SAU HAI LĂM NĂM PHỤC VỤ TRONG QUÂN ĐỘI, BÁC SĨ Nguyễn Thanh Tâm xin chuyển công tác về địa phương. Ngày đầu tiên khoác ba lô về, anh được trưởng phòng tổ chức cho gặp giám đốc sở. Ông Dên xem giấy tờ của anh rồi thở dài, buông một câu:
- Lương đồng chí cao thế này, chúng tôi biết xếp công tác ra sao?
Anh thản nhiên trả lời:
- Tôi được quân đội cho hưởng chế độ như thế. Còn về tỉnh thì tùy lãnh đạo phân công việc gì tôi làm việc đó, miễn là đúng chuyên môn.
Nghĩ ngợi một lát rồi ông Dên nhẹ nhàng bảo:
- Thế này nhé, tôi điều cậu tạm thời xuống tăng cường cho bệnh viện tỉnh. Ở đấy cần việc gì thì lãnh đạo dưới đó sẽ phân công. Tạm thời như thế, còn chúng tôi trên này sẽ nghiên cứu rồi phân công nhiệm vụ chính cho cậu sau. Thế nhé!
Đương nhiên Tâm phải chấp nhận ý chỉ của lãnh đạo. Khoác ba lô xuống bệnh viện đa khoa tỉnh, Tâm được đón tiếp nồng nhiệt. Phó giám đốc bệnh viện còn nhận ra đồng nghiệp khi cùng làm việc với nhau ở trạm quân y tiền phương. Nhận ra đồng đội cũ, hai người cùng vui. Phó giám đốc bệnh viện hỏi:
- Sao bây giờ ông mới chuyển ra dân sự? Thế từ ngày giải phóng miền Nam đến nay công tác ở những đâu?
- Thì vẫn làm việc trong quân đội thôi. Ở lại trong kia vài năm rồi mình được điều về Quân y viện 7, nay nhiều tuổi rồi mình xin chuyển ra ngoài để được về phục vụ bà con quê hương mình.
- Tôi cũng nghĩ như ông nên xin chuyển ngành sớm. Quân hàm của mình chỉ là trung úy thôi. Còn ông ở lại quân đội lâu thế chắc là cấp bậc cao nhỉ?
- Cao hay thấp thì quan trọng gì. Chỉ mong được làm việc trong môi trường tốt thôi. Mình còn đang lo vì cái quân hàm trung tá với mức lương quân đội cho hưởng, nay lãnh đạo sở không biết bố trí việc gì.
- Đúng là khó cho tổ chức. Mức lương của ông gần bằng lương giám đốc sở đó.
- Nhưng mình bằng lòng làm việc chuyên môn thôi, có nghĩ đến chức vụ đâu.
- Ông nghĩ thế, nhưng lãnh đạo phải cân nhắc chứ. Với quân hàm và mức lương như ông, lại chuyên môn giỏi nữa, phải bố trí chức danh phó giám đốc sở mới tương xứng. Ồ, mà trên sở đang thiếu một phó giám đốc đấy. Lãnh đạo điều ông tạm về đây có khi cũng là để theo dõi một thời gian rồi bổ nhiệm phó cũng nên. Mà này, giám đốc bệnh viện tôi cũng đang ngấp ngó trên ấy đấy. Rồi mấy anh trưởng phòng dưới huyện nữa...
- Ôi, mình không nghĩ đến chuyện đó. Chỉ muốn làm việc chuyên môn thôi.
- Chuẩn! Bộ đội Cụ Hồ như anh em mình ai lại nghĩ nhiều đến chức vụ nhỉ!
Rồi phó giám đốc bệnh viện hồ hởi giới thiệu với mọi người có mặt trong phòng:
- Anh Tâm đây là bác sĩ ngoại khoa giỏi. Tôi đã chứng kiến nhiều ca mổ của anh ấy trong chiến trường. Mát tay lắm, nhiều thương binh khi vào trạm cứ tưởng một hai là chết, vậy mà qua bàn tay thần diệu của bác sĩ Tâm họ đã nhanh chóng lành lại và tiếp tục chiến đấu.
Nhiều ánh mắt thán phục nhìn Tâm làm anh thấy ái ngại. Anh đành nói át đi:
- Chuyện cũ rồi, nhắc lại làm gì. Ông giới thiệu cho tôi biết về bệnh viện của mình để còn làm quen.
- Từ từ rồi sẽ quen. Tôi sẽ dẫn ông đến từng khoa, trước hết là khoa ngoại. Khoa này có một bác sĩ trẻ giỏi lắm, ông đến đấy kết hợp với cậu ta, hai người trao đổi kinh nghiệm với nhau thì quá tuyệt vời.
Vừa lúc ấy hai phụ nữ mặc blu trắng đi tới. Phó giám đốc vồn vã gọi:
- Hai em ơi, lại đây anh bảo!
- Chào hai sếp. Có việc gì ạ?
- Gớm, các em cứ cẩn thận. Sếp siếc gì. Giới thiệu với hai em đây là anh Tâm, Trung tá, bác sĩ ngoại khoa vừa được bổ sung về bệnh viện ta. Lát nữa bọn anh sẽ đến thăm khoa sản - nhi nhé.
Rồi quay sang phía Tâm giọng anh nồng nhiệt hơn:
- Giới thiệu với Tâm, đây là bác sĩ Nguyễn Thị Liên, phó khoa sản nhi. Cô ấy mát tay lắm. Bao nhiêu sản phụ khó sinh, tưởng phải chuyển lên tuyến trên, vậy mà cô ấy đỡ được, mẹ tròn con vuông hết. Còn người bên cạnh là cô Đỗ Thị Thanh, bác sĩ nhi khoa. Cô này chăm học lắm, đang xin đi tu nghiệp nghiên cứu sinh đấy. Lãnh đạo bệnh viện đồng ý rồi, chỉ chờ lãnh đạo sở nữa thôi. Một nhân tố đáng quý của tỉnh nhà đấy.
