ĐÚNG CÁI NGÀY BÁC SĨ TÂM ĐƯỢC Ô TÔ CỦA SỞ ĐƯA xuống thăm bệnh viện phong thì tại trụ sở hội văn học nghệ thuật tỉnh, cách sở y tế chừng ba trăm mét diễn ra cuộc chấm thơ để trình lên ủy ban nhân dân tỉnh trao giải thưởng. Đây là giải thưởng danh giá nhất của tỉnh, năm năm mới trao một lần. Cuộc chọn thơ này cũng rất bài bản, bắt đầu từ việc thông báo rộng rãi cho các tác giả trong ngoài tỉnh gửi thơ về hội. Sau đó ban sơ khảo đọc chọn, rồi đến ban chung khảo đọc chọn tiếp. Bình thường mỗi thành viên trong các ban này sẽ phát biểu phân tích về những bài thơ, sau đó họ bỏ phiếu để chọn ra giải nhất, nhì, ba, khuyến khích. Ban chung khảo năm nay có một thành viên rất nổi tiếng. Ông có bút danh là Văn Si, còn tên thật thì khác. Hình như ông ta muốn khẳng định sự say mê văn chương của mình nên mới lấy bút danh này. Hôm nay dự cuộc chọn thơ ông ta đến muộn. Đi họp muộn là đặc điểm, là căn bệnh cố hữu của ông ta. Ban chấp hành ba tháng mới họp thì lần nào cũng nửa buổi sáng ông ta mới đến. Đã vậy nhưng ông ta luôn luôn muốn phát biểu và nói thật dài, mà toàn là những vấn đề ngoài nội dung cuộc họp. Chẳng hạn gần đây nhất là cuộc họp triển khai công việc cả năm. Văn phòng đã khởi thảo kế hoạch làm những việc A, việc B, trong đó có những buổi hội thảo về thơ những năm kháng chiến chống Mỹ. Ngồi chưa nóng chỗ, lướt qua mấy trang báo cáo người thư ký vừa để trước mặt, ông giơ tay phát biểu ngay. Thực tình những người đã từng họp với ông hai cuộc là biết ngay hôm nay ông sẽ nói gì. Quả đúng như vậy. Bao giờ ông cũng mở đầu bằng việc cuộc họp này là cần thiết, là quan trọng, sau đó ông nói đến tình hình ở Trung ương thế nào, rồi ở nước Nhật người ta hiện đại thế nào, rồi Trung Quốc người ta cải tổ ra sao... Chủ tọa và mấy người biết tật của ông Văn Si rồi thì cười, vẻ chú ý để ông ta khỏi mất hứng. Mấy cô văn phòng được dự họp thì mạnh dạn đế vào: “Chú Văn Si mới thăm Nhật, rồi lại thăm luôn Trung Quốc ạ?”. Ông ta quay lại chậc lưỡi một cái thật to: “Sao phải đi đâu. Tôi đọc báo, nghe đài…”. Thư ký phiên họp mạnh dạn nhắc: “Chú ơi, thế nội dung trong báo cáo này chú thấy thế nào, chú cho ý kiến để chúng cháu còn ghi ạ”. “Hả? Báo cáo chứ gì? Cái này để về nhà tôi nghiên cứu đã rồi cho ý kiến sau”. Chủ tọa biết thừa tính cách ông này nên kết luận: “Được rồi, chúng tôi chờ ý kiến của nhà thơ Văn Si sau nhé”. Nói vậy chứ chẳng bao giờ ông ta gửi ý kiến. Cuộc họp nào cũng chỉ là để ông ta thể hiện kiến thức sâu rộng của mình về Trung ương, về thế giới. Còn việc của hội thì ông ta vẫn nghiên cứu. Vậy nhưng nếu có việc gì hội làm không vừa ý ông ta, mặc dù là đã theo đúng nghị quyết của ban chấp hành, ông ta cũng sẽ làm cho tung tóe. Một người lơ tơ mơ như thế, thực dụng như thế mà lại vào được ban chấp hành cũng hơi lạ. Chuyện là đúng cái lúc đang chuẩn bị đại hội thì ông ta được in hai bài thơ trên tờ báo danh giá của Trung ương. Ông ta mừng như vớ được vàng. Đi đâu cũng cầm tờ báo có hai bài thơ theo cùng, chuyện vài câu là rút tờ báo ra giới thiệu. Ngày ấy được in một bài thơ trên báo tỉnh đã là vinh dự lắm rồi, vậy mà ông Văn Si được in đến hai bài trên báo Trung ương, phải hãnh diện quá chứ. Vậy nên người ta giới thiệu ông ứng cử vào ban chấp hành, cùng với việc rút tờ báo ra giới thiệu khắp nơi nên ông ta đã trúng cử.
Đi họp muộn là cái tật cố hữu của ông ta. Khi phát biểu thì toàn lạc đề và khoe kiến thức về những vùng trời xa xôi. Trong khi người khác phát biểu ông ta không cần nghe mà giở bài khoe vốn ngoại ngữ. Chẳng hiểu ông ta học mót đâu được một số chữ Tàu mà lần họp nào ông cũng vẽ loằng ngoằng ra những tờ giấy trước mặt, chẳng ai hiểu ngữ nghĩa thế nào, chỉ thấy nó lạ so với chữ mình đang làm việc. Một số người trầm trồ khen ngợi, khiến ông ta dường như quên hẳn cuộc họp mà càng mải miết viết nhiều hơn.
