Kỷ niệm sinh nhật lần thứ một trăm của José Martí ngày 28 tháng Giêng 1953 là dịp tốt cho Fidel Castro hành động cách mạng. Mặc dù chương trình huấn luyện quân sự chỉ mới có đà phát triển từ những tháng cuối năm 1952 và Fidel đã hết sức cẩn thận khi lộ diện nhưng buổi lễ mừng sinh nhật vị anh hùng José Marti là dịp không thể bỏ qua.
Phong Trào đang ở giai đoạn hai: hoạch định và chuẩn bị hành động. Lúc này, Fidel không trực tiếp ra mặt ơ các buổi huấn luyện nữa, kể cả các buổi tập bí mật ở sân trường đại học do Pedro Miret tổ chức cho tân binh. Hầu hết các thành viên mới không biết Fidel là lãnh đạo; nhưng Fidel thì biết từng người một và những gì họ làm.
Trên cơ bản, Fidel hiểu ông và các chiến binh không nên gây chú ý nếu không cần thiết. Khác với hồi tháng 11 năm trước, họ kín đáo hơn và tránh các cuộc huyên náo ở đại học trong suốt khoảng thời gian từ tháng 12 cho đến đầu tháng giêng 1953. Mặt khác, Fidel là người tận tụy với quần chúng, ông hiểu nếu người ta nhận thấy ông vắng mặt thì cũng có hại cho sự nghiệp chính trị. Do vậy, Fidel phải hết sức cẩn trọng, thăm dò và suy xét từng hành động.
Ngày 13 tháng Giêng, Fidel dự buổi họp lãnh đạo đảng Ortodoxo ở Havana lắng nghe ý định liên minh các chính đảng chống Batista. Tuy nhiên, buổi họp cuối cùng chẳng đi tới đâu. Các nhân vật chủ chốt thuộc đảng Ortodoxo bỏ ra về nhằm bày tỏ sự phản đối trước viễn cảnh chính đảng của họ sẽ không được còn độc lập nữa hoặc lo ngại liên minh sẽ đi về đâu sau cuộc đảo chính, chưa kể thái độ sợ sệt đối với chế độ độc tài. Fidel cũng bỏ về trong giận dữ, ông đã hét lên “Hãy ra khỏi nơi đây... Các người không thể nào dựa vào những chính trị gia này để làm cách mạng được đâu.” Ấy là lần cuối cùng Fidel quan hệ với giới chính trị truyền thống Cuba.
Cùng lúc đó, đảng Cộng sản và các sinh viên theo cánh tả cực đoan hợp lại định dựng tượng Julio Antonio Mella, một lãnh đạo sinh viên và đồng sáng lập đảng Cộng sản Cuba bị ám sát ở Mexico năm 1928, nhằm tuyên dương công trạng của ông và phong ông làm anh hùng dân tộc. Họ đặt tượng ngoài trường học như một dấu hiệu cho biết khu vực này là bất khả xâm phạm.
Nhóm này do Alfredo Guevara đứng đầu, vào ngày 10 tháng giêng bức tượng Mella được khánh thành. Fidel cương quyết không tham dự buổi lễ khánh thành bức tượng vì một số lý do chiến thuật, nhưng Raúl em trai Fidel lại có mặt ở đấy. Ðối với Raúl, dù Fidel nhất định không cho tham gia Phong Trào nhưng ông vẫn cung cấp một phần thông tin về tiến triển của Phong Trào cho em mình. Fidel không bận tâm đến chuyện Raúl tham gia Cộng sản, ông nghĩ để em trai làm cầu nối giữa đảng và Phong Trào cũng tốt.
Sáng ngày 15 tháng giêng, sinh viên thấy bức tượng bán thân Mella bằng đá cẩm thạch trắng bị sơn đen, ai nấy đều tức giận. Trưa đến hàng ngàn sinh viên xuống đường ở phố Havana, treo hình nộm Batista rồi đánh nhau với cảnh sát. Ðây là cuộc nổi loạn lớn nhất kể từ khi Batista nắm quyền, và giữa chiều, đám thanh niên đổ xuống dinh tổng thống. Cảnh sát đáp trả bằng đạn và hơi cay, và một sinh viên hai mươi mốt tuổi tên Rubén Batista Rubio bị thương nặng.
Sau khi trời tối, một nhóm sinh viên trong đó có Alfredo Guevara và Raúl Castro quay về trường nhóm lại và đợi cảnh sát tấn công. Ba mươi sinh viên khác đang tụ lại thành hàng rào bảo vệ tượng Mella thì bị bắt tới đồn cảnh sát. Tại đồn cảnh sát quận Ba vào giữa khuya, bỗng một sinh viên tên Quintín Pino thấy có bóng người quen quen bước vào khu vực cảnh sát, anh này bèn la lên với bạn bè “Này, Fidel đến kìa...” Bấy giờ Fidel xuất hiện trong vai trò luật sư, xin cho ba mươi sinh viên được thả trước rạng sáng. Xét theo khía cạnh chính trị, bênh vực kiểu này còn giá trị hơn ném đá vào bọn cảnh sát nữa.
Các cuộc nổi loạn của sinh viên tiếp tục cho tới tuần lễ kỷ niệm Martí, dịp này chế độ Batista và các phe đối lập tranh nhau tưởng niệm vị anh hùng này. Nhà nước tổ chức lễ tiệc ở dinh tổng thống ngày 25 tháng giêng và liên hoan phía trước trụ sở Quốc Hội (đây là nơi làm việc của Quốc Hội trước cuộc đảo chính) đêm 27 tháng giêng.