Tâm chủ động bắt tay hai nữ bác sĩ trẻ. Bàn tay các cô ấm nóng cho anh cảm giác dễ chịu khác thường. Những ngày mới làm việc ở đây, Tâm được nghe mọi người bàn tán nhiều về ông Phạm Văn Dên, đương kim giám đốc sở y tế. Không định tìm hiểu, nhưng mọi người kể thì cứ nghe thôi.
Mới đây tới dự cuộc tổng kết năm tại huyện Ninh Xuân, ông Dên có vẻ không vui lắm. Nét mặt ông bì bì, không rạng ngời như mọi khi. Lý do cũng dễ hiểu. Tại Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ 8, ông Dên, Giám đốc Sở Y tế, đương kim Tỉnh ủy viên khóa 7, bị thiếu mất hai phiếu nên không trúng vào ban chấp hành. Trước khi đại hội, ông tin tưởng một trăm phần trăm mình lại đắc cử khóa mới. Ông hy vọng sẽ được cơ cấu vào thường vụ. “Thường vụ là đúng thôi, ông đang phụ trách điều hành một ngành mà hoạt động của nó ảnh hưởng đến mọi người dân trong tỉnh. Ai cũng cần đến ngành y tế cả. Khoẻ mấy thì cũng có lúc ốm đau, hoặc không thì trong gia đình, họ hàng cũng có lúc ốm đau, không nhờ đến ngành y tế thì ai giúp họ khỏe mạnh chứ”. Nghĩ vậy nên ông Dên thấy mình rất quan trọng. Hơn nữa ông lại đương kim tỉnh ủy viên khóa trước, tuổi còn trẻ, lại còn có một người anh trai làm cấp to. Vậy ông quá xứng đáng với chân thường vụ tỉnh ủy. Khi đã vào thường vụ thì ông cũng chả làm giám đốc sở làm gì, nhường cho đàn em. Chắc chắn cái ghế phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, phụ trách văn hóa xã hội sẽ do ông đảm nhiệm. Nhìn đi nhìn lại cấp trưởng thì chưa mơ vội, nhưng cấp phó thì chẳng còn ai hơn ông được. Vậy nên ông dự đại hội với sự phấn chấn khác thường. Vậy mà vào chiều ngày thứ hai của đại hội, khi ban kiểm phiếu công bố kết quả thì ông phập phồng chờ mãi chưa thấy tên mình. Nín thở chờ đợi mãi đến thứ bốn mốt mới là tên ông. Người ta công bố từ số phiếu cao xuống thấp. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ lấy có ba chín người. Vậy có nghĩa ông không trúng vào tỉnh ủy khóa này. Ông như muốn nhảy lên khỏi ghế. Sao lại thế được nhỉ? Hay ông nghe nhầm chăng. Rồi cái người làm trưởng ban kiểm phiếu kia cũng đọc lại. Lần này ông ta đọc danh sách những người trúng cử vào Ban Chấp hành khóa 8 theo vần an pha bê. Trong ba mươi chín cái tên được xướng lên không có tên ông Dên. Tưởng như trời đất quay cuồng, sụp đổ, ông bám chặt thành ghế, cố ngồi lại cho đến khi kết thúc, để mọi người đừng nghĩ này nọ. Nhìn những tỉnh ủy viên mới lên ra mắt đại hội, ông thấy mắt mình như có đom đóm bay qua.
Bởi vậy nên về dự hội nghị tổng kết năm của huyện, ông vui sao được. Chuyện giám đốc sở còn trẻ tuổi mà trượt tỉnh ủy viên còn đang râm ran khắp tỉnh. Nếu ông có tươi cười thì cũng chỉ là chuyện giả vờ thôi. Khi người điều hành hội nghị trịnh trọng giới thiệu: Đồng chí Phạm Văn Dên, Giám đốc sở lên phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông vội vã bước lên, tay kéo cái mi-cờ-rô lại gần phía mình, giọng vẫn dõng dạc như ngày nào:
- Trước hết tôi xin đính chính và bổ sung lời giới thiệu vừa rồi, tôi là Phạm Văn Dên, nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở...
Nghe đến đấy, ai đó khởi xướng và rồi hội trường cùng vỗ tay rào rào khiến ông nở một nụ cười, vẻ hài lòng. Họ đã quên hay cố tình bỏ đi từ “nguyên” và cụm từ “tỉnh ủy viên”, như là bỏ đi một chặng đường năm năm cống hiến cho khóa trước. Khi ông phát biểu xong, người chủ trì hội nghị cũng có lời xin lỗi vì ban tổ chức sơ suất chưa giới thiệu đầy đủ chức danh của ông.
Câu chuyện đó đang lan truyền rộng rãi, Tâm nghe mà thấy gờn gợn trong lòng. Giám đốc ngành y trước hết phải là người làm khoa học, sau nữa phải là người tỉnh táo, sao ông ta lại bận lòng vì những thứ chức vụ chả liên quan gì đến công việc ấy.
