Ra đời ngay trong bối cảnh chính biến Batista, cách mạng Cuba do Fidel Castro khởi xướng và dẫn dắt đã giành trọn độc lập và giờ đây gầy dựng cho đảo quốc một chế độ chính trị, kinh tế, xã hội hoàn toàn mới mẻ ở châu Mỹ. Chính chế độ độc tài mới đến vô tình đã làm phát sinh ra các điều kiện chính trị khiến cho cuộc cách mạng không khoan nhượng và tầm vóc lớn lao đến thế giành được thắng lợi. Kể từ thời cựu độc tài Machado hai mươi năm về trước thì Batista là thời dân chúng căm ghét nhất, bởi vậy nhân dân càng đoàn kết chặt chẽ hơn và trở thành động lực chính cho cách mạng. Bên cạnh yếu tố khách quan do Batista mang lại, cuộc cách mạng vĩ đại này có thể chuyển mình còn nhờ vào tài lãnh đạo của Fidel Castro, chàng luật sư Havana hai mươi lăm tuổi, có tài diễn thuyết, óc kiên định và hết lòng vì chính nghĩa. Nhìn lại các sự kiện trong thời gian 1952 đến cuối 1958, lúc quân du kích giành được chính quyền, mới thấy Batista đã mở cửa sẵn cho cuộc cách mạng lịch sử, để Castro đĩnh đạc bước vào thực hiện cuộc chiến dài sáu năm.
Tuy vậy, đánh đuổi Batista chỉ mới là mục tiêu chiến thuật đầu tiên trong suy nghĩ của Fidel Castro. Còn mục tiêu chiến lược, chỉ được ông tiết lộ sau thành công của bước 1, là làm cách mạng xã hội đưa Cuba theo chủ nghĩa Marx-Lenin.
Castro là người Cuba duy nhất lúc đó có tầm nhìn lịch sử và biết mình đi đâu, về đâu. Nhìn lại gần bốn mươi năm tuổi đời, phân tích các quan điểm và ý tưởng của ông từ thuở trai trẻ đến khi trưởng thành, nghe bạn bè đồng đội của ông kể và quan sát sự chuyển mình của xã hội Cuba mới thấy rõ tầm nhìn hiếm thấy của ông trong lịch sử. Fidel thường xuyên tranh cãi về nguyên nhân và bản chất của các sự kiện trong quá khứ đồng thời phân tích vai trò của mình nếu ở trong các trường hợp đó, để sau này vận dụng vào từng hoàn cảnh thích hợp. Hơn thế nữa, các ghi chép cho thấy Fidel luôn kiên trì hoạt động cách mạng. Ông thường nói về cuộc cách mạng xã hội và chuẩn bị rất lâu trước khi cuộc chính biến Batista nổ ra. Loại bỏ Batista chưa phải là mục tiêu trọn đời của Castro.
Sau mười sáu tháng nhà độc tài Batista cầm quyền, chàng trai Castro mở màn thách thức bằng cuộc đột kích vào quân trại Moncada ở Santiago cùng lúc với đồn Bayamo ở Oriente trong một phong trào không tên của quân nổi dậy. Fidel đích thân cầm quân ở Moncada. Ông suýt chết, rồi thách thức Batista ở tòa án và bị cầm tù một năm rưỡi. Ở đây ông vừa lặng lẽ hoạch định bước tiếp theo vừa ngấu nghiến hàng trăm quyển sách chính trị, lịch sử, triết học, kinh tế và văn chương. Nhà tù thật sự là trường học để ông nghiên cứu nhân văn và đột nhiên biến thành cơ may chính trị bởi cả nước có chiến dịch xin ân xá cho ông và đồng đội - chuyện này khiến Fidel còn nổi tiếng hơn cả bản thân vụ đột kích; ông là người luôn biết cách xoay chuyển tình thế theo chiều hướng có lợi cho mình.
Trong lịch sử cách mạng Cuba, cuộc tấn công Moncada năm 1953 được đánh giá ngang với trận chiến giành độc lập đầu tiên năm 1868 và cuộc nổi dậy chống Tây Ban Nha của José Martí năm 1895, cả hai đều thất bại. Song Moncada là nền tảng của lịch sử Cuba hiện đại còn bài thuyết trình của Fidel ở tòa án dùng biện hộ cho cuộc đột kích “Lịch Sử Sẽ Minh Xét Tôi” vừa được xem như tuyên ngôn độc lập, vừa là tuyên ngôn cuộc cách mạng vĩ đại. Bài này cũng được trích dẫn nhiều nhất ở Cuba; theo thời gian, khi càng diễn giải và phân tích ta càng hiểu rõ thêm tư tưởng và tình cảm của Fidel Castro.
Dưới chế độ độc tài của “Quốc Vương Ðường”, dân Cuba gọi như vậy vì đường là sản phẩm chính của quốc gia, với nền kinh tế bất ổn cùng nạn thất nghiệp tràn lan, tình cảnh xã hội thời Batista khiến sớm muộn gì cũng sẽ có bùng nổ. Trong khi ở thủ đô khách sạn Havana Hilton và sòng bạc sang trọng được xây lên dành cho du khách và giới kinh doanh Mỹ giàu có thì năm 1952 trung bình một tá điền chỉ có được 108 ngày công với mức lương một Mỹ kim một ngày (và không có gì ăn) còn năm 1955 thì chỉ còn 64 ngày công. Thời gian còn lại chẳng có gì để làm. Công lý xã hội đòi hỏi phải có một lãnh đạo như Castro. Người ta nghe thấy điều này từ bài diễn thuyết Moncada và nó vẫn còn là minh chứng hùng hồn cho mỗi hành động cách mạng tiếp theo sau thắng lợi.
Fidel Castro bắt đầu tổ chức phong trào (sau này là Phong Trào 26 tháng Bảy với cờ đỏ đen và bài ca hùng tráng) và lên kế hoạch cho cuộc cách mạng hầu như chỉ vài phút sau khi hay tin Fulgencio Batista cùng các viên chức của y đã chiếm đóng quân trại Columbia tại Havana để hạ bệ tổng thống Carlos Prío Socarrás vào lúc rạng sáng thứ hai, ngày 10 tháng 3 năm 1952. Thực quyền ở Cuba lúc này lại nằm tại Columbia, Batista do không có cơ hội được bầu vào nhiệm kỳ mới mặc dù y đã phấn đấu để được chọn làm nghị sĩ nên quyết định giành lấy ở đấy. Cuộc tổng tuyển cử được định vào ngày 1 tháng Sáu và Fidel là ứng cử viên vào Hạ Viện đại diện cho công nhân nghèo thủ đô, song cuộc chính biến đã làm gián đoạn cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Fidel vốn chẳng hề tin vào “nền dân chủ tư bản tự do” cho nên ông vui mừng vì sự việc chuyển biến như vậy, mặc dù ông lên án dữ dội Batista đã “tàn bạo cướp quyền.” Fidel nhận ra là nếu được bầu vào quốc hội đi nữa thì khát vọng cách mạng và sự nghiệp chính trị của ông vẫn hạn chế trong một nhà nước theo kiểu đại diện như thế này. Năm 1974 Fidel tuyên bố ý ông là bỏ “lối tổ chức” kiểu này và giành chính quyền vào “thời điểm chín muồi”. Ông đã can đảm bộc lộ ý đồ giành ghế trong quốc hội làm chỗ đứng cho cách mạng. Thế là cuộc đảo chính Batista trở thành món quà trời ban cho Fidel, nghiêm túc và hứa hẹn đặt ông vào sự nghiệp cách mạng. Fidel biết phương pháp làm việc và ứng biến. Kể từ ngày đầu chế độ mới, ông chuyên tâm mưu đồ, hoạch định, vận động, khuyến dụ, đánh nhử, tấn công đồng thời tạo ra phong trào cách mạng theo cách độc đáo nhưng rất hệ thống và sáng suốt. Ông không hề sơ sót điều gì.
