vào Ủy Ban 30 Tháng 9.
Lesnick đồng ý và Fidel gặp anh này cùng Alfredo Guevara ở nhà Lesnick trên phố Morro. Ở đây, Max Lesnick và Alfredo nói theo quy định thành viên không được mang vũ khí khi đến trường đại học, phải tố cáo tên và kể rõ các vị trí chính thức của những người nằm trong “hiệp ước băng đảng.” Fidel đồng ý ký vào văn bản thỏa thuận và còn nhận cả trách nhiệm nguy hiểm là đứng ra tố cáo băng đảng nằm trong “hiệp ước Prío” trước FEU.
Cuối tháng mười một, giữa cuộc họp gồm mười ba chủ tịch các trường thành viên của Ðại Học Havana và khoảng năm trăm sinh viên ở Phòng Tưởng Niệm Sĩ Tử, Fidel đã bước lên diễn đàn và tố cáo. Ông nêu tên các băng đảng, cảnh sát, lãnh đạo sinh viên hưởng lợi từ “hiệp ước băng đảng” bí mật của Prío. Với bạn bè quen biết trong giới chính trị, ông đã lấy được các thông tin này không mấy khó khăn. Tuy biết đang mạo hiểm mạng sống của chính mình, Fidel lại thấy rằng nhờ đó, ông sẽ được thanh minh mãi mãi trước mọi lời buộc tội ông theo băng đảng và vì vậy, tầm vóc chính trị của ông sẽ tăng. Một hành động dũng cảm có cân nhắc. Tác động bài nói của Fidel thật kinh khủng. Quả nhiên, Fidel vừa nói xong thì xe hơi chở quân vũ trang đã dàn quanh trường đại học.
Theo lời Max Lesnick kể lại, vấn đề khó nhất lúc bấy giờ là đưa được Fidel ra khỏi đó an toàn. “Tôi có chiếc xe hơi đỏ mui trần nên nói sẽ tự mình lái xe đưa Fidel ra. Khi ấy đã bảy giờ tối. Tôi làm như vậy không phải vì can đảm, mà nghĩ rằng nếu họ thấy Fidel ngồi trong xe mui trần cạnh tôi thì các băng đảng sẽ không dám bắn, vì tấn công xe của lãnh đạo đảng Ortodoxo sẽ bị nhiều tai tiếng.”
Lesnick đưa Fidel đến căn hộ của mình ở phố Morro, để Fidel ở lại đó mười lăm ngày vì nếu Fidel mà ra đường lúc này là sẽ bị giết ngay. Các báo Havana có đăng rõ bài diễn văn của Fidel và ông trở thành tâm điểm của sự chú ý. Không rõ Mirta đang ở nhà có biết nơi chồng mình đang ẩn náu và các kế hoạch của ông không. Fidel vốn không bao giờ bàn chuyện hoạt động chính trị với vợ.
Fidel nghe theo lời khuyên của bạn bè rằng ông nên rời Cuba một thời gian, đợi đến khi tình hình dịu bớt hãy trở về. Ông quyết định sẽ đi New York vài tháng. Thời gian chuẩn bị cho chuyến đi, Fidel ở nhà Lesnick đọc sách, nghe đài và trò chuyện.
Giữa tháng chạp, Lesnick và một người bạn tên Alfredo Chino lái xe đưa Fidel tới nhà ga Havana. Ở đó, ông và Chino lên xe lửa đi thành phố Matanzas, đoạn chuyển qua xe lửa khác đi Oriente để về nhà anh ở Birán. Fidel xin cha được đủ tiền để đi Mỹ. Ông bay đi Miami, rồi New York và lưu lại đó hơn ba tháng tại ngôi nhà số 155 phố West Eighty-Second. Fidel lúc này có nhiều cơ hội đọc sách, suy nghĩ và viết lách. Ông còn cải thiện được vốn tiếng Anh nữa.
Vào tháng 9 năm 1949, tức ba tháng trước khi Fidel đi lánh nạn, phe Cộng Sản của Mao Trạch Ðông đã thắng trong cuộc nội chiến dai dẳng với phe Dân Tộc do Mỹ hỗ trợ. Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được thành lập. Ðó là một cột mốc trong lịch sử các cuộc cách mạng hiện đại, có tư tưởng và chiến tranh du kích mà Fidel quan tâm.
Fidel đã quyết định phải tốt nghiệp trường luật trong năm 1950. Bởi vậy, suốt mùa xuân đến mùa hè, ông đã ngày đêm sống với sách vở. Ông không đến lớp mà ở nhà chuẩn bị thi cử. Fidel đọc ngấu nghiến, ngốn tất cả kiến thức của hai năm chỉ trong vòng sáu tháng. Ý chí và trí nhớ siêu đẳng đã giúp ông rất nhiều. Bạn bè ngạc nhiên thấy Fidel đột nhiên tách hẳn mọi hoạt động chính trị và sợ ông bị lãng quên. Fidel biết sẽ không như vậy. Dù có ít thời gian cho gia đình, ông rất yêu thương Fidelito. Ngay khi từ New York trở về, ông đã chụp hình cậu bé để gửi về cho ông bà nội, ngoại ở Birán và Banes. Em trai Raúl đang ở Havana, sắp vào đại học và cô em út Emma trên đường đi học trường tư ở Thụy Sĩ có ghé qua thành phố thăm anh trai.