Tăng cường ở bệnh viện đa khoa tỉnh đến ba tháng, bác sĩ Tâm được tham gia nhiều việc. Giám đốc bệnh viện cũng rất linh hoạt, điều động anh tăng cường cho bất cứ khoa nào, chứ không chỉ là khoa ngoại. Gọi là tăng cường cho thuận tai, chứ thực tình chỉ là đến giúp việc cho các bác sĩ chính nơi đó. Thỉnh thoảng anh được mời hội chẩn cùng các bác sĩ khoa ngoại khi có ca bệnh khó, còn thì đa phần anh thường được cử dẫn các đoàn sinh viên thực tập đến làm việc ở các khoa. Mà sinh viên cũng chủ yếu là của trường Trung cấp y gần đó, ít sinh viên đại học vì thời đó tỉnh nhà chưa có trường Đại học y. Các sinh viên này phần vì trình độ chuyên môn thấp, chỉ là trung cấp thôi, phần vì lần đầu tiếp xúc với bệnh nhân nên họ thường nhút nhát, thành ra Tâm cứ phải làm mẫu cho họ. Đến phòng bệnh nào cũng phải lặp đi lặp lại các câu hỏi, ông bà, hay anh chị tên gì? Làm sao vào viện... Ôi giời ơi, chỉ có thế mà nói mãi mấy cô thực tập vẫn e ngại. Rồi thì cầm ống nghe lên... Cầm nhiệt kế đặt vào nách cho bệnh nhân... Những việc ấy phải cần đến một bác sĩ ngoại khoa giỏi sao? Nhưng mà đã hứa tổ chức phân công việc gì mình cũng làm, chả lẽ giờ lại chối. Bảo rằng việc ấy không đúng chuyên môn thì cũng không được. Bác sĩ nào mà chẳng biết thăm khám sơ đẳng cho bệnh nhân. Vậy nên bác sĩ Tâm vẫn cứ lầm lụi hoàn thành nhiệm vụ.
Một hôm dẫn đoàn thực tập đến khoa sản - nhi. Hôm ấy có một phụ nữ chừng ba tư ba lăm tuổi, bụng to vượt mặt, tay xách một đùm quần áo, khệ nệ đi vào viện một mình. Trực khoa sản là nam bác sĩ còn rất trẻ, nhìn thấy các thực tập sinh, anh ấy có vẻ vui, chỉ vào người phụ nữ mang bầu:
- Các bạn thăm khám cho người này trước đi nhé, lát nữa tôi sẽ xử lý.
Nói rồi anh mở cửa phòng đi vào phía trong, mất hút. Nhìn thấy quần người đàn bà ướt sũng, bay mùi tanh tanh, bác sĩ Tâm ái ngại bảo:
- Chị này đã vỡ ối, sắp sinh đến nơi rồi!
Một thực tập sinh thắc mắc:
- Sắp sinh sao chị ấy không đau bụng nhỉ? Em tưởng chị ấy đến khám thai.
- Vậy em đến hỏi chị ấy xem!
- Em ngại quá. Thầy hỏi cùng với em!
Vậy là bác sĩ Tâm lại phải hướng dẫn. Dù không phải bác sĩ chính ở đây, nhưng anh phải xử lý mọi việc y như người trực chính. Trước hết anh bảo người mang thai nằm lên bàn đẻ rồi mới hỏi chuyện:
- Chị đi sinh hay đi khám mà đi có một mình?
- Tôi đi sinh con. Mấy bác sĩ ngoài phòng khám bảo tôi vào đây. Người nhà của tôi ở xa chưa đến được.
- Có phải chị bị vỡ ối rồi không?
- Tôi cũng chả biết nữa. Cứ thấy nước trong người tự nhiên chảy ra. Sáng tôi đã thay quần rồi, mà đến cổng viện nó lại chảy ra ướt hết. Phòng khám họ không kiểm tra, mà thấy quần tôi ướt nên bảo tôi vào đây.
- Chị không thấy đau bụng sao?
- Không, chả đau gì cả. Tôi định ở nhà làm hết mấy công việc cơ quan giao đã rồi mới thu xếp đi sinh cháu. Mấy chị ở cơ quan thấy tôi bị ướt quần nên họ giục tôi bỏ mọi việc đấy, đến bệnh viện ngay, sợ đẻ rơi ở phòng làm việc.
- Vậy bây giờ chị thấy trong người thế nào?
- Tôi bình thường mà!
Mấy cô thực tập đứng bên cạnh Tâm cứ ô, a hoài. Mãi rồi mới có cô mạnh dạn hỏi:
- Chị sinh cháu lần thứ mấy rồi?
- Lần đầu!
- Vậy chị bao nhiêu tuổi?
- Ba mươi lăm!
Nghe vậy Tâm bảo một cô:
- Em vào trong gọi bác sĩ chính ra đây. Trường hợp này phải đặc biệt lưu ý.
Khi người bác sĩ trẻ tuổi bước ra, Tâm đến bên nói nhỏ với anh:
- Em ơi, sản phụ này đã cao tuổi, lại lần đầu sinh con, mà nước ối vỡ hết rồi, em xem xử lý sao kẻo đứa bé bị ngạt trong bụng mẹ.
Bác sĩ trẻ gật đầu rồi đến bàn đẻ, kéo quần sản phụ xuống thăm khám. Anh gọi thêm hai nữ hộ sinh nữa đến giao nhiệm vụ:
- Các cô chuẩn bị cho sản phụ này mổ nhé, để lâu sợ em bé ngạt.
Thực hiện y lệnh, các cô cho sản phụ về giường nằm, giục chị mau mau gọi người nhà đến chuẩn bị mổ.
Nằm chờ mổ trong nỗi hoang mang lo sợ, sản phụ bỗng ôm mặt khóc nức nở.
Cùng đoàn thực tập sinh bước ra khỏi phòng rồi, bỗng nghe tiếng khóc nên Tâm vội vàng quay lại hỏi:
- Chị đau bụng phải không? Nếu đau bụng thì tốt rồi, sẽ nhanh chóng sinh thôi.
- Không. Tôi vẫn không đau bụng, vì sợ mổ nên... khóc.
Rồi sản phụ tâm sự với anh:
- Chồng tôi vẫn trong quân ngũ, đang ở xa lắm anh ạ. Còn gia đình thì cách đây ba mươi cây số. Trước khi đi viện tôi đã nhờ một chị trong cơ quan đi đánh điện hộ rồi. Người nhà có tức tốc đạp xe đến thì cũng phải chín, mười giờ tối mai mới có mặt. Chắc các em gái tôi sẽ đến. Nhưng bây giờ phải mổ thì tôi biết làm sao?
