TÂM TRỞ VỀ VỚI CÔNG VIỆC CỦA MÌNH TẠI BỆNH VIỆN phong, dự án làm nhà riêng cho bệnh nhân kết hôn vẫn đang dang dở. Dẫu sao cũng phải chạy lên tỉnh báo cáo một tiếng. Mình làm việc phải tuân thủ nguyên tắc, không thể tùy tiện được. Lên tỉnh? Gặp lại cái ông giám đốc vô cảm, rắc rối, đầy tham vọng ấy ư? Biết trước là không được việc, nhưng không gặp ông ta thì càng không được. Thôi thì cứ xem ông ta cư xử thế nào. Dù gì thì thời gian qua mình cũng không làm gì sai. Hơn thế nữa, giám đốc còn được nở mày nở mặt vì tỉnh khen đơn vị của mình, danh nghĩa là ông ta chỉ đạo. Lần này mà cao giọng với mình thì mình sẽ cao giọng lại, không nhịn nữa.
Nhưng ngược hẳn với dự liệu của Tâm, lần này giám đốc lại dịu dàng đến khó tin. Tuy rằng không niềm nở, nhưng từng lời nói có vẻ chân thành:
- Trung tá Tâm à, may quá ông lên đây, nếu không thì có khi tôi cũng xuống đó gặp ông.
Quá ngạc nhiên, Tâm hỏi:
- Vậy đáng lẽ tôi đừng lên thì được vinh dự đón giám đốc sở tại bệnh viện nhỉ. Nhưng mà có việc gì quan trọng thế ạ?
- Có một chút việc, vừa là chung vừa là riêng. Mình đang cần kiện toàn bộ máy lãnh đạo sở.
- Việc ấy thì có liên quan gì đến tôi. Sở có gì thay đổi sao?
- Có. Mình muốn ông về đây làm phó giám đốc, phụ trách mảng chuyên môn khám chữa bệnh. Ở dưới bệnh viện phong cũng đến gần hai năm rồi nhỉ. Cân nhắc mãi mình thấy chỉ có ông về nhận chức danh phó này thì mới hợp và mới thuận. Mình muốn hỏi ý kiến ông trước rồi mới báo cáo tổ chức. Ý ông thế nào?
Bất ngờ quá, chưa bao giờ Tâm nghĩ đến điều này. Càng băn khoăn không hiểu vị giám đốc có ý gì khác nữa. Anh trầm ngâm suy nghĩ một lát mới trả lời:
- Cảm ơn giám đốc đã quan tâm, nhưng đột ngột quá, phải cho tôi suy nghĩ đã.
- Thì cứ suy nghĩ, nhưng ông nên hiểu rằng trong mấy chục cán bộ kế cận, tôi chọn mỗi ông thôi đấy. Ông có biết từ giám đốc một bệnh viện lên đến lãnh đạo sở là một bước thật dài không? Nhiều tay mon men mấy năm rồi vẫn không lên được.
- Tôi biết chứ ạ. Nhưng mà đột ngột quá, tôi không kịp nghĩ. Cho tôi một tuần được không?
- Được, nhưng cậu phải tỏ rõ quan điểm và có động tác khẳng định, nếu không, tay giám đốc bệnh viện đa khoa, rồi tay trưởng phòng y tế thị xã nó sẽ tranh mất. Chúng nó đều có bài bản riêng hết rồi.
- Vậy sao giám đốc không chọn họ. Họ công tác ở tỉnh nhà lâu năm, chắc hẳn có lợi thế hơn tôi chứ. Tôi về đây phải làm quen từ đầu, mất nhiều thời gian lắm.
- Có gì đâu, dăm bữa nửa tháng là quen hết ấy mà. Hơn nữa, cần gì phải quen, mình cứ theo nguyên tắc chung mà thực thi nhiệm vụ, ông nào dám bắt bẻ phó giám đốc sở cơ chứ. Theo tôi, ông không nên bỏ lỡ thời cơ vàng.
- Vâng, dù sao tôi vẫn phải suy nghĩ. Giờ tôi báo cáo anh về việc hôm nay có mặt tại đây.
- Được, nói đi!
