CHUYẾN ĐI TIỀN TRẠM XUỐNG TRẠI GIAM CHO CHỦ tịch niềm vui đặc biệt. Ông đã đạt được hai mục đích trong chuyến đi này. Một là được giám thị trại giam cho phép đoàn văn nghệ sĩ vào trại thực tế. Việc thứ hai sâu xa hơn là ông đã giúp được người hội viên của mình bớt phần khổ nhọc. Hôm ấy ông không trực tiếp gặp Hồng Minh, vì biết rằng từ khi bị bắt anh ấy rất ngại gặp người quen. Nay ở trại giam chắc tâm lý ấy còn day dứt. Thôi, cứ để cho anh ấy lắng đọng tâm tư, bình tâm lại đã. Cốt lõi là giám thị đã hiểu về thân phận và sức khỏe của Hồng Minh, anh ấy sẽ được cải tạo lao động với công việc phù hợp sức của mình. Đó là điều mình mong mỏi nhất. Về đến cơ quan, chủ tịch giao cho hai trưởng ban văn, thơ ngay ngày mai rà soát các cây bút hội viên. Ai viết được, đi thực tế được thì thông báo để họ đăng ký sớm. Hội sẽ thành lập đoàn đi thực tế trong đầu tháng tới. Trưởng ban thơ xin ý kiến:
- Nhà thơ Văn Si đang “máu lửa”, có cho anh ấy đi thực tế lần này không?
- Có! Nếu anh ấy đăng ký thì cứ cho đi. Việc anh ấy nghĩ về hội, về chúng ta thế nào chả quan trọng. Cốt là anh ấy nghĩ về cuộc đời, nghĩ về nhân sinh thế nào thôi. Biết đâu xuống đó anh ấy lại có những bài thơ chói sáng, góp cho nền thơ chung thì sao. Việc của hội chúng ta chỉ là tạo vườn ươm, vun xới, bón chăm cho tốt. Hoa trái nở ra thế nào còn tùy hạt giống.
- Vâng, tôi sẽ gửi giấy mời cho anh ấy!
Trưởng ban thơ nói nhà thơ Văn Si đang “máu lửa”, cũng là nhắc lại những lời bàn tán của anh em hội viên gần đây. Chả là sau cái hôm tuyên bố: “Tôi đếch chơi với các ông nữa, cóc cần hội nữa”, Văn Si về nhà vật vã trong nỗi buồn giận. Ông căm ghét mấy tay trong ban chung khảo. Ông giận hờn cái ông chủ tịch, mang tiếng là bạn thân mà không bênh vực nhau. Ông oán trách cả các sếp ủy ban tỉnh. Dù sao thì cuộc trao giải vẫn cứ diễn ra, nhiều người hân hoan và hãnh diện, nhưng nghe ngóng đâu đó vẫn có lời ong tiếng ve của những người chưa được giải. Với tính nhạy bén trời phú, lại có kinh nghiệm từng đánh đổ mấy vị giám đốc, nên Văn Si quyết định cầm bút để tiếp tục “đánh đổ” cuộc trao giải này. Nhưng mà đánh đổ người nào cụ thể đây? Đánh cái ông chủ tịch thì dễ, nhưng chết nỗi ông ta không có lỗi gì trong cuộc trao giải. Ông ta làm đúng các quy trình, còn định giải cao thấp thế nào là do các quý hội viên trong ban giám khảo bỏ phiếu. Còn đánh đổ ủy ban tỉnh thì rất khó, vì ủy ban tỉnh đã có cả đội ngũ tham mưu hùng hậu. Chung quy lại cũng chỉ tại mấy ban chấm giải năng lực yếu kém, không thể thẩm định được những bài thơ xuất sắc. Vậy nên trước tiên phải “đánh” những ban này. Vậy là Văn Si viết hàng loạt bài nhằm công kích các ban chuyên môn của hội. Viết rồi ônggửi lên tờ báo tỉnh, phô tô vài bản gửi lên mấy tờ báo Trung ương. Chờ mãi chẳng thấy báo nào hồi âm nên Văn Si càng bực. Nội dung các bài đó cũng chỉ xoay quanh việc chọn giải thưởng thơ không chính xác, những bài hay bị bỏ lọt và lên án cách làm việc lằng nhằng của những cái gọi là ban sơ khảo và chung khảo.