Chỉ vì hai bài thơ được in trên tờ báo cấp Trung ương mà ông Văn Si được coi như hạt giống đỏ của hội, nên ai nấy có phần kiêng nể. Mà gọi là hai bài thơ chứ thực ra mỗi bài chỉ có bốn câu, vị chi là tám câu thơ in ở gần cuối tờ báo. Có người bảo, đó là tòa soạn họ lấp chỗ trống, vì thiếu bài nên ấn những câu thơ vô thưởng vô phạt này vào cho kín giấy, cho báo kịp lên khuôn. Hai bài thơ thì đã thể hiện được cái gì mà cứ vểnh râu lên thế. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, hỏi rằng những người khác đã có một câu nào được in báo Trung ương chưa, nên phải ngưỡng mộ nhà thơ Văn Si là đúng rồi.
Hôm nay chọn thơ chung khảo ông Văn Si cũng vẫn đi muộn. Vài người đã có ý kiến về tập Mặt trời của trưởng ban thơ rồi, lúc này hạt giống đỏ đến mọi người mừng lắm, vì đang chờ ý kiến quý báu của tiên sinh để rồi bỏ phiếu xếp loại. Ông ta loáng thoáng nghe nói chùm thơ Gươm khua của ông ta không được ban sơ khảo chọn đưa lên cuộc họp này, nên có vẻ cay cú, ngày ấy ở tỉnh hiếm có tác giả nào được in hẳn một tập thơ, chỉ có duy nhất trưởng ban thơ có tập thơ riêng, nên giải thưởng mở rộng, xét đến những chùm thơ gồm 10 bài trở lên. Cầm tập thơ Mặt trời lên ông ta sầm mặt xuống. Khác với những phản ứng của kẻ sĩ, ông ta giơ cao tập thơ lên rồi đập đánh bộp xuống đất, giọng gây chiến:
- Thế này mà cũng gọi là thơ là? Đây chỉ là văn vần, là văn nghệ quần chúng, là vè dân gian. Vứt! Thế này mà cũng vào chung khảo à? Hỏng! Hỏng bét! Tôi bỏ phiếu trắng cho tập này.
Tác giả tập thơ chính là trưởng ban chung khảo, đang chủ trì cuộc họp. Mặt ông có vẻ tái đi, nhưng miệng vẫn giữ nụ cười thường trực. Mấy người ngồi cạnh Văn Si mắt tròn mắt dẹt vội vàng can:
- Anh Văn Si, xin bình tĩnh. Chúng ta đang họp cơ mà. Không xứng đáng vào chung khảo thì ta loại chứ sao phải căng thế?
Có người đưa tận tay ông ta cốc nước, giọng ngọt ngào: “Anh uống nước đi cho hạ hỏa”. Trưởng ban chung khảo, tác giả tập thơ bỗng bật cười to:
- Nhà thơ Văn Si ơi, có thể là ban sơ khảo họ nhầm. Anh cứ bình tĩnh ngồi xuống. Ý kiến của anh làm chúng tôi sáng mắt ra đấy. Thôi nào, chúng ta bỏ phiếu. Theo đúng quy chế nhé. Tập nào không đủ năm mươi phần trăm số phiếu sẽ bị loại.
Kết quả cuộc bình chọn, tập thơ Mặt trời vẫn đoạt số phiếu cao, được đề nghị xếp giải nhì, không tập nào được xếp giải nhất vì không đủ chín mươi phần trăm số phiếu. Văn Si cầm tập thơ lên lần nữa, lần này dường như ông muốn xé toạc ra, may có người ngồi cạnh giữ lại:
- Nhà thơ ơi, sao lại như vậy chứ? Mỗi người đều có quyền phán xét của mình chứ. Anh thấy nó đáng vứt đi, nhưng chúng tôi thấy nó có giá trị. Đa số anh em ở đây đã bỏ phiếu chọn tập thơ đó chứ có phải một mình ai đâu. Anh không đồng ý thì anh tiếp tục ý kiến lên cấp trên. Thôi, đưa tập thơ đây để nộp cho thư ký lưu trữ.
Văn Si đành trả tập thơ, đứng lên với vẻ mặt bất bình:
- Các ông mắt mù, đầu toàn bã đậu nên mới bầu chọn tập thơ ấy. Tôi sẽ kiện.
Ra khỏi phòng họp, trưởng ban chung khảo đến cạnh Văn Si, nhẹ nhàng nói:
- Hôm nay tiên sinh nóng quá. Có gì cứ từ từ chỉ giáo để anh em rút kinh nghiệm, sao phải nói to thế?
- Ai rút kinh nghiệm đây? Các vị kia đều nịnh thối các ông, đưa các ông lên mây xanh. Nhưng gì thì gì, chùm thơ giá trị của tôi mà không được giải là tôi sẽ kiện. Kiện đến tổ chấy!
- Cái đó là quyền của bác, nhưng bác làm sao để thiên hạ người ta đừng coi thường anh em làm văn nghệ bác nhé.
- Ai dám coi thường. Các ông làm ăn bậy bạ thì người ta mới coi thường. Các ông về đi, tôi phải vào gặp chủ tịch cái đã.
Và ông ta đi nhanh vào phòng lãnh đạo hội.
Lúc ấy đã hết giờ làm việc, nhưng cửa phòng chủ tịch vẫn mở, Văn Si xồng xộc bước vào. Câu đầu tiên ông ta vừa chào vừa như trách móc:
- Chào ông! Ông ở nhà sao không sang họp với ban chung khảo thơ? Ông chả chỉ đạo gì cả, để họ làm bung bét hết mọi việc.
