Cuộc phiêu lưu vĩ đại của Fidel Castro, sau mười bốn tháng mưu tính và chuẩn bị, cuối cùng đã thành hiện thực vào tối thứ Sáu ngày 24 tháng Bảy năm 1953, trong tiết trời mùa hè nóng ẩm ở Havana. Sau khi sắp xếp mọi sự, dặn dò những người ở lại và tạm biệt vài người thân nhất, Fidel bước vào chiếc xe Buick xanh đời 52 vừa thuê cho chuyến đi dài tới Oriente và sẵn sàng đối mặt với số phận.
Fidel, Abel Santamaría và ủy ban quân sự Phong Trào đã chọn sáng sớm Chủ Nhật 26 tháng Bảy để tấn công Moncada và Bayamo. Chỉ có sáu người trong tổ chức biết chính xác thời gian và địa điểm hành động. Hồi tháng Năm, ngay trước lúc Fidel đi Santiago, toàn bộ kế hoạch chiến đấu đã được xem xét lại lần nữa. Fidel, Pedro Miret, José Luis Tasende, và Ernesto Tizol, là bốn thành viên trong ủy ban quân sự còn lưu lại Havana, đã rà soát từng chi tiết trong chiến dịch.
Vài tuần trước khi đi Oriente, Fidel mỗi tối ngủ ở các nhà khác nhau và ít khi về lại căn nhà của mình trên phố Nicanor del Compo Avenue ở Nuevo Vedado để đề phòng bất trắc. Các phong trào của ông trong thành phố cũng tránh tiến hành theo bất kỳ thông lệ nào. Ngày thứ Sáu cuối cùng, ông chuyển từ chiếc Dodge đen sang dùng xe Buick xanh (mướn sáng hôm đó với giá năm mươi Mỹ kim để “đi nghỉ cuối tuần ở Bãi Biển Varadero”) với tài xế là một thành viên trẻ da đen đến từ Oriente. Anh ta tên Teodulio Mitchel, vừa được giao nhiệm vụ chở Fidel đi Santiago vào tối hôm trước dù Fidel chỉ mới gặp anh ta cách đó một tuần. Mitchel từng đi lính và trong năm vừa qua anh làm tài xế lái xe tải ở quê nhà Palma Soriano. Chính tại nơi đây, anh được nha sĩ Aguilera tuyển mộ vào chi bộ Phong trào. Do Fidel cần một tài xế thông thạo vùng đất này đồng thời quen thuộc đối với người dân địa phương nên Aguilera đã gửi Mitchel đến Havana gặp Fidel, và họ nhanh chóng kết thân với nhau. Trong ít nhất bốn mươi tám giờ sắp tới, Fidel sẽ giao sinh mạng của mình vào tay Mitchel. Bằng bản năng của mình, Fidel biết rằng đây chính là người ông có thể tin tưởng.
Những tuần tiếp theo, Fidel gửi dần nhóm nòng cốt tới Oriente, đầu tiên là Abel Santamaría. Ðến tuần cuối thì di chuyển phần lớn lực lượng theo cá nhân hay từng nhóm nhỏ bằng xe lửa, xe buýt và xe hơi. Hai phụ nữ duy nhất là Haydée và Melba thì đi bằng xe lửa, họ giấu súng trường trong thùng hoa và vali. Những chuyến vũ khí đạn dược lớn hơn và đồng phục đã được gửi tới trại Siboney vào tháng Sáu và tháng Bảy bằng nhiều phương tiện khác nhau. Ðợt vũ khí cuối cùng được mua ở Santiago hai ngày trước khi bắt đầu tấn công.
Raúl Castro vắng mặt trong suốt quá trình chuẩn bị cho cuộc tấn công. Quan hệ khá thân thiết với các đảng viên Cộng sản ở trường đại học (dù chưa trở thành đảng viên) và nhất là với chủ tịch đảng Thanh Niên Xã Hội Chủ Nghĩa là Lionel Soto, Raúl với tư cách là thành viên đoàn đại biểu Cuba đã lên đường đi Vienna (nước Áo) dự Liên Hoan Thanh Niên và Sinh Viên Thế Giới lần thứ Tư do đảng Cộng Sản tài trợ hồi tháng Hai. Sau đấy, anh đi Bucharest, lưu lại Rumani một tháng, rồi tiếp tục cuộc hành trình tìm hiểu Ðông Âu Cộng Sản bằng chuyến viếng thăm Budapest và Prague, “tham quan các nhà máy”, sau đó đi Paris và ở đấy 9 ngày. Raúl về nhà bằng đường biển, đặt chân đến Havana vào ngày 6 tháng Sáu. Sau chuyến đi châu Âu này, Raúl chính thức gia nhập đảng Cộng sản.
Chính vì lý do này mà Raúl gần như không giữ một vai trò nào trong quá trình xây dựng và định hình phong trào cách mạng. Anh kể lại, sau khi nhận lệnh rời khỏi Havana ngay vào ngày 24 tháng Bảy mà không biết rõ đích đến là đâu nên không thể nào báo tin cho đảng Thanh Niên Xã Hội. “Rất có thể tôi đã phạm lỗi khi không thông tin cho họ,” anh nói. “Chắc chắn là tôi đã phạm lỗi, tuy nhiên tôi gia nhập đảng chỉ mới một tháng rưỡi, và tôi không cảm thấy phải chịu sự ràng buộc (với tổ chức này).” Tuy nhiên, Raúl suýt chút nữa đã bỏ lỡ trận Moncada.