Thực hiện đúng kế hoạch, đầu tháng sau đó một đoàn văn nghệ sĩ chừng mười người đi thực tế thung lũng Yếm Bò. Trong số văn nghệ sĩ này không có nhà thơ Văn Si. Nhận được giấy mời đi thực tế sáng tác tại trại giam và bệnh viện phong, Văn Si đọc đi đọc lại vài lần, bụng bảo dạ: Sao họ lại cho mình vào trại giam thế này? Sáng tác ư? Sáng tác quái gì ở đó. Sao không cho đến các doanh nghiệp điển hình, tiến tiến. Họ làm ăn giỏi mới có nhiều tư liệu để viết thành văn, thành thơ chứ. Xuống trại giam, gặp mấy thằng tù ngổ ngáo, khéo không nó choảng cho vài cái, vỡ đầu, chẳng bõ. Rồi lại cho vào bệnh viện phong, toàn những người hủi cùn hủi cụt, ghê chết.
Chủ tịch cũng không có mặt trong đoàn đi thực tế. Ông phải ở nhà để trình và bảo vệ đề án mở lớp bồi dưỡng sáng tác văn học cho thiếu nhi.
Đề án mở lớp bồi dưỡng sáng tác văn học cho thiếu nhi đã được ấp ủ từ vài năm trước. Dựa trên thực tế trong tỉnh có rất nhiều trẻ em thích làm thơ, viết văn. Nhiều em mạnh dạn gửi tác phẩm về hội nhờ các cô các chú xem hộ. Đặc biệt có mấy cháu học ở lớp chuyên văn, trường năng khiếu của tỉnh gần như tuần nào cũng dắt nhau đến trụ sở hội. Gặp được ông chủ tịch hiền, vui tính, chúng xúm vào vòi vĩnh: “Bác ơi, sửa cho cháu bài thơ này với”. “Bác ơi, dạy chúng cháu làm thơ với”. “Bác ơi, hôm nào các nhà thơ trên Trung ương về đây, cho chúng cháu sang xin chữ ký nhá”. Hầu như chủ tịch chỉ cười vui, ừ hữ và động viên các cháu. Cũng có hôm ông căn vặn chúng: “Các cháu thích làm thơ, viết văn, sao không bảo các thầy cô bên trường dạy, sao không đưa thơ cho các thầy cô bên ấy sửa cho?”. Chúng tranh nhau trả lời: “Thầy cô chúng cháu không dạy làm thơ, chỉ dạy theo giáo trình thôi, chỉ dạy làm văn nghị luận với viết thư thôi... Chúng cháu “ứ” muốn hỏi thầy cô về cách làm thơ đâu. Chúng cháu muốn hội văn học nghệ thuật của bác dạy chúng cháu cơ”. Ấn tượng nhất là một hôm có đến năm, bảy đứa kéo đến, cầm theo một tập bài viết sẵn. Đứa nọ giằng giọ với đứa kia để được đặt vào tay chủ tịch trước. Cái Nga lóe xóe nói: “Bác phải đọc hết chỗ này, góp ý cho từng bài một. Trong này có bài của cái Thu Hiền nó viết về đám cưới của bố nó, là đám cưới vợ hai ấy, bố mẹ nó bỏ nhau lâu rồi. Nó bảo vợ của bố con biết gọi là gì nhỉ. Còn bài của cái Lan Anh nó viết về người bà mới từ trần của nó. Nó muốn hóa thành con dế để chui xuống đất ngủ với bà. Bọn cháu đọc xong, đứa thì cười, đứa thì khóc. Bác giúp chúng cháu với”. Chủ tịch cầm cả tập bài ấy về đọc, đúng là có nhiều trang vui, nhiều ý tưởng lạ. Riêng hai bài thơ cháu Nga nói trên đã làm ông ngậm ngùi. Thương những tâm hồn non trẻ đã vấp phải những sóng gió cuộc đời. Giờ đây nhiều gia đình tan vỡ, khiến những đứa trẻ bơ vơ trong mái ấm của mình. Còn cái cô bé thương nhớ bà đến muốn biến thành con dế thì đáng trân trọng quá. Các cháu thật ngoan và đáng yêu.
