BA TUẦN TRÔI QUA, HÔM NAY NHÀ THƠ VĂN SI LẠI đạp xe lên trụ sở hội. Nhà riêng của ông tại một thị trấn nhỏ miền trung du, cách trung tâm tỉnh chừng 30 cây số. Trước đây anh làm việc ở một vài cơ quan nhà nước, nhưng rồi xin nghỉ hưu sớm để chuyên tâm sáng tác thơ văn.
Lần này lên hội ông được biết ủy ban nhân dân tỉnh sắp trao giải thưởng cho văn học nghệ thuật, Văn Si càng sốt ruột, không thấy có thông báo gì về việc đọc lại chùm thơ mười bài của mình. Ông xộc ngay vào phòng chủ tịch. Cửa đóng chặt, gọi không ai trả lời, ông đành quay ra phòng hành chính. Trưởng phòng hành chính đang ngồi uống trà, Văn Si chìa tay bắt cùng nụ cười xã giao:
- Chào sếp, cho hỏi sếp trưởng ở đây đi đâu mà đóng cửa nhỉ?
- Chủ tịch hả? Anh ấy lên tỉnh ủy. Có việc gì anh cứ nói với tôi, tôi sẽ báo cáo lại.
- Tôi muốn hỏi sao không thấy ban chấm thơ họp lại nhỉ?
- Họp gì nữa. Chấm xong hết rồi. Tuần sau ủy ban trao giải rồi. Anh có giải không thì chuẩn bị khao.
- Tuần sau đã trao à, sao không thấy giấy mời?
- Giấy mời chúng tôi gửi từ tuần trước cơ. Không nhận được giấy mời thì chắc là không có giải. Ấy chết! Nhà thơ Văn Si lừng danh mà sao lại không có giải? Để tôi xem lại danh sách xem nào.
Ông tìm trong cái cặp ba dây, lôi ra tờ giấy đánh máy mỏng tang, giương mục kỉnh soi tìm mãi, Văn Si toan giật lấy tờ giấy để tự mục sở thị, nhưng giấy mỏng quá, sợ rách nên bảo:
- Ông đưa đây tôi đọc cho. Dù sao mắt tôi còn tinh hơn mắt ông.
Trưởng phòng vẻ thất vọng đưa tờ giấy cho Văn Si, kèm một câu nửa như động viên, nửa như trêu tức:
- Không có rồi. Thôi, để năm năm sau lĩnh, khao một thể!
Cuối giờ trưa thì chủ tịch về. Văn Si liền ào theo vào phòng. Giọng vẻ trách móc:
- Tôi đợi ông cả buổi sáng đấy. Ông không lo việc hội lại cứ sang tỉnh ủy làm gì?
- Cũng là lo việc hội thôi mà, trong đó cũng có việc của ông nữa đấy?
Thay đổi thái độ, nhà thơ hỏi với vẻ nồng nhiệt:
- Việc của tôi à… Cho tôi giải à?
- Tôi cũng muốn tìm một giải pháp cho ông được vào giải, có thể là khuyến khích, có thể là đặc biệt, có thể là đặc cách, kiểu gì cũng được để ông có mặt trong cuộc trao giải...
- Này, nói gì vậy? Đặc biệt thì còn được chứ đặc cách với khuyến khích là đây không có thèm nhận đâu nhé!
Chủ tịch cười gượng:
- Cấp trên cũng có đồng ý đâu, có trao đâu mà thèm với không thèm nhận. Các anh ấy bảo mình đã có quy chế rồi, cứ thực hiện cho đúng. Giờ mở rộng ra thì lại rối mù lên không giải quyết được.
- Vớ vẩn, sai thì phải sửa, cứ vin vào quy chế để trói nhau à?
- Vấn đề là có ai sai đâu. Tôi cũng vì tình bạn mà cố nghĩ cách thuyết phục cấp trên nới rộng thêm giải, để ông vinh dự cùng bạn bè. Còn tất cả đã làm đúng quy chế rồi. Ông bảo sai ở đâu? Ai sai? Nếu hai ban giám khảo sai thì mình ông đúng chắc. Mà mình ông lại bênh thơ của ông thì có ai nghe được không? Thế này vậy, hay để tôi bàn trong ban chấp hành, ta làm thêm cái giải phụ là giải của hội chứ không phải giải của tỉnh nữa. Khi tỉnh trao xong thì hội trao. Vậy cũng là sự ghi nhận thành tích...