Cuối cùng vào tháng 9 năm 1950, Fidel Castro tốt nghiệp trường Ðại học Havana với bằng Luật, Khoa Học Xã Hội và Luật Ngoại Giao - hệ thống giáo dục ở Cuba cho phép sinh viên được học để lấy một lúc nhiều bằng. Trong thời gian học vội theo thời khóa biểu riêng, Fidel đã hoàn tất bốn mươi tám trên năm mươi khóa học, một kỷ lục về thời gian chưa có ai vượt qua. Vì thiếu môn, Fidel không đủ điều kiện được học bổng đi học nước ngoài như ông hằng mong muốn. Tuy vậy, Fidel đã quá bận rộn với thực tế chính trị nên không theo đuổi chuyện này nữa. Ông quyết định giã từ trường lớp, để dành thời gian cho chính trị và nghề luật.
Tốt nghiệp xong, quan hệ giữa Fidel với đảng Ortodoxo vẫn còn chặt chẽ, tuy tư tưởng ông đã tiến bộ hơn. Fidel thấy đảng này biết xoáy vào những bất đồng và bức xúc của quần chúng Cuba về nạn thất nghiệp, đời sống, giáo dục và y tế. Là lãnh đạo thanh niên của đảng Ortodoxo, Fidel không vội bàn về chủ nghĩa xã hội mà vận động chống lại bất công, nghèo khổ, thất nghiệp, giá thuế cao, lương thấp, đất cày cho nông dân và chế độ chính trị mục ruỗng.
Tháng 6 năm 1950, trong khi học để hoàn tất chương trình đại học, ít lâu sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, Fidel đã ký Bản Kêu Gọi Hòa Bình Stockholm. Ở Cuba, bản kêu gọi được Ủy Ban Thanh Niên Cuba Vì Hòa Bình tài trợ và văn bản với tất cả các chữ ký được in trong tạp chí Cộng Sản định kỳ Mella. Tháng mười một, Fidel xuất bản một bài viết trong tờ nhật báo Alerta kêu gọi độc lập cho Puerto Rico và hô hào sinh viên Cuba đoàn kết chống lại “thế lực bạo ngược” ở châu Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp trường luật vào tháng 9 năm 1950, Fidel Castro quyết định hành nghề ngay, chủ yếu là những vụ kiện của người nghèo. Ông làm theo ý thức chính trị, gắn với lòng tin nghề nghiệp và hoài bão cách mạng của mình. Lẽ ra, nếu Fidel cộng tác với những hãng luật và giới luật sư có ảnh hưởng thì sẽ có nhiều lợi nhuận. Ðiều này không có gì khó vì ông là rể nhà Díaz-Balart. Tuy vậy, Fidel đã theo con đường khác.
Ông chọn cộng sự là hai bạn học: Jorge Aspiazo Nunez de Villavicencio, trước là tài xế xe buýt, hơn Fidel chín tuổi và Rafael Resende Viges cùng tuổi, con nhà nghèo.
Văn phòng của họ gồm phòng khách và phòng làm việc nhỏ trên tầng hai của một tòa nhà cũ kỹ ở số 57, đường Tejadillo, thuộc khu phố cổ Havana. Ðây là khu ngân hàng và thương mại thủ đô nằm trên các con đường hẹp, cùng với một quảng trường nhỏ, ở gần cảng, theo lối kiến trúc thời thực dân. Nơi này đặt hầu hết các văn phòng luật. Tòa nhà Rosario mà Fidel và các cộng sự thuê hầu như đều thuộc sở hữu các hãng luật.
Giá thuê hàng tháng là 60 Mỹ kim. Ông chủ nhà José Alvárez yêu cầu họ trả trước một tháng cộng với một tháng tiền thế chân, tổng cộng là 120 Mỹ kim. Tuy nhiên, ba luật sư trẻ gom lại chỉ được 80 Mỹ kim và thuyết phục Alvárez đồng ý cho họ đóng ở mức đó. Họ còn mượn được một ít đồ đạc, trong đó có bàn làm việc, một chiếc ghế và mua thêm chiếc máy chữ trả góp.
Vụ đầu tiên, họ làm cho chủ hãng bán sỉ gỗ tên Madereras Gancedo, một di dân Tây Ban Nha giàu có, chuyên bán hàng cho các xưởng mộc địa phương. Fidel thỏa thuận là hãng Gancedo sẽ cung cấp gỗ miễn phí cho các luật sư làm đồ đạc văn phòng, đổi lại họ sẽ thu nợ quá hạn của thợ mộc về cho ông ta.
Tuy nhiên, cách đòi nợ của Fidel rất đặc biệt. Ông mời những thợ mộc thiếu nợ Gancedo tới văn phòng và bảo họ cho ông danh sách những người nợ họ tiền công. Sau đó, các luật sư dành thời gian đi thu tiền giúp cho thợ mộc, khi thu được Fidel gọi cho khách hàng và nói đã có tiền cho họ. Có lần, một thợ mộc đang cần tiền, song đến hạn phải trả nợ, đã đưa cho Fidel hai mươi Mỹ kim nhờ ông trả giúp cho nhà buôn gỗ. Fidel đã lập tức đưa tiền lại cho anh ta và bảo: “Thôi, anh cứ giữ lấy, bây giờ anh đang cần tiền, còn khách hàng của chúng tôi thì chưa cần.”