Giai đoạn chuẩn bị này thật kịch tính, nguy hiểm và phiêu lưu. Với thói quen thách thức, Fidel là mẫu nhà lãnh đạo “thuần khiết” của thế hệ mới Cuba. Ông hoạt động ở hai mức song song: mức âm mưu vô hình hoạt động trong vòng bí mật và mức hữu hình công khai chống đối Batista trên đường phố hoặc tại tòa án mỗi khi có dịp. Hai hình thức này hỗ trợ cho nhau, bởi lẽ hình ảnh Fidel trước công chúng sẽ giúp chiêu mộ thêm lực lượng cho cách mạng, nhất là cho hoạt động bí mật.
Melba Hernández, nữ luật sư lớn hơn Fidel bảy tuổi và là một trong hai phụ nữ từng tham gia cuộc đột kích Moncada kể về ảnh hưởng của Fidel, “Tôi thấy ai cũng có nhiều ấn tượng từ lúc bắt tay Fidel. Cá tính anh mạnh lắm. Khi bắt tay chàng thanh niên này, tôi cảm thấy rất an tâm, tựa như mình đã tìm thấy lối đi vậy. Khi anh nói, tôi chỉ còn biết lắng nghe... Fidel nói giọng rất trầm, bước tới bước lui rồi đến gần ta như để nói với ta một bí mật và ta bỗng thấy mình như được chia sẻ bí mật đó vậy...”
Mọi người, dù nam hay nữ, được Fidel cẩn thận tuyển chọn đều bị ông lôi cuốn và bằng mọi giá tự nguyện làm theo hướng dẫn của ông để có thể nhanh chóng tổ chức Phong Trào. Pedro Miret Prieto, khi ấy còn là sinh viên kỹ thuật ở Santiago (trước cũng học chung trường nam La Salle với Fidel nhưng hồi đó họ không biết nhau) và là huấn luyện viên cho chiến binh Moncada, kể chẳng bao giờ quên được lần đầu tiên gặp Fidel - sáu tháng sau cuộc chính biến Batista. Giờ ông này đã là thành viên Bộ Chính Trị và là một trong những cộng sự thân tín nhất của Fidel. Miret kể ông quyết định theo Fidel vì nhận ra rằng ngoài Fidel ra các nhà chính trị khác chẳng làm gì để chống Batista hết. Câu chuyện này thường được các nhà cách mạng nhắc đi nhắc lại khi nhớ về lần đầu gặp Fidel hồi trẻ, một kỷ niệm không thể nào quên được.
Song, Fidel cũng phải chứng tỏ mình là lãnh đạo hàng đầu chống Batista để cho các ứng viên tiềm năng biết tiếng mà chấp nhận gặp ông. Mặc dù ông trở nên nổi tiếng trong giới trẻ Cuba có óc chính trị qua cuộc mạo hiểm Bogotá, vai trò lãnh đạo sinh viên nổi bật, chiến dịch tranh cử vào quốc hội và các cuộc nói chuyện trên đài phát thanh nhưng Fidel nhắm tới cử tọa rộng rãi hơn. Chuyện Ramiro Valdés Menéndez, vẫn là bộ trưởng nội vụ cho tới năm 1986, tham gia Phong Trào là một ví dụ điển hình cho phương pháp làm việc của Fidel. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Artemisa, thị trấn thuộc Havana với truyền thống cấp tiến và vô chính phủ, lúc cuộc đảo chính Batista nổ ra, Valdés được hai mươi mốt tuổi, ít học và đang làm phụ xe. Tuy nhiên, anh này lại thích chính trị và nhờ một người bạn thuộc đoàn thanh niên của Ðảng Ortodoxo (Ðảng Chính Thống), Valdés sắp xếp để gặp Fidel vì đã nghe ông phát biểu trên đài và bây giờ muốn xem thử ông có phải là lãnh đạo đáng để mình đi theo không.
Họ gặp nhau ở Havana trong cái nóng tháng bảy ở trụ sở Ðảng Chính Thống. Valdés nhớ lại lúc đó “Fidel mặc bộ đồ mùa đông màu xanh đậm kẻ sọc quen thuộc,... rồi chúng tôi nói chuyện... thế rồi tôi gia nhập Phong Trào.” Valdés được giao nhiệm vụ phát triển tổ chức chi bộ bí mật có mười thành viên ở Artemisa – mỗi người phải tuyển thêm vào chi bộ mười thành viên nữa và cứ thế nhân rộng ra, theo cơ cấu phân chia bảo mật của Fidel. Sau này, ông đã cùng đi Moncada, vào tù, đi Mexico, ở Sierra và làm việc trong nhà nước cách mạng với Fidel. Những người khác cũng kể đã gặp Fidel như vậy. Thời gian này, quân nổi dậy của Fidel được tặng danh hiệu “Thế Hệ Trăm Năm”- thế hệ mở đầu cách mạng nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Martí. Ðây cũng là điểm son tuyệt vời trong huyền thoại Fidel.
Fidel không khó khăn gì trong việc lãnh đạo các thành viên và cảm tình viên đảng chính thống bởi đâu còn ai đáng tin cậy như ông ở Cuba thách thức được Batista. Ðâu có ai cố gắng chống lại chính biến Batista ngày 10 tháng Ba. Tổng thống Prío bỏ nước ra đi (sau khi từ chối cung cấp vũ trang cho những sinh viên sẵn sàng bảo vệ chính thể lập hiến), còn các lãnh đạo chính trị truyền thống cũng lưu vong hay tỏ ra bất lực và sợ sệt. Một lưu ý thú vị là thoạt tiên, Fidel định cùng nhóm của ông hỗ trợ các lãnh đạo cũ giàu có, bất kể họ dùng biện pháp gì, để chống lại Batista khi họ hứa sẽ có tiền bạc, vũ trang và hành động hỗ trợ từ nước ngoài. Song Fidel và bạn bè ông vỡ mộng và bực bội vì họ liên tục thất hứa. Một vài nhà lý tưởng ở Cuba thử hiệp lực nhưng rồi bị cảnh sát mật vụ tóm ngay. Cuối cùng, quá chán ngán giới “tư bản tự do”, Fidel quyết định hành động độc lập. Sau này ông nói, “nếu không một ai trong số các nhà lãnh đạo này cho thấy họ có khả năng hoặc nhận thức đầy đủ mức độ nghiêm túc của mục tiêu hay phương cách lật đổ Batista thì cuối cùng tôi đành phải tự vạch ra lối đi cho riêng mình.”
Cũng như các chính đảng truyền thống khác, những người Cộng sản Cuba với đường lối tổ chức chặt chẽ đã thu hẹp phạm vi hoạt động sau cuộc đảo chính Batista. Vào thập niên 1940, họ gần như thỏa hiệp với Batista để bảo toàn một số vị trí then chốt trong liên đoàn lao động, hoặc ít nhất là giữ thái độ trung lập. Ðến thập niên 1950, các đảng Cộng sản dưới sự dẫn dắt của Moscow còn ít đối đầu và mạo hiểm hơn người ta nghĩ tới. Hơn nữa, Batista có lẽ cũng đang đắc ý nên tạm hòa hoãn với cộng sản, cho phép phát hành nhật báo Cộng sản Ngày nay ngay cả sau khi Ðảng Xã Hội Bình Dân bị chính thức coi là bất hợp pháp.
