SAU HÔM XUỐNG THĂM BỆNH VIỆN PHONG VỀ, BÁC sĩ Tâm gật đầu đồng ý nhận quyết định, chỉ xin phép nghỉ ba ngày về quê báo tin và tạm biệt vợ con. Giám đốc sở mừng lắm. Ông ký quyết định xong, lệnh cho phòng hành chính điều xe chở trung tá, bác sĩ về thăm quê. Ba ngày sau sẽ xuống Ninh Xuân đón anh đưa đến Linh Sơn. Tâm định từ chối vì anh có chiếc xe đạp Vĩnh Cửu mới mua hôm ra quân. Ba chục cây số anh chỉ đạp hai tiếng là tới, việc gì phải ô tô cho nhiêu khê. Nhưng giám đốc sở kiên quyết nói:
- Xe đạp cứ để đây. Hôm sau sẽ đưa lên ô tô chở về Linh Sơn. Biết là trung tá đi xe đạp vẫn khỏe nhưng sở có xe ô tô chở cán bộ đi công tác, tội gì phải đi xe đạp. Chuyến về quê lần này cũng coi như đi công tác. Yên tâm lên xe đi.
Ờ, thì giám đốc có lòng, mình cũng chẳng nên thoái thác. Vậy là lần đầu tiên Tâm được ô tô công chở đến tận nhà. Vợ và con anh mừng lắm. Khi được biết chồng sẽ vào trại phong, mà dân quê gọi là trại hủi công tác thì vợ anh gần như bật khóc. Chị nói trong ấm ức:
- Thà rằng anh ở nhà với mẹ con em. Đi cày cũng được, không chết đói mà sợ.
- Ô kìa, bu em nói hay nhỉ. Đường đường là một bác sĩ, phải đi chữa bệnh cứu người chứ sao lại đi cày.
- Thì ở nhà anh cũng có thể chữa bệnh cứu người. Em thấy trên thị trấn có người mở phòng khám tư rồi đấy. Anh ở nhà em sẽ xoay xỏa, vay mượn tiền mở phòng khám cho anh.
- Ôi giời, anh được nhà nước và quân đội đào tạo thành nghề, nay phải đi phục vụ nhân dân chứ sao dám làm riêng. Thôi, em hãy vui lên. Dù cách xa bảy, tám mươi cây số thì hằng tháng anh vẫn về với em. Ngày còn trong quân đội, xa hàng ngàn cây số em có thắc mắc đâu.
- Em không ngại xa mà sợ cái bệnh hủi ấy lắm. Sao họ không điều người khác xuống đó mà lại điều anh. Một cán bộ quân đội chững chạc, một bác sĩ giỏi sao lại cho đi chữa bệnh hủi cơ chứ. Anh đừng đi.
- Em cứ làm như là thủ trưởng của anh ấy. Vợ bộ đội phải mạnh mẽ lên chứ sao lại khuyên chồng tháo lui.
- Vì em sợ ảnh hưởng đến con cái chúng mình. Bệnh hủi nó sẽ lây sang anh và em, rồi các con...
- Em nhầm rồi! Bệnh hủi không lây. Ngày xưa các cụ không biết nên nói vậy thôi. Hơn nữa ngày nay y học tiến bộ, đã có thuốc chữa khỏi căn bệnh ấy rồi. Chồng em là bác sĩ mà em còn nghĩ vậy, người ta cười chết.
Vợ Tâm không nói gì thêm, nhưng chị vẫn giữ nét mặt buồn trĩu cho đến lúc Tâm đi.
Đúng hẹn, chiếc xe U-oát của sở ghé vào cổng nhà Tâm lúc tám giờ sáng. Sau xe đã buộc sẵn chiếc Vĩnh Cửu màu xanh rêu của anh. Khi ô tô đi hết đường quốc lộ, ngoặt vào khu trại phong, Tâm bảo lái xe:
- Cậu đỗ lại, tháo cho tớ cái xe đạp xuống để tớ đạp vào. Đoạn này đi ô tô vất vả lắm.
Lái xe lưỡng lự:
- Nhưng mà...
- Không sao. Về cứ báo cáo với sếp đã đưa tôi đến nơi là được chứ gì. Với lại ô tô của ông cứ chồm lên chồm xuống thì cái xe đạp của tớ dù là vĩnh cửu cũng đến long hết ốc thôi.