Nghe xong, giám đốc sở đổi ngay thái độ, gần như ông nổi khùng:
- Quá đáng! Sao ông cứ đi lo những việc giời ơi như thế. Mình chỉ chữa bệnh, khoanh vùng lây lan. Phát hiện trong cộng đồng, nơi đâu có người bệnh thì mang về mà chữa. Phấn đấu làm sao đến năm hai nghìn là cơ bản khống chế căn bệnh phong này, theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Thế là chúng ta hoàn thành nhiệm vụ. Vừa rồi ông đã lo được đời sống tâm linh cho họ, có nhà thờ, có chùa chiền thế là quá mỹ mãn rồi. Giờ lại nghĩ ra căn hộ riêng, với nhà trẻ nữa, tôi chịu ông đó. Chiều bệnh nhân thì cũng có chừng mực thôi chứ. Được voi lại muốn đòi tiên. Không thể được. Tôi không đồng ý, không ủng hộ, không gì hết. Tôi muốn ông bàn giao công việc cho người khác rồi về đây nhận trách nhiệm của lãnh đạo sở...
- Thưa anh, đúng ra là mình chỉ chữa bệnh thôi, nhưng bệnh của họ đã ổn định rồi. Trong cộng đồng nếu phát hiện có người mắc, chúng tôi vẫn mời đến chữa bệnh, hoặc động viên họ đến thăm khám tại trạm da liễu của các huyện. Bệnh nhân nội trú và điều trị suốt đời trong bệnh viện phong hiện nay có gần hai trăm người. Trong số đó hơn một nửa họ còn khỏe mạnh, có nhu cầu xây dựng mái ấm hoàn toàn bình thường. Chả lẽ để họ sống đến cuối đời trong nỗi khát khao hạnh phúc hay sao? Tôi thông cảm sâu sắc với họ nên mới lập dự án này!
- Tôi biết là ông thông cảm với họ, nhưng mong ông hãy thông cảm với lãnh đạo trước đã. Ở đây chúng tôi lo cho sức khỏe của hàng vạn dân trong tỉnh, chứ không thể vì mấy chục người. Dẹp cái đề án ấy đi, tôi rất nhiều việc hệ trọng đang cần lo đây. Ông chả giúp tôi thì chớ, còn bới thêm những chuyện vớ vẩn làm gì.
Tâm rời khỏi phòng giám đốc trong tâm trạng khó tả. Vừa bực, vừa buồn, vừa xao động. Về làm phó giám đốc sở ư? Mới ngày nào ông ta bảo nghĩ mãi mới được công việc hợp với mình, nay vừa nhập cuộc thì lại bảo về đây mới đúng chỗ. Sao vậy chứ? Chắc là có nguyên cớ gì đây. Nghĩ vậy nên Tâm mạnh dạn gõ cửa phòng tổ chức. Trưởng phòng tiếp anh với thái độ bình thản. Không e dè cũng chả ý tứ, Tâm nói rõ với trưởng phòng về việc giám đốc sở muốn mình về đây làm phó. Trưởng phòng thoáng vẻ mừng rỡ rồi từ tốn nói:
- Hóa ra ông ấy muốn chọn cậu à? Được thế thì tốt đấy. Ông phó phụ trách lĩnh vực ấy mới về hưu, chỗ trống ấy nhiều người chầu chực rồi. Hồ sơ tôi có cả đây, rõ nét nhất là hai ông, nhưng mà giám đốc ngại họ lanh quá, sắc sảo quá. Nếu họ về đây thì cái chức giám đốc của ông ta chỉ vài năm là họ giành mất. Ông ta một là về hưu sớm, hai là chuyển chỗ khác. Giờ vị trí của ông ấy không vững nữa, chuyện này, chuyện khác vu vơ dội lên đầu, về lý thì không ai bảo gì, nhưng về uy tín thì tổn thất nặng nề. Khóa tới muốn lấy lại ghế tỉnh ủy chắc là khó. Hai tay kia nó mà lên đây, thì khóa bầu tỉnh ủy tới chắc chắn nó vào. Người nào cũng sáng giá hơn ông sếp bây giờ. Nếu là cậu thì ông ấy không phải lo việc chen lấn nữa. Ít nhất thì vẫn giữ nguyên vị trí cho đến lúc nghỉ hưu. Về phía cậu, nếu lên được đây là rất tốt. Dù không muốn tranh thì khoảng bảy năm nữa ông ấy đủ tuổi hưu, cờ sẽ đến tay cậu thôi.
Thì ra là vậy. Nghe xong Tâm càng buồn thêm. Ông ấy tính chuyện giữ chỗ chứ có vì công việc đâu. Ông ấy nghĩ mình không thể tranh chức trưởng với ông ấy sao? Coi thường nhau quá. Đây không bao giờ tranh giành chức tước với ai. Không thèm tranh chứ không phải là không thể. Nghĩ vậy nên đi ra đến sân rồi, Tâm lại quay trở vào phòng tổ chức. Trưởng phòng hỏi:
- Quên cái gì đấy?