Dù gì đi chăng nữa, Fidel cũng không mặn mà lắm với ý tưởng liên minh cùng đảng Cộng sản vào lúc này. Trong cuộc đối thoại năm 1981, Fidel đã thẳng thắn “... Một khi đã lên kế hoạch làm cách mạng đồng thời có khuôn mẫu theo chủ nghĩa Marx-Lenin thì tôi tự lập ra một tổ chức của riêng mình và hoạt động trong tổ chức đó chứ không gia nhập vào đảng Cộng sản.” Tuy nhiên, tự mình tổ chức phong trào cách mạng, từ con số không, thật sự là một nỗ lực quá nhiều tham vọng đến mức gần như kỳ quặc và ngạo mạn. Chỉ có chiếc Chevrolet cũ kỹ màu nâu sậm để di chuyển từ nơi trú ẩn này đến nơi trú ẩn khác lòng vòng nội ô hoặc vùng ven của Havana, Fidel đã thành công cả trong việc tạo ra lực lượng nòng cốt cho cách mạng và phát triển thành phong trào vũ trang. Dường như ông chưa bao giờ nghĩ rằng phong trào sẽ thất bại. Bên cạnh đó, khác với Lenin, Mao Trạch Ðông và Hồ Chí Minh, ông không cho rằng việc không được sự hậu thuẫn của một tổ chức nào đó là một bất lợi. “Không hợp lý ư?”, ông nói một cách chắc chắn. Trong lúc Lenin, người Fidel xem là bậc thầy dẫn dắt hệ tư tưởng cho mình, vạch ra mưu đồ cách mạng khi được an toàn ở Zurich thì chàng luật sư trẻ tuổi người Cuba này làm điều đó đương lúc phải lẩn tránh sự theo dõi của bọn cảnh sát chìm thuộc chế độ độc tài ở quê nhà. Mỉa mai thay, phản ứng của Hoa Kỳ đối với cuộc đảo chính Batista lại xoay quanh một vấn đề chẳng hề liên quan - chủ nghĩa Cộng sản. Ngày 24 tháng 3, tức hai tuần sau vụ Batista, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Dean Acheson đã viết một thư báo bí mật cho Tổng thống Truman với nội dung “trong khi Batista nắm giữ cương vị Tổng thống Cuba thập niên 40 thừa nhận vị thế áp đảo của Cộng sản trong Liên đoàn Công nhân thì tình hình thế giới, xét theo khía cạnh quốc tế hóa chủ nghĩa cộng sản, đã hoàn toàn thay đổi kể từ thời điểm đó, và chúng ta không có lý do gì để tin rằng Batista không tích cực chống cộng.” Kết luận này, cộng với chuyện cho đến ngày 1 tháng 4 chính quyền ở hầu hết các nước châu Mỹ La tinh đã công nhận chế độ Batista (mà người đầu tiên là nhà độc tài Trujillo ở nước Cộng Hòa Dominica), khiến Hoa Kỳ cũng phải chấp nhận Batista. Vào thời đó, nhiều nước châu Mỹ La tinh theo chế độ độc tài và dân chủ không phải là vấn đề được chính phủ các nước khu vực Tây bán cầu coi trọng, kể cả Washington. Chỉ đến tháng 12 trước đó, Truman đã biểu lộ niềm tin của mình rằng Cuba đã đáp ứng được các mục tiêu dân chủ của Hoa Kỳ. Hơn nữa, Hoa Kỳ cũng không dám mạo hiểm gây hại cho mối quan hệ kinh tế đặc biệt với Cuba vào lúc nền kinh tế của đảo quốc này đang gặp khó khăn và các khoản lợi nhuận khổng lồ của Hoa Kỳ bắt đầu chịu tổn thất.
Cuối cùng, ngài Ðại sứ Willard L. Beaulac, một nhà ngoại giao với danh tiếng lẫy lừng, thông báo với Bộ Ngoại Giao rằng Hoa Kỳ có khả năng công nhận Batista trong trường hợp chính quyền mới này không gặp phải bất kỳ sự phản kháng đáng kể nào. Cả ngài đại sứ Mỹ và nhà lãnh đạo cách mạng mới nổi dậy đều tán thành kết luận cho rằng ở Cuba không có phe đối lập nào xuất hiện; đây có lẽ là lần duy nhất mà Fidel và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đồng quan điểm. Tuy nhiên, Bộ Ngoại Giao có thể đã quên đi vai trò tiên phong của các sinh viên cách mạng trong sự kiện lật đổ nhà độc tài Machado hai thập niên trước đó, không có biểu hiện nào cho thấy đại sứ quán Hoa Kỳ và Bộ Ngoại Giao biết đến thế hệ 1930 hoặc thế hệ Fidel Castro - ông có thể nổi tiếng ở Artemisa (một thành phố phía Tây Cuba), nhưng chẳng hề được biết đến ở Washington.
Cho tới năm 1952, nhóm nòng cốt của Phong Trào Fidel Castro chỉ có chừng tám hay mười người nhưng sau đó số người gia nhập tăng lên rất nhanh. Hạt nhân của nhóm là những đảng viên và cảm tình viên của đảng Chính Thống. Phong trào không có sự tham gia của các đảng viên cộng sản thuộc đảng Xã Hội Bình Dân là do Fidel ngay từ đầu đã không chịu gia nhập đảng Cộng sản mà tự lập một tổ chức riêng cho mình, hơn nữa bản thân những người cộng sản này lại ngần ngại không chịu theo sự lãnh đạo của ông. Thực chất, ngay từ sau vụ đảo chính Batista, các đảng viên Cộng sản đã thử dùng Alfredo Guevara gây ảnh hưởng để lèo lái chiến thuật và hành vi của Fidel Castro theo ý họ nhưng bị ông dứt khoát từ chối. Trong một cuộc phỏng vấn tại Havana năm 1985, Guevara thuật lại rằng theo chỉ thị của Thanh Niên Xã Hội Chủ Nghĩa (một tổ chức thanh niên của đảng Cộng sản), ông đã liên lạc với Fidel ngay khi có thể – vì Fidel đã bắt đầu ẩn náu từ buổi sáng xảy ra cuộc đảo chính – nhằm giục Fidel quay lại trường đại học với tư cách sinh viên để trở thành “nhân vật lớn ở trường đại học”. Ý của đảng Cộng sản là thực hiện phong trào chống Batista theo quan điểm của mình, với mũi nhọn trong chiến thuật là Fidel và cánh sinh viên. Guevara cũng hiểu rằng Liên đoàn Sinh viên Ðại học đã vượt ngoài tầm kiểm soát của đảng Cộng sản và họ sẽ gặp khó khăn trong việc khôi phục vai trò lãnh đạo của mình đối với lực lượng này.
Theo lời Guevara, “thoạt tiên Fidel nhận lời đề nghị nhưng sau đấy anh ta không làm và biến mất.” Ông ta cho biết lý do Fidel từ chối không đi theo đảng Cộng sản là vì họ có ý định thực hiện “chiến tranh nhân dân”, tức là hiệp nhất đấu tranh chính trị chống lại chế độ độc tài, còn “Fidel muốn hành động trực tiếp, có nghĩa là toàn dân nổi dậy khởi nghĩa.” Guevara còn nói thêm rằng vào cuộc gặp kế tiếp, ông ta đã biết Fidel đã có được một đài phát thanh bí mật và đang chuẩn bị cho cuộc đột kích Moncada.