- Vậy anh tự đi nhé. Đừng bảo là thằng em ngại khó.
Tâm đến đó chừng hai giờ chiều. Tiếp nhận nơi ăn chốn nghỉ xong, anh ngủ một giấc dài như để lấy lại sức khỏe cho cuộc chiến đấu mới, như để hòa nhập thế giới bí ẩn. Từ nay anh sẽ chiến đấu với loại vi trùng Hansen, đấy là tên nhà bác học đã tìm ra con vi trùng gây bệnh hủi. Từ nay thế giới của anh là những con người đau khổ.
Tối ấy anh lật giở xem những tài liệu người tiền nhiệm để lại. Những con số làm anh bất ngờ. Hóa ra từ khi thành lập đến nay mới có hơn chục năm mà bệnh viện đã điều trị khỏi cho hàng nghìn người bệnh. Hóa ra trong khu điều trị này còn hàng trăm người lưu lại, chữa bệnh lâu dài, chữa bệnh đến hết đời. Hóa ra đây không chỉ tiếp nhận bệnh nhân trong tỉnh mà nhận cả những bệnh nhân các tỉnh lân cận.
Sáng hôm sau khi làm xong mọi thủ tục hành chính, Tâm bắt đầu xuống thăm các phòng bệnh. Khu điều trị chia làm hai dãy, một dãy dành cho nam, một dãy dành cho nữ. Mỗi dãy có nhiều phòng, mỗi phòng có khoảng chục bệnh nhân. Những người điều trị đã khỏi nhưng phải uống thuốc đều đặn hàng ngày để vi trùng không quay lại ở chung phòng. Họ có thể ở đây đến hết đời hoặc về quê uống thuốc cũng được, nhưng phần đông đều muốn ở lại vì về quê bị dân làng khinh ghét, khó tìm được việc làm để nuôi sống mình. Phần nhiều bệnh nhân đã tàn phế vì trước kia không được chữa trị kịp thời. Người thì mất chân, người thì mất tay, người thì hỏng mắt, người thì co quắp toàn thân, nhưng tinh thần thì ai cũng còn minh mẫn. Bệnh nhân nữ nhiều hơn bệnh nhân nam. Có khoảng vài chục người đã trên 60 tuổi, phần đông là độ tuổi từ 35 đến dưới 60. Có khoảng vài chục người dưới 30 tuổi. Hằng ngày bác sĩ hoặc y sĩ đến từng phòng thăm khám, y tá mang thuốc phát cho từng người, hộ lý mang quần áo bệnh nhân nặng đi giặt. Nhà bếp nấu cơm, ai khỏe thì đến nhà ăn, người ốm không thể đi lại được thì hộ lý sẽ mang cơm đến phòng riêng. Công việc cứ lặp đi lặp lại như thế. Người ra viện rất ít, người vào viện cũng rất ít. Vài ba tháng, hoặc nửa năm mới có bệnh nhân vào. Người già hoặc ốm chết được chôn tại bãi đất trống phía xa, không được mang về quê. Bởi vậy nên cái bảng ngoài cổng ghi là Khu điều trị bệnh phong hợp lý hơn là Bệnh viện phong.
Tâm đi hết một lượt, qua từng giường, thăm hỏi từng người bệnh, sờ nắn những bàn tay cụt hết ngón, những bắp chân trơ gọng, đến đâu anh cũng được người bệnh chào một cách cung kính, khiến anh phát ngượng. Những bệnh nhân mới vào, bệnh đang phát triển, được nằm riêng để điều trị tích cực.
Cô gái hôm trước bị người thân bỏ lại, nằm ở dãy giường cuối trong một phòng nhỏ hơn, nơi những người chưa lành bệnh. Cô mặc cái áo màu tím hoa cà còn mới, quay mặt vào phía trong tường. Ai đi qua đi lại mặc kệ, bác sĩ, y tá đến cũng mặc kệ. Chỉ đến khi cô y tá đập đập nhẹ vào người cô, gọi to:
- Chị gì ơi, ngồi dậy có bác sĩ đến thăm bệnh cho chị đây.
Chị ta vẫn không quay mặt ra, chỉ nói vọng một câu nho nhỏ:
- Hôm qua thăm bệnh rồi!
Lúc này cô y tá đành xốc chị ta dậy, nhẹ nhàng nói:
- Hôm nay là giám đốc mới xuống thăm chị, ngồi dậy nào.