Hội đã mở vài ba lớp sáng tác rồi, nhưng ngặt nỗi kinh phí rất hạn hẹp, chỉ đủ mở một buổi khai mạc rồi bế mạc. Bản thảo của các em muốn được góp ý, phải để lại ban biên tập đọc vài ngày. Muốn cho các em tiếp xúc với một vài nhà văn trên Trung ương để được truyền cảm hứng nhưng không thể làm được. Hội đã đánh công văn gửi các ngành đề nghị ủng hộ. Quanh quẩn cũng chỉ có tỉnh đoàn thanh niên, tỉnh hội phụ nữ, ủy ban chăm sóc trẻ em, sở giáo dục, đến ủng hộ, mà chủ yếu họ mang quà là sách bút, giấy vở đến, thành ra khó vẫn hoàn khó. Có đại biểu góp ý: “Việc bồi dưỡng các em viết văn, thơ cũng coi như bồi dưỡng nhân tài, hội phải đề nghị với tỉnh quan tâm”. Nghe có lý, chủ tịch đích thân viết một đề án rồi đăng ký trình với ủy ban. Ông cho rằng việc đào tạo những người cầm bút trẻ là việc của nhà nước. Hội văn học nghệ thuật chỉ là cơ quan tham mưu thôi. Đề án được thông qua ban thường vụ hội, rồi theo lịch, chủ tịch trực tiếp lên bảo vệ dự án với lãnh đạo tỉnh. Dự buổi họp này chỉ có mấy người. Chủ tịch tỉnh, phó chủ tịch tỉnh phụ trách văn hóa xã hội, phó giám đốc sở tài chính, đại diện tỉnh đoàn thanh niên, đại diện sở giáo dục. Các chuyên viên văn phòng ủy ban tỉnh... Tổng số dưới mười người, thời gian được một giờ. Chủ tịch đọc đề án trong năm phút, giao đãi thêm, lý giải thêm, tổng cộng mất mười lăm phút. Chủ tịch tỉnh đề nghị mọi người phát biểu. Cậu chuyên viên hôm trước chắp nối việc trao giải thưởng, hôm nay hào hứng:
- Lần này hội văn học nghệ thuật có đề án nghiêm chỉnh thật. Mọi khi đến đây toàn nói vo, chúng tôi phải ghi chép mệt nghỉ. Sau lần được tỉnh trao giải có vẻ các bác phấn khởi hơn nhỉ!
Mọi người cười ồ lên. Dư âm của cuộc trao giải chưa tan hết, nay lại được chuyên viên kia khơi lại. Phó giám đốc tài chính nhân đó nói vui mà gần như trách móc:
- Tiền thưởng rủng roảng mà chả thấy mời anh em cốc bia!
Chủ tịch chữa thẹn:
- Có thiếu sót nhỉ. Hôm nào trân trọng mời phó giám đốc sang thăm tệ xá nhé. Bia thì bình thường quá. Anh em sẽ mời một bữa thơ xả láng.
Vào việc chính, đại biểu đoàn thanh niên, sở giáo dục đều phát biểu tỏ quan điểm đồng tình đề nghị ủy ban tỉnh cho một khoản kinh phí để hội mở lớp bồi dưỡng viết văn, cũng là để phát hiện nhân tài cho đất nước. Đến lúc phó chủ tịch lên tiếng. Đây là lĩnh vực ông được giao phụ trách để giúp cho chủ tịch. Ông có vẻ không bằng lòng với một số điểm ghi trong đề án, đặc biệt là kinh phí. Giọng ông hơi gay gắt:
- Hội cũng lắm chuyện, vừa nhận giải thưởng xong lại xin tiền mở lớp. Tỉnh nhà đâu phải cái máy in tiền. Thơ văn đã có ngành giáo dục dạy dỗ đào tạo các em. Mà theo tôi biết, đó là khả năng trời phú chứ đâu phải các ông bồi dưỡng mà nên được. Nghe nói có em đã thành thần đồng thơ từ lúc tám tuổi, có hội văn học nghệ thuật nào bồi dưỡng đâu. Bởi vậy, theo tôi, đề nghị chủ tịch không chấp nhận đề án này. Chúng ta chỉ chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi, thi lấy giải quốc gia thôi. Em nào giỏi văn thì cho vào trường năng khiếu văn. Đừng mở lớp liếc thêm nữa. Thêm gánh nặng cho tỉnh.