Fidel không chịu theo sự lãnh đạo của đảng Cộng sản vì ông đánh giá thấp tiềm năng chính trị của tổ chức này. Song, điều đó không có nghĩa ông tránh tiếp xúc hoặc cùng họ và các nhóm khác tham gia vào các cuộc biểu tình công khai phản đối Batista. Ðảng viên Cộng Sản duy nhất tham gia Phong trào của Fidel Castro là em trai ông, người chính thức gia nhập tổ chức Thanh Niên Xã Hội Chủ Nghĩa hồi tháng 6 năm 1953. Tuy nhiên, do không nằm trong “ban tham mưu” của Phong trào nên Raúl không được dự phần vạch chính sách hoặc ra các quyết định mang tính bí mật. Cả Fidel lẫn Raúl đều khẳng định rằng Raúl biết được quân trại Moncada sẽ là mục tiêu tấn công chỉ vài giờ trước khi xuất phát, và chỉ đóng vai trò một “chiến sĩ bình thường” trong hàng ngũ (ngoài Raúl, Luciano González Camejo, một công nhân thuộc hàng trung niên, là đảng viên Cộng Sản duy nhất khác tham gia cuộc tấn công Moncada, nhưng ông ta tham gia phong trào khá muộn). Raúl cống hiến hết sức lực của mình cho các cuộc biểu tình sinh viên tổ chức bởi Hội đồng 10 tháng Giêng, thuộc đảng Cộng Sản, và luôn là người cầm quốc kỳ Cuba đi hàng đầu.
Fidel nhất định tránh xa trường đại học thậm chí trước khi gặp Guevara, và khi hay tin về cuộc đảo chính khoảng 5 giờ sáng hôm đó, ông đã bắt đầu giấu mình trong sáu ngày. Trái với những bản tin được đưa ra, Fidel không nằm trong đám đông sinh viên biểu tình vào buổi sáng hôm ấy (tuy Raúl đã có mặt ở đó) vì ông nghĩ rằng còn nhiều việc quan trọng về mặt chính trị cần làm hơn là chỉ hét vang, “Batista phải chết!”
Cuối năm trước, Fidel và gia đình đã chuyển từ căn hộ nhỏ ở phố Thứ Ba sang căn hộ lớn hơn trên tầng hai tòa nhà số 1511 phố Hai Mươi Ba, cùng khu với Vedado nhưng không sang bằng. Giá thuê nhà cũng vậy, và Fidel lại túng quẫn như trước lúc có đảo chính. Một tối nọ, (trong thời gian Fidel đang lẩn trốn bọn cảnh binh mật Batista), ông và Pedro Trigo, một công nhân dệt cũng là thành viên đầu tiên của Phong Trào, về đến căn hộ của Fidel ở phố Hai Mươi Ba thì thấy cả căn hộ tối thui, căn hộ bị cắt điện vì họ chưa thanh toán hóa đơn. Lúc ấy, cậu bé Fidelito ba tuổi bị viêm họng và sốt cao, vậy là Fidel chỉ còn cách lo đưa con đến bệnh viện Calixto García cho một bác sĩ quen khám. Ông mượn Pedro Trigo năm peso đưa cho Mirta để mua đồ cho Fidelito. Thật ra Fidel cũng có một trăm peso trong túi song tiền này ông vừa gom góp được để mua vũ khí và ông thấy không nên dùng tiền chung cho việc riêng. Sau đó, bạn bè Fidel đòi trả tiền thuê nhà và các tiện nghi điện nước cho ông. Một lần khác, Castro tới văn phòng đảng Ortodoxo, ông đậu xe trước cửa nhưng đến khi ra thì chẳng thấy xe đâu. Hóa ra, công ty tài chánh chuyên bán xe cũ đã tịch thu vì ông chưa trả tiền. Hôm đó là ngày tăm tối nhất đối với Fidel. Mất xe rồi, ông bèn đi bộ qua quán cà phê mà ông vẫn thường lui tới uống cà phê và hút xì gà. Ông nói với chủ quán bán chịu cho bữa ăn trưa nhưng chủ quán từ chối vì ông đã nợ năm peso rồi nên ông ta không muốn cho nợ thêm. Fidel đành đi bộ về nhà cách đó ba dặm. Lúc băng qua công viên trung tâm, ông đứng lại nhìn các tựa báo vì không còn đến năm xu để mua tờ nào nữa; gã bán báo thì hét vào mặt ông “Này đi đi, đi đi chớ, đừng có đứng đây...” Về đến nhà ông ủ rũ nằm gục xuống giường, đoạn ngủ thiếp đi. Theo lời bạn bè kể, trưa hôm đó tỉnh dậy, Fidel hết buồn nản và lại tràn đầy tinh thần đấu tranh. Sau này nhắc lại chuyện đó, Fidel hay bật cười và nhớ lại những người bạn đã gánh trách nhiệm lo trả tiền nhà cửa cho ông. Ông nói “Họ còn cho tôi những thứ cần thiết để tôi ăn nữa.” Và rằng ông là “đảng viên duy nhất trong phong trào được trả lương.”
Tuy nhiên, không ai còn nhớ các câu chuyện về vợ ông là bà Mirta. Cho tới lúc ly dị năm 1955, bà đã âm thầm chịu đựng bao nhọc nhằn và chuyện Fidel thường xuyên vắng nhà. Rồi sau chính biến, tình cảnh còn nan giải hơn khi anh bà là Rafael Díaz-Balart được giao làm phó bộ trưởng nội vụ trong nhà nước Batista. Ngoài các trách nhiệm chính trị, bộ này còn lo về trật tự công cộng và mật vụ. Vậy là lúc này anh em rể lại trở nên thù nghịch với nhau.
Ðêm có chính biến Fidel ngủ ở nhà, nhưng sáng sớm hôm sau ông trốn qua nhà chị gái Lidia cách đó năm căn phố. Ở nhà ông chỉ còn lại Mirta, Fidelito và em trai Raúl ở chung với họ. Fidel đã tính đúng; giữa sáng hôm đó mật vụ tới nhà tìm mấy anh em Castro (nhưng cũng hụt luôn Raúl vì anh này đã đi biểu tình ở đại học).
Thường thì mỗi ngày cứ đầu giờ trưa, Fidel đều xuất hiện trên đài phát thanh nói chuyện chính trị chừng mười lăm phút. Song vào ngày tiếp quản quân sự, ông biết mọi công việc trên đài đều bị đình chỉ nên ông sẽ bị bắt liền nếu lên phòng thu. Dù sao, Fidel cũng muốn kịp thời có đủ thông tin và bạn bè ông đều muốn giúp. Trong đó có René Rodríguez, vừa nghe Mirta báo Fidel đang ở nhà chị gái, anh ta liền sang bên đó ngay. Fidel nhờ Rodríguez ghé trường đại học dò chừng để báo cho ông biết tình hình phong trào sinh viên.