Tâm nhè nhẹ ngồi xuống giường, cầm lấy một bàn tay đã rụng mất vài ngón của cô ta, giọng êm dịu:
- Em mệt lắm phải không? Yên tâm, ở đây ít ngày em sẽ khỏe thôi. Cố gắng làm theo hướng dẫn của bác sĩ mới chóng khỏi bệnh em ạ.
Cô gái đáp lại một cách gay gắt:
- Em đâu cần khỏi bệnh, em chỉ muốn chết thôi!
Tâm hơi sững sờ, nhưng anh mau chóng lấy lại bình tĩnh, giọng vẫn êm dịu:
- Em à, đừng nghĩ tiêu cực thế. Rồi em sẽ khỏi bệnh, sẽ trở lại cuộc sống bình thường như mọi người. Em sẽ được trở về quê sống cùng những người thân yêu của em.
Lần này cô gái gần như gào lên:
- Không! Em không bao giờ muốn về quê. Bác sĩ thương em thì cứ đưa em ra bờ sông. Em sẽ tự kết liễu đời mình. Bác sĩ thương em thì hãy cho em chết.
- Ấy! Ấy! Không được nghĩ dại. Bệnh của em có nặng đâu. Em nhìn các chị, các bà phòng bên kia kìa, người ta còn nặng hơn em nhiều, người thì mất cả chân, người thì mất cả tay, nay đã chữa khỏi rồi đó. Em phải vui lên thì bệnh mới mau khỏi được. Vui lên, đừng nghĩ quẩn nữa.
- Khỏi để làm gì? Vui để làm gì? Thôi, bác sĩ đừng nói nữa. Em đã quyết rồi.
Cô y tá đứng cạnh có vẻ sốt ruột nói với Tâm:
- Thôi anh ạ, mời anh đi thăm bệnh nhân khác. Cô này gan lắm. Từ hôm vào đến nay chúng em chưa hỏi được tên cô ta, quê quán thì lại càng không. Để rồi viện sẽ thông tin với các địa phương, tìm cho kỳ được quê quán để cho cô ta về.
Nghe vậy cô gái bệnh nhân bật khóc to. Cô y tá thì kiên quyết kéo Tâm ra khỏi phòng. Tâm miễn cưỡng đi theo, trong lòng hoang mang: “Để mặc cô ta trong tình trạng như vậy liệu có ổn không”. Cô y tá bảo:
- Rồi sẽ ổn hết anh ạ. Đây là lúc cô ta quyết tâm cao mong tìm đến cái chết, đương nhiên là mình không bỏ mặc, nhưng cũng không thể ổn định tư tưởng ngay cho cô ta được. Vài hôm nữa anh đến thăm sẽ thấy cô ta khác hẳn. Trước đây chúng em cũng gặp một trường hợp như vậy rồi.
Tâm mất một tuần để tiếp nhận công việc, nhưng dù bận rộn anh vẫn không quên cô bệnh nhân trẻ ấy. Ngày nào anh cũng hỏi y tá, cô ấy sao rồi và được báo cáo lại là cô ấy đỡ hơn một chút, nhưng cũng chưa chịu nói tên và quê quán.
Tuần sau Tâm lại xuống thăm cô gái. Lần này cô tự ngồi dậy nghiêm chỉnh, tựa lưng vào tường, nhìn xung quanh một cách vô cảm. Tâm lại nhè nhẹ ngồi xuống giường khẽ hỏi:
- Em đỡ chưa?
Cô ta nhè nhẹ gật đầu:
- Tốt rồi. Vậy hôm nay em có thể nói chuyện với tôi về tên và quê quán được chứ?
- Em đã nói với các chị y tá rồi. Tên em là Chết. Cứ gọi em là Chết. Chết! Chết! Chết. Họ thì Lê, Trần, hay Nguyễn cũng thế cả thôi. Quê quán thì em không nhớ, chỉ biết chắc chắn em là người Việt Nam.
- Anh chưa thấy người bệnh nào như em đâu. Nếu em không muốn nói thì thôi, cứ yên tâm chữa khỏi bệnh đã nhé.
Rồi Tâm về phòng với nỗi lòng vừa buồn, vừa bực. Người ta cần được sống thì mới vào bệnh viện, mới cần điều trị. Còn cái cô bệnh nhân kia không muốn sống, cũng không muốn lộ thân thế, thì chữa bệnh có ích gì.
