SAU CHUYẾN ĐI TỈNH KẾT HỢP VỀ THĂM NHÀ ẤY CHỪNG hai mươi ngày thì Tâm nhận được ý kiến của tỉnh, cho phép xây dựng một nhà thờ và một ngôi chùa nhỏ trong khu điều dưỡng phong. Tỉnh còn hỗ trợ kinh phí hai triệu đồng để bệnh viện mua nguyên vật liệu và thuê mướn nhân công. Mừng quá là mừng. Anh cho họp bệnh nhân, thông báo ý kiến của tỉnh đồng thời lên phương án xây dựng. Bệnh nhân góp ý, chỉ nên dùng tiền tỉnh hỗ trợ để mua vật liệu, còn xây cất để bệnh nhân tự lo. Trong số hơn một trăm bệnh nhân, có một số người biết nghề ngõa, một số biết nghề mộc. Trước khi vào đây có người đã làm thợ cả. Vậy nên giám đốc tận dụng họ là tốt nhất. Tâm nghe cũng có lý, hơn thế nữa cũng khó mà thuê được thợ vào trại phong. Chốt lại anh để bệnh nhân tự xung phong, ai biết nghề, còn đủ sức khỏe thì được trưng dụng. Bổ sung thêm một số cán bộ, nhân viên góp sức. Ai đã từng làm thợ cả thì nay sẽ chỉ huy thi công. Chủ tịch hội đồng bệnh nhân và trưởng phòng hành chính của bệnh viện chịu trách nhiệm giám sát. Gọi là xây nhà thờ với xây chùa, nghe to tát, thực ra chỉ là xây hai ngôi nhà cấp bốn, mỗi căn rộng hơn ba mươi mét vuông. Mọi người cùng xúm vào xây dựng, hơn một tháng sau công trình đã hoàn thành. Việc còn lại Tâm phải lo là đi tìm nơi đúc tượng để đặt mua tượng phật Thích Ca và tượng chúa Giêsu. Có đêm nằm nghĩ Tâm thấy mình như biến thành con người khác. Sao một bác sĩ ngoại khoa lại đi lo những việc này cơ chứ. Nhưng cứ nghĩ đến những lời cầu khẩn, những giọt nước mắt lấp lánh trên má bệnh nhân, Tâm lại quyết làm kỳ được. May sao khi anh điện thoại hỏi ban tôn giáo thì được trả lời ngay, đến làng ấy, xã nọ có người chuyên tạc tượng.
Khi bức tượng chúa Giêsu cùng cây thánh giá vừa gắn lên tường, thì hơn hai chục con chiên đồng loạt quỳ rạp xuống nền nhà. Lúc họ ngẩng lên, ai cũng nước mắt tràn mi. Nhìn cảnh ấy Tâm càng thấu hiểu trong lòng họ niềm kính Chúa to lớn đến chừng nào. Ngôi chùa nhỏ cách đấy chừng hai trăm mét thì có một nhà sư già tự nguyện đến trụ trì, ngày ngày tụng kinh niệm phật. Phật tử của làng phong thì ngày rằm, mùng một đều lên chùa dâng hương hoa, đọc kinh. Làng phong như được thay bầu không khí mới.
Sáng đầu tuần giám đốc đến thăm hết lượt bệnh nhân như lệ thường. Tuần này anh đi đến đâu bệnh nhân chắp tay vái anh đến đó. Ngượng ngùng, Tâm hỏi:
- Sao các vị lại làm thế?
- Trong lòng chúng tôi, giám đốc là một vị thánh!
- Ấy, các bác đừng nghĩ thế. Người ta lại hiểu lầm...
- Không ai hiểu lầm. Bác sĩ, giám đốc là thánh nhân ở đây.
- Đừng nghĩ thế. Chỉ mong các bác sống vui, sống khỏe là tôi mừng.
- Chúng tôi khỏe hơn, vui hơn nhiều lắm! Ơn giám đốc lắm!
Sau buổi lễ khánh thành hai công trình tâm linh của khu điều trị phong, đài phát thanh của tỉnh đưa tin, nhiều người dân trong tỉnh nghe được, nhiều tổ chức xã hội nghe được. Giám đốc Tâm bỗng nhiên phải đón tiếp nhiều đoàn khách. Đoàn nào đến cũng tặng quà. Đầu tiên là hội chữ thập đỏ của tỉnh, rồi của Trung ương rồi nhiều hội khác. Tâm rất ngại tiếp khách, nhưng trong bối cảnh ấy không thể chối từ. Hôm qua có đoàn khách của ủy ban nhân dân tỉnh, do Phó chủ tịch Nguyễn Đôn dẫn đầu. Tâm rất tiếc vì phó chủ tịch nữ, người đã nhận đơn của anh, vừa nghỉ hưu, nên bà không có mặt chứng kiến hai công trình đã hoàn thành.