Một lần khác, Fidel cùng Aspiazo tới nhà một trong những thợ mộc nghèo nhất ở quận Lawton để gom tiền, song anh này đi vắng. Vợ anh thợ mộc bấy giờ đang mang thai mời họ ngồi đợi, đoạn bước vào bếp pha cà phê để mời. Khi ấy, Fidel bảo cộng sự cho ông mượn năm peso, đoạn để tờ giấy bạc lên bàn dưới chiếc đĩa. Lúc chị vợ mời họ cà phê, Fidel bảo chị rằng họ đừng lo lắng về món nợ với Gancedo và bao giờ rảnh thì hãy ghé văn phòng của ông.
Fidel làm dịch vụ miễn phí cho hầu hết dân chúng quanh vùng. Khách hàng của ông là giới tiểu thương trong chợ, nông dân quanh Havana bị đuổi khỏi nông trại, giới sinh viên tham gia bạo động và mọi công nhân có vấn đề với luật pháp. Trong ba năm cộng tác với nhau (đến năm 1953, Fidel bận đi dẫn dắt cuộc tấn công trại lính Moncada), họ kiếm được 4.800 peso cho vỏn vẹn hai vụ, một vụ 3.000 peso và vụ thứ hai 1.800 peso. Họ còn kiện công ty điện thoại của Mỹ ở Cuba để đòi giảm giá cước đăng ký cho dân chúng. Tuy nhiên, đến lúc thắng kiện thì Fidel đang ở trong tù.
Dù cho nghề nghiệp hay bản thân, Fidel đều coi thường tiền bạc và thật ra, ông không bao giờ có nhiều tiền. Ông thường nuôi gia đình bằng tiền trợ cấp gửi từ Birán. Theo bạn bè kể lại thì hễ khi nào có tiền là Fidel lại giúp đỡ bạn bè hoặc người quen.
Ngày tốt nghiệp trường luật, Fidel nhận được quà của cha là một chiếc xe hơi Pontiac mui kín mới toanh. Ít lâu sau, có một người bạn mượn xe của ông để ra ngoại thành chơi. Cuối cùng, chiếc Pontiac gặp nạn và người bạn bị thương nặng. Khi hay tin tai nạn, Fidel chạy vội tới bệnh viện thì gặp cha của người bạn, một nhà chính trị bảo thủ giàu có và quyền lực. Ông này nói để ông hoàn tiền chiếc xe lại cho nhưng Fidel đáp, “Bác không nên như vậy. Con trai bác đang nguy kịch mà nghĩ tới chiếc xe làm gì? Bác khỏi phải trả gì hết mà hãy lo cho anh ấy.” Ba năm sau, nhà chính trị này đã can thiệp với bạn ông ta là Fulgencio Batista để Fidel được đối xử tử tế trong ngục. Hình như có lần ông còn cứu Fidel khỏi bị bọn canh ngục ám sát nữa.
Có lần, một người bạn cũ tên Baudilio Castellanos từ Oriente tới Havana chơi, Fidel mời bạn về nhà dùng bữa trưa. Lúc Castellanos mới tới, Fidel bảo bạn cùng ông ra chợ. Tới nơi, Fidel đi từ hàng này qua hàng khác chọn gạo, khoai và vài thứ khác mà không phải trả tiền. Castellanos thắc mắc thì Fidel nói: “Ồ, ở đây tôi không phải trả tiền bao giờ. Khách hàng của tôi đó, họ trả phí cho tôi bằng thức ăn.” Ðoạn, họ lái xe về nhà và Fidel xuống bếp nấu ăn.
Mirta đôi khi đã rất khổ sở vì tính vô tư với tiền bạc của Fidel. Một ngày nọ, trong khi Fidel vắng mặt ở Havana, Jorge Aspiazo nhận được điện thoại của Mirta gọi anh này đến nhà ngay. Tới nơi, Aspiazo thấy nhà cửa trống hoác và không còn đồ đạc gì nữa, Mirta thì ngồi dưới đất ôm Fidelito mà khóc. Cô kể cho anh ta nghe là cửa hàng bán đồ trả góp đã lấy đồ lại hết, kể cả chiếc giường cũi của em bé vì Fidel chưa trả tiền góp. Aspiazo, sẵn có đủ tiền, đã mua lại đồ đạc khác cho họ. Hôm sau, Fidel về đến nhà nhìn quanh căn hộ và rất ngạc nhiên. Tuy vậy, cuối cùng, ông đành nhận sự giúp đỡ của Aspiazo.
Ít lâu sau, đã có dịp để Fidel tự làm luật sư biện hộ cho chính mình ở tòa án. Ðó là một kinh nghiệm quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của ông. Khi ấy là ngày 12 tháng 11 năm 1950, ông bị bắt ở thành phố cảng phía nam Cienfuegos vì đã tham gia biểu tình chống chính phủ. Sau một năm vắng bóng, Fidel đã trở lại với công chúng.
Fidel vẫn giữ quan hệ với trường đại học, dù đã ra làm việc. Ông theo dõi những khóa học ưa thích và giữ liên lạc với FEU. Thật ra, lúc bắt Fidel, chính quyền Cienfuegos tưởng ông là chủ tịch khoa Khoa Học Xã Hội ở Ðại học Havana. Fidel tham gia cuộc đối đầu với chính phủ Prío vì muốn xuất hiện lại trên trường chính trị. Lúc này, tên ông lại lên báo.