- Chị cứ yên tâm. Người nhà chưa đến kịp thì đã có các y tá và hộ lý chăm sóc. Chị đã ba mươi lăm tuổi mới sinh con đầu nên đứa con là quan trọng nhất. Nếu không xử lý kịp thời sợ cháu bé sẽ ngạt mà không ra được.
- Vâng! Biết là như vậy nhưng tôi vẫn sợ lắm! Anh không phải bác sĩ khoa này à? Mọi người đi đâu hết rồi? Anh ở đây với tôi nhé. Tôi sợ lắm!
Tâm băn khoăn, ở đây cũng dở, mà về cũng không đành. Mọi người chắc đi ăn trưa hết, nên phòng chờ đẻ còn mỗi mình sản phụ này. Chị ấy nói sợ lắm có lẽ cũng phải. Một mình chờ mổ chắc là rất sợ. Tâm cố nghĩ cách động viên chị ta yên tâm để mình về. Vậy nhưng anh vừa bước chân ra cửa thì nghe tiếng chị ta kêu “á” thật to. Tâm quay vào thì thấy chị ta đang oằn người, rồi xoay bên này, xoay bên kia, miệng không ngớt kêu: “Á, đau quá”. Dứt một cơn đau chị nói ráo hoảnh:
- Anh gì ơi, tôi đau quá! Anh nói giúp với bác sĩ mổ ngay cho tôi với. Mổ nhanh đi, tôi đau không chịu nổi nữa.
Rồi chị tụt xuống khỏi chiếc giường một, bám chặt vào vai giường, gò người rên rỉ tiếp. Lúc này trong phòng còn mỗi mình Tâm. Anh bảo:
- Cứ bình tĩnh và cố gắng chịu đựng. Các cụ bảo đau như đau đẻ cơ mà. Có người đau đến hai ba ngày mới đẻ được. Chị vừa mới đau một lúc, ăn thua gì. Tôi gọi bác sĩ nhé.
Tâm bước nhanh tới gõ mạnh vào cánh cửa phòng trực. Một cô nữ hộ sinh bước ra hỏi:
- Có chuyện gì thế, anh?
- Sản phụ kia hình như sắp sinh rồi. Em ra xem thế nào.
- Vừa mới cho uống kháng sinh, bảo chị ấy ăn chút gì đi để lấy sức còn mổ. Mà người nhà chị ta sao mãi chẳng ai đến thì mổ xẻ kiểu gì?
- Chắc chị ta không kịp ăn gì nữa đâu. Em cứ cho chị ấy lên bàn đẻ đi. Chị ấy đau dồn dập thế, tôi đoán đứa bé sắp ra rồi.
- Nhưng mà bác sĩ còn đang đi chuẩn bị bàn mổ. Lâu rồi không có người phải mổ nên còn sắp xếp dụng cụ...
- Sản phụ này nếu vẫn không đau bụng thì chúng ta phải mổ gấp. Còn đau nhiều thế kia chắc là cháu bé đòi ra nhanh. Em thăm khám xem có gì bất thường không.
- Anh giúp em dìu cô ấy lên bàn đẻ để em khám. Tự đẻ được thì tốt. Chỉ sợ tuổi cao, không đẻ được.
Sau khi thăm khám, cô nữ hộ sinh nói như quát sản phụ:
- Chị có buồn rặn không? Có buồn thì rặn đi!
- Có! Tôi buồn lắm, nhưng chỉ sợ đi ngoài ra đây...
- Đi ngoài cái gì. Buồn rặn là con nó muốn chui ra đấy. Có rặn thì nó mới ra được chứ. Nếu chưa buồn lắm thì ngậm miệng lại để lấy hơi. Chị đừng rên nữa, đừng kêu nữa!
Lúc ấy bác sĩ chính trở về. Anh có vẻ ngạc nhiên:
- Ồ, thế lại đẻ thường à. Có đẻ được không?
- Em cũng không biết nữa, nhưng em sờ thấy đầu đứa bé rồi.
- Sờ thấy đầu rồi mà không rặn ra được thì vẫn phải mổ.
Lúc này bác sĩ Liên, phó khoa đi họp vừa về đến, chị nhẹ nhàng bảo:
- Để mình khám xem đã!
Rồi chị đặt ngay tập tài liệu sổ sách đang bưng trên tay xuống ghế, chẳng kịp mặc áo choàng, chỉ kịp xắn tay áo lên, đeo găng tay vào rồi khám. Một lát chị bảo:
- Không phải mổ đâu, để chị ấy đẻ thường. Tôi thấy đầu cháu bé nhỏ lắm, tử cung chị ấy mềm mại, xương chậu cân đối, để chị ấy tự đẻ là tốt hơn. Chắc chỉ mười lăm, hai mươi phút nữa là cháu bé ra đời thôi - Rồi Liên nói với sản phụ, giọng ngọt ngào như dỗ dành - Chị cố nhịn, đừng kêu rên nhiều, tích hơi lại. Khi nào buồn rặn thì rặn thật mạnh cho bé ra nhé!
Tâm xen vào:
- Từ sáng đến giờ chị ấy chưa ăn gì, sức yếu nên khó lấy đủ hơi, bác sĩ ạ.
Bác sĩ chính có vẻ khó chịu, hơi hài hước:
- Chả lẽ bây giờ lại ăn à? Ăn cơm hay ăn phở đây?
Nữ hộ sinh cười he hé:
- Bây giờ có mà ăn vào mắt. Bảo chị ấy nhịn đừng rên nữa để lấy hơi lấy sức mà chị ấy có nhịn đâu.
Phó khoa Liên quyết đoán:
- Yên tâm, chị ấy sẽ đẻ được. Trong khoa có đường trắng các cô pha cho chị ấy một cốc nước. Uống nước đường sẽ có thêm sức khỏe, chị ấy sẽ...
Một lần nữa Tâm định ra về, nhưng chẳng hiểu sao chị sản phụ kia lại ngoái ra cửa gọi:
- Anh gì ơi, anh đừng đi, ở lại đây với tôi. Tôi vẫn sợ lắm!