Chủ tịch vừa đi đâu về, mồ hôi vẫn còn đọng trên trán. Người có vẻ mệt nhưng giọng ông vẫn êm ru.
- Có gì bức xúc đấy nhà thơ ơi? Mình vừa mới sang ủy ban nộp tờ trình xin cho khu tập thể được nới rộng. Mấy ngày vừa qua mình đi vắng nên sở xây dựng họ vẽ quy hoạch lấn vào đến cửa mấy nhà tập thể của anh em...
- Thôi, thôi! Không nói chuyện đất đai nhà cửa. Đất đai của nhà nước chứ của hội quái đâu mà ông phải lo. Thơ mới là của hội, ông phải lo cho cái giải thơ lần này nó đúng tầm vóc, nâng giá trị lên cao!
- Thì mình vẫn lo chứ. Trình bao nhiêu văn bản, bao nhiêu lý lẽ mới được tỉnh chấp thuận trao cái giải này. Vậy bên thơ có chuyện gì sao?
- Có chuyện, chuyện to ấy. Ông xem chùm thơ Gươm khua gồm mười bài của tôi chọn lọc tinh túy như thế mà họ không cho vào chung khảo. Làm ăn thế mà coi được. Họ không những giết chết thơ của tôi mà còn giết chết thơ của tỉnh nhà. Đưa những bài thơ làng nhàng vào giải để thiên hạ nhổ vào hội mình à? Tôi đề nghị ông phải chấn chỉnh lại ngay.
- Bình tĩnh nào. Ai dám giết thơ của ông? Ai dám nhổ vào hội mình? Ông đúng là ăn nói hàm hồ. Trước hết tôi chấn chỉnh ông đã. Còn trong vụ chọn thơ này nếu ông thấy chỗ nào chưa ổn thì... ta xem lại, tìm hướng giải quyết cho thỏa đáng
- Thì đấy, tôi đề xuất với chủ tịch cho giải tán cái ban sơ khảo đi, lập ban mới.
Lúc này Văn Si mới nhìn phía bàn tiếp khách của chủ tịch thấy có hai người đang ngồi. Ông ta có vẻ hơi ngượng vì lời nói vừa rồi, song cố tình khỏa lấp:
- Ô, ông có khách à? Chả nói ngay để tôi... Ông bà ở đâu đến chơi thế? Thông cảm nhé, anh em tôi bàn chuyện thơ văn nên cứ phải nói to!
Khách đáp:
- Không sao, các bác cứ tự nhiên!
Chủ tịch vừa lau mồ hôi vừa nói:
- Vì ông cứ ào ào, đã kịp ngồi xuống đâu mà tôi giới thiệu. Người nhà cả thôi, đây là anh chị Huy Hoàng dưới huyện Kỳ Quan. Anh ấy là cây viết văn xuôi chắc tay của tỉnh nhà. Hôm nay anh chị đến hội có việc gì, tôi đã kịp nói chuyện đâu. Chắc anh chị đợi tôi lâu rồi chứ? Tôi sang ủy ban nộp tờ trình, mà còn phải tranh luận mãi. Các vị tính, khu tập thể của hội có năm căn phòng nhỏ. Lẽ ra đằng trước, đằng sau phải có vài mét đất để người ta trồng rau, nuôi lợn như những cơ quan khác. Vậy mà bên quy hoạch họ đo sát vào chân tường, lấy đất cho tập thể tài chính. Anh em mình ở thế có ngợp thở không?
Văn Si nhắc lại:
- Đã bảo đất đai là của nhà nước, ông quản thế quái nào được!
- Tôi không quản, nhưng muốn anh em mình phải được đối xử công bằng như cán bộ ngành khác. Các cơ quan khác họ biết nhà nước sắp thanh lý nhà tập thể cho cán bộ, nhân viên nên họ vẽ quy hoạch lại. Khu tập thể của họ rộng ra nhiều. Mình cứ nghĩ của nhà nước mà mặc kệ thì sau này thanh lý anh em mình quá thiệt. Các vị thấy có đúng không?
Văn Si bảo:
- Cái đấy thì tôi không biết, kệ ông. Tôi chỉ muốn ông tập trung vào công việc sáng tác văn thơ của hội viên, còn có những việc bất công hơn nhiều ấy.
Tác giả văn xuôi Huy Hoàng giờ cũng lên tiếng:
- Tôi thấy hội mình thiệt quá. Trụ sở đã nằm gọn trong nghĩa trang. Giờ có mấy gian tập thể người khác lại lấn chiếm. Chủ tịch mà không lên tiếng mạnh thì người ta còn lấn nữa.
Nói trụ sở hội nằm trong nghĩa trang là đúng sự thật. Ngày mới thành lập, các vị tiền bối phải làm việc tạm trong hai gian của tập thể liên cơ, rồi xin mãi tỉnh mới cấp cho khuôn đất năm trăm mét vuông nằm gọn trong khu nghĩa trang cũ. Khi xây dựng trụ sở, hội phải thuê chuyển đi gần trăm ngôi mộ vô danh. Trên diện tích ấy, hội xây lên hai dãy nhà cấp bốn với hơn chục phòng làm việc và một dãy nhà tập thể gồm năm gian, dành cho cán bộ nhân viên quê ở xa. Đằng sau dãy tập thể chừa ra năm mét để anh em có thể trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn, cải thiện đời sống. Có tường bao bọc để cách biệt với những khu dân cư khác. Bên kia bức tường là khu tập thể của sở tài chính. Nay nghe nói sắp thanh lý nên họ vẽ luôn cả năm mét đất của hội vào để sau này được mua rộng hơn. Nếu hội lặng im thì coi như mất đất. Vậy nên chủ tịch đi công tác về, nghe anh em phản ánh, liền vội đánh công văn phản đối việc đo vẽ của sở xây dựng, đồng thời làm tờ trình xin thanh lý khu tập thể nguyên trạng như hiện nay cho cán bộ nhân viên. Ngày ấy hội chỉ có một trưởng, một phó mà ông phó lại nằm bên đài phát thanh, kiêm nhiệm bên hội, nên việc gì cũng đến tay chủ tịch. Nghe Huy Hoàng nói vậy, chủ tịch như được chia sẻ, lòng nhẹ nhõm. Ông nói:
- Anh hiểu thế tôi cũng thấy được an ủi. Nào giờ nói về chuyện của anh chị trước. À mà xin giới thiệu đây là nhà thơ Văn Si, bạn của tôi. Có gì anh chị cứ nói, chúng ta cùng nghe, không sao đâu.
