DÃY NÚI SƯỜN BÒ CAO SỪNG SỮNG Ở PHÍA BẮC, nhưng thoải dần về phía nam. Giữa chừng dãy núi có một vùng đất thấp xuống, bằng phẳng, dân địa phương gọi là thung lũng Yếm Bò. Tuy là thấp trũng, nhưng vẫn là vùng chân núi rậm rạp, nhiều thú hoang, dân không dám ở. Khu dân cư gần nhất cũng cách chừng năm cây số theo đường chim bay. Đường vào thung lũng rất hiểm trở. Chỉ những người đi lận tổ ong, tổ kiến, hoặc tìm măng vầu, măng trúc mới vào đây. Đầu năm 1961, tỉnh quyết định chọn thung lũng Yếm Bò làm nơi đặt trại giam. Trại này chỉ tiếp nhận những phạm nhân có án tù 10 năm trở xuống. Án nặng hơn thì đi nơi khác. Trung tá Phong được điều về đây làm giám thị khi trại giam đã ổn định. Nhiều hécta cây rừng hoang dại đã được cải tạo, nhiều ngôi nhà gạch mái ngói được mọc lên thay những ngôi nhà vách nứa trước kia. Hàng ngàn tù nhân được thu gom về, khiến khu thung lũng Yếm Bò không còn hoang vắng. Ban đầu dân quanh vùng rất sợ tù quấy nhiễu, sau thấy các tù nhân đi lao động có người trông coi, hết giờ răm rắp xếp hàng về trại nên người ta không lo lắng nữa. Khi các tù nhân khai hoang gần hết khu Yếm Bò thì tỉnh lại quyết định cắt một phần đất ấy làm nơi đặt trại phong. Thế là nơi đây có thêm những phận đời gian khổ. Từ quốc lộ rẽ vào bảy cây số đường đất gập ghềnh, đến một ngã ba, một đường đi vào trại giam, một lối đi vào Bệnh viện phong. Dân quanh vùng gọi nôm na là ngã ba Khổ, một bên là trại giam, một bên là trại hủi. Chắc chắn phải đến những năm 1980 mới có những chiếc ô tô đầu tiên đi đến ngã ba này. Phong về làm giám thị Trại giam Yếm Bò vào đầu thập kỷ tám mươi. Giám thị là chức vụ trong ngành công an, còn người dân gọi anh cách khác. Kệ, gọi gì thì gọi, miễn là đừng tù nhân nào sổng trại, miễn là không ai thù ghét mình.
Hôm ấy xe ô tô U-oát của Phong vừa từ trong trại đi đến ngã ba Khổ, hướng ra đường quốc lộ thì gặp chiếc xe đạp Vĩnh Cửu của người đàn ông cũng đang bon bon lăn bánh. Phong bảo lái xe chạy chậm lại rồi anh ngó đầu ra cửa xe, gọi với xuống:
- Này, đằng ấy có lên thị xã thì tớ cho đi nhờ!
- Hả? Cho đi nhờ à? Tốt quá, nhưng có chở cả xe đạp này được không?
- Được!
Chưa cần biết người kia là ai, cũng chưa biết anh ta cần đi đâu, Phong vẫn bảo lái xe xuống buộc cái xe đạp vào sau ô tô. Anh này vẫn tốt tính vậy. Nhiều lần trước gặp các bà, các cô đi chợ về, quang thúng lỉnh kỉnh, giơ tay vẫy Phong đều cho đi nhờ hết. Anh thường bảo với lái xe, mình mất gì mà không giúp người ta, đằng nào cũng từng đấy xăng dầu của nhà nước. Đi một mình phí quá. Lần này Phong giúp Tâm cũng với suy nghĩ ấy, anh đâu biết đó lại là giám đốc một đơn vị hàng xóm. Lên xe, Tâm thấy có hai phụ nữ ngồi hàng ghế sau, anh nói:
- Cám ơn ông bạn chưa biết tên và chú lái xe nhé. May quá, nhờ được ô tô nên tôi lãi nửa ngày giời. Thế hai chị đây cũng về thị xã phải không?