- Chị yên tâm đi. Các bác sĩ của khoa ở đây cả rồi, không có gì phải sợ chị nhé!
Một nữ hộ sinh nhanh nhảu, nhiệt tình:
- Bác sĩ tăng cường ơi! Anh có bận gì đâu. Sản phụ không có người nhà ở đây, chị ấy muốn anh ở lại giúp đỡ thì anh nên ở lại để chị ấy yên tâm hơn. Bây giờ yếu tố tinh thần cũng giúp chị ấy nhiều lắm!
Vậy là chân bước ra cửa rồi nhưng không thể về, Tâm đành quay trở lại, cứ đứng phía đầu bàn đẻ, mong đứa bé chóng ra đời.
Quả thật, sau khi uống hết cốc nước đường chừng ba phút, sản phụ lên cơn rặn. Chị đã cố lấy hơi thật sâu, rặn một hơi thật mạnh, đứa bé đã nhô đầu ra khỏi cửa mình và chui tuột cả cái vai và thân người ra một cách dễ dàng. Mọi người cùng reo lên: “Ôi dà, con trai”. Tiếng khóc xoa xỏa vang lên. Người mẹ lịm đi trên bàn, còn bác sĩ, hộ lý vui cười làm tiếp phần việc của họ: Cắt rốn, lau chùi, tắm rửa và ủ ấm cho bé. Ca sinh hạ đã thành công ngoài mong đợi. Cô hộ lý tắm cho bé trong vài phút, quấn tã chặt quanh người cậu bé rồi bế ra đặt ngay vào tay Tâm:
- Chưa thấy bố cháu đâu, bác làm bố tạm nhé. Chị này thật là tốt số, ba mươi lăm tuổi mới sinh, tưởng khó mà lại quá dễ dàng. Người khác dù không mổ cũng phải rạch mấy phân, đằng này chẳng rạch tý nào mà thằng bé ra tuồn tuột. Nhưng mà cũng phải nhờ có cốc nước đường. Phó khoa Liên đúng là giỏi nghề, lại nhiều kinh nghiệm.
Nữ hộ sinh khác vừa lau dọn trong lúc chờ cái nhau thai ra, bàn luận thêm:
- May thật đấy! Mổ bây giờ, chưa kể phải có người chăm sóc, còn phải nằm đây hàng tuần mới về được. Về nhà lại phải bao nhiêu tiền thuốc mới phục hồi sức khỏe. Chẳng trách nhiều sản phụ cứ đợi ca bác sĩ Liên trực mới đến sinh con.
- Tào lao, đã đau đẻ còn đợi sáng trăng à? Biết lúc nào bác sĩ Liên trực mà đợi!
- Nhưng thực tế có mấy người như vậy rồi. Dù gì thì cũng phải công nhận chị Liên mát tay có tiếng, nên người ta mới tín nhiệm thế chứ. Vừa nãy chị ấy không quyết nhanh như vậy, có phải mổ oan không. Chúng mình cũng vất vả theo.
- Công nhận! Nhớ nhất là cái lần chị ấy đỡ cho sản phụ sinh ngôi ngang. Mình đứng cạnh mà cũng vã hết mồ hôi. Nghe chị ấy bảo “sờ thấy vai em bé” thì mọi người cuống cuồng chuẩn bị bàn mổ. Sờ thấy vai là bé quay lưng ra trước, làm sao đẻ được, nên phải chuẩn bị bàn mổ ngay. Nhưng chị ấy lại bảo: “Để mình cố xoay cho bé về vị trí thuận”, thế là chị ấy cứ dùng tay xoay nhè nhẹ, lúc sau cháu bé quay đầu xuống và chui tọt ra ngoài. Ai nấy đều thở phào. Mẹ chị Liên là nữ hộ sinh ở xã, đỡ đẻ mấy chục năm rồi, có nhiều kinh nghiệm truyền cho chị ấy, nên nhiều ca khó chị ấy vẫn xử lý được. Nghe nói năm ngoái còn có ca ngôi ngược, chân bé ra trước chứ không phải là vai đâu.
- Vậy chúng mình chịu khó theo ca của chị ấy mà học tập nhỉ!
Tâm bất đắc dĩ phải ôm đứa trẻ sơ sinh một lúc chờ các nữ hộ sinh làm các việc tiếp theo cho sản phụ. Nghe các cô ấy nói về chị phó khoa, anh cũng thấy ấm lòng, vui vui. Bệnh viện nào có bác sĩ giỏi, lại dịu dàng như chị Liên mà công việc chả suôn sẻ, nhẹ nhõm chứ. Mừng cho khoa sản - nhi này. Khi sản phụ được về giường thì Tâm mới trao trả đứa con. Phòng sản phụ sau sinh này rất đông. Những người sinh từ hôm qua, hôm kia vẫn đang ở đây, những chồng, những mẹ và những chị em đi chăm nuôi cũng đang ở đây, đều có vẻ vui mừng với những con, những cháu vừa chào đời. Tâm thoáng thấy có những ánh mắt nhìn anh vẻ tò mò. Trả đứa bé xong Tâm vội ra về. Lúc ấy đã là hai giờ chiều, bữa trưa đã qua lâu rồi, anh đành chép miệng cho qua, nhịn thêm mấy tiếng nữa ăn tối một thể. Chợt nhớ ra người sản phụ chưa ăn gì, vừa hạ sinh, chắc chị ta mệt và đói lắm, người nhà vẫn chẳng thấy đâu. Vậy là Tâm đi nhanh ra quán phở ngoài cổng bệnh viện. Xách cặp lồng phở còn nóng hổi quay lại phòng sản phụ, anh lại vui lòng bế giúp đứa trẻ cho chị ăn xong. Qua bữa rồi nên bụng Tâm không cồn cào nữa, anh mang trả cặp lồng cho chủ quán rồi đi thẳng lên phòng hành chính, sẵn sàng dẫn tiếp đoàn thực tập sinh đi ca chiều.