Vừa về đến Havana đầu tháng Sáu, Raúl liền bị bắt với tội danh mang các truyền đơn kêu gọi lật đổ chính phủ, cùng với hai người Guatemala mà anh vừa kết bạn trên đường đi (một thành viên khác cùng đi trên tàu là công dân Xô Viết nhưng không được phép xuống tàu ở Havana, người sau này Raúl gọi là “người bạn Xô Viết đầu tiên của tôi”). Những người Guatemala được phóng thích sau khi có sự can thiệp của các nhà ngoại giao Guatemala, và họ bị trục xuất về nước. Chỉ mình Raúl còn bị giam trong tù.
Melba Hernández đến nhà tù Castillo del Principe với tư cách luật sư bào chữa để tìm cách giải thoát cho Raúl. Theo lời của Melba, khi gặp Raúl cô nhận thấy anh ta rất “phấn khích” về chuyến đi châu Âu. Cảnh sát tịch thu quyển nhật ký của anh và tên sếp cảnh sát phụ trách điều tra nói với Melba rằng trong đó Raúl ghi “thế giới xã hội chủ nghĩa quả là một thiên đường.” Melba không thể nào xin họ thả Raúl vì anh đã bị khép vô tội “gây rối loạn nơi công cộng” và phải ra hầu tòa. Ngày hôm sau, Fidel xin được phía quan tòa cho Raúl được phép tại ngoại. Nhờ đó mà Raúl mới có thể tham gia được vụ tập kích.
Raúl không thể tham gia đợt huấn luyện quân sự nào trong khoảng thời gian ít ỏi trước trận Moncada, nhưng anh tỏ ra nghi ngại khả năng thành công của bất cứ hành động vũ trang nào mà Phong trào thực hiện bởi lẽ anh nghĩ nhóm này vẫn còn khá nhỏ. Có thể anh chịu ảnh hưởng quan điểm của đảng Cộng Sản đối với các âm mưu nổi dậy, nhưng khi được người bạn José Luis Tasende hỏi liệu anh có tham gia nếu Phong trào ra tay hành động, Raúl trả lời, “Vâng, tôi sẽ đi... Trong Phong trào có anh trai và người bạn thân nhất của tôi là anh Miret, Juan Almeida...” Robert Merle, một sử gia người Pháp đã viết rất nhiều về Moncada, tin rằng “đến thời khắc quyết định chính tình thân đã chiến thắng sự trung thành với lý tưởng.”
Khi ấy Raúl đang ở cùng với Pedro Miret. Tasende đến và bảo anh, “Chúng ta sẽ đi chuyến xe lửa tối nay.” Chiều hôm đó, Raúl đến chỗ Tasende để nhận số vũ khí cần chuyển rồi đi thẳng ra ga. Mười sáu Fidelistas khác theo mệnh lệnh của Tasende cũng đi trên chuyến xe đó, nhưng họ vờ như không hề quen biết nhau. Tasende đến ngồi kế Raúl và đưa cho anh vé. Nhìn thấy nơi đến là Santiago, Raúl hỏi “Moncada à?”, Tasende trả lời khẽ “Ừ.” Họ đến Santiago chiều hôm sau.
Nhờ tài sắp xếp hợp lý của Fidel, khoảng 120 đến 130 người đã đi từ Havana và tỉnh Pinar del Río đến Oriente trong thời gian 23 và 25 tháng Bảy. Ngoài xe lửa và xe buýt, mười lăm xe hơi thuê của các hãng du lịch cũng được dùng cho việc triển khai lực lượng này, mỗi chiếc do một người quan trọng điều khiển. Mỗi chuyến khởi hành đều tuân theo thời gian biểu chính xác bao gồm cả các chặng nghỉ và thời gian đến. Ða số quân tình nguyện không biết mình đi đâu cho tới khi đến nơi và kỷ luật rất chặt chẽ, không có ai được hỏi hay trò chuyện gì trên đường đi.
Fidel Castro luôn quan tâm kỹ đến đời sống riêng và quyền lợi của đồng đội trong Phong trào. Melba kể lại trước khi đi Oriente, Fidel bỗng nhận thấy Gildo, một đảng viên tích cực của Phong Trào đã đính hôn nhiều năm với một cô gái tên Paquita quen từ nhỏ, và trong tình huống xấu nhất rất có thể anh sẽ hy sinh mà vẫn chưa được cưới cô. “Thế là Fidel nhanh chóng tổ chức ở Havana một lễ cưới tươm tất cho Gildo và Paquita, có đầy đủ mọi thứ mà một cô gái mơ ước trong ngày trọng đại này - từ người làm chứng, đến khăn voan và trang điểm cho cô dâu. Họ cũng được hưởng tuần trăng mật. Rồi Gildo ngã xuống trong chiến trận, anh đã không về nữa.” Ðây không phải là trường hợp duy nhất. Ba năm sau ở Mexico, Fidel cũng đứng ra tác hợp cho hai đồng đội của mình là Arturo Chaumont, một chiến binh được chọn tham gia cuộc viễn chinh Granma, và Odilia Pino để phòng trường hợp anh có thể sẽ không trở về. Melba kể lại rằng, khi ấy cả hai người vẫn chưa có ý định sẽ kết hôn nhưng Fidel cứ nhất mực “chúng ta phải tổ chức lễ cưới cho họ”. Ðồng đội của Fidel bắt đầu than phiền rằng ông can thiệp quá sâu vào đời sống riêng của họ, nhưng Melba thuật lại Fidel tiến hành kế hoạch này y như một “chiến dịch quân sự” để ép Arturo và Odilia đến bên bàn thờ. Cuối cùng, Fidel cũng thuyết phục được họ, và số tiền ông kiếm được không chỉ đủ cho lễ cưới mà còn cho tuần trăng mật ở Acapulco và một món tiền mừng đám cưới từ Phong trào. Ba tháng sau, Arturo Chaumont bị quân Batista bắt và cũng không trở về nữa. Melba Hernández kể: “Fidel luôn bận tâm lo nghĩ làm sao để mang lại hạnh phúc cho bạn bè mình...”