Mang theo số quà gồm gạo, bánh kẹo, ông phó chủ tịch tỉnh này nói trước cán bộ công nhân viên: “Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh xin cảm ơn các đồng chí. Các đồng chí hết lòng vì người bệnh, là điểm sáng nhân đạo của tỉnh nhà”. Nghe câu nói ấy mà Tâm suýt trào nước mắt. Lời nói của lãnh đạo có thể chỉ nặng tính động viên, nhưng Tâm vẫn cảm động, tự hào sâu sắc, bởi được là điểm sáng nhân đạo, được cả tỉnh cảm ơn. Anh đưa lãnh đạo tỉnh đi thăm một lượt các phòng bệnh. Đến chỗ nào ông phó này cũng nói thật to: “Các bác, các anh chị yên tâm điều trị nhé. Khó khăn gì, thiếu thốn gì cứ phản ánh. Lãnh đạo tỉnh chúng tôi sẽ hết lòng chăm lo”. Bệnh nhân lại chắp tay, cúi đầu: “Cảm ơn ạ”. Tiễn khách về rồi mà lòng Tâm cứ thấy lâng lâng.
Hôm nay có đoàn của cha Thống ở xứ đạo tỉnh bên đến thăm. Cha Thống đã ngoài 50 tuổi. Nhà thờ của cha cách đây gần 100 cây số, cha tự đi xe máy đến. Trước khi vào được Khu điều trị phong, đường xấu quá, cha bị ngã. Xe hỏng, mặt mũi, chân tay xây xát, nhưng cha vẫn không chịu ngồi sau xe mà bảo một con chiên đi cùng nhường xe cho mình, người ấy phải ngồi sau để ông cầm lái. Ông muốn tự mình vượt qua đoạn đường gian khổ để đến với các con chiên bất hạnh của Chúa. Đến nơi, ông chỉ kịp lau qua những vết xước trên mặt, trên tay rồi theo giám đốc Tâm đi thăm hết các phòng bệnh. Đích tay ông trao quà cho từng giáo dân để truyền tình cảm của cha đến con chiên. Quà của cha cũng không phải to tát, chỉ là những tấm áo thu đông, không hẳn ấm, cũng không hẳn mát, nhưng trĩu nặng tình người, khiến ai được nhận quà đều bật khóc. Hai giáo dân cao tuổi nhất là hai cụ bà gần 80 tuổi, bệnh cũng nặng nhất, một người bị cụt hai chân, một người bị cụt hai tay. Cha Thống đã ôm từng người vào lòng, xoa nắn các mỏm cụt trên cơ thể họ, khiến hai bà khóc nức nở, bám chặt áo cha như không cho rời đi. Họ xúc động đến tột đỉnh. Đã bao lâu rồi, có thể từ khi rời vòng tay mẹ, họ chưa từng được ai ôm như thế. Tâm nhìn cảnh ấy, tự dưng nước mắt ứa tràn. Hình ảnh bóng áo choàng đen của cha đi khắp các phòng bệnh, trao quà đến tay từng người, khiến Tâm cứ rưng rưng mãi.
Rồi những tổ chức cá nhân khác, những Việt kiều ở nước ngoài đã đến tặng quà, tặng áo ấm, khăn len, thuốc tốt, bánh kẹo và tiền, khiến cuộc sống của bệnh nhân và cả cán bộ nhân viên đều được cải thiện.
Cuộc sống của làng phong như đã bước sang trang mới. Có hội trường làm nơi sinh hoạt chung, chiếu phim vào tối cuối tuần. Có nhà thờ cho con chiên cầu nguyện, có chùa cho phật tử niệm phật, tụng kinh. Bệnh tật hầu như đã ổn định, vi trùng không phát triển. Sức khỏe mọi người đều tốt lên. Vậy mà một số người chưa thật vui lắm, trong đó có Đào. Nhiều lần thấy Đào đến nhà ăn rất muộn, cô y tá để ý rồi báo cáo giám đốc:
- Thưa anh, em thấy cô Đào cứ lên bìa rừng ngồi một mình. Có khi cô ấy lại muốn tự tử anh ạ.
- Thế ư? Tưởng rằng cô ấy đã ổn định tư tưởng rồi, đã thấy cô ấy vui vẻ cơ mà?
- Có thể bên ngoài thì cô ấy vui, nhưng trong lòng thì sao biết được.
- Cô ấy lên bìa rừng à? Hay mình cứ cho bảo vệ âm thầm theo dõi xem cô ấy biểu hiện gì? Biết chắc đã rồi hãy nhắc nhở.
Vài hôm sau người bảo vệ và cô y tá lên báo cáo:
- Thưa anh, cô ấy có bạn trai!