Rodríguez tới trường dẫn chủ tịch Phong Trào Sinh Viên (FEU) Alvaro Barba về tham luận với Fidel ở nhà Lidia. Ðoạn, Rodríguez sang nhà Roberto Agramonte, ứng viên chủ tịch đảng Chính Thống để thăm dò tinh thần các lãnh đạo. Lúc Rodríguez báo là Agramonte và các đồng nghiệp của ông ta chống Batista rất thụ động và họ không có thông điệp hay mệnh lệnh hành quân nào cho ông và đảng thanh niên, Fidel nổi giận, hét rằng các lãnh đạo Ortodoxo hèn nhát quá. Ðêm đó, Fidel biết ở nhà Lidia hết an toàn nên chuyển qua khách sạn Andino, chỗ trọ quen ở dưới phố. Sáng ngày 11 tháng 3, Rodrígue sắp xếp đi với Fidel tới nhà Eva Jiménez, một quân nhân đảng thanh niên Ortodoxo ở khu trung lưu Almendares. Eva đã mua đủ thức ăn cho nhiều ngày và cho cô hầu gái nghỉ một tuần. Fidel đeo kính đen, ít khi nào ông dùng tới (ông bị cận thị phải đeo kính trắng), và hai người đón xe buýt tới chỗ Eva. Fidel có tờ năm peso của Lidia cho nhưng tài xế không có tiền thối, cuối cùng một người lạ trên xe buýt trả dùm luôn 16 xu tiền xe.
Hôm đó, Fidel không biết còn có một mái nhà an toàn khác cho ông. Ðó là một căn hộ sang trọng nơi Natalia “Naty’’ Revuelta sống ở Vedado cùng chồng, một bác sĩ tim mạch hàng đầu ở Havana. Naty là một phụ nữ tóc vàng quyến rũ thuộc gia đình giàu có, từng học ở Mỹ và Pháp, thích cách mạng, thân đảng Ortodoxo và đã nghe nói nhiều về Fidel Castro. Bà có gửi một số chìa khóa nhà cho vài nhà lãnh đạo đảng Ortodoxo để họ có chỗ trốn tránh bọn cảnh sát mật vụ, trong đó nhấn mạnh là phải để riêng một chìa cho Fidel Castro. Tuy nhiên, giữa thời buổi lộn xộn, phải khá lâu sau Fidel mới nhận được chìa khóa căn nhà. Sau này Naty Revuelta là một trong những phụ nữ xinh đẹp và thông minh đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Fidel.
Fidel ở lại nhà Eva Jiménez hai ngày đêm. Tại chiếc bàn nhà bếp, ông thảo đi thảo lại bản tuyên ngôn phê phán việc Batista lên nắm quyền dưới tựa đề “Ðấy Không Phải Cách Mạng, Mà Là Bùng Nổ!” Bản tuyên ngôn được viết dưới danh nghĩa cá nhân chỉ trích gắt gao Batista được hoàn tất vào ngày 13 tháng 3. Sau đó, Fidel gởi cho Rodríguéz và Eva Jiménez mang đến tòa báo Alerta nhờ in song ông chủ bút không đồng ý đăng vì cho rằng phe chống Batista “thiếu thực tế và chỉ mơ mộng viển vông”. Bởi lúc đó đã có lệnh kiểm duyệt báo chí nên người của Fidel cũng không liên hệ với báo nào khác nữa.
Tuy nhiên, Fidel đã quyết tâm lưu hành bản tuyên ngôn nên ông bảo Rodríguéz tìm đến một người bạn ở dưới phố Havana có máy Roneo. Raúl Castro cùng Antonio Lopéz Fernández, còn gọi là Nico là một công nhân Fidel quen biết hồi chiến dịch tranh cử vừa rồi, đã cho in năm trăm bản tuyên ngôn để phân phát trên các đường phố trong thời gian ngắn nhất.
Cơ hội đến vào ngày Chủ nhật 16 tháng 3, nhân cuộc gặp mặt định kỳ hàng tháng với các lãnh đạo đảng Ortodoxo quanh mộ Eddy Chibás, tại nghĩa trang Colón. Lãnh đạo đảng Ortodoxo phát biểu quá nhạt nhẽo nên Fidel không kiềm được nóng giận. Ông giơ tay phải lên và hét to “Nếu Batista nắm quyền bằng vũ lực thì hắn ta phải bị lật đổ bằng vũ lực!” Khi thấy cảnh sát lăm le đi tới, bạn bè Fidel vây quanh để bảo vệ ông (tờ Alerta, trước đó từ chối in tuyên ngôn của ông, đã tường thuật cơn giận của Fidel ở nghĩa trang và bình luận rằng lời lẽ của ông “được đám đông hưởng ứng... đông đảo thành viên trong đảng đều đồng tình với anh”.
Cuối cùng tại nghĩa trang, họ cũng đã phân phát được bản tuyên ngôn với những lời lẽ như “trên thế gian này không có gì cay đắng hơn cảnh con người lúc đi ngủ thì tự do nhưng khi tỉnh dậy đã là nô lệ,” “chống lại sự đàn áp mới là nguồn hạnh phúc vô biên,” và “tổ quốc bị đàn áp nhưng sẽ có ngày tự do trở lại.” Fidel kết thúc bằng đoạn trích dẫn quốc ca Cuba “Sống trong xiềng xích là đắm chìm trong nhục nhã. Chết cho tổ quốc mới là sống thật!”.
Bấy giờ, Fidel hiểu là ông đã tuyên chiến với chế độ độc tài Batista, một ý niệm dễ khiến người ta liên tưởng đến cảnh Ðôn Kisốt tuyên chiến với Cối Xay Gió. Trong bản tuyên ngôn, ông giục “dân Cuba hãy can đảm hy sinh và đánh trả.” Nhìn lại các sự kiện này vào hai mươi năm sau, Fidel bảo với Lionel Martin rằng ông đã khởi sự chiến dịch của mình “hơi giống kiểu du kích, bởi một người hoạt động chính trị cũng phải là một chiến sĩ du kích...” Khi vào trận, Fidel bao giờ cũng cứng rắn. Ngày 24 tháng 3, một tuần sau cuộc tập hợp ở nghĩa trang Colón, ông đóng vai trò luật sư công tố đệ trình tòa án hiến pháp Havana bản cáo trạng lên án tướng Batista đã vi phạm “hiến pháp nhà nước” bằng cuộc đảo chính quân sự. Ông liệt kê ra các hình phạt theo luật định rồi kết luận “tội lỗi của Fulgencio Batista đáng bị xử hơn 100 năm tù.”
Fidel làm như vậy không phải với mục đích gây chú ý (tờ Alerta đã tường thuật về vụ việc này ngay ngày hôm sau) hay để tòa án xử Batista theo ý ông, mà nhằm tạo nguyên tắc cơ bản cho cuộc cách mạng sau này. Nói một cách cụ thể, Fidel đưa ra lý lẽ “với hàng loạt những tội ác phản loạn trắng trợn mà Batista không bị xử phạt thì sau này làm sao tòa án xử công dân Cuba nổi dậy chống lại chế độ phi pháp được?”, tức là cuộc cách mạng của ông là một hành động hợp pháp chống lại chế độ phi pháp. Ðiều này sẽ giúp hợp pháp hóa nhà nước cách mạng mà Fidel lập ra năm 1959. Ðối với dân Mỹ La tinh vốn rất coi trọng tính hợp pháp thì nước cờ này đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược cách mạng của Fidel Castro.
Sau vụ chính biến Batista, Fidel bỏ nghề luật nhưng văn phòng luật của ông còn tiếp tục hoạt động và theo các vụ chống chế độ độc tài dưới sự hướng dẫn của ông. Jorge Aspiazo, đồng sự cũ của ông, kể lại rằng Fidel bảo kiện ba bộ trưởng nội các Batista tội biển thủ Quỹ Trợ Cấp Thất Nghiệp Nhà Nước bằng cách đưa danh sách tên giả ra, “sa thải” rồi gom tiền. Vụ án này lên tới Tòa Án Tối Cao nhưng sau đó bị bác bỏ.