Các cuộc chống đối lễ tiệc này liên tục diễn ra ở khắp các nhóm, từ Liên Ðoàn Sinh Viên (FEU), đảng Chính Thống, Thanh Niên Cộng Sản cho đến Mặt Trận Nữ Công Dân Kỷ Niệm Trăm Năm Martí. FEU tổ chức Hội Nghị Martí về Bảo Vệ Quyền Thanh Niên, Raúl Castro nằm trong ủy ban sáng lập. Hội nghị lập ra một ủy ban thường trực gồm 15 phó chủ tịch, trong đó có Flavio Bravo vốn là chủ tịch hội Thanh niên Xã Hội Chủ Nghĩa (đồng thời giữ vị trí chính thức trong ban tổ chức đảng Cộng Sản). Raúl Castro thì làm thư ký thường trực, chuyên trách công tác tuyên truyền. Tuy Fidel Castro không hề dự phần vào hội nghị đó nhưng vẫn không hề thờ ơ trước những rắc rối sau này của nó.
Tối hôm có hội nghị, cảnh sát ập vào một ngôi nhà ở ngoại ô Havana trong đó hai mươi phụ nữ thuộc Mặt Trận Công Dân đang chuẩn bị truyền đơn lên án chế độ đã thu thêm thuế để chi vào lễ lạc để hôm sau phân phát. Các phụ nữ bị đẩy vào xe cảnh sát đưa tới trụ sở thẩm tra, họ hò hát vang trong xe. Khi đến đầu cầu bắc qua sông Almendares tình cờ có một chiếc xe chở ba người nhận ra giọng họ chạy ngang qua. Ba người đó đều là luật sư thuộc Phong Trào mật, gồm có Fidel Castro, Aramís Taboada và Alfredo “El Chino” Esquível.
Fidel bảo “mình quay lại đi theo họ nhé”, rồi cả ba cho xe chạy theo sau xe cảnh sát. Fidel tự nhận là đại diện trước luật pháp của nhóm phụ nữ. Sau này một phụ nữ kể lại “anh ấy đợi tới rạng sáng khi người cuối cùng trong chúng tôi ra khỏi sở cảnh sát rồi mới về.” Song cử chỉ cách mạng lớn nhất của Fidel Castro chưa phải là vậy. Ông và Phong Trào còn phải diễu quân tưởng niệm một trăm năm Martí vào tối hôm sau nữa.
Quân đội Phong Trào Cách mạng bắt đầu thành hình ở trường đại học và vùng quê vào đầu mùa thu năm ngoái lúc Fidel quyết định hành động độc lập và gặp Pedro Miret, người nhận lời đào tạo cho các thành viên phong trào khả năng chiến đấu. Thoạt tiên, Miret cùng một số người khác ở trường đại học đứng ra huấn luyện cách sử dụng vũ khí ở dưới tầng hầm các tòa nhà, nhưng do phải đảm bảo yên lặng nên họ hầu như không được nổ súng, chỉ trừ một số trường hợp ngoại lệ ở sân thể thao. Vì vậy, Miret tập trung hướng dẫn họ cách cầm súng, thao tác tháo lắp súng và động tác trườn khi mang vũ khí. Lúc Miret huấn luyện lớp quân tình nguyện đầu tiên, ông chỉ có một súng máy Halcón cũ, một súng trường M-1, một súng trường Springfield, một súng trường Mendoza của Tây Ban Nha, hai súng bắn đạn ria Winchester, cùng một ít súng lục.
Hoạt động của Miret hoàn toàn thay đổi sau khi ông gặp Fidel ngày 10 tháng chín năm 1952. Fidel đã nghe nói về Miret, và bảo một người bạn công nhân của mình là Nico đến nhờ Miret đảm nhận phần huấn luyện quân sự. Miret, khi ấy là sinh viên năm tư đã chán ngán các tổ chức chính trị cũ, sau khi gặp Fidel đã dành hẳn toàn bộ tâm huyết cho Phong Trào. Thành viên đầu tiên của ủy ban quân sự Phong Trào được lập ra không lâu sau đấy gồm Abel Santamaria, Miret, José Luís Tasende - công nhân trong một nhà máy sản xuất tủ lạnh – cùng một nông dân trại gà tên Ernesto Tizol và Renato Guitart – một thanh niên quê ở Santiago nơi anh phụ lo việc buôn bán trong cửa hàng nhỏ của cha mình.
Hầu hết thành viên đều là công nhân nghèo từ Havana và những khu vực lân cận. Mỗi Chủ Nhật, họ đều đặn đến trường đại học để học cách lắp ráp và sử dụng vũ khí, mà theo lời của Miret là ngay cả bắn thử họ cũng không được phép, và lăn lê bò toài trên đất cát và dưới ánh nắng như thiêu đốt. Ða phần trong số đó đều chưa từng học tiểu học, nói chi đến đại học, và họ phải cố gắng vượt qua mặc cảm tự ti khi gặp gỡ các sinh viên tại đấy.
Họ đến trường đại học theo từng chi bộ có giờ giấc riêng. Họ tới trường trung học Havana để nhận mật hiệu cho ngày hôm đó trước, sau đó qua kiểm tra danh tính rồi mới được vào chỗ tập.
An ninh của phong trào bảo mật đến nỗi người ở chi bộ khác nhau cũng không được trò chuyện với nhau hay được biết tên họ của nhau. Fidel không những tránh mặt ở các buổi huấn luyện mà còn giấu quan hệ với Miret. Khi cần trao đổi thì người trong ủy ban quân sự thông tin dùm. Miret cũng không bao giờ đi tới những nơi có thể gặp phải Fidel, Abel hay những nhân vật quan trọng khác của Phong Trào. Armando Hart, sau này là một trong những đồng chí thân tín nhất của Fidel và thành viên Bộ Chính Trị, nhớ lại lần đầu tiên gặp Fidel tại các trụ sở Phong Trào ở Havana ông đã được Fidel hỏi về tình hình huấn luyện quân sự ở trường đại học. Mãi mấy tháng sau ông vẫn không hiểu sao mà Fidel biết được việc này vì ông không hề thấy Miret, người mời ông tham gia huấn luyện quân sự, có liên lạc gì với Fidel.