Tâm giật nảy mình, tưởng nghe nhầm:
- Hả? Có bạn trai à? Sao các vị biết là bạn trai? Người đó ở đâu? Hay người yêu cũ cô ta đến tìm?
- Không ạ. Người cũng ở “làng” mình.
Thì ra đó là anh Thế bên khu bệnh nhân nam. Từ trước đến nay bệnh nhân nam ở riêng một dãy nhà, nữ riêng một dãy, cách nhau khoảng vài trăm mét. Họ được gặp nhau, nói chuyện bình thường, nhưng không ai nghĩ đến chuyện yêu đương, càng không được phép sống cùng nhau. Có người là vợ chồng từ trước khi vào viện, nhưng vẫn phải ở riêng biệt. Bởi vì lúc đó người ta chỉ nghĩ chữa được bệnh, không cho vi trùng Hansen phát triển, không cho bệnh nhân tàn tật thêm, đã là tốt rồi. Cho vợ chồng ở với nhau lại phải làm thêm nhà cửa, lại ảnh hưởng đến tình cảm những người khác, nếu họ có con ra thì biết làm sao? Đời sống khó khăn lại mang bệnh tật, ai nuôi con cho họ đây? Vì vậy bệnh viện quy định không cho nam nữ ở chung. Cô Đào phải vụng trộm chuyện trò với bạn trai trên bìa rừng cũng là có lý. Đào được mời đến phòng giám đốc. Tâm hỏi:
- Cô Đào khỏe hẳn chưa?
- Thưa giám đốc, em uống thuốc đều, sức khỏe tốt rồi ạ.
- Cô có nguyện vọng gì muốn đề đạt với bệnh viện không?
- Dạ, không ạ!
- Vậy bệnh lành hẳn rồi, cô có muốn về thăm quê không? Có thể ở lại hẳn quê cũng được. Không ai kỳ thị xa lánh cô nữa đâu. Thời gian qua có hàng chục người xin về quê, để sống bình thường như người khác.
Đào liền bật khóc.
- Giám đốc muốn đuổi em à?
- Đừng nghĩ sai. Là tôi gợi ý thôi. Nếu cô có nguyện vọng thì bệnh viện giải quyết, không thì thôi, cứ yên tâm ở đây.
Đắn đo một lát rồi Tâm hỏi thẳng:
- Nghe nói cô Đào có bạn trai, hai người hay lên núi tâm sự mà.
Đào khóc to hơn, nhưng sau cô quệt nước mắt trả lời thành thật:
- Vâng! Thú thật với giám đốc, em có bạn trai, em yêu quý anh ấy. Chúng em chỉ muốn có không gian riêng tư để tâm sự với nhau, để chia sẻ những buồn phiền, không làm gì trái quy định đâu ạ. Em còn trẻ, mà người thân xa cách hết rồi, không có bạn tâm giao thì em sống sao nổi?
- Tôi hiểu. Thế anh ấy cũng yêu quý cô chứ?
- Vâng, nên chúng em muốn gần nhau! Chỉ gần nhau để tâm sự cho nhẹ lòng thôi.
- Thôi được. Cô chân thành thế là tốt. Về nghỉ đi nhé. Tôi sẽ nghiên cứu việc này.
Câu cuối Tâm như nói với chính mình. Anh thật sự day dứt. Họ còn trẻ, cũng còn khỏe. Tuy là bệnh nhưng chỉ bệnh ở chân tay, nếu chưa biến chứng thì những bộ phận khác trên cơ thể vẫn hoạt động bình thường. Vì chữa bệnh nên họ phải kìm nén sinh lý và tâm lý. Sự kìm nén là một khổ cực. Sao lại phải bắt họ kìm nén nhỉ? Tâm chợt nhớ lại cái cảm giác hôm vợ bắt nằm ngoài chõng tre. Rất khó chịu. Chán cho cái bà vợ mình. Vợ bác sĩ mà còn... Thôi, quên đi, cho bà ta nợ, có lúc sẽ bắt đền bù.
Câu chuyện của cô Đào cứ ám ảnh Tâm suốt ngày đêm. Anh mang chuyện ấy ra bàn với phó giám đốc và những bác sĩ khác. Mọi người đều nói rằng bệnh nhân đáng thương thật, nhưng không thể chiều họ được. Thôi thì giời bắt tội thì họ phải chịu, cứ ăn khỏe, ngủ ngon là được rồi, nhịn những thú vui khác đi vậy. Tâm nêu vấn đề:
- Hay mình cứ cho họ kết duyên, có phạm vào điều luật nào đâu?
- Không phạm điều luật nào, nhưng hậu quả thì nan giải. Giờ toàn người lớn mình còn vất vả thế này. Cho họ kết hôn, chỉ sau một năm nữa, dăm đứa trẻ con ra đời mình có lo được không? Rồi sau có nhà trẻ không, có lớp học không? Mà nếu đứa trẻ cũng bị bệnh nữa thì hóa ra mình phát triển bệnh nhân à?