Câu chuyện của nhà văn Huy Hoàng hơi rắc rối một tý. Chuyện là ở huyện Kỳ Quan nhiều năm trước có một nhà giáo già qua đời. Sinh thời ông là người mẫu mực, được học trò và nhân dân trong vùng nể trọng. Các con ông đều ngoan ngoãn và khuôn phép. Khi làm đám tang cho cha, người con trai cả đích thân viết lên tấm vải điều dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn cha”. Dòng chữ vàng lấp lánh trên tấm vải điều trang trọng đi sau quan tài. Người đưa tiễn ông giáo rất đông, người ta nhìn dòng chữ thấy khác lạ với những đám tang trong làng, nên trầm trồ bàn tán. Lời bàn nhiều lắm, khen chê đều có. Một tuần sau thì người con trai cả ấy bị công an huyện gọi lên. Anh bị chỉnh đốn rằng, cái câu đời đời nhớ ơn cha chỉ được để trong nhà anh thôi. Đem căng lên ngoài đường như thế, có hàng vài trăm người đi sau quan tài đều phải nhìn và phải nghĩ. Người ta là dân, chỉ có lãnh tụ mới được người dân đời đời nhớ ơn. Vậy nên anh phải làm kiểm điểm và xin lỗi dân làng. Đương nhiên là anh con cả phải làm theo cho yên chuyện. Sau sự cố ấy khoảng hai mươi năm thì trời xui đất khiến làm sao con gái nhà văn Huy Hoàng lại bén duyên cùng con trai người viết khẩu hiệu đời đời nhớ ơn cha kia. Theo lẽ thường, con gái về nhà hay kể chuyện bên chồng cho gia đình nghe. Nhà văn Huy Hoàng thấy cái chuyện lạ lạ nên khai thác thêm chi tiết. Truyện ngắn in lên báo rồi, chẳng ai để ý xem đó là truyện thật ở đâu, vì phần đông người đọc đều hiểu, truyện ngắn là hư cấu, là truyện bịa ra, không phải chuyện thật. Khổ nỗi đôi trẻ sống với nhau được vài năm thì cơm không lành, canh không ngọt nữa. Nhà chồng muốn ruồng rẫy cô này nên tìm cớ. Họ mang cái truyện ngắn trên báo ra, bù lu bù loa, rằng con dâu đã kể xấu nhà chồng, không thể chấp nhận, một hai đuổi con gái nhà văn ra khỏi nhà, chẳng cần phải ly hôn, cũng không được quyền chia tài sản gì hết. Con gái ôm quần áo và đứa cháu nhỏ về nhà, khiến vợ chồng Huy Hoàng bối rối. Thông gia còn đến tận nhà áp đáo rằng, ông đã viết báo bôi xấu gia đình, và đe dọa sẽ kiện ra tòa. Đó là lý do vợ chồng nhà văn chạy lên cầu khẩn chủ tịch tìm cách hòa giải giúp.
Nghe xong câu chuyện, chủ tịch lại vã mồ hôi, buông tiếng thở dài thườn thượt. Nhà thơ Văn Si nhanh nhảu góp ý:
- Họ kiện thì mình kiện lại, sợ quái gì. Đã ghi là truyện ngắn thì không có sợ bố con thằng nào. Ông có cần tôi viết đơn hộ không?
Chủ tịch xua tay bảo:
- Không! Chưa chi đã nghĩ đến kiện cáo là sao. Tôi có đọc cái truyện ngắn của anh rồi. Ý của anh là phê phán những kẻ học đòi, thích huênh hoang khoe mẽ ở nông thôn, nên mượn chi tiết chăng khẩu hiệu ở đám ma. Còn chuyện thực thì lại khác, người con trai cả hiếu thảo thật lòng. Vậy nên đọc truyện gia đình người ta mới bực.
- Vâng, thì mình chỉ mượn mỗi chi tiết ấy thôi mà. Chết nỗi giờ người ta cứ đổ diệt cho con bé bới móc chuyện nhà người ta về kể với bố. Mà thật tình con tôi không kể đâu, là tôi tìm hiểu trong nhân dân...
- Chuyện này thật là khó, dù sao thì cũng có chút động chạm đến gia đình người ta, cho dù anh gọi tên khác, làng xã khác. Theo tôi anh chị cứ im lặng đã, động viên cháu chịu khó nhẫn nhịn. Đợi người ta nguôi nguôi, rồi tìm cách thanh minh. Còn nếu họ có đơn kiện lên hội thì tôi sẽ giải thích để họ hiểu. Nếu cháu nó không hợp với gia đình ấy thì cho chúng nó chia tay, ra tòa hẳn hoi. Họ nói đuổi ra khỏi nhà là sai. Việc nào ra việc ấy. Về chuyện viết văn nó khó thế đấy, anh nên rút kinh nghiệm khi khai thác tư liệu. Giờ anh chị cứ về nghỉ đã, đừng manh động, kiện cáo làm gì nhé.