Các chị còn ấp úng chưa lên tiếng, Phong liền trả lời thay:
- Hai chị này tôi cho nhờ ra thị trấn có chút việc thôi. Ông bạn về thị xã còn đi đâu nữa không?
- Tôi còn về quê, cách thị xã ba mươi cây số nữa.
- Thế mà ông đi bằng xe đạp chắc tối khuya mới đến nhà. Tích cực thế.
- Chắc chỉ chín giờ tối thôi, ông bảo không tích cực thì biết làm thế nào. Đây về thị xã có bến xe khách nào đâu. Mà đã sáu tháng nay tôi chưa về quê, vợ con chắc mong mỏi lắm!
- Thế ông ở đâu mà đạp xe qua ngã ba Khổ ấy?
- Tôi ở trong bệnh viện phong mà. Tôi mới được điều về phụ trách ở đấy, nhiều việc quá nên từ hôm nhận công tác đến nay mới tranh thủ về nhà, mà cũng kết hợp công tác nữa chứ không chỉ về nhà thôi đâu.
Phong vội ngoái người về phía sau, chìa tay bắt tay Tâm, giọng hồ hởi:
- Hóa ra chúng ta là hàng xóm! Tôi là giám thị trại giam. Thế mà không đón ông bạn vàng lên xe thì khuyết điểm quá. Từ nay ông đi đâu cứ ới tôi nhá.
- Vinh dự quá! Được giám thị áp giải. An toàn tuyệt đối!
Họ cùng phá lên cười. Quả là cuộc gặp đáng nhớ. Khi hai người phụ nữ xuống xe rồi, Phong bảo với bác sĩ Tâm:
- Hai cô đó là phạm nhân trong trại tôi. Nhân sắp đến ngày lễ lớn của đất nước, ngày mai chủ nhật, tôi cho hai cô đó ra thị trấn tân trang lại dung nhan.
- Hả… Làm sao phải tân trang? Bị quản giáo đánh à?
- Ông hay nhỉ. Nhìn họ như thế có giống người bị đánh không? Tân trang là cho họ đi làm đẹp. Họ thích cắt tóc ngắn thì cắt, thích uốn cong thì uốn, rồi mua phấn, son, thậm chí nước hoa để những ngày lễ họ trang điểm cho gương mặt sáng sủa. Trại giam thì cũng phải sôi động, phạm nhân thì cũng có quyền tươi xinh chứ.
Tâm ngồi ngay đuỗn một hồi, tưởng như mình bị quở trách, mãi mới rụt rè hỏi:
- Làm vậy liệu có đúng quy định không?
- Thì tôi quy định chứ ai. Tôi chịu trách nhiệm với cấp trên là làm sao cho những phạm nhân đó cải tạo tốt, và họ chịu trách với tôi là không vi phạm nội quy của trại. Đơn giản thế thôi.
- Vậy không sợ họ trốn sao?
- Ôi giời! Trốn đi đâu? Dại gì mà trốn. Đáng lẽ án có năm năm, nếu trốn có thể thành mười năm hoặc nhiều hơn. Họ cũng biết trốn sẽ bị bắt lại, chỉ có thiệt thân, nên họ chỉ ngoan ngoãn chấp hành kỷ luật để chóng được về.
Cậu lái xe trẻ bắt nhịp với thủ trưởng, hào hứng khoe với Tâm:
- Chú không biết chứ, sếp cháu hơi khác người một tý, có phần mạnh bạo hơn những giám thị khác. Năm ngoái sếp cháu còn cho mấy phạm nữ đi tắm biển cùng nữa cơ.
- Hả? Tắm biển cùng tù nhân á? Chuyện lạ đấy, tôi chưa từng nghe thấy bao giờ. Giám thị này lãng mạn quá đấy.
Giám thị cười khanh khách, bảo lái xe:
- Cậu phải nói cho rõ kẻo bác sĩ đây lại hiểu lầm tớ. Các phạm nhân đi đội đá, nung vôi, ở gần bãi biển. Hết đợt lao động, thì cho họ đi tắm cho bớt mệt nhọc. Đội tù đó chỉ có dăm phụ nữ, dĩ nhiên nữ thì sức yếu hơn nam giới nên tôi chỉ cho nữ đi thôi. Họ đi thì mình cũng phải đi để trông coi họ chứ, nhỡ xảy ra chuyện gì thì mình cũng đi tù à. Tôi và mấy cậu quản giáo nữa cùng tắm, chỉ thấy mát thôi, có sao đâu.