- Không quên gì. Tôi quay lại để nhờ anh một việc. Ban nãy giám đốc sở cho tôi một tuần để suy nghĩ rồi trả lời về việc có đồng ý về làm phó sở không. Nãy giờ tôi nghĩ kỹ rồi, nhờ anh báo lại với ông ấy là tôi không muốn về sở. Thôi thì tài hèn sức mọn, xin được ở lại bệnh viện phong. Dứt điểm vậy để họ tìm người khác
Trưởng phòng tổ chức trầm ngâm:
- Cậu có quyết định vội vã quá không? Đây là cơ hội tốt để cậu bước lên vị trí cao hơn, trước lúc nghỉ hưu. Về đây lại gần nhà, gần vợ con, gần lãnh đạo tỉnh, thuận lợi mọi bề. Không nắm bắt thời cơ này thì rất đáng tiếc. Có thể cậu sẽ ở dưới đó đến lúc nghỉ hưu.
- Không sao. Ngay từ lúc nhận quyết định xuống dưới đó tôi đã xác định sẽ công tác lâu dài. Tôi vẫn nhớ anh chọn vị trí ấy cho tôi rồi tham mưu cho các thủ trưởng mà.
Trưởng phòng cười nhạt:
- Thì lúc ấy, vị trí ấy là phù hợp. Bây giờ sự việc vận động, phát triển thì mình cũng phải phát triển theo chứ. Cậu đừng có cứng nhắc, thiệt thân mà thôi.
- Thực tình tôi đã nghĩ kỹ rồi. Tôi không phù hợp với công việc ở đây. Nhờ anh nói lại với giám đốc sở hộ, kẻo xa xôi quá, tôi quay đi quay lại vất vả, mà giờ chạy lên trả lời ngay e cũng bất tiện. Vậy nên nhờ anh giúp tôi.
Tâm cắm cúi đạp xe về huyện Linh Sơn. Anh cũng định về Ninh Xuân thăm nhà, nhưng vẫn còn giận vợ. Từ hồi cô ấy đuổi ra chõng tre đến nay đã gần một năm anh không về quê. Vừa vì bận công việc, vừa bực mình và khó chịu khi nhớ lại cái cảm giác cá treo mèo nhịn đói. Anh đã gửi về hai lá thư, chỉ hỏi thăm sức khỏe của vợ con, chứ không trách móc gì. Để cô ta tự nghĩ. Không có thư đáp lại. Anh cũng nóng ruột nhưng chả muốn làm mình thêm mệt. Chưa hiểu nhau, về rồi lại cãi nhau. Thôi, chịu vậy, về bệnh viện lo công việc của mình đã.
Thấy Tâm trở về với tâm trạng khác lạ, phó giám đốc Toán ngập ngừng hỏi:
- Anh đi lần này có được việc không ạ?
- Không. Việc mình, mình phải lo thôi. Cấp trên còn bận nhiều việc quan trọng hơn.
- Vâng! Chỉ cần trên cho phép thôi anh nhỉ.
- Ừ! Chuyến đi này mình hơi mệt, để mình nghỉ đã. Dự án mình vẫn quyết tâm làm. Chúng mình cùng suy nghĩ tiếp nhé.
Đầu tuần ấy khi xuống thăm các phòng bệnh, Tâm chưa muốn nói gì về chuyện xây dựng gia đình của họ. Nhưng đến phòng nào cũng có người hỏi:
- Thưa giám đốc, sắp cho chúng tôi ở riêng chưa?
Anh không trả lời thẳng mà động viên họ:
- Cứ từ từ, muộn bao nhiêu ngày còn được, thêm ít ngày nữa có sao? Chuẩn bị tinh thần nhé!
- Chúng tôi chuẩn bị lâu rồi, mong ngày mong đêm được giám đốc cho phép!
Cuối tuần ấy bạn trai cô Đào đường đột gõ cửa phòng giám đốc. Rụt rè một lúc rồi anh nói khẩn khoản:
- Thưa giám đốc, tôi là Thế ở buồng bệnh số 5. Tôi là bạn trai của cô Đào. Hoàn cảnh chúng tôi chắc giám đốc cũng biết rõ. Tôi yêu Đào, tôi thương Đào, muốn được ở chung với nhau. Tôi đã viết thư về gia đình báo cáo sự việc. Gia đình tôi có gửi tiền để lo đám cưới và dựng nhà riêng. Xin giám đốc cho phép ạ.
