Quy tắc của cuộc sống là gì? Làm việc tốt là quy tắc của cuộc sống, thành thật là quy tắc của cuộc sống, tín nghĩa là quy tắc của cuộc sống, nhân từ là quy tắc của cuộc sống. Bất cứ việc gì phù hợp với phẩm chất đạo đức đều là quy tắc của cuộc sống.
Chúng ta từ lúc sinh ra cho đến khi biết chuyện, đã được cha mẹ, người thân dạy về quy tắc của cuộc sống. Khi vừa mới đi học, chúng ta lại được thầy cô dạy về quy tắc của cuộc sống. Bước chân vào xã hội, chúng ta cũng cần dựa vào quy tắc của cuộc sống để cư xử, nếu không việc làm người thật sự khó khăn.
Tàu hỏa cần có đường ray mới có thể lăn bánh an toàn; ô tô cũng cần tuân thủ luật giao thông mới có thể di chuyển an toàn. Từ máy bay trên không, cho đến tàu trên biển cũng phải có tuyến đường nhất định mới có thể giữ an toàn cho nhau. Con người nếu không có quy tắc sống, thế nào cũng xảy ra sai lầm ở con đường phía trước.
Ở một đất nước văn minh, để thực hiện được quy tắc của cuộc sống, từ nhỏ một đứa trẻ đã được cha mẹ giáo dục nhân cách từ việc mặc áo, ăn cơm. Trong nhà Phật, một người bắt đầu học đạo, cũng được dạy những điều trong cuộc sống từ cách đi đứng nằm ngồi, giúp họ dần tiếp cận với Phật pháp. Một người, nếu trong bữa cơm ăn ngấu ăn nghiến thì người đó không hiểu lễ nghi. Màu sắc và kiểu dáng y phục của một người không phù hợp cũng biểu hiện người ấy không biết gì về quy tắc của cuộc sống.
Người ta thường nói: Ngồi có dáng ngồi, đứng có thế đứng; đi có cách đi, đứng thẳng cũng có quy cách đứng thẳng, những chi tiết này đều là từ quy tắc của cuộc sống, nó được nuôi dưỡng trong lễ nghĩa liêm sỉ mà ra. Bước chân vào xã hội, chúng ta cần lễ phép trong cách cư xử với người khác, từ trong lời ăn tiếng nói và thậm chí một cái bắt tay, gật đầu, đều cần có chuẩn mực.
Khi chúng ta bước vào xã hội, là nhân viên làm việc trong các cơ quan nhà nước, sẽ có quy tắc của nhân viên. Công nhân trong công xưởng, có quy tắc của công nhân. Kinh doanh trong cửa hàng, có quy tắc của thương nhân. Ví dụ như: Thương nhân không phân biệt già trẻ, công nhân gia tăng sản xuất cho đất nước, nhân viên nhà nước thanh liêm chính trực, nhân viên y tế chăm người bệnh như người thân, đó đều là quy tắc của cuộc sống.
Có một số người coi cuộc đời như trò chơi, tự mình hưởng thụ, hại người ích mình, ăn uống hoang lạc, cho đó là chuẩn tắc hành vi cuộc sống của họ. Mặc dù họ cũng có thể sống bảy mươi, tám mươi tuổi, hết một đời người, nhưng cuối cùng họ không có lợi ích gì cho đời, vì không có quy tắc sống.
Khi quản lý đất Nghiệp, Tây Môn Báo1 đã không sợ cường quyền mà lấy sự dũng mãnh, cương trực làm quy tắc hành sự để trị quốc. Đại Vũ trị thủy, đi qua nhà ba lần nhưng ông không vào. Ông đã bỏ tình nhà mà giữ lấy nhiệm vụ của mình để cứu giúp nhân dân. Đây là nguyên tắc thực hiện nhiệm vụ của Đại Vũ.
1 Thời Ngụy Văn Hầu (403 TCN - 396 TCN), nước Ngụy có một nhà chính trị rất nổi tiếng là Tây Môn Báo. Ông nổi tiếng là người thanh liêm. Tây Môn Báo về nhậm chức huyện lệnh ở Nghiệp Thành, huyện này nổi tiếng mê tín, hàng năm mỗi lần tổ chức lễ cưới vợ cho Hà Bá, dân làng sẽ bắt một cô gái trẻ ném xuống sông. Tây Môn Báo đã không sợ cường quyền uy hiếp, mà phá tan các hủ tục mê tín của huyện Nghiệp.
Trong lịch sử, có không ít lão trung thần khi dâng lời khuyên can lên hoàng đế, liền bị hoàng đế lệnh cho người lôi ra ngoài chém đầu. Nhưng ngay lúc đó, lão trung thần vẫn bình tĩnh nói: “Đợi lão thần nói hết lời, bệ hạ chém vẫn không muộn”. Trung trinh, chính trực là quy tắc sống của những lão trung thần. Phụ nữ vì giữ gìn danh tiết, đứng giữa ngưỡng cửa sinh tử, họ thà chết để giữ tiết hạnh chứ không chịu bị áp bức lăng nhục, đây là quy tắc sống của người phụ nữ.
Chính phủ vì sao phải thiết lập Viện Lập pháp? Chính là muốn lập chuẩn mực đúng sai trong hành xử của toàn dân. Cảnh sát mỗi ngày bôn ba vất vả, cũng là vì chấp hành những chuẩn mực đúng sai của xã hội.
Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều người giữ gìn quy tắc sống của chính mình, nên chấp nhận chịu thiệt, chịu khổ, hy sinh, gặp khó khăn, vui vẻ chịu đựng, họ là vì lấy quy tắc sống đặt lên trên lợi ích cá nhân. Trong xã hội có rất nhiều kẻ xấu lưu manh làm điều xằng bậy, họ quên mất những chuẩn tắc cuộc sống. Thế nhưng, quy tắc cuộc sống sau cùng cũng có nhân quả báo ứng, thậm chí bạn có thể trốn tránh được những chế tài pháp luật nhưng không thể nào tránh khỏi báo ứng nhân quả. Bởi vậy, quy tắc của cuộc sống không phải là rất quan trọng hay sao?