NẾU AI CÓ DỊP ĐẾN THĂM KHU ĐIỀU TRỊ PHONG Linh Sơn vào những năm đầu thế kỷ 21, sẽ cảm thấy nơi này như một khu nghỉ dưỡng lý tưởng. Những ngày đầu xuân, tháng hai, tháng ba âm lịch, cả một vùng xanh thắm, ngát thơm hoa vải, hoa ngâu, dưới nền xanh ấy lại điểm tô những vồng hoa lạc vàng rực. Nếu qua đây vào độ tháng năm âm lịch, thì sẽ thấy hàng ngàn cây vải thiều chín đỏ như những mâm xôi gấc khổng lồ. Hơn ba chục gia đình được gây dựng tổ ấm riêng, gia đình nào cũng tăng gia trồng trọt. Nhà ít nhất cũng trồng được năm, bảy chục cây vải, đa phần có hàng trăm cây, có nhà trồng tới hai trăm cây. Cả vùng đồi hoang dại năm xưa, nay thành rừng cây ăn quả. Tận dụng những khoảng trống dưới gốc cây, họ lại trồng ngâu, khoai, đỗ, lạc, mùa nào thức ấy. Chính cán bộ công nhân viên của bệnh viện cũng ngỡ ngàng, vì hóa ra bệnh nhân của họ còn dồi dào sức khỏe, còn mãnh liệt yêu đời ngoài sự tưởng tượng của họ.
Những bệnh nhân phong cùi ngày xưa với cái từ “hủi” hãi hùng, này đã dần hòa nhập với cộng đồng. Sản phẩm họ làm ra như đỗ, lạc, rổ, rá, gà, ngan... đem ra chợ bán, được dân quanh vùng mua hết. Hoa ngâu chín vàng tuốt về từng thúng, từng bao, thì bán cả cho nông trường chè. Còn vải thiều thì có từng đoàn ô tô của thương lái vào mua. Người ta không sợ người phong cùi nữa, bởi biết rằng bệnh ấy không di truyền, rất ít lây.
Những ngôi nhà nhỏ tường đất, mái ngói đã xỉn màu vì nó đã được dựng lên từ hơn mười năm trước, nhưng trong mỗi ngôi nhà đó, tiếng cười, tiếng nói ấm nồng. Chỉ có một ngôi nhà tường gạch, mái ngói còn đỏ tươi, ở giữa làng. Đó là ngôi trường cấp một mới mọc lên. Một cô giáo còn rất trẻ từ trường tiểu học xã Vai Bò tình nguyện vào làng phong dạy các em từ lớp một. Số học trò chỉ trên mười cháu, nhưng mỗi sớm mai tiếng đọc bài ran ran, làm ấp áp lòng người. Con đường từ quốc lộ đi qua ngã ba Khổ vào đây đã được san bằng, trải nhựa phẳng lì. Nhiều bệnh nhân đã sắm được xe máy, mang nông sản ra các chợ quanh vùng bán, đổi. Bác sĩ Nguyễn Thanh Tâm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Trên nhiều trang báo của tỉnh và Trung ương gọi nơi đây là Làng nhân ái.
Ít năm sau…
Bác sĩ Tâm mái đầu đã điểm bạc, vẫn làm việc trong căn phòng từ hai mươi năm trước, khi ông mới đến đây. Trong phòng đã có ti vi màu 21 inh và máy điều hòa không khí. Hôm nay ông đang sắp xếp lại một số giấy tờ trên bàn thì phó giám đốc Toán bước vào. Ngồi phía đối diện, nhìn sếp của mình, Toán cất giọng có vẻ nỉ non:
- Anh à! Anh nhất quyết về sao? Tỉnh đã gợi ý anh nên ở lại thêm hai năm nữa, sao anh cứng nhắc vậy, cứ phải đúng chuẩn tuổi tác sao?
- Cái gì đúng được thì cứ nên đúng, cái gì không thể đúng chuẩn được mới phải du di. Mình về để cậu còn phát triển chứ. Với lại nên thực hiện như cậu nói, hoa thơm mỗi người ngửi một tý.
- Anh nhớ lâu thế nhỉ? Ngày ấy em nói vậy với một tinh thần khác. Bây giờ khác rồi. Đúng là nhờ có anh mà em đã ở đây cho đến bây giờ, hơn hai mươi năm rồi đấy. Nếu như trước thì cứ đủ ba năm là em xin chuyển, nhưng bây giờ trừ khi anh hoặc cấp trên đuổi, chứ em không bao giờ rời bỏ nơi này. Em nghiêm túc đề nghị anh ở lại thêm hai năm nữa để dìu dắt bọn em trưởng thành.