Fidel không hề bị quên lãng. Tiếng tăm “bảo vệ công chúng” của Fidel đã lan rộng và người ta vẫn hỏi thăm về ông. Tuy vậy, ông vẫn muốn tham gia các sự kiện lớn như vụ ở Cienfuegos. Học sinh trung học ở đó kêu gọi “đình công liên tục” để phản đối Bộ Trưởng Giáo Dục Aureliano Sánchez Arango và Bộ Trưởng Nội Vụ Lomberto Díaz đã cấm các tổ chức và hiệp hội hoạt động. Fidel thấy đây là việc đáng để đấu tranh.
Ông và một sinh viên luật Havana tên Enrique Benavides Santos bị lính bắt trước khi định diễn thuyết ở buổi mít tinh sinh viên. Hai người bị đưa vào tù và bị đánh bằng báng súng. Bốn giờ sau, sinh viên, quân đội và cảnh sát ẩu đả với nhau ngoài phố.
Từ Cienfuegos, đêm đó Fidel và Benavides bị đưa vào thị trấn Santa Clara và nhốt vào ngục. Tuy nhiên, Thượng Nghị Sĩ Chibás đã đến đài phát thanh quốc gia và lên án vụ bắt bớ. Sáng ra, cuộc biểu tình bùng nổ trước nhà tù. Hai người sau đó được thả “có điều kiện,” song trước khi về Havana, Fidel đã cho ra bài tố cáo “những đao phủ giết dân” trên các báo Cuba.
Giữa tháng mười hai, Fidel và Benavides quay về Santa Clara để hầu tòa vì bị buộc tội gây mất trật tự ở Cienfuegos. Tòa án rất ngạc nhiên khi Fidel nói mình là luật sư và muốn tự bào chữa. Cần phải có áo choàng đen luật sư với mũ đen và phi phải đóng năm peso phí mới được nói trước tòa. Cử tọa khi ấy đóng góp tiền và Fidel bước lên bục. Vì thấy tấn công là cách phòng thủ tốt nhất, Fidel đã tố cáo chính phủ “bóp nghẹt tự do” của Cuba, rằng chế độ và quân đội phải bị ra tòa, chứ không phải ông và Benavides. Sau khi nghe Fidel nói xong, thẩm phán tuyên bố họ trắng án. Thắng lợi này khiến Fidel nhớ mãi.
Fidel ngày càng được công chúng biết đến qua báo đài. Chủ bút tờ Alerta (cũng là cựu bộ trưởng nội các của Prío) Ramón Vasconcelos, bấy giờ là bạn Fidel, đã dành hẳn những trang báo cho các bài viết nảy lửa của Fidel. Tháng 6 năm 1951, Fidel viết một bài dài nói về quyền lợi công nhân, trong đó nhắc đến vụ chín trăm nhân công bị công ty đóng hộp sa thải sai luật và chuyện nông dân bị tước đất. Ông kết luận mục tiêu của quốc gia là phải “lo công lý cho tầng lớp công nông Cuba.” Fidel còn thường xuyên nói chuyện trên Ðài Tiếng Nói Antilles, liên tục công kích chính phủ Prío mục ruỗng và bất công trong xã hội Cuba.
Năm 1951, Tổng thống Prío định nghe theo Mỹ gửi quân sang tham chiến ở Triều Tiên. Quân đội được huấn luyện ở trại Managua gần Havana để đưa đi. Fidel đã ký Hiệp Ước Hòa Bình Stockholm và Raúl công kích Mỹ về vụ này trên báo Cộng Sản Saeta. Fidel vẫn giữ thái độ cân bằng giữa đảng Ortodoxo ông cần và Cộng Sản mà ông bị hấp dẫn về tư tưởng. Fidel ký bài tuyên bố “Quyền Dân Chủ và Tự Do,” do ủy ban đại học thảo và in trên tờ Saeta, lên án chính phủ Prío đàn áp sinh viên và vi phạm quyền tự do báo chí. Dù Prío là tổng thống được bầu và Cuba được coi là dân chủ, song chính phủ của ông ta thối nát và độc đoán. Bởi vậy, các đảng Ortodoxo và Cộng Sản cùng hợp lại để công kích. Từ đó, Fidel dễ vận động hơn và ông cứ viết trên tờ Saeta cho sinh viên để nuôi dưỡng cử tri cho đảng Ortodoxo. Trong chính trường Cuba, Chibás và Fidel rất đồng điệu.
Tối chủ nhật ngày 5 tháng 8 năm 1951, giữa chương trình truyền thanh hàng tuần của mình, Thượng Nghị Sĩ Chibás bất ngờ dùng súng tự bắn vào bụng tự tử trước công chúng. Mười một ngày sau, ông mất. Sự kiện này đã làm xoay chuyển hướng đi của lịch sử.
Không ai hiểu rõ lý do đã khiến Chibás tự tử ở tuổi bốn mươi ba. Ông tự bắn bằng súng lục đặc biệt cỡ 38, trong cuối diễn văn kêu gọi dân Cuba tỉnh giấc nhân danh độc lập kinh tế, tự do chính trị và công lý xã hội. Trên đường đến bệnh viện, ông thều thào, “Tôi chết vì cách mạng... vì Cuba...”