Mặc dù nhiệm vụ cụ thể không được bàn đến suốt nhiều tháng chuẩn bị ròng rã nhưng quân tình nguyện tham gia đông đến mức không có đủ vũ khí trang bị cho họ. Cuối cùng, Fidel và ủy ban quân sự quyết định cho 135 quân tiến công Moncada và 30 quân ở Bayamo, và các chi bộ trưởng được lệnh chọn ra những người tốt nhất cho đủ số. Quân tình nguyện chỉ nhận được chỉ thị mang theo quần áo vì sẽ phải vắng mặt dài ngày.
Thứ Tư trước ngày tấn công, Fidel cùng với nhà thơ Raúl Gómez thảo Tuyên Ngôn Moncada để tung ra cả nước khi quân nổi dậy tấn công Santiago và Bayamo. Cuối ngày hôm đó, Fidel tới nhà Naty Revuelta ở Vedado nhờ cô đánh máy lại bản thảo và sao ra làm nhiều bản, một phần được ông đem đi Santiago, một phần để Naty phân phát cho các lãnh đạo chính trị và chủ bút chính ở Havana khi ông chiếm được đồn Moncada.
Naty, người phụ nữ tóc vàng mắt xanh đã dành phần lớn đời mình cho sự nghiệp của Fidel, cũng đã chọn mua các bài hát cách mạng để phát trên các đài Santiago khi chiến thắng, gồm quốc ca Cuba, các bài ca độc lập, bản Polonaise khải hoàn cung La trưởng của Chopin và bản giao hưởng Eroica của Beethoven. Âm vang của lòng yêu nước và cách mạng, giai điệu làm sôi sục lòng người, diễn văn từ biệt của Chibás, lời kêu gọi lập lực lượng nhân dân vũ trang và bản Tuyên Ngôn sẽ được dùng để khích động dân chúng nổi dậy chống Batista. Ðầu tiên, bản Tuyên Ngôn do “Cách mạng Cuba” ký tên gợi nhớ đến José Martí khi buộc tội Batista với “cuộc đảo chính quỷ quyệt” đem đến “tội ác nhuốm màu máu, sự hèn hạ, lòng tham vô đáy để vơ vét không thương tiếc tài sản quốc gia” đã hủy hoại cuộc “cách mạng đích thực” do José Martí khởi xướng và được các thế hệ sau tiếp nối. Kế đến, bản Tuyên Ngôn công bố rằng “đứng trước tình hình hỗn loạn mà đất nước đang lâm vào, trước sự áp chế của tên bạo chúa này cùng những lợi ích xấu xa của những kẻ ủng hộ hắn, thanh niên Cuba – những người yêu tự do và nhân phẩm con người – đã đứng lên với thái độ chống đối không khoan nhượng nhằm xóa bỏ hiệp ước xuẩn ngốc do sự sụp đổ của quá khứ và dối trá của hiện tại lập ra.”
Trong bản Tuyên Ngôn, Fidel đưa ra cho Cuba chương trình chín điểm, trong đó điểm đầu tiên trình bày “Cách mạng hoàn toàn không hề chịu sự ràng buộc của ngoại quốc”. Sự ưu tiên này thể hiện tinh thần chủ nghĩa dân tộc của ông (nếu không muốn nói là tinh thần chống Mỹ), nhưng đó cũng là chủ nghĩa dân tộc của thế hệ mà Fidel đang sống mà học thuyết Marx không đề cập đến. Bản Tuyên Ngôn còn kêu gọi “công bằng xã hội” và “tôn trọng công nhân và sinh viên,” nhưng những từ ngữ này đã được các chính trị gia Cuba sử dụng từ nửa thế kỷ qua. Về vấn đề đại biểu dân chủ (tức các cuộc bầu cử dân chủ), Fidel tuyên bố “Cách mạng hoàn toàn tôn trọng Hiến pháp năm 1940,” mà Batista đã vi phạm với vụ đảo chính năm 1952. Nói cách khác, khó có thể cho rằng bản Tuyên Ngôn Moncada là lời kêu gọi nhân dân vùng lên, và khi nhìn lại người ta thậm chí tự hỏi liệu nó có đủ sức thổi bùng ngọn lửa đấu tranh trong cả nước.
Dù sao đi nữa, Fidel luôn tin chắc rằng ông và nhà thơ trẻ đã viết được một đoản văn hùng hồn, và một trong những việc quan trọng ông cần làm trong ngày cuối ở Havana là đến nhà Naty Revuelta để lấy các bản sao của Tuyên ngôn. Sáng ra Fidel đi họp với các lãnh đạo Phong Trào tại nhà Santamarías và Melba Hernández. Ðoạn ông ra ngoại ô đón hai trung đội trưởng và ra sân bay đón một chi đội trưởng, sau đó đến Santiago de Las Vegas cũng với cùng mục đích. Về Havana, Castro qua nhà Santamaría lấy thêm vũ trang rồi nhà chị Lidia gửi chỉ thị cho nhóm từ Artemisa đến. Ông cũng ghé trụ sở cảnh sát vờ hỏi thăm về một “thân chủ” để dò xem họ có nghi ngờ gì không.