- Thôi, ông tướng bẻm mép ạ. Tôi cũng phải về chăm sóc vợ con chứ, để bà ấy cô đơn mãi hay sao? Tôi đang sắp xếp lại tài liệu để bàn giao công việc cho cậu. Đầu tháng tới là tôi về. Cờ đến tay thì cứ phất cao lên.
- Lý do của anh hay thật. Chị ấy có chịu cô đơn khối đấy. Hồi trước mới có hơn một năm anh không về thăm mà chị nhà chẳng bổ lên đây hay sao. Giờ bệnh viện có ô tô rồi, anh cứ túc tắc mỗi tháng về thăm nhà hai lần, thậm chí tuần nào anh về cũng được.
Nghe phó giám đốc nói, Tâm nhớ lại: Hôm ấy khi anh vừa từ khu bệnh nhân về, trực ban báo cáo anh có khách. Ngó vào phòng khách, Tâm nhìn thấy vợ và cu Bống đang ngồi ở góc phòng. Vừa mừng, vừa bối rối, anh túm lấy áo cu Bống kéo về phía mình:
- Con ra đấy với bố. Cái bà này lên đây làm gì? Sợ lây hủi mà dám lên trại hủi à?
Vợ Tâm giàn giụa nước mắt:
- Em đã sai. Anh đừng chấp nữa. Mong mãi anh không về nên em đến thăm anh. Anh nguôi giận đi nhé!
Đương nhiên là phải nguôi, ai giận được lâu như thế. Sau lần vợ lên thăm ấy thì dăm ba tháng anh cũng dành một, hai ngày về quê. Vợ anh lại sinh thêm một bé. Một trong những lần về quê ấy, ông bác chủ động đến nhà thăm anh và giới thiệu ở làng bên có cô Na cũng bị bệnh phong. Cả họ bắt ra đầu làng làm túp lều ở, tội lắm. Tâm đã sang thăm động viên gia đình đưa cô Na lên bệnh viện. Nay nghe phó giám đốc nhắc lại, anh bật cười:
- Bây giờ tớ không dại để bà ấy bồng bế lên đây nữa. Còn đi ô tô về hằng tuần thì tớ cũng chịu. Để phần cho cậu hết.
Phó giám đốc lại nhắc:
- Ngày mai có đoàn khách trên tỉnh xuống thăm “làng mình” anh ạ. Họ thông báo từ tuần trước rồi!
- Dạo này tuần nào mình cũng có khách nhỉ. Cứ tiếp bình thường thôi. Cậu dẫn họ đi thăm một vòng quanh “làng”, thích vào nhà nào thì cho vào, thích gặp ai thì cho gặp. Ai bảo đây là bệnh viện, hay gọi đây là khu điều dưỡng, hay đây là làng phong hay làng nhân ái... đều được hết. Thực tế vẫn chỉ có một thôi. Đây là nơi những số phận không may đã được bù đắp.
- Vâng, em biết mà! Em thì em thích nhất cái tên mấy anh quản giáo bên trại giam gọi: Làng ông Tâm!
- Nếu gọi thế thì phải thêm cho đủ như ý các cậu: Làng ông Tâm “hấp” chứ!
- Úi giời, anh vẫn nhớ lâu. Hồi ấy chúng em thấy một đống công việc ngổn ngang mà việc nào anh cũng quyết làm bằng được, nên gọi vui thế thôi. Giờ nhìn lại thấy đúng là cái tâm của anh lớn quá!
- Không phải nịnh khéo nữa. Không có tôi thì có người khác. Xã hội không thiếu người tâm đức sáng ngời. Tôi cũng chỉ là hạt cát trong triền cát mênh mông mà thôi. Tôi về rồi, cậu ở lại vẫn phải giữ và phát huy cái tâm đó. Cụ thể là cậu phải lo cho mấy đứa trẻ của làng mình được đi học cấp hai, cấp ba ngoài trường xã, trường huyện cùng với con em của cộng đồng. Giờ các cháu học cấp một thì giáo viên tình nguyện vào đây dạy được, chứ lên cấp học trên, phải học nhiều môn, giáo viên không thể vào đây được. Cậu phải đi thuyết phục để các trường trong vùng hiểu và chấp nhận các cháu.
- Dạ, vâng! Chúng em nhất định làm tốt theo ý tưởng của anh.