Tuy nhiên, điều này không giải thích được gì. Thượng nghị sĩ là người đầy nhiệt huyết và rất được lòng công chúng. Ông là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1952 và có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Ba mươi bốn năm sau, em trai Raúl Chibás đồng thời là cộng sự thân nhất của ông cho rằng Chibás bị thất vọng vì không đưa ra được bằng chứng cho thấy Bộ Trưởng Giáo Dục Aureliano Bánchez Arango mục ruỗng và lấy của công làm tài sản riêng, như ông đã hứa với công chúng. Thượng nghị sĩ đã tố cáo vụ này hơn một tháng qua trên đài và đã gây cơn sốt chính trị ở Cuba. Tới ngày phải trưng ra bằng chứng, cả nước hồi hộp chờ đợi song thật bất ngờ, ông không nói đến chuyện này mà lại dùng súng tự sát. Hình như nhóm nghị sĩ hứa gửi văn bản làm bằng chứng cho Chibás đã phản bội ông vào phút cuối vì lý do chính trị hoặc do bị mua chuộc. Suốt cuộc đời chính trị đã thuyết giảng về lòng chân thành và sự thật, Chibás không thể đối mặt với thực tế là ông thất hứa với dân. Fidel Castro cũng nhận định như vậy.
Cái chết của Chibás làm thay đổi tình hình chính trị. Ứng cử viên tổng thống đầy năng lực, người gần với lương tâm Cuba nhất đã không còn. Quan trọng hơn nữa, cái chết của Chibás đã dẫn tới cuộc đảo chính của Batista một năm sau. Nhiều người cho rằng nếu Chibás còn sống, Batista sẽ không đảo chính vì thượng nghị sĩ là chỉ huy phong trào đối lập hùng mạnh, có thể loại bỏ được chế độ độc tài. Batista cũng là ứng cử viên cho cuộc bầu cử năm 1952 và thường bị Chibás công kích. Ông ta đã rất e ngại Chibás.
Ðối với Fidel, cái chết của Chibás có nhiều ý nghĩa. Dù chưa biết Batista sẽ đảo chính, song ông hiểu hơn bất cứ nhà chính trị nào ở Cuba rằng cán cân đã thay đổi và bầu không khí bấp bênh có thể dẫn tới tình huống cách mạng mà ông mong muốn.
Với đảng Ortodoxo, Fidel còn quá trẻ không mong gì thay thế Chibás làm lãnh đạo cao nhất. Ông cũng chưa bao giờ muốn như vậy. Tuy nhiên, thiếu Chibás, các đảng viên Ortodoxo trẻ độc lập có thể bị hút theo hướng cách mạng của ông. Không có ai trong đảng có thể thay thế Thượng Nghị Sĩ tác động tới họ nữa.
Trong mười một ngày đêm Chibás nằm hấp hối, Fidel đã luôn túc trực ngoài cửa phòng 321, Trung Tâm Phẫu Thuật Y Tế Havana. Khi thi thể Chibás được quàn tại Hội Trường Danh Dự ở trường đại học, Fidel đã đứng bên quan tài làm lính canh danh dự suốt hai mươi bốn tiếng trước đám tang.
Raúl Chibás và Fidel cùng nhiều sinh viên khác đã đấu tranh để thi thể Chibás được đặt ở trường đại học thay vì Tòa Nhà Quốc Hội nơi ông làm Thượng Nghị Sĩ. Họ lý luận rằng sự nghiệp chính trị của ông đã bắt đầu ở trường đại học, còn Tòa Nhà Quốc Hội được coi là biểu tượng thối nát mà Thượng Nghị Sĩ luôn tố cáo. Fidel đã nói với các phóng viên rằng để Chibás ở đây tốt hơn vì bọn suy đồi không thể tới trường đại học để báng bổ những kỷ niệm về ông.
Thượng Nghị Sĩ được mai táng ngày hôm sau, 17 tháng 8, tại nghĩa trang Colón ở Havana. Theo lời Max Lesnick, Fidel có ý tưởng cho đám rước hướng qua dinh tổng thống rồi đặt thi thể Chibás vào ghế tổng thống, tượng trưng cho sự tôn vinh Chibás, trước khi mai táng. Suýt chút nữa Fidel đã thuyết phục được Ðại Úy Rose Rávelo đưa đám rước tới dinh. Tuy nhiên, lý trí cuối cùng thắng thế, viên sĩ quan thấy chuyện này có thể kích động quần chúng nổi dậy, mà đây chắc là điều mà Fidel đang nghĩ tới. Fidel là người không bao giờ thiếu sáng kiến.
Chưa đầy một tháng sau ngày Chibás mất, Fidel tham gia buộc tội hai sĩ quan cảnh sát, thiếu tá Rafael Casals Fernández và trung úy Rafael Salas Canizares trước tòa án tội phạm Havana. Hai người này đã giết chết một công nhân, đảng viên Ortodoxo trong cuộc bạo loạn ngày chủ nhật, 18 tháng 2, lúc đám đông đấu tranh để đưa Chibás tới đài phát thanh. Viên trung úy cũng can dự vào vụ dùng bạo lực với sinh viên trong sự cố hải quân Mỹ xúc phạm tượng Martí năm 1949. Vụ này gây nhiều chú ý và chính phủ cố chuyển qua luật pháp quân sự mà không xong. Cuối cùng, các sĩ quan không được trắng án. Họ phải đóng 5.000 peso tiền bảo lãnh để được “tự do có điều kiện.”
