CUỐI THÁNG TÁM NĂM ẤY, TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN Mỹ Ân xét xử vụ án đổi thóc, có đến hai chục bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa, trong đó có cả một hội viên của hội là Hồng Minh, Trưởng phòng văn hóa huyện. Theo như vợ anh ta trình bày thì chồng mình đã vướng vào vụ án lớn của tỉnh, vụ án A43. Hiểu nôm na rằng trong kho dự trữ của nhà nước, thóc để lâu sợ hỏng nên có chủ trương đổi thóc cũ ra nhập thóc mới vào, mỗi tấn, mỗi tạ nhà nước chi một khoản tiền chênh lệch cho người nhập thóc mới lấy thóc cũ đỡ thiệt. Vì khoản tiền chênh lệch này mà nhiều cơ quan, đơn vị thi nhau đăng ký đổi hạt. Phòng văn hóa làm gì có thóc, phòng tổ chức làm gì có thóc, và nhiều phòng, ban, đơn vị khác nữa cũng không có thóc, vậy mà cứ đăng ký đổi nhiều tấn để được lấy khoản tiền chênh lệch lớn. Đương nhiên là họ phải thông đồng với thủ kho. Vì vậy khi thấy khoản tiền chênh lệch lấy từ kho của nhà nước quá dễ dàng nên nhiều cán bộ tự bước vào cái dây tham nhũng. Phòng Văn hóa huyện Mỹ Ân cũng là một đơn vị như thế. Anh em trong cơ quan thấy các đơn vị bạn làm được nên tham mưu đề xuất với trưởng phòng một cách tích cực, một cách sốt sắng. Trưởng phòng tìm hiểu qua, biết mấy phòng bên làm được nên đặt bút ký vào văn bản phó phòng đã thảo sẵn, xin đổi năm tấn thóc. Vừa mới lĩnh tiền chênh lệch được khoảng một tuần thì vụ án vỡ lở. Công an vào cuộc điều tra. Hàng loạt cán bộ bị bắt, có cả cán bộ cấp tỉnh. Chủ tịch đã nắm rõ vụ án này, ông có vẻ tự hào nói với anh em văn phòng: “May quá, hội ta mang tiếng nghèo, nhưng luôn sống chân thật, không tham lam, không đua đòi, nên vụ này không ai mắc”. Vậy mà nay lại có ông hội viên xuất sắc của hội dính vào, đau lắm. Lúc ấy chủ tịch hội văn học nghệ thuật đang dẫn một đoàn văn nghệ sĩ của tỉnh đi thực tế vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên. Ông điện về bảo trưởng phòng hành chính xuống dự phiên tòa. Trưởng phòng ngại ngần nói:
- Xuống dự thì cũng đến thế thôi anh ạ. Mình có làm gì được đâu. Tòa xử theo luật, mình có phải luật sư đâu mà can thiệp được.
- Ai bảo ông can thiệp, chỉ bảo ông xuống dự thôi mà. Tội thì anh ấy chịu, mình xuống dự để anh ấy đỡ tủi thân, để anh ấy biết còn có bạn bè bên cạnh. Tòa mở công khai, ông cứ xuống gặp vợ Hồng Minh rồi cùng vào phòng xử, ngồi mà nghe. Tôi mà biết sớm thì về trước. Bảo ông ở nhà nghe ngóng, có gì báo ngay cho tôi biết thì lại chả báo sớm.
- Thì tôi cũng mới biết tin, mà điện vào chỗ anh khó ghê. Lúc nào họ cũng bảo các anh đi thăm nương rẫy. Buổi tối thì văn phòng họ lại nghỉ, vậy nên cuộc gọi này là cuộc thứ năm rồi đấy. Tháng tới mà tiền điện thoại tăng nhiều, anh đừng trách văn phòng nhé. Tóm lại tôi sẽ xuống dự phiên tòa, anh yên tâm chưa.