- Ừ, cũng khó thật nhỉ. Chúng ta cùng nghĩ cách xem sao nhé. Về chuyện lây truyền bệnh thì không lo, chúng ta đều biết y học đã khẳng định bệnh này không mang gen di truyền mà. Nếu giúp được bệnh nhân sống tốt hơn thì chúng ta cố gắng làm.
Nói thì bình thường như thế, nhưng trong lòng anh thì day dứt, vật vã không nguôi. Người ta bệnh tật, đã thiệt thòi, đã khổ cực hơn người thường nhiều lắm rồi. Cô Đào mất cả người yêu, mất cả người thân, còn nỗi khổ nào hơn. Nay người ta chỉ muốn sống gần nhau, muốn quên đi sầu khổ, có hại ai đâu, sao phải ngăn cản họ? Còn những khó khăn thì phải nghĩ cách chứ. Hay thử hỏi ý kiến họ xem. Nghĩ vậy nên đầu tháng sau, tại cuộc họp hội đồng bệnh nhân thường kỳ, bác sĩ giám đốc nêu vấn đề:
- Chúng tôi biết hiện nay nhiều bệnh nhân có tình cảm nam nữ, chúng tôi thông cảm. Là con người mà, ai chẳng muốn có đôi lứa, có người bạn tâm giao suốt cuộc đời. Từ trước đến nay, bệnh viện mình và nhiều bệnh viện khác đều chưa cho bệnh nhân lập gia đình riêng khi đang điều trị. Nay nếu chúng tôi đồng ý tạo điều kiện cho các vị xây dựng gia đình riêng, các vị nghĩ sao?
- Ôi! Thật không ạ? Hay quá! Vui quá, tốt quá. Chúng tôi đồng ý! Hoan hô giám đốc!
Những tiếng trả lời đó lẫn trong tiếng vỗ tay rào rào. Một cụ bệnh nhân già xin phát biểu:
- Sao giám đốc chả về đây sớm? Tôi hơn sáu mươi tuổi mất rồi. Trước đây tôi cũng có người yêu đấy, nhưng đều phải tự tình vụng trộm thôi. Nay giám đốc tạo điều kiện như thế, chúng tôi rất đồng tình. Được vậy thì các bạn trẻ ở đây đỡ khổ.
Một người khác:
- Trước đây chúng tôi có đề xuất rồi, nhưng không được chấp thuận. Nay được lập gia đình riêng thì hạnh phúc quá rồi. Chúng tôi ở đây đến hết đời mà cứ ở tập thể thì cực khổ lắm. Cảm ơn giám đốc!
Phía dưới hội trường nhiều tiếng bàn tán râm ran. Tâm ổn định trật tự rồi ôn tồn nói:
- Như vậy nghĩa là đa số các bác ủng hộ việc này. Nhưng một số khó khăn đặt ra, như phải có nhà riêng, con cái sinh ra sẽ nuôi nấng thế nào...
Im lặng một lúc, một bệnh nhân nam phía cuối hội trường giơ tay xin nói:
- Thưa giám đốc, chuyện làm nhà riêng không khó đâu ạ. Trong khuôn viên này, thu bớt chỗ trồng rau, trồng hoa lại, lấy chỗ làm vài ba căn nhà nhỏ là được. Cây còn được ra hoa kết quả nữa là người. Chúng tôi cũng muốn có con, có cháu. Công làm nhà, tiền vật liệu chúng tôi sẽ tương trợ nhau, sẽ nhắn về quê xin gia đình tài trợ, không xin nhà nước. Nếu có con cái, chúng tôi sẽ tự nuôi, không phiền bệnh viện.
- Vâng, được như thế thì tốt, nhưng chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm rồi xin ý kiến cấp trên đã. Mời các bác nghỉ.
Sau buổi họp ấy khu bệnh nhân cứ tíu tít hết cả lên, nhất là dãy nhà nam. Cứ làm như họ được cưới đến nơi, người nọ ướm với người kia, người này ghép với người khác. Còn khu cán bộ nhân viên thì có vẻ căng thẳng. Mấy chị y tá to nhỏ với nhau, lo ngại phải kiêm thêm nhiều việc. Có người cằn nhằn, gọi vụng giám đốc là Tâm “hâm”. Phó giám đốc ca cẩm thẳng thắn:
- Sếp Tâm ơi là sếp Tâm. Sếp sinh vào giờ gì mà cứ ôm việc vào người thế. Cho chúng tôi thở với chứ!
Tâm đùa vui:
- Cứ thở thoải mái đi. Mai kia tớ sẽ phân công cậu chuyên làm chủ hôn cho các đám cưới.