Chủ tịch tỉnh từ đầu vẫn cắm cúi xem mớ tài liệu nào đó, nhưng có vẻ ông vẫn nghe hết. Đến đây ông bảo:
- Hội văn học nghệ thuật có nói gì thêm không?
- Thưa chủ tịch. Tôi đã trình bày rõ ý nghĩa và mục đích của việc bồi dưỡng thiếu nhi trong đề án. Còn bây giờ cho phép tôi tranh luận với phó chủ tịch. Thưa anh, nói vậy tức là anh chẳng hiểu gì về văn thơ cả. Nhà trường người ta dạy văn để các em sau này ra cuộc sống thực hành công việc, còn hội chúng tôi bồi dưỡng sáng tác là để các em viết tác phẩm, viết những cái tinh túy nhất trong tâm hồn, trao gửi đến mọi người. Nếu ai cũng được trời phú như thần đồng thì quá tuyệt vời, nhưng thưa anh, ngoài trời phú các em thần đồng đó còn phải mày mò học từ những người đi trước, rồi học các nhà thơ lớn như Xuân Diệu, Tố Hữu trên sách báo. Qua thực tế chúng ta đều biết những em có ý thức đọc sách báo, thích viết văn, làm thơ, vẽ tranh, đều là những thiếu niên ngoan. Mở lớp này là nhằm bồi dưỡng thêm về tâm hồn, về nhân cách cho các em có năng khiếu sáng tác, giúp các em nhìn nhận cuộc sống đúng hơn, đẹp hơn, để viết ra những tác phẩm bổ ích cho cuộc đời. Nếu chúng ta tạo điều kiện cho các em sớm thì sẽ có tác phẩm sớm. Còn theo tôi, nếu tỉnh tiếc tiền bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách cho các em thì tỉnh sẽ phải chuẩn bị thêm tiền để mở lớp giáo dục nhân cách. Vì các trẻ hư sẽ phát sinh nhiều.
Phòng họp lặng đi. Phát biểu vậy và chủ tịch nghĩ rằng việc sẽ không thành. Cái ông phó là tham mưu chính còn không ủng hộ thì ông trưởng làm sao đây. Nhưng không ngờ ông chủ tịch có vẻ lạnh lùng từ sáng kia lại quyết định một cách nhanh chóng:
- Không có ý kiến gì khác, tôi kết luận nhé. Hoan nghênh đề án của hội văn học nghệ thuật. Việc bồi dưỡng cho các em thiếu niên làm thơ văn là việc tốt. Nhà trường dạy các em tập làm văn thì cứ dạy. Còn đây là người ta dạy làm thơ, viết truyện cơ mà. Khác nhau. Tôi thì không hiểu nhiều về thơ, nhưng tôi cứ thích cái cháu Khoa có bài thơ gì nhỉ, trong đó có câu thơ “một mình em đóng cả ba vai chèo”. Ngoan thế. Thương mẹ ốm mà thế đấy. Mong cho nhiều trẻ em được ngoan như thế, nên tôi đồng ý đề án này. Đồng chí phó chủ tịch hơi cẩn thận, lo tỉnh phải chi thêm kinh phí nên nói vậy thôi, chứ anh ấy cũng trăn trở lắm. Tôi xem ở đây, kinh phí không đáng kể. Mỗi năm tập trung có 30 em, trong có hai mươi ngày, mỗi ngày chi có hai mươi đồng bạc, đáng cái gì đâu, bằng chúng ta tiếp một đoàn khách chứ mấy. Mà tôi cũng rất hiểu, làm thơ không phải ngày một ngày hai, có thể phải được bồi dưỡng nhiều năm. Tỉnh ta lại là tỉnh văn hiến, phải xem trọng việc này. Tôi đồng ý duyệt đề án. Tôi giao sở tài chính chuẩn bị kinh phí chuyển cho hội đủ như dự án đề xuất. Giao đoàn thanh niên, sở giáo dục phối hợp thực hiện, giao đồng chí phó chủ tịch quán xuyến, theo dõi. Xong. Các đồng chí nghỉ, tôi còn nghe mấy đề án khác.