Hàng tháng trôi qua, những vết lở loét trên tay cô gái kia đã đỡ dần. Ba ngón tay gần như rụng ra được cắt bỏ, nay vết thương đã liền miệng. Dường như vết thương tinh thần của cô cũng nguôi đau. Cô đã ngồi dậy, đứng lên, đi lại, rồi cũng lấy cơm, lấy nước cho các bệnh nhân nặng hơn, đỡ cho các y tá. Cô ít cười nói nhưng không nghĩ đến chuyện nhảy sông kết liễu đời mình nữa. Tâm thấy nhẹ lòng khi nghe các y tá báo cáo về tình trạng của cô gái không tên, không quê ấy. Anh quyết định một lần nữa tìm hiểu xem vì sao cô ta tiêu cực đến thế. Lần này anh bảo y tá dẫn cô ta lên phòng làm việc của mình. Anh vừa nghiêm khắc, vừa dịu dàng, có cô y tá cùng ngồi trò chuyện. Anh nói để người bệnh biết rằng, bệnh của cô đã tiến triển tốt. Và nói kỹ về trách nhiệm của người thầy thuốc ra sao, người bệnh thế nào. Lần này cô gái tự bộc bạch nỗi lòng, không cần anh gạn hỏi:
- Bác sĩ ạ. Em buồn lắm nên không muốn nói rõ tên tuổi và quê quán của mình. Buồn hơn nữa là những người thân luôn hắt hủi và ruồng bỏ em. Người đưa em lên đây là anh trai em. Anh ấy sợ liên lụy nên vội bỏ về. Em cũng chẳng biết từ nhà đến đây thì bao xa, chỉ biết anh ấy để em vào xe bò, kéo đi từ trưa hôm trước, đi cả đêm, đến trưa hôm sau mới đến đây. Dọc đường anh ấy chỉ nói với em mỗi một câu: “Giời bắt tội mày thì mày chịu. Đến đó rồi ở lại luôn, đừng về nữa”. Em định nhảy khỏi xe tìm một bờ sông lao mình xuống cho xong đời, nhưng không được vì anh ấy cột chặt chân tay em vào thành xe. Giá kể mà cắn lưỡi chết được thì em cũng cắn...
Khóc chán rồi cô cũng sẽ sàng kể lại câu chuyện của mình. Và nói cho bác sĩ biết quê quán tên tuổi mình.
Năm ấy cô mười tám tuổi, một chàng trai làng bên si mê cứ lăn lóc theo đuổi. Ban đầu, cha mẹ không đồng ý, vì muốn con gái lấy chồng gần làng. Sau thấy anh ta nhiệt tình quá nên cũng gật đầu. Chàng thanh niên nhiệt tình đến mức, gia đình cô làm gì anh cũng có mặt và tự nguyện tham gia. Có thửa ruộng năm phần trăm, hầu như anh ta với cô làm hết, từ cày bừa đến gánh phân, nhổ mạ, be bờ, tát nước... việc gì anh cũng lăn xả, khiến cha mẹ cô cảm động. Ban ngày đi làm đồng cùng nhau, tối đến hai đứa lại dắt nhau lên bờ đê tâm sự. Cô có vẻ áy náy, bảo:
- Anh cứ bỏ việc nhà mình ra đây làm cho nhà em, thầy u anh không mắng hay sao?
- Anh đi tìm vợ sao lại bị mắng. Với lại có mắng anh cũng vẫn đến làm cùng em, chỉ mong gia đình em đừng đuổi anh.
- Ai dám đuổi. Nhưng mà anh thấy em có xứng làm vợ anh không mà bỏ công bỏ việc nhà thế?
- Lại còn phải hỏi. Anh tìm khắp các thôn trong xã, chỉ có em là ưng nhất. Hình như giời sinh ra em là để cho anh, để chúng ta thành đôi.
- Giời nào sinh, thầy u em sinh ra em chứ!
- Ừ thì thế nên anh mới phải thể hiện để thầy u em bằng lòng.
- Thầy em bảo, giờ thì nhiệt tình như thế, nhưng phải hứa chăm sóc em suốt đời thì mới đồng ý. U em cũng bảo, muốn em lấy chồng ngay xóm này để lúc ốm đau còn cậy nhờ. Nhưng anh nhiệt tình như thế thì cũng đồng ý. Mong rằng anh thương yêu thật lòng.
- Vậy em đã thấy anh thật lòng chưa. Còn hơn cả thật ấy chứ nhỉ.