Tâm sửng sốt, không dám tin lời nói ấy. Bởi vì số tiền đó bằng cả một gia tài. Lương trung tá của anh cũng chỉ có một phần nhỏ. Vậy mà... Anh dõng dạc hỏi:
- Anh Thế nói lại tôi nghe. Thực tình tôi chưa hiểu!
- Thưa giám đốc, gia đình tôi gửi số tiền… Xin cho tôi cưới vợ và dựng nhà riêng.
- Vậy nhà anh buôn bán hay làm ăn gì lớn mà gửi nhiều tiền thế?
- Thưa giám đốc, nhà tôi cũng lao động bình thường thôi. Nhưng thầy u tôi có mỗi tôi là con trai, không may tôi bị bệnh nên cả nhà thương lắm. Trước đây gia đình đưa tôi đi chữa mãi trong trại Quỳnh Lập, Nghệ An. Khi máy bay Mỹ đánh phá dữ quá, gia đình lại xin tôi về. Từ khi tỉnh nhà có bệnh viện này, tôi nhập viện gần như đầu tiên. Nay tôi đã bốn mươi tuổi rồi, gặp được Đào giống như được ông trời cho quà, bù đắp những ngày buồn khổ trước đây. Tôi viết thư về nhà báo tin là sắp lấy vợ, sinh con thì ai cũng mừng. Cả họ dồn tiền để giúp tôi, mong có được đứa cháu khỏe mạnh để nối dõi.
- Vậy ư? Thế các cụ có biết cô Đào không? Có ngại vì hai người cùng bị bệnh không?
- Chưa biết người, nhưng tôi kể hoàn cảnh của Đào thì ai cũng thương. Anh em tôi khác hẳn với anh em Đào, không bao giờ họ hắt hủi tôi cả. Có đứa em giờ học rất cao, biên thư động viên tôi cứ lấy vợ, sinh con. Nếu cháu khỏe mạnh không mắc bệnh này thì gia đình sẽ mang về nuôi giúp. Mà nó còn bảo căn bệnh phong cùi này ít khi lây sang con cái, phải thế không, bác sĩ?
- Mừng cho anh Thế có gia đình thương mến. Mừng cả cho cô Đào. Hai người rất đẹp đôi. Thực tình chúng tôi biết bệnh này không lây hoặc rất ít lây từ bố mẹ sang con trẻ. Chỉ lo người đời không hiểu nên kỳ thị các cháu thôi. Nếu chỉ có anh với Đào thì chúng tôi giải quyết ngay, nhưng có tới 30 người đăng ký nên lãnh đạo còn cân nhắc. Gia đình anh ủng hộ cao như thế là tốt, nhưng còn nhiều gia đình khác, không có điều kiện thì bệnh viện phải lo, hơn nữa phải có chỗ để dựng lên từng ấy ngôi nhà chứ. Tôi đang tính hay cho các gia đình phá hoang nơi bìa rừng... Nhưng chết nỗi đa số bệnh nhân tàn phế, làm thế nào được.
Anh Thế hăng hái:
- Cho lên bìa rừng cũng được giám đốc ạ. Tôi sẽ huy động một số anh em còn sức khỏe, sẽ chặt cây, cuốc gốc vài tháng là đủ đất thôi ạ.
- Đó cũng là một cách, nhưng không hay lắm. Ai lại bắt bệnh nhân đi khai hoang cơ chứ. Anh Thế cứ về nhé. Chúng tôi bàn tính rồi quyết sớm.
Nghĩ mãi, nghĩ mãi Tâm vẫn chưa tìm ra giải pháp nào. Thu hẹp diện tích trồng cây và trồng hoa lại cũng chỉ đủ chỗ cho dăm gia đình, số còn lại thì sao? Thà không có thì thôi, chứ tạo điều kiện cho người này mà người khác không được thì lại thêm rắc rối. Hay là cho xây nhà tầng nhỉ. Ý nghĩ ấy lóe lên rồi anh xóa ngay. Toàn bệnh nhân, tay hỏng, chân cụt, leo sao được nhà tầng. Mà tiền đâu để xây cơ chứ. Đau đầu thật. Một ý nghĩ khác lại lóe lên trong đầu Tâm: Phải thử cách này xem có được không. Và anh mạnh dạn quay máy điện thoại tới số máy của ông giám thị trại giam. May là cách đây một tháng, bệnh viện đã được lắp một chiếc điện thoại bàn, kinh phí do hội chữ thập đỏ tài trợ. Còn ở trại giam thì có điện thoại trước rồi.
