Làm người, chúng ta cần giống như một cái va li, có thể nâng lên được và cũng có thể đặt xuống được, nếu chỉ có nâng lên thì quá nhiều gánh nặng và vất vả; nếu chỉ có đặt xuống thì khi cần dùng sẽ cảm thấy rất bất tiện. Cho nên, làm người lúc nào muốn nâng lên thì nâng lên, lúc nào muốn đặt xuống thì đặt xuống.
Chúng ta thường nghe người khác nói: buông, buông! Chúng ta đối với công danh phú quý không buông bỏ được, cuộc sống bị gói gọn trong công danh phú quý; chúng ta đối với buồn vui ly hợp không buông xuống được, ở trong buồn vui ly hợp đó mà giãy giụa đau khổ. Tiền bạc không thể buông xuống, danh vị không thể từ bỏ, tình cảm không thể buông, cho nên, chúng ta luôn sống với việc vật lộn trong tiền bạc, danh vị, tình cảm. Thậm chí có người đối với việc đúng sai cũng không thể buông ra được, đối với việc được mất, đối với việc thiện ác cứ ôm khư khư trong lòng. Bạn chìm trong việc đúng - sai, thiện - ác, được - mất, để rồi cảm thấy bất an.
Buông ra sẽ là một việc rất tốt, nhưng nắm giữ được lại càng khó hơn. Một người nếu cái gì cũng buông ra, thì cuộc sống của người đó rốt cuộc sẽ có cái gì? Vì thế, chính niệm, chính hành, chính ngữ, chính kiến, từ bi, đạo đức, thiện duyên và tinh thần thì cần giữ, không nắm giữ những điều đó thì giá trị và ý nghĩa của cuộc sống này sẽ nằm ở đâu?
Cho nên, Phật giáo khuyên con người nên biết cách buông bỏ, nhưng sau khi buông bỏ thì phải biết cách nâng lên; Phật giáo khuyên con người nên biết cách nâng lên, nhưng sau khi nâng lên thì phải biết cách buông xuống. Cái buông bỏ khó nhất của đời người chính là: gia đình, vợ con, người thân, của cải, v.v. vì thế con người mãi mãi sống trong đau khổ. Đạo Phật đôi khi khuyên chúng ta phải biết “buông”, không phải là không có lý.
Người lo cho nước, cho dân thì đối với những việc của quốc gia và nhân dân không thể buông bỏ được; người quan tâm đến sự an vui của xã hội thì đối với sự an vui của xã hội không thể buông bỏ được; người ủng hộ công lý, chính nghĩa, thì đối với việc trái công lý, chính nghĩa không thể nào làm ngơ, cho nên sẽ có sự phẫn nộ đối với những điều bất bình trong xã hội. Nhưng, giả như tất cả đều buông xuống, thì cũng không thể nào trở thành bậc thánh nhân quan tâm đến mọi nỗi khổ của nhân sinh. Cho nên, việc nâng lên hay đặt xuống cũng cần có quan niệm về giá trị, sau khi cân nhắc về giá trị nặng nhẹ, việc nâng lên hay đặt xuống, đều là hai mặt trong một vấn đề, đều quan trọng như nhau.
Bồ tát Địa Tạng đã gác lại công danh, lợi lộc ở trần gian mà đến địa ngục thuyết pháp độ chúng sinh; ngài Bồ tát Quán Thế Âm đã bỏ ngôi vị Bổ xứ Bồ tát ở thế giới Tây phương Cực lạc mà đến cõi Sa bà để cứu khổ cứu nạn. Trong kinh điển Phật giáo, có không ít kinh văn ca ngợi sự buông bỏ của người tu tập, nhưng đối với người hành trì đạo Bồ tát lại còn được ca ngợi nhiều hơn.
Trong lòng của mỗi người nếu sự sân hận đố kỵ, bi ai, khổ não, trở thành gánh nặng quá lớn, thì nên buông xuống; đối với trách nhiệm công lý, tâm nguyện từ bi, thì nên giữ lấy. Mọi thứ đều đặt xuống chưa hẳn đã là tốt, giữ lấy cũng không hẳn là không tốt. Tóm lại, vẫn là một câu nói: Làm người, cần phải giống như chiếc va li, lúc nào muốn nâng lên thì bạn nâng lên được, lúc nào muốn đặt xuống thì bạn cũng có thể đặt xuống được.