Ít lâu sau khi Chibás mất, đã xảy ra một tình tiết chính trị lạ lùng, liên quan đến Fulgencio Batista và Fidel Castro. Batista kết thúc nhiệm kỳ tổng thống năm 1944 và đến năm 1950 đã từ Florida trở lại chính trường Cuba vì ông ta lại muốn làm tổng thống.
Batista lập Ðảng Hành Ðộng Nhất Thể (PAU) với mục tiêu chính là đưa mình trở lại chức tổng thống và bắt đầu mua sự ủng hộ. Batista muốn gặp Fidel vì đã nghe nói nhiều về ông, kể cả chuyện ông công kích ông ta. Cuộc gặp do anh rể Fidel là Rafael Díaz-Balart và vài người từng quen biết Fidel sắp xếp. Fidel được đưa tới khu nhà sang trọng Kuquine của Batista, không xa Havana và được đón tiếp trang trọng. Trong văn phòng riêng, có treo bức chân dung lớn của Batista trong trang phục trung sĩ cùng với tượng bán thân của những nhân vật lịch sử, một điện thoại bằng vàng, viễn vọng kính Napoleon dùng ở Saint Helena và hai cây súng ngắn của hoàng đế ở Austerlitz.
Theo một nguồn tin thì Batista chỉ nói chuyện chung chung, dò xét Fidel và tránh chuyện chính trị. Nguồn khác lại kể rằng họ nói chuyện chính trị và Fidel bảo Batista rằng ông sẽ ủng hộ Batista nếu ông ta đảo chính lật đổ Prío. Nếu thật như vậy thì Fidel đã thử lòng ông ta. Batista đột nhiên sợ Fidel biết được phần nào và đang dò la các kế hoạch của mình. Theo lý luận của Fidel, rất có thể Batista sẽ cố đảo chính, nhất là khi chế độ Prío đang sụp đổ và Chibás đã không còn. Bởi vậy, ông đang tìm hiểu để biết rõ hơn. Tới đây, Batista đột ngột kết thúc cuộc gặp. Ông ta không hề biết rằng về sau, chính người thanh niên ấy sẽ gây ra cho mình biết bao phiền phức.
Fidel lúc này lao vào công kích cả Prío lẫn Batista, đồng thời tăng cường nỗ lực chạy đua vào Hạ Viện cho cuộc bầu cử tháng 6 năm 1952 với tư cách là ứng viên đảng Ortodoxo. Roberto Agramonte, một nhà chính trị truyền thống xuất thân từ gia đình có tiếng về chính trị, đã thay Chibás làm ứng cử viên tổng thống của đảng Ortodoxo.
Cuối năm 1951, Fidel ra sức thực hiện ba nhiệm vụ chính trị riêng biệt song có liên quan với nhau: thứ nhất là đại diện cho hàng ngàn dân nghèo ở Havana, nhà cửa họ sắp bị chính phủ Prío san bằng để xây quảng trường dân sự; thứ hai là điều tra những hành động sai trái của tổng thống và thứ ba là vận động tích cực để trở thành dân biểu ở một vài quận ở Havana trong cuộc bầu cử quốc hội. Ông cũng thường gặp em trai Raúl, vốn đang ở trường đại học và ngày càng tích cực trong chính trị. Raúl chưa chính thức tham gia đảng Cộng Sản Thanh Niên Xã Hội, song cũng đã rất thân với đảng này.
Khu vực chính phủ muốn san bằng ở Havana là quận La Pelusa rộng bốn mươi tám mẫu, một khu ổ chuột cùng khổ. Ðể bảo vệ dân ở đây, Fidel trấn an và hướng dẫn họ nên nói gì với các thanh tra nhà nước ở cuộc mít tinh dưới phố. Sau đó, ông đến tòa án yêu cầu Bộ Công Trình Công Cộng đền bù cho các gia đình. Cuối cùng, bộ đồng ý trả cho mỗi hộ năm mươi peso tiền đền bù. Tuy nhiên, tiền chưa kịp trả thì ít lâu sau, Batista đã lật đổ Prío và hủy bỏ giao ước. Ông ta đuổi dân ra khỏi khu đất và cho xây quảng trường dân sự. Ngày nay, nơi đây thành Quảng Trường Cách Mạng Castro.
Ðể điều tra kỹ về Prío, Fidel đã vận động các cộng sự luật sư của ông lẫn bạn bè trong Ban Thanh Niên Ðảng Ortodoxo. Từ tháng 9 năm 1951 tới tháng giêng năm 1952, Fidel và đồng sự đã có được các bằng chứng ấn tượng chống lại tổng thống. Ông đã học được bài học của Chibás là tố cáo mà không có chứng cớ là vô giá trị và tự hại mình. Ngày 28 tháng giêng năm 1952, nhân sinh nhật José Martí, Fidel đã trao bản cáo trạng cho Tòa Án Hành Chính, tóm gọn thành năm tội danh. Mỗi cáo buộc đều bắt đầu bằng cụm từ “TÔI TỐ CÁO Tổng Thống Cộng Hòa.” Các tội danh bao gồm Prío nhận hối lộ để ân xá cho một người bạn ở tù vì tội quấy nhiễu trẻ em và cho ông kia làm chủ các nông trang tổng thống; vi phạm luật lao động buộc công nhân làm ca mười hai tiếng dưới quyền quản đốc quân sự; lăng mạ lực lượng vũ trang khi bắt lính đi lao động, buộc họ phục vụ và làm việc như nô lệ; làm nạn thất nghiệp gia tăng khi thay thế công nhân ăn lương bằng lính lao động bắt buộc và phản bội lợi ích quốc gia khi bán nông sản với giá thấp hơn thị trường.