- Các phạm nhân ấy chắc phải ơn ông nhiều lắm. Ở nhà chưa chắc họ được đi tắm biển đâu, càng chưa chắc được uốn tóc, bôi son như các cô vừa rồi.
- Ơn hay không thì tôi chả biết, nhưng tôi làm không phải vì cái ơn ấy. Tôi muốn thể hiện sự tôn trọng họ như tôn trọng một con người. Tôi muốn họ cải tạo tốt hơn, và càng tốt hơn khi trở về với cộng đồng.
- Hôm nào rảnh rỗi tôi sẽ sang thăm trại giam của ông nhé!
- Xin mời! Mà có sự kiện gì tôi cho lính sang mời thì ông quá bộ nhé!
Đến trung tâm thị xã họ chia tay nhau. Tâm đạp xe thẳng về huyện Ninh Xuân, về nhà với vợ con. Hồi chiến tranh đi biệt ba, bốn năm không về cũng không thấy nhớ mà bây giờ mới xa mấy tháng sao nỗi nhớ cồn cào thế.
Tối ấy Tâm háo hức bao nhiêu thì vợ anh lạnh lùng bấy nhiêu. Cuối cùng chị dội một gáo nước lạnh vào niềm háo hức của chồng. Lúc chiều nhìn thấy chồng về chị chỉ vui được vài phút rồi nét mặt lạnh băng cho đến trước khi đi ngủ. Chỉ cái chõng tre vẫn kê ở gian ngoài để ngồi uống nước, vợ anh bảo:
- Hôm nay anh ngủ đấy, đừng có vào buồng làm phiền mẹ con tôi.
Tâm chết sững, hơi cau mặt hỏi:
- Sao lại thế?
- Thế là thế. Mà anh cứ tự hỏi anh, tự nghĩ lại thì biết chứ sao lại hỏi tôi.
- Ô, tôi làm gì sai hay sao. Tôi có lỗi gì với mình sao?
- Sai hay không, lỗi hay không, anh phải tự biết. Tôi nghe người ta nói rằng anh đã là bố của đứa trẻ nào đó rồi. Anh đưa cô ta đi đẻ trên bệnh viện tỉnh. Sáu tháng nay anh ở đâu. Anh bận gì hay bận chăm sóc cô ta?
Nghe đến đây thì Tâm bật cười:
- Hóa ra nỗi oan Thị Kính lại ám vào tôi. Ai nói với mình chuyện ấy?
- Đừng hỏi ai nói, mà hãy hỏi mình sao lại lừa vợ con.
- Ối giời ơi, nghe cái bọn đơm đặt ấy thì có mà tan cửa nát nhà. Con của người ta, tôi là bác sĩ, bế hộ một lát thì phạm lỗi với vợ à? Vớ va vớ vẩn!
Nói vậy và Tâm xô cửa xông vào phòng định ôm chặt vợ rồi sẽ thanh minh rõ. Nhưng vợ anh kiên quyết đẩy ra, kèm một lời nói còn sốc hơn:
- Tôi không muốn gần người hủi. Anh đã chọn người hủi thì thôi, đừng bao giờ gần gũi tôi nữa.
Nghe câu này thì Tâm mềm hết cả người. Những ham muốn tình ái với vợ đều xẹp cả. Anh lững thững bước ra gian ngoài, quăng mình xuống cái chõng tre, nằm yên như ngủ mà trong lòng đầy giông bão. Giận vợ chấp nhặt không phải lối, thương vợ kiến thức nông cạn, lại không nghe chồng giải thích. Mặc cho tiếng khóc rấm rứt từ buồng trong vọng ra, Tâm cứ nằm im cho đến sáng mà không hề ngủ. Sáng hôm sau anh lặng lẽ làm bát cơm nguội với muối vừng, rồi thủng thẳng đi quanh xóm làng, thỉnh thoảng ghé vào thăm nhà bà con họ hàng thân thiết. Ai cũng vồn vã mời chào, chuyện trò tíu tít làm anh nhẹ lòng. Đến nhà bác họ ngồi chơi lâu lâu, Tâm hỏi thăm người chị họ. Lâu rồi Tâm không gặp chị, chỉ nghe nói chị kinh doanh buôn bán phát tài, có nhà xây ở phố huyện, nào ngờ... Bác giai ngậm ngùi nói:
- Nó bị đi tù rồi, buôn bán là chuyện những năm trước.