Phiên tòa mở công khai ngay trung tâm thị trấn. Người dân đến dự rất đông, bởi đây là phiên tòa xét xử toàn thành phần cán bộ. Trong suốt buổi hầu tòa, Hồng Minh chỉ quay nhìn về phía vợ con và ông trưởng phòng của hội có một lần, khẽ gật đầu như chào rồi lầm lũi đứng vào vành móng ngựa. Tòa hỏi đến đâu anh nhận đến đó, những người khác cũng vậy. Bởi thế nên phiên tòa đông bị cáo nhưng kết thúc nhanh chóng. Tội trạng đã rõ ràng, các bị cáo đều cúi đầu chấp nhận án phạt tòa tuyên. Hồng Minh nhận mức án năm năm. Sau đó ông không chống án để xin giảm nhẹ hình phạt mà cam tâm đi tù.
Từ Tây Nguyên trở về, chủ tịch buồn lắm, cứ tiếc rằng sao anh Minh không chống án, có thể sẽ được giảm xuống ba năm. Thương quá, tham được có vài đồng mà chia cho cả phòng chứ có được ăn một mình đâu. Tuổi anh ấy cũng không còn trẻ, chịu án năm năm thì... Nhưng chủ tịch biết làm gì khi mà đã hết hạn chống án. Anh ấy đã được chuyển về trại giam.
Hàng tháng sau chủ tịch nghĩ ra một cách, ông cho họp ban thường vụ, khởi xướng một chuyến đi thực tế trại giam. Một vài bác có vẻ ngại, nhưng đa số vẫn tán thành. Chủ tịch kết luận:
- Đi thực tế trại giam để giúp cho hội viên có điều kiện tìm hiểu về thân phận những người mắc vòng lao lý. Anh em có nhiều tư liệu hơn để sáng tác. Ta nên thành lập một đoàn chừng mười người, xuống đó khoảng một tuần. Tôi đưa một đoàn đi tiền trạm trước, số lượng ít thôi. Trưởng ban văn và trưởng ban thơ đi với tôi.
Giám thị trại giam được biết trước do công an tỉnh thông báo xuống. Có vẻ ông giám thị này cũng hồi hộp như ông chủ tịch, bởi hai bên chưa hề biết về công việc của nhau. Thực lòng thì ông vui, vì rất thích làm thơ. Nay được tiếp mấy người ở hội văn học nghệ thuật làm thơ văn thì hay quá, nhưng cũng chưa biết cánh văn nghệ sĩ chuyên nghiệp họ có dễ gần không? Cánh nhà báo thì mình biết quá rồi. Cứ đưa đi thăm thực tiễn chỗ làm, chỗ ăn, chỗ nghỉ của phạm nhân, rồi bảo, đấy các ông thấy gì viết nấy, viết sao thì viết, đừng để người tù phải khổ thêm là được. Còn các nhà văn, nhà thơ thì không biết họ có như vậy không. Ông bồn chồn từ sáng, đứng ngồi không yên. Rồi ông chợt nhớ đến bác sĩ Tâm, hàng xóm. Ông liền cho cấp dưới cầm một mảnh giấy nhỏ sang bệnh viện phong. Mảnh giấy chỉ ghi mấy chữ: “Mời bác sĩ sang tôi gấp”. Nhận được giấy mời, Tâm ngỡ đâu giám thị hay ai đau yếu bất chợt nên gọi mình. Nhanh chóng Tâm bảo một y tá đi theo. Hai người đèo nhau bằng chiếc xe Vĩnh Cửu của Tâm, mang theo một hộp đồ nghề cứu thương. Nhìn hai người trong tư thế cấp cứu, giám thị ôm bụng cười, rồi cho một lời động viên:
- Công nhận ông phản ứng nghề nghiệp nhanh thật đấy. Hoan nghênh! Nhưng hơi nhầm một tý, hôm nay không có ai ốm!
- Không ốm đau sao gọi tôi sang gấp? Tôi lại tưởng ông bị trúng gió hay đau tim, đau phổi cơ!
- Đừng có trù ẻo nhau thế. Tôi với ông có nhiều chuyện cần nhờ nhau chứ đâu mỗi chuyện ốm đau. Mà ở trạm xá của tôi trước chỉ có y sĩ, mới đây có một bác sĩ rồi. À để tôi gọi cô ấy lên giới thiệu với ông, cùng nghề nghiệp nên làm quen với nhau.