Ba tháng đã trôi qua. Bác sĩ Tâm vẫn cần mẫn đến bệnh viện tăng cường, nay khoa này, mai khoa khác. Anh không thắc mắc cũng không đòi hỏi. Những người có tý chức sắc ở bệnh viện thì cứ đoán già đoán non: “Chắc là ông ấy sẽ làm trưởng khoa ngoại? Có khi ông ấy sẽ làm giám đốc bệnh viện ấy chứ. Giám đốc của mình nghe nói sắp chuyển lên trên mà...”. Họ cứ vui chuyện mà sắp xếp hộ tổ chức vậy, kệ họ, Tâm chả bận lòng. Rồi cái gì phải đến đã đến. Chánh văn phòng sở gọi điện xuống bệnh viện, yêu cầu truyền đạt tới bác sĩ Tâm, hai giờ chiều nay phải có mặt ở văn phòng sở để nhận nhiệm vụ. Phó giám đốc bệnh viện đích thân tìm Tâm để báo tin. Ông ta còn đùa: “Nếu nhận chức lãnh đạo sở thì đừng quên anh em ở đây nhé”.
Tâm ngồi ở văn phòng sở chừng năm phút thì được mời lên phòng giám đốc. Hôm nay giám đốc sở trông rất bảnh bao. Tóc đã hớt cao rồi, còn chút mái cũng được chải ngược ra sau gọn ghẽ, bóng mượt, chiếc sơ mi trắng mới là phẳng không một nếp nhăn. Nhìn thấy Tâm, ông nở nụ cười thân thiện:
- Mời trung tá vào đây!
Ông tự tay pha trà, rót nước, đon đả bắt chuyện, khác hẳn cái hôm đầu Tâm gặp. Trưởng phòng tổ chức xách cặp bước vào sau, bắt tay Tâm thật chặt. Chuyện gần xa một lát rồi giám đốc nghiêm giọng:
- Giờ ta nói chuyện công việc nhé. Chúng tớ cân nhắc mãi rồi, tính toán mãi rồi. Với mức lương và trình độ chuyên môn như cậu, phải xếp cho cậu một vị trí xứng đáng. Chết nỗi giờ các vị trí ấy đều đã có người đảm nhiệm, nên...
Tâm cắt ngang lời sếp, muốn nhấn mạnh để ông ta hiểu rằng mình không câu nệ vào chức danh này nọ.
- Thưa với giám đốc, tôi không đòi hỏi chức vụ gì, chỉ muốn làm việc đúng chuyên môn thôi. Xin lãnh đạo đừng lăn tăn nhiều về chuyện đó.
- Chúng tôi hiểu mà, cũng rất hoan nghênh đồng chí đã yêu nghề, yêu quê hương nên mới chuyển từ quân đội về tỉnh nhà. Biết rằng đồng chí không bận tâm chuyện chức vụ, nhưng lãnh đạo chúng tôi phải cân nhắc chứ. May mà đã tìm được một vị trí xứng đáng với đồng chí rồi. Hôm nay mời đồng chí lên đây để trao đổi cụ thể trước khi ra quyết định. Nhiệm vụ này cũng là chuyên môn, hơi đặc thù một tý, mong rằng đồng chí thông cảm cho chúng tôi.
- Đồng ý thôi. Tôi chưa bao giờ thoái thác nhiệm vụ cấp trên giao!
- Tốt lắm! Vậy trưởng phòng tổ chức thông báo cụ thể cho đồng chí Tâm về công việc đi.
Có tiếng chuông điện thoại: Reng! Reng! Giám đốc vội vàng chạy vào gian trong, nhấc ống nghe. Ngồi bên ngoài Tâm nghe rõ câu: “Chờ anh một tý, sắp xong việc rồi!”. Lúc ông quay ra, nét mặt như giãn nở, tươi sáng bừng bừng.
Trưởng phòng tổ chức nhanh chóng lấy trong cặp ra tờ quyết định đã thảo sẵn. Giọng ông nhẹ nhàng:
- Chắc anh Tâm cũng hiểu rằng lãnh đạo sở rất quan tâm đến anh nên rất thận trọng. Để anh tăng cường đến ba tháng là chuyện bất đắc dĩ thôi. Nay có việc lãnh đạo thấy phù hợp với anh, chúng tôi cũng tham mưu sát thực tế nên cả ba đồng chí trong ban giám đốc đều nhất trí điều anh xuống làm Giám đốc bệnh viện phong tại huyện Linh Sơn.
- Gì cơ... Bệnh viện nào?
Tưởng như mình nghe nhầm, nên Tâm phản xạ hỏi lại nhanh như vậy. Thay vì trả lời, trưởng phòng tổ chức đặt tờ quyết định vào tay Tâm. Sau vài giây bối rối, Tâm cố trấn tĩnh đón nhận tờ quyết định chưa có chữ ký từ tay trưởng phòng tổ chức. Bỏ qua những gạch đầu dòng căn cứ... anh dán mắt vào dòng chữ: Nay quyết định điều động đồng chí Nguyễn Thanh Tâm về làm Giám đốc bệnh viện phong...
Đợi Tâm xem xong tờ giấy, giám đốc nhẹ nhàng hỏi:
- Đồng chí có ý kiến gì không?
Thay vì trả lời, anh nhè nhẹ hỏi lại:
- Việc này không đúng với chuyên môn của tôi. Sao lại trái khoáy như vậy? Phải là bác sĩ da liễu chứ?