Hai người khách về rồi, Văn Si sốt sắng trở lại câu chuyện của mình:
- Làm chủ tịch cũng mệt nhỉ. Chuyện ất ơ ở đâu cũng nhờ giải quyết. Tôi khuyên ông bỏ bớt những chuyện ấy đi cho đỡ mệt. Tôi đề nghị ông tập trung cao cho cuộc trao giải thơ lần này. Nãy tôi nói rồi đấy, giải tán ban sơ khảo!
- Nhưng mà họ làm việc xong rồi, kết quả đã có rồi. Mà ban sơ khảo là những ai. Cũng toàn các nhà thơ do ban thơ giới thiệu. Ông còn ngồi ở chiếu trên, còn ở ban chung khảo cơ mà. Ông bảo giải tán ban ấy đi thì cử ai vào đây. Không lẽ cử mấy ông nhiếp ảnh hay họa sĩ vào ban sơ khảo chấm thơ? Mà nói thật nếu cần nhờ họ thẩm định cho cũng được, vì họ cũng là người thưởng thức nghệ thuật, cũng biết tác phẩm nào hay hoặc chưa hay theo ý họ. Nhưng mà như thế các ông lại chả kêu trời lên rằng họ biết gì về thơ mà thẩm định. Đằng nào thì các ông cũng kêu được.
- Tôi đề nghị gửi hết những bài thơ ấy lên Trung ương, nhờ trên ấy chấm cho khách quan. Để ở nhà cơm lại chấm cơm chẳng ra làm sao.
- Ý kiến hay đấy. Nhưng hội không có tiền làm việc ấy. Hơn nữa nói Trung ương là ai đây. Họ cũng còn khối việc phải làm. Trung ương lại có những cuộc thi của Trung ương. Những việc mình làm được sao phải đi nhờ cấp trên chứ. Ông nghĩ xem, bao nhiêu tỉnh thành mà cái gì cũng đùn lên Trung ương thì Trung ương có mà ngạt thở. Thế này nhé, giờ trưa rồi, ông về nhà tôi ăn cơm, nghỉ ngơi cho khỏe rồi chiều hãy về. Còn chùm thơ mười bài của ông để tôi bàn lại với hai ban chấm giải xem thế nào, nếu có ba bài thật hay trong đó thì có thể đặc cách cho ông.
Nghe chủ tịch nói vậy Văn Si thấy nhẹ lòng và tràn đầy hy vọng. Ông vui vẻ đạp xe cùng chủ tịch về xóm Hàn, nơi có nhà riêng của chủ tịch dùng bữa trưa. Văn Si và chủ tịch cùng trang lứa, nghe đâu lại cùng học Tổng hợp văn tại chức ở Hà Nội nên họ gần gũi nhau, có lúc thân thiết như anh em.
Hai người vừa ngồi xuống chiếu cạnh mâm cơm, vợ chủ tịch mang chai rượu ngâm tắc kè vẫn cất trong góc tủ ra cho chồng mời bạn. Trên mâm có lạc rang và đậu rán, một đĩa cá giếc chiên giòn thơm phưng phức. Vợ chủ tịch là người nội trợ giỏi, thấy chồng đưa bạn về bà liền chạy ra đầu ngõ mua một ống bơ lạc nhân với dăm bìa đậu nhỏ, vào bếp một lát là có mâm cơm thịnh soạn. Hai người vừa nâng chén lên thì một bà dòng dòng đội nón lá chập choạng bước vào. Chẳng biết ông nào là chủ nhà, bà chắp tay vái cả hai ông, rồi bật khóc, vừa khóc vừa nói:
- Ới ông chủ tịch ơi! Ông cứu nhà em với. Ông ấy vì viết văn làm thơ gì đó mà bị bắt rồi. Ông chủ tịch ơi, cứu nhà em với!
Hai ông vội bỏ chén xuống, vẻ hốt hoảng:
- Ông ấy là ai, ở đâu? Làm sao mà bị bắt?
- Nhà em là Hoàng Đê, ở huyện Nam Giang. Ông ấy viết văn không biết động chạm tới ai nên bị bắt!
Chủ tịch nghiêm giọng:
- Nói rõ đầu đuôi xem nào. Viết văn thì ai bắt chứ!
- Dạ, công an họ bắt!
- Ối giời ơi! Có thật không. Công an xã hay công an huyện?
- Em cũng không biết công an nào. Chỉ thấy nhà em nhắn về bảo thế. Ông chủ tịch cứu nhà em với ạ!
- Giời ơi, chắc làm sao chứ viết văn mà bị bắt thì họ bắt tôi trước chứ. Chị đã ăn cơm chưa? Chắc là chưa ăn. Mời chị ngồi vào đây dùng bữa với chúng tôi. Hai chúng tôi vừa mới cầm đũa lên thì chị vào đấy - Rồi ông gọi to - Mình ơi, lấy bát đũa cho khách em ạ. - Một tiếng vâng từ dưới bếp vẳng nhẹ.
Người đàn bà lạ không làm khách, chị vồn vã ngồi xuống chiếu xăm xắn cầm đũa bát. Giọng chị đã bình tĩnh hơn:
- Em hỏi thăm mãi mới tới được đây, tìm được nhà chủ tịch. May quá.