- Lạy bố! Nhà con chưa được đào tạo môn ấy. Mà bố cũng liệu chừng đấy. Cấp trên sẽ không đồng ý việc này đâu. Có sao là mình bố chịu trách nhiệm. Lúc ấy đừng bảo mấy thằng giúp việc không can ngăn nhé.
Tâm cười lớn:
- Yên tâm đi! Tội lỗi đâu tôi chịu hết!
Cười như vậy, nói như vậy nhưng thực tình lòng anh đầy băn khoăn, đêm nằm, trằn trọc mãi không ngủ được. Càng nghĩ càng thêm day dứt. Nghĩ mãi anh cũng không biết chắc việc này phải xin phép cơ quan nào, phải báo cáo ai? Về pháp lý cấp trên của anh vẫn là sở y tế, nhưng cứ nghĩ đến thái độ của ông giám đốc sở hôm trước, Tâm không muốn gặp trực tiếp ông ta nữa. Còn báo cáo bằng văn bản gửi công văn thì có lẽ cũng sẽ bị gạch toẹt thôi. Hay là chạy lên hội phụ nữ, đoàn thanh niên hay hội chữ thập đỏ, hay... Chợt Tâm nhớ đến ông hàng xóm. Ông ta không là cấp trên của anh, nhưng anh linh cảm rằng ông ấy sẽ góp cho anh ý kiến hay. Cho tù đi tắm biển, cho tù đánh son phấn thì xin phép ai?
Nghĩ vậy, hôm sau Tâm đạp xe sang trại giam. Trước cổng có bảng hiệu: Trại giam Yếm Bò. Người gác cổng cầm bộ đàm a lô vài câu thì Tâm được phép đi vào. Ông giám thị đứng trước cửa ngôi nhà xây khang trang, cười thật tươi:
- Chào ông hàng xóm! Quanh quẩn thế mà mấy tháng rồi ta chưa gặp lại nhau. Xin mời!
Theo chân giám thị vào căn phòng phía đông, Tâm chưa vào ngay mà đứng tần ngần trước cửa. Mấy vồng hoa níu chân anh. Trước cửa phòng giám thị một khóm hoa hồng to có đến chục bông đang tươi nở. Anh buột miệng:
- Trại giam mà lãng mạn quá. Tưởng rằng sẽ gặp song sắt với gông cùm chứ, ai ngờ lại gặp hoa thế này?
- Ông mới là lãng mạn. Ông tưởng tượng cứ quản giáo là phải kèm roi với gậy ư. Nhầm! Nhầm, nhầm! Bao nhiêu con người hầm hố ở đây rồi, mình lại hầm hố nữa thì sống làm sao nổi.
Bước vào phòng giám thị, Tâm càng choáng ngợp hơn. Đập vào mắt anh là chiếc ti vi màu to tướng đặt trên chiếc tủ đối diện với bàn uống nước. Cạnh đó là chiếc quạt cây đang khua đi khua lại mát khắp phòng, rồi bộ sa lông gỗ màu cánh gián được chạm trổ tinh vi... Không nén được, Tâm bật thốt lên:
- Sao ông sang trọng thế? Cả bệnh viện tôi có mỗi chiếc ti vi đen trắng 14 inh, đặt ở hội trường. Tôi có muốn xem cũng phải đến đó. Vậy mà một mình ông lại có ti vi màu to thế này. Ghen tỵ quá!
Phong cười cười:
- Ghen tỵ làm sao được. Một bên toàn người bệnh tật. Một bên có hàng nghìn người lao động, phải khác nhau chứ. Ngày xưa các cụ nói “nước sông công lính”, bây giờ người ta nói “nước sông công tù”. Ông nghĩ xem, cai quản hàng ngàn tù nhân mà không được sống hơn người mới là chuyện lạ.
- Hiểu rồi, hiểu rồi! Nghĩa là cây nhà lá vườn do mình trồng, mình xứng đáng được hưởng phải không?
- Gần đúng thôi - Rồi giám thị chỉ vào bộ sa lông chạm trổ tinh xảo, nói tiếp - Đây cũng là thành quả lao động của phạm nhân đó. Ông thấy có đẹp không? Phạm nhân này có nghề chạm khắc gia truyền, trong làm ăn có người kèn cựa, cay cú hơn thua nên choảng nhau, phải đi tù. Vào đây tôi khai thác, cho anh ta làm đúng nghề, kết quả đó. Bộ ghế này là sản phẩm đầu tiên, chưa phải là đẹp nhất đâu. Anh ta còn truyền dạy nghề cho vài bạn tù khác nên trong trại hiện nay có hàng chục bộ ghế đẹp. Bộ đẹp nhất tôi cho kê ở phòng khách. Lát nữa ông xuống thăm sẽ biết.
- Vậy làm cũng sướng nhỉ...