Từ hôm biết bác sĩ Tâm chuẩn bị về hưu, đã vài lần Đào dắt con lên, quanh quẩn rồi cũng chỉ để nói cảm ơn giám đốc. Đào lấy chồng, đã sinh được hai con, một trai một gái, cả hai cháu không di truyền từ bố mẹ. Gia đình anh Thế mừng quá, liền đón cháu trai về quê nuôi ăn học. Cháu bé cũng đã vào lớp một tại làng phong. Vợ chồng Đào đều khỏe mạnh nên trồng trọt, chăn nuôi thu kết quả cao. Ai đến chơi Đào đều khoe, khoe con, khoe vườn, khoe cây. Chẳng những khoe mà cô còn dẫn đi xem một trăm năm chục cây vải nhà mình. Lại còn mấy mảnh vườn trồng lạc, đỗ, khoai. Trong chuồng luôn có gà, lợn rúc rích. Bệnh viện khoanh cho mỗi gia đình một lô đất vuông vắn, đủ làm nhà và làm vườn. Còn những đầu thừa đuôi thẹo, hoặc những chỗ khô cằn thì giám đốc động viên, ai có sức khỏe trồng được gì cứ trồng, làm sao đừng để cỏ dại mọc lan. Vậy là vợ chồng Đào - Thế, người thì mất một bàn chân, người thì mất mấy ngón tay, nhưng chịu khó và khéo léo nên đã trồng hàng trăm cây ăn quả, cây nào cũng tươi tốt. Từ một cô gái tuyệt vọng định kết liễu đời mình thì nay Đào thành bà chủ của một gia tài lớn. Mừng hơn nữa là người anh trai của Đào qua nghe đài, đọc báo, đã trở lại bệnh viện phong thăm em. Hai anh em ôm nhau khóc. Anh khóc vì ân hận đã đối xử hơi tệ với em. Đào lại khóc vì vui mừng. Đào không trách anh mà nói rằng “dù sao cũng cảm ơn anh vì anh đã đưa em lên đây”. Cuộc sống của Đào có thể coi như viên mãn. Bởi vậy nên cô luôn đến cảm ơn giám đốc Tâm cũng là lẽ thường.
*
- Khách đến! Thưa giám đốc khách đã đến!
- Cứ mời họ vào phòng uống nước, anh Toán phó giám đốc sẽ tiếp đoàn. Tôi làm việc với cô Đào, lát nữa sẽ sang.
- Nhưng mà anh Toán bảo sang mời anh, vì trưởng đoàn khách cứ muốn gặp anh.
- Lại thế nữa à? Tôi giao hết công việc cho Toán rồi.
Nói vậy nhưng Tâm cũng bảo Đào về, chỉnh trang quần áo đi đến phòng khách. Một phụ nữ trung tuổi, tiến lại bắt tay anh ngay từ ngoài cửa, giọng thân tình, không phải xã giao:
- Chào anh Tâm! Anh có nhận ra em không?
- Hả? Chị là...
- Biết ngay là anh chỉ lo công việc, sao nhận ra chúng em.
Lục lọi trong trí nhớ, Tâm vẫn không nhận ra ai, mặc dù thấy phảng phất nét quen quen. Anh đành nói:
- Xin lỗi, có lẽ tôi già quá thật rồi, trí nhớ kém, mong chị thông cảm!
- Anh không nhớ cũng phải, vì chúng ta chỉ gặp nhau có một thoáng ở hành lang bệnh viện.
- À, vậy thì tôi nhớ rồi. Cô là cái người được giới thiệu là chăm học lắm, chuẩn bị nghiên cứu sinh đúng không?
- Dạ, đúng ạ. Em tên là Thanh!
Lúc ấy một anh trong đoàn khách đứng lên giới thiệu một cách trịnh trọng:
- Giới thiệu với bác sĩ Tâm, đây là tiến sĩ Đỗ Thị Thanh, người vừa được bổ nhiệm phó giám đốc sở tháng trước. Chị Thanh nhận bàn giao công việc xong, chọn bệnh viện phong là cơ sở đến thăm đầu tiên đấy anh ạ.
- Ồ, thế là lãnh đạo sở xuống thăm chúng tôi à? Vinh dự quá. Vinh dự quá!
Nữ phó giám đốc sở bộc bạch:
- Những năm qua em được biết, được nghe nhiều về anh. Chúng em ngưỡng mộ lắm ạ. Cả ngành y tế tỉnh nhà mỗi mình anh được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Chúng em cần học tập anh nhiều ạ. Em muốn về đây thăm anh để bày tỏ lòng ngưỡng mộ ấy, và muốn học tập thêm...
