Nhà thơ, nhà triết học Ấn Độ Tagore nói rằng: “Chúng ta đang tồn tại là nhờ vào một phép màu vĩnh hằng, đó chính là sinh mệnh”.
Nói đến sinh mệnh, ta hiểu là bao gồm cả “sinh” và “tử”. “Sinh” dĩ nhiên là “sinh mệnh”, còn “tử” thì sao? “Tử” cũng chính là “sinh mệnh”. Bởi vì đã có sinh ắt sẽ có tử, đã có tử ắt sẽ có sinh, sinh tử chính là hai mặt của một bản thể, sự sống và cái chết luôn luân chuyển và thay đổi trong con sông thời gian dài vô tận. Đúng như trong Chiến Quốc sách, Phạm Thư đã nói rằng: “Tài giỏi thông minh như Ngũ Đế1 cũng phải chết; nhân nghĩa như Tam Vương2 cũng phải chết; tài đức vẹn toàn như Ngũ Bá3 cũng phải chết; lớn mạnh như Ô Hoạch4 cũng phải chết; gan dạ như Bí Dục5 cũng phải chết”.
1 Ngũ Đế là năm vị quân chủ huyền thoại của Trung Hoa cai trị trong khoảng từ năm 2852 TCN tới 2205 TCN.
2 Tam Vương, chỉ cho ba vị quân chủ của thời kỳ nhà Chu trong lịch sử Trung Hoa.
3 Ngũ Bá, chỉ đến năm vị bá chủ thời kỳ Xuân Thu trong lịch sử Trung Hoa.
4 Ô Hoạch là một dũng sỹ nước Tần thời Chiến Quốc. Tương truyền ông có sức khỏe vô địch, có thể nhấc được vật nặng nghìn cân.
5 Bí Dục là danh xưng của hai dũng sỹ thời kỳ Chiến Quốc là Mạnh Bí và Hòa Dục.
“Chết” là một việc mà bất kỳ ai cũng không thể tránh được. Trong kinh điển chia vấn đề chết thành bốn loại: Một là hết tuổi thọ mà chết, hai là hết phúc mà chết, ba là chết ngoài ý muốn, bốn là tự nhiên mà chết. Tuy nhiên, chết không phải là sự kết thúc hoàn toàn, cũng không phải là an giấc ngàn thu, càng không phải là hóa thành tro bụi, thành vô tri vô giác, mà chết là việc đi ra khỏi cánh cửa này để đi vào một cánh cửa khác, từ hoàn cảnh này chuyển sang một hoàn cảnh khác. Đi qua cửa tử, con người có thể đến một thế giới tâm linh tốt hơn. Do đó, đối với quan niệm về cái chết, trong kinh Phật có rất nhiều ví dụ mang tính tích cực, như: Chết giống như ra khỏi ngục, chết giống như được tái sinh, chết giống như được tốt nghiệp, chết giống như việc chuyển nhà, chết giống như thay áo, chết cũng chính là thay cũ đổi mới.
Ngoài ra, Tịnh độ tông nói chết chính là vãng sinh, đã là vãng sinh thì giống như đi du lịch nước ngoài hoặc chẳng khác gì việc chuyển nhà đến chỗ tốt hơn. Như vậy, chết không phải là việc đáng mừng hay sao? Thật ra, chết chỉ là một sự chuyển đổi giai đoạn, là sự bắt đầu cho việc ký gửi sinh mệnh này vào một thân thể khác. Sinh và tử vốn là một bản thể, sở dĩ gọi là “sinh mệnh bất tử” chính là vì trong sinh mệnh có mối quan hệ về “nghiệp”. Con người vốn đã có sinh mệnh từ quá khứ và kéo dài đến kiếp này, sinh mệnh từ kiếp này lại tiếp tục kéo dài đến tương lai.
Nghiệp lực giống như một sợi dây, nó kết nối các phân đoạn sinh tử từ đời này sang đời khác, giữa sinh và tử chúng đều có mối liên hệ với nhau, nó không mất đi và cũng không thiếu hụt chút nào. Nghiệp lực quyết định nơi tái sinh của con người, cho nên mới nói rằng: “Muốn biết nhân đời trước, thì xem quả đời nay; muốn biết quả tương lai, thì xem việc đời này”, vì thế “làm việc thiện không tạo điều ác” chính là nền tảng cơ bản giúp con người chuyển hóa nghiệp của chính mình.
Tưởng Trung Chính đã nói: Ý nghĩa của cuộc sống là tạo ra cuộc sống tiếp theo từ vũ trụ; mục đích của cuộc sống là nâng cao cuộc sống của toàn thể nhân loại. Sinh mệnh là một phạm trù không có điểm khởi đầu và cũng không có điểm kết thúc, sinh mệnh là không có trong cũng không có ngoài. Vậy, vì sao con người sợ chết, là vì họ cho rằng sự sống là cái có thể nhìn thấy được mà chết là hết, cho nên thật đáng buồn khi phải chết!
Thực chất, sinh mệnh của con người cũng giống như cốc nước hay tách trà bị đổ đi khó mà thu hồi như cũ được. Nước chảy trên bàn hay chảy xuống đất vẫn có thể dùng khăn để lau, rồi vắt ngược trở lại vào cốc trà; nhưng dù làm cách nào đi nữa thì tách trà cũng không thể phục hồi được lượng nước như ban đầu, nhưng riêng đối với dòng nước sinh mệnh thì đến một giọt cũng không mất đi.
Cảnh giới “Niết bàn tịch tĩnh” của Phật giáo được miêu tả rất đẹp: Không sinh không tử, không sinh cũng không diệt; sinh mệnh chân chính là sinh mệnh vượt qua cả vô thường, vượt qua cả vô ngã. Ví như bọt trắng trên những ngọn sóng mà ta nhìn thấy là của nước biển hay là của ngọn sóng? Từ quan điểm của sự giác ngộ mà nói, có gió ắt sóng sẽ nổi, không có gió thì mặt nước sẽ yên ả, sau những biến động thì tất cả sẽ quay về với trạng thái tĩnh lặng. Giống như việc đã nói ở trên, một cốc nước, một tách trà khi đã đổ đi thì không thể nào khôi phục như cũ, nhưng nước vẫn còn tồn tại; lại giống như việc bó củi cháy, lửa từ các cành củi lan ra cháy mãi không tắt, cho nên bản thể sinh mệnh là cái không hề mất đi. Mọi người đều có một sinh mệnh bất tử, đó chính là “pháp thân” cũng gọi là “Phật tính”.