Rồi giám thị lại bảo cô tạp vụ gầy gò chạy đi. Bác sĩ Tâm sốt ruột hỏi:
- Rốt cuộc ông tìm tôi sang đây có việc gì, bảo cần gấp mà sao đủng đỉnh vậy. Đừng bảo rằng gọi tôi sang đây chỉ để làm quen với bác sĩ mới của ông nhé!
- Không. Là tiện thể thì giới thiệu thôi. Còn việc chính là hôm nay tôi phải tiếp mấy người viết văn, làm thơ trên tỉnh. Đang đợi họ xuống đây. Tôi chưa quen cánh văn nghệ sĩ này nên muốn ông cùng tiếp họ. Dù sao thì việc giao lưu bên dân sự các ông cũng mềm mại hơn cánh công an chúng tôi.
- Ôi giời, việc ấy tôi còn vụng hơn ông. Dân sự nhưng mà toàn tiếp xúc với bệnh nhân chứ có được giao du với thi sĩ bao giờ đâu. Mà tôi cũng mới cởi áo lính ra được hai năm chứ mấy.
Lúc ấy có một phạm nhân tiến vào cửa. Chị ta cũng khoanh tay, rạp người chào giám thị rồi mới chào khách. Giám thị hồ hởi giới thiệu với Tâm:
- Đây là cô Liên, từng là bác sĩ công tác ở bệnh viện đa khoa tỉnh. Nay về đây cải tạo, tôi cũng xếp cho làm việc trong bệnh xá, không phải đi trồng khoai sắn như chị em khác. Giới thiệu với cô Liên, đây là bác sĩ Tâm, giám đốc bệnh viện phong bên cạnh. Giới thiệu hai người biết nhau, có gì giúp nhau về nghề nghiệp nhé.
Liên đáp nhẹ:
- Vâng ạ. Cảm ơn giám thị.
Tâm thấy bối rối vì gương mặt nữ bác sĩ quá quen. Nghĩ một lát thì anh nhớ ra, liền hỏi:
- Cô Liên, có phải cô làm việc ở khoa sản nhi không nhỉ? Năm ngoái tôi đã gặp cô...
- Dạ đúng ạ. Em cũng nhớ ra anh rồi, bác sĩ tăng cường.
- Đúng, đúng! Vậy sao cô...
Giám thị cắt ngang:
- Vậy hóa ra lại gặp người quen à? Ông cũng tốt số, nhiều người quen trong trại giam gớm. Nhưng thôi, giờ cô về làm việc đi đã. Việc sao cô ấy vào đây ông tìm hiểu sau nhé. Khách đến cổng rồi.
Trước lúc đón khách ông giám thị hồi hộp run rẩy bao nhiêu thì trong buổi chuyện trò ông thăng hoa bấy nhiêu. Chủ tịch hội văn học nghệ thuật và hai ông trưởng ban thơ, văn đưa đẩy thế nào lại trúng vào mạch ngầm trong tâm hồn của giám thị. Ông tự đọc thơ mình từ lúc gặp nhau cho đến lúc ăn trưa. Giám thị cứ đọc từ bài này sang bài khác. Trưởng ban thơ tâm đắc gật gù, trưởng ban văn thì mắt tròn mắt dẹt, có vẻ ngạc nhiên. Chủ tịch thì luôn giữ nụ cười tươi cùng những lời khích lệ. Riêng Tâm im lặng nhấp nước trà. Khi cậu quản giáo trẻ bước vào ghé tai thủ trưởng, cũng là lúc đồng hồ chỉ 12 giờ, giám thị ngừng lại nói:
- Tôi múa rìu qua mắt thợ, cũng hơi xấu hổ đấy. Nhưng mà chả múa lúc này còn có dịp nào. Mong các vị thông cảm nhé. Giờ ta đi dùng cơm.
