Đức Phật có khiển trách người khác hay không, có mắng người khác hay không? Đáp án chắc chắn là có rồi!
Khi khiển trách người, Đức Phật sử dụng những lời, như là: “Ông là người không biết xấu hổ”, “Ông là người không biết khổ não”, “Ông là người không biết từ bi”, “Ông là người ngu si”, “Ông là người làm việc sai lầm”, đó đều là nghệ thuật khiển trách của Đức Phật.
Trong sách Phật quang thái căn đàm có viết: “Trách người phải khiến cho người chịu lắng nghe”. Nếu có thể làm cho mọi người đón nhận được lời chỉ dạy của bạn, thì bạn mới có thể đạt được mục đích và lời khiển trách đó mới có ý nghĩa. Khi khiển trách ai đó, chúng ta nhất định phải xem trọng nghệ thuật ngôn từ. Cha mẹ dùng lời nói khích lệ dành cho con cái thay cho lời khiển trách. Giáo viên dùng lời nói chỉ dẫn, gợi ý cho học sinh để thay cho lời khiển trách. Vợ chồng chung sống với nhau dùng lời nói ôn hòa thay cho lời trách móc. Giám đốc dùng sự vất vả của bản thân để biểu hiện sự khiển trách đối với nhân viên.
Để sự khiển trách có hiệu quả và phát huy được công dụng, chúng ta cần sử dụng nghệ thuật ngôn từ, nếu thiếu điều đó sự khiển trách không thể nào đạt được mục đích. Từ bi, thiện ý, khen ngợi, thành khẩn, thực sự là nghệ thuật tối cao trong việc khiển trách.
Nước nhỏ muốn khiển trách nước lớn, lại không dám trách móc nước lớn không tốt, chỉ dám nói: “Xin ngài lượng thứ, nước của tôi không mạnh bằng nước ngài, không quyền thế như nước ngài, không có tiếng nói lớn như nước ngài”. Đó chính là nghệ thuật khiển trách. Thuộc hạ trong lòng có bất bình với quan lớn, nếu muốn thể hiện sự trách móc, liền nói rằng: “Quan lớn, tôi chỉ là một tiểu binh tiểu tốt, tôi nói chuyện với họ lời nói không có trọng lượng như ngài nói với họ”. Đó cũng là nghệ thuật khiển trách.
Còn có những cách chê trách khác, chẳng hạn như đối với kẻ theo sau người khác dựa thế bắt nạt mọi người, người ta sẽ nói: “Ngươi thực sự đã tìm đúng ông chủ chống lưng rồi đấy”. Đối với một số người ỷ mình giàu có quyền thế, người ta sẽ dùng lời chê bai: “Nay đâu phải như xưa đâu”. Đối với những vị anh hùng hảo hán, người ta sẽ nói: “Bạn thực sự không có ai sánh bằng”. Chê bai một người do nịnh nọt mà thành công, có thể nói: “Bạn chỉ cần cười cười, nói nói thôi là đủ thành công rồi”.
Cách giáo dục trong Thiền môn rất đặc sắc, đó là không nói thẳng ra. Rất nhiều lời nói không cần nói quá rõ ràng, không cần nói thẳng ra, vì ý nằm ngoài lời nói, âm thanh thì nằm ngoài dây đàn, nói qua đã hiểu, đó mới là nghệ thuật khiển trách.
Dí dỏm hài hước cần phải có trí tuệ, khiển trách cũng cần có trí tuệ. Có một ông chủ mời một vị giáo sư tới nhà chơi, mỗi ngày ba bữa ăn chỉ mời khách ăn cơm với củ cải, vị giáo sư ăn đến chán. Một ngày nọ, đang lúc dùng cơm, ông chủ đề xuất làm văn thơ đối ngẫu để giải trí, giáo sư khen ngợi không hết lời1.
1 Câu chuyện này sử dụng các từ đồng âm khác nghĩa để đối đáp. Từ “củ cải”, chũm chọe”, “vải lụa” đều có âm đọc là “Luōbó”.
Ông chủ nói: “Rau xanh”; giáo sư đáp: “Củ cải”.
Ông chủ nói: “Chuông, trống”; giáo sư đáp: “Chũm chọe”1.
1 Chũm chọe là những tấm hợp kim hình tròn. Có một lỗ khoan ở trung tâm được sử dụng để treo chũm chọe trên một giá đỡ hoặc buộc dây đai. Xung quanh lỗ khoan là một phần nhô lên thường gọi là núm hay chuông.
Ông chủ nói: “Lụa gấm”; giáo sư đáp: “Vải lụa”.
Ông chủ nói: “Ước Hàn”2; giáo sư đáp: “La Bá”3.
2 Ước Hàn là tên của Thánh Gioan hay Gioan Tông đồ. Theo Kinh Tân ước, ông là một trong mười hai tông đồ của Chúa Giêsu.
3 La Bá là nghệ danh của nhà âm nhạc Roland Kent LaVoie.
Cuối cùng, ông chủ tức giận nói: “Tôi đã đưa ra bao nhiêu là cặp đối khác nhau như thế, sao ông đưa ra vế đối toàn là âm ‘củ cải’. Vị giáo sư liền đáp: ‘Tôi mỗi ngày ba bữa đều ăn củ cải, trong lòng tôi đương nhiên là chỉ nghĩ đến củ cải mà thôi’. Sau lần đối đáp đó, bữa cơm của vị khách cuối cùng đã được cải thiện tốt hơn.
Có lúc “nói bóng nói gió”, có lúc “dùng lời nói hàm ý”, có khi “không cần nói thẳng”, cũng có khi “dùng lời khen ngợi để mắng”. Tóm lại, muốn đạt được sự cải thiện, muốn đạt được mục đích, việc khiển trách cần xuất phát từ thiện ý, từ bi, thành khẩn, khích lệ, thì không có gì là không thể.