- Thôi! Ông dẹp cái ý định điên rồ ấy đi. Tôi cần quái gì cái giải của hội. Tôi sẽ lên gặp chủ tịch tỉnh, không xong thì tôi lên bí thư, khó nữa thì tôi kiện lên Trung ương, nhá!
- Ôi giời, ông thích thì cứ đi kêu kiện, chỉ làm rối thêm chứ chủ tịch, bí thư với Trung ương ai người ta giải quyết cái việc cỏn con của ông.
Không ngờ Văn Si làm một câu xanh rờn:
- Không giải quyết là thế nào. Tiền thưởng này là tiền ngân sách, mà ngân sách là tiền thuế của dân nhá. Các anh đừng có vô trách nhiệm lấy tiền thuế của dân chia cho những thằng ngu, nhá. Tôi sẽ kiện đến cùng!
Chủ tịch nhăn mặt nở nụ cười chát đắng:
- Được. Ông cứ việc kiện. Với tình cảm bạn bè tôi đã khuyên ông chân tình rồi. Việc đặt ra các giải thưởng hay trao bằng khen, giấy khen cũng là để ghi nhận và động viên những người lao động có thành tích vượt trội hơn những người khác. Mà thế nào là vượt trội, là đáng khen thưởng thì đã có tiêu chí rồi, đã do một tập thể bình chọn rồi. Công lao của bao người, trí tuệ của bao người đổ vào đó chứ đâu phải ai muốn làm gì thì làm đâu. Ông đừng nói cái câu chia tiền với thuế của dân, nghe chối tai lắm.
- Thì chả thế hay sao. Những bài thơ vớ vẩn, chẳng ai thèm đọc thì các ông trao giải. Thơ của người ta phổ biến toàn quốc thì các ông bỏ ra. Vô lý! Bất công! Tôi phải đi kiện!
Nhà thơ Văn Si định bước ra thì chủ tịch kéo tay giữ lại, giọng êm dịu:
- Ông đừng có làm bừa. Dù gì thì nhiều bạn đọc và nhân dân quanh đây cũng biết tên, biết tuổi ông. Đừng để người ta đàm tiếu.
- Kệ thiên hạ. Dân đen biết quái gì. Ông không bảo vệ thơ của tôi, tôi cũng không bảo vệ nữa thì nó chết à? Ông sợ bị tôi đánh đổ phải không? Đã làm thì phải chịu nhá.
- Tôi chả sợ gì. Nhưng tôi chân tình khuyên, ông phải giữ lấy lòng tự trọng của mình. Bạn bè góp ý thì nên nghe đã. Anh em phản ánh trong cuộc họp trước ông đã đập tập thơ Mặt trời của trưởng ban thơ xuống đất cùng những lời nói xúc phạm anh ấy, trước bao nhiêu người khác, trong khi anh ấy đang làm nhiệm vụ trưởng ban chung khảo, chủ trì cuộc họp, ông có thấy quá đáng không? Tiện đây tôi nhắc lại để ông nhớ, trưởng ban thơ cũng là biên tập thơ của tạp chí, anh ấy đã cẩn thận sửa từng từ trong những bài thơ hồi ông mới tập tọe làm. Rồi nghe nói anh ấy còn gặp riêng ông trao đổi chân tình. Hồi đó thấy ông ca ngợi trưởng ban hết lời mà? Có phải vì mấy bài thơ được in ở báo Trung ương mà ông thay đổi thái độ không? Mà tôi còn biết mấy bài thơ ấy cũng là do trưởng ban thơ chọn rồi gửi đi hộ ông, chứ ông cũng chả mất một cái tem. Việc của chúng tôi ở đây là tích cực chọn giới thiệu các cây bút tỉnh nhà với bên trên, với cả nước. Ông đừng có vì cái giải thưởng mà đánh mất tình bạn bè, đồng nghiệp, và theo tôi là cả tình thầy trò với trưởng ban thơ nữa đấy.