- Ối giời ơi, lại đưa nhau lên mây xanh rồi. Tôi thì không khách sáo đâu. Nhà nước phong cho tôi danh hiệu vinh dự ấy, tôi trân trọng cảm ơn, nhưng thực lòng tôi cũng chỉ làm việc đúng chức năng của mình. Hơn nữa còn có bao nhiêu người giúp sức…
Nói đến đây Tâm lặng đi một phút vì nhớ đến ông bạn làm giám thị trại giam ở hàng xóm. Lúc nào nhắc đến danh hiệu Anh hùng Tâm đều như vậy. Bởi vì đúng cái ngày anh được nhận danh hiệu cao quý tại hội trường ủy ban nhân dân tỉnh thì ở thung lũng Yếm Bò, người bạn tốt bụng của anh, Thượng tá Hoàng Phong, Giám thị trại giam, nhận quyết định chuyển công tác. Nhận vinh dự xong Tâm còn tranh thủ về Ninh Xuân thăm và chia vui với gia đình. Khi anh quay lại thung lũng Yếm Bò định chia vui với người bạn hàng xóm thì mới biết anh ấy đã chuyển đi xa rồi. Tâm ngẩn ngơ tiếc nuối và có phần áy náy trong lòng. Bởi lúc khó khăn thì bạn giúp mình mà nay có niềm vui thì lại không thể sẻ chia. Mà giám thị chuyển đi xa, không biết có quay lại thăm nơi này không, để được gặp lại nhau? Thành ra nhận niềm vui mà vui không trọn vẹn - Chợt tỉnh lại trong tiếng cười nói râm ran của mọi người, Tâm hào hứng trò chuyện để khỏa lấp nỗi suy tư:
- Xin phỏng vấn tân phó giám đốc sở, đã học đến tiến sĩ rồi, tay nghề vững chắc rồi, chuyên môn cao thế, sao không ở bệnh viện chữa bệnh cho dân mà lên làm sếp làm gì. Có phải phí công học hành không?
Phó giám đốc cười, trả lời:
- Thảo nào mấy năm trước anh lại từ chối chức danh phó giám đốc sở. Lâu rồi em chả được tranh luận với ai về vấn đề anh vừa hỏi. Nhiều người nghĩ như anh, học cao, giỏi chuyên môn là để chữa bệnh, như vậy cũng đúng, nhưng bảo họ đừng làm lãnh đạo thì lại sai lầm. Lên sở em có điều kiện nhìn nhận rộng hơn, kiến thức học tập bao năm của em được áp dụng hiệu quả hơn. Ở bệnh viện trực tiếp điều trị, có thể cứu giúp được một vài người, nhưng bây giờ với kiến thức đó, em lên kế hoạch hoạt động cho ngành, tham mưu với tỉnh ra những chỉ thị, nghị quyết, tác động tích cực đến hàng ngàn người, như vậy chẳng tốt hơn sao.
- Nghe cũng chí lý. Chắc tôi phải thay đổi tư duy. Mong cho tân lãnh đạo phát huy hết khả năng và trí tuệ của mình, phục vụ rộng rãi nhân dân nhé.
Bất ngờ phó giám đốc sở hạ giọng:
- Đến thăm bệnh viện ta, em còn có nguyện vọng nữa là muốn gặp lại người bạn thân của mình.
- Chị có bạn thân ở đây à? Ai vậy nhỉ?
- Cho em gặp ni sư Diệu Liên!
Mọi người cùng à lên, vỡ lẽ. Tâm thì nhớ ngay hình ảnh hai cô mặc blu trắng đi thong dong trong hành lang bệnh viện đa khoa tỉnh. Hồi ấy họ đều là bác sĩ trẻ đầy triển vọng, những hạt giống đỏ của y học tỉnh nhà. Diệu Liên là pháp danh nhà Phật của phạm nhân Liên, của bác sĩ Liên sau khi mãn hạn tù.
Khi còn đang chấp hành án, Liên được lao động cải tạo tại bệnh xá của trại giam. Hơi trái tay một tý, vì chẳng có phạm nhân nào sinh trong trại, nhưng vẫn là đúng nghề, dù gì thì bác sĩ cũng hiểu về thuốc và biết nghe tim phổi. Khi bác sĩ Tâm nhận lời giúp đỡ của giám thị trại giam thì chỉ ba tháng sau một loạt ngôi nhà nhỏ đã mọc lên. Nhà nọ cách nhà kia một khoảng đất chừng vài trăm mét, phủ kín hai héc ta vốn trồng sắn của phạm nhân. Loạt đầu tiên tổ chức cưới gồm năm cặp đôi, trong đó có đôi Đào - Thế. Đôi này gần như trẻ nhất trong làng. Quả là mạ già ruộng ngấu, cây mạ cắm xuống bén rễ ngay. Chỉ vài tháng sau cô Đào mang thai. Khỏi phải nói nỗi mừng vui của họ. Riêng Tâm thì niềm vui gắn chặt với nỗi lo. Bụng của Đào càng lớn thì nỗi lo của anh càng tăng. Lo làm sao cho sự chào đời của đứa bé được an toàn, ca sinh đẻ được mẹ tròn con vuông. Đào sinh ở đâu? Ai sẽ đỡ đẻ cho Đào là bài toán khó. Cách đây năm cây số mới có khu dân cư, có trạm xá, nhưng cũng chưa hẳn có nữ hộ sinh. Dù có nữ hộ sinh cũng chưa chắc người ta chịu đỡ đẻ cho người hủi. Bệnh viện huyện cách đây hơn mười cây số, đưa được sản phụ ra thì đương nhiên người ta sẽ đỡ, nhưng liệu có đưa được ra không, có kịp không? Sinh con đầu thì chẳng biết chắc ngày giờ nào sẽ lâm bồn. Phương án cuối cùng của Tâm là chính mình phải trực tiếp đỡ đẻ cũng đã có trong kế hoạch. Nhưng ngay cả phương án ấy cũng trượt ra ngoài thực tế. Hôm ấy Tâm ra thị trấn dự hội nghị tổng kết ngành y tế của huyện Linh Sơn thì Toán cho người phóng xe máy theo ra. Cái cậu ấy có xe Min-khơ nên còn đến cửa hội trường huyện trước Tâm mười phút. Tâm vẫn kẽo kẹt trên chiếc xe đạp Vĩnh Cửu nên đến sau. Tâm vừa dựng được chiếc xe đạp vào cạnh hội trường thì cậu sứ giả của Toán từ đâu đột ngột hiện ra:
- Báo cáo anh, cô Đào cô ấy trở dạ đẻ. Anh Toán bảo em đón anh về ngay.