Cứ vậy, ông làm việc liên tục bốn mươi tám giờ không ăn, không ngủ cũng không ngơi nghỉ. Ðêm đến, Fidel vội vã ra sân bay để liên hệ với một chuyên viên vô tuyến hàng không mà ông định nhờ đến Santiago giúp đỡ. Trên đường, ông và Mitchel bị một cảnh sát tuần tra giao thông chặn lại do chiếc Buick xanh của họ chạy vượt đèn đỏ. May mắn là họ chỉ phải nộp phạt ngay tại đó sau khi Fidel giải thích rằng họ đang đi ra sân bay để đón người nhà. Giả sử viên cảnh sát giao thông đó quyết định đưa họ về đồn (chuyện này thường xuyên xảy ra đối với các vụ vi phạm giao thông tương tự) thì cuộc cách mạng của Fidel rất có thể bị đình trệ. Dường như lúc nào ông cũng như đang sống bên bờ vực của sự may rủi.
Về tới thành phố, ông bảo tài xế Mitchel để ông lên lầu và “hôn con... vì chỉ Chúa mới biết liệu tôi có thể làm được việc này nữa hay không”. Tuy nhiên, ông không hề hé răng cho vợ biết về kế hoạch của cách mạng hay lý do tại sao ông lại hôn từ biệt con trai. Hành trang ông mang theo chỉ có chiếc áo khoác trắng và tuyển tập các tác phẩm của Lenin.
Chặng dừng cuối cùng là nhà Naty trên phố Mười Một ở Vedado để lấy các bản Tuyên Ngôn và băng các bài hát cô mua cho quân cách mạng phát từ Santiago. Trong hoàn cảnh đó, Naty là người duy nhất không nằm trong ban lãnh đạo cao cấp của Phong trào biết trước vụ tấn công Moncada: cô không chỉ lo mua băng nhạc và đánh máy bản Tuyên Ngôn, mà Fidel còn bảo cô chuyển các bản sao cho lãnh đạo đảng Chính thống, trong đó có Raúl Chibás, em trai cố Nghị sĩ Eddy Chibás cùng ba nhà xuất bản tuần và nhật báo vào sáng sớm Chủ Nhật ngày 26 tháng Bảy. Rồi Fidel chào tạm biệt Naty.
Tối hôm đó, Fidel và Mitchel đi từ Havana tới Oriente khá trễ. Tới Colón, họ ghé nhà bác sĩ Mario Munoz, ông này đang chuẩn bị đi Santiago tham gia đội quân đột kích. Ăn sáng xong, họ dừng lại ở Santa Clara để ghé qua tiệm kính vì Fidel bỏ quên kính cận ở nhà Melba tại Havana.
Tối thứ Bảy ngày 25 tháng Bảy khoảng sáu giờ, Fidel đi đến quán Gran Casino để nói chuyện với hai mươi lăm người sắp tấn công quân trại rạng sáng hôm sau.
Trước đó họ đã đến bằng xe hơi và xe lửa và Fidel rà soát lại với họ các tình tiết kế hoạch tác chiến. Sau khi rời Bayamo lúc 10 giờ tối, họ gặp một cảnh sát xét giấy tờ và lục soát xe, Mitchel lúc này mới có dịp chứng tỏ tầm quan trọng của mình. Mitchel nhận ra viên cảnh sát là một người bạn cùng quê liền gọi tên anh ta. Viên cảnh sát nói “Ủa, anh đó hả Mitchel? Thôi anh đi đi.”
Ðến nửa khuya, Fidel và Mitchel tới Santiago đương lúc lễ hội Carnival hàng năm diễn ra tưng bừng tại Oriente. Ở Cuba, lễ Carnival rơi vào tháng Bảy và Santiago luôn nhộn nhịp với âm nhạc và các điệu nhảy vui nhộn trên đường phố suốt từ ngày thứ Sáu cho đến đêm Chủ Nhật. Fidel chọn thời điểm tấn công là vào sáng sớm Chủ Nhật, ngày 26 tháng Bảy vì hầu hết bọn quan lính sẽ nghỉ phép cuối tuần và canh phòng sẽ lỏng lẻo bớt.
Hai người ra phố uống cà phê, đoạn đi xe xuống Siboney. Nông trại lúc bấy giờ tối om và do Jesús Montané đứng chốt canh. Hiện có 118 quân nổi dậy cộng thêm Melba và Haydée có mặt trong nông trại. Hầu hết đến từ Havana qua Santiago trưa hôm đó và đều mệt mỏi vì trời nóng và thiếu ngủ. Melba và Haydée đã chuẩn bị cơm gà cho đoàn quân và đang ủi 120 quân phục ở trong căn phòng duy nhất sáng đèn.