- Nhưng anh phải hứa, sau này có sự gì với em anh cũng không được thay lòng đổi dạ.
- Anh hứa, dù sau này em có ốm đau hay tàn tật, anh cũng sẽ chăm sóc em, nâng niu em suốt đời. Được chăm sóc em là điều hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời anh.
Còn gì vui hơn nữa. Hai đứa như đôi chim câu, tung tăng bay lượn giữa trời xuân. Dắt nhau đi hết chợ xã đến chợ huyện để tìm mua món đồ đẹp nhất cho ngày cưới. Kiểu gì cũng phải may được cái áo cánh bằng vải loong trắng và cái quần xa tanh đen Nam Định bóng nhẫy. Kiểu gì Đào (tên cô gái) cũng phải là cô dâu đẹp nhất làng, nhất xã. Một hôm hai đứa ngồi nướng khoai ngoài đồng, mong cho khoai chóng chín, Đào cứ thò tay vào đống tro nóng ấn ấn củ khoai xem đã mềm chưa. Người yêu kéo tay Đào ra, sợ em bỏng. Đào bảo:
- Có nóng đâu!
Chàng thanh niên thử đưa tay vào đống than thì vội giật ra, kêu lên:
- Ái, thế này mà em bảo không nóng, tay em bằng sắt à?
- Em không thấy nóng mà!
- Thật chứ?
- Thật!
Anh ta bèn cầm một cây củi đang cháy dở hơ gần vào bàn tay Đào. Mùi da cháy khét mà Đào vẫn không thấy nóng. Vứt cây củi đi anh ta có vẻ sửng sốt:
- Em chịu nóng giỏi thật đấy!
Hôm sau anh chàng đến đòi xem bàn tay Đào xem có phồng rộp không. Chắc là anh ấy thương xót người yêu nên mang cả thuốc chữa bỏng tới. Xòe bàn tay ra, thấy có những chỗ phồng to, một mảng da màu đỏ tía. Lạ sao, vẫn không đau. Chỉ có mấy ngón tay trông có vẻ hơi co rụt lại. Vài ngày sau chàng thanh niên mang xe đạp đến chở Đào lên huyện khám. Bác sĩ nói Đào bị bệnh phong. Đào chưa biết bệnh phong nguy hiểm gì vì cô thấy người vẫn khỏe. Từ hôm khám bệnh về, không thấy người yêu đến chơi. Cả tuần mong ngóng, chờ đợi vẫn không thấy chàng đâu. Đào dẹp lòng tự ái, sang làng bên tìm hỏi thì được biết anh ấy đi làm ăn xa. Từ đó không thấy bóng dáng anh đâu nữa. Cả gia đình nhà Đào lấy làm lạ. Họ không hiểu sao đang yêu đắm đuối thế mà bỏ đi ngay được, không một lời từ biệt. Mẹ cô dò hỏi con gái mong biết rõ nguyên nhân, thì Đào kể lại hôm lên huyện khám bệnh vẫn còn vui vẻ với nhau.
- Đứa nào bệnh mà khám? Hay chúng mày ăn cơm trước kẻng, để nó khinh thường, nó bỏ.
- Không phải thế. Là con bị bỏng, anh ấy đưa đi khám.
- Bỏng một tý ấy có sao mà phải đưa nhau lên tận huyện khám. Chắc có chuyện gì. Chị đừng giấu tôi.
- Không. Họ bảo con bị bệnh phong, về mua thuốc chữa. Nhưng con vẫn khỏe nên chưa mua thuốc.
Mẹ Đào giật giọng:
- Hả… Bệnh gì?
- Bệnh phong!
Rồi Đào kể hôm nướng khoai tay mình không thấy nóng ra sao. Mẹ cô lặng lẽ quay đi. Hôm sau bà bảo cô ở nhà, không được đi làm nữa. Đào thắc mắc thì mẹ cô bảo: “Tay phải bỏng thì nghỉ ở nhà”. Vài hôm sau gia đình ngăn riêng một gian làm buồng cho Đào ở. Mẹ Đào sì sụp khấn vái suốt ngày. Rồi một ông thầy thuốc, hai ông thầy thuốc đến xem mạch cho Đào. Nỗi buồn vì người yêu bỏ đi đã làm cô héo hắt. Giờ lại thấy cách cư xử lạ trong gia đình, Đào mới sinh nghi. Cô gặng hỏi ông thầy thuốc thứ hai:
- Cháu bị bệnh gì mà ông phải đến tận nhà khám thế này. Cháu vẫn khỏe, có thể tự đến bệnh viện được mà.