Giữa năm 1952, Fidel phải đi xe bốn mươi cây số suốt mười bốn tháng để liên hệ với các cá nhân và hội nhóm ở khắp Cuba nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công của cách mạng. Chỉ trong vòng ba bốn tháng, khoảng 1.400 tới 1.500 người đã được Miret huấn luyện, chia ra làm 150 chi bộ. Tuy nhiên vì lúc này thiếu vũ khí, nên phải chọn chiến binh từ hai mươi lăm chi bộ ở các tỉnh Havana và Pinar del Río cho cuộc tấn công trại Moncada. Chỉ có các thành viên trong cùng chi bộ mới biết nhau nên có lần ở Artemisa, có hai công nhân trẻ là bạn thân đến khi sắp vào trận đột kích Moncada mới biết mình tham gia cùng Phong Trào nhưng khác chi bộ.
Artemisa, với giai cấp lao động và truyền thống phi chính phủ của mình, là một trong những mảnh đất tốt nhất để Fidel chiêu mộ lực lượng cho Phong trào. Vùng đất này đã cống hiến cho phong trào 250 dân quân tình nguyện và một số tay súng thiện xạ, trong số đó có Ramiro Valdés, sau này trở thành bộ trưởng Bộ Nội Vụ của chính phủ. Vùng nông thôn phụ cận Artemisa, cũng như trong tỉnh Havana, trở thành thao trường khi Pedro Miret quyết định cần phải tập trận thêm cho lực lượng Phong trào hồi đầu năm 1953.
Cùng giúp Miret huấn luyện quân nổi dậy có cựu chiến binh Quân Ðội Mỹ từ cuộc chiến Triều Tiên tên Isaac Santos được gọi là “giáo sư Harriman.” Chính Fidel đã tìm thấy Harriman ở nhà một người bạn, được biết ông này là chuyên gia về chiến thuật đánh giáp lá cà và đang dạy cho nhóm chống Batista khác. Harriman hướng dẫn các chiến binh của Fidel cách dùng la bàn để định hướng. Tuy nhiên sau này quân nổi dậy nghi ông ta là tình báo Mỹ nên trước trận Moncada ông đã bị loại.
Tháng giêng năm 1953, nhân kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Martí, Fidel Castro đã có được đội quân nổi dậy ra trò, thế là ông quyết định trình làng. Ðể cạnh tranh với buổi lễ của Batista ở Quốc Hội ngày 27 tháng Giêng, các tổ chức sinh viên, ban thanh niên, mặt trận nữ công dân, các nhóm trung học và công nhân trẻ tổ chức buổi rước đuốc lớn diễu hành qua Havana và Fidel muốn biểu trương lực lượng với cả nước ở đây.
Ðội quân năm trăm người vừa diễu hành theo nghi thức quân sự sau lưng Fidel Castro, vừa hét vang “Cách Mạng!... Cách Mạng!... Cách Mạng!...” Những ngọn đuốc bừng cháy họ cầm trên tay có đầu nhọn ở đỉnh có thể dùng làm vũ khí phòng trường hợp cảnh sát tấn công. Ðuốc này họ đã làm suốt buổi sáng ở bệnh viện Calixto García và ở sân vận động của trường đại học. Trưa hôm đó, họ tổ chức thành đơn vị. Tối đến, Fidel điều khiển đội ngũ và cùng diễu hành với hàng ngàn ngọn đuốc. Ði sau ông là em trai Raúl Castro và hai phụ nữ sáng lập Phong Trào Melba và Haydée, cùng hầu hết ban lãnh đạo.
Có lẽ vì lúc đó nhiều thượng khách ngoại quốc hiện diện ở Havana nên chính phủ không can thiệp vào cuộc diễu hành; cảnh sát không hề ngăn cản và cũng lờ đi bài hát “Cách Mạng” và “Tự Do”, vậy là bạo động không xảy ra. Sáng hôm sau, đúng ngày lễ kỷ niệm Martí, hàng ngàn sinh viên lại diễu hành qua đường phố Havana và Fidel tiếp tục dẫn đầu các đơn vị lão luyện của ông tham gia. Lúc ấy, cả đám đông dân chúng đang đứng xem lẫn chính phủ đều không hề biết đoàn quân rất kỷ luật đi thành hai toán sau Fidel là ở dưới quyền ông, trong một phong trào có tổ chức và đã qua huấn luyện quân sự.
Nhiều người khi nhìn lại sự kiện này cho rằng Fidel và các cộng sự của mình thật sự liều lĩnh khi tham gia cuộc diễu hành Martí với một đội ngũ đông đảo như vậy vì chính phủ và cảnh sát có thể dễ dàng nhận ra đây là một tổ chức cách mạng và sẽ tiến hành đàn áp. Như thế, bao nhiêu công sức bảo mật cho tổ chức hàng mấy tháng liền sẽ bị lãng phí. Tuy nhiên, Fidel đã tính trước việc chính phủ Batista không biết Phong Trào đang tồn tại nên chẳng để ý gì đến Fidel và các bạn ông trong đám diễu hành. Khi được hỏi về sự việc này, Pedro Miret nói “chúng tôi dám chắc rằng không người nào trong tổ chức biết rõ mình đang hoạt động với những ai (trừ những người cùng chi bộ với mình),” và vào lúc ấy nhà nước chỉ thấy các chính đảng truyền thống là kẻ thù “chúng tôi chẳng là gì cả đối với họ, chúng tôi không tồn tại.” Bên cạnh đó, Miret còn thêm rằng các mưu sĩ trong Phong Trào đánh giá thấp khả năng của chính quyền.