Abel Santamaría báo với Fidel mọi sự đã sẵn sàng, và lúc hai giờ sáng Fidel nhất định trở lại Santiago làm nhiệm vụ chót: tìm Luis Conte Aguero, một phát thanh viên nổi tiếng kiêm nhà chính trị thuộc đảng Ortodoxo ở Oriente. Fidel muốn tìm Conte để nói về cuộc đột kích và thuyết phục anh ta hợp tác phát thanh với cách mạng. Abel đi với Fidel trong khi những người còn lại nghỉ ngơi. Chiều hôm đó, họ lấy vũ khí được giấu trong chiếc giếng cạn ở nông trại lên còn xe hơi thì giấu trong mấy trại gà. Khi đến nơi, Fidel thất vọng khi biết Conte đang ở Havana và họ về lại Siboney lúc 3 giờ sáng. Suốt bốn đêm liên tiếp không ngủ nhưng Fidel vẫn sung sức và tỉnh táo. Sau đấy có thêm một vài người đến nữa, cuối cùng quân số đến đủ 131 người kể cả bác sĩ Munoz, Melba và Haydée và Fidel.
Lúc này, Abel lại đòi dẫn đầu nhóm quân chính thay cho Fidel. Theo kế hoạch thì Fidel sẽ tấn công pháo đài trong khi Lester Rodríquez qua tòa án bên kia đường còn Abel chiếm lấy bệnh viện gần đó. Fidel muốn Abel ở bệnh viện vì nơi đó có vẻ an toàn nhất, để phòng khi lỡ Fidel bị giết thì Abel sẽ thay ông lãnh đạo Phong Trào. Song Abel khẩn khoản với Fidel “Ðừng có như José Martí liều mình không cần thiết.” Fidel đáp “Tôi phải là người dẫn đâu các chiến binh mới được.” Cuối cùng Fidel ra lệnh “Thôi, đã quyết định rồi: Anh sẽ đi tới bệnh viện.”
Sau đấy, Fidel còn phải tranh cãi với cả Melba và Haydée nữa. Hai cô này đều muốn tham gia tấn công song Fidel nói, “Không được, các cô đã làm việc cật lực lắm rồi. Các cô phải ở lại nông trại.” Lúc đó bác sĩ Mumoz giải quyết cho hai cô này đi theo ông và Abel đến chiếm bệnh viện. Ðây là bệnh viện dân sự không có lính canh, Melba và Haydée sẽ giúp ông với vai trò y tá.
Bốn giờ sáng, Fidel họp quân lại trong căn nhà tối để tóm lại kế hoạch tấn công; chỉ đến lúc này họ mới biết phải tấn công trại Moncada. Khi ấy bỗng một người lỡ tay bắn một phát súng trường làm mọi người bị một phen hoảng kinh vì sợ bị phát giác, nhưng may mắn là ở khu đó không ai nghe thấy. Giải thích xong chiến dịch mà Fidel cho là chỉ kéo dài không tới 10 phút, ông nói: “Vài giờ tới đây các bạn sẽ thắng hoặc thua nhưng dù kết quả thế nào thì phong trào vẫn thắng lợi. Nếu ngày mai thắng thì những hoài bão của Martí sẽ thành hiện thực sớm hơn. Còn ngược lại hành động của chúng ta sẽ làm gương cho dân chúng Cuba, từ đó sẽ có những thanh niên sẵn sàng chết cho Cuba. Họ sẽ dựng lại cờ và tiến lên... Các bạn đều biết kế hoạch của chúng ta rất nguy hiểm nên chúng ta phải làm thật tự nguyện. Vẫn còn thời gian để quyết định... Ai đã quyết định rồi thì hãy tiến lên. Nên nhớ là không được giết người trừ khi không còn cách nào khác.” .
Một người hỏi Fidel nếu bắt được tù nhân rồi thì làm gì với họ, Fidel đáp “ Ðối xử với họ thật nhân đạo, đừng lăng mạ họ. Và nhớ rằng bạn phải xem cuộc sống của người không có vũ khí hết sức thiêng liêng đối với mình.” Ðột nhiên, một trong số bốn sinh viên đại học trong nhóm bảo rằng họ quyết định không tham gia vì họ nghĩ rằng binh lực bên phe mình chưa đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ này. Nổi giận pha lẫn với khinh bỉ, Fidel ra lệnh nhốt các sinh viên này trong phòng tắm và cắt đặt người canh phòng. Sau đó, chuyên viên truyền thanh đến từ phi trường Havana cũng thông báo là sẽ không tham gia vào các “hành động bất hợp pháp”; anh ta cũng bị nhốt vô phòng tắm chung với bốn sinh viên kia. Lúc bấy giờ, Fidel có được 123 người cộng thêm hai phụ nữ để bắt đầu cuộc cách mạng.
Theo lời Fidel, khi ông bắt đầu với chiến dịch Moncada, “chỉ có một nhóm nhỏ những người có tinh thần trách nhiệm và kỷ luật tốt nhất, những người đã có sẵn nền tảng chủ nghĩa Marx,” và chính ông đã dấn thân trong bối cảnh này với “lực lượng nòng cốt” như thế. Nhớ lại các sự kiện này trong các cuộc trò chuyện năm 1985, Fidel nhấn mạnh “những phẩm chất chúng tôi yêu cầu từ phía đồng đội của mình, trước nhất, là lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, sự nghiêm túc, danh dự, khuynh hướng đấu tranh... và sự hòa hợp giữa mục tiêu và nguy cơ của... cuộc đấu tranh vũ trang chống Batista.”