Fidel vẫn tiếp tục công kích Batista. Trên tờ báo La Palabra ra ngày 6 tháng Tư (mới phát hành được số đầu tiên thì bị nhà nước bắt đóng cửa) xuất hiện bài công kích Batista dữ dội của Fidel với lời cảnh báo đầy chất thơ “hạt giống cuộc nổi dậy đã được gieo trong mọi trái tim” và “dù đối mặt với hiểm nguy, chủ nghĩa anh hùng vẫn mạnh thêm nhờ thắm đầy máu đỏ.” Fidel hiểu rằng cách mạng phải vừa có tính hùng hồn vừa lãng mạn.
Trên mặt trận bí mật Fidel cũng bận rộn không kém. Từ nơi ẩn náu và các văn phòng đảng Ortodoxo (nhà nước vẫn cho các đảng phái chính trị hoạt động dù quốc hội đã đóng cửa và xóa luôn bầu cử), Fidel tổ chức hàng trăm cuộc họp và phỏng vấn với các thành viên triển vọng cho Phong Trào trong khoảng thời gian sau cuộc đảo chính tháng ba tới tháng năm. Ðêm đến, ông thường lái xe về miền quê để gặp các đảng viên Ortodoxo người địa phương ngoài đồng.
Xét theo khía cạnh lịch sử, Phong Trào của Fidel có gốc từ đảng Ortodoxo. Ðây một chính đảng cấp tiến và cải lương nhưng thiết yếu trong hoàn cảnh này do Thượng nghị sĩ Chibás lập năm 1947, vốn thu hút đông đảo dân Cuba trung lưu và lao động, kể cả công nhân ở nhà máy đường và nông dân ở vùng núi. Trong khi đó, đảng Cộng sản, thay vì thâm nhập vào giai cấp lẽ ra thuộc về mình, lại dựa vào tầng lớp trí thức, sinh viên và lãnh đạo các hội liên hiệp.
Fidel đã suy nghĩ thực tế khi từ chối về trường đại học lãnh đạo sinh viên chống lại Batista theo lời đề nghị của đảng Cộng sản. Ðảng viên trẻ tuổi của đảng Ortodoxo (thậm chí cả những người trung niên) xuất thân thấp kém còn có đầu óc cách mạng hơn các đảng viên Cộng sản, họ không ưa hệ tư tưởng của đảng Cộng Sản và rất ngưỡng mộ Fidel. Fidel đã dành nhiều năm mở rộng quan hệ, đặc biệt trong Ban Thanh Niên và Nhóm Hành Ðộng Cấp Tiến đảng Chính Thống do ông tổ chức, nhất là trong tiến trình chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử vào quốc hội, mặc cho thái độ ác cảm của những vị lãnh đạo cao niên thuộc đảng này. Ngày 10 tháng 3 năm 1952, lúc xảy ra chính biến Batista và Fidel quyết định đấu tranh “độc lập”, ông đã có sẵn mạng lưới cách mạng tiềm năng. Vấn đề bấy giờ là làm sao chuyển nó thành công cụ để đấu tranh.
Giải pháp đột nhiên xuất hiện tại cuộc tụ tập ở nghĩa trang Colón khi Fidel được giới thiệu với Abel Santamaría, anh chàng kế toán hai mươi bốn tuổi thuộc văn phòng giao dịch Pontiac ở Havana. (Dường như các nghĩa trang là nơi hay diễn ra các sự kiện chính trị Cuba. Lễ kỷ niệm các anh hùng, từ Céspedes cho đến Martí, là dịp để biểu tình mà cảnh sát dù dưới chế độ nào cũng không dám giải tán. Mặc dù sau năm 1959, Fidel vẫn đến Colón để đọc tuyên ngôn nhưng truyền thống này giờ đây không còn tồn tại). Cuộc gặp đặc biệt này xảy ra trong thời gian nhà nước Batista cấm tổ chức lễ Lao Ðộng tháng Năm, và nhân ngày 1 tháng 5 này nhiều quân nhân phe đối lập đã đến viếng mộ sĩ tử Carlos Rodríguez, bị cảnh sát giết dưới thời tổng thống Prío. Ở nghĩa trang, Fidel được Jesús Montané Oropesa, kế toán viên của hãng General Motors mà ông đã gặp trước vụ đảo chính không lâu, giới thiệu với Santamaría. Tháng ba trở đi, Montané, Santamaría và vài người bạn đã tìm cách đấu tranh chống Batista.
Cuộc gặp gỡ ngày 1 tháng 5 giữa Fidel và Santamaría, một thanh niên cao ráo tóc vàng đến từ tỉnh Las Villas, trở nên bước ngoặc cho Phong Trào. Hai người vừa gặp đã nhanh chóng kết thân với nhau. Thứ nhất, họ cùng có gốc gác từ làng quê: Abel sinh ra ở nhà máy đường Constancia và làm việc ở đây cho đến năm 19 tuổi mới lên Havana, còn Fidel thì sinh ra ở cánh đồng mía miền Oriente. Mối quan hệ của họ chẳng hề bị ảnh hưởng bởi chuyện Fidel xuất thân từ một gia đình địa chủ còn Abel thuộc giai cấp công nhân. Bên cạnh đó, Abel cùng Montané đều là thành viên đảng Ortodoxo. Ngoài ra, Abel sống cùng người chị Haydée (còn gọi là Yéyé) trong một căn hộ gần nhà Fidel nên anh ta thường lui tới nhà Santamaría trò chuyện rất lâu. Do vậy, hai người rất thân thiết với nhau, Fidel là trưởng Phong Trào còn Abel là phó. Chính Abel dù không nổi trội bằng nhưng với cái đầu lạnh đã góp phần quan trọng giúp Fidel định hình Phong Trào.
Những tháng tiếp theo, Phong Trào lớn mạnh dần. Montané rủ thêm người bạn cũng là kế toán tên Boris Luís Santa Coloma; Melba Hernández, luật sư trong đảng Ortodoxo và bạn cô, Elda Pérez, cũng tham gia. Melba dẫn thêm Raúl Gómez García, giáo viên và nhà thơ hai mươi ba tuổi; còn Fidel rủ bạn là Pedro Trigo và Nico López. Ðến giữa năm thì thành nhóm tin cẩn của Phong Trào.
Ngay từ đầu, mọi người đều tán thành vai trò thủ lĩnh của Fidel và ông lãnh đạo Phong Trào y như tổ chức quân sự. Melba Hernández, người thân cận nhất với Fidel và nhà Santamaría suốt giai đoạn chuẩn bị, nhớ lại giống như “ở trong quân ngũ hai mươi bốn trên hai mươi bốn” vậy, cuộc sống hết sức kỷ luật khiến quan hệ giữa các thành viên cũng phải khác hẳn.
Melba (ngày nay nổi tiếng là nữ anh hùng và ở tuổi bảy mươi vẫn còn hoạt động chính trị tích cực) kể Fidel đặt ra một số yêu cầu cho mọi người. Thứ nhất, theo lời bà đó là “thù ghét chế độ đàn áp, không thừa nhận xã hội sống nhờ mục ruỗng và quyết định chống lại chế độ đó.” Muốn vậy, phải hết sức gò mình theo khuôn phép, bà nhớ lại “và bởi vì đây là một phong trào hoạt động bí mật cho nên phải có kỷ luật cứng rắn, hết sức nghiêm ngặt và kín đáo, thận trọng tối đa, và còn thái độ trong quân ngũ... đó là cách chúng ta đang được đào luyện, và quân nhân nào vi phạm một trong các điều lệ này sẽ bị khai trừ.” “Khi Phong Trào lớn mạnh, các nhóm thanh niên gia nhập vào Phong Trào họp mặt định kỳ vào mỗi Chủ Nhật. Cứ như một kỳ kiểm tra vậy. Chẳng hạn, họ sẽ được lệnh triệu tập vào buổi chiều đúng 5 giờ 05 phút. Ai không đến đúng giờ sẽ bị chúng tôi đưa ra phân tích, khiển trách hoặc bắt phạt hoặc nặng nhất là khai trừ. Hình phạt đối với mọi sự bất cẩn, dù nhỏ, cũng đều là khai trừ khỏi phong trào.”