Trưởng ban thơ nhanh nhảu và tế nhị:
- Chưa ăn cơm vội giám thị ơi! Cho chúng tôi phát biểu cảm tưởng đã chứ. Thơ của bác hay lắm, rất tuyệt vời. Cảm xúc thật, tâm trạng thật, nên có sức lay động lòng người. Giám thị đừng có khiêm tốn. Chính chúng tôi mới phải xấu hổ vì từ trước đến giờ chưa phát hiện ra một cây thơ sáng giá ở góc rừng u uẩn này.
Chủ tịch bảo:
- Xin anh chép cho mấy bài để chúng tôi giới thiệu lên tạp chí Văn học nghệ thuật!
Giám thị giãy nảy:
- Ấy đừng! Không dám đâu. Tôi mà chiềng thơ lên mặt báo thì thiên hạ cười chết. Đây chỉ là cảm xúc riêng của tôi trong lúc buồn vui. Tôi chỉ đọc trong khuôn viên trại giam thôi. Những khi sinh hoạt trại, đọc cho các quản giáo nghe, cũng có khi họp phạm nhân, cao hứng đọc một bài bày tỏ tâm trạng, mong họ vui, yên tâm cải tạo tốt, để chóng về với gia đình.
Trưởng ban thơ tiếp tục tung hứng:
- Giám thị khiêm tốn quá. Những vần thơ lung linh như vậy phải cho công chúng rộng rãi thưởng thức chứ. Ở đây giam người lại giam cả thơ à. Dứt điểm là xin anh dăm bài, để giới thiệu vài số tạp chí liên tiếp. Anh không biết chứ ban biên tập chúng tôi nhận được hàng trăm bài thơ mỗi tháng, nhưng tìm được bài hay khó lắm. Hôm nay đúng là các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du ở trên trời chỉ giáo để chúng tôi tới đây, nghe được những vần thơ gan ruột của người thơ...
Tiếng cười vang cả phòng. Trưởng ban văn xuôi tiếp lời:
- Trong khung cảnh này anh làm thơ đã hay, tôi tin rằng anh viết tiểu thuyết còn hay hơn.
Tâm không thể lặng im mãi, cũng nhập cuộc:
- Thật không ngờ ông giám thị này tâm hồn lại long lanh đến thế. Thảo nào trước cửa phòng, hoa cứ tươi hơn hớn.
Mọi người cười ào ạt. Giám thị vỗ vai Tâm, nói như khoe:
- Ông hàng xóm của tôi đây là giám đốc bệnh viện phong cạnh đấy. Bên ấy cũng nhiều tư liệu lắm, nếu các ông cho các cây bút về thì cũng nên sang bên ấy mà khai thác.
Chủ tịch bảo:
- Tốt quá! Nếu giám đốc Tâm cho phép thì anh em văn nghệ sĩ sẽ đến tìm hiểu bệnh viện phong.
Tâm nồng nhiệt nhận lời:
- Mời các anh chị cứ đến, đừng ngại ngần nhé! Bệnh phong không lây lan như dân ta hiểu trước đây đâu!
Rồi mọi người cùng vào bàn ăn. Trên bàn ăn bày rất nhiều món. Đáng chú ý nhất là một con cá trắm đen sốt cà chua, không có đĩa nào để vừa nên được xếp xuống mâm, áng chừng nó khoảng năm cân. Giám thị giới thiệu:
- Đây toàn là sản phẩm của trại tự cung tự cấp đấy, cá nuôi ở hồ, rau trồng trong núi, các món do tự họ chế biến, quản giáo của chúng tôi chỉ trông coi thôi. Mời các vị thưởng thức.
Chủ tịch đưa đẩy:
- Phạm nhân chắc cũng có những đầu bếp giỏi?
- Ôi giời, khỏi phải nói. Trong số hàng nghìn phạm nhân gần như nghề gì cũng có người làm giỏi. Tôi khai thác và tận dụng, cũng là giúp họ giữ tay nghề để khi mãn hạn về có thể làm tiếp. Nhiều cậu thanh niên còn trẻ mà tay nghề cao lắm. Nghề mộc, nghề ngõa, nghề cạo, nghề sơn, nghề máy có hết.