Ðịnh nghĩa của Fidel về cấu trúc hệ tư tưởng của các nghĩa quân Moncada hoàn toàn đồng nhất với những gì mà các thành viên đầu tiên tham gia Phong trào hồi tưởng lại. Tức là, trong suốt thời gian chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Moncada, cương lĩnh chính trị của Phong trào chủ yếu đi theo truyền thống của Martí. Ðiều này đã được nguồn gốc chính trị của nhóm nghĩa quân Moncada xác minh. Theo lời nhà sử học của cách mạng là Mario Mencía, trong số 148 người tham gia các hoạt động ở Moncada và Bayamo chỉ có hai đảng viên Cộng sản:
Raúl Castro, vừa mới gia nhập đảng sáu tuần trước và chẳng có ảnh hưởng gì đến các quyết định của Phong trào, cùng anh công nhân nhà máy đường Luciano González Camejo. Bên ngoài đảng, chỉ có Fidel và một thành viên trong ban lãnh đạo Phong trào biết được quan điểm của Raúl. Fidel và Abel Santamaría tự coi mình là môn đồ trung thành của chủ nghĩa Marx, nhưng phần đông các thành viên còn lại chỉ hiểu được quan điểm công bằng xã hội ở mức độ khiêm tốn dựa trên kinh nghiệm của người dân Cuba.
Như Fidel đã liên tục nhấn mạnh, ông tuyển mộ các thành viên Phong trào từ những người thuộc giai cấp lao động đi theo đảng Ortodoxo của Nghị sĩ Chibás, một tổ chức đứng lên bênh vực công bằng xã hội, luật lệ phúc lợi xã hội vì phần lớn dân nghèo Cuba và vì chủ nghĩa dân tộc phi Cộng sản. Fidel cũng có thể đã cho rằng một khi chứng kiến tiến trình thắng lợi của cách mạng, những nông dân và công nhân đảng Chính thống này sẽ được thúc đẩy đến với chủ nghĩa xã hội, từ bỏ sự hoài nghi vốn có đối với những gì gắn với chủ nghĩa Marx. Ông thường quy ác cảm đối với chủ nghĩa cộng sản này cho “sự tuyên truyền chủ nghĩa đế quốc” trong cuộc chiến tranh lạnh, như theo ghi chép thì đó là do trong lịch sử đảng Cộng sản Cuba không có khả năng thu hút quần chúng. Mặt khác, khi Chibás lập ra đảng Ortodoxo, hàng trăm ngàn công nhân trước đây thường thờ ơ với các hoạt động chính trị lại đổ xô gia nhập có thể chỉ vì sức thu hút mạnh mẽ của bản thân ông.
Dù sao “quân đội” Fidelistas cũng mang nguồn gốc giai cấp lao động. Chỉ những người lãnh đạo là thuộc tầng lớp trí thức. Bốn người trong số họ đã tốt nghiệp đại học: Fidel Castro và Melba Hernández là luật sư, Mario Munoz là bác sĩ còn Pedro Celestino Aguilera là nha sĩ. Nhà thơ Raúl Gómez García, Pedro Miret, Raúl Castro, Lester Rodríguez, và Abelardo Crespo đều từng là sinh viên đại học. Phần đông thành viên của Phong trào chỉ mới học tiểu học, và nhiều người còn chưa được đến trường. Mặc dù không có bằng đại học nhưng năm thành viên Phong trào đã làm nhân viên kế toán cho nhà nước – trong đó có Abel Santamaría và Jesús Montané – hai nhân vật hàng đầu trong đội ngũ nghĩa quân. Chưa đến hai mươi người kiếm được trên hai trăm peso mỗi tháng. Nhóm đông nhất là công nhân xây dựng (thợ mộc, thợ sơn, thợ hồ, v.v.), rồi tới nông dân, đầu bếp và bồi bàn, nhân viên văn phòng, tài xế, thợ giày, thợ máy, thợ làm bánh, người giao sữa, người giao nước đá, bán hàng rong và người làm ăn riêng (kinh doanh du lịch chẳng hạn). Ngoài ra còn có rất nhiều thanh niên thất nghiệp trong hàng ngũ cách mạng. Chiến binh cao tuổi nhất trong Phong trào là Manuel Rojo Pérez, một nông dân 51 tuổi. Fidel mô tả đồng đội hồi chiến dịch Moncada của mình một cách chính xác trong một bài diễn văn năm 1965 như sau: “chúng tôi có khả năng hiểu được một số nguyên lý cơ bản của học thuyết Marx – sự thực là xã hội bị phân chia thành hai tầng lớp: bóc lột và bị bóc lột... Nhiệm vụ trước mắt – chiến đấu với nguồn lực ít ỏi chống lại binh lực hùng mạnh đã san bằng đất nước này - chiếm hầu hết mọi sự quan tâm của chúng tôi.”
Tháng Mười Hai năm 1961, khi thông báo cho cả thế giới biết sự trung thành của mình đối với chủ nghĩa Marx-Lenin, Fidel cho biết ông đã được hỏi liệu tại thời điểm tấn công Moncada ông có nghĩ giống như vậy không. Fidel nói thêm, “Ngày ấy tôi suy nghĩ cũng tương tự như bây giờ. Ðó là sự thật.” Và trong bài diễn văn nhân kỷ niệm trận Moncada hồi năm 1965, ông nhấn mạnh “trong số các quyển sách của chúng tôi bị họ lấy đi (sau trận Moncada) có sách của Martí và Lenin”.