Melba Heznández nói thêm, Ban Tham Mưu Phong Trào gồm Fidel Castro, Abel Santamaría, Haydée Santamaría và Melba Hernández mỗi tuần họp một lần để bàn phương hướng hoạt động và hành vi của tất cả thành viên. Fidel và Abel hội ý thường xuyên với ủy ban quân sự và ủy ban chính trị nhưng chỉ Fidel và Abel có quyền tuyển người và ra quyết định về chiến lược và chiến thuật. Phong Trào được tổ chức thành chi bộ gồm mười tới mười lăm người, nhận lệnh từ ban tham mưu hoặc các ủy ban chính trị và quân sự tùy theo tầm quan trọng. Phong Trào Fidel cấu trúc theo chiều dọc và hoàn toàn không có chức năng hoặc cơ quan chính trị, khác với các chính đảng khác. Mô hình này là do Fidel nghĩ ra nhằm phục vụ cho mục tiêu giành thắng lợi trong chiến đấu và tránh xa chính trường.
Dù cho quan điểm chính trị trong tư tưởng của Fidel có như thế nào, ông vẫn nhất quyết tránh chuyện đồng nhất hệ tư tưởng của Phong Trào với chủ nghĩa Marx-Lenin. Melba kể lại, “khi ấy, trong hàng ngũ của chúng tôi chưa ai nói về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa Marx-Lenin như một ý thức hệ, nhưng chúng tôi đã bàn với nhau, ngày Cách Mạng nắm quyền, tất cả nhà cửa đất đai của bọn trưởng giả sẽ thuộc về dân thường và trẻ em – những người chúng tôi đang chiến đấu vì họ. Cũng chẳng ai nói đến chuyện bóc lột sức lao động, chúng tôi chỉ bàn về lương bổng cho công nhân, nạn đối xử tàn tệ đối với công, nông dân.” Bà nói rằng “bằng cách sử dụng ngôn từ gần gũi và dễ tiếp nhận, chúng tôi đã ám chỉ những gì mình đang làm.” Bên cạnh đó, Fidel và Abel rất coi trọng phụ nữ trong đấu tranh cách mạng.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 1977 với báo Cộng sản, thuộc đảng Cộng Sản Xô Viết, Fidel phát biểu, “suốt thời kỳ đó, tôi vẫn giữ liên lạc với những đảng viên Cộng sản với mục tiêu của riêng họ,” nhưng “không ai có thể bảo họ tin vào những gì chúng tôi đang làm.” Ông nhận định rằng “một đảng phái được đào luyện theo những kế hoạch và quan điểm truyền thống” sẽ khó mà đặt lòng tin vào Phong Trào. Hơn nữa, theo lời ông thì ở Cuba người ta có thể sử dụng bạo lực để đấu tranh cách mạng nhưng một chính đảng đã mang danh Cộng sản thì không bao giờ. Phân tích này cũng phù hợp với cách đánh giá của Fidel đối với đảng Cộng sản hồi năm 1952 dù cho đây cũng có thể giải thích cho việc Fidel từ chối kết hợp với chính đảng này trong quá trình chuẩn bị cho cách mạng cũng như việc đảng Cộng sản ngần ngại giúp đỡ đội quân Fidelistas mãi đến gần cuối cuộc chiến.
Mario Mencía, nhà sử học cách mạng Cuba đã viết, dù Fidel có tổ chức hệ thống theo kiểu Marx từ hồi còn sinh viên, “ông đã kiên quyết tránh nói đến điều này trong các tuyên ngôn.” Mencía nhận thấy rằng tuy Fidel từ đầu đã định hướng tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng noi theo lời dạy của José Martí, ông giấu kín mục tiêu trong lòng vì sợ “nói trước bước không qua.” Lần duy nhất Fidel làm trái nguyên tắc này, theo lời Mencía, là trong một bài báo khoảng giữa năm 1952 lên án Batista là “con chó theo đuôi chủ nghĩa đế quốc” và đồng minh của “các khoản lợi nhuận khổng lồ của Cuba và ngoại quốc”.
Kỷ luật nội bộ còn nghiêm khắc hơn sau khi Pedro Miret, sinh viên kỹ thuật và là chuyên gia vũ trang, gặp Fidel và đồng ý huấn luyện quân sự cho các thành viên Phong Trào. Melba Hernández nhớ lại, công việc nặng nề nhất của các nhà lãnh đạo là giám sát cá nhân mỗi thành viên. Hàng tuần, Fidel và Santamaría đều kiểm điểm hành vi, kể cả cuộc sống riêng, của từng người một trong suốt bảy ngày qua. Bên cạnh đó, họ cũng áp dụng quan điểm của Marx trong việc đảm bảo kỷ luật quân đội là cho các thành viên tiến hành tự kiểm.
Jesús Montané, thuộc nhóm cách mạng tin cẩn đầu tiên, nhớ lại “chúng tôi tuyệt đối không được uống rượu”, ai có thói quen uống rượu “không thể làm quân nhân được”, và cuộc đời cách mạng phải khắc khổ và đạo đức.” Có lần Fidel cho một thành viên rất quan trọng tạm nghỉ Phong Trào cho đến chừng nào bỏ hẳn rượu mới được quay lại. Sau đấy, anh kia đã bỏ rượu và trở lại cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp Cách Mạng.
Các trụ sở chính của Phong Trào là nhà Santamaría ở phố Thứ Hai Mươi Lăm và phố “O” ở Vedado (nay là đền thờ quốc gia), ngoài ra còn nhà người chị Lidia của Fidel cách đó ba căn, nhà bố mẹ Melba Hernández (rất ủng hộ cách mạng) ở phố Jovellar. Bên cạnh đó còn có một văn phòng ở phố Consulado, gần đại lộ MaleCón cạnh bãi biển, của một thành viên làm việc trong doanh nghiệp lớn – đây là nơi ngụy trang tốt nhất.
Như thường lệ, Fidel coi tuyên truyền là bước quan trọng hàng đầu. Trước lúc gặp Fidel, Santamaría và Montané xuất bản không thường xuyên tờ báo in ronéo mang tên “Son Los Mismos” (“Họ Cũng Thế”) để công kích Batista, ý nói chế độ hiện tại cũng tệ như chế độ trước thôi. Nhưng khi Fidel vào cuộc, ông đề nghị đổi thành “Người Kết Án” rồi cùng với Abel và nhà thơ trẻ Raúl Gómez García biên tập. Tờ báo “Họ Cũng Thế” ra kèm theo thêm vài tuần nữa rồi ngưng hẳn. Ở trường đại học, đảng Cộng sản cũng có ấn phẩm riêng tên Mella, trước Fidel cũng hay viết cho tờ này và về sau thỉnh thoảng cũng có gửi bài đăng.
Các ấn phẩm này được in bằng máy quay ronéo cũ kỹ mà Abel và Montané mua với giá bảy mươi lăm peso. Ðể tránh bị cảnh binh phát hiện, máy được một tài xế taxi quen người Tây Ban Nha chuyển chỗ liên tục. Sau này Montané kể lại, hầu như lúc nào chiếc máy này cũng nằm trong thùng xe đậu trước quán rượu Detroit trên phố Hai Mươi Lăm.