Tâm nở nụ cười mà như mếu:
- Sao lại đẻ vào lúc này cơ chứ. Mà cậu Toán với mấy người ở nhà phải linh động mà xử lý, tôi về chắc gì đã kịp. Mà tôi lại còn phải đọc bản báo cáo quan trọng, tôi về thì hội nghị hỏng à?
- Thưa giám đốc, anh Toán và mấy cô y tá đã sẵn sàng, nhưng chỉ sợ cô Đào đẻ khó, hơn nữa sợ có sự cố gì xảy ra. Nhất định anh phải về!
Chủ tọa cuộc họp thì giục xối xả:
- Các đồng chí vào đi, bác sĩ Tâm vào đi. Hôm nay có đại biểu từ tỉnh, từ bộ xuống, rất nóng lòng nghe báo cáo tình hình khống chế bệnh phong. Có một giáo sư đang chờ gặp bác sĩ Tâm đấy!
Suy nghĩ một lát rồi Tâm chạy vào văn phòng ủy ban huyện:
- Cô gì ơi, cho tôi gọi nhờ điện thoại về bệnh viện phong. À không, cô quay máy hộ tôi về trại giam.
- Anh sao thế? Lúc trại phong, lúc lại trại giam. Rốt cuộc là gọi về đâu?
- Gọi hộ cho giám thị trại giam!
Cô văn thư ủy ban huyện nhìn anh, vẻ ngại ngùng. Anh phải đành giới thiệu:
- Tôi là Tâm, giám đốc bệnh viện phong, đến đây dự họp. Tôi có chút việc gấp cần nhờ giám thị trại giam giải quyết. Cô gọi đi, tôi sẽ chịu trách nhiệm.
Cầm ống nghe Tâm nói gấp gáp:
- Ông Phong ơi, tôi cần cấp cứu, ông giúp tôi với!
Phía đầu dây kia, Phong hài hước:
- Ô, hay nhỉ! Giám đốc bệnh viện lại nhờ công an cấp cứu là sao?
- Cô Đào bên tôi đang trở dạ. Bên tôi không có bác sĩ sản khoa. Tôi nhờ ông cho cô Liên sang giúp. Cô Liên giỏi lắm! Ông giúp nhé, tôi ở xa nên đành điện thoại...
- Thế à? Có bệnh nhân đẻ à? Được rồi! Yên tâm. Việc gì trong tầm tay thì tôi quyết liền. Cô Liên sẽ có mặt tại làng phong sau hai mươi phút nữa. Yên tâm chưa?
- Cám ơn nhiều!
Vậy là người bệnh nhân phong đầu tiên sinh con đã được phạm nhân đỡ đẻ. Mẹ tròn, con vuông. Những bệnh nhân khác sinh nở cũng vẫn là bác sĩ Liên sang đỡ. Trong ba năm đã có mười đứa trẻ của làng phong ra đời dưới bàn tay của bác sĩ Liên. Đón đứa trẻ thứ mười chào đời, cũng là lúc Liên mãn hạn tù. Những lần trước dù sản phụ sinh ngày hay đêm, mưa hay nắng thì đặt đứa trẻ vào tay người mẹ hoặc người bố xong, Liên thu dọn và nhanh chóng trở về trại giam. Lần này chị không về mà đi lên phòng giám đốc Tâm. Ngập ngừng một lát rồi Liên nói thẳng:
- Anh Tâm ạ. Em hết hạn cải tạo rồi, cho em ở lại bệnh viện của anh được không?