Năm 1975, Fidel phát biểu “lực lượng nòng cốt trong ban lãnh đạo Phong trào của chúng tôi... đã dành một phần thời gian để nghiên cứu Marx, Engels và Lenin,” và đặc biệt là các tác phẩm Tuyên ngôn đảng Cộng sản của Marx và Engels, Nhà nước và Cách mạng của Lenin, và Karl Marx: Câu chuyện cuộc đời của Mehring. (Những người chỉ trích Fidel thường vịn vào chuyện Fidel trả lời - trong một cuộc phỏng vấn ngắn không lâu sau cuộc cách mạng - rằng trước trận Moncada ông chỉ mới đọc hết 370 trang trong quyển Tư bản của Karl Marx như là một minh chứng cho thấy sự thiếu sót trong hệ tư tưởng của Fidel, nhưng đây không phải là một luận cứ nghiêm túc). Melba Hernández, người thân cận với Fidel và chị em nhà Santamaría nhất trong suốt giai đoạn hoạt động bí mật trước trận Moncada, kể lại “chính Fidel đã hướng Abel vào việc tìm đọc và nghiên cứu chủ nghĩa Marx-Lenin... Cần phải nói rõ là chính Fidel đã giúp định hình về mặt hệ tư tưởng cho Abel Santamaría.” Trong suốt một năm, Melba thấy họ cùng nhau đọc sách mỗi ngày đến mấy lần.
Trước khi mất (năm 1980), Haydée Santamaría hồi tưởng lại những kỷ niệm về cậu em trai Abel, người đã hy sinh tại trận Moncada. Abel đã được Fidel khuyến khích tìm hiểu sâu hơn về chủ nghĩa Marx khi họ đang tổ chức phong trào cách mạng. Nhưng Haydée còn nói thêm, ngay cả khi có nguy cơ bị xem là “phi chính trị” Abel vẫn nhất mực từ chối tham gia đảng Cộng sản bởi lẽ anh biết mình sẽ không thể được tự do chính trị mà anh có được khi ở trong đảng Ortodoxo. Sau trận Moncada, tại nông trại El Siboney quân đội tìm thấy tập đầu tiên trong bộ sách gồm hai quyển là một trong các tác phẩm của Lenin được dịch sang tiếng Tây Ban Nha. Trên trang bìa có ký tên Abel; chế độ Bastista đã sử dụng nó làm bằng cớ cho rằng cuộc tấn công này là âm mưu của đảng Cộng sản, và báo chí đăng hình một sĩ quan quân đội ở nông trại, tay phải cầm khẩu súng trường còn tay trái ngạo nghễ giơ quyển sách Lenin mà hắn lấy được.
Từ năm 1961 đến 1985, Fidel luôn mô tả một cách nhất quán bản thân, bạn bè, và sự tiến triển về mặt hệ tư tưởng của Phong trào. Riêng trong trường hợp của mình, ông nhấn mạnh đến từng bước phát triển trong hệ tư tưởng của mình cả trong suy nghĩ lẫn biểu hiện bên ngoài. Nguyên tắc của ông là tiến từng bước, một cách khôn khéo và có tính toán. Tại Moncada, Fidel mong muốn được xem như người bảo vệ nền dân chủ của Cuba và xã hội khỏi sự hủy hoại của chế độ thống trị Batista. Tiếp theo đó, ông lựa chọn công khai tán thành chủ nghĩa Marx – Lenin. Những người chỉ trích cho rằng ông đang lừa dối; còn bản thân Fidel lại thấy mình xứng đáng được tán thưởng bởi chiến lược cách mạng thông minh này, và ông luôn dựa trên luận điểm “lịch sử chứng minh” của Martí và Marx – có nghĩa là yêu cầu lịch sử sẽ bào chữa cho phương tiện. Trong suốt cuộc nổi dậy, Fidel chưa hề công khai phê phán các đảng viên Cộng sản ngay cả khi họ từ chối giúp đỡ ông.
Nhìn lại chặng đường vừa qua của lực lượng Fidel, có thể thấy rõ Fidel đã tổ chức một phong trào cách mạng dù với mục đích là đánh đuổi Batista nhưng ngay từ bên trong đã thiếu tính dân chủ. Nhìn từ bên ngoài, Phong trào chỉ do một số ít cá nhân lãnh đạo (Fidel và Abel Santamaría, sau này thì chỉ còn một mình Fidel do Abel hy sinh ở Moncada) với niềm tin vững chắc là chương trình quân sự cần phải hoàn tất trước khi chương trình chính trị được mở ra
Trong những năm lãnh đạo phong trào, Fidel còn cho thấy một khía cạnh khác thể hiện tính nhất quán trong hành vi chính trị của mình: Một khi đã đặt chủ nghĩa Marx-Lenin làm học thuyết chính thức của Cuba, Fidel thu nhận các đảng viên Cộng sản, những người vốn là bạn đồng môn từ thời sinh viên dù họ chưa từng tham gia bất cứ hoạt động cách mạng nào của ông, và thường xuyên thăng cấp cho họ. Ðiều này đã khiến không ít chiến binh Fidelistas kỳ cựu bất mãn. Từ mạng lưới Cộng sản ở trường đại học có Lionel Soto, người đã dẫn Raúl đi Ðông Âu và nhiều năm làm Ðại sứ Cuba ở Liên Xô, và tại Kỳ họp thứ Ba của Ðảng Cộng Sản năm 1986 được chọn làm bí thư cho Ban chấp hành trung ương. Ngoài ra còn có Flavio Bravo Pardo, từng làm tổng thư ký cho đảng Thanh niên Xã hội chủ nghĩa, là thành viên của Ủy ban trung ương và chủ tịch của Quốc Hội; Alfredo Guevara, người bạn đảng viên Cộng sản đầu tiên của Fidel, thường xuyên tới lui giữa Havana và Paris như một “đại sứ văn hóa”, rất thân thiết với Fidel và Raúl. Hầu hết những người thuộc hàng ngũ cựu đảng viên Cộng sản – các nhà lãnh đạo đồng thời là ánh sáng đưa đường trước và sau thời Batista – đều giữ trọng trách trong Bộ chính trị và Ủy ban trung ương cho tới khi tuổi tác và sức khỏe của họ còn cho phép. Tại Kỳ họp lần thứ Ba năm 1986, chính Fábio Grobart, lúc bấy giờ đã được bát tuần và là đồng sáng lập đảng Cộng Sản Cuba hồi năm 1925 duy nhất còn sống, đã chính thức giới thiệu Fidel với các đại biểu.