- Nhưng mà công an họ bắt chồng mình thì chị phải đến đó mà hỏi chứ, sao lại tìm đến tôi?
- Ối, em sợ công an lắm! Đến đấy có khi người ta bắt cả em thì chết. Ai nuôi các cháu ở nhà.
- Chị đừng nói thế. Công an bắt ai đều phải có nguyên cớ. Chị không làm gì vi phạm pháp luật thì ai dám bắt. Mà sao chị nghĩ tôi có thể cứu được anh ấy mà đến đây?
- Thực ra anh ấy chỉ nhắn về cho em là: Anh lên gặp công an, cho các con ăn cơm rồi ngủ trước đi, đừng đợi anh. Người trong trường anh ấy đến báo tin cho em nói vậy và bảo rằng: Anh ấy bị công an bắt, chị phải nhanh chóng tìm lên ông chủ tịch hội văn học nghệ thuật tỉnh. Chỉ ông ấy mới cứu được chồng chị thôi.
Chủ tịch cười khà khà, cụng một chén với nhà thơ Văn Si, giọng hài hước:
- Ông thấy mình có oai không. Chỉ có mình mới cứu được. Thiên hạ họ nhìn mình như thế có lẽ cũng nên tự hào chứ nhỉ. Tiếc rằng mình không có khả năng ấy. Nhưng nếu giúp được thì mình sẽ giúp. Nào ta ăn nhanh đi. Mình phải ra cơ quan sớm để điện xuống trường ông Hoàng Đê công tác, hỏi xem đầu đuôi ra sao mới giúp được - Rồi chủ tịch bảo với vợ nhà văn - Chị ăn cơm xong cứ ở đây nghỉ ngơi với nhà tôi nhé. Lát nữa tôi đi tìm hiểu đầu đuôi sự tình rồi sẽ nói với chị sau.
Nhà thơ Văn Si hào hứng góp chuyện:
- Tôi có biết anh Hoàng Đê. Anh ấy dạy học ở trường cấp hai huyện nhà. Gọi là nhà văn, nhưng anh ấy có viết văn đâu, mà chỉ đọc các bài văn, bài thơ rồi viết vài trang đánh giá theo chủ quan của mình. Hội ta gọi là nhà lý luận phê bình, nhưng anh em chúng tôi gọi là nhà lý sự.
- Ôi, không phải, nhà em chả có sinh sự gì đâu.
Chủ tịch vội giải thích:
- Anh em người ta gọi vui ấy mà. Anh ấy sinh hoạt ở ban lý luận phê bình của chúng tôi. Nhà thơ Văn Si nói vui thế chứ những người như anh Hoàng Đê ở tỉnh nhà quý hiếm lắm. Chịu đọc tác phẩm rồi phân tích được cái hay, cái đẹp để định hướng cho dư luận. Cả tỉnh chỉ có dăm người như anh ấy thôi.
Nghe vậy người vợ nhà lý luận phê bình vẻ yên lòng, mặt tươi trở lại. Còn nhà thơ Văn Si thì phá lên cười:
- Đúng, người thích sinh sự thì phải ít chứ, nhiều thì đánh nhau chết à?
- Ông cứ nói quá! Ông phải hiểu vì sao ban thơ của ông có đến năm chục hội viên mà ban lý luận phê bình chỉ có năm hội viên. Trong số năm ấy chỉ có ba người viết được, bình được, còn hai người kia chỉ sưu tầm tư liệu thôi...
Nhà thơ Văn Si vẫn cười và nói:
- Thế thì con số ba người ấy ông chuẩn bị trừ đi một người. Bị công an sờ gáy rồi còn viết lách quái gì.
- Này, đừng nói hàm hồ, đã biết thực hư thế nào đâu. Lát nữa tôi với ông ra cơ quan, tôi phải gọi về trường anh ấy, rồi gọi sang công an tỉnh nữa hỏi rõ xem anh Hoàng Đê mắc lỗi ở chỗ nào. Có gì khúc mắc thì mình tháo gỡ. Dù sao hội mình cũng phải có tiếng nói giúp anh ấy chứ.
- Ông cứ đi mà gỡ. Tôi phải về, nhà còn nhiều việc lắm. Mà gỡ rối ở đâu thì gỡ, cứu ai thì cứu, ông nhớ phải chấn chỉnh lại hai cái ban chấm thơ đi. Chùm thơ của tôi mà không vào giải là tôi kiện đấy!
- Úi giời, khiếp quá. Thảo nào anh em hội viên gọi ông là quái nhân. Mấy người mất chức vì ông rồi nhỉ.
- Mới có hai chứ mấy. Ông cẩn thận kẻo lại là người thứ ba!
Văn Si cứ nói cười như vậy, mà cũng như có ý đe dọa người bạn thân. Chủ tịch cũng vẫn thản nhiên:
- Được thôi. Nếu làm gì sai thì tôi sẽ chịu. Còn ông, cũng phải làm đúng, nói đúng, viết đúng, để đừng ai oán giận nhé.
Chiều ấy chủ tịch đạp xe ra cơ quan thật sớm, bởi ông sốt ruột muốn biết hội viên Hoàng Đê bị triệu tập vì sao. Cả cơ quan có mỗi chiếc điện thoại đặt tại phòng hành chính. Người nghe và gọi điện thoại chủ yếu là trưởng phòng, còn chủ tịch và những người khác muốn gọi điện hay nhận điện đều phải đến đây. Trưởng phòng hành chính dường như còn đang dở giấc ngủ trưa, giọng còn ngai ngái:
- Sao nay sếp đến sớm thế?
