VÀO NHỮNG NGÀY CHỦ TỊCH HỘI VĂN HỌC NGHỆ thuật bận rộn với bao việc để giúp ủy ban nhân dân tỉnh trao cái giải thưởng danh giá cho văn nghệ sĩ thì ở bệnh viện phong, bác sĩ Tâm cũng đang rối bời. Trước khi xuống đây Tâm chỉ nghĩ rằng mình cùng đồng nghiệp hết lòng cứu chữa cho người bệnh, sẽ tiêu diệt hết cái lũ vi trùng gọi là Hansen. Nhưng hóa ra vi trùng Hansen không đáng ngại. Thuốc men được cấp đầy đủ. Bác sĩ giỏi, y tá tận tình đều có cả. Người bệnh dù đã hết đau, đã lành lở loét, nhưng họ vẫn cứ buồn rười rượi. Thấy giám đốc đến họ nhìn lấm lét. Thỉnh thoảng có người buột miệng: “Bác sĩ ơi, giám đốc ơi, ở đây lâu lâu vào nhé”. Dường như họ chỉ sợ giám đốc lại sắp về tỉnh mất. Tâm hỏi Toán, phó giám đốc, người đã ở đây trước anh hai năm:
- Cậu có thấy không khí nặng nề trong khu bệnh nhân không? Họ được chữa khỏi bệnh, không đau đớn nữa thì phải vui chứ nhỉ. Mình đến thăm chỉ nghe họ nói, giám đốc ơi đừng đi nhé, là sao?
- Dễ hiểu thôi mà. Các giám đốc trước đây thường chỉ một năm hoặc nửa năm là chuyển, nên họ mong giám đốc mới phải ở lại lâu dài.
- Ở hay đi, việc gì đến họ. Vẫn có người chữa bệnh cơ mà.
- Nhưng mà những việc họ mong muốn không giải quyết được. Mà ai hơi đâu giải quyết những yêu cầu lạ của họ. Bác sĩ với giám đốc nào chả tính đường lui sớm. Em cũng thế. Em ở đây sắp được ba năm rồi. Cũng thưa với anh, hết ba năm cho em chuyển về bệnh viện hoặc phòng y tế thị xã.
- Ô, tưởng phải ở đây đến lúc về hưu chứ?
- Anh nói đùa. Chả bác sĩ nào muốn ở đây quá ba năm cả. Họa chăng bác sĩ đó cũng bị phong.
Tâm ngỡ ngàng:
- Thế à? Thế cấp trên có quy định thời hạn cho chúng ta không. Tớ nhận quyết định về đây, chẳng thấy cấp trên bảo thời hạn là bao nhiêu.
- Không có quy định đâu, nhưng làm việc hai ba năm ở trại phong rồi thì xin chuyển đều được cả. Hoa thơm mỗi người ngửi một tý. Việc khó mỗi người gánh một phần. Với lại kiểu gì chả có bác sĩ phạm kỷ luật được về đây cải tạo.
Tâm càng ngơ ngác:
- Thế hóa ra nơi đây là trại thu dung à. Cứ bị kỷ luật thì cho về đây hối cải à. Vậy cậu bị kỷ luật gì?
- Em thì không bị kỷ luật, chỉ hơi sai lầm một chút, bị khiển trách thôi.
- Thế cậu nghĩ tôi bị kỷ luật gì nào?
- Em không biết, chỉ đồ rằng anh cũng bị phốt gì đó nên mới bị điều về đây.
- Những người khác cũng nghĩ như cậu hay sao?
- Có lẽ vậy. Họ cũng có chút xì xào, nhưng không ai nghĩ anh là người xấu. Anh yên tâm đi. Chuyện ở đâu bỏ đó. Ở đây anh em mình cứ vô tư, hoàn thành tốt nhiệm vụ là được, anh nhỉ.
Tâm thấy chát đắng trong lòng. Mình sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không ngại khó, ngại khổ thì họ lại hiểu là bị kỷ luật về đây để cải tà quy chính. Chẳng lẽ lại đi thanh minh với mọi người rằng tôi hoàn toàn không bị kỷ luật gì. Mà cũng không thể để người ta hiểu lầm như thế. Phải nghĩ cách để hóa giải vấn đề này. Nhớ lại lời anh cấp phó nói lúc nãy, Tâm hỏi giật giọng:
- Này, nhưng mà tôi chưa hiểu vì sao lại không giải quyết được những yêu cầu của người bệnh? Những yêu cầu ấy là gì?