Fidel lúc này lại muốn lên đài nói. Vài ngày sau khi gặp Santamarías, ông bảo Abel và Montané đi Colón cách Havana 150 dặm để gặp một bác sĩ tên Mario Munoz Monroy do một đảng viên giới thiệu. Vị bác sĩ bốn mươi mốt tuổi này là phi công hạng nhẹ kiêm quản lý đài phát thanh địa phương, rất nhiệt thành với cách mạng sẵn sàng theo Fidel. Fidel nhờ ông này cho hai máy phát thanh thông báo tuần sau sẽ có biểu tình chống chế độ ở đại học. Fidel cần tới hai máy phát để phòng ngừa trường hợp một máy bị trục trặc. Ngày 20 tháng Năm, ông bác sĩ tích cực đã cho máy phát thanh đúng giờ thông báo cuộc biểu tình “Làn Sóng Tự Do của Phong Trào Kháng Chiến và Giải Phóng Quốc Gia” trên băng tần bốn mươi mét.
Dù buổi phát thanh được rất ít người nghe nhưng tờ “Họ Cũng Thế” cũng đã thông báo sự hiện diện của đài phát thanh bí mật. Fidel cho rằng các loại hình tuyên truyền hỗ trợ cho nhau; đài phát thanh của bác sĩ Munoz là tiền thân của Ðài Tiếng Nói Nổi Dậy tại Sierra vào sáu năm sau.
Phe chống Batista cũng thành hình ngày 20 tháng 5 năm 1952 trong Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia (MNR) của Rafael García Bárcena, giáo sư tâm lý, xã hội, triết học ở trường Ðại Học Havana và trường Cao Ðẳng Chiến Tranh Quốc Gia. Giáo sư García Bárcena đã cùng Eddy Chibás lập ra đảng Chính Thống năm 1947, cho đến năm 1952 ông thu hút giới trẻ trung lưu chống Batista như Armando Hart, Faustino Pérez và Juan Manuel Márquez vào MNR. Tất cả những người đó sau này đều gia nhập Phong Trào Castro. Ở Santiago, các thành viên mới của MNR gồm có Frank País, sau thành anh hùng chiến trận, và Vilma Espín, hiện là vợ Raúl Castro.
Fidel giữ thái độ thờ ơ với MNR - ông không tin dân tự do trung lưu dựa vào các chính biến quân sự để giành quyền – cũng như với Ban Hành Ðộng do một chính trị gia tên Justo Carrillo lập hồi tháng Bảy mà tập trung vào Phong Trào của mình. Lúc đó Pedro Miret đang bận huấn luyện nhóm MNR sử dụng vũ khí ở đại học và chưa gặp Fidel còn Justo Carrillo thì đang cố len lỏi vào các nhóm sĩ quan trẻ.
Ngày 16 tháng Tám diễn ra cuộc mít tinh ở nghĩa trang nhân ngày giỗ đầu của Nghị sĩ Chibás. Fidel và các đồng sự in mười ngàn bản tờ Người Lên Án để phân phát ở đó và dưới phố Havana. Fidel đã viết hai bài nảy lửa ký tên Alejandro chỉ trích đảng Ortodoxo nhát gan, “phong trào phải mang tính cách mạng chứ không phải là chính trị”, còn bài kia lên án Batista là “kẻ bạo ngược xấu xa.” Với lời lẽ chính trị đanh thép nhất, Fidel báo cho nhà độc tài biết rằng “những con chó liếm vết thương của ông hàng ngày sẽ không thể nào giấu được mùi tanh tưởi bốc lên từ đấy” và “khi lịch sử được chép lại... ông sẽ chỉ được nhắc đến như một loại dịch họa mà thôi...”
Tuy nhiên, số phận tờ báo này chấm dứt ở đây. Ngay trước cuộc mít tinh ở nghĩa trang, mật vụ đã tìm ra chiếc máy quay ronéo ở nhà một đảng viên, liền đập nát rồi gom hết phân nửa số tờ báo còn lại. Lúc họ tới nghĩa trang thì Abel Santamaría, Elda Pérez và Melba Hernández bị bắt. Chỉ có Fidel và Haydée Santamaría thoát được. Edla và Melba được thả trong ngày bèn tìm Fidel thông báo tin tức về các đồng đội đã bị ở tù.
Hôm sau, Fidel và Melba tới ngục Castillo del Principe trong vai luật sư để tìm cách giành tự do cho Santamaría và González. Trên đường đi Fidel nói “mình mua gì mang vào cho họ nhé”, song trong túi ông chỉ còn có một peso nên chỉ mua được thuốc lá và diêm. Tới ngục, họ bất ngờ khi gặp hầu hết đồng đội bị câu lưu. Bấy giờ Fidel nhận ra là trong Phong Trào có kẻ phản bội nên hôm trước họ mới bị cảnh sát tổ chức và bắt được như vậy.
Fidel tranh luận cả ngày để đồng đội ông được thả và dành mấy ngày sau tìm “kẻ phản bội” nhưng không ra. Bận rộn như vậy nên ông vẫn chưa thể đến bệnh viện thăm Fidelito khi ấy đang phải phẫu thuật gấp, mãi mấy ngày sau ông mới gặp lại con ở nhà. Sau vụ bố ráp vài ngày, Cục Tình Báo Quân Sự cũng tìm thấy một trong hai máy phát thanh của họ.
Tuy vậy, khó khăn không làm Fidel nản chí. Vài ngày sau, tất cả đồng đội Fidel được thả và đầu tháng chín, ông họp kín các thành viên mới của Phong Trào ở khu phố cổ Havana. Ông nói với họ, “Tất cả những ai tham gia Phong Trào đều chỉ là quân nhân như nhau; bất kỳ địa vị hay đặc quyền có được từ hồi ở đảng Ortodoxo không liên quan gì ở đây. Cuộc chiến sẽ chẳng dễ dàng và con đường phía trước sẽ rất dài và gian truân. Chúng ta sẽ tiến hành đấu tranh vũ trang lật đổ chính quyền.”
Hôm sau, Fidel và Abel bị xe tuần của cảnh sát bắt trên phố Vedado. Ở đồn, họ và xe bị lục soát nhưng do cảnh sát không tìm thấy gì nên họ được thả. Ðây là lần đầu Fidel bị bắt khi đang dẫn dắt Phong Trào và ông thấy từ nay phải cẩn thận hơn mới được.
Ngày 27 tháng Mười Một là lễ kỷ niệm tám mươi mốt năm ngày bọn Tây Ban Nha hành quyết tám sinh viên y khoa theo chủ nghĩa dân tộc, Fidel và các đồng đội sinh viên lại có dịp mít tinh chống Batista ở trường đại học. Họ đem theo máy phát thanh để phát cuộc biểu tình song bị cảnh sát cắt điện.
Thêm một vụ thất vọng nữa đã đánh dấu giai đoạn đầu hoạt động của Phong Trào cách mạng kết thúc. Tuy nhiên, buổi tối đó không trôi đi vô ích. Trong khuôn viên đại học, Fidel được bạn ông là Jorge Valls giới thiệu với Naty Revuelta, cô vợ giàu có và xinh đẹp của một bác sĩ tim mạch, người phụ nữ đồng cảm với cách mạng mà tháng ba qua đã cố gửi cho ông chìa khóa nhà mình để ông trốn tránh bọn cảnh sát. Một mối quan hệ tốt đẹp đã bắt đầu từ đây.