Fidel xuất hiện trước công chúng suốt tháng hai trong khi cùng các đồng sự tin cẩn tích cực chuẩn bị các mục tiêu hành động cách mạng. Ngày 8 tháng 2, tuần báo Bohemia đăng bài của Fidel tố cáo vụ việc cảnh sát phá hủy xưởng của điêu khắc gia Manuel Fidalgo ở Havana cùng sự mất tích đáng ngờ của ông sau khi cảnh sát đột nhập. Trong số tác phẩm bị hủy ở xưởng này có tượng bán thân của Martí khắc dòng chữ “Cho đất nước Cuba đau thương” (trích lời Martí) và các mặt nạ của Thượng Nghị sĩ Chibás. Fidalgo đã bán hầu hết tác phẩm để gây quỹ cho Phong Trào Fidel. Bài báo này có kèm theo các hình do nhiếp ảnh gia Fernando Chenard chụp, (đảng viên Cộng Sản gia nhập vào Phong Trào sau này).
Ngày 13 tháng 2, Rubén Batista Rubio, người thanh niên bị cảnh sát bắn trong vụ tượng Mella tháng trước, chết ở bệnh viện Havana dấy lên làn sóng chống đối. Fidel ở bên giường anh mỗi ngày và đã dẫn đầu ba mươi ngàn người trong lễ tang lặng lẽ từ trường đại học đến nghĩa trang ngày 14 tháng 2. Sau khi chôn cất, bạo loạn nổ ra khắp Havana, xe hơi bị đốt cháy và cảnh sát bắn vào sinh viên. Ngày kế tiếp, mật vụ buộc Fidel Castro tội “gây rối công cộng” trong vai lãnh đạo thanh niên đảng Chính Thống. Chính phủ dần dà bỏ vụ này không đem ra xử nữa.
Tháng Hai và Ba, có thêm nhiều vụ lộn xộn ở Havana nữa, trong đó có vài vụ vào lễ kỷ niệm một năm Batista nắm quyền song Fidel và phong trào của ông chỉ lo tập trung chuẩn bị về mặt quân sự. Một nhà sử học cách mạng Cuba cho rằng sau sự kiện ngày 14 tháng 2, Fidel đã thay đổi chiến thuật. Năm đầu thì ông tranh thủ mọi cơ hội để công khai thách thức chế độ Batista. Tuy nhiên sang năm thứ hai, Fidel thay đổi chính sách để tránh tất cả mọi trường hợp ảnh hưởng đến mục tiêu hành động trực tiếp. Theo lời của Mencía, ông biết cách điều chỉnh các giai đoạn của phong trào tùy theo tình hình.
Vì vậy, Fidel vẫn tỏ ra trung lập lúc có một nhóm chống Batista khác cố lật đổ chế độ bằng một cuộc chính biến dân sự - quân sự. Năm trước, Rafael García, giáo sư đại học có liên hệ với các sĩ quan trẻ, tổ chức Phong trào cách mạng dân tộc (MNR). Thành viên tham gia đa phần là sinh viên trung lưu trí thức và viên chức, nên phong trào này chưa có được đường lối lý tưởng rõ ràng. Bên cạnh đó, nó còn lôi kéo được một số luật sư, bác sĩ và viên chức trẻ, nhưng sau này họ lại chuyển qua Phong trào 26 tháng 7 của Fidel. Garcia Bárcena dự tính dẫn đầu một nhóm năm mươi người trang bị súng ngắn, dao dài và dao găm đánh chiếm trại lính Columbia ở Havana với sự trợ sức từ bên trong của các sĩ quan thuộc MNR. Sau đấy, vị giáo sư tin rằng một cuộc nổi dậy rộng khắp sẽ tiếp nối và chế độ Batista sẽ sụp đổ. Phải nói rằng, khó mà tin tưởng vào một kế hoạch chỉ dựa trên cuộc tấn công cầm chắc thất bại do một nhóm dân thường dưới sự chỉ huy của một nhóm nhỏ sĩ quan tiến hành nhắm vào một cơ sở quân sự lớn nhất Cuba.
Fidel biết phong trào của giáo sư Rafael định thực hiện vào ngày 4 tháng Ba rồi hoãn đến ngày 5 tháng Tư nhưng ông thấy quá phiêu lưu. Tuy nhiên ông nhận thấy ý định tổ chức quân đội đánh các đồn và lật đổ Batista trong vòng 24 tiếng là quá phiêu lưu và khó thành công. Cho nên, khi giáo sư Rafael phác thảo kế hoạch và yêu cầu Fidel hỗ trợ, ông cũng trình bày thẳng thắn ý kiến của mình.
Rồi thì, Rafael chẳng những không nghe lời ông mà còn cho rằng Fidel phản đối vì ganh tỵ. Fidel bảo ông sẵn sàng phân tích kế hoạch với ông ta, nhưng nếu có đủ người và vũ khí thì ông sẽ cân nhắc tham gia. Ông cũng khuyên ban lãnh đạo phong trào này không nên bàn kế hoạch với bất cứ chính trị gia nào trên đảo quốc nữa. García tảng lờ lời khuyên này. Sau đó, Fidel nhận định rằng “đây là phong trào được tuyên truyền rộng rãi nhất trong lịch sử Cuba” và lẽ đương nhiên không thể nào bảo mật, cho nên ông đã không tham gia.
Ngoài ra, giữa hai nhà lãnh đạo còn tồn tại sự bất đồng lý tưởng sâu sắc xoay quanh đề tài đấu tranh giai cấp. Vị giáo sư cực lực phản đối trong khi Fidel Castro, với tư cách là một người theo chủ nghĩa Marx, lại hết lòng ủng hộ và ông cũng chẳng hề nhượng bộ một nhà lãnh đạo “mang tư tưởng trưởng giả” như thế. Bên cạnh đó, Fidel muốn giải giáp quân đội hiện tại khi Batista bị lật đổ nhưng García Bárcena lại muốn liên minh với lực lượng quân đội này. Cuối cùng phong trào của García do có người trong nội bộ phản nên sáng ngày 5 tháng Tư, cảnh sát đã ập vào căn nhà ở Havana nơi García và nhóm của ông ta đang chuẩn bị kế hoạch hành động.