- Thì dần dần anh sẽ biết mà. Hôm nào anh cho họp bệnh nhân lại, bảo họ nói những gì họ cần, chắc họ nói ngay.
- Cậu cứ nói xem họ đề nghị những gì. Sao phải đợi đến khi họp.
- Thì đại loại là họ muốn có nơi để họ sinh hoạt tinh thần, có phòng xem phim, có nhà thờ để họ xưng tội, có chùa chiền để họ đọc kinh. Anh bảo những việc ấy có thuộc trách nhiệm của bệnh viện không. Những giám đốc trước đều lắc đầu hết. Bệnh viện là nơi chữa bệnh cho họ khỏi đau đớn mà thôi.
Nghe vậy Tâm lặng người. Phó giám đốc nói cũng không sai, mà đòi hỏi của người bệnh cũng là thiết thực. Anh chìm sâu vào nỗi dằn vặt mới. Những việc ấy quả thực quá lạ, quá mới với một bác sĩ như anh. Biết làm sao đây?
Tâm cho họp hội đồng bệnh nhân chỉ để tìm hiểu riêng về vấn đề này. Hội đồng bệnh nhân có mười lăm người thì tất cả đều bày tỏ nguyện vọng rằng, nên có nhà thờ, nên có chùa chiền và nên có một nghĩa trang. Bởi vì các bệnh nhân gửi gắm cả cuộc đời của họ ở đây. Trong đó anh Nghị là người công giáo. Anh vừa phát biểu nước mắt đã chảy tràn trên má:
- Kính thưa giám đốc, nếu có nhà thờ thì chúng tôi khỏe ra nhiều. Tôi theo cha mẹ đến nhà thờ cầu nguyện từ năm còn thơ bé, lớn lên tôi đều đặn đến nhà thờ vào mỗi sáng chủ nhật, được cha ban phước lành, tôi vui suốt cả tuần. Khi phát hiện mắc bệnh này, tôi chạy chữa ở quê vài năm, nhưng vẫn đến nhà thờ đều đặn. Từ ngày vào đây tôi như con chim lạc đàn. Tôi là con chiên lạc Chúa. Chúa sẽ không che chở cho tôi nữa. Hu! Hu!... Mong giám đốc cho xây nhà thờ để Chúa về đây cứu rỗi linh hồn chúng tôi!...
- Anh cứ bình tâm. Vì muốn giúp bệnh nhân nên tôi tìm hiểu kỹ. Vậy anh Nghị có nắm được số người theo đạo như anh là bao nhiêu không?
- Thưa giám đốc, chúng tôi có hơn hai mươi người. Có mấy người già lắm rồi. Họ rất buồn vì nghĩ khi chết không được lên thiên đàng với Chúa. Chúng tôi vẫn lén lút cầu nguyện, nhưng không có hình bóng Chúa nên vẫn không an lòng. Mong giám đốc hiểu cho.
Sau cuộc họp, Tâm càng suy nghĩ nao núng. Bản thân mình là người vô thần mà nhiều lúc cũng mong có một thế lực siêu nhiên nào đó đầy quyền năng giải thoát cho mình khỏi những nỗi khổ, niềm đau, thì huống gì những người đã theo Chúa, theo Phật từ nhỏ. Vậy nên nguyện vọng của họ là chính đáng. Số lượng người theo công giáo không nhiều nhưng khát vọng được gặp Chúa của họ rất lớn. Cần phải giúp họ. Còn đa số người theo đạo Phật cũng muốn được lên chùa thắp hương vào những ngày rằm, mồng một. Vậy mình có thể giúp bệnh nhân xây nên ngôi chùa và nhà thờ nhỏ tại đây không? Còn nghĩa trang thì mình tự quyết được, sẽ khoanh bạt đồi phía xa lại thành nơi an táng cho những người quá cố. Không để họ nằm chơ vơ như hiện nay. Làm cho mọi bệnh nhân hết đau buồn, sống vui tươi là trách nhiệm của mình. Nơi này thật sự không cần mình cầm dao kéo mà cần đến sự cố gắng tháo gỡ hoặc chắp nối của mình. Nhưng dựng lên một ngôi chùa với một nhà thờ chắc không thể tự quyết được. Phải xin phép cấp nào đó chứ. Dù sao cũng phải làm, phải thử làm.