Quá bất ngờ Tâm lặng thinh một lúc rồi ôn tồn động viên người đồng nghiệp cũ:
- Sao lại thế? Em còn trẻ, hãy về quê làm lại từ đầu. Em có tay nghề tốt, nhiều người cần đến em. Quên chuyện cũ đi mà sống.
- Em quên rồi, nhưng em tự biết đã gây ra tội lỗi quá lớn với gia đình em và gia đình chồng em. Thời gian cải tạo bảy năm, được rút xuống còn năm năm, em đã trả xong rồi, nhưng lương tâm em chưa thanh thản. Em muốn được sám hối để lòng nhẹ bớt.
- Sám hối ư? Anh tưởng những ngày tháng cải tạo vừa qua em đã tự sám hối rồi. Thôi, cứ về làm lại từ đầu em ạ. Đời còn dài lắm. Nhiều điều tốt đẹp còn đợi em phía trước.
- Đời còn rất đẹp, nhưng em muốn được gột rửa hết những u ám trong lòng. Thú thật với anh, em đã gặp sư thầy trụ trì ngôi chùa nhỏ ở đây, xin với sư thầy được quy y cửa Phật, nguyện suốt đời ăn mày cửa Phật thôi. Sư thầy đã hoan hỷ tiếp nhận em. Mong rằng anh cũng hoan hỷ cho em ở lại chùa với thầy.
- Giời ơi! Anh không ngờ em suy nghĩ như vậy. Mới ba mươi lăm tuổi vẫn kịp xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái xum xuê cơ mà, sao phải đi tu?
- Em đã quyết rồi, mong anh giúp em!
Nghĩ ngợi một lát rồi Tâm bảo:
- Em đã quyết định vậy thì anh can ngăn sao được. Em ở lại đây thì làng phong lại có thêm một tấm lòng thiện nguyện. Anh mong muốn dù xuống tóc tu hành thì khi bệnh nhân cần đến bác sĩ sản nhi, em đừng từ chối nhé.
- Đương nhiên rồi ạ. Các bé ra đời tại đây em đều quý như con mình. Giờ em xin phép về trại giam. Em được ra trại từ ngày mai, về thăm quê ít ngày rồi em sẽ trở lại chùa.
Đầu tháng sau đó ngôi chùa nhỏ của làng phong có một ni sư trẻ, với bộ nâu sồng mới. Đó là sư Thích Diệu Liên.
Đoàn khách của sở được Toán dẫn đến thăm khu bệnh nhân. Riêng nữ phó giám đốc được Tâm đưa đến ngôi chùa nhỏ. Trên đoạn đường ngắn, hai người đi bách bộ song song. Nữ phó giám đốc sở hỏi Tâm:
- Từ ngày giám đốc Dên nghỉ hưu, anh Tâm có hay lên sở không?
- Chính xác là không. Có việc gì tôi chỉ gửi công văn. Tôi cũng biết có giám đốc khác về thay, không biết ông mới này có khá hơn sếp cũ không.
- Sếp mới khá hơn nhiều anh ạ. Người ấy không ai khác mà chính là anh Tiến, chồng cũ của chị Liên.
- Hả? Chồng cũ của Liên à? Khổ thân cô Liên. Giá cứ yên vui ở với anh ấy thì bây giờ cũng được là sếp phu nhân rồi.
- Sau khi tu nghiệp ở Hà Nội, anh ấy được cử đi thực tế và nghiên cứu tiếp ở nước ngoài mấy năm, khi về nước thì được bổ nhiệm giám đốc sở. Lẽ ra hôm nay anh ấy cũng xuống thăm bệnh viện mình, nhưng biết Liên đang tu ở đây nên anh ấy không đi nữa. Gặp nhau bây giờ cũng tội anh nhỉ.
- Chắc cũng không sao, vì sư Liên đã toàn tâm toàn ý hướng theo lời Phật dạy. Buông bỏ sân si nên nỗi khổ niềm đau cũng vơi nhẹ đi nhiều.
- Vâng! Mong cho bạn ấy bình tâm và thanh thản.
Cửa chùa rộng mở, sư Diệu Liên chắp tay mô Phật, nét mặt nghiêm trang, hơi vẻ lạnh lùng. Còn phó giám đốc sở thì không nén giữ tình cảm mà chạy ào đến dang rộng hai tay ôm chầm lấy sư Liên như hồi họ còn là sinh viên.
- Mô Phật! Thí chủ đến thăm, tôi cảm động lắm. Thí chủ vẫn xinh đẹp như xưa, chúc mừng! A di đà Phật!
- Sư thầy cũng nhuận sắc lắm ạ! Không khí nơi đây rất tốt, môi trường này chắc rất hợp với thầy?
Theo gợi ý của Tâm, sư thầy Diệu Liên thân chinh đưa phó giám đốc sở đến thăm từng nhà, đặc biệt là những nhà đã sinh em bé. Tâm không đi cùng để hai người trò chuyện với nhau.
