Người Trung Hoa có câu: “Lễ nhiều người không trách”, thực ra “lễ nhiều người sẽ trách”.
Khi người giúp việc chăm sóc người chủ quá mức, người chủ sẽ thấy bị làm phiền không chịu nổi. Vợ chồng sống với nhau, lễ tiết quá nhiều chưa hẳn là làm tăng được tình cảm. Tôi là một nhân viên công chức, các bạn thường tặng quà và kèm phong bì cho tôi, điều đó đã tạo nên sự khó xử trong công việc của tôi. Vào các dịp lễ tết, bạn bè thân hữu thăm hỏi lẫn nhau, nếu bạn mang nhiều quà đến, sau đó tôi cũng phải đáp lễ, vì thế lễ quá nhiều người ta sẽ trách móc!
“Lễ nhiều người không trách”, là ở trong phạm vi hữu hạn nào đó thì có thể tạm gọi là hợp tình hợp lý. Lễ cần phải phù hợp thì người mới không khiển trách. Có một số lễ trở thành giả dối, có một số lễ trở thành rườm rà, có một số lễ vượt quá chuẩn mực, có một số lễ không cần thiết và không nên dùng, vì vậy lễ nhiều người cũng sẽ khiển trách.
Trung Hoa được xem là “đất nước của lễ nghi”. Kết hôn có hôn lễ, người cao tuổi có lễ mừng thọ, tế tự có lễ tế tự, ma chay có lễ an táng. Bất luận là lễ gì, đều cần có kính lễ, cần có lễ nghi, nếu không phù hợp với các phép tắc thì có lễ cũng như vô lễ.
Có người khi đã làm sai việc gì thì họ liền nói: “Tôi đã thất lễ rồi”. Lễ không quan trọng ở việc nhiều hay ít mà quan trọng là biết đặt lễ phép lên hàng đầu, biết lịch sự nhã nhặn với nhau, biết giữ lễ qua lại; lễ chính là mô phạm, chuẩn tắc cho hành vi của con người, vì vậy cần phải có học thức thì mới biết phép lịch sự.
Con người trong xã hội xã giao với nhau luôn lấy lễ làm đầu. Ví dụ mừng thọ thường dùng câu chúc “như cương như lăng” (như gò như đồi) hay “tùng bách trường xuân” (sống lâu như cây tùng, cây bách). Chúc mừng kết hôn thường sử dụng câu chúc “tài tử giai nhân” (trai tài gái sắc) hay “mỹ mãn nhân duyên” (hôn nhân mỹ mãn). Chúc mừng nhà mới thì sẽ dùng các câu chúc “mỹ luân mỹ hoán” (vừa đẹp vừa to), “phượng thê cao ngô” (phượng đậu cây ngô đồng cao). Chúc mừng người mới chuyển nhà, thì sẽ nói “địa linh nhân kiệt” (người giỏi đất thiêng), “Mạnh mẫu di phong” (nếp sống của Mạnh mẫu). Chúc mừng người kinh doanh thì dùng “đại nghiệp thiên thu” (nghiệp lớn nghìn đời) hay “phúc quốc lợi dân” (phúc nước lợi dân). Chúc mừng người làm công nghiệp thì nên nói “công nghiệp kiến quốc” (công nghiệp xây dựng đất nước). Những trường hợp khác, chẳng hạn như: khai trương trường học, bệnh viện, khách sạn, quán trà, cho đến trúng cử đại biểu nhân dân, chúng ta cũng nên chúc mừng một cách lịch sự. Nếu như những người thân quen, có những việc như thế mà ta không chúc mừng thì thật là thất lễ.
Lịch sự quá độ sẽ trở thành lễ nghi rườm rà, tạo gánh nặng cho người khác. Do đó, “lễ nhiều” không nhất định là “người không trách” mà “lễ nhiều” người cũng “sẽ trách”. Lễ vật quá lớn người ta không dám nhận. Lễ quá sơ sài thì đối với người không có đủ sự cung kính. Lễ nhiều, người khác sẽ cảm thấy phiền phức. Lễ quá ít người khác sẽ trách.
Lễ! Thực sự rất khó để dùng đúng cách. Cho nên, chỉ cần phù hợp với đạo lý và có thái độ tôn trọng chính là có lễ.