- Có chút việc. Ông lấy danh bạ, tìm số của Trường cấp hai Quyết Thắng, huyện Nam Giang liên lạc về đó để tôi nói chuyện.
Khi đầu dây bên kia có tiếng a lô thì trưởng phòng nói:
- Tôi ở hội văn học nghệ thuật tỉnh, xin làm việc với hiệu trưởng - Rồi chuyển ống nghe cho chủ tịch.
Chủ tịch giọng ôn tồn:
- A lô! Đồng chí hiệu trưởng ạ? Tôi muốn hỏi về chuyện anh Hoàng Đê bị công an bắt có phải không? Anh ấy là hội viên của chúng tôi mà.
- Không phải bị bắt, mà chỉ bị mời lên làm việc thôi!
- Vậy có việc gì mà được công an mời?
- Tôi cũng không nắm rõ. Anh công an thị trấn có đến gặp tôi, trao đổi về việc phát ngôn của thầy Đê, rồi thông báo rằng phòng PC gì ấy trên công an tỉnh có giấy mời thầy lên làm việc.
- Mời hay là triệu tập hả ông?
- Mời! Lịch sự đấy nhưng mà tôi thấy thầy Đê mặt biến sắc, giọng run run nói với tôi rằng: Tôi không làm gì xấu. Nhờ hiệu trưởng làm chứng nhé. Tôi cũng gật đầu để xác nhận thầy ấy không xấu chứ có biết cụ thể việc gì đâu. Công an nói rằng mời về việc phát ngôn chưa chuẩn của thầy ấy. Anh cứ sang công an tỉnh tìm hiểu cho rõ nhé.
Buông ống nghe xuống, chủ tịch nhíu mày, phân trần với trưởng phòng:
- Chẳng biết anh Hoàng Đê phát ngôn cái gì chưa chuẩn mà công an tỉnh mời lên làm việc. Vợ anh ấy khóc mếu ở nhà tôi, nói rằng chồng bị bắt. Gay go quá!
Trưởng phòng hành chính góp chuyện:
- Ối giời ơi, công an tỉnh mời lên làm việc thì cũng coi như bị bắt còn gì. Các bố hội viên cứ cậy mình lắm chữ, viết đã rườm rà, nói lại ba hoa, nên có người ngứa tai gai mắt, báo với công an chứ làm sao tự nhiên họ biết.
- Cái ông Hoàng Đê này mang tiếng là giáo viên mà không biết thế nào là chuẩn mực trong nói năng, thật chả ra làm sao. Tôi phải sang công an đây ông nhé.
Chủ tịch xách ca táp, đạp cái xe Thống Nhất cũ rích đến trụ sở công an. Trưởng phòng nhìn theo ái ngại:
- Việc này có phải trách nhiệm của hội đâu mà cứ ôm vào. Khổ thế cơ chứ!
Trưởng phòng hành chính phàn nàn như vậy là vì tháng trước tạp chí Văn học nghệ thuật của hội in truyện ngắn “Chuyện bên gốc tre làng”, có ý ủng hộ việc khoán quản cho nông dân. Tạp chí vừa ra thì ban tuyên giáo tỉnh ủy điện xuống gọi ngay chủ tịch lên, yêu cầu trình bày quan điểm của hội về chính sách A, B nào đó của cấp trên, khiến cả ban biên tập lẫn phòng hành chính nháo nhác cả lên. Chủ tịch cũng chính là tổng biên tập tạp chí, nên ông phải chịu trách nhiệm tất cả. Mấy ông trong thường vụ hội vốn không ưa chủ tịch thì nay được thể đấu ông một trận lên bờ xuống ruộng. Người thì bảo ông yếu kém về chính trị, người thì bảo ông non yếu về nghiệp vụ, người thì bảo ông dung túng cho biên tập... Chủ tịch chỉ cười, gật đầu nhận hết khuyết điểm. Trong lúc ấy có tin ban tuyên giáo sẽ cho thu hồi tạp chí. Rồi lại có tin sở tài chính sẽ ngừng cấp kinh phí cho hội... Ôi giời, tưởng như sập tiệm đến nơi. Vậy mà chủ tịch vẫn bình thản. Nghe đâu khi làm việc với ban tuyên giáo ông đã quyết liệt bảo vệ cái truyện ngắn kia. Và có vài vị tỉnh ủy viên cũng ủng hộ. Họ nói rằng đó là cách làm mới, cách nghĩ mới của người nông dân. Đó là luồng gió mới thổi vào nông thôn. Tỉnh nhà chưa làm như vậy, cấp trên chưa chỉ đạo như vậy, nhưng văn nghệ sĩ người ta có quyền sáng tạo, gợi mở những cách làm mới, những suy nghĩ mới, phải ủng hộ người ta chứ. Thế là thoát. Nay lại cái vụ công an sờ gáy nữa, không biết rồi sẽ ra sao. Việc ông Hoàng Đê phát ngôn không chuẩn, hội can thiệp sao được. Mình chỉ quản lý thơ văn thôi chứ. Chuyện nói năng của hội viên thì quản làm sao. Họ có ăn lương của hội đâu mà bảo họ phải nhất cử nhất động phải nghe mình. Nghĩ như vậy nên trưởng phòng hành chính thấp thỏm đợi chủ tịch về để tỏ tường sự việc. Cuối giờ chiều chủ tịch mới về. Nét mặt ông vẫn bình thản như mọi khi. Trưởng phòng đon đả hỏi:
- Thế nào rồi anh? Có gặp được ông Hoàng Đê bên ấy không?