- Ôi giời, quản gần một ngàn phạm nhân, lại hàng trăm quản giáo nữa, không ngày nào là không có chuyện. Ông nghĩ là sướng, nhưng tôi phải lao động cật lực. Tôi có trách nhiệm tìm việc cho chừng ấy người làm. Lo cho họ đủ ăn, đủ mặc, không ốm đau, rèn giữ cho họ không đánh lộn, không chống đối, không trốn trại, cải tạo tốt, vậy ông bảo tôi có phải lao động cật lực không. Có phải lao tâm khổ tứ không?
Tâm đưa đẩy theo câu chuyện:
- Ờ thì lãnh đạo một tập thể lớn như vậy, phải nghĩ nhiều là đúng thôi!
- Tôi phải lên tỉnh đề nghị mãi họ mới giao cho cái mỏ đá xanh bên kia sông để phạm nhân khai thác. Một là lấy đá nung vôi rồi mang vôi đi bán. Hai là đập đá nhỏ ra bán cho ngành xây dựng. Rồi thì họ phải đào đất đóng gạch, đào ao thả cá, nuôi tôm. Rồi phải khoanh rừng, khai hoang lấy đất trồng ngô khoai sắn. Họ đi tù thì phải cải tạo bằng lao động, còn mình phải đi tìm việc cho họ làm, ông hiểu chưa? Đau đầu ra phết chứ đâu phải dễ.
Tù đã vậy, còn các chiến sĩ quản giáo nữa, cũng phải quản họ. Các quản giáo là chiến sĩ công an mình, nhưng mà có phải chiến sĩ nào cũng chấp hành tốt đâu, cũng phải rèn giũa chứ. Tôi có hai ông phó giám thị giúp sức, có bao nhiêu nội quy, quy định đề ra nên mới yên ổn được. Mà cũng có lúc hút chết vì mấy ông quản giáo trẻ đấy ông ạ!
- Họ không nghe lời giám thị à?
- Không chỉ vậy mà họ còn làm ngược lại quy định của ngành. Tiện đây tôi kể ông nghe. Năm ngoái mấy ông tướng quản giáo trẻ không kìm nén được sự bực tức trước một phạm nhân ngang bướng. Mọi người đi làm hết mà phạm nhân này nhất định không đi. Giá như ông ta báo mệt thì còn cho đi khám bệnh, đằng này ông ta cứ nói như kiểu đang ở nhà mình: “Không đi đấy, không muốn làm, thích đánh thì cứ đánh, đây không đi làm là không đi”. Nóng gáy, hai cậu quản giáo mới lôi ông ta ra khỏi phòng, phạt bằng cách trói hai tay ôm chặt vào gốc cây. Hôm ấy trời nắng quá, quản giáo mải trông coi đám phạm lao động ở xa, quên mất ông ta. Đến giờ cơm trưa mới nhớ, chạy đến định thả ra thì ông ta đã sùi bọt còng bọt cáy ra miệng. Khênh về đến trạm xá cấp cứu kịp thời may ông ta thoát chết. Hai tay quản giáo bị kỷ luật nặng. Tôi thì bị kiểm điểm, suýt nữa thì hạ mất một sao. Nhưng mà mệt lắm. Hết thanh tra của tỉnh lại đến thanh tra của bộ, hết đoàn nhà báo này lại đến đoàn nhà báo khác. Tôi bị xoay chóng mặt. Thôi thì sự thật là như thế, đành kiểm điểm nghiêm túc và rút kinh nghiệm sâu sắc.
- Nguy hiểm quá nhỉ. Vậy khi tù nhân đi lao động xa trại thì cũng lo lắm nhỉ.
- Đương nhiên rồi. Thế mới nói không ngày nào là không có chuyện. Vậy nên ông có nhìn thấy hoa nở khắp quanh đây thì cũng là một cách làm cho con người bớt mệt mỏi thôi.
- Tôi thông cảm với ông. Giờ có mấy việc nhờ ông. Một là cho tôi xin được gặp chị họ tôi là chị Thảo ở Ninh Xuân. Chị ấy đang cải tạo ở đây. Hai là nhờ ông góp ý cho một việc hơi tế nhị. Bệnh nhân bên tôi họ muốn được xây dựng gia đình, không muốn ở tập thể nữa. Tôi băn khoăn quá, chưa biết hỏi ý kiến cấp trên nào. Ông có kinh nghiệm gì, giúp tôi với.
Suy nghĩ vài phút rồi Phong nói:
- Việc thứ hai trước nhá. Họ muốn xây dựng gia đình ra ở riêng, theo tôi ông cần ủng hộ và tạo điều kiện cho họ, càng sớm càng tốt. Việc xin phép cấp trên nào thì tôi cũng chưa biết, nhưng chắc chắn ông cứ hỏi lương tâm mình đã. Hơn nữa ông nghĩ kỹ xem việc ấy có thiệt hại gì cho ai không, có mất danh dự của ai không. Nếu không thì mình cứ làm. Còn việc thứ nhất, mời ông ra phòng khách ngoài này, tôi cho người gọi chị Thảo đến.