- Thế sao? Chị ấy vướng vào tội lỗi gì?
- Thì cũng chuyện buôn bán cả. Hình như nó có nợ tiền hàng của người ta không trả được nên người ta kiện, nên phạm tội chiếm đoạt tài sản. Số tiền không nhiều nhưng cũng phải thụ án năm năm.
- Vậy ạ? Khổ thân chị ấy. Vậy chồng chị ấy và các cháu nay ở đâu?
- Chồng nó bệnh trọng, mất ba năm trước rồi. Con thì đứa lớn gửi đằng nhà nội. Đứa bé còn nhỏ quá, cũng đi tù cùng mẹ.
- Dạ? Sao lại bắt trẻ con đi tù? Không thể chấp nhận được. Cháu sẽ...
- Không ai bắt, là mình tự nguyện thôi. Ngày mẹ cháu đi tù, cháu mới lên hai tuổi, ở đây với ông ngoại được mấy tháng, nhưng rồi con nhớ mẹ, mẹ nhớ con, tội lắm. May sao có ông cán bộ tốt bụng, ông ấy cho mẹ nó về đón cháu lên trại ở cùng. Tù nhưng mẹ con được ở gần nhau thì vẫn hơn.
Tâm thấy nhoi nhói trong lòng, không hẳn buồn, cũng không hẳn vui. Buồn vì có những tuổi thơ phải vất vưởng trong trại giam. Vui vì nghĩ đến lòng bao dung của ông bạn giám thị vừa mới quen hôm qua. Nếu chị mình được cải tạo trong đó thì may.
- Chị ấy đi cải tạo ở trại nào bác nhỉ?
- Trại... trại nào nhỉ. Tôi không nhớ tên, nhưng mà ở trong tỉnh này thôi.
- Vậy thì cái trại cải tạo ấy ở gần chỗ cháu làm việc, hôm nào cháu sẽ sang thăm chị bác ạ, giờ cháu về đây.
- Tưởng anh làm trên bệnh viện tỉnh chứ?
- Cháu làm ở bệnh viện phong bác ạ.
- Hả? Viện phong là... là trại hủi à? Tôi nghe nói mãi tít cuối tỉnh này có trại hủi. Vậy ra anh...
- Vâng! Cháu làm bác sĩ ở đó mà. Sao hả bác?
Người bác lùi hẳn vào phía trong, cách xa Tâm thêm một đoạn, giọng nói tỏ rõ sự hoảng hốt, gần như sợ hãi:
- À không! Không có sao! Anh về nhá!
Tâm không về nhà mà tiếp tục đi loanh quanh trong làng, hết lối này sang lối khác, trong lòng trào dâng những đợt sóng buồn, thương. Buồn vì xã hội còn nhiều người chưa hiểu đúng mà luôn kỳ thị với người mang bệnh phong, trong đó có vợ anh và người bác này, thương cho những phận người chẳng may gặp rủi ro trong cuộc sống.
Tối ấy Tâm thản nhiên đặt gối nằm trên chiếc chõng tre ở gian ngoài, nói với một câu vào gian trong:
- Ngủ đây! Khi nào muốn gần gũi thằng hủi này thì bảo nhé!
Rồi anh chìm vào giấc ngủ mê mệt vì đêm qua đã thức trắng rồi.