Vừa quay về đến phòng làm việc thì Tâm lại được tiếp khách quý. Đó là hai chú cháu chủ tịch hội văn học nghệ thuật tỉnh. Sau cái bắt tay nồng nhiệt, chủ tịch chỉ cô gái đứng sau:
- Giới thiệu với giám đốc, đây là cháu Nga, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Việt Nga, bút danh là Thiên Nga. Cháu đang đảm nhiệm chức vụ trưởng ban thơ của hội, tương lai gần là sẽ thay vị trí của tôi ngày xưa.
- Tưởng là cháu gái của ông, hóa ra là cán bộ của hội. Chào trưởng ban thơ. Trẻ thế này chắc thơ hay lắm.
Cô gái trẻ cười tươi, lấy từ túi xách ra tập thơ, trịnh trọng đưa về phía Tâm:
- Cháu kính biếu chú. Đây là tập thơ thứ ba của cháu. Chú đọc rồi cho cháu xin ý kiến ạ!
- Chú cảm ơn cháu. Chú sẽ đọc để thưởng thức chứ không dám góp ý đâu.
Chủ tịch bảo:
- Nhà thơ Thiên Nga đây tuổi trẻ nhưng đã có nhiều thành tựu. Ngoài ba tập thơ, cháu nó còn có mấy tập tiểu thuyết và truyện ngắn, còn được giải trong cuộc thi thơ toàn quốc. Cái hồi chúng ta gặp nhau bên trại giam, cháu nó mới học cuối cấp hai, đã rất thích làm thơ rồi. Cháu có dự lớp bồi dưỡng sáng tác văn học chỗ tôi. Vậy mà bây giờ đã có bằng thạc sĩ, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm.
- Ô, thế sao vừa mới bảo là trưởng ban thơ, rồi tương lại gần sẽ thay ông?
- Đúng mà. Thì năm ngoái cháu vẫn là giảng viên, nhưng được anh em bầu làm trưởng ban thơ nên cháu chuyển về hội. Hôm nay cháu muốn đến thăm Làng nhân ái tìm tư liệu và cảm hứng để viết tiếp những tập sách mới.
- Quý quá! Cháu cứ ở đây lâu lâu vào, tha hồ khai thác, tha hồ sáng tác. Nhân đây tôi cũng xin cám ơn ông chủ tịch, vì tờ tạp chí Văn học nghệ thuật của ông có in nhiều bài phản ánh về khu điều trị phong, lại còn cẩn thận gửi xuống biếu nữa. Bệnh nhân đọc được, họ vui lắm.
- Anh em hội viên người ta viết, chứ tôi có viết được chữ nào đâu mà cảm ơn tôi. Hồi ấy được biết bệnh viện phong có nhiều việc làm hay, tôi muốn đến ghi chép mà bận nhiều việc quá, nên chỉ cử anh em hội viên đến. Nay tôi nghỉ hưu rồi mới có thời gian.
- Ồ, thế ông đã về hưu rồi à? Tôi thì cũng nghỉ từ tháng sau.
- Vậy chắc cái ông quản giáo bên kia thì chưa nghỉ chứ?
- Ông ấy còn ít tuổi hơn tôi, nhưng ngành công an được nghỉ hưu sớm. Nhưng mà ông ấy chuyển đi xa rồi, cũng không biết đã được nghỉ hay chưa.
- Vậy à! Tưởng ông ta còn ở đấy thì tôi với ông sang thăm. Tôi cảm thấy ba chúng mình hợp nhau lắm. Còn nhiều chuyện muốn nói với nhau lắm!
Tâm nhớ lại:
- Tôi vẫn nhớ hôm ấy ông nói về tác giả Hồng Minh. Sau giám thị cho anh ấy được ở phòng riêng, giao cho những sổ sách của trại để anh ấy đọc, ghi chép và sáng tác. Nhưng nghe nói anh ấy từ chối, xin vẫn ở chung với anh em phạm nhân khác, vẫn đi lao động đội đá nung vôi. Sau đó vẫn viết được những vở chèo hay, các phạm nhân dàn dựng, công diễn vào dịp Quốc khánh. Tôi cũng được giám thị mời sang xem, rất hay. Anh ấy sáng tác rồi tự đạo diễn luôn.
- Vậy à? Anh ấy luôn giữ lòng tự trọng. Khi hết hạn tù anh ấy có về qua chỗ tôi. Một số tác phẩm anh ấy viết trong khi cải tạo, được anh em đánh giá cao. Đoàn chèo của tỉnh đã chọn một vở để dàn dựng.
- Đúng là một văn nghệ sĩ chân chính. À, ngày ấy ông đọc nhiều thơ thế, rồi các ông có in bài nào cho ông ấy không?