- Có!
- Vậy ông ấy bị bắt thật à? Có bị giam không?
- Giam gì đâu. Người ta chỉ yêu cầu anh ấy tường trình về những phát ngôn vô căn cứ thôi.
- Ông ta phát ngôn cái gì mà quan trọng thế?
- Toàn chuyện tầm phào. Nghe ở đâu rồi về nói lại. Nay người ta yêu cầu chứng minh thì lấy cơ sở làm sao được. Rõ chán cho anh ta. Đây cũng là bài học kinh nghiệm lớn cho những ông hay ba hoa chích chòe. Mà thôi, tôi phải về báo tin cho vợ anh ta mừng. Chắc mai anh ta sẽ được về nhà thôi.
Nói rồi chủ tịch lại cung cúc dắt xe đạp ra cổng. Trưởng phòng nhìn theo, nháy mắt với cô Giang thủ quỹ đứng đó, chép miệng:
- Chán cả đời. Người ta làm giám đốc sở thì xe máy chạy vèo vèo. Ông này cũng đứng đầu một ngành mà vẫn lọc cọc xe đạp thì bọn mình còn khổ lâu.
Thực tình nếu chủ tịch không sang làm việc với công an thì Hoàng Đê bị giam thật. Các anh phòng bảo vệ an ninh cho biết, ông Hoàng Đê này hay vỗ ngực khoe đã từng là thầy dạy của nhân vật này, nhân vật kia, giờ làm việc ở Trung ương. Rồi nói xấu lãnh đạo cấp cao, rằng ông A thì vợ nọ con kia, lòng thòng với người phục vụ. Ông B thì tụ tập bè phái, giành giật chức vụ về mình. Trước mặt nhiều giáo viên ông ấy tua đi tua lại nhiều lần, lần nào nói xong cũng bảo, học trò của tớ đang ở Trung ương. Có người nghe chướng tai nên viết đơn tố cáo. Công an chỉ hỏi mỗi câu: Những điều anh phát ngôn có chứng cứ không? Anh ta không trả lời được. Thấy chủ tịch sang, anh ta gần như bật khóc, mếu máo khẩn cầu:
- Chủ tịch ơi, cứu tôi với. Tôi không có ý gì xấu đâu. Tôi không làm phản đâu.
Chủ tịch nghe vậy vừa tức, vừa muốn bật cười, nghĩ bụng “ngữ ông mà làm phản được, chỉ bốc phét là giỏi”. Nén lại mọi câu mắng định thốt ra, chủ tịch ôn tồn hỏi:
- Từ hôm qua đến nay công an nói gì với anh, và anh nói gì với họ?
- Khổ quá, họ cứ hỏi tôi về chứng cứ. Tôi lấy đâu ra chứng cứ. Mỗi lần lên Hà Nội, hoặc học trò nó về chơi có câu chuyện làm quà, tôi cũng nói lại làm quà cho mọi người thôi mà. Ông cứu tôi với. Tôi là người tốt ông cũng biết mà.
Chủ tịch nghĩ: Ừ thì người tốt nhưng mà dốt, lại háo danh. Cứ tưởng là thầy dạy của mấy trò làm trên Trung ương mà oai lắm à. Chúng phải học bao nhiêu người nữa từ cấp hai, cấp ba rồi đại học mới nên người, chứ một mình ông dạy được à. Rõ là đồ tự cao, tự đại. Nhưng thôi, lúc này mà nói thế hóa ra mình đổ thêm nước vào cái vũng mà ông ta sắp chìm à. Lại nén lòng, chủ tịch động viên:
- Sự việc này thật đáng tiếc, nhưng chắc anh đã rút được bài học quý. Từ nay đừng có nghe hơi nồi chõ, đừng có ăn nói tùy tiện...
- Vâng! Vâng! Tôi rút kinh nghiệm sâu sắc. Tôi cạch đến già không dám nói năng vô căn cứ.
Vừa lúc ấy cán bộ công an bước vào, nghiêm giọng nói:
- Anh Hoàng Đê này, may cho anh, có chủ tịch đây bảo lãnh nên chúng tôi sẽ cho anh về, mặc dù anh chưa đáp ứng yêu cầu của chúng tôi...
Nghe vậy Hoàng Đê vội chắp tay vái lạy cả hai người, miệng líu ríu:
- Cảm ơn công an! Cảm ơn chủ tịch. Tôi hứa sẽ không tái phạm.
- Nhưng không phải về là xong mà mỗi tuần anh phải lên đây trình diện một lần!
- Dạ! - Hoàng Đê có vẻ ngơ ngác.
Người cán bộ công an cao giọng hơn:
- Anh chưa nghe rõ à. Mỗi tuần anh phải lên đây, vào đúng cái phòng này trình diện một lần để tỏ rõ anh đã chấp hành nghiêm chỉnh. Tôi chốt cho anh là thứ ba hằng tuần nhé. Đêm nay anh ở lại đây viết bản cam kết, sáng mai làm một số thủ tục cần thiết rồi mới được về. Tôi nhắc lại, do có ông chủ tịch đây bảo lãnh cho anh, chứng minh anh có một số bài viết tốt được in trên tạp chí Văn học nghệ thuật, nên chúng tôi cho anh về. Nếu không thì anh sẽ bị giam và bị truy tố về tội vu cáo và xúc phạm lãnh đạo. Anh đã hiểu chưa?
- Vâng, tôi hiểu. Một lần nữa tôi cảm ơn các anh công an, cảm ơn chủ tịch.