Lúc phác họa kế hoạch tấn công Moncada, Fidel Castro đã bảo với quân tình nguyện rằng yếu tố bất ngờ rất quan trọng, do đó phải tấn công thật nhanh gọn. Ông cố nén lòng để không phải giải thích những gì sẽ xảy ra sau đó. Ở phiên xư, ông chỉ nói chắc chắn dân Cuba sẽ nổi lên ủng hộ ông và thủ tiêu chế độ độc tài. Fidel đã không chia sẻ khái niệm chiến lược của ông với kẻ thù bởi khi ấy ông đã bắt đầu nghĩ về giai đoạn tiếp theo của cách mạng. Rõ ràng, các kế hoạch của ông cực kỳ tham vọng.
Pedro Miret, thành viên ban quân sự của phong trào đã nói ở Havana vào năm 1985 rằng mục tiêu cuộc đột kích Moncada là để “cô lập vùng Oriente, vốn rất dễ dàng bị cô lập”. Thông tin liên lạc thời bấy giờ giữa Havana và các căn cứ quân sự địa phương không được quan tâm phát triển đầy đủ cho tới sau vụ tấn công vào Moncada. Fidel, nhà chiến lược bẩm sinh chưa từng học về quân sự, lý luận rằng để củng cố quân đội cho đến khi tới Santiago rồi cố gắng chiếm Moncada và thành phố, cần phải đi từ Holguín, một thành phố phía bắc Oriente, xuống xa lộ trung tâm nơi có sẵn ít nhất một quân đoàn. Tuy nhiên, xa lộ đường núi dẫn qua Bayamo nên phải cố giữ các đồn Bayamo đồng thời chiếm Moncada. Sau đó quân cách mạng sẽ cho nổ cây cầu bắc qua sông Couto chảy qua Bayamo để cắt hẳn xa lộ nối Holguín với Santiago. Về mặt lý thuyết, ít nhất phía nam tỉnh Oriente sẽ do quân nổi dậy chiếm đóng biến thành “khu vực tự do”, quan điểm này Fidel đã lặp lại khi khởi động cuộc chiến tranh Sierra cuối năm 1956.
Như đã nói, Fidel dự đoán rằng ông sẽ được ủng hộ rộng rãi sau khi chiếm Moncada ở Oriente, vốn có bề dày lịch sử nổi dậy, nơi đã khởi đầu những cuộc chiến giành độc lập của Cuba và ông hy vọng lực lượng dân quân có vũ trang sẽ nổi dậy giúp sức cho cách mạng. Hơn nữa, Santiago nằm giữa bờ biển Caribê và vùng núi, chỉ có một ngõ vào chính từ đất liền, nên cũng dễ bảo vệ. Theo tài liệu nghiên cứu chiến dịch Moncada do Bộ phận Lịch sử thuộc Ban đường lối chính trị của lực lượng vũ trang cách mạng công bố vào năm 1983, chiến lược Fidel đưa ra là “vùng lên nổi dậy, kêu gọi tổng đình công và dành thời gian vận động quần chúng cả nước đứng lên đấu tranh.” Santiago là trung tâm quân sự lớn thứ nhì Cuba, nằm ở đầu kia đảo quốc so với Havana, khiến cho kế hoạch càng thêm hấp dẫn bởi rất khó chuyển quân chính phủ tới đó. Sau khi lấy vũ khí từ các doanh trại ở Bayamo và Moncada, Fidel sẽ bỏ các tòa nhà để tránh bị tấn công từ trên không vì ở hai nơi đều không có súng phòng không.
Nếu chế độ Batista không sụp đổ ngay, quân Fidel sẽ tiến hành các “cuộc chiến bất thường” ở vùng núi và ruộng đồng giống như các chiến binh độc lập đã làm hồi thế kỷ mười chín. Ở gần núi, nếu mâu thuẫn kéo dài sẽ dễ chuyển thành chiến tranh du kích. Công trình nghiên cứu chính thức kết luận rằng kế hoạch của Fidel thật là tuyệt hảo, song “yếu điểm của nó là toàn bộ phần còn lại của kế hoạch đều chỉ dựa vào một hành động duy nhất”. Nếu không chiếm được các doanh trại thì “coi như cả kế hoạch thất bại”. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng bổ sung “đây là phương án khả thi duy nhất của quân nổi dậy” và “họ buộc phải làm theo”.
Phần kết luận này nhận định rằng Fidel Castro sẵn sàng chịu rủi ro bởi đó là tính cách và bản chất của ông. Fidel cũng tin quân của ông sẽ thắng. Trong đêm tối ở El Siboney, chỉ vài phút trước 5 giờ sáng ngày 26 tháng Bảy, những thanh niên Cuba cùng nhau khẽ hát quốc ca. Họ đã sẵn sàng tiến bước.