Văn Si bật dậy:
- Thầy trò nào? Ông ấy có sửa cho tôi vài từ, có bày cho tôi cách tìm ý tứ, còn lại do tôi tự mày mò, tự sáng tác, tự thăng hoa. Tôi công nhận là có hơi nóng khi quật tập thơ xuống đất. Nhưng mà đó mới là nghệ sĩ, phải có lúc bật trào cảm xúc như thế. Mong các ông thông cảm. Tôi không dám coi thường trưởng ban thơ, nhưng tôi không phục tập thơ của anh ấy!
- Vậy tôi đề nghị lúc nào ông gặp riêng trưởng ban, xin lỗi anh ấy một tiếng. Chúng mình, ông và tôi, và trưởng ban thơ nữa đều là người có đầy lòng tự trọng mà!
- Xin lỗi à? Tôi có lỗi thật à? Dù sao cũng phải để giải quyết xong cái vụ giải thưởng này đã. Tôi phải lên ủy ban ngay bây giờ.
Nói thế rồi ông ta bước ra khỏi phòng, chẳng cần chào người bạn mà từng coi như thân thiết.
Có lẽ bực tức quá làm nhà thơ quên đói. Ông hì hục đạp xe đến cổng ủy ban nhân dân tỉnh. Đang giờ nghỉ trưa nên phải ngồi chờ hơn một tiếng bảo vệ mới mở cửa cho vào. Một cậu gác cổng trẻ tuổi hỏi:
- Bác vào phòng ban nào ạ?
- Tôi vào gặp chủ tịch tỉnh!
- Bác có được hẹn không ạ?
- Không! Cần gì phải hẹn. Tôi là dân có việc cần mới đến gặp chủ tịch. Cho tôi vào đi!
- Không được bác ạ. Nếu chủ tịch không hẹn bác thì có việc gì bác phải đăng ký với văn phòng.
- Nhiêu khê gớm nhỉ. Văn phòng đâu?
- Bác gửi xe rồi đi lối này nhé.
Theo chỉ dẫn, Văn Si vào một căn phòng bên phải cổng chính. Tại đây hai cô nhân viên còn trẻ mời anh vào với nét mặt vô cảm:
- Bác cần gặp ai, về việc gì?
- Tôi cần gặp chủ tịch, phản ảnh về việc bình chọn thơ ở hội văn học nghệ thuật!
- Sao bác không vào hội văn học nghệ thuật, lại vào đây?
- Thì tôi vừa mới ở bên ấy sang đây mà lại.
- Vậy bác có giấy giới thiệu đến gặp chủ tịch không?
- Các cô cứ hỏi lằng nhằng. Tôi đã sang đây rồi sao còn phải giấy. Có cho gặp không thì bảo?
Một cô có vẻ nhã nhặn hơn:
- Đây chỉ là thủ tục thôi bác ạ. Phải có cơ quan nào đó giới thiệu để chúng cháu ghi vào sổ rồi trình thư ký chủ tịch xếp lịch ạ. Còn cá nhân bác muốn gặp thì chúng cháu cũng ghi rõ là cá nhân để... Mà theo cháu bác muốn phản ánh về chuyện thơ phú thì nên gặp phó chủ tịch phụ trách văn xã mới đúng ạ.
- Tôi muốn gặp luôn chủ tịch chứ phó phé thì giải quyết được gì, tôi không gặp phó.
- Vậy bác cứ ngồi chờ để cháu điện báo cáo thư ký của sếp ạ!
- Ừ, báo cáo nhanh lên!
Văn Si đành ngồi xuống, bụng đói meo, khát khô cổ. Ở đây hớp nước họ cũng không thèm mời.
Vừa lúc ấy thì một anh cán bộ lịch lãm bước vào. Đầu tiên anh ta chìa tay bắt tay Văn Si và cất tiếng chào làm ông rất hài lòng:
- Chào nhà thơ! Nhà thơ có việc gì mà phải lặn lội đến tận ủy ban thế này. Hôm nay các sếp bận họp hết. Tôi là thư ký của chủ tịch đây. Có gì nhà thơ cứ trao đổi với tôi. Tôi có trách nhiệm báo cáo lại.