Nhiệm vụ Tâm tự đặt cho mình lần về tỉnh này thật nặng nề, nhưng anh quyết tâm làm bằng được. Gặp lại giám đốc sở sau mấy tháng, thấy ông có vẻ là lạ. Không vui vẻ, như hôm cho phép anh về thăm nhà ba ngày trước đó, cũng không căng thẳng như hôm tiếp nhận anh, mà ông có vẻ buồn buồn, lành lạnh. Ông hỏi bằng một giọng vô cảm:
- Có việc gì, cậu cứ nói!
- Báo cáo giám đốc, tôi muốn xin phép xây trong bệnh viện phong một nhà thờ và một ngôi chùa để đáp ứng nguyện vọng tâm linh của bệnh nhân.
Giám đốc sở như chồm dậy khỏi ghế, nét mặt không lạnh lùng nữa mà phừng phừng nóng giận:
- Cậu nói cái gì? Xây nhà thờ hả? Xây chùa chiền hả? Cậu bị khùng hay sao? Mình chỉ chữa bệnh thôi, cậu quên à?
- Báo cáo giám đốc, tôi không quên, nhưng đây là vấn đề thực tiễn đặt ra. Bệnh nhân họ có nhu cầu. Tôi phụ trách ở đấy không đề xuất thì ai làm đây?
- Đề xuất những gì thuộc chuyên môn thì được. Những việc khác thì đừng nói nữa. Cậu về được rồi. Quản trong ngành, quản chuyên môn đã hết hơi rồi, lại còn ôm đồm toàn chuyện giời ơi. Cậu tưởng tôi là thánh à. Cậu về đi!
Tâm đành đứng lên, nhưng anh cũng không thể giữ hết những bực dọc trong lòng. Anh đập tay xuống bàn, gằn giọng:
- Anh nổi nóng cái gì? Cáu với ai? Tôi là cấp dưới, đi bốn chục cây số đến đây báo cáo anh một vấn đề nghiêm túc. Không giải quyết được thì anh cho vài câu phải trái. Lần sau mà còn nói cái giọng ấy với tôi là không xong đâu nhé.
Nói rồi Tâm bước nhanh ra khỏi phòng, chẳng cần biết phản ứng của người đứng đầu ngành ra sao. Gặp trưởng phòng tổ chức ở gần cầu thang, Tâm bày tỏ những bức xúc trong lòng. Trưởng phòng kéo Tâm ra hành lang, nói nhỏ:
- Không may cho anh, gặp sếp đúng lúc ông ấy đang có chuyện rắc rối. Bỏ qua đi. Còn về nguyện vọng của bệnh nhân dưới ấy, tôi xui ông thế này. Trước hết ông sang gặp ban tôn giáo, sau đó lên thẳng ủy ban tỉnh, chắc là được thôi. Bệnh nhân người ta ở đấy suốt cuộc đời thì những nguyện vọng chính đáng cấp trên sẽ xem xét.
Nghe lời xui rất có lý, Tâm hỏi đường đến ban tôn giáo. Thị xã nhỏ hẹp, trụ sở các cơ quan ban ngành cách nhau chẳng bao xa. Tâm đi thong thả, vừa đi vừa nghĩ cách trình bày vấn đề với những nơi sẽ đến gặp. Cùng một chuyến đi, phải gõ đủ các cánh cửa cần gõ, được hay không là ý trời, mình không nuối tiếc vì bỏ qua cơ hội.
Cán bộ ban tôn giáo nghe Tâm trình bày, vừa ngạc nhiên, vừa bối rối. Nhưng Tâm mừng là họ rất chú ý nghe và tỏ vẻ đồng tình. Một người nói:
- Vấn đề này quá với chúng tôi, đồng chí ạ. Tỉnh nhà có một số nhà thờ lớn, ở những vùng đông giáo dân, chứ chưa nơi nào chỉ có hơn hai chục giáo dân mà lại xây dựng nhà thờ. Bên Phật giáo cũng vậy, phải đông các phật tử thì mới có chùa. Vậy nhưng ở chỗ đồng chí là đặc thù riêng. Người ta là bệnh nhân, lại còn tàn tật nữa thì không thể đến các nhà thờ khác mà cầu nguyện được. Chúng tôi thông cảm với nguyện vọng của họ. Nhưng việc này rất khó...