- Bệnh của cô khó chữa, có tính lây lan, nên gia đình không muốn cho cô ra ngoài. Cô cứ chịu khó uống thuốc của tôi, có thể một vài tháng sẽ khỏi.
- Vài tháng cơ ạ. Thế thì cháu chịu sao được, giống như tù giam ấy.
Rồi Đào gặng hỏi mẹ. Mẹ không nói rõ thì Đào nhịn ăn. Đến lúc ấy mẹ cô mới giàn nước mắt, nghẹn ngào nói với con:
- Con ơi, bệnh phong là bệnh hủi đấy con ạ. Chẳng may giời bắt tội con, nhưng mẹ nhất định chạy chữa cho con khỏi bệnh. Con đừng nghĩ ngợi nhiều nhé. Chịu khó uống thuốc sẽ khỏi thôi.
Đào chết lặng, lúc sau khóc nức từng hồi. Gì chứ nói rõ là bệnh hủi thì cô biết, người ta vẫn nói rằng sợ như sợ hủi mà. Hai ba ngày sau Đào không buồn động đến một hạt cơm, cứ nằm bẹp nép một góc giường. Mẹ cô nài nỉ, dỗ dành để cô ăn, thì cô lại nức nở khóc:
- Mẹ ơi, con sống làm gì nữa mà ăn. Để con chết cho xong đời.
- Đừng nghĩ quẩn con ạ. Vẫn có thuốc chữa mà. Nhất định con sẽ khỏi, cứ nghe mẹ, ăn cơm rồi uống thuốc đều là con sẽ khỏi con ạ.
Hai cú sốc lớn làm Đào ngã quỵ, bỏ qua những lời khuyên của mẹ, cô nhịn ăn, nhịn uống liên miên. Nhưng tuổi còn trẻ, muốn từ bỏ cuộc đời đâu phải dễ. Sau vài ngày nằm bẹp, những cơn đói khát giày vò, thêm những lời khẩn cầu trong nước mắt của mẹ, khiến Đào như thức dậy. Cô ôm choàng lấy mẹ, thổn thức bảo rằng:
- Mẹ ơi, mẹ cứu con nhé!
- Ừ, nhất định mẹ sẽ cứu con. Con cố ăn cơm đi, rồi uống thuốc, bệnh sẽ lui thôi, con ạ.
Từ đó Đào gượng dậy, ăn uống bình thường, quanh quẩn trong nhà. Mẹ Đào theo lời các thầy lang tìm mua những cây mật quỷ, những cây tỷ gà trong rừng xanh núi đỏ về sắc cho Đào uống. Vậy mà sáu tháng trời sau bệnh không đỡ, còn chuyển nặng thêm. Các ngón tay, ngón chân của Đào co rụt lại, người mệt rã rời. Một số vết lở loét bắt đầu xuất hiện. Mẹ Đào thất vọng, cứ ôm mặt khóc thầm, nhưng bà không muốn cho con đến bệnh viện vì không muốn người ngoài biết về căn bệnh của con. Bà sợ dân làng coi khinh, sợ cộng đồng kỳ thị nên vẫn tiếp tục lấy thuốc nam chữa trị. Gia đình bắt Đào ở riêng trong buồng, ăn bằng bát đũa riêng, không được tiếp xúc với ai, để những người khác không lây bệnh. Vài năm sống cách ly như vậy, Đào chỉ được tiếp xúc với mỗi người mẹ của mình. Em gái Đào trước đây yêu quý chị lắm nhưng nay cũng không bén mảng tới. Anh trai lại càng không. Rồi mẹ Đào không gượng nổi, nuôi nhốt con gái được năm năm thì bà ốm, rồi qua đời. Em gái đã lấy chồng, anh trai nuôi Đào thêm được một tháng thì nhất quyết đưa Đào đến Bệnh viện phong Linh Sơn.
Khi Đào và cô y tá về phòng bệnh rồi, Tâm ngồi thờ thẫn ở phòng làm việc. Bỗng câu chuyện được nghe từ hồi sinh viên sơ tán chợt sống dậy.