- Biết rằng đồng chí là bác sĩ ngoại khoa, nhưng bây giờ phải tùy theo hoàn cảnh, với lại đồng chí cũng hơi cao tuổi rồi, trực tiếp cầm dao kéo mổ xẻ làm gì. Chúng tôi phân công việc này cũng là để tạo điều kiện cho đồng chí phát huy bản chất anh Bộ đội Cụ Hồ, việc gì cũng làm được. Hơn thế nữa nay dưới bệnh viện phong đã có ba bác sĩ giỏi chuyên môn rồi. Đồng chí xuống đó quản lý họ, hướng dẫn họ làm nhiệm vụ cho tốt. Như vậy đồng chí vẫn phát huy tính chuyên môn, lại làm lãnh đạo một đơn vị độc lập, chả đúng và hợp với mức lương trung tá của đồng chí hay sao?
Rồi giám đốc nói thêm:
- Nếu chưa thông thì đồng chí cứ tiếp tục suy nghĩ, tôi cũng chưa ký quyết định. Ngày mai tôi sẽ cho xe chở đồng chí cùng trưởng phòng tổ chức xuống thăm bệnh viện phong trước đã. Có gì cần bày tỏ thì cứ nói với trưởng phòng tổ chức nhé. Giờ tôi xin phép đi công việc khác.
Đương nhiên là Tâm và trưởng phòng tổ chức phải vội đứng lên ra khỏi phòng để giám đốc sở khóa cửa.
Tâm cũng chẳng còn cách nào từ chối. Anh cũng đồng ý ngày mai xuống thăm bệnh viện phong. Trong đầu anh chưa hình dung được, chưa tưởng tượng ra cái nơi gọi là Bệnh viện phong của tỉnh nó như thế nào. Gần hai mươi năm làm bác sĩ phục vụ trong quân đội, anh chưa gặp người bệnh phong nào, cũng chưa được thăm bệnh viện phong nào. Hình dung rõ nhất về bệnh phong là nhớ đến nhà thơ Hàn Mặc Tử. Các bạn anh thì thuộc nhiều thơ của ông nhưng Tâm thì chỉ biết láng máng rằng ông có nhiều bài thơ nói về tình yêu. Anh biết Hàn Mặc Tử bị bệnh phong, điều trị rất muộn, rồi mất ở Trại phong Quy Hòa, nhưng rất bất ngờ khi nguyên nhân mất vì bệnh kiết lỵ chứ không vì bệnh phong. Anh không biết tỉnh nhà lại có một bệnh viện phong. Khi xin chuyển công tác về quê hương, anh nghĩ mình có thể được tiếp nhận về bệnh viện tỉnh làm ở khoa ngoại, hoặc về làm ở bệnh viện thị xã, hoặc cùng lắm thì xuống bệnh viện huyện. Nếu phải xuống huyện thì xin về huyện nhà cho gần vợ gần con. Không ngờ tổ chức lại chọn cho anh cái công việc chưa bao giờ anh nghĩ tới. Huyện miền núi Linh Sơn ngược hẳn với huyện Ninh Xuân quê anh. Quê anh là vùng đồng bằng, nhiều sông, gần biển, ruộng đồng màu mỡ, đường đi thuận tiện. Còn huyện Linh Sơn nửa là trung du, nửa là miền núi, đường đi khó khăn, trắc trở. Từ làng anh tới trung tâm huyện Linh Sơn khoảng 70 cây số, còn từ đó tới bệnh viện phong chưa biết bao xa.
Chiếc xe U-oát chạy hơn hai tiếng thì tới nơi cần đến. Đoạn đường chừng bốn mươi cây số, nhiều ổ gà, ổ voi, khiến chiếc xe đi chậm như rùa bò. Trên đường đi, trưởng phòng tổ chức thao thao nói về công việc của ngành mình. Nào là giám đốc của mình rất thông minh, nhạy bén, đã chỉ đạo dập được bao nhiêu ổ dịch ở huyện A, huyện B. Nào là đã phát động nhân dân làm hố xí hai ngăn, có đến 70 phần trăm các hộ hưởng ứng. Nào là cán bộ ngành y tế hiện nay chịu nhiều thiệt thòi lắm. Các ngành khác người ta học đại học có năm năm, nhiều ngành học có bốn năm đã ra trường. Đằng này ngành y tế phải học sáu năm, nếu học thêm chuyên khoa một, chuyên khoa hai nữa thì phải mất mấy năm nữa mới được hành nghề. Có phải thiệt thòi hơn các anh khác không. Khi ra công tác thì xã hội cứ nhăm nhăm nhìn vào khuyết điểm, hơi tý là phê bình, cảnh cáo hoặc cho thôi việc, chứ ít khi cất nhắc. Vậy nên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh có mấy người xuất phát từ ngành y đâu.
Tâm góp chuyện:
- Mình làm khoa học thì cứ đi sâu vào chuyên môn chứ mơ lãnh đạo chủ chốt làm gì. Cứ làm sao có nhiều bác sĩ giỏi là mừng.
- Anh nghĩ vậy cũng đúng, nhưng bác sĩ giỏi, chữa bệnh mãi rồi cũng phải tiến lên chứ. Anh biết không, sếp của mình vừa rồi trượt tỉnh ủy, cay lắm. Đó là cú sốc lớn với toàn ngành.
Tâm cười bảo:
- Nói vậy có quá không? Có chăng chỉ riêng giám đốc sốc chứ việc gì toàn ngành phải vậy. Tưởng đâu có một ổ dịch bùng phát lớn rồi lây lan nhanh thì cả ngành mới sốc chứ.
- Ôi giời, đúng là ông quân đội cứng nhắc, chẳng hiểu dân sự chúng tôi thế nào. Công nhận tôi nói toàn ngành thì cũng hơi quá, nhưng mà nhiều cán bộ trong ngành bị sốc. Trước hết vì họ thấy ngành mình không được tin tưởng như những ngành khác. Có ngành giới thiệu hai người đều trúng cả. Ngành mình hai người đều trượt cả. Vậy chẳng sốc thì sao. Với lại một số người chuẩn bị nhích lên thì bị chững lại, nên hẫng hụt. Sếp nhất mà vào tỉnh ủy, rồi vào thường vụ thì dứt khoát sếp sẽ tạt sang ủy ban tỉnh. Chỗ của sếp sẽ có người thay, chỗ của người thay ấy lại có người khác... Ôi giời chẳng khối người được lên chức ấy chứ. Thực ra chúng tôi cũng chuẩn bị phương án nhân sự hết rồi. Chết nỗi còn hai cái ông giời đánh nào đó lại không bỏ phiếu cho sếp mình, thế mới đau.