Một phụ nữ gầy gò, lọt thỏm trong bộ quần áo phạm nhân, đang quét dọn quanh sân, nghe gọi vội chạy đến khoanh tay trước ngực, cúi người lĩnh chỉ.
- Cô vào trong Khe Sâu bảo chị Thảo về gặp khách.
Người phụ nữ kia lại cúi người, đáp:
- Thưa vâng!
Rồi chị ta nhanh nhẹn chạy đi. Tâm hỏi:
- Nghi thức gặp giám thị phải cúi đầu à?
- Quy định vậy cho nó nghiêm. Phạm nhân này gầy yếu quá, tôi cho làm tạp vụ ở đây, đỡ phải dầm mưa dãi nắng.
Nói vậy rồi giám thị có vẻ cằn nhằn:
- Cái chị Thảo này đang làm khó tôi đây.
- Sao ạ? Phạm nhân lại dám làm khó giám thị là sao? Nghe nói nếu phạm nhân ngang bướng không chấp hành nội quy, sẽ bị phạt cùm chân, giam riêng mấy ngày. Chị Thảo dám làm khó giám thị thì...
- Kỷ luật cùm chân và giam riêng biệt là có thật. Nếu không như vậy thì cũng khó đưa họ vào khuôn phép. Ông tính ngoài đời có trăm người thì cũng mỗi người một tính, một nết. Ngay con cháu mình cũng thế thôi. Có đứa bảo làm gì làm ngay, có đứa phải giục giã mỏi mồm. Vậy trong này có hàng nghìn người, hàng nghìn tính cách và hoàn cảnh khác nhau. Trong số đó không phải tất cả đã quy phục cái án mà họ phải chịu, không phải không có người muốn chống đối, muốn thể hiện bản lĩnh riêng. Mệt lắm ông ơi. Đội ngũ quản giáo của tôi toàn người cứng cựa, vậy mà cũng không khỏi có lúc phạm nhân chống đối. Vẫn phải có hình thức kỷ luật nghiêm để phạm nhân thấy rằng nếu chống đối thì phải ngồi tù chứ không được đi tù đâu. Cùm chân, ngồi một chỗ mấy ngày thì kinh khủng lắm.
- Nghiêm vậy mà chị Thảo dám làm khó giám thị ư?
- Vấn đề là chị ta không phạm kỷ luật, chỉ suy nghĩ hơi ngược đời tý thôi. Chị ta sắp hết hạn tù rồi, đang làm thủ tục cho ra trại, nhưng không muốn về, cứ xin được ở lại đây. Vậy có phải làm khó tôi không.
Tâm thở phào, bớt lo lắng, tưởng rằng chị lại mắc lỗi gì.
Một lúc sau chị Thảo đến, hai tay khoanh trước ngực, cúi chào giám thị một cách cung kính, xong mới chào đến Tâm:
- Chú Tâm! Sao chú biết chị ở đây mà đến?
- Em về quê, bác nói chuyện chị ạ. Bác bảo cháu bé cũng lên đây ở với chị phải không?
Giám thị Phong bảo:
- Hai chị em chuyện trò thoải mái nhé. Tôi về làm việc đây.
Thảo lại khoanh tay chào giám thị rồi quay sang nói với Tâm:
- May quá chú ạ. Ông giám thị này tốt bụng, thương phạm nhân nên các chị đỡ khổ. Hồi mới vào trại chị nhớ cháu, khóc suốt ngày. Giám thị cho chị về đón cháu lên, cho hai mẹ con ở riêng một gian của dãy nhà phạm nhân nữ. Bác ấy giao cho mẹ con chị một con nghé gầy và hai đám đất, bảo chị cuốc xới lên trồng đỗ, trồng khoai, chăm cho nghé lớn, không được để nghé chết. Thế là mấy năm qua con nhà chị lớn lên cùng con nghé. Giờ nghé đã thành trâu, cháu biết cưỡi trâu lên rừng chăn thả. Nó lại thích ở đây chú ạ. Mà tôi cũng thích ở đây. Hết hạn tù, không phải mặc áo số thế này nữa thì tôi là người dân. Cuộc sống thong dong, trồng khoai, trồng đỗ cũng đủ sống. Mà chú có quen giám thị, nói hộ chị một câu. Chị không muốn về quê nữa.
- Em đang gặp khó, sang đây gặp chị lại làm khó thêm. Chị về quê mà sống chẳng tốt hơn sao?
