Đời người cần phải không ngừng ghi nhớ bài học kinh nghiệm được rút ra từ những lần thất bại, như thế thì mới có thể không ngừng tiến bộ.
Một đứa trẻ trước tiên phải học bò, sau đó mới học đi. Một đứa trẻ dũng cảm trong lúc tập đi nếu bất cẩn bị ngã, nó sẽ tự mình bò dậy và sẽ ghi nhớ bài học từ việc ngã hết lần này đến lần khác, dần dần nó sẽ học được cách đi. Người già đi lại không tiện, nên tay phải chống gậy và đi từng bước một, nếu biết ghi nhớ những bài học đó các cụ sẽ không dễ gì bị ngã.
Có người nói rằng: “Bị lừa là học cái khôn mới”. Vậy mà có người bị lừa nhưng vẫn không thể rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân mình, bởi vì người đó không nhớ bài học kinh nghiệm sau những lần thất bại. Vốn dĩ thất bại là mẹ thành công, thế nhưng khi đã trải qua thất bại mà không thể đạt được thành công chính là vì họ không nhớ những bài học kinh nghiệm từ những lần thất bại. Ông Tôn Trung Sơn1 khi làm cách mạng đối với nhà Mãn Thanh, vì ông có thể ghi nhớ những bài học thất bại nên đã thành công khai sinh ra nước Trung Hoa Dân Quốc.
1 Tôn Trung Sơn là một chính khách, triết gia chính trị và bác sĩ người Trung Hoa, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ triều đại nhà Thanh và khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc.
Ta có thể thấy rõ những vị vua làm mất nước qua các triều đại chỉ vì họ không ghi nhớ những bài học thất bại, cho nên khi nước đã mất rồi mà họ vẫn không biết nguyên cớ làm sao. Sau khi làm mất nước có người hỏi Hậu chủ Lưu Thiện1 rằng: “Ông có nhớ cố quốc không?” Lưu Thiện đáp: “Ở đây an vui, tôi không nhớ về cố quốc của mình!” Loại người coi nhẹ mối hận mất nước như Lưu Thiện thì có thể làm nên được trò trống gì? Việt Vương Câu Tiễn2 vì để phục quốc mà đã nằm gai nếm mật, ghi nhớ bài học kinh nghiệm, cho nên cuối cùng đã trả được mối thù mất nước và rửa được nỗi nhục làm nô lệ.
1 Hậu chủ Lưu Thiện là vua nước Thục Hán, sau khi nước Thục Hán diệt vong, nước Ngụy lên thay. Triều đình nhà Ngụy phong cho ông làm An Lạc huyện công ở kinh đô Lạc Dương. Lưu Thiện ở nước Ngụy làm quan và xem mình như thần dân của Ngụy, quên luôn mối hận mất nước.
2 Việt Vương Câu Tiễn là vua nước Việt, thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Sau trận đánh ở Cối Kê, Câu Tiễn bị bắt về nước Ngô và chịu nhiều tủi nhục. Sau khi được Phù Sai là vua nước Ngô thả về bản quốc, Câu Tiễn rèn chí phục thù bằng cách nằm ngủ trên cỏ gai và thường xuyên nếm vị đắng của túi mật. Người đời sau dùng câu chuyện “nằm gai nếm mật” để chỉ cho những người không ngại khó khăn, biết rèn luyện ý chí đợi ngày thành tựu.
Trên thế giới này, có được mấy danh nhân thành công trên thương trường mà không phải trải qua đôi ba lần thất bại. Người thuận buồm xuôi gió trên đời này có được mấy ai? Người từ trong thất bại mà có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho mình để có được thành công, những người như thế số lượng ngày một nhiều.
Nước Tề nhờ “không quên nỗi nhục ở thành Cử”, cuối cùng mới có chuyện “Điền Đan1 giành lại nước”. Sự thành công đó chính là minh chứng cho việc nhờ ghi nhớ bài học kinh nghiệm từ thất bại. Trái lại, ngay như Tần Thủy Hoàng - một người tài trí mưu lược hơn người, sau khi thôn tính sáu nước chư hầu thống nhất Trung Hoa, nhưng vì ông không ghi nhớ bài học kinh nghiệm dẫn tới nước Tần bị diệt vong, tạo ra thế “Sở - Hán phân tranh”, cuối cùng đành nuốt hận mà mất nước. Đúng như lời Đỗ Mục từng nói: “Không phải Tần Thủy Hoàng tiêu diệt sáu nước mà là sáu nước tự tiêu diệt lẫn nhau; điều khiến cho nhà Tần mất nước cũng không phải là vì nước Sở và nước Hán mà vì nước Tần tự diệt chính mình”. Do các nước đều không nhớ bài học kinh nghiệm, cho nên đành phải ôm hận.
1 Điền Đan là danh tướng nước Tề thời Chiến Quốc, trong lịch sử Trung Hoa. Ông có công đánh đuổi quân Yên, khôi phục nước Tề vào đầu thế kỷ III TCN.
Lịch sử là một tấm gương phản chiếu cho chúng ta, chúng ta có sự hưng vong trong lịch sử làm gương. Vậy chúng ta có thể lấy bài học từ lịch sử làm điều răn dạy hay không? Một quốc gia có thể lấy lịch sử làm bài học kinh nghiệm cho mình thì quá trình xây dựng đất nước chắc chắn sẽ thành công; người dân có thể lấy lịch sử làm bài học cá nhân cho mình ắt sẽ công thành danh toại.
Cho nên, một đất nước lớn mạnh, cần phải phát huy nền lịch sử nước nhà; sự thành công của đời người cũng cần xem trọng lịch sử của bản thân. Lịch sử không cho phép có điểm sai lầm; đời người không cho phép có thất bại; dù có thất bại, cũng phải ghi nhớ bài học kinh nghiệm từ việc thất bại đó, như thế mới có thể thành công, nếu không sẽ không thể nào cứu chữa được.