Vừa lúc ấy có một người phụ nữ từ phòng bên cạnh đi vào. Chị nhìn Tâm khoảng mười giây, tưởng như gặp lại người quen, rồi chìa tay bắt tay Tâm một cách nồng nhiệt. Chưa kịp nói gì thì người cán bộ tiếp anh ban nãy xin báo cáo công việc. Người phụ nữ bảo: “Sang phòng tôi”, rồi hai người kéo nhau đi. Lát sau người cán bộ trở về nói với Tâm:
- Đồng chí ngồi đây viết một cái đơn, dựa vào đơn ấy chúng tôi làm tờ trình lên ủy ban tỉnh.
- Đơn thì tôi có thể viết ngay bây giờ, còn tờ trình...
- Thì chúng tôi cũng làm ngay, rồi chúng ta cùng sang ủy ban.
- Được thế thì tốt quá!
Tâm ngồi viết lá đơn mất chừng mười phút. Sau đó mười lăm phút tờ trình đã hoàn thành, có dấu đỏ và chữ ký của trưởng ban. Một cán bộ trực tiếp đi cùng Tâm mang tờ trình sang ủy ban nhân dân tỉnh. Tâm mừng vì được sự giúp đỡ nhiệt tình hơn sự mong đợi. Phó chủ tịch ủy ban tỉnh là một phụ nữ chừng ngoài 50 tuổi. Bà đọc ngay đơn và tờ trình rồi nói với Tâm:
- Thông cảm với đồng chí xa xôi, nhưng việc này không thể giải quyết ngay được. Chúng tôi còn phải bàn bạc tập thể, còn phải xin ý kiến cấp trên nữa. Quan điểm cá nhân tôi là ủng hộ. Hứa với đồng chí sẽ trình lãnh đạo đưa ra bàn bạc sớm và trả lời đồng chí qua đường công văn. Đồng chí không phải đi lại nhiều nữa.
Mừng quá. Không ngờ gặp lãnh đạo tỉnh cũng dễ dàng và được trả lời nhanh thế. Cán bộ tôn giáo bảo:
- Thế là thuận lợi rồi. Phó chủ tịch phụ trách văn hóa xã hội mà tỏ rõ quan điểm ủng hộ thì việc đưa ra bàn chỉ là thủ tục thôi.
- Cảm ơn đồng chí, cảm ơn ban tôn giáo đã nhiệt tình giúp tôi. Nếu không thì làm sao tôi đã gặp được lãnh đạo tỉnh hôm nay.
- Lẽ ra việc này phải do sở y tế sang làm việc, nhưng phó ban của tôi là người quen với anh nên chị ấy giúp nhiệt tình!
- Đồng chí bảo sao? Phó ban nào là người quen của tôi?
- Thì cái chị ban nãy bắt tay anh đó. Chị ấy bảo đó là người quen của chị ấy, mà tôi đoán còn quen đặc biệt nữa, nên chị ấy mới cử tôi trực tiếp đưa anh sang gặp sếp ủy ban tỉnh chứ. Việc này chưa có thông lệ đâu đồng chí ạ!
- Ai nhỉ? Tôi vẫn không nghĩ ra. Thế chị ấy quê ở Ninh Xuân à? Hay là ở quân đội chuyển về?
- Không, quê chị ấy mãi cuối tỉnh cơ, cũng chẳng đi bộ đội bao giờ. Chắc đồng chí đang vui quá mà chưa nhớ ra người quen thôi. Mà nhớ hay không thì cũng được việc rồi, chứ nếu đúng bài bản, chờ sở y tế sang đây bàn thì còn rất lâu. Mà sếp bên ấy đang có chuyện bất ổn, thì còn lâu hơn.
- Tôi cũng không rõ có chuyện gì mà sáng nay ông ấy cáu gắt lắm.
- Ông ta suýt chết cháy. Mấy hôm trước đang đêm có người tưới xăng vào nhà ông ta, định đốt.
- Hả? Kẻ nào mà to gan vậy? Đã bắt được chưa?
- Công an bắt ngay rồi, nhưng vấn đề hơi tế nhị. Người tưới xăng là một phụ nữ trong ngành.