Cậu lái xe chỉ mủm mỉm cười, giờ mới xen một câu:
- Vừa rồi sếp mà vào tỉnh ủy thì anh em mình ăn đủ anh nhỉ?
- Ăn gì? Chú cứ nói đùa. Nói thế anh Tâm, Trung tá đây lại tưởng thật thì chết.
- Vâng, em nói đùa thôi. Có thể em cũng được theo sếp sang ủy ban tỉnh lái xe. Lái xe của ủy ban tỉnh cũng oách lắm. Còn anh, chắc mấy ông được nhích lên sẽ ơn anh suốt đời. Em thấy có người đã chuẩn bị hàng cân chè Thái Nguyên rồi đó.
Tâm nghĩ bụng: À thì ra họ sốc vì những chuyện ấy.
Qua đường quốc lộ chừng bảy cây số thì đến bệnh viện phong. Đoạn đường này còn gian nan hơn cả đường Trường Sơn. Bệnh viện đặt ở nơi này còn khuất nẻo hơn cả trạm quân y dã chiến. Chiếc xe U-oát dừng lại khi nhìn thấy dòng chữ trên tấm bảng gỗ treo ngang thân cây: “Khu điều trị phong Linh Sơn”. Cái tên này nghe dễ chịu hơn Bệnh viện phong. Một chiếc xe bò chắn ngang lối đi. Gọi là xe bò nhưng không có con bò kéo, mà cũng không có người kéo, trên xe cũng chẳng có gì. Thấy ô tô đến hai người từ trong chạy ra đẩy chiếc xe vào bên cạnh. Một cô mặc áo blu trắng vẻ hốt hoảng gọi:
- Anh gì ơi! Anh vào làm thủ tục nhập viện, chờ lâu quá rồi đấy!
Quanh đó chẳng thấy một người nào. Cô áo trắng vẫn cố gắng gọi. Mấy người trên ô tô đoán rằng người nhà của bệnh nhân chạy đâu đó, khiến cô y tá sốt ruột phải chạy ra cổng gọi. Một nam thanh niên nét mặt rất tươi bước nhanh đến cạnh ô tô, giọng niềm nở:
- Mời các thủ trưởng đi lối này ạ. Lối kia đi vào khu bệnh nhân.
Ô tô rẽ về bên phải đi chừng vài trăm mét nữa thì đến nhà làm việc của cán bộ, nhân viên. Vài người trong phòng chạy ra niềm nở bắt tay trưởng phòng và Tâm. Họ gọi các anh là thủ trưởng. Qua lời giới thiệu thì Tâm biết có một anh là phó giám đốc, là chỉ huy cao nhất ở đây. Còn lại mấy người kia đều là y sĩ và y tá. Chắc là họ cũng được báo trước nên cứ nhìn chằm chằm vào Tâm:
- Đây là thủ trưởng mới của chúng tôi phải không? Sếp nhanh chóng về đi. Anh em mong mỏi lắm.
Bất đắc dĩ Tâm hỏi lại:
- Vậy sếp trưởng của các vị đâu? Chả lẽ chỉ có phó thôi à?
- Sếp trưởng đã về hưu mấy tháng nay rồi. Chúng tôi cứ đợi và mong sếp trưởng mới nhanh về đấy.
Cô mặc áo blu trắng đã gặp ở cổng hớt hải bước vào. Dù có khách nhưng cô ta vẫn cứ xin phép:
- Báo cáo các anh, người đưa bệnh nhân đến bỏ về rồi, không làm thủ tục nhập viện.
- Cô tìm xung quanh chưa, nhỡ anh ta lạc lối đi đến trại giam thì sao?
- Em hỏi mấy người ngoài kia, họ bảo thấy anh ta đi ra đường lớn, vừa đi vừa chạy nữa.
- Sao lại thế nhỉ? Vậy người ấy bệnh tình sao?
- Cô ấy chỉ nằm khóc, không nói năng gì. Em hỏi mãi cô ta cũng không nói tên. Hỏi đến quê quán cô ta chỉ lắc đầu. Vậy nên em chẳng biết viết vào bệnh án thế nào.
- Thôi được. Cứ cho cô gái ấy vào phòng bệnh, khám và cấp thuốc cho cô ấy bình thường. Đợi vài hôm nữa có khi người nhà cô ấy quay lại.
Lúc đấy phó giám đốc bệnh viện đi từ ngoài vào. Chắc đã nghe được câu chuyện, như để cấp trên từ tỉnh xuống hiểu và thông cảm, phó giám đốc phân trần thêm:
- Đây là trường hợp thứ ba rồi các anh ạ. Người nhà đưa bệnh nhân đến đây coi như hết trách nhiệm. Hai trường hợp trước họ còn vào làm thủ tục nhập viện cho bệnh nhân, nhưng họ cho địa chỉ sai. Khi cần tìm theo địa chỉ về liên hệ thì không thấy. Thế là bệnh viện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sinh mệnh người bệnh đó. Nếu họ khỏi bệnh hoặc chẳng may mất đi thì cũng chẳng biết liên hệ với ai. Trường hợp này không biết người nhà có tệ đến mức ấy không. Hy vọng đến chiều hoặc vài ngày nữa người nhà bệnh nhân quay lại.
Tâm ngồi lặng thinh, ngỡ ngàng như lạc vào thế giới lạ. Khi nghe tiếng giục: “Anh ơi ta đi thăm khu điều trị”, Tâm mới choàng tỉnh dậy, bước theo mọi người.