Bảy mươi người bị bắt và mười bốn người bị xử ở phiên tòa kéo dài gần hai tháng, còn García bị lãnh án hai năm tù. Có thêm các vụ bạo loạn nữa trên phố Havana và các đường phố khác nhưng tướng Batista tỏ ra hài lòng vì mối nguy hiểm duy nhất cho chế độ của y đã được tháo gỡ.
Cũng thế, Batista chẳng hề nao núng khi nhận được bản “Hiệp ước Montreal” do lãnh đạo của một bộ phận các chính đảng truyền thống trong nước ký tại một khách sạn ở Canada vào ngày 2 tháng Sáu, kêu gọi lật đổ Batista và trở lại với mô hình nhà nước lập hiến. Hiệp ước này tuy không thể gây nên bất kỳ cuộc nổi dậy vũ trang nào chống lại Batista, nhưng lãnh đạo bên trong Phong trào lại lo lắng rằng nguồn quỹ do kiều bào Cuba quyên góp để mua sắm vũ trang sẽ rơi vào tay các chính đảng truyền thống chứ không đến được với các Fidelista. Theo một nguồn tin đã được phát hành rộng rãi, Fidel nhận vai trò điều phối viên của phong trào nổi dậy vũ trang do tổ chức Montreal tài trợ. Fidel sẽ phải chịu sự điều hành của Juan Manuel Márquez, một chính trị gia của đảng Ortodoxo ở Havana, một vai trò hoàn toàn khác hẳn tính cách của Fidel. Tuy nhiên, sau này Márquez trở thành một trong những cộng sự thân tín nhất của Fidel (và là một trong những người đầu tiên hy sinh sau khi chiếc Granma cặp bờ hồi năm 1956).
Những nhà cách mạng Cuba thuộc các liên minh và khuynh hướng khác biệt ở trong cũng như ngoài nước dành toàn bộ sự quan tâm cho tình hình chính trị trong nước nên hầu như thờ ơ với các sự kiện trên thế giới. Mặc dù sinh viên Cuba có lên tiếng phản đối Mỹ gây chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1951 (Fidel là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất các chính sách của Mỹ) nhưng họ dường như không còn quan tâm đến nó trong thời điểm hiện tại bởi đã có thỏa thuận đình chiến. Vào ngày 5 tháng 3 năm 1953 khi Josef Stalin mất tại điện Kremlin, về phía đảng viên Cộng sản “cũ” hoặc các Mác-xít trẻ tuổi như Fidel Castro ở Cuba cũng chẳng có phản ứng nào.
Vào thời điểm này, Mỹ chỉ lo ủng hộ Batista sửa lại luật bầu cử để cho Cộng Sản, dù dưới bất cứ vỏ bọc nào, cũng bị loại ra khỏi các cuộc bầu cử tương lai. Nhưng Washington đã không nhân cơ hội này yêu cầu Batista định ngày bầu cử, vì cho là chế độ Havana đang vững vàng. Không ai biết đến sự hiện diện của Fidel Castro và phong trào của ông.
Ðầu tuần lễ Phục sinh, Fidel Castro đi Oriente, có ghé qua Santiago và vài nơi khác. Chuyến đi này có vẻ giống như kỳ nghỉ thông thường của một luật sư Havana về thăm nhà ở Oriente - chẳng ai ngờ Fidel đang thăm dò khu vực này để tấn công vũ trang Batista. Thật ra, Fidel chọn tuần lễ đặc biệt này mà đi vì ông biết García định thực hiện kế hoạch của ông ta vào chủ nhật Phục Sinh nên ông muốn cả ban lãnh đạo phong trào của mình nên cùng rời khỏi Havana. Abel và Haydée Santamaría dẫn Melba Hernández về quê của họ ở Las Villas còn Jesús Montané thăm cha mẹ ở đảo Thông (Isle of Pines).
Cuối năm 1952, Fidel có ý tưởng đánh chiếm căn cứ quân sự khi Miret đã huấn luyện xong giai đoạn đầu. Giữa tháng giêng và tháng 3 năm 1953, họ quyết định chọn Moncada thuộc tỉnh Santiago, quân trại lớn thứ nhì Cuba, làm mục tiêu tấn công. Trên đường băng qua thành phố Pinar del Río trong một chuyến đi chiêu mộ thêm lực lượng cuối năm 1952, Fidel chỉ tay về phía các doanh trại và quay sang hỏi cộng sự José Suárez Blanco, “Anh nghĩ sao về chỗ này?” Suárez hiểu ngay ngụ ý trong câu hỏi, nhưng cũng biết rất rõ lực lượng Phong trào còn hạn chế nên trả lời, “Chẳng ai có thể vào trong đó được đâu.”
Cái khó là họ còn thiếu vũ khí và Phong trào cũng không có quỹ để mua. Fidel còn không có đủ tiền để nuôi chính ông và gia đình nữa mà chủ yếu nhờ vào sự trợ cấp của bạn bè trong phong trào. Trước tình thế tổ chức sẽ chẳng có được một nguồn tài chính thực sự nào và cũng không có triển vọng nhận được sự hỗ trợ từ nước ngoài, Fidel kết luận tổ chức sẽ không mua mà phải giành lấy vũ khí. Trong một cuộc nói chuyện để động viên tinh thần đồng đội vào những tuần đầu năm 1953, Fidel kết luận: “Nhưng nhiều nơi có đến hơn năm mươi khẩu M-1; nhiều nơi có tận một nghìn khẩu súng trường đã được tra dầu và bảo quản kỹ lưỡng... chúng ta chẳng cần phải gom góp để mua chúng, chẳng cần vô dầu hay làm bất cứ điều gì, chỉ cần đoạt lấy chúng...”