Chủ tịch phấn chấn lắm. Mục đích chính của ông trong chuyến đi này bây giờ mới có cơ hội bày tỏ. Ban nãy chỉ nói được cái mục đích chung là đề nghị cho một đoàn nhà văn, nhà thơ đến đây thực tế để sáng tác, thì ông giám thị đã đồng ý ngay, rằng, tốt quá, ở đây biết bao số phận độc đáo các nhà văn tha hồ khai thác. Thế rồi nói sang thơ là ông ta đọc luôn một hồi. Chủ tịch đành thưởng thức và đưa đẩy, định xong việc ấy sẽ gặp riêng giám thị để nói về chuyện nhà viết kịch Hồng Minh. Nhưng nay nghe nói về các nghề, chủ tịch linh cảm rằng điều mình mong mỏi sẽ thực hiện được. Trước thì định nói riêng, không cho các trưởng ban biết, cũng là tế nhị thôi. Nay không khí cởi mở thế này, chủ tịch quyết định nói ngay trong bàn tiệc.
- Giám thị này, nghề mộc nghề ngõa nghề ẩm thực ông có hết rồi, vậy còn nghề cầm bút ông đã có chưa?
- Nói đùa gì vậy? Những người cầm bút họ khôn ngoan tỉnh táo, lại luôn sống chân thật với người, lãng mạn với đời, làm gì có ai phạm tội mà vào đây cơ chứ? Không có!
- Vậy tôi giới thiệu cho ông một người có nghề cầm bút nhé. Anh này chuyên viết kịch bản sân khấu, đặc biệt là kịch bản chèo. Anh ấy đã có vở chèo được Đài Tiếng nói Việt Nam phát trên sóng trong buổi Sân khấu truyền thanh. Còn các vở diễn trên sân khấu tỉnh nhà thì nhiều nhiều đấy. Anh có nghe vở chèo “Mùa vàng” bao giờ chưa?
- Nghe rồi, nhưng chẳng nhớ tác giả là ai. Vậy anh ta đang ở trại tôi à? Sao tôi không biết nhỉ?
- Anh ấy mới đến thôi. Vốn là trưởng phòng văn hóa, dính vào cái vụ đổi thóc mới lấy thóc cũ ấy, nên phải thụ án năm năm. Anh ấy tên là Hồng Minh.
- Vậy à? May mà án nhẹ nên vào trại tôi, chứ mà trên mười năm là đi vào Thanh Hóa, Nghệ An hết. Tôi biết những người mắc vụ án ấy không phải tham lam riêng tư mà cũng lợi dụng kẽ hở của nhà nước để lấy chút tiền chênh lệch, cải thiện đời sống cho anh em thôi. Trên tỉnh có ông còn bị chung thân nữa. Khổ thật. Họ phải trả giá cho những suy tính không thấu đáo của mình. Nếu phạm nhân Hồng Minh này đúng như ông nói thì tôi sẽ tận dụng ông ấy luôn. Chắc chắn ông ấy không phải đi đào vác đá xanh để nung vôi như những người khác.
- Vâng, được thế thì quá tốt. Anh ấy cũng ngoài năm mươi tuổi rồi. Làm việc nặng chắc cực khổ lắm. Xưa nay chuyên làm việc văn phòng, ít quen mưa nắng nên...
- Được rồi, ông yên tâm. Ở đây chúng tôi khám sức khỏe định kỳ. Không phải phạm nhân nào cũng phải ra mưa nắng. Có điều phải lao động, làm thật sự chứ không có ai được chơi đâu. Đi cải tạo cơ mà. Còn ông Hồng Minh có nghề lao động trí óc thì tôi sẽ bố trí nghề cho hợp. Thôi ta ăn đi kẻo nguội hết.