- Mấy anh em tôi nhiệt tình đề nghị như thế, mà ông ta vẫn từ chối, có chép cho bài nào đâu mà in. Sau đó đoàn nhà văn xuống thực tế trại giam, có một số tác phẩm, nhưng toàn nói về người tù cải tạo tốt và mấy quản giáo trẻ tích cực, có bài nào viết về giám thị đâu. Anh em đã phân công một người viết về lãnh đạo trại, thì ông ấy bảo viết về phó giám thị.
- Ông ấy làm được bao nhiêu việc tốt mà không muốn chiềng mình lên báo. Tôi đang buồn vì sắp từ biệt nơi này rồi mà chẳng biết ông bạn vàng của mình ở đâu. Về quê rồi liệu có dịp gặp lại nhau không.
- Thôi ông ạ, lẽ đời nó thế. Hợp rồi tan, gặp rồi xa là lẽ thường mà. Hai ông đã cống hiến hàng chục năm cuộc đời ở nơi này, đã làm được nhiều việc để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhau thì dù xa hay gần cũng cứ là vui.
Cô gái trẻ, nhà thơ Thiên Nga đang ngồi ghi chép bỗng xen vào chuyện của hai ông:
- Cháu đã tìm hiểu về các chú. Cháu thấy ba chú giống nhau ở chỗ đều cảm thông và thương những người bất hạnh. Không chỉ thương mà còn sẵn sàng giúp đỡ họ, giúp hết lòng. Đúng không ạ?
Tâm có vẻ ngạc nhiên:
- Nhà thơ trẻ thế này mà tư duy chững chạc gớm. Cháu nhận xét thế cũng đúng, nhưng mà người Việt Nam mình ai cũng có lòng thương người cả cháu ạ, chứ đâu phải chỉ ba ông già các chú. Có khác chăng là mấy ông già này lẩm cẩm hơn mọi người cháu nhỉ?
- Không ạ. Chúng cháu mong rằng sẽ học tập được những cái “lẩm cẩm” như các bác, các chú ạ!
- Tuổi trẻ các cháu thì nhất định phải hơn các chú nhiều. Chú tin như thế - Rồi Tâm quay lại nói với chủ tịch - Vậy chú cháu ông định ở đây bao lâu?
- Tôi chỉ ở được vài ngày thôi, xin ông giới thiệu cho những gia đình bệnh nhân điển hình nhất.
- Vài ngày thì bõ bèn gì. Ở đây không xác định gia đình nào điển hình, vì mỗi người có câu chuyện khác nhau. Ông và cháu cứ đến từng nhà mà xem, mà nghe, mà ghi chép, thoải mái mà sáng tác. Hôm nay có tân phó giám đốc sở xuống thăm.
- Một tiến sĩ nữ phải không. Tôi có biết về cô này. Hai vợ chồng đều là thầy thuốc ưu tú. Cô ấy giỏi nghề lắm, chuyên chữa cho trẻ con. Không mở phòng khám tư, nhưng bà con xóm phố cứ bế trẻ đến nhà nhờ “xem hộ”. Trẻ con hơi trở trời trái gió là bệnh này bệnh nọ, bố mẹ ngại bế đến bệnh viện, trừ trường hợp thật nặng mới đi viện, còn đâu cứ nhờ bác sĩ xem hộ, vừa không mất tiền, vừa yên tâm. Cô ấy được bà con tin tưởng lắm. Cô ấy với ông giám đốc mới đều là những người giỏi. Họ mà làm việc hết trách nhiệm thì nhân dân tỉnh nhà được nhờ.
- Hy vọng là như thế. Vậy ông có biết ngài giám đốc Nguyễn Văn Dên nay ra sao không?
- Ông ấy vẫn khỏe mạnh, có điều căn bệnh lú lẫn của người già đến quá sớm. Ông ấy vừa chạm bảy mươi tuổi mà đã lẫn. Người ta bảo sáng nào ông ta cũng chải chuốt bảnh bao, com lê cà vạt nghiêm chỉnh, rồi ra ngã ba đường đứng đợi. Đợi gì, đợi ai thì không rõ. Con cái lại phải ra dắt về. Chúng hỏi, bố định đi đâu, thì lần nào ông cũng trả lời, ta sang ủy ban tỉnh có chút việc. Chả là ngày còn công tác ông ta thường hay chạy sang ủy ban mà.
Chuyện đến đây hai người đều ngồi lặng đi. Còn cô nhà thơ trẻ thì mải mốt ghi chép. Bên ngoài những vạt nắng vàng tươi, sóng sánh như vui đùa cùng những cơn gió xanh, loang tràn khắp thung lũng.
Viết xong ngày 19-6-2019 Làng quốc tế Thăng Long