Fidel tự tin đưa ra kế hoạch liều lĩnh này. Tấn công Moncada ở Santiago có hai mục đích: lấy vũ khí hiện đại và giành căn cứ quân sự để phát triển cách mạng trên khắp đảo quốc. Fidel bảo đồng đội rằng trong các cuộc chiến giành độc lập, quân du kích Cuba đã lấy vũ khí sau khi đột kích các pháo đài Tây Ban Nha. Cuộc nổi dậy ở Bogotá năm 1948 cũng vậy, đám đông đã giành lấy vũ khí từ những đồn cảnh sát họ tấn công.
Quyển Kỷ yếu chiến tranh Cuba của Tướng José Miró Argenter – một trong những tài liệu Fidel dày công nghiên cứu - có nói lúc ba chiếc tàu chở vũ khí Cuba bị Mỹ tịch thu, José Martí không sợ vì ông có thể cướp vũ khí của bọn Tây Ban Nha. Fidel cũng nhớ Ernest Hemingway có kể các du kích cộng hòa Tây Ban Nha đã chiến đấu với quân theo chủ nghĩa dân tộc vũ trang và giành lấy vũ khí của họ. Trong các cuộc tiếp xúc với khách đến từ Hoa Kỳ sau này, Fidel thừa nhận rằng ông học được cách tiến hành chiến tranh du kích từ tác phẩm Chuông quyện hồn ai của Hemingway (một điều lạ là dù vậy, trong suốt thời gian dài Hemingway lưu lại ở ngoại vi Havana, Fidel chẳng hề cố gắng tạo mối quan hệ với ông). Ngoài ra, Fidel còn tìm đọc thêm các tác phẩm về các chiến dịch quân đội Xô Viết trong Thế Chiến Thứ Hai.
Trong một bài nói chuyện năm 1966, Fidel lý giải các khía cạnh quân sự trong chiến lược Moncada của mình như sau: “Chúng tôi không định đánh bại chế độ độc tài Batista hay đánh bại quân đội của hắn chỉ với một số ít người. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng lực lượng ít ỏi này có thể giành lấy số vũ khí đầu tiên để trang bị cho mọi người; chúng tôi biết rằng quân số của mình lúc bấy giờ không đủ để thắng chế độ đó, nhưng chí ít có khả năng khơi dậy sức mạnh to lớn tiềm ẩn trong nhân dân đủ để lật đổ chế độ này.”
Tuy nhiên cuộc tập kích Moncada bị thất bại do một số nguyên nhân mà Fidel cho là “tình cờ”. Ông chưa bao giờ nhìn nhận rằng quan điểm và kế hoạch của mình có sai sót. Hơn nữa, chẳng ai biết được liệu cuộc Cách mạng vĩ đại có thực sự tiến được những bước dài sau khi chiếm được các quân trại. Ðây là vấn đề cơ bản liên quan đến giá trị chiến lược cách mạng ban đầu của Fidel. Rõ ràng Fidel tin rằng những điều kiện thuận lợi đã tồn tại sẵn ở Cuba cho nên sự kiện Moncada có thể khích động một cuộc nổi dậy rộng lớn trên toàn quốc, nhưng khi nhìn lại quá khứ thì nhận định này không hẳn chính xác. Bên cạnh đó, việc liệu ó bị đánh đuổi bởi một số nhóm lực lượng vũ trang ngay cả khi Moncada đã sụp đổ vẫn còn chưa chắc chắn, do vậy Fidel buộc phải chiến đấu để sống còn trước binh lực của chế độ độc tài Batista vốn hùng mạnh hơn. Tuy vậy, thật nghịch lý là thất bại của ông trong vụ đột kích này cộng với lập trường kiên định của ông sau đó đã tạo nên một làn sóng Cách mạng khắp đảo quốc khi Phong trào 26 tháng 7 ra đời. Khi ông khai chiến ở Sierra vào 3 năm sau, điều kiện Cách mạng đã chín muồi. Phát biểu chung rất lâu sau sự kiện này, Fidel tuyên bố rằng “thật sai lầm khi cho rằng nhận thức (Cách mạng) xuất hiện trước rồi mới tới đấu tranh”. Trái lại, ông nói “đấu tranh sẽ mang lại sự thúc đẩy nâng cao nhận thức Cách mạng”. Ðiều này đặc biệt hiệu quả đối với trường hợp của Fidel cả trong và sau cuộc chiến Sierra, và trong bối cảnh chiến lược có sự thay đổi, tuy nhiên nó cũng có thể thất bại nếu như Fidel và đồng đội của mình bị kẹt trong Moncada với lực lượng ít ỏi trong khi ý thức Cách mạng trong quần chúng nhân dân chưa đủ mạnh. Chiến thuật của Fidel hoàn toàn đi ngược lại lý thuyết Marx-Lenin, chính vì thế mà trong một thời gian dài các đảng viên Cộng Sản từ chối hậu thuẫn cho Phong trào, và cuối cùng ông đã chiến thắng nhờ vào hàng loạt ván bài khó tin và sự tự tin khó ai bì kịp.