Mời vậy nhưng giám thị không ăn. Ông chỉ cầm cốc bia chạm với mọi người lấy lệ, cũng không uống. Ông xin cáo lỗi rằng đang điều trị tiểu đường nên phải tuân theo chế độ ăn của bác sĩ. Không ăn nhưng ông vẫn ngồi đó gắp món này, món khác cho mọi người. Tâm cũng rất hào hứng nghe câu chuyện. Đến lúc thức ăn đã vãn, anh mạnh dạn hỏi các nhà văn:
- Vừa rồi tôi có gặp một phạm nhân trước là bác sĩ ở bệnh viện đa khoa tỉnh. Các ông ở trên thị xã có biết bác sĩ Liên không? Có biết sao cô ấy lại phải đi tù không?
- Biết chứ. Vụ án ầm ĩ trên thị xã sao lại không biết. Ông trong ngành mà không biết ư?
- Không, vì tôi ở xa quá, cũng chẳng mấy khi về tỉnh.
Trưởng ban văn xuôi kể lại câu chuyện một cách tỉ mỉ:
- Cô ấy thật đáng thương. Người xinh đẹp, tính dịu hiền, chuyên môn giỏi. Mỗi tội đặt tình yêu không đúng chỗ. Cô ấy có chồng, anh ta đang học cao học trên Hà Nội, ở nhà cô ta lại đi mê ông sếp to. Theo như cô ta khai báo với công an thì ông ta đã ngủ với cô nhiều lần, lúc thì ở khách sạn, lúc thì ngay ở phòng làm việc của ông ta. Ông ấy hứa hẹn nhiều lắm, nào là sẽ cho cô ta làm trưởng phòng, rồi phó giám đốc bệnh viện, nào là sẽ cho cô ta đi du lịch nước ngoài, còn trang sức thì thôi khỏi nói. Nhưng cô ta không hào hứng với những thứ đó mà chỉ muốn được ở gần ông ta, được đàng hoàng là vợ giám đốc sở. Đúng là trái tim non dại. Ông ấy nói vợ mình đã già rồi, lại không có con giai, nếu cô ta đồng ý bỏ chồng thì ông ta ngay lập tức bỏ vợ để cưới nàng. Vậy nên cô ấy ruồng rẫy kỳ được anh chồng cứ chúi mũi vào việc học hành kia. Tòa án giải quyết cho hai người ly hôn trong tiếc nuối, vì họ xứng đôi vừa lứa, đẹp giai, đẹp gái như tiên đồng ngọc nữ ấy, nghề nghiệp vững vàng, gia đình hai bên đều cơ bản. May mà họ chưa có em bé nên việc ly hôn đỡ phiền hà hơn. Vậy mà sau khi ly hôn đến nửa năm, ông kia vẫn bình chân như vại, chỉ hứa nay hứa mai, nhưng thực ra ông ấy chẳng động tĩnh gì. Vì nếu ông ấy bỏ vợ lúc này thì con đường công danh sẽ không thuận lợi. Chưa nói rằng người vợ có thuận tình hay không. Theo chúng tôi tìm hiểu thì bà vợ ông ấy rất khôn khéo. Bà ấy biết chồng có quan hệ mờ ám với nhân viên, nhưng không hề ghen tuông, còn ra sức chiều chuộng hơn. Lúc nào ông ta ở cơ quan về cũng có cơm nóng canh ngọt với những lời dạ, vâng êm ái. Tối đến trước khi đi ngủ, bà còn mang chậu nước ngâm chân vào tận giường cho ông ta, rồi lại lấy khăn lau khô cẩn thận. Ôi giời, ông chồng nào mà nỡ bỏ một người vợ như thế. Hơn nữa ông ta hiểu gia đình có hòa thuận êm ấm thì con đường thăng tiến mới thuận lợi, chưa kể rằng đằng nhà vợ có nhiều anh em làm cán bộ to. Bỏ bà ấy thì thiệt đủ đường, có khi còn rước họa vào thân. Vậy nên với người tình thì chỉ có thể khất lần. Mà ông ta cũng không thể ngờ cô này dám bỏ anh chồng trẻ để tự nguyện làm vợ mình. Chắc ông ấy cũng tiếc lắm nhưng đành chịu. Ông ấy đưa ra một giải pháp để giữ cô bên mình, bằng cách tìm mua một ngôi nhà nhỏ, rồi chung sống vụng trộm với nhau. “Em nên chịu thiệt thòi một chút, không có danh phận là vợ, nhưng sẽ là người anh yêu đến hết đời. Anh sẽ đảm bảo cuộc sống đầy đủ cho em...”. Cũng mới chỉ hứa hẹn như thế chứ nào đã mua nhà đâu. Mà có mua được nhà cô ta cũng không chịu sống vụng trộm suốt đời như thế. Chia tay người chồng trẻ thì phải công khai làm bà phu nhân sếp to mới bõ. Vậy mà lại phải làm người tình vụng trộm, mà lại vụng trộm suốt đời... Uất quá nên cô ta nên mới làm liều. Cô ấy khai rằng, run từ lúc bắt đầu mua xăng. Nhưng quyết tâm giải tỏa nỗi bực tức trong lòng, nên đêm ấy đã đổ xăng qua khe cửa. Còn mỗi việc bật lửa lên, ném vào đó, nhưng không làm được, tay cầm chặt cái bật lửa mà người run bần bật. Cuối cùng thì âm mưu giết người bất thành nên cô ta cũng chịu án có bảy năm tù thôi.