- A lô! Ông Phong à! Tôi Tâm đây, có việc này muốn xin ông giúp!
- Ông cứ nói đi, việc gì giúp được, tôi đâu có ngại!
- Vẫn là cái việc cho bệnh nhân lập gia đình riêng ấy. Họ yêu cầu tha thiết mà tôi chưa làm được. Bí nhất là diện tích đất bên tôi hẹp quá. Tôi thấy hai bạt nương trồng sắn của bên ông giáp với bên tôi, có thể cắt bớt một mảnh giúp các bệnh nhân phong được không?
Nói với nhau qua dây điện mà Tâm cảm nhận rõ sự nồng nhiệt của người giám thị trại giam:
- Nương sắn hả? Được! Tôi sẽ đề nghị trên, cắt hai héc ta đang trồng sắn, giáp với bệnh viện của ông ấy, cho hẳn các bệnh nhân để họ dựng nhà.
- Rộng quá! Xin nhận một nửa thôi!
- Ông chán thế! Cho người ta làm nhà riêng thì cũng phải cho họ mảnh vườn riêng để họ trồng khoai, trồng đỗ, chứ ra ở riêng rồi chỉ ngồi nhìn nhau à?
- Tôi sợ phiền ông!
- Phiền gì. Dù sao các phạm nhân họ đều khỏe mạnh. Họ lại khai hoang tiếp. Mà cũng đừng lo công làm nhà. Tôi sẽ cho phạm nhân lao động nửa tháng là có đủ ba mươi ngôi nhà cho ông. Thỏa mãn chưa?
- Được thế thì tôi xin chắp tay vái ông để tạ ơn!
- Khách sáo làm quái gì. Chúng ta đều lo việc chung chứ có lo cho riêng mình đâu mà ơn với huệ. Thống nhất thế nhé.
Buông ống nghe mà Tâm tưởng mình vừa trải qua một giấc mơ, còn hơn cả mơ. Bao nhiêu lo toan chồng chất trên vai anh như một gánh nặng quá sức, bỗng chốc được nhấc bổng khiến anh nhẹ bẫng, tưởng có thể bay lên. Mừng quá là mừng, nhưng trong lòng lại xuất hiện nỗi lo lắng mới. Lo cho ông bạn hàng xóm này liệu có gặp vướng mắc nào không? Và thế là Tâm lại vồ lấy máy điện thoại quay liên tiếp như cần báo tin khẩn cấp.
Từ đầu dây bên kia, tiếng giám thị trại giam có vẻ hốt hoảng:
- A lô! Ai đấy... Vẫn là ông à?
- Vẫn là tôi. Qua cuộc nói chuyện ban nãy tôi mừng lắm, mừng không thể nói hết, nhưng bỗng thấy lo lo. Này, ông quyết nhanh như vậy không sợ gì à? Nhỡ đâu anh em ở đấy không đồng ý, nhỡ đâu cấp trên kỷ luật... thì tôi ân hận quá!
- Bạn ơi! Lo nghĩ nhiều thế làm gì. Tôi quyết nhanh nhưng không phải vì tôi làm liều. Cái gì trong tầm tay mình thì mình mới dám quyết chứ. Tất nhiên ngay ngày mai tôi sẽ bàn với các đồng chí phó giám thị. Tin tưởng các anh ấy cũng thống nhất cao. Còn với cấp trên tôi sẽ báo cáo sau. Hỗ trợ đơn vị bạn, nhất lại là những người bệnh phong là việc nên làm, chẳng những người tù mà người nào có điều kiện cũng nên làm. Chắc chắn cấp trên sẽ ủng hộ. Đừng lo nghĩ nữa, ông cứ đi báo tin cho bệnh nhân họ mừng. Chào nhé!
Từ sau cuộc điện thoại đó, sau những lời quyết đoán đó, không khí làng phong luôn rộn ràng như đón tết. Cô Đào hai má đỏ hồng, cứ vài ngày lại dắt tay chồng sắp cưới đi lên khu nhà làm việc của ban giám đốc bệnh viện, chỉ để nói với vào một câu: “Chúng em cảm ơn ban giám đốc. Cảm ơn giám đốc Tâm”. Hai lần Tâm phải nhắc: “Cô đừng làm quá lên như vậy”, mà Đào vẫn không thôi.