Bản tố cáo chi tiết, với đầy đủ tên tuổi và số liệu, đã được xuất bản nguyên vẹn ngày hôm sau trên tờ Alerta, dưới tựa đề TÔI TỐ CÁO (Fidel lấy tên Émile Zola) và phát thanh trên Ðài Tiếng Nói Antilles. Trong đó, có mô tả Prío đã xây dựng các dinh thự hào nhoáng, hồ bơi, phi trường và hàng loạt những khu sang trọng “đồng thời chiếm dụng một loạt nông trang và hầu hết đất đai giá trị nhất Havana.” Không dừng ở đó, Fidel đã cho ra bản tố cáo Prío thứ hai vào ngày 19 tháng 2 năm 1952. Lần này, ông buộc tội tổng thống đã trả mười tám ngàn peso mỗi tháng cho các băng đảng chính trị và đưa 2.000 người trong băng đảng vào làm việc trong nhà nước, theo “hiệp ước băng đảng” do Prío khởi xướng. Fidel cũng lên án trong vòng bốn năm, đất đai của Prío đã tăng từ 160 lên 1.944 mẫu. Tất cả những tiết lộ này làm dân Cuba bàng hoàng. Theo lời Jorge Aspiazo, luật sư cộng sự của Fidel, thì bạn bè đều sợ rằng Fidel sẽ không tồn tại được quá một tuần.
Fidel khuấy động các tổ chức chính trị Cuba đến nỗi đảng Ortodoxo cũng ngại để ông làm ứng viên, nhất là bây giờ khi Chibás dũng mãnh đã mất. Ðể an toàn, Roberto Agramonte, ứng viên tổng thống của đảng, đã xóa tên Fidel khỏi danh sách ứng cử viên của đảng Ortodoxo. Agramonte đã đánh giá thấp quyết tâm của Fidel. Họ không biết rằng ông luôn biết tìm tòi sáng tạo để đạt được mục tiêu.
Fidel lúc này vận động để thành ứng viên quốc hội trong hội đồng đảng địa phương ở vài quận tại Havana. Năm 1951, quận nghèo Cayo Hueso ở Havana, nơi Fidel bắt đầu chiến dịch vận động từng nhà, là quận đầu tiên chọn ông. Kế đến là quận ngoại thành Santiago de Las Vegas, nơi Fidel đã điều tra về Prío. Jorge Aspiazo kể rằng cư dân La Pelusa (nơi Fidel đã đấu tranh vì quyền lợi các chủ hộ có nhà bị san bằng) đã đóng góp bạc cắc, bỏ vào những chiếc hộp để ngoài góc phố để gom tiền thuê xe buýt đi Santiago de Las Vegas dự cuộc mít tinh của Fidel và ủng hộ ông. Fidel có cách gợi lòng trung thành và biết ơn của người khác.
Bấy giờ đã là ứng cử viên, Fidel lao vào vận động chính trị chớp nhoáng bằng nhiều kỹ thuật mới mẻ. Tháng 12 năm 1951, ông khai trương chương trình mới trên Ðài Tiếng Nói Không Trung, trong vòng hai tháng đã thu hút năm mươi ngàn thính giả. Theo lời Max Lesnick, Fidel đã thực hiện một chiến dịch khác lạ. Ông xin được quyền gửi thư miễn cước với danh sách 100.000 tên người nhận. Fidel cho ghi tên người nhận là mọi thành viên trong đảng Ortodoxo trên 100,000 bì thư, đoạn gửi đi thông điệp bằng mực xanh có ký tên ông. Lesnick nói: “Ðiều này chưa bao giờ xảy ra ở Cuba trước đây, các nhà chính trị thường chỉ đi tới buổi mít tinh để diễn thuyết.” Raúl Chibás, bản thân cũng là ứng viên thượng nghị sĩ kể: “Fidel có nhóm riêng, tổ chức riêng trong đảng.” Ðó là nhóm Hành Ðộng Cấp Tiến Ortodoxo (ARO), những thanh niên nổi dậy đi đầu trong phong trào cách mạng của ông. Conchita Fernández, thư ký của Eddy và Raúl Chibás, cũng ứng cử vào quốc hội từ Havana, nhớ lại Fidel thường xuất hiện cuối buổi mít tinh của cô để lên tiếng ủng hộ. Ngày bản tố cáo chống Prío xuất bản, Fidel xuất hiện ở quận San Antonio de Río Blanco, vừa lúc một đám người nhỏ đang giải tán sau khi nghe Conchita nói. Ông hô to gọi mọi người quay lại vừa vẫy vẫy bản sao tờ Alerta với bài viết và những hình ảnh các trang trại của Prío. Chỉ trong vòng năm phút, công viên đã đầy những người bị thu hút tới nghe Fidel nói. Conchita đã biết Fidel từ dạo ông còn là lãnh đạo sinh viên năm 1947 và luôn ái mộ ông (sau cách mạng năm 1959, cô trở thành thư ký của Fidel). Cô kể rằng đám đông hoan hô Fidel cuồng nhiệt vì ông dám nói lên sự thật, bất kể điều đó có thể làm ông bị bắn hay bị hại. Thế là huyền thoại Fidel đã ra đời. Ông chính là ứng cử viên trẻ đã diễn thuyết tới bốn lần ở bốn nơi khác nhau chỉ trong một đêm.