- May quá. Lúc ấy lương tâm con người đã thức dậy nên cô ta không làm việc ác được. Mong rằng chịu khó cải tạo để được giảm án.
Chủ tịch bổ sung thêm:
- Tình yêu bị lừa đảo. Mong ước trở thành phu nhân sụp đổ nên cô ta uất hận. Để rửa hận thì cô ta mua xăng. Có điều cô ta chưa đủ gan, chưa đủ liều để bật lửa lên. Đó là cái phúc lớn của nhà ông kia, cũng là cái phúc của cô Liên. Chứ nếu bật lửa lên rồi thì kinh khủng. Vậy nhưng khi công an làm việc với giám đốc sở thì ông ta chối hết. Ông khẳng định bị cô kia vu oan giá họa. Không có bằng chứng nào cho thấy họ từng yêu và quan hệ bất chính với nhau, càng không chứng cứ về những lời hứa hẹn. Vậy thì trước pháp luật ông ta vô can. Nhưng trước dư luận thì ông ta chính là nguyên nhân đẩy người khác phạm tội. Đâu đâu người ta cũng bàn tán và tin rằng lời khai của đối tượng kia là thật. Chả có ai lại vô cớ xách xăng đến định đốt nhà người tình.
Giám thị bảo:
- Tôi cũng chưa tìm hiểu kỹ các tình tiết như các ông nói, cũng biết cô ấy mắc tội định giết người, nhưng đã thức tỉnh lương tâm. Thực tế thấy cô ta hiền lành, nhẫn nhịn nên cho làm việc trong bệnh xá. Tất nhiên quản giáo phải giao việc cụ thể và giám sát chặt chẽ. Hồi cô ấy mới vào, có một anh trẻ lắm đến thăm, nói là chồng cũ, nhưng cô ta không ra gặp, cũng không nhận quà. Khổ thân cả hai người nhỉ.
Trưởng ban thơ nói vui:
- Tiếc quá, giá mà cô ta yêu một nhà thơ có phải tốt không? Chả bao giờ bị phản bội cả!
Bác sĩ Tâm đưa ra câu hỏi, được trả lời bằng cả một câu chuyện dài. Nghe rồi cứ ngồi trầm ngâm chẳng nói nên lời. Hóa ra câu chuyện hôm anh về tỉnh được nghe, lại là chuyện của giám đốc sở với cô bác sĩ trẻ giỏi giang. Hình ảnh người bác sĩ sản khoa, nhanh nhẹn, tận tình hồi nào cứ hiện về lay động trong trái tim anh. Cả hình ảnh ông giám đốc sở, chải chuốt, bảnh bao, cầm ống nghe, mắt sáng rừng rực, cùng giọng nói dịu dàng “đợi anh một tý”, vô tình Tâm nghe được ngày nào cũng chợt hiện ra. Có lẽ đó chính là một trong những cuộc hẹn hò đường mật của ông ta với người phụ nữ dại khờ chăng?