Ôi giời, nhẹ cả người mà mồ hôi ướt đẫm áo, chủ tịch vẫn cố len qua mấy hàng ghế lên phía chủ tọa để bắt tay cảm ơn ông chủ tịch tỉnh. Chính chủ tịch cũng ngỡ ngàng không ngờ chủ tịch tỉnh lại ủng hộ triệt để như vậy, nhất là những lời phân tích chí lý của ông. Còn phó chủ tịch cũng chả ngượng ngùng, chìa tay bắt tay chủ tịch, đãi bôi một câu:
- Chúc mừng nhé!
- Cảm ơn cấp trên!
Kể lại chuyện này trong ban thường vụ hội, mấy vị tỏ ra am hiểu thời cuộc phán xét chi ly:
- Tay phó văn xã này mới ở huyện lên mà huênh hoang gớm. Chắc là hôm nhận giải thưởng, hội không quà cáp chu đáo nên hắn không ủng hộ nữa.
- Giải thưởng của ủy ban trao cho cá nhân, hội lấy gì ra mà quà cáp?
- Thì thế mới bị ngãng ra. Từ nay hội đề xuất việc gì chắc cũng khó qua cửa ông phó này.
- Tôi cho rằng đó chỉ là một phần thôi. Có lẽ ông ta nhìn chiều gió mà che ô đấy. Có phải hôm ấy chủ tịch tỉnh mặt lạnh băng không chủ tịch ơi!
- Đúng rồi, chủ tịch tỉnh lạnh băng, chủ trì cuộc họp mà chả nhìn ai, mở đầu vài câu rồi ông ấy cắm cúi đọc mớ tài liệu gì đó, nhưng mà hóa ra ông ấy vẫn nghe hết.
- Tôi cho rằng tay phó văn xã mới này lựa ý cấp trên, thấy mặt ông ta lạnh, tưởng sếp không đồng ý nên tay ấy phát biểu như vậy để lấy lòng. Đúng là cấp trưởng với cấp phó khác nhau xa nhỉ.
- Chủ tịch tỉnh đồng ý dễ dàng như vậy chưa hẳn trăm phần trăm do yêu quý thơ văn mà có thể ông thấy kinh phí bồi dưỡng tài năng trẻ chưa bằng tiếp một đoàn khách, vậy thì ủng hộ chúng nó vừa được việc, vừa được lòng, vừa được tiếng, lợi mọi bề mà.
Chủ tịch bảo:
- Thôi xin các tướng. Cứ làm như mình là chủ tịch tỉnh ấy. Nghĩ thế nào là quyền của sếp, chỉ biết rằng Hội mình được việc. Từ nay các cháu thiếu nhi sẽ được tập trung về đây học những bài sơ đẳng về sáng tác. Các ông chuẩn bị giáo án mà truyền cảm hứng cho các cháu nhé!
Lớp bồi dưỡng sáng tác văn học thiếu nhi mùa đầu tiên có gần ba mươi em tham dự. Tác phẩm đầu tay của các em đã được giới thiệu trên tạp chí Văn học nghệ thuật của hội và tạp chí Tuổi xanh của Trung ương. Có một số tác giả thiếu nhi nổi trội như Thu Hiền, Lan Anh, Hải Vân, Việt Nga... Các em mới học lớp năm lớp sáu, tâm hồn đang trong trẻo, nên thơ, văn của các em mang đến cho người đọc cảm giác tươi vui, ấm áp. Số tạp chí nào có thơ của các em thì mấy trường học gần đó đều cử cô giáo đến mua về cho học sinh thưởng thức.