Học xong lớp 10, Tâm được gọi vào Đại học Lâm nghiệp. Hồi ấy là năm 1965. Trường đã đóng ở vùng núi, giờ giặc Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc nên trường lại tiếp tục sơ tán vào vùng núi sâu hơn. Cái làng mà trường anh đến học cách đường lớn 30 cây số, chỉ có thể đi bộ, đi ngựa hoặc cố gắng thì đi xe đạp được từng đoạn, còn thì dắt hoặc vác xe. Được cái người dân ở đây chân thành, chất phác. Tâm chỉ ở đấy có gần một năm học nhưng nhiều ấn tượng đẹp nhớ mãi không phai. Nhớ nhất những rổ khoai luộc bốc hơi nghi ngút, bác chủ nhà bưng từ bếp ra giữa sân rồi mời to: “Các chú sinh viên ơi, ra ăn khoai cho nóng này”. Lúc ấy dù vừa ăn xong cái bánh bao chua loét, suất sáng nhà bếp phát, bụng vẫn như rỗng không. Tâm và mấy bạn cùng trọ, sốt sắng dạ, vâng, rồi vui vẻ ngồi bệt xuống sân gạch, vây quanh rổ khoai. Khoai lang đất cát, ăn vừa bở vừa ngọt, vừa bùi, ăn đến dăm củ vẫn còn thèm. Bác chủ nhà rất tốt bụng và tâm lý. Sáng nào bác cũng luộc rổ khoai thật to như thế, khiến các sinh viên lên lớp yên bụng, không bị sôi réo cồn cào nữa. Nhiều câu chuyện vui được nghe như chuyện chị Mây lấy chồng muộn, chị Thu kén chồng giàu, anh Kết giỏi toán, mới học lớp 7 mà lắp được cả bộ ga len cho xóm làng nghe Sân khấu truyền thanh, dù mỗi người chỉ được áp ống ga len vào tai nghe một đoạn. Và có cả câu chuyện buồn: Cách đấy chừng ba, bốn mươi năm về trước làng Mo có một thanh niên đang tuổi đôi mươi, không hiểu sao bỗng chân tay anh lở loét, bôi mấy loại thuốc gia truyền, rồi cả đắp lá theo chỉ dẫn của ông lang xóm bên nhưng không khỏi. Những vết loét càng ngày càng sâu, ngấm vào xương khiến anh này đau buốt, rên rỉ suốt ngày đêm. Gia đình tìm thêm vài thầy lang khác chữa bệnh cho anh. Có một thầy lang cao tay, giỏi nghề phán rằng: Anh này mắc bệnh nan y, gọi là bệnh hủi. Nghe lời như nghe sét đánh ngang tai. Chàng thanh niên ôm mặt khóc tức tưởi. Cha mẹ anh cũng khóc sụt sùi, than trời than đất. Ông thầy lang còn phán thêm, gia đình phải cách ly người bệnh, kẻo rồi lây cho cả nhà, lây lan cả làng. Bệnh này không thể chữa được và tính lây lan rất cao. Ông thầy lang còn cẩn thận báo cho trưởng làng biết về sự nguy hiểm của bệnh hủi, cảnh báo dân làng tìm cách phòng ngừa kẻo lây. Trưởng làng ngay lập tức gọi cha mẹ người thanh niên ấy ra đình, cùng một vài quan viên nữa, yêu cầu phải cách ly tuyệt đối với đứa con xấu số. Gia đình chàng thanh niên ấy đang đau buồn, nay thêm lo lắng, sợ hãi. Sợ hãi nhất là sẽ bị đuổi cả nhà ra khỏi làng. Ra khỏi làng thì biết đi đâu, biết nơi đâu người ta chấp nhận sống gần đứa con bệnh hủi. Cuối cùng, trong nỗi tuyệt vọng, gia đình đành dứt ruột đưa con trai ra ở ngoài bìa rừng, cách xa làng khoảng một cây số. Họ làm cho anh túp lều che chắn bằng lá chuối, lợp bằng cỏ tranh. Trong lều đào sẵn một cái hố sâu, lót phản tre phía dưới, vừa đủ chỗ cho anh nằm. Hằng ngày cha mẹ, các em anh thay nhau mang cơm nước đến túp lều. Thương quá, xót quá, nhưng đành phải chịu để bệnh của anh đừng lây sang mọi người. Những ngày đầu anh kêu gào thảm thiết, rồi dường như kiệt sức, nên sau chỉ khóc rấm rứt mỗi khi thấy người