Tại phiên tòa xử mình sau vụ tấn công vào Moncada, Fidel lý giải nguyên nhân ông hy vọng thực hiện vụ đột kích một cách bất ngờ và không gây đổ máu một phần là vì ông nghĩ rằng chính quyền chẳng hề ngờ rằng Moncada sẽ bị tấn công; theo truyền thống, các cuộc đảo chính thường nhằm vào Trại Columbia ở Havana hơn. Khi được hỏi anh dự định làm gì nếu chiếm được Moncada, Fidel trả lời “Chúng tôi chỉ dựa vào nỗ lực bản thân và sự ủng hộ của toàn thể nhân dân Cuba mà chúng tôi hy vọng có được nếu thông tin bằng vô tuyến truyền thanh... Nhân dân sẽ hưởng ứng mạnh mẽ nếu chúng tôi liên hệ được với họ. Kế hoạch của chúng tôi là chiếm Moncada rồi phát sóng bài diễn văn cuối cùng của (Nghị sĩ) Chibás ra khắp toàn bộ các đài trong thành phố. Chúng tôi sẽ đọc chương trình Cách mạng của mình cho nhân dân Cuba; tuyên ngôn về các nguyên tắc của Phong trào cảm động nhiều thế hệ Cuba. Ðến lúc ấy, lãnh đạo của tất cả các nhóm đối lập sẽ quay sang ủng hộ chúng tôi và tham gia Phong trào. Nhờ vào sự đoàn kết nhất trí của toàn thể nhân dân, chúng tôi sẽ lật đổ được chế độ này...”
Raúl Castro sau này nói “Fidel đã kết luận rằng bộ máy nhỏ bé ban đầu là việc chiếm đóng pháo đài Moncada... khi đến tay chúng tôi, nó sẽ được ráp thành một cỗ máy to lớn, rất có thể là cuộc chiến đấu với quy mô toàn quốc bằng thứ vũ khí mà chúng tôi lẽ ra lấy được bởi luật lệ và phương pháp cùng chương trình mà chúng tôi cũng đã có thể tuyên bố.”
Lúc này, Fidel Castro cho gấp rút huấn luyện quân. Giữa tháng tám 1952 và tháng giêng 1953, chủ yếu là tuyển dụng và tổ chức Phong trào. Nơi huấn luyện được chuyển về vùng quê để có thể dễ dàng tập trận.
Các Fidelistas huấn luyện bất cứ nơi nào có thể. Họ sử dụng trang trại nhỏ nơi Pedro Trigo (một trong những thành viên đầu tiên của Phong trào) sống cùng vợ ở ngoại ô phía Ðông Nam của Calabazar, và trang trại này thuộc quyền sở hữu của một người bạn khác ở Catalina de Guines, cách Havana không xa. Tổng cộng có ít nhất mười lăm chỗ huấn luyện và thường xuyên thay đổi cho an toàn. Quân thường đi thành từng nhóm nhỏ bằng xe buýt, dừng lại ở các chốt khác nhau rồi theo hướng dẫn để đi đến chốt cuối cùng.
Oscar Alcalde có phòng thí nghiệm và làm thanh tra bán thời gian trong bộ Tài Chánh vừa tham gia Câu Lạc Bộ Săn Bắn Cerro. Ông thường đưa các đảng viên Phong Trào vào đây tập bắn súng ngắn (nhưng không bao giờ đưa cùng một thành viên vào câu lạc bộ hai lần). Alcalde phải trả ba mươi đến bốn mươi peso tiền đạn và cho tiền nhân viên trong câu lạc bộ để tránh rắc rối. Các đảng viên được chọn tham gia trận Moncada (mặc dù họ không hề được báo trước mục tiêu tấn công) đã thực hiện các bài tập bắn súng sau cùng tại câu lạc bộ này. Họ còn phải qua các bài tập thực hành các tình huống khẩn cấp, và các sĩ quan quân đội sẽ căn cứ vào đó để loại ra những người không đủ sức cho cuộc tấn công sắp tới.
Tuy Fidel rất hiếm khi đến dự các buổi tập nhưng hễ ông đến thì thường quan sát hết sức tỉ mỉ. Có lần đang tập thì một bộ phận nhỏ trong khẩu súng bị rơi mất. Thế là dù trời tối và đang mưa, Fidel vẫn cố sức dò tìm trong đám cỏ cao rồi cuối cùng cũng tìm thấy mẩu lò xo nhỏ, đoạn quay sang người chiến binh, ông nói “Kiên trì thì sẽ chiến thắng.”
Fidel hiểu rất rõ tầm quan trọng của từng món vũ khí trong kho vũ khí khiêm tốn và cũ kỹ của Phong trào, đồng thời kiểm soát kỹ lưỡng việc sử dụng từng viên đạn cũng như từng khẩu súng trường. Các vũ khí hiện đại không chỉ đắt tiền mà còn rất khó kiếm. Một lần, Pedro Miret và Oscar Alcalde, người giữ kho, suýt rơi vô bẫy của bọn cảnh sát mật khi họ đi mua mười khẩu súng tiểu liên Thompson từ một người tự nhận là người tị nạn thuộc Cộng hòa Tây Ban Nha, nhưng hóa ra là một tay mật vụ quân đội. Việc liên lạc được thực hiện thông qua người thứ ba, nhưng nhờ Phong trào được bảo vệ hết sức cẩn mật nên phía cảnh sát không thể nào lần ra được đâu mới là người thực sự định mua số vũ khí đó; Miret và Alcalde kịp trốn thoát khi họ nhận ra mình đang bị một nhóm cảnh sát mặc thường phục áo thun xanh thể thao bao vây tại địa điểm giao dịch.
Miret cho biết ủy ban quân sự cuối cùng quyết định trang bị cho Fidelistas các khẩu súng trường thể thao cỡ 22 và súng săn tương đối rẻ tiền và dễ kiếm. Nói cho cùng, chính là yếu tố bất ngờ chứ không phải sức mạnh hỏa lực sẽ giúp họ chiến thắng. Cuối cùng, kho đạn dược của họ có được súng săn cỡ 44 hiệu Winchester, súng săn tự động Remington, và vài khẩu súng trường bán tự động cỡ 22 hiệu Browning – thêm một khẩu M-1, Springfield và một khẩu tiểu liên Tây Ban Nha mà Miret tích lũy được từ trước. Ernesto Tizol do có một trại gà nên lãnh phần mua súng săn vì như thế sẽ ít bị nghi ngờ. Trong các trường hợp khác, thành viên Phong trào giả mạo các mẫu đơn đặt hàng của các cơ sở kinh doanh mà họ có bạn bè làm việc ở đó. Fidel nhận được một khẩu súng lục Luger mua với giá 80 peso, và ông mang nó theo khi tấn công Moncada. Tại Santiago, Renato Guitart có thể mua một số súng săn và súng trường, cùng năm ngàn viên đạn.