- Về quê gặp dân làng, ngại lắm. Dù sao chị cũng là thân tù về, khó được sống bình đẳng với mọi người.
- Ngày ấy sao chị phải đi tù? Có phải chị chiếm đoạt tiền của người ta không?
- Về lý thì chị phải chịu tiếng thế, nhưng thực chất là không phải. Chú bảo khi đã làm ăn buôn bán, phải có vốn liếng, có bạn hàng. Dạo ấy gặp món hàng giá tốt, chị đổ hết vốn, lại vay thêm, rồi mua chịu, cốt để mình có số hàng lớn, lãi sẽ cao. Nào ngờ bỗng nhiên giá thay đổi, chị không kịp bán, không thu được vốn trả cho bạn hàng. Vậy nên họ kiện. Chị đành chịu bị bắt giam. Nếu để chị ở ngoài chị còn xoay xỏa được, trả dần được người ta. Nhưng vào trại giam rồi thì hàng hỏng hết. Sau chị phải bán nhà trên phố huyện đi trả nợ cho họ mà vẫn phải vào tù vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chị cay quá mà không thể cãi được. Giờ càng không cãi được, chị muốn làm dân thường ở đây, đón cháu lớn lên đây, làm lại từ đầu.
- Thương chị quá. Thôi chị ạ, cho qua đi. Chị cứ về quê còn có ông bà, có họ hàng, làng xóm...
- Chị không muốn làm ông bà buồn. Nếu được ở đây, chị chịu khó trồng sắn, trồng khoai, mẹ con chị sẽ sống thoải mái.
- Nhưng đất ở đâu mà trồng?
- Bởi vậy nên mới phải xin với giám thị chứ! Chị muốn cứ được trồng trọt trên đất của trại, giám thị cứ thu hoa lợi như trước, chị xin nhận phần dôi dư thôi.
Khi chị Thảo về rồi, Tâm mạnh dạn hỏi giám thị:
- Bà chị tôi có nguyện vọng khác người, liệu ông có cách gì giúp chị ấy không? Để chị ấy lại đây có được không?
- Không được. Theo nguyên tắc chúng tôi phải kiểm người kiểm việc hằng ngày. Hết thời gian cải tạo chị ấy trở lại là công dân, được hưởng mọi quyền lợi của người dân. Dù chị ta tự nguyện thì cũng không thể ở cùng phạm nhân được. Ông có quen biết thì liên hệ với chính quyền xã bên cạnh, có thể cho chị ấy nhập cư về đấy. Rồi tự nguyện khai hoang, sinh cơ lập nghiệp. Cứ ra ngoài hàng rào trại giam, chị ấy muốn ở đâu thì ở, miễn là chính quyền địa phương đồng ý. Ông là em họ thì giúp chị ấy. Tôi sẽ chứng nhận trong thời gian cải tạo chị ấy cần cù lao động, không mắc thêm lỗi gì.
- Tôi cảm ơn ông. Nhưng mà tôi sẽ động viên chị ấy về quê. Ở lại nơi này để khai hoang, khổ thân chị ấy.
- Tùy chị em nhà ông. Nhưng tôi nghĩ, ở đâu người ta thấy yên ổn, vui thích lao động, thì chỗ đó là tốt nhất.
Từ chỗ trại giam về, Tâm ám ảnh mãi một câu nói “cứ hỏi lương tâm mình trước. Nếu không thiệt hại cho ai, không mất danh dự của ai, thì mình cứ làm”. Suy nghĩ tiếp mấy đêm rồi tuần sau anh lại cho họp bệnh nhân. Lần này anh thử thăm dò bằng cách ghi danh sách những người muốn xây dựng gia đình, muốn ra ở riêng. Nghĩa là những ai có dự định nên đôi thì đăng ký. Vài ngày sau phòng hành chính báo cáo, tổng số có ba mươi cặp đăng ký. Nghe con số ba mươi Tâm giật bắn mình:
- Nhiều thế sao? Có nhầm không?
- Thưa giám đốc, không nhầm chút nào. Có tên từng đôi rõ ràng.
- Thế à? Tưởng có độ dăm cặp thì mình cố gắng thu xếp chứ ba mươi cặp thì lo sao nổi?
- Báo cáo sếp, trong số này có nhiều cặp đôi đã cao tuổi, nhưng họ vẫn muốn được ở cùng người họ thương mến. Họ bảo, được ở cùng nhau vài năm hoặc vài tháng, thậm chí vài ngày cũng mãn nguyện.
- Hóa ra lâu nay họ vẫn khát khao hạnh phúc nhỉ. Thông cảm với họ, nhưng mà lấy đâu ra tiền của, lấy đâu ra đất đai để dựng lên ba mươi căn hộ bây giờ. Việc này đau đầu đây. Thôi, cứ biết thế. Tôi lại phải xin ý kiến cấp trên đã.