- Ôi giời! Ghê quá! Chắc là có mâu thuẫn lớn. Dù sao cũng mừng vì ông ta không chết cháy!
- Có cháy đâu mà chết. Người phụ nữ ấy hắt cả can xăng qua khe cửa, chảy vào lênh láng trong nhà, nhưng không đốt hoặc chưa đốt. Nghe nói ông ta đang ôm vợ ngủ thì ngửi thấy mùi xăng nên kéo vợ vùng dậy chạy ra ngoài kêu toáng lên: “Xăng! Xăng! Cứu tôi với! Đừng ai bật lửa. Ối giời ơi, có người muốn giết cả nhà tôi!”. Hàng xóm bật dậy, đổ xô tìm thủ phạm, dưới ánh đèn pin loang loáng, bắt gặp chị kia đang ngồi co rúm, thút thít khóc, tay vẫn đang cầm chiếc bật lửa.
- Ơn giời, chị ta biết dừng lại chứ không thì bao nhiêu người khổ.
Chia tay người cán bộ tôn giáo, Tâm đạp xe thẳng về Linh Sơn. Trong đầu anh cứ bộn rộn, thắc mắc về cái người quen là phó ban tôn giáo mà mình chưa nhớ ra ai. Anh cũng hơi khó hiểu về ông giám đốc của mình: Ông ta thoát chết trong gang tấc, thì phải biết quý trọng mạng sống, quý trọng anh em đồng nghiệp chứ sao lại khó tính hơn như vậy nhỉ.
Thực ra người giúp đỡ Tâm nhiệt tình ở ban tôn giáo chính là sản phụ đã được anh bế hộ đứa con và mua tặng bát phở ngày nào. Tâm không thể nhận ra chị ấy là vì anh chưa bao giờ nhìn thấy chị trong tư thế bình thường. Còn chị ấy thì chưa bao giờ quên người giúp đỡ mình lúc khó khăn, nay bỗng nhiên gặp lại, chị đã bỏ qua thủ tục hành chính, tận tình tạo điều kiện cho anh được việc. Động tác đó thay lời cảm ơn chân thành của chị. Còn về vị giám đốc sở thì do Tâm ở xa không biết, chuyện đang ầm ào cả tỉnh. Đằng sau cái hành động đổ xăng của nữ bác sĩ kia là một câu chuyện động trời.
Cuộc trao giải thơ diễn ra tưng bừng và long trọng. Có đến ba chục người được nhận các giải từ cao đến thấp. Cao cũng vui mà thấp cũng vui. Chỉ tiếc trong số người ấy không có nhà thơ Văn Si.
Sau cái hôm lên ủy ban, được viên thư ký hướng dẫn về làm đơn, anh đã viết cẩn thận ba mặt giấy phê đúp, kể về cái hay cái đẹp, cái giá trị của thơ mình, đồng thời anh kiến nghị xem lại tập thơ Mặt trời vì nó hoàn toàn không có giá trị nghệ thuật, chỉ toàn thơ ca ngợi sáo rỗng. Ủy ban tỉnh chuyển luôn lá đơn đó về hội văn học nghệ thuật, kèm dòng chữ: Yêu cầu chủ tịch giải quyết. Vài ngày sau tại trụ sở hội, người ra người vào tấp nập. Nhiều cuộc họp được diễn ra. Cuộc nào cũng thấy có mặt Văn Si. Mọi người được quán triệt, cho điểm lại, bỏ phiếu lại, xóa kết quả lần trước. Hai cuộc họp đầu nhà thơ Văn Si hăng hai phát biểu.
Lần này đích thân chủ tịch chủ trì cuộc bỏ phiếu. Kết quả vẫn như lần trước. Tập thơ Mặt trời vẫn đứng đầu. Chùm thơ Gươm khua đứng cuối, không đủ điểm để vào giải. Công bố kết quả xong, số phiếu thu về và tờ biên bản được cho vào phong bì dán kín rồi chuyển lên ủy ban tỉnh. Nghe kết quả xong, Văn Si hừng hực đứng lên, vặt chiếc mũ lưỡi trai trên đầu, đập mạnh xuống bàn...