Ðầu năm 1952, người ta đoán chắc Fidel sẽ được bầu vào Hạ Viện với số phiếu của giai cấp vô sản thành thị và nông thôn Havana. Max Lesnick không hề nghi ngờ chiến thắng này vì Fidel có ảnh hưởng tới giới trẻ trong đảng, những đảng viên chân chính và người lao động.
Tuy vậy, cuộc bầu cử đã không diễn ra vì cuộc đảo chính của Batista. Ða số dân Cuba đều tin rằng nếu không, Fidel cũng sẽ làm nghị sĩ bốn năm cho tới 1956, rồi chạy đua vào thượng viện, sau đó ứng cử tổng thống cho nhiệm kỳ 1960 hay 1964. Thực tế, Cuba đã bị mất đi nhà lãnh đạo chính trị nghiêm túc Chibás và Fidel ngày càng được công chúng mến mộ, nên chuyện này cũng hợp lý. Nếu vậy, hình như ông có số phận phải cai trị Cuba, dù bằng cách nào chăng nữa, Fidel cũng sẽ bước lên ngôi vị tối cao.
Trong cuộc phỏng vấn năm 1965 với một vị khách Mỹ, Fidel nói: “Ngay cả trước khi có cuộc đảo chính của Batista, tôi đã có ý nghĩ phải thay đổi cơ cấu của chính quyền. Tôi định bắt đầu từ quốc hội, sẽ tạo cơ sở cách mạng và gợi cho công chúng tham gia vì lợi ích của chính họ.” Nói về tình hình năm 1952, Fidel thêm: “Về mọi phương diện, tôi vẫn chưa phải là người theo chủ nghĩa Marx và chưa coi mình là Cộng Sản. Một khi vào quốc hội, tôi sẽ cho ra một chương trình gồm các biện pháp cần thiết. Tôi biết nhất định phải nắm chính quyền bằng cách mạng.” Fidel đã nhận ra vấn đề của Cuba không thể giải quyết bằng quốc hội mà phải “phá bỏ thể chế” đúng thời điểm và tiến hành nắm lấy chính quyền.
Năm 1985, Fidel đã nói: “Ngay cả trước cuộc đảo chính Batista, tôi đã có khái niệm cách mạng và ý tưởng giành một ghế trong quốc hội, rồi sang giai đoạn hai là giành chính quyền cách mạng.” Ông còn nhắc đến triết lý căn bản của mình là để làm cách mạng, phải giành chính quyền trước đã. Khái niệm này sau khi cách mạng thắng lợi năm 1959, dân Cuba mới hiểu.
Tháng 2 năm 1952, Fidel càng tin chắc Batista đang chuẩn bị đảo chính. Raúl Chibás nhớ lại khoảng thời gian đó có gặp Fidel dưới cầu thang nhà Roberto Agramonte ở Havana. Fidel bỗng hỏi: “Anh có hay tin gì về âm mưu đảo chính của Batista không?” Raúl Chibás đáp là không. Raúl khi đó nghĩ Fidel có người trong quân đội và chiến dịch nên mới biết được âm mưu này. Tuần tiếp theo gặp lại nhau, Raúl thấy Fidel càng chắc chắn sắp có đảo chính.
Có người kể Fidel đã tìm cách dò la động tĩnh của sĩ quan quân đội và dân sự ra vào quanh khu nhà Kuquine của Batista. Ông đã nấp bên ngoài và chụp ảnh xe ra vào. Tuy nhiên, khi ấy đã quá trễ, không thể can thiệp được nữa. Theo nguồn tin khác thì Tổng thống Prío nhận được thư của một phụ nữ ở Oriente báo sắp có âm mưu quân sự. Tuy nhiên, khi Tham Mưu Trưởng quân đội yêu cầu trưởng ban thanh tra theo dõi, viên sĩ quan này lại báo là không có gì cả. Hóa ra, viên sĩ quan tình báo quân sự đã là người của Batista.
Rạng sáng ngày 10 tháng 3 năm 1952, Fulgencio Batista cùng các sĩ quan ngang nhiên bước vào Quân Trại Columbia ở Havana. Ông ta được các tư lệnh quân đội chào đón nồng nhiệt. Cuộc đảo chính không gặp phải một kháng cự nào và Carlos Prío Socarrás đã bị hất ra khỏi ghế tổng thống. Thật là lẹ làng, lặng lẽ, không đổ máu, kỹ lưỡng và ma mãnh. Hôm sau, Batista tự xưng là quốc trưởng và chuyển vào dinh thự mà cách đó tám năm, ông ta đã bước ra với tư cách tổng thống lập hiến.