Thực ra đó chỉ là chuyên viên văn - xã giúp việc cho phó chủ tịch. Cô văn thư đã nhanh trí gọi đúng người và tế nhị sắp xếp để ông nhà thơ yên tâm. Văn Si nghĩ thầm: Tay này, thư ký của chủ tịch đã nói thế thì mình không thể gặp được chủ tịch rồi. Với lại bụng đang sôi réo, cổ họng khô. Thôi, đành trao đổi với hắn ta cho xong việc. Ông hậm hè lấy giọng rồi nói thao thao một hồi về chùm mười bài thơ tinh túy của mình, lấy tên chung là Gươm khua không được chọn vào giải ra sao. Rồi lại rút tờ báo của Trung ương có hai bài thơ của mình ấn vào tay viên thư ký. Anh này cầm lấy chăm chú xem khiến Văn Si vui quên cả đói. Hai cô văn phòng ngồi phía trong nhưng cũng nghe thủng câu chuyện, nhấm nháy cười với nhau. Một cô toe toét cười, gọi với ra:
- Anh nhà thơ ơi! Em có ý kiến!
- Cô cứ nói!
- Nghe anh kể em cũng bực thay đấy. Cái hội nhà anh chẳng công tâm gì hết. Em hiến kế này, đảm bảo các nhà thơ bên hội phục ngay, chẳng ai tranh giải Nhất với anh được. Hiện nay dân ở huyện Giang Bình đang bức xúc, kéo lên cổng huyện biểu tình đông lắm. Anh mang thơ xuống đọc cho họ nghe, nếu họ chịu giải tán thì chắc chắn chủ tịch tỉnh sẽ phải trao thơ anh giải nhất...
Nhà thơ Văn Si chưa kịp phản ứng thì cô bên cạnh lên tiếng:
- Cách ấy cũng hay, nhưng xuống huyện Giang Bình xa lắm. Theo cháu, chú xuống trại tạm giam gần hơn, nghe nói có mấy tên phạm tội ngoan cố lắm, không chịu khai báo. Chú mang thơ xuống đọc, nếu chúng nghe rồi ngoan ngoãn khai báo thì chắc chắn thơ chú cũng là nhất.
Không kìm được nữa, Văn Si chồm lên quát:
- Láo! Các cô láo quá. Thơ là sản phẩm tinh thần, thuộc kiến trúc thượng tầng, các cô biết gì mà mang ra chế giễu hả?
Hai cô nghe tiếng quát của Văn Si thì lại càng cười to, chẳng lấy làm sợ hãi. Viên thư ký bảnh bao liền dàn hòa:
- Nhà thơ thông cảm, các em ấy đùa anh cho vui thôi, không có ý gì đâu. Thế này nhé, theo như anh trình bày thì bên hội còn để sót mấy bài thơ hay của anh chưa đưa vào giải, đúng không?
- Đúng như thế!
- Anh về làm cái đơn, trình bày bằng văn bản. Khi nhận được đơn của anh, tôi sẽ thu xếp cho anh gặp trực tiếp phó chủ tịch trước. Nếu không thỏa mãn, thì sẽ được gặp chủ tịch. Thế nhé. Giờ xin phép anh tôi về phòng làm việc. Bận bù đầu anh ạ. Anh về vui khỏe nhé.
Chưa kịp nghe xem Văn Si có hỏi thêm gì không, viên thư ký đã bước ra khỏi cửa. Hai cô văn phòng lúc này có vẻ chú ý vào công việc của họ. Văn Si đành đứng dậy ra về, buồn bực cứ cuồn cuộn trong lòng.
Chiều muộn, khi mà nhà thơ Văn Si đang trên đường về thị trấn miền núi quê anh thì ở thì văn phòng hội nhận được cú điện thoại. Trưởng phòng hành chính nhấc ống nghe. Sau tiếng a lô đầu tiên thì toàn thấy ông vâng, dạ một cách ngoan ngoãn. Buông máy xuống ông giục cô Giang:
- Chạy lên gọi sếp xuống trả lời điện thoại cho ủy ban tỉnh. Chết thật rồi, chắc là tay Văn Si lại giở trò sĩ bọ, lên ủy ban khiếu kiện về thơ, để các sếp bên ấy nổi cáu.
Chủ tịch xuống, trưởng phòng bảo:
- Báo cáo anh, ủy ban tỉnh muốn gặp đích danh chủ tịch. Hình như có việc gì về giải thưởng nên họ có vẻ bực. Họ bảo anh gọi lại ngay theo số máy của thư ký phó chủ tịch.