Mối bận tâm thường trực của phong trào lúc bấy giờ là gây quỹ để mua vũ khí, đạn dược, lương thực và những thứ cần thiết để trang bị cho quân đội nhỏ. Nhiều đảng viên Phong Trào và gia đình họ cũng cần hỗ trợ vì họ quá bận rộn với việc cách mạng nên không đi làm được. Theo lời của Fidel tại phiên tòa xử ông sau này, cá nhân các tình nguyện viên mà hầu hết hy sinh trong cuộc đột kích vào Moncada hoặc bị cảnh sát hay quân đội chính phủ giết đã quyên góp được 16.480 peso. Tổng cộng, suốt thời gian tồn tại trước sự kiện Moncada, Phong Trào gom góp được nhiều nhất là khoảng bốn mươi nghìn peso, một con số quá khiêm tốn đến mức các ủy viên công tố không chịu tin.
Phong trào có được một ít tiền do bán các tác phẩm của nhà điêu khắc Fidalgo (ông này tái xuất hiện cuối tháng Năm khi nỗ lực trốn cảnh sát đi New York thất bại) và phần đóng góp rất nhiều của các đảng viên trong và ngoài Phong Trào từ những nguồn khác nhau, như tiền thôi việc, tiền cầm cố nông trại, bán đồ đạc, xe cộ và tiền tiết kiệm.
Naty cũng tham gia với nhóm phụ nữ trong Phong trào, làm việc bất kể giờ giấc để may đồng phục bằng vải mua rẻ của hiệu tạp hóa gần đó. Họ làm nón lính và đính các sọc trên tay áo sĩ quan. Fidel cho chiến binh mặc quân phục Cuba để giấu mình cho tới phút chót. Ông cho mua hai hay ba trăm bộ đồ lính Havana. Song tới cuối tháng Sáu, họ chỉ mua được một trăm bộ nên Phong trào phải may thêm. Theo thói quen, họ không hề bỏ sót bất cứ một cơ hội hay chi tiết nào hết.
Ngày 3 tháng Tư, Fidel Castro đến Oriente để tham khảo ý kiến Pedro Celestino Aguilera, một nha sĩ là lãnh đạo các chi bộ ở đông Cuba. Pedro cho biết tình hình chính trị trong vùng và nhấn mạnh rằng phe chống đối chế độ độc tài Batista đang lan rộng. Ðến khi chia tay, Fidel hứa sẽ giữ liên lạc nhưng vẫn không hề đá động đến những gì ông đang hoạch định ở Oriente.
Sau khi chọn Moncada làm mục tiêu tấn công dựa trên những thông tin có được từ các cuộc liên hệ ở Santiago và những kết luận do mình tự rút ra, Fidel gửi phái viên mật đi nghiên cứu kỹ vùng này. Người thì đi Santiago quan sát thể thức thay phiên gác và giờ giấc ở pháo đài, kẻ thì theo ông quan sát từng chi tiết khu vực nhỏ gần dinh và các doanh trại và các đường phố dẫn tới đó.
Chuyến đi này, Fidel cho mua một nông trại nhỏ trên đường đi giữa Santiago và bãi biển Siboney nơi Fidel hay tới hồi còn trung học. Ông và hai đồng sự là Guitart và Tizol bỏ cả ngày xem xét con đường đó rồi đồng lòng chọn một nông trại. Fidel thấy rằng nông trại này là địa điểm tập trung quân tốt trước cuộc tấn công và nơi lui quân khi cần kíp. Nông trại cách khu thị tứ của Santiago và Moncada khoảng mười dặm, và cách vùng đồi Sierra Maestra khoảng bảy hoặc tám dặm. Trong trường hợp gặp nguy cấp ở Moncada, Fidel tính sẽ cho rút quân theo ngả núi Gran Piedra gần đấy, nơi mà ông biết rõ từ nhỏ. Họ nói với chủ trại là định mua để nuôi gà và làm nhà nghỉ gần biển. Ngần ngừ một lúc người chủ mới chịu bán cho họ.
Tháng Sáu, Abel Santamaría đi nông trại Siboney chuẩn bị nhận chuyến vũ khí bí mật. Trước khi Abel đi Fidel dặn nếu có chuyện gì xảy đến với anh thì Abel sẽ thay anh điều khiển Phong Trào. Những người khác thì Fidel cắt đặt mua đồ đạc và tủ lạnh cho nông trại, thuê nệm cho những người đến sau và thuê phòng ở các khách sạn, nhà trọ ở Santiago và Palma Soriano. Fidel định cùng một lúc tấn công các trại lính ở Bayamo trên các nẻo phía tây đến Sierra Maestra. Sau đó, ông đến Charco Redondo liên hệ với các thợ mỏ. Charco Redondo ở ngoại vi Bayamo sẽ là khu vực hỗ trợ cho cuộc tấn công các doanh trại. Kế hoạch đang gần thành hiện thực.
Trên đường về Havana, Fidel nghỉ đêm tại nông trại Birán để thăm cha mẹ và mượn anh trai Ramón 140 peso mà không nói là để cho Phong Trào. Ðó là lần cuối cùng Fidel gặp cha. Hai năm sau, ông quá bận không thể về thăm cụ Don Ángel trước khi đi Mexico và ông cụ đã mất trước khi Fidel chiến thắng trở về.