mang cơm đến. Ban đầu những âu cơm trộn sắn với chút muối vừng hoặc tép rang mặn anh cố gắng ăn hết, dần dần âu cơm còn thừa lại ngày một nhiều, chừng nửa tháng sau thì hầu như còn nguyên. Anh yếu quá không ăn nổi nữa hay là anh cố tình nhịn để chóng về với tổ tiên, cũng không ai biết được. Lúc ấy có hỏi anh cũng không nói gì, chỉ nằm im dường như chờ chết. Những vết lở loét càng khoét sâu hơn. Chắc anh đau lắm nhưng không thấy anh kêu khóc nữa. Mỗi bận ra lều thấy âu cơm còn nguyên đó thì mẹ anh lại khóc ngất. Mẹ còn dám đến tận lều đưa cơm canh cho con, chứ các em anh nếu phải đi đưa cơm thì chúng cầm theo một cây sào dài, buộc cái quang nhỏ, treo âu cơm vào đó rồi đứng từ xa thả xuống cạnh lều, rồi gào thật to, anh ăn cơm đi nhé. Chúng nó hãi lây bệnh nên không dám đến gần. Xương thịt đã đau buốt do bệnh tật, tinh thần anh còn đau buốt hơn. Một mình giữa bìa rừng hoang vắng, ngày cũng như đêm chỉ nghe tiếng chồn cáo và tiếng quạ. Anh không sống nổi quá hai mươi ngày. Cơm canh còn ế hai ngày liền, mẹ anh buộc lòng phải báo với dân làng, để lo hậu sự. Bà còn bị trưởng làng quát mắng, vì lẽ ra phải báo lúc anh kia hấp hối, để chôn ngay mới diệt được vi trùng. Nay lỡ rồi, trưởng làng ra lệnh: “Trước hết phải tiêu diệt lũ vi trùng hủi bằng cách phóng hỏa đốt túp lều”. Người ta tin rằng khi người bệnh chết, máu thịt thối rữa, lũ vi trùng hủi không ăn được nữa nên chúng bò hết từ người bệnh ra ngoài rồi bay ra xung quanh, bởi vậy phải nhanh chóng phóng hỏa, đốt cho chúng chết hết. Sau đó những thanh niên to khỏe nhất làng được cử đào đất từ xa mang đến lấp cái hố người bệnh nằm khi lửa than vẫn còn rừng rực nóng, đắp thành cái mộ to. Rồi người ta mang vôi bột rắc thật nhiều lên đỉnh mộ và xung quanh, để diệt trừ tận gốc những con vi trùng hủi nào còn ngoan cố sống. Từ đó dân làng không ai bén mảng đế khu mả hủi. Nhiều năm sau nơi ấy vẫn ít người lai vãng tới.
Gần kết thúc năm học thứ nhất thì Tâm cùng chục sinh viên khác được gọi nhập ngũ. Đoàn sinh viên nhập ngũ hành quân ra thị trấn rồi được xe chở lên miền núi, cách trường sơ tán khoảng vài trăm cây số. Họ không được ở cùng nhau mà phân bổ ra nhiều đơn vị. Nghe loáng thoáng rằng các anh sẽ được điều về những đơn vị kỹ thuật như xe tăng, pháo binh, không quân. May mắn, Tâm và hai người bạn khác được điều về Học viện Quân y. Sau này được biết do điểm các môn học ở trường cũ của các anh khá cao nên cấp trên cho các anh học tiếp đại học để phục vụ quân đội.
Bốn năm học trôi qua thật nhanh. Khi nhận bằng tốt nghiệp cũng là lúc các anh được lệnh đi B. Những trạm quân y tiền phương đang rất cần bác sĩ. Tâm được dừng chân ở chiến trường Quảng Trị. Anh bắt đầu tiếp xúc với thương binh, điều trị những vết thương còn khét múi thuốc súng. Cuộc chiến đấu với quân thù, với bệnh tật, đã khiến những câu chuyện vui, buồn ở làng sơ tán trôi sâu vào dĩ vãng. Nay nó bỗng trỗi dậy làm anh day dứt. Nếu y học hiện đại cùng xã hội văn minh không phát triển thì biết đâu cô Đào kia cùng bao thân phận khác cũng chịu chung kết cục như chàng thanh niên xấu số ở làng Mo. Ngồi một mình nghĩ ngợi mà Tâm trào nước mắt.